Mozart Trong Phim Amadeus
Quay năm 1984, dài 161 phút
Đạo diễn: Milos Forman
Các tài tử: Murray Abraham, Tom Hulce, Elizabeth Berridge, Roy Dotrice.
Amadeus là cuốn phim âm nhạc thành công đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế giá trị:
Tám giải thưởng Oscars của Hàn lâm viện Mỹ năm 1984:
Diễn viên
Truyện phim
Nghệ thuật
Trang phục
Phim hay nhất trong năm
Đạo diễn
Hóa trang
Âm thanh
Bốn giải Golden Globe (Quả cầu vàng ) của Mỹ 1984.
Bốn giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles (LAFCA)
Ngoài ra còn được các giải thưởng của American Cinema Editors, Casting Society of America, Directors Guild of America, Kansas City Film Critics Circle Award, American Film Institute.
Bốn giải thưởng Hàn lâm viện Anh
Những giải thưởng của các nước Ý, Pháp, Nhật , Na Uy…
Lần này cuộc đời nhà soạn nhạc Mozart được đưa lên màn bạc thành công vẻ vang, cuốn phim được nhiều khán giả và giới phê bình ca ngợi cả về hai phương diện âm nhạc và điện ảnh. Mặc dù Mozart đã là nhà soạn nhạc cổ điển trứ danh, cuốn phim đã đưa âm nhạc của nhà thiên tài này lên cao hơn nữa, nhạc Mozart đã được nhiều người ngưỡng mộ hơn.
Về Mozart người ta thường nói: có lẽ ông là thiên tài lớn nhất của nền nhạc cổ điển Tây phương. Nhạc Mozart du dương êm dịu, mực thước , vui tươi đầy nhựa sống nên người ta đều thích nghe dù là kẻ sành điệu hay không về nhạc cổ điển.
Wolfang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng giêng năm 1756 tại Salzburg, Áo quốc, con trai của Leopold Mozart, nhạc sĩ giám đốc một nhạc viện thuộc Giáo hội. Mozart (con) được mô tả là một thần đồng, lên ba tuổi đã biết chơi đàn Harpsichord, lên bốn tuổi chơi vĩ cầm, lên năm tuổi đã soạn nhạc. Leopold biết con có thiên tài nên đã ra sức dậy dỗ cậu bé. Ông dẫn cậu bé đi khắp Âu châu trình diễn. Sáu tuổi (năm 1762) Mozart lên Vienne (Anh gọi Vienna) thủ đô Áo quốc , 1763 đến Ba Lê , 1764 sang Anh… được đón tiếp nồng hậu. Năm 12 tuổi Mozart đã soạn các vở nhạc kịch opéra và những bản nhạc đại hòa tấu symphony.
Năm 26 tuổi (1782), Mozart lấy Constanze, một cô gái nghèo. Từ đó ông lập nghiệp tại Vienne cho tới chết, tại đây ông soạn nhạc bán, trình diễn tại các thính đường, dậy nhạc để sinh sống nhưng luôn thiếu hụt vì tiêu xài hoang phí . Cha mất năm 1787, sáu đứa con chết bốn chỉ còn hai…đa số nhạc phẩm lớn của ông được sáng tác trong thời gian này và chịu ảnh hưởng của Haydn, J.S.Bach. Toàn bộ công trình nghệ thuật của Mozart vào khoảng 600 bản nhạc gồm đủ các thể loại , nhạc hát opera (vocal work) nhạc không lời (instrumental work), những bản symphony (đại hòa tấu) những concerto (cầm tấu khúc) dành cho dương cầm, vĩ cầm, sáo…
Tổng cộng Mozart đã soạn được 22 vở Opera, nhiều vở nay vẫn được ưa chuộng như The Marriage of Figaro, Don Giovanni, The Magic Flute… về Symphony viết được hơn 40 bản, nổi tiếng nhất là Symphony số 25, 40, 41…Ông cũng soạn nhiều Serenade, loại nhạc hòa tấu nhẹ nhàng hơn Symphony như A little Night Music. Mozart là người sáng tác ra thể cầm tấu khúc dành cho dương cầm (piano concerto) cũng như Haydn người đã sáng tác ra symphony có nghĩa là cầm tấu khúc dương cầm bắt đầu có từ thời Mozart, nổi tiếng nhất là các concerto số 20, số 13, số 9, số 21…
Nói về số lượng toàn bộ nhạc không lời, nhạc hát, nhạc hòa tấu.. của Mozart nhiều gấp bội lần các nhà soạn nhạc nổi danh khác như Haydn, Beethoven, Antonio Vivaldi…
Đặc biệt ở Mozart bản nào cũng du dương, thanh tao dễ nghe nên được nhiều người ưa thích. Mozart cũng soạn nhạc cho nhà thờ, nhạc cầu hồn cho người chết (mass for the dead) nổi tiếng nhất là bản Requiem ông viết năm 1791 hình như nó linh ứng đến chính cái chêt của nhà soạn giả thiên tài này, viết được vài phần thì mắc bệnh chết trước khi hoàn thành tác phẩm này vào lúc mới 35 tuổi.
Truyện phim Amadeus theo lời kể của nhà soạn nhạc hoàng gia (court composer) tên Salierie, ông này ghen tài với Mozart và tìm cách hãm hại đời nhạc sĩ tài hoa này, đây chỉ là một giả thuyết, không thấy đề cập tới trong tiểu sử.
Xin sơ lược truyện phim
Cảnh mới vào phim.
Một ông già cứa cổ tự tử, kêu khóc thú nhận mình đã giết Mozart, người đó là Salierie, nhà soạn nhạc của triều đình kể lại cho một linh mục nghe chuyện sẩy ra hơn ba mươi năm trước.
... Như một phép lạ, Salierie được phong làm nhà Soạn nhạc hoàng gia cho vua nước Áo. Mozart lúc 26 tuổi được nhà vua mời vào trình diễn, tài nghệ hắn lấn át Salierie, ông ta ghen tài hắn và ghen tình nữa. Cô ca sĩ Katerina nổi tiếng thân thiết với Mozart nhưng chàng lại lấy cô gái Constanze và bỏ Katerina. Salierie càng cay đắng hơn khi biết hắn đã ăn ở với Katerina, người mà ông yếu quí, từ đó ông hay dèm pha với nhà vua để hạ uy tín Mozart.
Bỗng một hôm Constanze, vợ Mozart lén đem nhạc của chồng đến cho Salierie, chị nói Mozart ăn xài hoang phí khiến gia đình thiếu hụt, chị muốn bán nhạc cho ông để kiếm chút tiền. Salierie đọc xong bản thảo phục tài Mozart vì nó tuyệt diệu, không phải sửa một nốt (note) nào. Ông vừa phục vừa căm giận vì ghen tài với hắn rồi liệng tượng Chúa vào đống lửa nói:
-Ngài đã bất công, tại sao Ngài lại ban cho hắn nhiều tài năng đến thế và tôi chẳng được bao nhiêu?
Từ đấy Salierie coi Mozart như kẻ thù . Cha Mozart, Leopold từ Salzburg tới, ông bực bội cáu giận vì con sống buông tuồng, nợ nần như chúa Chổm.
Tối ấy cả gia đình đi dự dạ hội, người ta cầm hai chân dốc ngược Mozart lên để ông biểu diễn đàn dương cầm. Đánh bản nhạc của Salierie xong Mozart quay lại chổng mông về phía Salierie đánh rắm “tủm” rồi cả bọn cười ầm lên. Salierie giận tái mặt và tự nhủ.
-Mày cười tao, chế nhạo tao, có ngày tao sẽ cười lại mày!
Ông bèn thuê một cô bé lại nhà Mozart nói là đến giúp việc không lấy tiền thực có mục đích dò xét Mozart rồi về báo cáo lại cho Salierie. Ông luôn dèm pha với nhà vua để triệt hạ uy tín Mozart và đưa mình lên. Cụ than sinh qua đời, Mozart soạn vở Don Giovanni hay tuyệt khiến Salierie cảm phục và ghen tị, cay cú. Ông ta được cô bé do thám cho biết Mozart túng bấn bèn nghĩ ra một kế hãm hại nhà thiên tài. Salierie sai người tới gặp Mozart, đưa tiền trước, đặt ông soạn một bản nhạc niệm cho người chết .
Salierie tự nhủ:
-Ta sẽ kết thúc cuộc đời nó bằng bản nhạc niệm này! Một bản cầu hồn lớn cho người chết.
Mozart phải vội vã biên soạn, thức khuya viết cho xong vì kẻ lạ mặt hối thúc quá. Mozart hợp tác với một người bạn trong một buổi tối trình diễn tại nhạc viện, ông đánh đàn bị kiệt sức bât tỉnh. Salierie đưa nhà thiên tài về nhà. Người bạn tới chia lời cho Mozart nhưng Salierie ra lấy tiền rồi vào nói dối với ông:
-Hắn đưa thêm tiền , hắn muốn anh phải soạn cho xong ngày mốt!
Salierie phụ với Mozart để viết cho xong bản nhạc niệm ấy với mục đích làm cho Mozart kiệt sức chết, Mozart đọc cho Salierie chép.
Vợ Mozart bỏ về quê ít ngày nay trở lại, chị khóc thương chồng bệnh nặng, gặp lại nhau một lúc thì chàng kiệt sức lìa trần chưa hoàn thành bản nhạc niệm.
…. Một đám ma nghèo nàn không có áo quan . Vợ con Mozart, Salierie, nữ ca sĩ Katerina, cô bé do thám .. tiễn đưa nhà thiên tài bạc mệnh tới cổng nghĩa trang dưới cơn mưa sầu thảm.
Bản nhạc niệm dở dang lại chính là để dành cho nhà soạn giả.
Salierie hối hận bị lương tâm dầy vò ba mươi mấy năm trời .
Phim chấm dứt trong tiếng đàn piano du dương, thánh thót và dịu dàng … của cầm tấu khúc số 20 dành cho dương cầm.”
Phim được thực hiện rất công phu nghiêm chỉnh nhất là về phần nhạc cổ điển, giá trị nghệ thuật cao, mặc dù không xác thực cho lắm nhưng nó đã diễn tả lại bằng những hình ảnh sống động cả một nền văn minh tinh thần huy hoàng rực rỡ ở thời kỳ cực thịnh của nền nhạc cổ điển Tây phương. Cũng như trong phim Immortal Beloved nói về cuộc đời Beethoven, khán giả đã ngược giòng thời gian thưởng lãm một nền nghệ thuật cổ đã vang bóng một thời.
Toàn bộ cuốn phim chú trọng đến nhạc ca kịch opera nhiều hơn nhạc hòa tấu không lời. Truyện phim vui tươi sống động qua hình ảnh một Mozart trẻ trung yêu đời, nhưng đột nhiên lại chấm dứt trong một bi kịch não nùng sầu thảm qua hình ảnh một đám ma đơn sơ, nghèo nàn của nhà thiên tài bất hạnh. Sự chuyển cảnh khéo léo của nhà đạo diễn Milos Forman đã gây nhiều xúc đông dạt dào cho khán giả.
Vợ con Mozart, bạn bè than quyến, cô ca sĩ Katerina, nhà soạn nhạc triều đình Salierie đứng trước cổng nghĩa trang dưới cơn mưa u buồn ảm đạm … một cảnh tượng trời sầu đất thảm thể hiện ý nghĩa khúc nhạc cầu hồn (mass of the death) mà chính tác giả đã viết dở dang dành cho những kẻ xa lìa trần thế. Đám ma cũng không thiếu cô bé làm do thám cho Salierie. Những giọt lệ đầm đìa lăn trên má cô trong tiếng khóc ghẹn ngào thể hiện lòng hối hận ăn năn của một tâm hồn trong trắng ngây thơ.
Salierie trong cơn hận thù vì ghen tài đã thốt lên.
-Ta muốn hắn soạn bản nhạc nguyện cho người chết , bản nhạc dành cho chính hắn, ta sẽ thực hiện cái chết và đám ma cho hắn.
Truyện phim cũng như tiểu sử Mozart đã cho thấy một sự linh ứng mầu nhiệm nhuốm vẻ huyền bí trong đoạn kết cuộc đời nhà soạn nhạc, bản nhạc niệm cho người chết lại dành cho chính người sang tác ra nó.
Cuốn phim đã ca ngợi thiên tài Mozart bằng một truyện vô cùng khéo léo. Nhà soạn nhạc hoàng gia khi thấy Mozart tài nghệ rất cao, bản thảo của ông soạn xong là tuyệt hảo không cần sửa chữa tí nào. Thiên tài của Mozart cao đến độ Salierie phải uất hận liệng tượng Chúa vào đống lửa vì cho rằng Ngài đã bất công ban cho Mozart quá nhiều thiên tài.
Từ hai trăm năm qua những khúc nhạc du dương thánh thót trang nhã đầy nhựa sống của Mozart vẫn được hòa tấu, trình diễn khắp nơi trên thế giới và đã được nhiều khán thính giả say mê thưởng thức . Mozart nay không còn là nhà soạn nhạc riêng cho giới quí tộc thành Vienne Áo quốc mà là nhà nghệ sĩ tài danh của cả năm châu, của nhân loại. Khi phim Amadeus thành công lớn lao nắm 1984, nhạc Mozart lại càng được chú ý và hâm mộ nhiều hơn. Những bản symphony, cầm tấu khúc tuyệt vời của ông đã được nghệ thuật thứ bẩy diễn tả và tô điểm cho phong phú hơn lên rất nhiều.
Phim Amadeus không những chỉ thành công về phương diện điện ảnh nhưng cũng là một công trình tuyệt vời về văn hóa , nó làm sống lại một thời huy hoàng của một nghệ thuật cao quí và sấu sắc, của nền văn minh cổ Tây phương. Những bản nhạc bất hủ ấy tiêu biểu cho tinh hoa của văn hóa nghệ thuật mà người ta vẫn bảo tồn và phát huy.
Nhờ tài dàn cảnh của Milos Forman cũng như diễn xuất điêu luyện của các tài tử, cuốn phim đã làm sống lại cuộc đời của một thiên tài bất hạnh trước định mệnh trớ trêu oan nghiệt. Cái chêt của Mozart ở tuổi trung niên là một sự thiệt thòi lớn lao của nền nhạc cổ điển Tây phương và nền văn hóa chung của nhân loại.
Ngày nay nhạc Mozart không còn để dành riêng cho các ông hoàng bà chúa thành Vienne Áo quốc, nhưng là của tất cả mọi người.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét