Âu dương Thệ

2011: Lãnh đạo đánh mất chữ tín với đảng viên và nhân dân !

1.      Đại hội 11 đi thụt lùi và tụt hậu cả ý thức hệ lẫn nhân sự lãnh đạo
Sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm 2011 là Đại hội 11 của ĐCSVN đã diễn ra từ 11.-19.1 Đại hội này không chỉ bầu một ban lãnh đạo mới ở các cấp cao nhất là Bộ chính trị,  nó còn định sẵn các
chức vụ quan trọng trong các cơ quan đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Một quan trọng khác là Đại hội 11 còn xác định ý thức hệ chính trị dài hạn qua việc ban bố Cương lĩnh Chính trị mới và kế hoạch kinh tế 5 năm (2011-15) cũng như tới 2020. Tuy đây là sự kiện chính trị quan trọng, nhưng là tin vui cho các quan tham và là tin rất buồn cho nhân dân cả nước.

Mặc dầu thời gian trước Đại hội nhiều cán bộ cao cấp đã về hưu và nhiều chuyên viên độc lập cũng như trí thức đã thiết tha và thành thực kêu gọi sự thức tỉnh của  Đảng cần phải dứt khoát rũ bỏ những sai lầm của quá khứ, chấm dứt các chính sách kinh tế đang phá hoại tài sản đất nước, thực hiện dân chủ hoá ngay từ nội bộ đảng tới ngoài xã hội để đoàn kết dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất  nước sánh vai với các dân tộc văn minh ngay từ đầu Thế kỉ 21. Đỉnh cao của cuộc vận động này là cuộc Hội thảo khoa học đầu tháng 10.2011.[1] Nhưng các lời kêu gọi đầy thiện chí của các đồng chí và nhiều giới đã vẫn chỉ như nước đổ lá khoai, bị vất vào sọt rác.



Thành phần lãnh đạo cực kì bảo thủ về đường lối đã cấu kết chặt chẽ với thành phần các quan tham đang nắm giữ các chức vụ then chốt trong bộ máy của đảng, chính phủ, quân đội, công an và trong các tập đoàn kinh tế đã không thèm nghe các lời khuyên thành thực, tiếp tục đi theo con đường mòn. Các thành phần này trong những năm gần đây cấu kết với nhau thành các nhóm lợi ích chỉ bảo vệ quyền lợi riêng. Kết quả là sự ra đời của Cương lĩnh chính trị 2011 với tất cả nội dung phản động và lạc hậu, như tiếp tục đề cao như ý thức hệ Marx-Lenin, tập trung dân chủ, đảng cầm quyền tuyệt đối và kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vì thế trong Đại hội 11 thành phẩn bảo thủ, phản động và tham nhũng đã tiếp tục thao túng trong lãnh vực nhân sự ở các cấp cao nhất trong đảng là Trung ương đảng (200 người), Bộ chính trị (14), đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người cực kì bảo thủ, thân Bắc kinh và đầy thủ đoạn. Tiếp đến là cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ bánh vẽ vào mùa Xuân và lập chính phủ mới nhưng thành phần nhân sự vẫn cũ như trái đất vào mùa Hè.



2.Kinh tế: Lạm phát phi mã

Cuối năm 2010 trước Quốc hội Nguyễn Tấn Dũng vẫn tô son bức tranh kinh tế do ông thực hiện và hứa sẽ đưa kinh tế phát triển cao và bền vững. Quốc hội cho phép lạm phát cao nhất trong năm 2011 là 7%. Nhưng vào cuối năm 2011 lạm phát đã lên tới trên 18%.[2]  Đây là mức cao nhất ở châu Á. Ông Dũng đổ cho ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới và lờ đi hay cố tình làm nhẹ những sai lầm chủ quan của chính mình. Thái độ trốn tránh trách nhiệm đã trở thành tính phản xạ nhiều lần của Nguyễn Tấn Dũng từ khi làm Thủ tướng vào mùa hè 2006.



Lạm phát xẩy ra ở nhiều nước, nhưng mức lạm phát của VN lại cao nhất Á châu. Như vậy nếu dám nhìn thẳng sự thật thì Nguyễn Tấn Dũng phải nhận lí do chính phải từ  các sai lầm chủ quan do các chính sách kinh tế tài chánh vĩ mô của chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông. Từ khi làm thủ tướng ông Dũng vừa có cao vọng lớn lại nuôi tham vọng cao, muốn cả hai thứ là tăng trưởng cao và bền vững để tạo một ấn tượng là một thủ tướng tài ba. Để thực hiện cao vọng này ông đưa ra  ba hướng hoạt động kinh tế là: 1. Cho xuất cảng ồ ạt, bán tống bán táng các khoáng sản, nông phẩm, hải sản và các hàng chế biến thô sơ với chất lượng xấu giá rẻ. 2. Cấp vốn rộng rãi và dành các ưu tiên cho các tập đoàn và tổng công ti nhà nước để tạo ra những „quả đấm thép“ kinh tế cho chính sách của ông. 3. Cho các nhà tư bản nước ngoài vào đầu tư ở VN được hưởng các ưu đãi về thuê đất, miễn thuế 5 năm đầu….Nhưng 3 giải pháp kinh tế cột trụ của Nguyễn Tấn Dũng đang mất dần hiệu lực, đồng thời trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đẩy đất nước vào khó khăn và nan giải từ hai thập niên qua.



Tuy kim ngạch xuất khẩu gia tăng, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng cao hơn, nên mức nhập siêu vẫn  tăng lên chóng mặt. Nhu cầu ngoại tệ càng gia tăng để trả nợ nước ngoài và bù đáp vào nhập siêu. Vào đầu năm 2011 số nợ nước ngoài đã lên trới 29 tỉ USD và mỗi năm phải trả 1,1 tỉ USD cả gốc lẫn lãi.[3] Ngoài ra mức nhập siêu từ Trung quốc mỗi năm một tăng. Chỉ tính riêng 11 tháng năm nay mức nhập siêu này là trên 12 tỉ USD[4]  tăng 7% so với cùng thời gian năm 2010. Trong khi đó số ngoại tệ giảm sút tới mức nguy hiểm. Vì thế vào giữa năm Nguyễn Tấn Dũng phải cho Ngân hàng Nhà nước in tiền đồng để thu mua ngoại tệ trong nhân dân. Nhưng giải pháp này đã đẩy lạm phát nhanh hơn, tiền đồng càng mất giá so với Mĩ kim và Euro. Trong khi ấy các tập đoàn nhà nước làm ăn tiếp tục thua lỗ lớn như Vinashin, EVN….Nguyễn Tấn Dũng cũng bắt Ngân hàng Nhà nước in thêm tiền để trả nợ giúp các tập đoàn này. Cuối cùng lại làm lạm phát cao hơn nữa.



Đồng tiền mất giá quá nhanh và cao khiến cho hàng chục triệu người thuộc những giới ăn lương như công chức, bộ đội, công an, công nhân và thân nhân, thương phế binh và gia đình các liệt sĩ rơi vào đói nghèo và bất mãn.  Lo sợ sự bất mãn và mất tin tưởng của các giới này sẽ tạo thành mất an ninh cho chế độ nên phải cho tăng lương, tăng trợ cấp; nghĩa là Ngân hàng Nhà nước lại phải in thêm hàng chục ngàn tỉ đồng và vì thế cũng đẩy lạm phát bủng nổ hơn nữa…Cho nên mức tăng lương và phụ cấp vẫn không đuổi kịp nạn lạm phát phi mã. Nhưng mặt khác để chặn vật giá leo thang Nguyễn Tấn Dũng đề ra chính sách để lãi suất các ngân hàng  lên tới 15-20% khiến các xí nghiệp của tư nhân không thể đi vay để kinh doanh. Nên chỉ 9 tháng đầu của năm 2011 đã có trên 48.000 xí nghiệp đã bị phá sản đóng cửa.[5] Tất cả những biện pháp kinh tế vá víu, mâu thuẫn chống lẫn nhau đang đẩy số nợ công ngày càng lên cao tới mức nguy hiểm và toàn bộ hệ thống tài chính kinh tế rối loạn.



3.  Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cầm đầu đánh mất chữ tín trong vụ Vinashin

Nạn lạm phát phi mã và kinh tế đình trệ đưa tới nguy cơ an  ninh của chế độ bị đe doạ, nên Hội nghị Trung ương 3 vào đầu tháng 10 đã phải quyết định tái cơ cấu kinh tế, nhất là trong khu vực Doanh nghiệp nhà nước. Nhưng có phải Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng muốn thực sự cải tổ kinh tế, dám chấm dứt những chủ trương ném tiền qua cửa sổ?



Trước khi Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được tổ chức vào 8-9.12.2011 Nguyễn Tấn Dũng cho mở một loạt các cuộc hội thảo về kính tế vĩ mô với các chuyên viên trong và ngoài nước, cuộc họp tổng kết chống tham nhũng với các đại sứ của EU và Mĩ…, đồng thời còn triệu tập Hội nghị các Nhà tài trợ Quốc tế (4-6.12).[6] Trong các cuộc gặp gỡ này Nguyễn Tấn Dũng vẫn thề non hẹn biển với các đại sứ nước ngoài, đại diện các tổ chức tài trợ quốc tế là coi trọng và sử dụng hợp lí các khoản vay ODA và viện trợ của nước ngoài và cương quyết chống tham nhũng. Nhưng tình hình tham quyền và tham nhũng dưới thời Nguyễn Tấn Dũng ngày lại càng trở nên tồi tệ. Tồi tệ đến mức nguy hiểm vì nạn tham quyền và tham nhũng đã chui lên cả ngay trong gia đình cùa người đứng đầu chính phủ. Tháng 11 Nguyễn Tấn Dũng cử con trai mới 35 tuổi làm Thứ trưởng bộ Xây dựng, cơ quan đang hái Dollar; cùng lúc để con gái mới 31 tuổi tham gia hoạt động vào ngân hàng tín dụng của nhà nước. Nguyễn Tấn Dũng đã coi các cơ quan Nhà nước và tiền bạc Nhà nước như đồ dùng riêng của gia đình! Trong khi đó nhiều chuyên viên tốt nghiệp vẫn bị thất nghiệp hoặc không chọn được nơi đúng nghề, đồng thời hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa hay đang lay lứt vì lãi suất quá cao ở các ngân hàng!



Theo các con số của Nhà nước thì các tập đoàn và tổng công ti nhà nước đang „Chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA“ . Nhưng các doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp „khoảng 37-38% GDP“. Không những thế, “có đến 31% doanh nghiệp nhà nước làm ăn bị lỗ và 29% hoạt động không hiệu quả.”.[7] Hiện nay số nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã vượt tới mức khủng khiếp:

„Chỉ riêng năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) đã là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng, thì nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP của năm 2009.“[8]



Các tập đoàn và tổng công ti làm ăn thất bại và làm thất thoát tài sản khủng khiếp như vậy, nhưng tại „Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp nhà nước“ vào đầu tháng 12 Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng nuốt các lời hứa với các giới chuyên viên, đại sứ nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế về yêu cầu phải tái cơ cấu để tiến tới giải thể hệ thống doanh nghiệp nhà nước, trong đó 12 Tập đoàn là chính và do thủ tướng phê duyệt cả nhân sự lẫn chương trình hoạt động, đang trở thành những quả tạ cho toàn bộ kinh tế VN. Ông Dũng đã nói không úp mở là chủ trương là tiếp tục xây dựng các TĐ ngày càng vững mạnh“[9] :

„ Đưa ra một đề án tái cơ cấu đạt được hai mục tiêu, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đổi mới, tái cơ cấu không phải xóa bỏ doanh nghiệp Nhà nước. Một bộ phận quan trọng của kinh tế Nhà nước, là lực lượng vật chất của nhà nước đề điều hành nền kinh tế quốc gia, can thiệp thị trường; đảm bảo công ích, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng...".[10]



Tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là lập lại quan điểm của cựu Tổng bí thư Đỗ Mười đã nói từng chục năm trước. Vì không còn doanh nghiệp nhà nước thì cũng không còn chỗ để bọn quan tham và vây cánh tham nhũng tiền bạc của nhân dân và vì thế nhóm lãnh đạo cũng sẽ không còn tay chân bảo vệ nữa! Điển hình như Tập đoàn điện lực VN dù làm ăn thua lỗ cả chục ngàn tỉ, nhưng nhân viên lại được hưởng lương tháng rất cao cả chục triệu đồng!  Đây rõ ràng là mâu thuẫn quyền lợi giữa nhân dân ta và nhóm cầm đầu tham nhũng. Nhóm quan tham cầm đầu đang tìm cách bảo vệ lẫn cho nhau và trốn tránh trách nhiệm gây thiệt hại ngày càng khốc hại cho tài sản nhân dân và toàn bộ nền kinh tế.



Chỉ cần nhìn vào vụ Vinashin sẽ thấy rất rõ thái độ vô trách nhiệm một cách trơ tráo trắn trợn như thế nào của nhóm này. Vào đầu tháng 8.2010 chính Bộ chính trị đã công bố cái gọi lả „Kết luận của Bộ chính trị số 81, 6.8.2010 về vụ Vinashin. Bộ chính trị xác nhận „Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: ... ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.”[11]

Bộ chính trị giao cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện điều tra các cơ quan ở trung ương từ Thủ tướng tới các bộ đã có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin“.[12] 



Nhưng chỉ nội trong ba tháng Bộ chính trị đã thay đổi thái độ 180%. Ngày 8.11.2010 cơ quan cao nhất của Đảng  đã đưa ra “Kết luận của Bộ chính trị số 88”, thay vì xác định rõ trách nhiệm những người đứng đầu từ Thủ tướng tới các bộ trưởng đã có lỗi lầm trong vụ Vinashin như trong “Kết luận số 81” ngày 6.8, đã tự tha bổng cho nhau giữa một số người có quyền lực lớn nhất và vây cánh ở trong Bộ chính trị  :

„Với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm. Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.[13]

Thủ tướng và nhiều bộ trưởng cũng như nhiều cơ quan trong Đảng đã gây ra thất thoát tới 86.000 tỉ đồng nhưng không ai bị cách chức, không chịu bất cứ một kỉ luật nào theo Điều lệ Đảng, nhưng chỉ phải „tự phê bình“ để „rút kinh nghiệm“ :

„Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự.“[14]

Thái độ huề cả làng, mặc cho những thất thoát một số tiền khổng lồ của nhân dân đã cho thấy tư cách trâng tráo và thái độ vô trách nhiệm đến mức độ như thế nào của những người cầm đầu chế độ! „Kết luận số 88“ đã diễn ra chỉ vài tuần trước Đại hội 11 cho thấy, những người có quyền lực nhất đã thoả hiệp với nhau bằng cách xí xoá lỗi lầm bỏ qua trách nhiệm để cùng nhau giữ ghế chia phần trong các cơ quan cao nhất tại Đại hội 11.  Chính vì thế, nội dung „Kết luận số 88“ vẫn được hoàn toàn giữ kín suốt trong nhiều tháng. Vì những người có trách nhiệm e ngại là, nếu để đảng viên và nhân dân biết trước khi có Đại hội thì có thể nổ ra những bất mãn và chống đối khó lường. 



Không chỉ giữ kín việc tự tha bổng, họ còn đánh lừa đảng viên và nhân dân bằng cách để cho Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội nhận trách nhiệm. Ngày 24.11.2010 (chỉ 16 ngày sau “Kết luận số 88”) trong buổi chất vấn của Quốc hội do Nguyễn Phú Trọng chủ toạ, Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rất ngon lành Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ.[15]

Và ông Dũng còn long trọng hứa trước Quốc hội:

„Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị“.[16]



Quyết định tự tha bổng cho nhau trong vụ Vinashin qua „Kết luận số 88“ của Bộ chính trị chỉ được công bố một phần sau khi Đại hội 11 kết thúc với việc chia ghế chia phần đã xong xuôi. Thật vậy, ngày 21.3.2011 trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội Khoá 12, uỷ viên Bộ chính trị kiêm Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mới cho biết việc này trong Báo cáo của chính phủ.[17]  Một việc đáng để ý nữa là về thái độ rất trơ tráo không còn biết xấu hổ của Nguyễn Tấn Dũng sau khi giữ được ghế thủ tướng thêm nhiệm kì nữa. Tại hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vào đầu tháng 12.2011 ông Dũng đã tự cho biết  thái độ giả vờ nhận trách nhiệm của mình như thế nào trước Quốc hội vào ngày 24.11.2010:

"Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai".

"Nói là Thủ tướng thông qua nhưng đều là quyết định chung của Ban cán sự Đảng Chính phủ. Thủ tướng chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào".[18]



4. Học thuyết Obama-Clinton về châu Á –Thái bình dương

Một sự kiện ngoại giao nổi bật trong năm 2011 là sự tái xuất của Mĩ ở Đông Nam Á sau hơn ba thập kỉ kể từ khi cuộc chiến VN chấm dứt. Sự trở lại Á đông của Mĩ vào giữa lúc thời điểm có một số đặc điểm cần để ý: 1. Trung quốc đang trở thành cường quốc kinh tế và đang có tham vọng dùng sức mạnh kinh tế mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Á, đặc biệt khu vực 10 nước Asean và qua đó có thể kiểm soát một trong các đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới  2. Mĩ tuy vẫn là siêu cường về quân sự, nhưng đang bị chao đảo trong kinh tế, tài chánh và là con nợ lớn của Bắc kinh.



Sau khi tuyên bố rút khỏi hai cuộc chiến vô ích và thiệt hại rất lớn về nhân mạng, tài sản và uy tín của Mĩ đã kéo dài cả thập niên ở Irak và A phú hãn của người tiền nhiệm, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton đã hoạch định học thuyết Obama-Clinton từ khoảng hơn một năm và trở thành giấy trắng mực đen qua bài “America’s Pacific Century” (Thế kỉ Thái bình dương của Mĩ) của bà Clinton trong tạp chí Foreign Policy tháng 11.2011. Học thuyết này theo đuổi một số mục tiêu: 1. Dùng sức mạnh ngoại giao, quân sự và liên kết với các nước trong khu vực đang bị Trung quốc đe doạ để thuyết phục Bắc kinh ngưng các chủ trương phiêu lưu ở châu Á Thái bình dương. 2. Các nước châu Á đang trở thành thị trường quan trọng cho kinh tế Mĩ. Có thể nói là nơi quyết định số phận của Mĩ trong thế kỉ này, cũng như Âu châu đã là thế kỉ của Mĩ trong Thế kỉ 20.



Đây có thể coi là một học thuyết Domino mới thay học thuyết Domino cũ  từ thời Ngoại trưởng Mĩ Dulles vào giữa thập niên 50 của thế kỉ trước. Hai học thuyết này có một khác biệt quan trọng phải để ý. Học thuyết Domino trước đây ra đời trong thời kì chiến tranh lạnh giữa lúc chủ nghĩa Cộng sản và Thế giới Cộng sản đang vươn tới đỉnh cao và đang mở rộng từ Âu châu sang Á châu. Khi ấy Liên xô (cũ) và Trung quốc vẫn còn thống nhất về mục tiêu và sách lược.  Vì thế mục tiêu của chủ thuyết Domino cũ là ngăn chặn chủ nghĩa CS ở Đông nam Á.[19]

Chủ thuyết Domino mới trong học thuyết Obama-Clinton nhằm mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ trương bá quyền của Trung quốc, một cường quốc đang tái trỗi dậy . Học thuyết này không đặt trọng tâm trong lãnh vực quân sự, nhất là không chủ trương tham dự quân sự trực tiếp trên đất liền ở Á châu. Nhưng Mĩ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để làm cái dù cho các đồng minh và thân hữu trong vùng để cản trở sự bành trướng của Bắc kinh; đồng thời dùng sức mạnh chính trị, truyền thông và ngoại giao để giúp nhân dân Trung quốc trong cuộc vận động tự do, dân chủ và nhân quyền. Như vậy trọng tâm chính của học thuyết Obama-Clinton không phải là tiêu diệt Trung quốc mà là thuyết phục chế độ Bắc kinh có chính sách biết điều với bên ngoài và cải thiện dân chủ và nhân quyền ở trong nước Trung quốc.



Từ mùa Thu 2011 học thuyết này đã được khai triển với những bước đi cụ thể, được coi là thế cờ “dàn trận ban đầu”: Tại  Hội nghị cấp cao APEC 19 ở Hawai vào giữa tháng 11  Tổng thống Obama đã không mời Trung quốc tham gia  Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình dương. Tiếp đó Obama đã sang Úc và lần đầu tiên lập căn cứ hải quân của Mĩ ở Úc. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 ở Bali, Nam dương, lần đầu tiên một tổng thống Mĩ đã tham dự. Tại hội nghị thượng đỉnh này trước sự có mặt của Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo, tổng thống Obama đã đưa công khai vấn đề tranh chấp biển Đông lên bàn hội nghị, chủ trương quốc tế hoá vấn đề tranh chấp biển Đông chống lại chủ trương đàm phán song phương của Bắc kinh.[20] Đầu tháng 12  Ngoại trưởng Clinton đã thăm Miến điện lần đầu tiên sau nửa thế kỉ, một vệ tinh của Bắc kinh từ nhiều thập kỉ. Tại đây bà Clinton đã gặp Tổng thống Thein Sein nhưng cũng gặp lãnh tụ dân chủ đối kháng bà San Suukyi.



Trong học thuyết Obama-Clinton VN trở thành một đối tượng chính. Vì về phương diện địa lí chính trị, VN đứng ở vị trí có thể cản trở mộng bá quyền hoặc có thể là cái cầu để Trung quốc xuống phía Nam. Đứng về phương diện ý thức hệ, VN cũng có thể trở thành đồng minh của Trung quốc vì cùng theo chế độ CS, nhưng cũng có thể trở thành đối thủ chính của Trung quốc vì ý thức dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của người Việt rất cao và đã được thử thách. Vấn đề này không chỉ nan giải cho Wahington mà lại càng rất nan giải cho Hà nội. Giới lãnh đạo CSVN đứng trước bài toán hóc búa:  Nếu thực tình muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và biển Đông thì làm thế nào hợp tác với Hoa kì giữa khi đang có những khác biệt rất lớn về các tiêu chuẩn giá trị giữa chế độ độc tài toàn trị (VN) và dân chủ đa nguyên (Mĩ)?  Đâu là tương đồng và đâu là dị biệt trong mục tiêu giữa Hà nội và Washington? Nền tảng cơ cấu chính trị và sự vận hành quyền lực của Mĩ cho thấy, muốn có cơ sở hợp tác bền vững với Mĩ thì không thể chỉ dựa vào một số tuyên bố hay hành động của các nhân vật hành pháp (tổng thống, ngoại trưởng...) mà phải đi kèm với các hiệp định của lưỡng viện Mĩ. Trong tình hình chế độ chính trị rất khác biệt với nhau như hiện nay thì làm thế nào hai bên có thể kí kết những hiệp ước an ninh với nhau? Muốn giải bài toán hóc búa này đòi hỏi giới cầm đầu Hà nội không chỉ phải tự thoát khỏi cái bóng của mình mà còn phải lột tư duy! Thời gian không đợi họ!



5. Năm của biểu tình thế giới và VN

Một sự kiện quan trọng khác đã diễn ra trong năm 2011 là các phong trào biểu tình đã diễn ra ở nhiều khu vực và nhiều nước trên thế giới, từ Thế giới Ả rập, Mĩ, Âu châu, Á châu trong đó có VN. Tạp chí Times đã chọn các phong trào biểu tình trên thế giới, đặc biệt ở Trung đông, làm biểu tượng của năm 2011. Những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người đã bùng nổ ở Tunesien, Ai cập, sau đó lan rộng tới Libyen, Syrien....Đặc điểm của các cuộc biểu tình là thành phần tham dự phần lớn là thanh niên và giới có học mang tính bột phát, nhưng lại được tổ chức với những phương tiện truyền thông điện tử nhanh chóng và hiệu nghiệm nhất. Sự tập hợp nhanh chóng và đông đảo của hàng trăm ngàn thanh niên đã đánh thức toàn bộ dư luận thế giới Ả rập, đánh động toàn dư luận thế giới và làm tê nhiệt nhanh chóng bộ máy đàn áp của các chế độ độc tài quân phiệt ở các nước này.  Khiến chỉ nội trong vài tuần lễ hai chế độ độc tài đã từng ngự trị mấy chục năm ở Tunesien và Ai cập đã bị sụp đổ. Người ta đã gọi đây là cuộc Cách mạng Hoa nhài mở ra Mùa Xuân ở Thế giới Ả rập.



Một đặc điểm quan trọng khác là sự hậu thuẫn mạnh mẽ và hữu hiệu của quốc tế, không chỉ dừng lại ở những lời ủng hộ mà còn kèm theo cả những hành động cụ thể từ tổ chức cao nhấp của thế giới là LHQ, Toà án Hình sự Quốc tế, tới các nước dân chủ và tổ chức nhân quyền trên thế giới. Đây là một sự liên minh chưa từng có đã khiến cho các chế độ độc tài mau chóng bị cô lập về chính trị, bị cắt dứt về tài chính và cả bị đe doạ đến xét xử hình sự quốc tế.



Tại VN cho tới nay chưa có một phong trào biểu tình rộng lớn, nhưng lần đầu đã có nhiều cuộc biểu tình của thanh niên, chuyên viên và trí thức vào các ngày Chủ nhật suốt trong mùa hè 2011 tập trung chính ở Hà nội.  Mục tiêu xuyên suốt của 11 cuộc biểu tình là kết án chính sách xâm lấn công khai trên biển Đông của Bắc kinh và sự nhu nhược đến hèn nhát của những người cầm đầu chế độ toàn trị.



Tuy những cuộc biểu tình mới qui tụ rất ít người, nhưng thành phần và ý chí của những người tham dự đã làm cho nhóm cầm đầu chế độ độc tài mất ăn mất ngủ và chế độ Bắc kinh rất bực bội. Vì thế tướng Nguyễn Chí Vịnh đã phải thế thốt tại Bắc kinh chuẩn bị cho chuyến đi thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng vào  giữa tháng 10 là „kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“ [21] Từ đó những cuộc biểu tình đã tạm thời bị dập tắt của công an và mật vụ. Để tưởng thưởng việc đàn áp người biểu tình nên vào cuối năm nhóm cầm đầu đã phong chức tướng cho gần 60 sĩ quan công an. Trong khi ấy  Bắc kinh cũng tưởng thưởng cho chế độ Hà nội các khoản viện trợ lớn và các hiệp định kinh tế vì  chế độ này đang phải ngụp nặn trong nạn lạm phát,  thiếu ngoại tệ và kinh tế suy đồi. Chuyến đi Hà nội của Tập Cận Bình vào cuối tháng 12 vừa qua, người sẽ kế thừa Hồ Cầm Đào, đã thể hiện chủ trương và thái độ đối với con cái trong nhà vỗ về xoa  đầu cho cái kẹo, sau khi đã tiến hành “Yêu cho đòn cho vọt” (câu nói của Nguyễn duy Chiến, Bí thư đảng uỷ Ban cán sự thuộc bộ Ngoại giao, kiêm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới bộ Ngoại giao nói tại Đại học Hà nội ngày 14.11.2011..)[22] qua việc cho hai tầu hải quân Trung quốc xâm phạm lãnh hải của VN vào giữa năm.



Nhưng nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị nên nhớ; tinh thần yêu nước và sự chịu đựng của dân tộc ta có thể ví như cái lò xo, càng áp chế càng căng lên, chắc chắn sẽ có ngày bật lên rất mạnh, khi ấy không có sức nào có thể đè nén được!

 Âu dương Thệ



Ghi chú:

[1] . Âu dương Thệ, „Trước đêm tối của Đại Hội 11 Các cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu nghĩ gì về tư cách và năng lực của nhóm cầm đầu?“ (http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/daihoi11.htm

[2] . Kinh tế 2011: Những con số gây sốc, Diễn đàn kinh tế VN (DĐKTVN) 29.12.2011

[3] . Tuổi trẻ 28.1.11

[4] . TTXVN 15.12

[5] . DĐKTVN 12.10. 

[6] . BBC 2.12; VNN 6.12.2011

[7] . DĐKTVN 9.12.2011

[8] . DĐKTVN 9.12.2011    

[9] . Chính phủ 9.12.2011

[10] . VTV 9.12.2011

[11] . Âu Dương Thệ, „Tự tha bổng về những sai trái cực kì nghiêm trọng trong vụ Vinashin“ Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã tự nhổ vào mặt, làm nhục Đảng và tước đoạt quyền chính đáng của nhân dân!


[12] . CP 8.8.2010

[13] . Báo cáo số 39/BC-Chính phủ, CP 21.3.2011

[14] .  Như trên

[15] . Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khoá 12 (số 176/BC-Chính phủ ngày 24.11.2010)

[16] . Như trên

[17] . Báo cáo số 39/BC-Chính phủ, CP 21.3.2011

[18] . Vietnam Net 8.12.2011

[19] . Âu Dương Thệ, xem „Die Vietnampolitik der USA – von der Johnson- zur Nixon-Kissinger Doktrin. Oder: Die Neuorientierung der amerikanischen Außenpolitik”, Phần một, chương III từ trang 95, Lang Verlag, Frankfurt am Main 1979

[20] . Các đài BBC, Bắc kinh, RFI, VOA 19-22.11.2011

[21] . TTXVN 30.8.11

[22] . Người quan sát, Một cuộc thuyết giảng cho trí thức –Vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2: “Yêu con cho đòn cho vọt”, Bauxite VN 17.11; Thư ngỏ gửi Đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao của Một nhóm đảng viên, Bauxite VN 19.11.2011

Không có nhận xét nào: