Trang Thanh Hiền

Biểu Tượng Nữ Trong Nho Giáo Và Giá Trị Phồn Thực Ở Chạm Khắc Đình Làng
Tiên cưỡi rồng, chạm khắc ở
đình Hạ Hiệp, Hà Tây
Đình làng xưa kia vốn được xem là đại diện của chính quyền phong kiến, một dạng thức tiểu triều đình với những định chế Nho giáo khắt khe ở làng xã Việt Nam. Hình thức kiến trúc này phát triển và thịnh hành vào thời Lê (thế kỷ XVI – XIX), khi đạo Nho ở giai đoạn hưng vượng nhất. Có một nghịch lý là nơi này thường cấm phụ

nữ bén mảng đến, nhưng hình tượng của những người phụ nữ lại được khắc tạc một cách thừa thãi và táo bạo trên hầu khắp các thành phần kiến trúc.

Người ta có thể nhìn thấy ở đấy muôn mặt cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh với những hình tượng người phụ nữ. Họ kiến tạo nên các giá trị khác nhau của cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc, và các giá trị sinh tồn trong tín ngưỡng phồn thực. Người ta đồng thời cũng nhìn thấy được tính chất hai mặt trong các giáo lý và phong tục xã hội của Việt Nam. Một mặt người phụ nữ được đặt trong những chế định của lễ giáo phong kiến như: “công, dung, ngôn, hạnh”, “tam tòng tứ đức”, hay đặt chữ trinh tiết lên hàng đầu... trong khi đặc quyền của đàn ông là “năm thê, bảy thiếp”. Nhưng mặt khác lại có những luật định cho sự phá rào, và điều này đã mở đường cho các giá trị phồn thực ở các chạm khắc đình làng được tồn tại và phát triển một cách rực rỡ.

Nho giáo vốn coi thường phụ nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng trong cái mạch nguồn của cuộc sống làng xã, thì người ta cũng lại có câu “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” cho thấy vai trò của không thể thiếu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Người Việt vốn thực dụng, bởi cuộc sống của họ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chỉ mong đủ ăn, đủ mặc đã là điều may mắn. Do vậy các giáo lý Nho giáo kia nếu quá cao siêu, mà không thích ứng được với các giá trị thực dụng của làng xã và của người dân, thì cũng không có giá trị gì. Nó sẽ bị chặn lại ngoài lũy tre làng.

Cái lý thuyết “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo sở dĩ ăn sâu bắt rễ được vào nông thôn Việt Nam là do nó đã bắt nhập được với tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt – tín ngưỡng bản địa có giá trị dung hòa mọi tôn giáo du nhập và phát triển. Trọng Nam cũng là trọng người duy trì nòi giống tổ tiên. Nhưng đồng thời cũng không quá khinh nữ theo quan điểm Nho học chính thống. Do vậy mới có câu “Ba đồng một mớ đàn ông, ta thả vào lồng ta xách đi chơi, ba trăm một mụ đàn bà, mua về mà trải chiếu hoa mời ngồi”. Điều này đã thêm chứng tỏ giá trị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Tất cả các hiện tượng kể trên đã phần nào giải thích cho các chạm khắc nơi đình làng, tuy là nơi cấm phụ nữ không được bén mảng tới nhưng các hình tượng nữ như cưỡi rồng, phượng, thậm chí cả những cô gái khoả thân được mô tả tràn ngập.

Đình làng vốn là bộ mặt của làng xã, là nơi tâm linh và ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một làng. Do vậy, không có chuyện là họ được tạc một cách ngẫu nhiên, hoặc do sở thích của các hiệp thợ tùy tiện mà muốn chạm khắc thế nào cũng được. Đình làng là nơi tôn nghiêm, do vậy các chạm khắc ở đây phải thể hiện được lý tưởng, khát vọng của cả cộng đồng. Nên hình ảnh của các cô gái, nàng tiên ở đây hoàn toàn mang một giá trị khác, họ được xem là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực - một tín ngưỡng tối cổ của người Việt hơn là quan niệm giáo điều khắt khe của Nho giáo. Tuy nhiên điều phức tạp là tín ngưỡng này ở giai đoạn thịnh hành của Nho giáo đã tìm được một giá trị hoà nhập với lý tưởng đông con nhiều cháu và quan niệm về phúc, thọ. Các lý thuyết của Nho gia về gia đình dòng tộc, về sự nối dõi tông đường đã trở thành ước vọng của xã hội phong kiến xưa, và thậm chí còn tiếp tục được phát triển duy trì trong xã hội hiện nay. Do vậy để diễn đạt ước vọng này, người ta đã hình tượng hóa những người đàn bà để đưa lên các chạm khắc. Và thậm chí nếu có đưa vào đó cả những hình ảnh khoả thân - hình ảnh trái ngược hoàn toàn với chữ “công dung ngôn hạnh” của phụ nữ trong Nho giáo, nhưng có thể biểu hiện được những lý tưởng kể trên của dân gian thì vẫn hoàn toàn được chấp nhận. Và đương nhiên để khởi sự cho các hình tượng táo bạo đó, dân gian lại bắt đầu từ các truyền thuyết về “Con rồng cháu tiên” để thể hiện những hoạt cảnh: “Tiên cưỡi rồng”, rồi theo đó những hình tượng người phụ nữ tràn vào đình làng như một biểu tượng không thể thay thế cho sự sinh sôi phát triển. Người ta tìm thấy rất ít các biểu tượng khoả thân nữ trong đình làng thế kỷ XVI, kể cả trên hình tượng của các cô tiên. Chỉ sang thế kỷ XVII, khi nghệ thuật điêu khắc đình làng phát triển đạt đến đỉnh cao, các hình tượng khoả thân đó mới xuất hiện một cách phong phú.

Về biểu tượng tiên cưỡi rồng - phượng, có lẽ không phải đợi đến có lý thuyết về Nho giáo, mới tràn ngập đình làng. Ban đầu nó đã hiện hữu khá đa dạng trong các kiến trúc chùa Việt, như các chạm khắc ở chùa Thái Lạc là một điển hình. Các cô tiên nữ dâng hoa, thổi sáo, đánh đàn để ca ngợi các giáo lý của Phật giáo đã trở thành một hình ảnh quen thuộc. Đến sự phát triển nở rộ của đình làng sau thế kỷ XVI, bằng tất cả những lý do kể trên cộng thêm ý nghĩa về sự ca ngợi công đức của vị thánh tổ của làng xã Thành Hoàng làng, mà các cô tiên nữ này cưỡi rồng, phượng thổi tiêu, sáo đã khiến cho khung cảnh ở đây trở nên linh thiêng. Sau này chỉ cần có sự hiện diện của các cô tiên nữ múa hát trong bối cảnh xum vầy tiên rồng cũng đã đủ để nói lên ước vọng phồn thịnh của cư dân nông nghiệp. Như vậy cũng có thể nói các chạm khắc đình làng là địa hạt để các giáo lý tôn giáo tìm được những giá trị hòa hợp nhất định.

Từ các cô tiên nữ cưỡi rồng, đến sự xuất hiện của các cô thôn nữ chỉ là một bước ngắn để hợp thức hóa giá trị phồn thực trong tín ngưỡng cổ truyền với các giá trị Nho giáo. Ta có thể thấy tính chất đa dạng và mật độ xuất hiện cũng dày hơn. Có những cô táo tợn đến mức nắm râu rồng, hay cưỡi lên đầu rồng, mà biểu tượng rồng trong nghệ thuật tạo hình phong kiến thường đại diện cho vua chúa. Tuy nhiên trên một trường ý nghĩa khác, con rồng ở đây lại được xem là biểu tượng của yếu tố dương. Do vậy cô nắm râu rồng, hay vui đùa trên mình rồng được giải thích theo một ý nghĩa khác, là sự hoà hợp âm dương, là một minh họa đặc trưng cho tính chất sinh sôi nảy nở. Tính chất ẩn dụ và tính chất biểu tượng vốn là một đặc trưng trong mỹ thuật cổ của người Việt. Nên, thậm chí không phải là rồng nữa, một số những bức chạm ở đình Hưng Lộc - Nam Định (thế kỷ XVII) hình ảnh những cô thôn nữ khoẻ mạnh ngồi xen lẫn giữa những cụm măng tre đang mọc lên tua tủa, cũng cho thấy tính chất hòa điệu của yếu tố âm và yếu tố dương.

Điều này cũng khiến chúng ta nhớ đến những trò diễn mang tính chất nghi lễ như “nõ nường” ở Phú Thọ. Trò diễn này thường được diễn ra vào lúc nửa đêm sau khi cụ chủ tế khấn và lui ra, từng đôi nam nữ bước vào chiếu, Nam cầm dùi gỗ tượng trưng cho sinh thực khí nam, Nữ cầm vật biểu tượng sinh thực khí nữ vừa múa vừa biểu hiện hành động tính giao, sau mỗi tiếng trống, hai vật này lại được lồng vào nhau một lần. Ngoài ra, người ta còn để thóc lúa giống dưới gầm giường của các đôi vợ chồng mới cưới, để mong rằng những hạt lúa gạo học theo, bắt chước hành động của con người mà sinh sôi nảy nở. Từ những màn diễn, tập tục trên cũng như những chạm khắc hiện diện ở chốn linh thiêng đình làng, người ta tin rằng các thần linh sẽ chứng giám mà phù hộ cho mùa màng tươi tốt và bội thu.

Những bức chạm khắc ở đình Phù Lão (Bắc Giang) thế kỷ XVII còn cho thấy tính chất tự do hơn nữa. Trên đầu bẩy hiên của gian giữa đình, có bức chạm một cô gái khoả thân ngồi trên râu rồng tết tóc, mặt cô ngoảnh lại để xem một đôi trai gái đang múa quạt, và xa hơn một chút là cảnh của một đôi nam nữ đang giao cấu. Hành động tính giao này còn được bắt gặp trên không ít các mảng chạm tại các cốn của chính đình này. Như mảng chạm trên cốn xà nách vì giữa, theo từng tuyến ghép của gỗ, phía trên là cảnh các cô tiên đang múa, cưỡi lên đầu rồng phía dưới là 3 đôi vợ chồng hoặc nam nữ đang tình tự. Ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc), trong khung cảnh lễ hội nhộn nhịp, nép vào một góc của cốn xà nách là một đôi trái gái đang đạt đến cực điểm khoái lạc.

Có lẽ bức các chạm khắc này đã mô tả sinh động nhất hiện tượng tháo khoán ở các lễ hội. Như hiện tượng “tắt đèn” trong lễ hội làng La Cả (Hà Tây), hay trò chơi “bắt trạch trong chum” (Vĩnh Phúc). Bình thường, trong sự hạn định của giáo lý Nho giáo với phụ nữ phải đặt chữ tiết nghĩa lên hàng đầu trong xã hội phong kiến. Nên con gái chửa hoang thường phải chịu phạt vạ ở giữa đình làng, gọt đầu bôi vôi, thậm chí thả trôi sông (các cảnh phạt vạ như vậy cũng tồn tại trên không ít các chạm khắc đình làng), thì những cô gái sau những lần tháo khoán như vậy mà có chửa, lại là điềm may mắn của cả làng. Các đứa trẻ này theo quan niệm của người dân lại là những đứa con do thần linh ban tặng. Điều này cho thấy giá trị nhân bản của các phong tục Việt Nam. Sự tiếp nhận Nho giáo trong dân gian là sự tiếp nhận có chọn lọc các giá trị ứng xử xã hội. Nó một mặt giữ cho đời sống của người dân được tuân theo các phép tắc nhằm có được một xã hội ổn định, nhưng đồng thời nó cũng không xóa nhoà đi các giá trị truyền thống mở ra những luật định để cho con người có được những lối thoát.

Song song và cùng mạch với các đề tài đã được thiêng hoá kể trên, thì đề tài tình yêu cũng được phát triển mạnh mẽ đáng kể. Mặc cho xã hội Nho giáo là “nam nữ thụ thụ bất thân”, các mảng chạm khắc như: “trai gái vui đùa”, “tình tự” “tắm sen” cũng không khác bao xa với các cảnh có tính chất tháo khoán ở trên. Nó cho thấy một mảng khác của đời sống tinh thần. Tính chất vui tươi dí dỏm được thể hiện ra trong các trò chơi và sinh hoạt dân gian. Lúc này những cảnh khoả thân có lẽ đã trở nên thường thấy trong các chạm khắc đình làng cuối thế kỷ XVII, nên việc có mặt của các hoạt cảnh này dường như không cần đến sự hợp thức hóa của các giá trị phồn thực mới có thể xuất hiện. Hơn nữa trong cái sự dày đặc của các mảng chạm khắc ở đa phần các chi tiết kiến trúc, thì việc có mặt của những hình tượng kể trên có thể khiến người ta không quá để ý đến chúng hoặc sẽ trở thành tâm điểm khi người ta phải dõi mắt nhìn sâu vào các bức chạm, để rồi thú vị khi phát hiện.

Như vậy ta thấy rằng trong nghệ thuật ở đình làng, biểu tượng nữ chiếm một vị trí đáng kể. Nó tạo nên những giá trị cân bằng giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất, giữa mong ước và hiện thực. Sự tôn vinh người phụ nữ trong các chạm khắc đình làng đề cao những giá trị không thể thay thế của họ trong xã hội và bù đắp phần nào cho sự cực nhọc của thân phận người phụ nữ những giáo điều phong kiến khắt khe. Nó đồng thời cho thấy giữa cái thiết chế Nho giáo về tổ chức xã hội để đạt được sự ổn định hài hòa, thì các giá trị của văn hóa cổ truyền, tín ngưỡng phồn thực vẫn được duy trì và phát triển như một nhân tố thiết yếu của cư dân trồng lúa nước.
Trang Thanh Hiền
Ảnh Minh Họa Và Chú Thích Ảnh :
 
2.Các cô thôn nữ trên cốn đình Hưng Lộc, Nam Định

3.Cảnh giao hoan trong lễ hội, chạm khắc trên cốn đình Ngọc Canh (Vinh Phúc)

4.Trích đoạn Cảnh giao hoan trong lễ hội, chạm khắc trên cốn đình Ngọc Canh
(Vinh Phúc)

5. Trai gái vui đùa đình Hưng Lộc, Nam Định
Tài liệu tham khảo:
1.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Đình Việt Nam Nxb TP Hồ Chí Minh 1998
2.Chu Quang Trứ, Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Viện Mỹ thuật -Nxb Mỹ thuật 2002.
3.Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, Nxb KHXH 2007

Không có nhận xét nào: