Lại bàn về ĐA SỐ và DÂN CHỦ (Hà Sĩ Phu)


(nhân lời ông Tổng Bí thư về Hiến pháp mới được đa số thông qua)

Ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi), TBT Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo Đại biểu Nhân dân. Số phiếu tán thành là 486/488, không có phiếu chống, quả là một đa số tuyệt đối, khiến cho bài báo đưa một nhan đề chắc nịch “Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân” [1].

Bài báo khiến tôi phải có đôi lời bàn thêm về ĐA SỐ và DÂN CHỦ.
Trước hết xin hỏi có phải cứ “đồng thuận cao” là “tất yếu dân chủ” hay không?
- Để trả lời, xin nhắc chính ông Nguyễn Đức Lam (NĐL – Văn phòng Quốc hội) từng nhắc lại chân lý: “Chân lý không hẳn bao giờ cũng thuộc về đa số. Làm gì trong trường hợp đa số (nhưng) thiếu thiện chí, hoặc đa số có chiều hướng nghiêng về một quyết định không hợp lý, không đúng?” [2].
Đa số trong Quốc hội với 95% đảng viên chính là một “nhóm lợi ích” khổng lồ mà quyền và lợi gắn chặt với điều 4 và với “sở hữu toàn dân” thì đa số ấy chỉ là đa số của một phe nhóm (có bài báo đã gọi Sở hữu toàn dân là Luật cướp cạn).
- Còn Albert Einstein thì nói về số đông như sau: “Chúng ta không thể thắng được lũ ngu bởi chúng quá đông” [3]. Rõ ràng những người sáng suốt luôn là số ít!
- Chẳng những đa số không phải là biểu hiện “tất yếu dân chủ” mà trái lại bản chất của dân chủ là thừa nhận và bảo vệ thiểu số. Ông NĐL nêu trên cũng nói “Điều dễ nhận thấy là thiểu số bao giờ cũng yếu thế hơn so với đa số. Bởi vậy, song song với nguyên tắc quyết định theo đa số là nguyên tắc bảo vệ thiểu số...”. Theo như vậy, nếu Quốc hội và Ban soạn thảo Hiến pháp làm việc theo tinh thần dân chủ thì đáng lẽ phải ghi nhận những ý kiến đối lập như nhóm 72 (mà Quốc hội đã đón tiếp long trọng), nhóm Công dân tự do, nhóm Công giáo, nhóm 8406... vân vân, họ đã lên tiếng ròng rã cả năm nay. Nhưng trái ngược với tinh thần dân chủ ấy, các vị không hề tôn trọng một ý kiến bất đồng nào, thì sao có thể tự phong là dân chủ được?
- Về “đa số” cũng không nên quên rằng những chỉ số “đa số tuyệt đối” luôn gắn với những nhân vật và thể chế độc tài nhất trong lịch sử như Hitler, Gaddafi, Saddam Hussein, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Jong Il... (cả khi bầu cử cũng như khi trưng cầu dân ý). Còn trong một thể chế dân chủ, một đa số quá bán đã là quý lắm rồi.
Nếu phải ngụy tạo một ưu thế đẹp thì dù được 100% nghị gật bỏ phiếu cũng nên giảm đi còn 70-80% thôi mới đáng mặt những kẻ nói dối thức thời. Con số 97,59% dù thật hay giả cũng là một con số dại dột trong tuyên truyền, vì nó gây ấn tượng một con số chua chát đáng buồn... cười!
- Vị Tổng Bí thư cứ thanh minh “Đảng không ép và dân thoải mái” và nói những lời nhún nhường thái quá, đạo đức thái quá như “người lãnh đạo là đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Đảng phải chịu trách nhiệm... từ những cái như tương, cà, mắm, muối, cái kim, sợi chỉ. Một người dân đói là Đảng phải chịu trách nhiệm”.
Tôi hiểu: về tâm lý, người có tật thường cứ “không khảo mà xưng, lạy ông tôi ở bụi này” như vậy, thanh minh “không ép” là có mặc cảm rất “ép” đấy! Thực ra chỉ một câu “Hiến pháp là sự cụ thể hóa nghị quyết của Đảng” như vẫn tuyên bố là đủ xóa sạch mọi sự nhún nhường.
Thôi, về những “mũi kim sợi chỉ” cứ để dân chúng tôi tự lo, chỉ mong Hiến pháp là cương lĩnh cao nhất của một quốc gia thì không thể nhằm thực thi nghị quyết của một đảng được! Trong một xã hội pháp trị thì đạo đức phải trở thành “thừa” vì đạo đức đã được kết tinh một cách vĩ mô trong Hiến pháp và luật pháp. Xưng là đầy tớ mà đàn áp và ép cung ông chủ thì xin miễn cho!
- TBT cũng nhắc đến “ý Đảng lòng dân” thì xin hỏi đây là hai yếu tố ngang hàng hay không ngang hàng? Nói Đảng trước dân sau, mà Đảng viết hoa, dân viết thường là nhất bên trọng nhất bên khinh rồi. Chữ “Đảng” viết hoa là biến một danh từ chung thành một danh từ riêng, để hiểu đây là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chữ “dân” cũng nên viết hoa, không phải chỉ là tôn trọng mà cũng để biến một danh từ chung thành một danh từ riêng, để hiểu đây chỉ là “dân Việt Nam”, vì không có dân nước nào khác lại cứ đứng sau một đảng như thế.
Người Cộng sản (nhưng mà tốt) Trần Độ đã viết: “Ý Đảng phải là lòng dân, phải từ lòng dân. Lòng dân phải trở thành ý Đảng. Phải kiên quyết khắc phục tình trạng ý Đảng một đằng, lòng dân một nẻo. (Trần Độ, Văn nghệ, Hà Nội, số 11 ngày12-3-1988)
Xem như vậy thì ý Đảng phải theo lòng Dân, lòng Dân mới là gốc, có trước, ý Đảng phải từ đó mà ra. Chứ nghị quyết Đảng có trước rồi Dân phải “quán triệt” thì Đảng mới là gốc, dân chủ kiểu ấy là dân chủ lộn ngược.
Một Hiến pháp thế này được thông qua là mở đầu cho một thời kỳ tồi tệ hơn trước, cũng như mỗi lần sửa Hiến pháp là một lần thụt lùi.
Dân chẳng có quyền gì, chắc chỉ có thể có hai cách ứng xử: một là ra một văn bản của những trí thức và giới trẻ phản biện, không chấp nhận Hiến pháp ấy là đúng ý của mình, để ghi nhận trước lịch sử như ý kiến của “thiểu số” (Quốc hội cũng tuyên bố ghi nhận ý kiến thiểu số kia mà). Mặt khác đành tương kế tựu kế, cứ tạm chấp nhận Hiến pháp, nhưng, đã thế thì ít nhất phải thực hành nghiêm chỉnh với ít nhiều chỉnh lý, vì dù chưa hoàn thiện Hiến pháp cũng còn tốt hơn nhiều so với những điều luật đặt ra để vô hiệu hóa những điều khả dĩ còn tương đối tốt trong Hiến pháp.
Việt Nam đã ngồi ghế cao trong Hội đồng Nhân quyền quốc tế, thì phải là một thành viên nghiêm chỉnh của nhân loại, dân Việt Nam xin hoan hô và quyết xứng đáng với những giá trị dân chủ chung của nhân loại, không thể có một thành viên cao trong cộng đồng nhân loại nhưng cứ giữ một thứ văn minh riêng “kiểu Việt Nam” hay “kiểu Trung Quốc” như lối Trung Quốc thường nói!
Cuối cùng, xin thư giãn cùng bạn đọc bằng mấy câu vè rất chi là... “con cóc”:
Vè “CỨ NHƯ”…
Sự đời hư thực, thực hư
Mấy câu “nghị quyết” cứ như sách trời
Cứ như muôn sự đã rồi:
Lịch sử đã xếp Đảng ngồi trên Dân!
Cứ như ông thánh ông thần
Dẫu ngu dốt vẫn giữ phần ngôi cao.
*
Việt Trung hữu nghị tào lao
Biên cương giặc cứ tự vào tự ra
Cứ như nước Việt của ta
Giao Chỉ nay đã đổi là “Quảng Nam
Cứ như quan ắt phải tham
Cứ như dân phải lầm than lẽ thường
Vua quan muôn sự nhiễu nhương
Cứ vui như thể bốn phương thái bình
*
Trí thức phản biện, phê bình
Cứ đe như đổ triều đình đến nơi
Hỏi dân chủ, bảo có rồi
Đứa nào đòi nữa, cho ngồi nhà lao…
Vừa rồi “ta” trúng phiếu cao
Cứ như xuất hiện một “sao” Nhân quyền
Hiến pháp có được chút quyền
Đến khi làm luật lại liền khóa ngay
Cứ như hai mặt bàn tay
Cứ như nhật thực giữa ngày có đêm
Dân mình biết sống sao yên
Biết đâu đen trắng giữa miền… cứ như…?
*
Thế thời ta cũng… cứ như
Cứ như dân chủ có dư sẵn rồi
Nhân quyền chung của loài người
“Đảng ta” đại diện đã ngồi ghế cao
Dân ta nay quyết tự hào
Lập hội lập đảng như bao nước ngoài
Tự do ngôn luận, viết bài
Phê cả tổng thống dài dài, sợ chi?
Nếu còn những kẻ gian phi
Cấm ta là cấm đường đi lối về
Công khai chung một nhời thề
Thực hành dân chủ,
nhất tề:
- CỨ NHƯ…!
H.S.P (30-11-2013)


Không có nhận xét nào: