Biểu tình là phản ứng của người dân'
Trả lời báo nước ngoài hôm thứ Năm 07/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông".

Bà Nguyễn Phương Nga đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ với các phóng viên trong và ngoài nước, trong đó bà trả lời một số câu hỏi được các phóng viên gửi tới từ trước.


Báo mạng Giáo dục Việt Nam tường thuật rằng phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại đây đã hỏi bà Phương Nga: "Liệu trong bao lâu nữa Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép người dân tiến hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc sau một loạt các sự kiện người dân Việt Nam tiến hành tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự kiện thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua?"

Bà Nga không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói: "Trong cuộc họp báo hôm trước tôi cũng đã từng nói, đây là phản ứng của người dân Việt Nam trước những sự kiện gần đây diễn ra trên Biển Đông".

Câu trả lời của người phát ngôn dường như biểu lộ hàm ý không hẳn tán đồng nhưng cũng không chỉ trích điều mà chính phủ Việt Nam sau sự kiện biểu tình hôm 05/06 nói là "một số người đã tự phát tụ tập... để thể hiện tinh thần yêu nước".

Bản tin của Giáo dục Việt Nam nay đã bị gỡ xuống nhưng vẫn còn lưu lại trên một số trang mạng.

Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải "định hướng dư luận" sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trả lời một câu hỏi khác, bà Nga nói Bộ Ngoại giao Việt Nam "không có thông tin về việc" được nói là tàu Trung Quốc định cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hôm 30/06.

'Nhận thức chung'

Bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng giải thích về 'nhận thức chung' giữa lãnh đạo VN và TQ về Biển Đông nhưng không nhắc tới cụm từ 'đồng thuận'.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về 'nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông', bà Nga nói "nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc", gần đây nhất là trong "thông tin báo chí chung về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc" hôm 25/06.

Người phát ngôn Việt Nam nhắc lại những chi tiết chính của nhận thức chung này, như quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được ...

Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, nhận thức chung đi kèm nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau trong đàm phán về các vấn đề trên biển, và "hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp".

Các điểm mà người phát ngôn Việt Nam đưa ra không có gì mới và trên thực tế đã nhắc lại nhiều lần.

Bà Nga không đề cập tới phạm trù "đồng thuận chung" mà truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã, đã đưa ra khi tường thuật cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và lãnh đạo Trung Quốc hôm 25/06.

Yêu cầu giải thích

Bản tin của Tân Hoa Xã phát đi hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn.

Ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)".

Cụm từ "đồng thuận chung" hiếm gặp đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.

Hôm 02/07, một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về những điều Tân Hoa Xã đưa tin.

18 trí thức ký tên yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.

Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.

Phát biểu của Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga không đề cập tới các yêu cầu nói trên.

Luyện hải quân Việt –Mỹ


Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cung cấp thêm thông tin về hoạt động chung giữa hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ kéo dài một tuần trong tháng Bảy.

Ngày 07/07, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên NHK về tình hình an ninh và an toàn Biển Đông, trong đó có đề cập tới sự kiện các tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 15/07 sắp tới.

Bà Nga cho hay ba tàu hải quân Hoa Kỳ gồm có tàu USS Preble, tàu USS Chung-Hoon và USNS Safeguard "sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khoảng thời gian chính thức từ ngày 15-21/07".

Bà Nga nói tại cuộc họp báo: “Đây là hoạt động giao lưu định kỳ hằng năm và đã được hai bên thỏa thuận từ trước nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, thực hiện các hoạt động nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chuyên môn của hải quân và tìm kiếm cứu nạn.”

Người phát ngôn Việt Nam cũng nhấn mạnh “đây không phải là cuộc tập trận hải quân như một số báo chí đưa tin”.

Trước đó theo cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, khi ở Việt Nam các thủy thủ Mỹ sẽ tham gia hoạt động cộng đồng, các buổi huấn luyện về tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát thiệt hại, lặn và cứu hộ với hải quân Việt Nam.

‘Tăng cường quan hệ’

Tháng 08/2010, tàu hải quân Hoa Kỳ USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước.

Nhân dịp này, hải quân Mỹ-Việt đã có cuộc diễn tập cứu hộ chung cùng với sự chỉ đạo cuả chỉ huy tàu USS John S. McCain, ông Jeffrey J. Kim bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Tàu USS Chung-Hoon vừa tham gia cuộc tập trận chung "Hợp tác Sẵn sàng Chiến đấu và Huấn luyện Trên biển"-CARAT với hải quân Philippines hồi tháng Sáu. Tàu này được coi là một trong các khu trục hạm tối tân nhất của Hạm đội 7.

Trước đó tàu chiến của Mỹ đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009.

Những sự kiện ‘diễn tập’ như thế này thu hút rẩt nhiều sự chú ý từ phía Trung Quốc, đặc biệt kèm theo các căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước diễn biến tình hình mới này giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực.

Không có nhận xét nào: