Trần Văn Tân (VNTB) Năm
2011 nhà xuất bản Thời Đại Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây cho xuất bản đầu
sách: Đạo Cao Đài & Victor Hugo do nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Thu Dung viết.
Cuốn sách tham khảo 49 đầu sách tiếng Anh,
Pháp và 24 đầu sách tiếng Việt. Những tưởng với sự đầu tư tham khảo như vậy,
sách sẽ có chất lượng về mặt nghiên cứu, học thuật, theo như lời tựa mà ban
biên tập đề ra: Cuốn sách nầy ra đời nhằm giúp bạn đọc hiểu được nguyên nhân
phong thánh của nhà văn thiên tài nầy và một phần sự phát sinh Đạo Cao Đài ở Việt
Nam.
Tuy nhiên, cuốn sách này phạm những lỗi không đáng có, từ
thực chứng cho đến những nhận định về con người, sự kiện lịch sử liên quan đến
đạo Cao Đài.
Những sai sót cơ bản
Ví dụ, tác giả viết “Tòa Thánh Tây Ninh chính là Vatican
hay là Thánh địa của đạo Cao Đài. Trong Tòa Thánh trung ương này, ngay lối vào
treo một bức tranh to rộng vẽ chân dung của ba vị thánh Victor Hugo, Nguyễn Bỉnh
Khiêm và Tôn Dật Tiên” (trang 66 dòng 9) nhưng thật chất, tranh ba vị thánh
không phải được “treo” mà được vẽ thẳng vào vách tường, bao quanh là hoa văn
trang trí và bóng đèn để chiếu sáng.
Tác giả cho rằng, “Theo Cao Đài bức tranh tam thánh miêu tả
ba vị trên đang cùng nhau với Đấng Cao Đài xin Thượng Đế cho phép ân xá lần thứ
ba để cứu độ nhân chúng. Hiệp ước thỏa thuận xin lập đạo Tam kỳ Phổ độ. Ba ông
ký chịu trách nhiệm trước Thượng Đế trách nhiệm dìu đắt con người đi theo con
đường của Đấng Cao Đài dạy bảo” (trang 66).
Nhưng Giáo lý ĐĐTKPĐ dạy rõ: Ngọc Hoàng Thượng Đế (Trời) tá
danh Cao Đài khai mở ĐĐTKPĐ. Như vậy, Thượng Đế chính là Đấng Cao Đài. Vậy thì
làm sao có việc Đấng Cao Đài xin Thượng Đế cho phép ân xá lần thứ ba?
Nữa là, Đấng Cao Đài mở ĐĐTKPĐ năm 1926 thì sau đó mới có
việc Tam Thánh đại diện cho nhân loại ký hòa ước với Đức Chí Tôn (góc phải bên
dưới bức tranh có ghi Tòa Thánh 1947 - Họa Sĩ Lê Minh Tòng). Nghĩa là có ĐĐTKPĐ
rồi nhiều năm sau mới có bức tranh Tam Thánh ký hòa ước, hoàn toàn không có việc
Tam Thánh xin lập đạo Tam kỳ Phổ độ.
Sai thứ ba là, Thượng Đế tá danh Cao Đài để hoằng khai Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (06 chữ) hay Đạo Cao Đài (03 chữ). Hiến Chương năm 1965 Hội
Thánh Cao Đài ghi rõ tại điều thứ nhất: Danh hiệu là: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, gọi
tắt là (Đạo Cao Đài).
Danh hiệu 06 chữ ĐĐTKPĐ là danh hiệu một tôn giáo do Đấng
Cao Đài lập ra. Đấng Cao Đài (là Trời) có trước rồi mãi về sau mới có
ĐĐTKPĐ.
Đấng Cao Đài lập ra ĐĐTKPĐ chớ chẳng phải ĐĐTKPĐ lập ra Đấng
Cao Đài. Cho nên người có hiểu biết tường tận viết ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài chứ
không bài giờ viết ngược lại là Đạo Cao Đài hay ĐĐTKPĐ. Nói rõ như vậy để thấy
rằng không có tôn giáo nào có danh hiệu đạo Tam kỳ Phổ độ như tác giả viết.
Chưa kể, tác giả tìm cách xuyên tạc Tân Luật khi tại trang
45, tự tiện thêm vào câu “cấm quan hệ tình dục”, dù rằng, Tân luật Phần Đạo
pháp không có câu đó, giáo lý đạo Cao Đài không có khoản nào kêu gọi người đạo
phải tuyệt dục hay diệt dục.
“Thượng thừa cao hơn hạ thừa, bao gồm tất cả những ai cống
hiến cuộc đời cho đạo như các chức sắc và các tín đồ, họ bắt buộc ăn chay trường,
mặc quần áo theo sắc phục qui định của đạo và cấm quan hệ tình dục.” (trang
45)
Tại trang 48: “Hộ Pháp Phạm Công Tắc không thừa nhận cơ bút
chỉ định Nguyễn Ngọc Tương thay Lê Văn Trung làm Giáo tông. Nguyễn Ngọc Tương bỏ
về Bến Tre lập Ban Chỉnh Đạo.”
Rồi trang 79, 80 lại nhấn mạnh: “Phủ nhận phong sắc Giáo
tông cho Nguyễn Ngọc Tương. Vì thế ông đã từ bỏ Tây Ninh về Bến Tre lập đạo.”
Sự thật là ông Tương tách khỏi Tây Ninh rồi sau đó mới cầu
cơ ở Bến Tre tự thăng lên Giáo Tông của Ban Chỉnh Đạo. Cả hai đều sai với sự thật.
Trang 102 ghi rằng: “Nguyễn Văn Tương (tín đồ đầu tiên và
được tấn phong Thượng Đầu Sư sau bỏ ra làm Giáo Tông Ban Chỉnh Đạo Cao Đài Bến
Tre)... đã hé một phần sự thật: sau bỏ ra làm Giáo Tông Ban Chỉnh Đạo Cao Đài Bến
Tre.”
Nhưng lại sai ở hai điểm khác, một là chữ lót của ông Tương
là chữ Ngọc (còn chữ Văn là Ngài Thượng Chưởng Pháp: Nguyễn Văn Tương. Cả hai
ông cùng có thánh danh là Thượng Tương Thanh). Thứ hai Ông Nguyễn Ngọc Tương được
tấn phong Chánh Phối Sư phái Thượng. Khi Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt
lên Giáo Tông Ngài Tương mới được phong Thượng Đầu Sư).
Trang 177 dòng 10: Được bầu thay thế Giáo tông Lê Văn
Trung, nhưng bị lật đổ và cấm vào Tòa Thánh Tây Ninh. (Phụ lục về Nguyễn Ngọc
Tương).
Sự thật là ông Tương lật đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng
Trung Nhựt không được rồi mới lui về Bến Tre hiệp với ông Lê Bá Trang (Chánh Ngọc
Phối Sư lên Chưởng Pháp phái Bến Tre) lập ra chi phái Bến Tre (Ban Chỉnh Đạo).
Sau đó ông Tương mới tập hợp số người ủng hộ ông bầu ông làm Giáo Tông của chi
phái Bến Tre.
Sau đó Ông Lê Bá Trang mất ông Trang đưa về Tòa Thánh Tây
Ninh. Ông mặc thiên phục theo phẩm Giáo Tông của chi phái Bến Tre vào Đền Thánh
để hợp thức hóa phẩm mới của ông. Ban nghi lễ và trật tự phát hiện yêu cầu ông
phải mặc thiên phục đúng hàng phẩm; ông từ chối không vào chớ chẳng có ai cấm
ông vào Tòa Thánh được hết.
Về nguyên tắc phẩm trật chức sắc là do thiêng liêng ban thì
chỉ có thiêng liêng mới có quyền rút phẩm. Thiêng liêng chưa xuống lịnh rút phẩm
lại thì không một quyền nào có thể cấm họ mặc thiên phục vào đảnh lễ Đức Chí
Tôn cả.
Tóm lại, do ông Tương không chịu mặc thiên phục đúng hàng
phẩm để kỉnh lể Đức Chí Tôn nên không được vào chớ chẳng có ai cấm ông Tương hết.
Tác giả không hiểu nên viết cấm ông Tương vào Tòa Thánh là oan cho đạo.
Bịa ra nhân vật để bôi xấu hộ pháp Phạm Công Tắc
Nhà nghiên cứu Trần Thu Dung tác giả cuốn sách Đạo Cao Đài
& Victor Hugo viết:
....Vidal càng trở nên thân tín và chỉ đạo Hộ Pháp Phạm Công
Tắc, khi kết hôn Phạm Thị Tốt – con gái của Phạm Công Tắc. Phạm Thị Tốt vừa là
thành viên của FB3 vừa là Đầu Sư của Đạo Cao Đài. Chức Đầu Sư là chức sắc lớn
nhất của phái Nữ trong Đạo Cao Đài. Bà đã biến Phạm Môn thành nơi tập hợp kín của
các thành viên FB3. Hộ Pháp Phạm Công Tắc chẳng nhẽ không có mặt ở Phạm Môn
hàng ngày làm việc, không biết gì về hoạt động của tổ chức bí mật này (trang
151).
Tiếp đó, trang 152 còn cho rằng: Nguyễn Phan Long
phụ trách liên hòa Tổng Hội – một chi nhánh của Đạo Cao Đài là nhân chứng cho
đám cưới của Vidal và Phạm Thị Tốt.Cha đở đầu của Pierre Vidal (con trai của
Vidal và P.T.Tốt)
Vậy sự thật như thế nào? Ông Vidal là ai? Theo tác giả Trần
Thu Dung viết tại trang 151 thì câu chuyện diễn ra từ năm 1928 đến 1946. Louis
Vidal là nhân vật cao cấp của Hội Tam Điểm. Ông Vidal có thật hay không, chức vụ
của ông thế nào thì chúng tôi không rõ nên không luận tới. Nên sẽ làm rõ bằng
những gì chúng tôi biết chắc thật 100%.
Đó là ông Phạm Công Tắc (1890-1959) có người con gái nào
tên Phạm Thị Tốt hay không?
Ông Phạm Công Tắc có 02 người con gái. Người chị tên Phạm Hồ
Cầm (thường gọi là cô Ba Cầm), có lập gia đình riêng là Hiền Tài Ban Thế Đạo
(ít tham gia đạo sự). Người em tên Phạm Tần Tranh (thường gọi cô Tư Tranh),
không có gia đình riêng (không kết hôn lần nào).
Năm 1954 Quốc Trưởng Bảo Đại mời Đức Hộ Pháp (là cố vấn Quốc
Trưởng) điPARIS và
sang Thụy Sĩ dự Hội nghị Geneve về Việt Nam năm 1954. Âu Du Ký của Ngài Bảo Đạo
Hồ Tấn Khoa chép công việc ngày 11/07/1954 cho thông tin. Ngài có nhận một cô
gái Pháp nghèo tên Magda Purro, 28 tuổi làm con nuôi. Cô là người làm công choHOTEL Régina
và là một trong số bốn người hay lên xuống bưng thức ăn cho phái đoàn. Cô mồ
côi cha mẹ sớm, có ba em, Cô phải nghỉ học để đi kiếm chuyện làm lấy tiền nuôi
em. Cô Magda Purro năm 1954 được 24 tuổi thì không phải là cô Phạm Thị Tốt từ
năm 1928 đến 1946 trên đây. Đó là điều chắc chắn.
Tóm lại trong hai người con gái của ông Phạm Công Tắc không
có ai tên Phạm Thị Tốt cả. Rõ ràng là nhà nghiên cứu Trần Thu Dung đã hô biến
ra cô Phạm Thị Tốt.
Và nếu cô dâu Tốt không có thật thì cuộc hôn nhân cũng là bịa
đặt. Con gái ông Phạm Công Tắc lên đến phẩm Đầu Sư cũng là bịa ra. Ông Nguyễn
Phan Long là nhân chứng cho cuộc hôn nhân nầy là bịa ra. Bé Pierre Vidal cũng
là bịa ra. Nhà nghiên cứu đã vào vai người mẹ đẻ của nhiều điều không có thật
chỉ cần hô biến ra cô Phạm Thị Tốt là tạo được những điều bịa trong chưa đầy một
trang sách.
Nhà nghiên cứu bịa ra với dụng ý xấu hay tốt cũng đều không
đáng có trong một tác phẩm nghiên cứu. Trường hợp nầy là bịa ra để nói xấu Hộ
Pháp Phạm Công Tắc (chịu sự chỉ đạo của ông Louis Vidal) là điều đã rõ
ràng.
Mất phương hướng và cưỡi ngựa xem hoa
Tại trang 141 tác giả viết: ...Sự liên quan từ hội
Tam Điểm còn thấy rõ, tại sao Hộ Pháp Phạm Công Tắc khi còn là công chức toan bỏ
trốn đi Nhật, tổ chức sinh viên đi du học Nhật, bị bại lộ phải trốn về Tây
Ninh, tuy ẩn trốn lại được nhận vào làm thư ký nhà đoan, rồi công khai ra mở đạo
được là điều bí ẩn khó giải thích.
Sự thật thế nào?
Tại trang 174 phần phụ lục cuốn sách (về Phạm Công Tắc) viết: Năm
17 tuổi bị chính quyền thuộc địa lùng bắt vì tham gia đưa sinh viên đi du học
Nhật.
Phụ lục đã viết đúng sự thật nhưng chưa đủ để soi rọi hai
chữ bỏ trốn hay ẩn trốn dùng cho ông Tắc trong trích đoạn trang 141 có công bằng
hay không?
Tại trang 57 của cuốn sách viết rõ, năm 17 tuổi ông bỏ học
tham gia một tổ chức bí mật gởi sinh viên đi du học bên Nhật. Ông cũng toan
tính đi nhưng việc bị chính quyền thuộc địa phát giác, ông trốn về sống ở Tây
Ninh.
Đoạn nầy cũng không viết rõ tổ chức bí mật đó tên gì? Ai
lãnh đạo để tạo môi trường thích hợp cho chữ trốn. Do đó, muốn sáng tỏ phải xác
định được: việc làm đó là quyết định cá nhân hay chủ trương tổ chức? Tổ chức đó
tên gì? Đưa sinh viên du học hay tư lợi? Đi du học với mục đích gì?
Quay trở lại lịch sử, vào đầu năm 1905, chí sĩ Phan Bội
Châu sang Nhật rồi quay về dấy lên một phong trào Đông Du vào năm 1905-1908.
Ông đã tổ chức Công hiếu hội, tập hợp 200 lưu học sinh Việt Nam sang Nhật học tập
chính trị, khoa học, quân sự. Như vậy năm 17 tuổi (1907) ông Phạm Công Tắc đi
Nhật trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan là một nhà chí sĩ,
một nhà ái quốc chân chính, danh thơm lừng lẫy như vậy đi theo tiếng gọi của cụ
phải là người cùng chí hướng với cụ.... Ông Tắc đi du học hay vận động đưa sinh
viên đi du học là vì công nghĩa. Động cơ là học sách lược canh tân của người Nhật,
học khoa học kỷ thuật của Nhật đem về truyền bá để nâng cao dân trí cuối cùng
là cởi ách độ hộ của thực dân Pháp.
Tác giả liệt kê 73 đầu sách tham khảo trong đó rất nhiều đầu
sách viết rõ ông Phạm Công Tắc tham gia phong trào Đông Du. Vậy việc che dấu
hai chữ Đông Du là vô tình hay cố ý? Nhà nghiên cứu đứng trên lập trường của thực
dân hay lập trường của dân tộc Việt Nam khi viết như vậy? Bà dùng chữ trốn đối
với ông Phạm Công Tắc trong trường hợp nầy có công bằng hay không? Có ác ý chi
không?
Ngoài ra, tác giả đã cưỡi ngựa xem hoa trong nhận định lịch
sử Đạo Cao Đài.
Đầu tiên là công khai mở đạo, chúng tôi nhận thấy có 02
cách lý giải: Cách của tôn giáo và cách của chính quyền hiện nay qua Bản Án Cao
Đài ngày 20/07/1978. Nay nhà nghiên cứu Trần Thu Dung lại ban cho cách mới. Xin
trình bày vắn tắc.
Cách của tôn giáo: Ngày 25/04/1926 ông Phạm Công Tắc được Đức
Cao Đài phong phẩm Hộ Pháp.
Ngày 29/09/1926, ông Cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung (thọ
phẩm Đầu Sư phái Thượng) theo lịnh của Đức Chí Tôn hiệp với chư Ðạo Hữu hết thảy
là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với
Chánh Phủ. Đến ngày 07/10/1926, gởi Tờ Khai Đạo lên Chánh Phủ cho quan Nguyên
Soái Nam Kỳ là ông Le Fol. Trong tờ nầy có 28 người đứng tên thay mặt cho cả
chư Ðạo Hữu có tên trong Tịch Ðạo.
Trong khi đó, tại trang 177 nhà nghiên cứu viết "Đơn
xin khai Đạo" là rất sai. Xin thì phải chờ chính quyền cho phép. Còn
"Tờ khai Đạo" thì báo cho chính quyền biết mà không phải lệ thuộc vào
sự cho phép của họ. Cách hô biến "Tờ khai Đạo" thành "Đơn xin
khai Đạo" là cách thức để hạ thấp giá trị đối tượng, làm mất tính khách
quan trong nghiên cứu.
Thứ hai, tại trang 141 cho biết: ... từ năm 1926 đến
năm 1940 chỉ trong vòng 14 năm đạo Cao Đài đã xây được Tòa Thánh hoành tráng ở
Tây Ninh, Phnôm Pênh và một số Tỉnh khác. Ai là người đã trợ giúp ngân sách xây
dựng? Việc công quả đóng góp của của các tín đồ không thể nhiều được như vậy vì
người châu á vốn nghèo, việc công quả, quyên góp để xây chùa rất khó khăn. Mặc
dù đại đa số người Việt Nam theo đạo Phật.
Theo tác giả thì đây là tác phẩm nghiên cứu và chỉ trình
bày đúng sự thật (Lời Tựa ở trang 6). Đúng sự thật thì phải chính xác. Vậy đoạn
trên có chính xác hay không?.
Đền Thánh hiện nay trước kia là Thánh Thất tạm (làm bằng gỗ).
Đến năm 1936 mới khởi công xây bằng vật liệu kiên cố như hiện nay. Số tiền ban
đầu là 01 đồng 46 xu (01đ46). Giá lúa lúc đó là 0đ20 một giạ (40 lít). Thời điểm
đó kinh tế bắt đầu suy thoái và lan rộng để đi đến đệ nhị thế chiến
(1939-1945).
Tòa Thánh được xây dựng từ đức tin, trái tim và trí óc của
người đạo mà ra. Người công quả chính thức xây Tòa Thánh phải lập thệ: trường
trai và thủ trinh trong thời gian công quả. Từ tinh thần đó người công quả tạo
ra vật chất không phải là nan giải. Tạo như thế nào?
Phước Thiện và Phạm môn tổ chức làm ruộng, trồng trĩa để có
lúa gạo, thực phẩm... người đi làm thuê tranh thủ kiếm mớ rau rừng đem về hiến
cho công quả, sau cơm chiều Hội Thánh kêu gọi làm công quả 02 giờ (120 phút)
hay 03 giờ (180 phút) được ghi một ngày công quả.
Những người làm công quả cho biết thiếu sắt thì lấy tre gai
thật già, hay tầm vông thật già chen vào. Xi măng rất ít nên lấy vỏ cây ô dước
đập mềm, xay nhuyễn, mật rĩ, vôi... trộn vào... xây cả tuần hay mười ngày sau mới
cứng. Trí óc, bàn tay người công quả tạo nên từng viên gạch, góp nhóp từng hòn
đá... Tiền bạc chỉ là phần thứ yếu trong kiến trúc Tòa Thánh (các nhà buôn cũng
sẳn lòng bán thiếu cho Hội Thánh). Năm 1941 xây dựng được phần thô thì Pháp bắt
Đức Hộ Pháp đày đi Madagascar. Thời gian nầy Pháp chiếm Tòa Thánh làm trại lính
và nhốt ngựa ngay trong Đền Thánh. Năm 1946 tình thế thay đổi Pháp đưa Đức Hộ
Pháp về và tiếp tục xây dựng Đền Thánh.
Giai đoạn nầy Quân Đội Cao Đài đã trích phần lương ít ỏi của
họ để góp phần công quả tạo tác, đến năm 1955 mới khánh thành. Đó là chấm phá
vài nét việc xây dựng theo tôn giáo: Đức tin một khối tạo nên hình chính là câu
thơ tả cảnh xây dựng Đền Thánh.
Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978 trang 13 có viết rõ
ràng: Nguồn viện trợ của đế quốc rất quan trọng, nó là cơ sở để có vốn
mở rộng kinh doanh kinh tế, xây cất các dinh thự, đài phát thanh, viện Đại học,
bệnh viện, chợ búa. Hằng năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền cũ. Dựa vào
các nguồn thu thập, một số chức sắc cao cấp và trung cấp tham ô, ăn cắp để xây
dựng nhà cửa, tạo ra những cơ sở kinh doanh làm giàu riêng cho mình.
Vì vậy, tài sản, dinh thự, các cơ sở kinh doanh của Hội
Thánh không phải là của riêng ai, mà là tài sản của đế quốc đã rút chạy để lại,
là của nhân dân lao động đóng góp. Nhân dân lao động cần phải quản lý sử dụng đẩy
mạnh sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, dù theo cách tôn giáo hay cách của chính quyền hiện
nay cũng không có chi bí ẩn.
Việc nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Thu Dung đặt câu hỏi lập
lờ kiểu, "Ai là người đã trợ giúp ngân sách xây dựng?" đến những nghi
vấn sau đó, rồi lấy sự việc của Thánh Thất Cao Đài ở Cao Miên về gán cho Tòa
Thánh Tây Ninh sau đó cột vào hội Tam Điểm... Cho thấy, nó không xuất phát từ một
nhà nghiên cứu nghiêm túc mà nó mang màu sắc hình sự, định kiến thông qua gán
ghép và áp đặt vấn đề.
Và trong 73 đầu sách tham khảo, tác giả liệt kê không có Bản
Án Cao Đài ngày 20/07/1978 nhưng cách đặc vấn đề và giải quyết nó rất gần nhau
đó là ngẫu nhiên hay không ngẫu nhiên?
Và dù, tác giả cho rằng, "cuốn sách nầy ra đời nhằm giúp
bạn đọc hiểu được nguyên nhân phong thánh của nhà văn thiên tài nầy và một phần
sự phát sinh Đạo Cao Đài ở Việt Nam", cũng như tác giả "sẽ viết theo
sự thật và dựa trên văn bản, đó là tư cách một nhà nghiên cứu." Tuy nhiên,
ở một số chi tiết giáo lý và sự kiện, tác giả đã cố tình bẻ cong nó.
Vậy nội dung tác phẩm có thể hiện đúng như tác giả xác định
hay là tác giả đi vào lãnh vực khác (không hề giới thiệu) là giáo lý và pháp luật
hay một số sự kiện khác để bẻ cong sự việc hay ám sát nó.
Sai sự kiện Đức Hộ Pháp sang Campuchia năm 1956
Tác giả viết:
./ Trang 57: Năm 1956 ông ẩn trốn sang Campuchia và mất tại
đó (17-05-1959)
./ trang 77: Vì lý do chính trị, ông ẩn trốn sang Campuchia
sống, nên các buổi thông linh với V. Hugo chấm dứt hoàn toàn
./ trang 156: Thừa Sử Lê Quang Tấn người đã từng phò tá Phạm
Công Tắc sang ẩn trốn ở Campuchia.
Sự thật là sau khi quốc gia hóa quân đội Cao Đài
(02/05/1955) ông Ngô Đình Diệm muốn thực thi chế độ độc tài gia đình trị nên ra
kế hoạch truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại. Đức Hộ Pháp là người đề xướng việc rước
cựu hoàng từ Hongkong về làm Quốc Trưởng (1947) nên họ Ngô thấy rằng Ngài là trở
ngại lớn trong chương trình gia đình trị. Cho nên họ Ngô phải diệt trước khi mở
cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 16-02-1956 Đức Hộ Pháp đi Nam Vang để tránh nạn cốt nhục
tương tàn làm suy yếu miền Nam.
Theo Âu Du Ký do Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa ghi lại sự việc
ngày 05/07/1954 (lúc 19 giờ) tại Versoix (Génève) là trụ sở của phái đoàn Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong khi họp Đức Ngài nói thẳng với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng
rằng: "Cái công kháng-chiến của Việt Minh, quốc-dân không quên,
nhưng phải làm thế nào cho cuộc giải-phóng dân-tộc cho trọn vẹn chớ đừng gở ách
này rồi mang cái gông khác hay là đuổi cậu Pháp rồi rước chú Tàu về thì không
ăn thua gì và quốc-dân sẽ phán-đoán việc đó)."
Khi sang Campuchia Ngài đã công bố Cương Lĩnh Hòa Bình
Chung Sống (HBCS) ngày (26/03/1956) đề xuất hai miền Nam – Bắc Việt Nam phải thực
thi quyền tự quyết dân tộc bằng cuộc Tổng Tuyển Cử có sự giám sát của Liên Hiệp
Quốc theo Hiệp Định Génève 1954 về Việt Nam, để tránh nạn nồi da xáo thịt.
Sau đó Ngài gởi thư cho ông Ngô Đình Diệm, Ông Hồ Chí Minh,
các tôn giáo bạn, nguyên thủ một số quốc và Liên Hiệp Quốc, để thông báo Cương
Lĩnh HBCS với mong muốn việc Tổng tuyển cử được thực hiện. Ngài cũng tổ chức
cho phái đoàn ông Lê Văn Thoại dựng cờ HBCS tại cầu sông Bến Hải ngày
18-5-1956.
Một số Đài phát thanh, nhựt báo, Thông tấn xã cũng đã đến
phỏng vấn Đức Ngài. Chính quyền Miền Bắc cũng gởi thư mời Ngài ra thăm... Vậy
tác giả dùng chữ ẩn trốn có đúng không? Có ác ý Đức Hộ Pháp không?
Trang 77 nhận định, “nên các buổi thông linh với V. Hugo chấm
dứt hoàn toàn lại” là điều sai 100%. Văn Tịch Pháp Nhơn Luân Chi Đạo trang 68
dòng 06 cho biết ngày 19-9-1956 Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cho Đức Hộ Pháp biết
chính Ngài báo tin Apothéose (nghĩa là 07 tháng sau khi Đức Hộ Pháp di Nam
Vang) và còn nhiều đàn cơ khác.
Tại trang 57 có viết: Nhưng trước đó, từ năm 1940
không thấy tổ chức cầu cơ, có thể do đi đày ải, trở về già nua bệnh tật tình
hình chính trị không cho phép, nên việc cầu cơ như chấm dứt cho đến nay.
Đoạn này, cái saii lớn nhất là Đức Hộ Pháp bị thực dân bắt
năm 1941 và đày đi Madagascar đến 1946 mới về (hơn 05 năm chớ không phải 04 năm
như dòng 20 cùng trang viết), cũng như mâu thuẫn với trang 77.
Rồi tác giả bắt đầu nêu ra quan điểm đối với lịch sử và sự
phát triển của Đạo Cao Đài rằng:
“Đạo Cao Đài ngày nay có xu hướng sẽ bị suy đi, vì nhiều lý
do. Luật của Đạo đề ra, mọi việc phong phẩm vị hay phê chuẩn nhất nhất phải qua
cầu cơ xin ý của Thầy.
Các tín đồ trẻ con cháu các chức sắc Cao Đài, do hoàn cảnh
chính trị không dám công khai phá vỡ luật lệ của Đạo”. (trang 171)
“Tự hào về ôngCHA,
các tín đồ nên mạnh dạn duy trì, và đứng ra thay đổi luật đạo. Đạo nào cũng vậy,
trong quá trình tiến triễn của lịch sử, nhiều luật lệ phải bổ sung và thay đổi
để phù hợp với tình hình mới.” (trang 172)
“Tại sao các tín đồ trẻ không theo gương bậc chức sắc tiền
bối, cách tân luật lệ để đạo Cao Đài phát triễn và lan rộng?” (trang 173)
Thực tế là ngày 09/05/1997 chính phủ đã giúp cho chi phái
1997 ra đời. Chi phái nầy đem banh vàng xanh đỏ vào cung Đạo thay cho cơ bút rồi
nhà nghiên cứu không biết hay sao mà còn hô hào đừng chờ Thầy hay các Đấng nữa.
Tiền bối của Đạo có 02 diện, một là tuân theo Pháp luật đạo,
chấp nhận chỉ có 03 Đấng có quyền phong thưởng là Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông
và Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Diện thứ hai tách ra để cầu cơ rồi tự phong Đạo luật
Mậu Dần (1938) gọi là chi phái phản đạo.
Nhà nghiên cứu về Đạo Cao Đài mà không biết lời minh thệ
khi nhập môn cầu đạo: "Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao -
Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật lệ Cao -
Đài, như sau có lòng hai thì Thiên - tru, Địa - lục".
Lời minh thệ (gìn luật lệ Cao – Đài) như một tiền đề căn bản
mà mọi cái sau đó không được trái hay mâu thuẩn với nó. Lại kêu gọi phá tan
pháp luật đạo thì đích thị là sự thiển cận trong nghiên cứu.
Một nhà nghiên cứu tôn giáo mà không biết tiền đề căn bản
(là lời minh thệ khi nhập môn cầu đạo) thì khác nào người học hình học phẳng mà
không biết tiền đề Euclid.
So với Bản Án Cao Đài thì tác phẩm nầy đánh phá rất tinh vi
và đi vào lãnh vực mà Bản Án không tiện đề cập tới.
Việc kêu gọi phá pháp luật đạo được chuẩn bị rất kỷ khi tác
giả phê bình Ngài Victor Hugo khi sống rất giàu lòng nhân ái tha thứ hết, cớ
sao khi là một vị Thánh của đạo Cao Đài lại buộc người đạo phải tuân y pháp luật
đạo?
Xin thưa bởi vì Ngài chấp nhận tiền đề cơ bản, “gìn
luật lệ Cao – Đài [...] nên buộc người đạo đừng vi phạm.”
Lời kết
Trong tác phẩm Đạo Cao Đài và Victor Hugo có nhiều viên thuốc
độc dấu rãi rác trong những chỗ kín đáo mà không phải bạn đọc nào cũng phát hiện
ra. Trong trách nhiệm của một người đạo chúng tôi may mắn nhận ra và đã chứng
minh rất minh bạch.
Tác phẩm nghiên cứu mà vi phạm những nguyên tắc rất cơ bản
và bịa đặt để nói xấu tôn giáo thì chúng tôi có trách nhiệm chứng minh trước
công luận; tác giả nên ý thức mà chỉnh đốn.
Là người Đạo Cao Đài chúng tôi hoan hỉ đón nhận tất cả văn
bút của những hiền nhân quân tử liên quan đến tôn giáo. Văn bút có đúng, có sai
là chuyện thường tình; không có chi đáng trách. Đó là một vinh dự cho đạo.
Chúng tôi hoan nghinh sự phản biện của tác giả hay đọc giả về các vấn đề đã nêu
ra lẫn những vấn đề chưa được
* Ông Trần Văn Tân, đại diện Ban thông tin Khối Nhơn Sanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét