Hàn Lệ Nhân

Văn hoá vĩ đại

«...Đã "vĩ đại" lại lót thêm "vô cùng" hẳn ngụ ý kiên định việc thêu thùa sự tích hầu vĩnh viễn lập tran cùng khắp nhà nhà, là sự tích này vĩ đại hơn bứt mọi vĩ đại khác từ khai thiên lập địa đến nay...»
Từ lâu hắn thắc mắc: Một mệ kiến to cỡ hai đốt ngón út, ta gọi là con kiến khổng lồ. Một bác khỉ cao chừng 1,70 m ta kêu h
oảng là con khỉ vĩ đại. Một cụ ma-mút (mammouth) bự như tiểu hà mã ta lại cho là con ma-mút tí hon. Một cô Quỳnh nở, trụ sắc từ nửa đêm tới sáng, ta reo lên cho là cô nàng sống dai. Một kiếp trần sáu bảy chục năm trường hoặc lâu hơn nữa, ta than đời người sao ngắn ngủi...!

Hắn tủn mủn triết lý cùn là tự thân mệ kiến không hề ý thức được sự đồ sộ của mệ ta; tự thân bác khỉ làm gì thấy được sự vĩ đại của bác ấy; tự thân chú ma-mút làm sao chú biết chú nhỏ con; cô Quỳnh cũng vậy. Riêng con người thì khác hẳn, hoàn toàn khác hẳn vì duy con người là sinh vật thấu lẽ "ta suy tưởng nên ta hiện hữu" (Descartes), do đó, theo hắn vạn sự tự con người.

Con người chỉ là một trong ức ức tác phẩm của hoá công, nhưng tác-phẩm-người, thỉnh thoảng lại muốn hoá thân bình đẳng hay gần bằng với hoá công, dưới cái danh xưng tự tạo tự tôn là vĩ nhân, là thánh nhân (như sự tích con khỉ động Thủy Liêm tự xưng Tề Thiên Đại Thánh). Thánh nhân đương nhiên chỉ thực hiện những chuyện vĩ đại (như Tôn Ngộ Không biết đằng vân giá vũ, nhổ lông làm ra vô số bản sao khỉ khác); cũng như xưa có con ếch muốn phình to bằng con bò và nay quanh tôi có dúm đa đa đú đởn tung hê nhau thành phượng hoàng…xóm.

Song, thế nào là vĩ đại ?

─ Vĩ đại là nhất: khổng lồ nhất ngoài hình tướng; siêu việt nhất trong tư tưởng. Đơn cử, một kiếp phàm ngắn ngủi mà cùng lúc gồm thâu nào "trái tim vĩ đại", "tư tưởng vĩ đại", "tài sản tinh thần vĩ đại", rồi "đạo đức vĩ đại", "nhân cách vĩ đai", "văn hoá vĩ đại", kiêm nhiệm luôn "người thầy vĩ đại", "ý nghĩa lịch sử vĩ đại"... thì hai năm rõ mười, những cái đuôi vĩ đại đó đích thị là "tinh huê của trời đất mà sanh ra", chứ chẳng chơi. Chưa hết, dạo sau này hắn thấy nhơn nhơn nhóm chữ "vô cùng vĩ đại", như trong câu "sự nghiệp vô cùng vĩ đại", "con người vô cùng vĩ đại". Đã "vĩ đại" lại lót thêm "vô cùng" hẳn ngụ ý kiên định việc thêu thùa sự tích hầu vĩnh viễn lập tran cùng khắp nhà nhà, là sự tích này vĩ đại hơn bứt mọi vĩ đại khác từ khai thiên lập địa đến nay, nghĩa là Vô Thượng Sư, Nhất trên Nhất ! Và hắn đã hiểu rằng đó là "những bước chân âm thầm" vĩ đại, tiệm tiến, vững chắc để tác tạo một "Đấu Chiến Thắng Phật" mới cho một tôn giáo đã bị xếp vào lịch sử hay quá khứ.

Nhưng hắn có chút lấn cấn: Nếu quả như tân "Đấu Chiến Thắng Phật" biến thành hiện thực và là do tâm nguyện của nhà nhà (dù chưa bao giờ được hỏi ý kiến) thì đối với sư tổ, sư phụ của ngài, phải ứng xử ra sao? Phải "bồi dưỡng" thêm cho mỗi vị này bao nhiêu cái vô cùng, bao nhiêu cái vĩ đại? cho khít với truyền thống vô cùng tốt đẹp "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" mà nhà nhà già trẻ đều thuộc nằm lòng.


[«(Các học sinh dán khẩu hiệu, có hai chữ “Vĩ Đại” !)

─ Chào các em. Theo các em thì xung quanh chúng ta cái gì là Vĩ Đại ?

─ Cháu chịu.

─ Nào em ?

─ Vĩ Đại thì cháu nói thật là cháu chỉ được nghe, chứ cháu chưa được nhìn thấy.

─ Thế các chú bảo cái gì Vĩ Đại cơ ?

(Một trí thức)

─ Cái Vĩ Đại - Vĩ Đại nhất đã được tạo dựng trên trái đất này là con người, chính là con người.

(Bà giáo già)

─ Nhưng tạo hoá đã không sinh ra một loại sinh vật nào đau khổ hơn con người và khao khát sự tử tế hơn con người.

(Đường phố)

Thật vậy ! Một nhà văn từng viết :

"Con người là một sinh vật không bao giờ chịu sống thúc thủ. Nó luôn luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mà mãi mãi không bao giờ đạt tới".]

(phân cảnh phim Chuyện Tử Tế, đạo diễn Trần Văn Thủy).

Hắn bấm nút Review, nghe đi nghe lại nhiều lần lời ông nhà văn:

Đoạn "... cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mà mãi mãi không bao giờ đạt tới", làm hắn liên tưởng tới câu nói thật, gần cuối đời của cố Chủ tịch nước CHDCND Lào, Kaysone Phomvihane (1920-1992), trong bài diễn văn nhậm chức, 08/1991: "Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu của chúng ta, nhưng là một mục tiêu rất xa vời".

─ Thế chúng ta có nên tiếp tục áp đặt chủ nghĩa xã hội nữa không?

─ Không. Bởi xứ ta là một quốc gia tí hon so với thứ nhầm lẫn vĩ đại đó !
 


Một nữ danh ca cùng một nữ diễn viên điện ảnh ngoại quốc qua xứ nọ. Hai nàng được một quan tham cao cấp bao thầu và hướng dẫn. Một hôm, quan tham dẫn hai nàng đi tham quan một cảnh chùa. Lên chánh điện, quan tham chấp tay lễ Phật Thích Ca. Nữ danh ca ngạc nhiên hỏi:

─ Ông là tín đồ ?

─ Vâng, nhưng không thực hành, quan tham khẽ đáp.

Nữ diễn viên điện ảnh hỏi tiếp:

─ Ông là đảng viên mà ?

─ Vâng, thưa hai cô, nhưng thực hành mà không tin ...


"Để có quyền chiêm nghiệm những nhầm lẫn vĩ đại của thánh nhân, cần phải biết nhận ra những nhầm lẫn vĩ đại đó, khi thời gian phơi bày ra dưới ánh mặt trời"(theo d'Alembert).

─ Nhận ra rồi để làm gì?

─ Thâm ý trong câu nói của d'Alembert, theo lối hắn diễn suy, nhận ra là để thánh nhân được "hạ cánh an toàn", phục hồi cát bụi phận người, hoà quyện mãi vào đất và nước vì đất nước là vạn đại, chính thể là nhất thời; hoà đồng mãi với tác phẩm vĩ đại của hoá công là con người: "một cây sậy có tư tưởng", cho nên biết tha thứ (nhưng mãi mãi không quên), vì "con người vốn phi thánh, phi thú và sự bất hạnh muốn rằng ai muốn làm thánh thì (được) làm thú" (Pascal). Còn ai muốn ai thành thú thì ai sẽ thành thánh? Ai muốn ai thành thánh thì ai sẽ thành thú? Và xưa, ai muốn ai thi gan đấu cật cùng tuế nguyệt thì thương cho ai đã phải im chịu mất cật mất gan, hơn nữa thật xót cho ai đã, đang buộc phải trả một cái giá quá đắt cho sự mất mát đó của ai ! Thôi, đừng tinh tướng hay tiếp tay tô phết chất thánh vào thú cũng như xin chớ khước từ tất tật chất thú của thánh. Càng tiếp tục áp đặt sự tô phết bao nhiêu càng bị khước từ bấy nhiêu. Càng kiên quyết khước từ bao nhiêu càng được tô phết bấy nhiêu. Ai đó có nói "Ở đời chỉ có hai hạng người: hạng thứ nhất, những người chính nghĩa tự cho mình là những kẻ phản động; hạng thứ nhì, những kẻ phản động tự cho mình là những người chính nghĩa".

Và ở đây không hề có phê, cũng chẳng có bình; không phải để chỉ trích cũng chẳng để lập án mà chỉ đưa ra một nhận định - xuôi theo dòng ý tưởng tản mạn trong đầu. Chỉ tội cho thánh nhân phải nằm trơ một mình lãnh đủ, nào nguyên nhân nào hậu quả của những thứ vĩ đại đại để đặt đại ra, kể từ khi thánh nhân bị biến chứng thành quả banh giữa hai đội bóng rổ phi thú phi thánh: đội tên Rồng, đội tên Tiên!

Nam mô tân "Đấu Chiến Thắng Phật"!

"Các vị ấy niệm Phật rồi đồng lui ra ngoài... Sự tích bao nhiêu đó là hết." (Ngô Thừa Ân - Tô Chẩn).

Hàn Lệ Nhân

Không có nhận xét nào: