Chuyện ít biết về nhà văn Nguyễn Khải
kỳ cuối
Nhà văn Nguyễn Khải trong một lần ra Hà Nội (2005) - Ảnh: H.V |
TP - Hóa ra tôi chỉ được chứng kiến giai đoạn gieo mầm của nhà văn, hoàn cảnh kháng chiến đã chọn lựa giúp anh những hạt mầm tốt, cho phát triển sang một hướng khác!
Đúng như anh từng viết (mà không hề tỏ ra khuôn sáo như một số trường hợp ôn nghèo kể khổ khác) “nếu không có Cách mạng tháng Tám thì đời mình sẽ ra sao nhỉ? Chắc chắn tôi vẫn là người lao động lương thiện, nhưng tầm thường, xoàng xĩnh hơn bây giờ nhiều. Bởi vì tôi tự biết có những nhược điểm rất lớn, lại thêm chỗ đứng ban đầu thua kém, khó có thể tự đẩy lên cao hơn cái biển người thờ ơ của một xã hội sôi động…”.
II - Người lãnh đạo Hội nhà văn Nguyễn Khải
Rồi sau, lại chính anh gợi ý cho tôi viết đơn xin vào Hội nhà văn, khi tôi thấy việc đó còn xa vời lắm, tôi vào Hội với sự giới thiệu của anh (năm 1980). Sau này giữa những kỳ họp Hội nhà văn, anh rủ tôi đi thăm lại căn nhà cũ phố Trần Nhân Tôn và nhất là thăm lại chùa Tó, tìm lại tung tích chú tiểu xinh đẹp ngày nào.
Khi chúng tôi lơ ngơ đến cửa ngôi nhà số 4b Trần Nhân Tôn,chưa kịp nghĩ ra lý do hợp lý để “tiềm nhập”, tìm lại những góc kỷ niệm xưa, thì đã có tiếng reo từ trong căn phòng mặt tiền của tôi: “A! Anh Nguyễn Khải! Nhà văn tìm nhà ai mà quá bộ đến đây thế?”
Anh Khải đáp lại sự vồn vã của người đàn ông với cái bắt tay nồng nhiệt, nhưng hình như chưa nhận ra mình đã gặp người này trong dịp nào, thì chúng tôi đã được kéo vào trong nhà, chủ nhân pha trà mời.
Trong khi hai người bận nhớ lại lần gặp nhau, thì tôi mặc sức săm soi từng góc “nhà tôi”, hiện lên từng kỷ niệm thân thương.
Ở khung cửa vào sân trong, như còn thấy lờ mờ vết dao vạch đo chiều cao của hai chị em tôi từng thời gian, mong lớn nhanh để thành “người lớn”. Nhưng rõ nhất là tên cửa hiệu tạp hóa mang tên hai chị em, như vẫn còn lờ mờ sau mấy lần vôi quét không kỹ, hay đó là óc tưởng tượng của tôi đã mường tượng ra như vậy!
Khi tôi tuởng phải vòng vo một cớ gì để có thể lên gác thăm lại căn buồng cũ của mẹ con anh Khải cho người ta khỏi cười hai anh chàng dở hơi, thì anh Khải đã nói thẳng ra lý do thật của hai chúng tôi.
Vẫn cái tính thẳng thắn, bộc trực từ hồi bé! Chỉ tiếc rằng người chủ nhà trên gác sống độc thân, cứ đi đâu suốt ngày, tối khuya mới về!
Lần thăm lại chùa Tó thì anh Khải “thu hoạch” lại nhiều hơn tôi, bằng cách hỏi han chân thành, quan tâm một cách thiện tâm tới người được tìm hiểu, anh tỏ ra từng trải hơn tôi rất nhiều, không chỉ vì anh hơn tôi ba bốn tuổi!
Thì ra “chú” Th. vẫn là một sư nữ khi trưởng thành. Vùng này quá gần Hà nội, là vùng tạm chiếm nhiều năm, nên bộ áo nâu sồng chắc có phần an toàn hơn với “chú”, kể cả muốn sống yên phận hay hoạt động gì đó cho cách mạng. Đến thì con gái, hẳn là “chú” đẹp lắm!
Đó cũng là lý do chúng tôi quan tâm đến số phận của người con gái này, nhất là anh Khải, người hẳn là có những tình cảm đặc biệt hơn tôi, khi tôi vẫn còn trẻ con như cô bé!..
Chỉ khi địa phương thành lập hợp tác xã, Th. được cử làm kế toán cho Hợp tác xã ít lâu, cô mới “hoàn tục”, lấy một người đàn ông góa vợ, hai vợ chồng đưa nhau lên miền núi làm ăn, trong một đợt vận động khai hoang, hình như cũng để tránh điều tiếng thị phi nào đấy!…
Anh Khải ghi chép khá kỹ, liệu sau này anh có tìm hiểu được thêm gì về tung tích “người đẹp” buổi thiếu thời của chúng tôi không? Số phận cô, hẳn không chỉ đơn giản có thế! Không phải chúng tôi hay tưởng tượng, tiểu thuyết hóa mọi sự, mà chuyện đời, nhiều khi gây bất ngờ còn hơn những điều ta có thể tưởng tượng ra!
Khi anh Khải là phó Tổng thư ký Hội nhà văn khoá 3, đại biểu Quốc hội khoá VII, thấy tôi còn lận đận xa gia đình đến 15 năm, đã ở “cửa ngõ thủ đô” rồi mà chưa được về làm việc ở Hà nội, anh đã khuyên tôi nên về làm ở Ban sáng tác Hội, do anh đang chấn chỉnh lại.
Tất nhiên tôi ký cả hai tay, nhưng Hà Đông nổi tiếng giữ người, làm sao cơ quan văn hóa này đồng ý để tôi ra đi! Nhưng tôi tin vào uy tín nhà văn và chức nghị sĩ Quốc hội của anh Khải, nên cứ đề đạt với Ty văn hoá Hà Sơn Bình nguyện vọng chính đáng của mình.
Tất nhiên họ không đồng ý, lấy cớ cần người để thành lập Hội Văn Nghệ Tỉnh. Thế là anh Khải tự thân vào Hà Đông đến 3 lần, có lần chỉ đi chiếc xe đạp, yên xe lên cao đến hết cỡ, (đó là lần kết hợp vào thăm lại chùa Tó) gặp thủ trưởng trực tiếp của tôi là ông Quách Vinh, phó ty Văn hoá, thuyết phục ông cho tôi chuyển ra Hà nội. Ông Quách Vinh rất mừng đón tiếp nhà văn ông vốn kính phục, lại vào thăm ông với cách bình dân như vậy.
Nhưng đến lần thứ ba, Nguyễn Khải đặt vấn đề với Quách Vinh, thì ông này buộc phải nói “Tôi rất quý mến và kính trọng nhà văn, nhưng đây là nguyên tắc xử dụng cán bộ của Tỉnh, ở diện tài năng. Tôi không dám vi phạm. Lần sau anh vào chơi là quý, nhưng xin đừng đụng đến vấn đề này nữa!” Còn với tôi, sau đó ông nửa thật, nửa đùa “ Ông Vân Long ạ! Ông có bước qua …xác tôi, ông mới về được Hà nội!”
Thế mà, chỉ sau đó vài tháng, vài dòng viết tay của Bí thư Tỉnh ủy cho ông về việc chuyển công tác của tôi, ông đã thay đổi ngay thái độ, ký quyết định cho tôi về Hà nội một cách vui vẻ, sởi lởi…
Nhưng hỡi ơi! lúc này thì người đỡ đầu cho tôi đã thôi…chấp chính, đã lẩn vào trang viết của ông, mà coi mọi chuyện chính trường của Văn Nghệ như áng phù vân.
Hội nhà văn với chính quyền khác, đã có cơ chế nhân sự khác! May thay! ông Ngô Quân Miện vẫn có ý chờ tôi về giúp ông làm trang Văn Nghệ báo Độc Lập, để 8 năm sau tôi mới về cơ quan cấp II của Hội là NXB Tác phẩm Mới…
Vậy là trong đời văn, Nguyễn Khải cũng có lúc muốn làm một cái gì đó cho tổ chức Hội, đã sẵn sàng giúp một ai, khi có cơ hội và hoàn cảnh. Nhưng rủi thay, và cũng may thay! Anh chỉ biết viết văn, chỉ biết làm chủ trang viết của mình, chứ không thể làm chủ được một tình hình. Nhưng đó chắc chắn là cách duy nhất và cao cả nhất nhà văn hành thiện giúp đời!
Lược trích hồi ký Vân Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét