Trọng Đạt


Bầu cử tại Mỹ và vấn đề Đông Dương
   

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 kết thúc sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ 7-5-1954 và ký Hiệp định Genève 20-7-1954. Năm 1956 Tướng Henri Navarre viết Agonie de l’Indochine, Đông Dương Hấp Hối để nói nguyên do thất bại. Ông cho biết thất bại do chính trị chứ không phải quân sự: từ 1953 người Pháp quá chán nản cuộc chiến sa lầy, phong trào đòi hòa bình và tinh thần chủ bại khiến chinh phủ không còn tha thiết với cuộc chiến chỉ mong sớm rút ra. Chính phủ Pháp không tăng viện cho chiến trường Đông Dương, chi phí chiến tranh thiếu hụt, đó là một cuộc chiến rẻ tiền (guerre au rabais) (1). Trong khi ấy Trung Cộng liên tục viện trợ vũ khí tiếp liệu dồi dào cho Việt Minh, cán quân quân sự nghiêng về phía CS. Về những chi tiết trong cuốn sách này tôi sẽ đề cập trong một bài khác.

     
Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975) cũng y như thế, được “xử lý” bằng chính trị. Trong cuộc chiến 1946-1954 phía Việt Minh chỉ có một lãnh tụ, một Tư lệnh, một mục đích chiến đấu trong khi phía người Pháp thay đổi chính phủ và Tư lệnh luôn luôn và thay đổi ý chí, thấy khó khăn bỏ cuộc, rút lui. Cũng y như thế, trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai phía Mỹ thay đổi Đảng cầm quyền, Tư lệnh và chính sách.. trong khi phía CS quốc tế cũng như CSBV cứ thẳng một đường mà đi, mục tiêu cuối cùng là vựa lúa miền nam.
     Người Pháp cũng như Mỹ lúc đầu chỉ tham chiến tại VN, nhưng cuộc chiến sau đó lan sang Lào, Miên nên cũng gọi là Chiến tranh Đông Dương. Hoa kỳ thực sự can thiệp vào VN năm 1965 khi Tổng thống Johnson đưa quân sang cứu vãn tình hình nguy khốn, trung bình một tuần VNCH mất một tiểu đoàn và một quận. Nguyên do sâu xa do viện trợ quân sự của Nga, Trung Cộng cho Hà Nội luôn nhiều hơn Mỹ giúp cho miền Nam VN, không có sự can thiệp này VNCH có thể mất trong vòng 6 tháng (2).
    Cuộc chiến bình định miền nam VN của TT Johnson và Bộ trưởng quốc phòng McNamara từ 1965-1968 không có kết quả khả quan, đó là cuộc chiến tranh giới hạn gây hao mòn địch, mục đích cho họ thấy cái giá phải trả để ngồi vào bàn hội nghị. Trái với mong đợi của Johnson-McNamara, mặc dù bị thiệt hại mấy trăm nghìn quân trong mấy năm liên tiếp nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục đánh thí quân để đấy mạnh phản chiến tại Mỹ. Tháng 2-1968, BV và VC mở trận tổng công kích Mậu thân đẫm máu 1968, mặc dù Mỹ và VNCH thắng về quân sự nhưng thất bại lớn về chính trị. Phong trào phản chiến tại Mỹ tăng lên mạnh, người dân đã dành cho Johnson-McNamara thời hạn 4 năm (1965-68) để dẹp loạn nhưng hai ông đã không thắng được cuộc chiến, họ đã quá mệt mỏi và nhất quyết đòi chính phủ phải rút quân khỏi Đông Dương.
     Sau bốn năm càn quét địch, mặc dù Hành pháp Dân chủ, được Quốc hội cũng Dân chủ (55.8% Hạ viện, 57% Thượng viện) ủng hộ cho tăng quân đều hàng năm từ 184,300 năm 1965 lên 536,100 năm 1968 (3) nhưng đã thất bại. Cuộc chiến đã gây cho hơn 35 ngàn lính Mỹ thiệt mạng (4), gồm 31 ngàn người chết tại mặt trận và 4 ngàn vì những lý do khác. Đảng Dân chủ cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp 1960-1964, 1964-1968 đã hoàn toàn thất bại, không còn được người dân tin cậy nên cuối tháng 3-1968 TT Johnson tuyên bố không ra tranh cử  tiếp nhiệm kỳ 1969-1972 vì biết rằng cử tri sẽ không bầu cho người thất bại.
    Dân Mỹ thường bầu cho đảng này làm hai nhiệm kỳ và đảng kia hai nhiệm kỳ kế tiếp, với tình hình 1968 họ sẽ bầu cho Cộng Hòa hy vọng có thể giải quyết cuộc chiến sa lầy, rút bỏ Đông Dương. Chiến tranh VN đã gây xáo trộn tại nội bộ nước Mỹ nhất từ trước tới nay, nó ảnh hưởng tới tình hình chính trị, các cuộc bầu cử Tổng Thống cũng như Quốc hội và ngược lại, bầu cử cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chiến.
    Trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5 tháng 11 năm 1968, Nixon thắng Humphrey và Wallace với số phiếu như sau (5)
    Nixon, Cộng Hòa  301 phiếu cử tri đoàn trên 32 tiểu bang, 31,783,783 phiếu phổ thông, tỷ lệ  43,4% số phiếu bầu
    Humphrey, Dân chủ 191 phiếu cử tri đoàn trên 13 tiếu bang và DC, 31,271,839 phiếu phổ thông, tỷ lệ 42.7%
   Wallace, ứng cử viên độc lập 46 phiếu cử tri đoàn trên 5 tiểu bang, 9,901,118 phiếu phổ thông, tỷ lệ 13.5%
    Trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này Dân chủ vẫn kiểm soát cả hai viện.
    Tại Hạ viện Dân chủ chiếm 243 ghế tỷ lệ 55.86% , Cộng Hòa 192 ghế tỷ lệ 44.14%
   Tại Thượng viện Dân chủ chiếm 57 ghế tỷ lệ 57%, Cộng Hòa 43 ghế tỷ lệ 43%
    TT Nixon mặc dù thắng cử với tỷ lệ phiếu cử tri đoàn khá cao 56%  nhưng không được thuận lợi như vị tiền nhiệm Johnson vì đảng đối lập Dân chủ vẫn kiểm soát Quốc hội, ông phải lo hốt đống rác chiến tranh  Đông Dương do Johnson-MCnamara để lại. Một tháng sau khi đắc cử Nixon mời Tiến sĩ Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia.
    Trong cuốn The White House Year, in năm 1979, chương VIII (tr 226-311) The Agony of Vietnam, Việt Nam Hấp Hối, Kissinger nói về thực trang bi đát của VN năm 1969. Cũng như Henri Navarre gọi năm 1953, 1954 là giai đoạn hấp hối của Đông Dương, ở đây Kissinger cũng nói miền nam VN bắt đầu hấp hối từ 1969, về chi tiết tôi sẽ đề cập trong một bài khác.  Cuộc chiến Đông Dương từ 1960 tới 1975, qua các nhiệm kỳ Tổng thống từ Kennedy, Johnson, Nixon, Ford đảng Dân chủ luôn luôn chiếm đa số tại Quốc hội, họ nắm ưu thế tại Lưỡng viện thường từ 55% trở lên. Từ 1965 tới 1968 mặc dù phong trào phản chiến ngày một  lớn mạnh, Quốc hội Dân chủ vẫn ủng hộ Hành pháp Dân chủ Johnson vì cùng là phe ta cả. Sang năm 1969 sau khi  TT Nixon thuộc đảng Cộng Hòa thắng cử, họ quay ra ủng hộ phản chiến, đảng nọ phá đảng khi, không được ăn thì đạp đổ, từ xưa đến nay cái trò này không bao giờ dứt.
     Sau trận tấn công tết Mậu Thân tháng 2-1968, cuộc chiến Đông Dương coi như đã được quyết định bằng chính trị, năm 1969, 1970 phong trào phản chiến lên cao, bạo động dữ dội, đổ máu.. (6). Tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến ngày càng giảm Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28% (7).
    Năm 1972 Nixon đã đoạt thắng lợi to lớn về ngoại giao: tháng 2-1972 ông sang Bắc Kinh sửa soạn việc bang giao hai nước và tháng 5-1972 đi Moscow để thảo luận tài giảm binh bị. Từ 1969, Nixon cho rút quân dần dần, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh để xoa dịu dư luận chống đối trong nước, cuộc hòa đàm Paris không tiến triển mấy. Từ tháng 3 tới tháng 10 -1972 trận tổng công kích đẫm máu của BV khiến họ bị thiệt hại hàng trăm nghìn quân, 700 chiến xa bị bắn cháy (8). Cuộc hòa đàm trầy da tróc vẩy mấy năm trời đến tháng 10-1972 bắt đầu có dấu hiệu khai thông.
    Qua nhiều đợt rút quân tới tháng 10 năm 1972 quân Mỹ chỉ còn vài chục ngàn người. Mặc dù Hiệp định Paris chưa ký kết xong, qua thăm dò Nixon vượt quá xa McGovern tới mấy chục phần trăm. Ngày bầu cử Tổng thống 7-11-1972, Nixon tái đắc cử với số phiếu cử tri đoàn 520 phiếu trên 49 tiểu bang, chiếm tỷ lệ 96.65% tổng số, đối thủ McGovern đảng Dân chủ được 17 phiếu cử tri đoàn của bang Massachusetts và District of Columbia, tỷ lệ 3.16%.
    Nixon được 47,168,710 phiếu phổ thông, tỷ lệ 60.7%, McGovern được 29,173,222 phiếu, tỷ lệ  37.5%, đây là lần thắng lớn thứ tư trong lịch sử Mỹ. Sở dĩ Nixon đoạt số phiếu áp đảo như vậy vì ông đã đem quân về nước gần hết, sắp ký Hiệp định lấy tù binh, ông đã thực hiện được  thắng lợi lớn lao về ngoại giao, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã bắt tay được Trung Cộng và hòa hoãn với Nga.
    Tuy nhiên Dân chủ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, tại Hạ viện họ chiếm 242 ghế, tỷ lệ 55.63%, Cộng hòa 192 ghế, tỷ lệ 44.14%. Tại Thượng Viện Dân chủ chiếm 56 ghế, tỷ lệ 56%, Cộng hòa 42 ghế, tỷ lệ 42%.
    Mặc dù Nixon thắng lớn nhưng ông vẫn chịu áp lực của quốc hội Dân chủ đối lập. Cuối tháng 12, BV ngoan cố phá hòa đàm, Nixon dùng bạo lực buộc họ trở lại bàn hợi nghị. Hiệp Định Chấm dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam được chính thức ký ngày 27-1-1973, TT Thiệu không bị loại bỏ, miền nam không bị liên hiệp, CSBV vẫn được ở lại VNCH, Hoa kỳ rút hết quân và lấy về 580 tù binh…
   

Thất bại nhục nhã trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua, Dân chủ nắm ưu thế tại Quốc hội bèn rửa hận, ngày càng chống đối Hành pháp Nixon, không được ăn thì đạp đổ. Nay Nixon đã mang lại hòa bình, hết chống chiến tranh họ quay ra qua vụ Watergate (9) bắt đầu từ tháng 4-1973. Tháng 6- 1973 họ khởi sự soạn tu chính án cấm mọi ngân khoản cho việc xử dụng các hoạt động quân sự tại Đông Dương, Nixon miễn cưỡng phải ký cuối tháng 6, có hiệu lực từ 15- 8. Ngoài ra tháng 11/1973 Quốc hội lại ban hành luật War Powers Act (War Powers Resolution) để hạn chế quyền Tổng thống, nó qui định Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc hội trước khi tham chiến. 
    Hạ viện bắt đầu cắt giảm viện trợ VNCH từ  2,1 tỷ tài khóa  1973 xuống còn 1 tỷ1 tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (10). Họ trói tay Hành pháp Nixon mặc cho CSBV tha hồ thao túng. Hậu quả của nó là vào tháng 2-1975, miền nam VN chỉ còn đủ đạn đánh trận với CS trong vòng một tháng và tháng 4-1975 chỉ còn đủ cho hai tuần lễ (11)
    Vụ Watergate ngày càng nặng nề hơn cho tới một năm sau Nixon bị chống đối mạnh, phải từ chức ngày 9/8/1974 vì biết trước sẽ bị Quốc hội truất phế. Nixon, người ủng hộ cuộc chiến Đông Dương mạnh nhất đã bị loại bỏ khỏi guồng máy Hành pháp, nó đồng thời kéo theo sự sụp đổ toàn diện cho cả Đông Dương. Gerald Ford lên thay Nixon, vị tân Tổng thống này chẳng khác gì bù nhìn, phần vì Cộng Hòa mất quá nhiều uy tín qua vụ Watergate, lại nữa ông không do dân bầu, chỉ là dân biểu được Nixon cất nhắc từ trước.
    Vụ tai tiếng Watergate  đã mang lại thắng lớn cho đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 4/11/1974, họ lấy thêm được 49 ghế, trong đó 48 ghế là của đảng Cộng Hòa và làm tăng thêm khối đa số của họ lên hơn hai phần ba tổng số Hạ Viện.
    Nay Dân chủ tại Hạ Viện chiếm 291 ghế hay 66.9%, Cộng Hòa chỉ còn 144 ghế hay 33.1%. Tại Thượng viện đảng Dân chủ cũng lấy thêm được 4 ghế của Cộng Hòa, từ 56 ghế thành 60 ghế tỷ lệ 60%, Cộng Hòa chỉ còn 38 ghế tức tỷ lệ 38%. Những đảng viên Dân chủ mới vào Hạ Viện kỳ này đại đa số chống chiến tranh Đông Dương hăng hái.   
     Kissinger nói.   
     “Một sự thúc đẩy mới thêm vào khi đảng Dân chủ thắng lớn trong kỳ bầu cử Hạ Viện 1974. Nó đã mang một khối những dân biếu mới tới Hoa Thịnh Đốn mà Lịch Chính Trị Mỹ 1978, The Almanac of of American Politics, 1978 đã coi nó như một khu vực chính trị trong đó việc chống chiến tranh Việt Nam là động cơ áp đảo nhất.(12)
    Trong khi CS quốc tế tiếp tục viện trợ quân sự dồi dào cho Hà Nội (13), cuối năm 1974 Nga tăng viện trợ cho BV gấp 4 lần so với những tháng trước đó (14), so với miền nam đang kiệt kệ về tiếp liệu đạn dược, tấn tuồng chính trị quân sự đã tới hồi kết thúc.
     Ngày 13-12-1974 Hà nội đưa 3 sư đoàn tấn công Phước Long, tới ngày 7-1-1975 họ hoàn toàn làm chủ thị xã, đây chỉ trận đánh thăm dò để thử phản ứng Mỹ. Hành pháp Hoa Kỳ lúc này chẳng còn tí quyền hạn gì về vấn đề Đông Dương, ngoài mấy câu cảnh cáo xuông của Tổng thống hay Kissinger không có hành động cụ thể nào. Trước đó chỉ vài ngày, trong một phiên họp quân sự cao cấp tại Dinh Độc Lập TT Thiệu vẫn lạc quan tin rằng BV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa, chưa đủ sức tấn công các thị xã hoặc thành phố lớn, nhưng nay mới biết địch mạnh hơn trước nhiều.
    Tháng 3-1975, khoảng 80% lực lượng chính qui của BV đã có mặt tại QK I và QK II, họ giữ lại 3 sư đoàn tổng trừ bị (thuộc quân đoàn I) tại miển Băc. Tại QK I họ đưa vào một lực lượng tương đương 8 sư đoàn (15), tại QK II họ để một lực lượng tương đương 6 sư đoàn (16), trong khi đó tại QKI  VNCH có 3 sư đoàn cơ hữu và 2 sư đoàn tổng trừ bị, 4 liên đoàn Biệt động quân, QK II,  2 sư đoàn cơ hữu và 7 Liên đoàn BĐQ.
     BV tấn công chiếm Ban Mê Thuột ngày 13-3-1975 mở đầu cho cuộc tổng công kích nuốt trọn miền nam. Cũng vào ngày này Hạ viện Mỹ bác bỏ khoản viện trợ bổ tức 300 triệu cho VNCH do TT Ford đệ trình, Đại sứ Hoa Kỳ Martin cũng đã thông báo cho TT Thiệu biết quân viện cho năm tới (1976) sẽ không được chuẩn chi (17).
     Cho dù TT Thiệu không thực hiện tái phối trí lực lượng và đưa hết chủ lực quân tại Vùng III, Vùng IV (6 sư đoàn BB và 4 liên đoàn BĐQ) ra miền Trung thì cũng chỉ giữ được một tháng là hết đạn trước hỏa lực vô giới hạn của đối phương. Vấn đề Đông Dương đã được quyết định bằng chính trị từ trước, quân sự chỉ là thứ yếu.
    Tháng tư 1975, TT Thiệu cử phái đoàn đi Hoa Kỳ xin viện trợ quân sự. TT Ford theo lời đề nghị của Kissinger đã đệ trình Quốc hội khoản 722 triệu viện trợ khẩn cấp theo phúc trình của Tướng Weyand. Tất cả nỗ lực phía VNCH cũng như Hành pháp Mỹ vào giờ thứ 25 này chỉ là để cho vui thôi,  thật chẳng đáng bàn.
     Đúng như Henry Kissinger đã nói trong cuốn The White House Year (tr. 226-311), năm 1969 đã khởi đầu cơn hấp hối của miền nam VN, dần dần qua các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ  như đã nói trên, số phận của Đông Dương đã được “xử lý” bằng những quyết định chính trị của ngành Lập pháp.

   Trọng Đạt

Chú thích
(1) Henri Navarre: Agonie de l’Indochine, Paris, Librairie Plon, Les petis-fils de Plon et nourrit, 1956, trang 106
(2) Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007, trang 16, 17
(3) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 200, trang 886.
 (4) Google: Research at the National Archives, Statistical information about casualties of the Vietnam war.
(5) Nguồn Wikipedia
(6) Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985, trang 126
(7) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
(8) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 200, trang 587
(9) Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985, trang 181
 (10) Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999, trang 471
 (11) Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn kỳ Phong dịch, Vietnambibliography 2003; trang 92
 (12) Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999, trang 479
 (13) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiên Tranh: Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.
 (14) Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999, trang  481
 (15) Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn kỳ Phong dịch, Vietnambibliography 2003; trang 160.
(16) Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005, trang 90, 91
 (17) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 200, trang 732

Không có nhận xét nào: