Mao Trạch Đông ngàn năm công tội
Chương 27
Mao Trạch Đông chơi
trò chính trị lưu manh
Lưu Thiếu Kỳ |
Chương này kể lại việc Mao Trạch
Đông bức hại Bành Đức Hoài và Hạ Long, hai vị nguyên soái từng lập công rất lớn
trong chiến tranh giải phóng, là bạn chiến đấu trung thành của Mao. Khi đã
quyết tâm mượn tay Hồng vệ binh đẩy hai người vào chỗ chết thảm khốc, Mao vẫn
giả dối tỏ ra quan tâm và tin cậy họ.
Chương 28
Nhân vật số 4 đại bại
dưới chân Giang Thanh
Đào Chú sinh năm 1908 được coi là
bậc cách mạng lão thành ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông từng nói Đào như con trâu
có cặp sừng mạnh, dám chọi lại bất cứ ai. Năm 1953, Đào từng phê bình Lưu Thiếu
Kỳ mắc sai lầm “tả” khuynh trong Cải cách ruộng đất. Đại cách mạng văn hoá bùng
nổ, đang là Bí thư thử nhất Cục Trung Nam kiêm Chính uỷ thứ nhất Đại quân khu
Quảng Châu, Đào được Mao điều lên Trung ương, đề bạt vượt cấp vào vị trí thứ 4
trong Đảng, giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng, Trưởng ban Tuyên
truyền, Cố vấn Tổ Cách mạng văn hoá. Rõ ràng Mao muốn ông ta xông pha trận mạc,
đóng vai trò lớn trong cuộc đấu tranh lật đổ Bộ tư lệnh của Lưu Thiếu Kỳ.
Nhưng Đào Chú quả thật lạc hậu
với tình hình chính trị trong nước. Ông chỉ coi Tổ Cách mạng văn hoá là một tổ
chức lâm thời lệ thuộc Bộ Chính trị. Ông rất phản cảm với Giang Thanh, coi chức
Tổ phó của mụ thấp hơn một Thứ trưởng, nên đã đề nghị Chu Ân Lai bổ nhiệm Giang
làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá “để có danh nghĩa liên hệ công tác”. Ông say sưa với
việc khôi phục hoạt động của Ban Bí thư, mà không biết rằng Mao đã tính chuyện
để Tổ cách mạng văn hoá thay thế chức năng Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Một lần Giang Thanh ép Đào Chú
đến Viện Khoa học xã hội tuyên bố Chủ biên tạp chí “Nghiên cứu triết học” Ngô
Truyền Khởi là phái “tả”. Đào Chú không đi, Giang đập tay vào thành ghế xalông,
trợn mắt lớn tiếng: “Ông phải đến đó ủng hộ Ngô Truyền Khởi, không đi không
được!” Một tiếng “chát” dữ dội, Đào Chú đập tay xuống mặt bàn, mấy cốc trà nảy
cả lên: “Tôi không đi! Đây là tổ chức của Đảng cộng sản. Bà can thiệp quá nhiều
rồi!” Đào Chú muốn nói Đảng có hệ thống tổ chức, bà không phải uỷ viên Trung
ương, có tư cách gì chỉ huy uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị?
Câu nói trên không sai, lý ra là
như thế. Nhưng trong Đại cách mạng văn hoá, Đảng cộng sản Trung Quốc trên thực
tế đã trở thành giang sơn riêng của vợ chồng Mao-Giang rồi, Giang ra lệnh với
thân phận Hoàng hậu, đại bất kính với Hoàng hậu là đại bất kính với Hoàng đế,
làm sao Mao Trạch Đông có thể bỏ qua?
Giang Thanh sững người không nói
nên lời. Từ khi nhậm chức Tổ phó Tổ Cách mạng văn hoá đến nay chưa ai dám đương
đầu với bà ta như vậy. Được Mao ngầm cho phép, Giang quyết tâm lật Đào. Ngày
28-11-1966, tại lễ duyệt đại quân văn nghệ, Giang Thanh nói: “Mao Chủ tịch và
các chiến hữu của người Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh… đều khẳng
định thành tích của chúng ta”. Trong câu trên, Đào Chú ở vị trí thứ 4 (sau Chu
Ân Lai) không được nhắc đến, có nghĩa là Đào không còn là “bạn chiến đấu thân
thiết” của Mao, có thể “nã pháo” vào ông ta được rồi.
Đúng vào lúc đó, Đào Chú gửi báo
cáo lên Mao Trạch Đông, kiến nghị cho Vương Nhiệm Trọng thôi chức Tổ phó Tổ
cách mạng văn hoá, trở lại Cục Trung Nam, trước mắt chủ yếu là chữa bệnh. Bất
ngờ, Mao yêu cầu họp liên tịch giữa Bộ Chính trị và Tổ Cách mạng văn hoá đề gộp
ý kiến với Vương.
Cuộc họp diễn ra vào 28-12 dưới
sự điều khiển của Chu Ân Lai, ngoài các uỷ viên Bộ Chính trị, toàn thể thành
viên Tổ Cách mạng văn hoá có mặt, nghĩa là thân phận của họ ngang với các uỷ
viên Bộ Chính trị. Họ hăng hái phát biểu, Vương Lực, Quan Phong. Thích Bản Vũ
ra đòn trước, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đóng vai trung phong. Giang
Thanh, Trần Bá Đạt, Khang Sinh phát biểu tổng kết. Trước tiên họ phê phán Vương
Nhiệm Trọng, rồi gió đổi chiều chĩa sang Đào Chú, phê phán ông đàn áp quần
chúng, bảo vệ phái đi con đường tư bản, là phái bảo hoàng lớn nhất ở Trung
Quốc, đại diện cho đường lối phản cách mạng Lưu-Đặng. Chỉ có 2 uỷ viên Bộ Chính
trị phát biểu: Lý Tiên Niệm nói phương thức và phương pháp công tác của Đào Chú
“không theo kịp tình hình”; Lý Phú Xuân nói “Tôi thấy để lão Đào cũng về Trung
Nam cho yên chuyện”.
Hôm sau. Mao triệu tập Hội nghị
Bộ Chính trị mở rộng, khen Đào Chú “làm việc tích cực, có trách nhiệm”, rồi
chuyển sang phê bình Giang Thanh quá phóng túng, chưa qua Trung ương chính thức
thảo luận mà nói một uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị mắc sai lầm về phương
hướng, đường lối, rồi tuỳ tiện phê phán trong cuộc họp là vi phạm nguyên tắc tổ
chức của Đảng”. Ngay sau đó, Mao gặp riêng Đào Chú, bảo Đào đi xem xét tình
hình các tỉnh với tư cách uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Mao còn trao một danh
sách 20 Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ, yêu cầu Đào bảo vệ khiến ông rất xúc động. Ông
mang danh sách trên gặp Chu. Sau khi trực tiếp thỉnh thị Mao, trong cuộc họp
buổi chiều hôm đó, Chu chính thức truyền đạt chỉ thị của Mao, và tuyên bố Đào
Chú sẽ lên đường sau tết dương lịch. Nhưng ông không đi nổi nữa.
Ngày 30-12, “Đoàn tạo phản” Hồ
Bắc lên Bắc Kinh, ra thông lệnh đòi Đào Chú nộp Vương Nhiệm Trọng. Vừa nhận chỉ
thị của Mao bảo vệ một số cán bộ trong đó có Vương, Đào Chú như đã nắm được
thượng phương bảo kiếm trong tay, bình tâm tiếp đoàn tạo phản trên tại Nhà Quốc
hội. Vừa gặp, đám tạo phản đã như ong vỡ tổ. Chúng đến đây theo mật chỉ của
Giang Thanh, cố ý gây chuyện nhằm lật đổ Đào Chú. Chúng hô khẩu hiệu, kết tội,
chất vấn, nhục mạ Đào Chú 6 giờ liền.
Chiều 4-1-1967 khi tiếp “Đoàn tạo
phản” Hồ Bắc, Trần Bá Đạt phê phán Đào Chú từ khi lên Trung ương không chấp
hành đường lối của Mao, mà thực hiện đường lối Lưu-Đặng.
Giang Thanh nói Đào là đại diện
mới của Lưu-Đặng. Ngay tối hôm đó, cửa tây Trung Nam Hải vang lên khẩu hiệu
“Đánh đổ Đào Chú!” Loa phóng thanh trên ô tô liên tục phát lại phát biểu của
Trần Bá Đạt lúc chiều. Ngày 8-1, Mao chỉ định Vương Lực làm Tổ trưởng Tuyên
truyền Trung ương (tương đương Trưởng ban Tuyên truyền). Mao thừa nhận Đào Chú
đã bị đánh đổ. Thật ra trong cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng 10 ngày
trước đó, Mao đã muốn phế truất Đào, nhưng thấy tình hình chưa thuận, liền quay
sang diễn màn kịch bảo vệ ông, phê phán Giang Thanh, rồi nhắm trúng nhược điểm
của Đào, khuyến khích Đào mạnh dạn đứng ra bảo vệ cán bộ cũ. Quả nhiên Đào Chú
mắc mưu, đối chọi với Hồng vệ binh.
Từ 8-1, cơ quan hữu quan không
gửi tài liệu cho Đào nữa, một tháng sau, điện thoại đỏ (dành cho lãnh đạo cấp
cao) bị dỡ đi. Nơi ở của ông tăng thêm 4 lính gác. Đắc tội Giang Thanh, nhân
vật số 4 trong Đảng bỗng chốc thành người tù. Tháng 3-1968, theo lệnh Giang
Thanh, lực lượng canh gác Đào tăng lên 2 tiều đội, trong nhà có 3 vọng gác, một
cửa trước, một cửa sau, một người luôn theo sát bên cạnh 24/24 giờ, lúc ngủ
cũng có lính gác đứng cạnh giường. Tháng 8-1968, Đại hội phê phán Lưu-Đặng-Đào
qui mô một triệu người được tổ chức trên quảng trường Thiên An Môn, chia làm ba
khu vực, phê phán ba cặp vợ chồng Lưu, Đặng, Đào. Do phản kháng dữ dội, Đào Chú
bị đánh thương tích đầy người. Tháng 8-1968 phát hiện Đào bị ung thư tuyến tuỵ,
nhờ Chu Ân Lai can thiệp được phẫu thuật cắt tá tràng, 18-10-1969, Đào Chú bị
đưa đi lưu đày ở An Huy, 43 ngày sau ông qua đời.
Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội
danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã chỉ ra phương hướng hành động cho các tổ chức
tạo phản, không ai dám đứng ra bảo vệ các đảng uỷ nữa. Các bí thư tỉnh uỷ, tỉnh
trưởng bị cô lập hoàn toàn. Bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh
đánh cho tơi tả. Đầu tháng 1-1967, các phái tạo phản liên minh cướp quyền ở
Thượng Hải. Ngày 14-1 cướp quyền ở Sơn Tây, rồi Quý Châu 25-1, Sơn Đông 27-1,
Bắc Kinh 28-1, Hắc Long Giang 31-1… Tham gia ban lãnh đạo là có xe riêng, thư
ký riêng, thật hấp dẫn, nên nhiều kẻ có dã tâm điên cuồng lao vâo các cuộc đấu
tranh đoạt quyền, thế là diễn ra nội chiến toàn diện; bắt đầu là gậy gộc cuốc
xẻng, rồi phái tạo phản cướp vũ khí của quân đội hoặc quân đội cung cấp vũ khí
cho phái tạo phản mà mình ủng hộ, từ súng trường tự động đến súng máy, lựu đạn,
thậm chí pháo lớn, ở Thành Đô sử dụng cả xe tăng. Qua 20 tháng xã hội đại loạn,
đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền, 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trong
cả nước đã thành lập chính quyền mới mang tên Uỷ ban cách mạng. Các bí thư đảng
uỷ và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ, đứng đầu chính quyền mà phần lớn là chỉ
huy quân đội đóng tại địa phương, một số người cầm đầu các phái tạo phản tham
gia chính quyền các cấp.
Vì sao tự huỷ hoại giang sơn như
vậy? Phải chăng Mao Trạch Đông phát điên rồi? Không, Mao không điên, mục tiêu
của ông ta là trị những người tham gia Đại hội 7.000 người và đồng liêu các cấp
của họ, ghép cho họ tội danh “đi con đường tư bản chủ nghĩa”, đánh đồ hàng
loạt. Mao cần trút lên đầu họ món nợ lịch sử làm chết đói 37,55 triệu người và
gây thiệt hại 120 tỉ NDT, vì họ “xuyên tạc ba ngọn cờ hồng, làm hỏng mọi việc”
Rồi Mao trực tiếp lãnh đạo phái tạo phản đánh đổ “phái đi con đường tư bản” các
cấp, cứu nhân dân khỏi bể khổ “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, thế là Mao trở nên
sáng suốt hơn, vĩ đại hơn, một lần nữa làm “đại cứu tinh” của nhân dân. Đó là
bối cảnh chính trị Mao phát động cướp quyền từ trên xuống dưới.
Trong nhật ký ngày 9-1-1967, Lâm
Bưu viết:
“Cuộc đấu tranh đoạt quyền ở
Thượng Hải do B-52 (Mao Trạch Đông) uỷ quyền Rắn mắt kính (Trương Xuân Kiều) và
Bà Nàng (Giang Thanh) thực hiện… Cướp quyền của ai? Bà Nàng thay B-52 nã pháo,
đánh đập, cướp bóc, bắt người, đấu đá, gieo hận thù khắp nơi”.
Chương 29
Tổ cách mạng văn hoá
thay thế Bộ chính trị, tổ làm việc Quân ủy thay thế Quân ủy trung ương
Tổ Cách mạng vãn hoá trung ương
ủng hộ phái tạo phản các nơi chống quân đội, làm loạn quân đội. Phó tư lệnh Đại
quân khu Nam Kinh Nhiếp Phượng Trí bị phái tạo phản bắt cho vâo bao tải, đánh
gãy 8 chiếc răng. Phó Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh kiêm Tư lệnh Hạm đội Đông
Hải Đào cũng bị dìm trong giếng nước tại nhà khách của Hạm đội, đầu chúc xuống,
chết sặc. Nhiều tướng lĩnh cấp cao bị tuỳ tiện bất giam, khám nhà, hành hạ, có
người tự sát, lãnh đạo Quân uỷ Trung ương lòng như lửa đốt.
Giang Thanh |
Trong cuộc hội ý Thường vụ Quân
uỷ mở rộng 19-1-1967, Trần Bá Đạt, Giang Thanh phê phán quân đội “đã ở bên bờ
chủ nghĩa xét lại”, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Tiêu Hoa là “chính khách tư
sản”. Diệp Kiếm Anh chủ trì công việc hàng ngày của Quân uỷ kiện lên Lâm Bưu.
Lâm gọi ngay Giang Thanh đến, giận dữ phê phán Giang trực tiếp thọc tay vào
quân đội, doạ gặp Mao xin từ chức. Giang túng thế, đổ lỗi cho Trần Bá Đạt, và
xin lỗi Lâm. Trong nhật ký ngày 23, Lâm Bưu viết: “Lâm này quyết không để Bà
Nàng thọc tay vào quân đội. Đưa quân đội vào trường học là chủ ý của B-52. Cổ
động phe tạo phản đánh đổ phái đương quyền đi con đường tư bản trong quân đội
cũng do B-52 chỉ huy, Bà Nàng châm ngòi, tấn công quân đội là nhằm vào ai đây?”
Trong các cuộc hội ý Bộ Chính trị
ngày 11 và 16-2, có các thành viên Tổ Cách mạng văn hoá tham gia, nhiều uỷ viên
Bộ Chính trị, nhất là Đàm Chấn Lâm và Trần Nghị, phản ứng gay gắt trước tình
trạng nhiều cán bộ lão thành ở trung ương và địa phương bị đánh đổ. Các nguyên
soái đoàn kết quanh Lâm Bưu phản đối Giang Thanh và Tổ cách mạng văn hoá can
thiệp vào công việc của quân đội. Mao Trạch Đông thấy nếu không đứng ra chống
đỡ, Tổ Cách mạng văn hoá có thể sụp đổ. Đại cách mạng văn hoá sẽ chết non, thế
là ngày 15-2, Mao lệnh cho Quân đoàn 38 từ Cát Lâm về Bảo Định, thay thế Quân
đoàn 69 (bị điều đi Sơn Tây), đưa vào biên chế của Đại quân khu Bắc Kinh. Sau
ba ngày, toàn bộ Quân đoàn 38 đã có mặt, Mao vững tâm chơi bài ngửa với các
nguyên soái đại thần. Sớm 19-2. Mao triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, danh sách
tham gia do Mao chọn, gồm: Chu Ân Lai, Diệp Quần (thay mặt Lâm Bưu), Khang
Sinh, Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh. Lý Tiên Niệm, Tạ Phú Trị.
Mao nổi giận lôi đình, lớn tiếng:
- Tôi kiên quyết phản đối bất cứ
ai chống lại Tổ Cách mạng văn hoá. Các người muốn phủ định Đại cách mạng văn
hoá, để Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền, không làm nổi đâu. Diệp
Quần về nói với Lâm Bưu vị trí của đồng chí ấy cũng không vững, có người muốn
cướp quyền, để đồng chí ấy chuẩn bị. Nếu Đại cách mạng văn hoá thất bại, tôi
lại cùng Lâm Bưu lên núi đánh du kích. Các người bảo Trần Bá Đạt, Giang Thanh
không được, vậy hãy để Trần Nghị làm Tổ trưởng, Đàm Chấn Lâm làm Tổ phó Tổ Cách
mạng văn hoá, chưa đủ thì mời thêm Vương Minh, Trương Quốc Đào trở lại, vẫn
chưa đủ thì mời cả Mỹ và Liên Xô nữa, bắt Trần Bá Đạt. Giang Thanh mang ra xử bắn! Cho Khang Sinh xung
quân! Tôi cũng thôi việc… Trần Nghị muốn lật lại vụ án chỉnh phong ở Diên An,
toàn đảng không cho phép. Đàm Chấn Lâm là đảng viên lâu năm, sao lại đứng trên
đường lối tư sản? Tôi đề nghị Bộ Chính trị thảo luận việc này, một lần không
được thì hai lần, một tháng không xong thì hai tháng, Bộ Chính trị không giải
quyết nổi thì phát động toàn đảng giải quyết.
Từ 25-2 đến 18-3, Bộ Chính trị mở rộng họp 7
lần, phê phán Trần Nghị, Đàm Chấn Lâm, Từ Hướng Tiền, Lý Phú Xuân, Lý Tiên
Niệm, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vinh Trăn.
Giang Thanh chỉ huy phê đấu 7 người, đồng thời
tổ chức các cuộc biểu tình thị uy trên đường phố Bắc Kinh chống “Dòng nước
ngược tháng 2”, với khẩu hiệu dùng máu tươi bảo vệ “Tổ Cách mạng văn hoá”. Sự
kiện trên khiến 4 vị nguyên soái và 3 Phó thủ tướng trong tình trạng “nửa bị
đánh đổ”.
Như vậy Bộ Chính trị tổng cộng có 4 người bị
đánh đổ (Lưu, Đặng, Đào, Hạ), 9 người “nửa bị đánh đổ” (thêm Chu Đức, Trần Vân), rơi vào tình trạng
tê liệt. Tổ Cách mạng văn hoá trung ương do Giang Thanh làm hạt nhân không
những thay thế Ban Bí thư, mà còn thay thế cả Bộ Chính trị, trở thành cơ quan
quyền lực cao nhất trong Đảng. Về danh nghĩa, có vẻ như Chu Ân Lai thay mặt Mao
Trạch Đông lãnh đạo Tổ Cách mạng văn hoá, trên thực tế là Giang thay mặt Mao
lãnh đạo và giám sát Chu. Quyền quyết sách tối cao nắm trong tay Mao, quyền
chấp hành tối cao nằm trong tay Chu dưới sự giám sát của Giang Thanh. Lâm Bưu là
công cụ răn đe tập đoàn Lưu-Đặng và cán bộ cũ, chẳng nắm được quyền hành gì.
Quyền lực tối cao của Đảng và Nhà nước lặng lẽ chuyển sang tay Giang Thanh.
Câu nói của Mao “vị trí của Lâm Bưu cũng không
vững” đã ly gián quan hệ giữa Lâm Bưu và các nguyên soái khác, từ đó, không còn
tồn tại cục diện Lâm Bưu liên minh với Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh
Trăn để đối kháng Tổ Cách mạng văn hoá. Đến khi Lâm Bưu chĩa mũi nhọn vào Từ
Hướng Tiền và Phương diện quân thứ 4, Mao lại đứng ra bảo vệ Từ Hướng Tiền và
các tướng lĩnh thuộc Phương diện quân trên. Lâm Bưu bị cô lập trong quân đội.
Ngày 20-7-1967, trong lúc Mao đang nghỉ ngơi ở
Vũ Hán, Vương Lực và Tạ Phú Trị xuống đây, thay mặt Tổ Cách mạng văn hoá trung
ương công khai ủng hộ phái tạo phản “Tổng bộ công nhân”, khiến phái “Bách vạn
hùng sư” (được Đại quân khu Vũ Hán ủng hộ) nổi giận, Hai phái tổ chức đánh nhau
dữ dội trên toàn thành phố, Vương Lực bị bắt giữ, Chu Ân Lai phải xuống tận nơi
giải quyết, và bí mật chuyển Mao xuống Thượng Hải. Phái cách mạng văn hoá đổ
lỗi cho Tư lệnh Đại quân khu Vũ Hán Trần Tái Đạo (người của Từ Hướng Tiền) đứng
sau sự kiện này, nhưng Mao lại nói với Dương Thành Vũ:
- Nếu Trần Tái Đạo chống lại tôi, chúng ta
không thể đi khỏi Vũ Hán.
Chiều 25-7, Giang Thanh cho tổ chức cuộc mít
tinh một triệu người trên quảng trương Thiên An Môn hoan nghênh Vương Lực, Tạ
Phú Trị từ Vũ Hán trở về như những người anh hùng. Lâm Bưu cùng những người
thân tín đến dự đầy uy phong.
Lâm Bưu nói sự kiện Vũ Hán mang tính toàn quốc,
cần nắm lấy cơ hội này để hành động, và dự báo “một tháng tới sẽ là thời kỳ mâu
thuẫn gay gắt nhất trong cả nước”. Ngày 27-7, Lâm Bưu chủ trì một cuộc họp,
quyết định cách chức Tư lệnh Đại quân khu Vũ Hán Trần Tái Đạo và Chính uỷ Chung
Hán Hoa, bổ nhiệm Lưu Phong làm Chính uỷ thứ nhất, Tăng Tư Ngọc làm Tư lệnh Đại
quân khu. Cùng lúc ấy, Mao chỉ thị Chu Ân Lai đón Trần Tái Đạo, Chung Hán Hoa,
và cả Sư trưởng cùng Chính uỷ Sư đoàn độc lập về Bắc Kinh bảo vệ.
Ngày 1-8-1967 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
quân đội Trung Quốc, Lâm Bưu là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Bộ trưởng
Quốc phòng, nhưng Mao lại giao cho Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ
đọc diễn văn tại tiệc chiêu đãi, mọi việc để Dương báo cáo Chu Ân Lai chứ không
báo cáo Lâm Bưu, lại chỉ thị rõ để các vị nguyên soái xuất hiện công khái trong
dịp kỷ niệm này. Việc làm trên đã xoá sạch uy phong của Lâm Bưu trên thành lầu
Thiên An Môn chiều 5-7. Chưa hết, xã luận tạp chí Hong Kỳ ngày 1-8 năm đó viết
Quân đội Trung Quốc do Mao Trạch Đông “đích thân sáng lập”, Lâm Bưu “trực tiếp
chỉ huy”. Đọc mấy dòng trên, Mao sầm mặt, lẩm bẩm thốt lên: “Thì ra người sáng
lập không thể chỉ huy quân đội!” Mao phê ngay vào đầu bài xã luận mấy chữ “ngọn
cỏ độc lớn”. Xem tiếp, lại có câu “lôi ra một nhúm trong quân đội là phương
hướng lớn của cuộc đấu tranh hiện nay” Mao nói làm như vậy ở thời điểm này là
huỷ hoại quân đội và Mao viết thêm “trả lại ta trường thành” (quân đội).
Ngày 12-8, Chu Ân Lai truyền đạt cho Tổ Cách
mạng văn hoá lời phê trên của Mao. Họ kinh hoàng, biết Mao đã thay đổi phương
châm cách mạng văn hoá trong quân đội và sẽ có người phải hy sinh vì sự thay
đổi này.
Được Mao cử làm Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền trung
ương, Vương Lực trong trạng thái đê mê, không còn biết trời cao, đất dày là gì
nữa. Ngày 7-8, Vương đến Học viện ngoại ngữ cổ động cướp quyền ở Bộ Ngoại giao.
Hôm sau, Hồng vệ binh áp giải hai Thứ trưởng Ngoại giao Cơ Bằng Phi và Kiều
Quán Hoa ra Vương Phủ Tỉnh bán “Chiến báo phê Trần Nghị”, tin ảnh truyền sang Washington , London , Moskva… Ngày 22-8, lực lượng tạo
phản đốt cơ quan đại diện Anh tại Bắc Kinh. Chu Ân Lai cử Dương Thành Vũ mang
theo tư liệu liên quan về sự kiện trên xuống Thượng Hải báo cáo Mao. Sau hai
ngày suy nghĩ, Mao bảo Dương Thành Vũ: “Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ phá
hoại Đại cách mạng văn hoá, không phải người tốt. Anh về báo cáo riêng với Chu
Ân Lai, cho bắt 3 tên đó, yêu cầu Thủ tướng phụ trách xử lý”.
Ngày 23-9-1967, Mao về Bắc Kinh; cử Dương Thành
Vũ làm Tổ trưởng Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương, các thành viên khác là Ngô Pháp
Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác. Dương Thành Vũ mấy lần theo Mao đi
các tỉnh, thực hiện các chỉ thị của Mao, mỗi lần về Bắc Kinh chỉ báo cáo Chu Ân
Lai, không báo cáo Lâm Bưu, đó là điều Lâm không thể chấp nhận. Nửa năm sau,
tức tháng 3-1968, Lâm cùng Giang Thanh dựng lên “vụ Dương-Dư-Phó”, ép Mao Trạch
Đông tán thành, đánh đổ Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ, Chính uỷ
không quân Dư Lập Kim, Phó Tư lệnh Khu cảnh vệ Bắc Kinh Phó Sùng Bích.
Lâm Bưu cử Hoàng Vĩnh Thắng (Tư lệnh Đại quân
khu Quảng Châu) làm Tổng tham mưu trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ làm việc Quân uỷ.
Mao đồng ý, vì Hoàng từng tham gia cuộc khởi nghĩa Vụ thu do Mao lãnh đạo.
Chương 30
Kết cục bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ
Khang Sinh, Gỉa Thanh tổ chức lực lượng lục lọi
hàng triệu hồ sơ trong mấy thập kỷ trước để tìm kiếm chứng cứ kết tội Lưu Thiếu
Kỳ nhưng không kết quả gì, liền cho bắt một số người từng làm việc trong các cơ
quan tư pháp, cảnh sát, đặc vụ của Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch doạ dẫm, ép
cung, buộc họ “khai ra” những điều phù hợp ý muốn của ban chuyên án, làm “chứng
cứ” kết tội Lưu Thiếu Kỳ “phản bội, nội gian, công đoàn vàng”, “tay sai của đế
quốc xét lại, Quốc Dân Đảng”.
Từ 13 đến 31-10-1968 , Hội nghị Trung ương 12 khoá 8 họp
tại Bắc Kinh. Trong 97 uỷ viên Trung ương khoá 8 có 10 người chết, 47 người bị
đánh đổ, chỉ còn 40 người đến họp. Mao đã cho bổ sung thêm 10 uỷ viên dự khuyết
lên chính thức, cho đủ quá bán hợp lệ (50/97). Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị,
thông qua báo cáo thẩm tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh đệ
trình. Dưới sức ép của Mao-Lâm, bằng cách giơ tay biểu quyết, Hội nghị “nhất
trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”, chỉ có
một phụ nữ không giơ tay: Bà Trần Thiếu Mẫn, uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch
Tổng Công hội Trung Quốc.
Nghị quyết công bố ngày 31-10, nhưng chờ đến
24-11, đúng ngày sinh thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ, Giang Thanh mới cho Lưu nghe
băng ghi âm nghị quyết trên. Nghe xong, Lưu Thiếu Kỳ run bắn toàn thân, mồ hôi
ra đầm đìa, thở dốc, huyết áp đột ngột lên 260/130, thân nhiệt lên tới 40 độ C.
Tối 17-10-1969 , Lưu Thiếu Kỳ hơi thở thoi thóp,
mũi cắm ống xông, họng gần ống hút đờm, phủ một tấm chăn, được cáng lên máy bay
quân sự, bí mật đưa đến Khai Phong. Nơi cuối cùng giam giữ Lưu Thiếu Kỳ này
nguyên là kho bạc của một ngân hàng từ trước năm 1949, các cánh cửa là những
tấm thép dày, chấn song cửa sổ to đùng. Hai trung đội được cử canh giữ ngày
đêm, với 4 khẩu súng máy đặt trên các nóc nhà xung quanh đề phòng bất trắc.
6 giờ 40 phút sáng 12-11-1969 , ngày thứ 27 sau khi bị đưa đến lưu
đày ở Khai Phong, Lưu Thiếu Kỳ qua đời trong tinh trạng không được cấp cứu. Khi
Lý Thái Hoà, vệ sĩ của ông năm xưa đến nhận xác, thi hài vị Chủ tịch nước đặt
trên nền đất dưới gian hầm, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối bời, miệng mũi méo
xệch, máu ứ bên khoé mép. Người vệ sĩ dùng kéo xén bớt mái tóc bạc dài gần hai
gang tay, sửa sang chòm râu, mặc quần áo, xỏ giày cho ông. Nhân viên chuyên án
chụp ảnh để mang về trình Mao, Giang. Sau đó, họ đặt thi hài Lưu Thiếu Kỳ trên
xe quân sự nhỏ, chân thò ra ngoài, bí mật đưa đi hoả táng, dưới cái tên “Lưu Vệ
Hoàng, không nghề nghiệp”.
Gần 3 năm sau, ngày 16-8-1972, mấy người con
của Lưu Thiếu Kỳ xin thăm cha mẹ, Mao Trạch Đông phê vào báo cáo của Tổ chuyên
án: “Bố đã chết, có thể thăm mẹ”.
Lịch sử phải ghi bằng dòng chữ to đậm: Mao
Trạch Đông chà đạp Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, giam cầm trái
phép Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, và bức hại Người cho đến chết.
Tân Tử Lăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét