Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần 8 tại Hà Nội


Báo Chí Á Châu. AFP photo
Hội nghị cấp cao báo chí Châu Á lần thứ 8 khai mạc hôm nay tại khách sạn Melia, Hà Nội, do đài Tiếng Nói Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh, Truyền hình Châu Á tổ chức.
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần 8 tại Hà Nội ngày 24 tháng 5 năm 2011


Nỗ lực hội nhập
Ban Tổ chức loan báo, tham gia hội nghị kéo dài hôm nay và ngày mai,
ngoài hơn 400 đại biểu thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện diện, còn có hơn 200 đại biểu của Việt Nam cũng tham gia, gồm các bộ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc điều hành, chuyên gia hoạch định chính sách, nhà quản lý, học giả hàng đầu trong lãnh vực phát thanh, truyền hình, báo chí.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia tổ chức một hội nghị quan trọng về truyền thông, tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hợp tác và phát triển các phương tiện báo viết, báo nói, tức là các nội dung phát thanh, truyền hình, báo chí trong tương lai.
Đối với Việt Nam, đây là một dịp may để nâng cao hoạt động ngành thông tin, truyền thông,  góp phần quảng bá chính sách của đảng và nhà nước, trong chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020.
Theo tài liệu phổ biến đến giới truyền thông thì hiện nay, cả nước có tất cả 67 đài phát thanh, truyền hình, trên 700 tờ báo và nhà nước Việt Nam đang nỗ lực hội nhập cùng với khu vực và thế giới, trong “một nền báo chí mới”, với tôn chỉ là thông tin sốt dẻo, hấp dẫn, có chiều sâu.

Lên tiếng với đại diện báo chí, giáo sư tiến sĩ Vũ Văn Hiển, Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội nghị quốc tế đang diễn ra ở Hà Nội:

“Đài Tiếng Nói Việt Nam được ủng hộ của tất cả các bộ, các ban ngành, có đề xuất gì thì đều được đáp ứng, tôi tin là những điều kiện phục vụ cho hội nghị cũng sẽ là một trong những hội nghị ấn tượng nhất trong các hội nghị cấp cao báo chí Châu Á.”
Đặc biệt hơn nữa là việc hội nhập quốc tế, thì khẳng định là vai trò của đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng có những bước phát triển rất mới.

Ông Vũ Văn Hiển

Theo ông thì ngành báo chí, phát thanh, truyền hình Việt Nam được  sự tin tưởng của bạn bè trên thế giới:

“Qua sự kiện này, nó đánh giá là báo chí Việt Nam cũng đã có tầm vóc đối với quốc tế, khẳng định là được bạn bè tin cẩn, bạn bè rất yêu quý. Qua đây thì cũng thấy là đài Tiếng Nói Việt Nam cũng sánh vai với các đài quốc tế khác, về nhiều phương diện, không chỉ về cơ sở vật chất mà chính phủ rất quan tâm, rồi trình độ, nội dung của phát thanh đã được triển khai, đổi mới trong thời gian qua. Đặc biệt hơn nữa là việc hội nhập quốc tế, thì khẳng định là vai trò của đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng có những bước phát triển rất mới.”

Tự do báo chí theo hướng nào?
Nhân dịp hội nghị cấp cao báo chí Châu Á đang hội họp tại Hà Nội, đài chúng tôi liên lạc với blogger Người Buôn Gió, thường có bài viết vận động cho tự do dân chủ, phổ biến trên Net, góp ý về vai trò của báo đài trong nước hiện giờ:

“Ở Việt Nam thì hoàn toàn chưa có tự do báo chí, người dân ở Việt Nam cũng rất là nhiều người không tin vào đài truyền hình, hoặc các cơ quan thông tấn xã của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam nói là có tự do báo chí nhưng theo cái cách của họ, anh có thể tự do ca ngợi nhà nước, ca ngợi đảng, tự do ca ngợi cấp lãnh đạo, nhưng nếu anh phê phán, chỉ trích hay là phê bình ngược lại thì anh có thể bị o ép, bị tước thẻ nhà báo, bị bắt bớ.
Cho nên nếu hỏi tự do, xét theo tự do chung, thì Việt Nam hoàn toàn không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, còn nói theo nhà nước, bảo là có tự do thì tự do ca ngơi, khen nhau thì có tự do.”

Theo tờ Nhân Dân điện tử thì Việt Nam chính thức trở thành hội viên của Viện Phát triển Phát thanh, Truyền hình Châu Á từ năm 1981. Hội nghị cấp cao báo chí Châu Á và Thái Bình Dương được tổ chức lần đầu vào năm 2004. Trong thời gian qua đã có 5 hội nghị cấp cao được tổ chức tại Malaysia, một tại Bắc Kinh, một tại Macau.

Nhà nước Việt Nam nói là có tự do báo chí nhưng theo cái cách của họ, nếu anh phê phán, chỉ trích hay là phê bình ngược lại thì anh có thể bị o ép, bị tước thẻ nhà báo, bị bắt bớ.

Blogger Người Buôn Gió

Viện Phát triển Phát thanh, Truyền hình Châu Á hiện có 26 thành viên chính thức, 94 thành viên liên kết, 58 đối tác đến từ các quốc gia thuộc khu vực Âu, Á, Mỹ cùng các tổ chức truyền thông quốc tế.

Đến 3 giờ trưa hôm nay, chỉ có tờ Nhân Dân và đài Tiếng Nói Việt Nam đưa tin và hình ảnh về hội nghị cấp cao báo chí Châu Á lần thứ 8, tổ chức tại Hà Nội, thông tin này không được các báo khác ở Việt Nam loan tải.

Theo dòng thời sự:

Bùi Chát: Họ lấy tôi để đe dọa giới cầm bút

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2011-05-08
Nhà thơ Bùi Chát, sau khi nhận giải thưởng Tự do Xuất bản ở Argentina trở về đã bị cơ quan chức năng tại thành phố HCM kiểm tra ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, đưa về khám xét nhà và bắt đi với danh nghĩa điều tra.
Baá Chí Thế Giới . Photo courtesy of Danlambao
Ông Bùi Chát tại lễ nhận giải thưởng Tự do Xuất bản do Hiệp hội Các nhà Xuất bản Quốc tế trao ở thủ đô Buenos Aires.
Sau hai lần mời làm việc hiện nay nhà thơ Bùi Chát đã trở về nhà riêng tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn rằng Công an có còn tiếp tục mời ông làm việc nữa hay không.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông để biết thêm những gì do ông kể lại trong những ngày vừa qua mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Xin chào nhà thơ Bùi Chát, trước tiên xin chia vui với ông vì đã được trở về nhà, kế nữa nếu không có gì trở ngại xin ông cho biết một ít chi tiết về lần gặp công an gần đây nhất thưa ông?
Bùi Chát: Họ nói họ sẽ liên lạc lại hoặc sẽ gửi thư mời trước khi làm việc một ngày.

Tin Bùi Chát nhận giải trên báo chí nước ngoài. Photo courtesy of Danlambao.
Mặc Lâm: Vâng, từ khi họ thả ông ra sau lần bắt giữ 72 tiếng tại phi trường thì họ còn triệu tập ông làm việc bao nhiêu lần nữa?

Bùi Chát: Từ đó đến nay là hai lần, một lần họ yêu cầu tôi phải ký vào những gì in ra từ trong cái laptop cũng như những giấy tờ bị thu giữ tại nhà mà họ thu hôm lần đến xét nhà và tôi đã ký vào những tài liệu của tôi.
Lần thứ hai thì họ làm việc về nội dung nhà xuất bản Giấy Vụn cũng như các tài liệu có liên quan đến nó.
Mặc Lâm: Chắc ông cũng biết là sau khi ông bị bắt thì phản ứng của dư luận quốc tế rất gay gắt và đích thân ông chủ tịch IPA cũng như nhiều tổ chức báo chí quốc tế đã gửi thư trực tiếp can thiệp đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vĩnh viễn cũng như bằng khen từ IPA cho nhà xuất bản Giấy Vụn.

Riêng với các ngòi bút hải ngoại cũng đang ký kiến nghị qua hai website là Tiền Vệ và Da Màu nhằm đòi hỏi trả tự do vĩnh viễn cho ông. Ông có cảm tưởng như thế nào trước những phản ứng này?
Bùi Chát: Vâng tôi thấy đây là việc làm hết sức có ý nghĩa không chỉ cho cá nhân tôi mà cho tất cả nghệ sĩ đang sống ở Việt Nam. Môi trường quá khó khăn để bày tỏ quan niệm sáng tác cũng như những quan niệm khác về tự do của mình. Tôi thấy cái việc đấy của mọi người hoàn toàn đứng đắn tôi luôn luôn ủng hộ và anh em văn nghệ Sài Gòn cũng ủng hộ những việc làm này.
Đe dọa giới cầm bút
Từ trái sang: Giám đốc IPA Youngsuk “Y.S.” Chi, Thị trưởng Mauricio Macri, và Bùi Chát tại lễ trao giải Tự Do Xuất Bản năm 2011 ở Buenos Aires hôm 25-4-2011. Courtesy tạp chí Da Màu.
Mặc Lâm: Xin được phép quay lại những gì xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất khi ông vừa từ Argentina quay về Việt Nam; xin ông cho biết những gì đã xảy ra vào hôm ấy, khi cơ quan an ninh tạm giữ ông thì lý do họ đưa ra là gì?

Bùi Chát: Thật ra khi mà làm việc thì họ chưa có lý do gì cả, họ chỉ giữ tôi ở lại đó thôi. Mãi đến hôm sau họ mới lập biên bản tức là khoảng gần 24 tiếng sau thì họ mới bắt tay vào lập biên bản tạm giữ những quyển sách của tôi mang về cũng như cái bằng IPA. Trong quá trình hai mươi mấy tiếng đó thì họ ngồi làm việc nói này nói kia thôi chứ không đưa ra một lý do gì cả.

Mặc Lâm: Khi nói chuyện với ông có cho thấy là họ chú trọng vào chuyện gì nhất, tự thân nhà xuất bản Giấy Vụn hay nội dung giải thưởng mà ông vừa nhận?

Bùi Chát: Cũng có những lúc họ nói chuyện bình thường, có những lúc họ lấy danh nghĩa công an hải quan, công an cửa khẩu họ làm việc vì trong hành lý của tôi họ phát hiện bằng khen của IPA, một Kim Tự Điển, 22 tập thơ Bài Thơ Một Vần của tôi và 27 tập thơ của Lý Đợi. Họ cho rằng đây là những thứ không được phép của nhà nước khi nhập vào Việt Nam.
Mặc Lâm: Cảm giác của ông ra sao khi vừa nhận một giải thưởng quan trọng của quốc tế nhưng khi trở về quê hương mình lại bị tịch thu và đe dọa liên tiếp trong nhiều ngày và chưa chắc gì trong những ngày tới được yên ổn để sáng tác?
Bùi Chát: Tôi có cảm giác thật sự mình rất buồn vì những việc làm của mình rất là bình thường, chỉ cố gắng bày tỏ những quyền đã được thừa nhận trong hiến pháp cũng như khi Việt Nam tham gia những công ước quốc tế thì đều ghi nhận những quyền đó.

Thông qua những việc làm của họ thì giống như họ lấy tôi để đe dọa giới cầm bút và cái việc làm đấy họ có thể xử lý kiểu khác.

Nhà thơ Bùi Chát

Tôi nghĩ tôi chỉ là một công dân bình thường thể hiện những chuyện đấy mà họ lại lấy nhiều lý do để ngăn chận lại, thậm chí mang tính chất đe dọa. Thông qua những việc làm của họ thì giống như họ lấy tôi để đe dọa giới cầm bút và cái việc làm đấy họ có thể xử lý kiểu khác.

Tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức nguy hiểm cho hình ảnh Việt Nam đối với thế giới và cũng rất nguy hiểm cho sự tiến bộ mọi mặt tại Việt Nam.
Mặc Lâm: Tôi có một câu hỏi hơi tế nhị nhưng phát xuất từ việc lo lắng cho sự an toàn của cá nhân ông đối với chính quyền, liệu ông có cảm thấy trở ngại khi cuộc phỏng vấn này được công bố rộng rãi cho đồng bào trong cũng như ngoài nước nghe hay không?

Bùi Chát: Tôi nghĩ rằng đây là những quan điểm, những suy nghĩ của tôi sau sự kiện này. Bây giờ cũng như trước đó đã thể hiện một cách rất rõ ràng. Tôi nghĩ rằng nếu có khó khăn gì sau cuộc phỏng vấn này thì mình cũng phải chịu nhưng tiếng nói của mình lại được thể hiện ra. Nhân đây cũng xin cám ơn RFA cũng như mọi thính giả khắp nơi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Chát đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: