Khóc hay Cười, ai biết được ?
Trái với nụ cười là tiếng khóc. Tiếng khóc diễn tả nỗi đau khổ. Nếu Cười có sơ sơ 161 kiểu (1) thì Khóc cũng có cỡ 99 kiểu khóc. Nào khóc thảm thiết, khóc nức nở, khóc nỉ non, khóc rưng rức, khóc nghẹn ngào, khóc thút thít, khóc ấm ức; rồi khóc ròng, khóc oà, khóc thét, khóc thầm, khóc hận, khóc tủi...; qua khóc bù lu, khóc sụt sùi, khóc như ri… và khóc tập thể.
Ðôi lúc ta thấy 2 người cùng khóc, nước mắt nhỏ đồm độp như "hạt mưa trên lá", nhưng chúng ta chớ có vội kết luận là họ đều đau khổ như nhau mà "bé cái nhầm". Có một anh rể quý nghe tin bà mẹ vợ giầu sụ, có chôn rất nhiều vàng sau vườn vừa ngỏm củ ty, vội cùng bà vợ lăn đùng ra khóc. Anh chồng khóc ầm ĩ, thảm thiết hơn chị vợ nhiều, nhưng nếu có máy chụp laser chiếu vào tim đen thì sáng tỏ mười mươi anh chàng này đang mở cờ trong bụng, vì đời sắp lên hương vàng son chói lói, chẳng những thôi nhé từ nay hết bị mè nheo mà còn kè được ít tiền hồi môn béo bở. Chị vợ mất mẹ nên khóc thật. Dĩ nhiên, không cần nói ra nhưng mẹ chồng "đai" thì chắc ai cũng rứa rứa.
Quý vị nào đã đọc sách, xem phim "Số Ðỏ" của Vũ Trọng Phụng hẳn thấy người ta thuê người khóc mướn trong những đám tang nữa kìa (2). Ðám tang nào khóc to nhất, nhiều người khóc nhất, nhiều đội kèn nhất là nhà ấy sẽ nổi tiếng sang và oai nhất. Ðám tang chưa xong, tiếng kèn hãy còn ò, ý, e ngoài ngõ mà trong nhà anh em đã í oẳng cãi nhau đòi chia gia tài.
Còn một trường hợp éo le nữa là hầu hết cô dâu nào sắp lên xe bông về nhà chồng đều khóc ơi là khóc. Cái khóc này mới là kỳ dị, kỳ duyên, kỳ nhông, kỳ cục:
«Khóc như thiếu nữ vu quy,
Cười như anh khoá hỏng thi về làng.»
Cô dâu đang sướng tê, sướng ran người, nhưng chả nhẽ lại nhăn răng ra cười tồ tồ, sợ mang tiếng bất hiếu, nên hình như cô dâu nào, cô dâu nấy cũng "bôi ít dầu xanh con ó hay dầu nhị thiên đường vào khăn mùi xoa rồi lấy khăn lau mắt..." ôi, tha hồ mà khóc, kiểu đào Kim Cương đóng kịch ngày xưa, như Như Quỳnh khóc khi chôn dầu trên Pa-rí bái nai ngày nay.
Ngoài ra, cũng cần phải nói qua loa kiểu khóc lạ lùng có tầm lịch sử:
1/ Kiểu Tàu:
* Giết xong ân nhân là Bá Xa, Tào Tháo khóc híc híc. Chém xong mưu sĩ của mình là Dương Tu , Tào Tháo khóc hu hu. Lụi xong tên cận vệ, Tào Tháo khóc hê hê.
* Khổng Minh chọc chết Chu Du , sang phúng điếu, khóc tồ tồ. Bêu đầu tướng Mã Tốc rồi, Khổng Minh khóc tì tì.
* Mượn tay Mao Trạch Đông trừ xong Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu khóc toe toét.
2/ Kiểu Việt:
* Phóng tay phát động chính sách Cải Cách Ruộng Đất, đến nửa chừng thấy khủng khiếp quá, ông Hồ xin lỗi, khóc khục khục.
* Ông Hồ chết, Lê Du ẩn khóc khằng khặc khi đọc điếu văn.
(Cái chết của ông Hồ vẫn còn là nghi án lịch sử, có dư luận trên liên mạng cho rằng ông ấy bị phe nhóm Lê Du ẩn - Trường Chinh, qua tay Bs Tôn Th ất Tùng, đầu độc. Thật hư thế nào, mốt...sẽ rõ.).
* Riêng chiến dịch đổi tiền, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới, đốt sách, tập trung cải tạo, thuyền nhân tị nạn... sau 1975 ở Miền Nam là chưa đầy tớ nào chịu đại diện đứng ra chọn một kiểu khóc, ngoại trừ nạn nhân là chủ nhân đen – nay mất hay còn - khóc tức tưởi...
* Còn kiểu khóc của nhân dân Bắc Hàn qua cái đột tử của «lãnh đạo vô vàn kính yêu» Kim Jong Il từ ngày 17 tháng 12 năm 2011 thì xin quý độc giả cứ vô tư liên hệ với kiểu khóc của Tố Hữu đối với Staline năm 1953, của người Việt ở Bắc VN năm 1969, của nhân dân Trung cộng năm 1976 đối với cái chết của Mao… Mà kể cũng lạ, cũng đáng suy gẫm lắm lắm là từ sau tháng 09 năm 1969 đến nay (25/12/2011), VN ta chưa có dịp diễn lại màn lên đồng tập thể như dân Bắc Hàn. Chẳng lẽ VN ta đã tuyệt «lãnh đạo vô vàn kính yêu»?
Vậy không nhất thiết vui là cười và buồn mới khóc, có khi còn ngược lại:
«Ngồi buồn trách lẫn ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.»
Thế mới là đời.
Hàn Lệ Nhân
(1) Một số kiểu cười Hàn Lệ Nhân tìm được :
01 - Cười ằng ặc
02 - Cười ba lơn
03 - Cười bằng mắt
04 - Cười bằng thích
05 - Cười bí ẩn
06 - Cười bò kàng
07 - Cười bù khú
08 - Cười buồn (khác buồn cười)
09 - Cười cầu hoà
10 - Cười cầu tài
11 - Cười châm biếm
12 - Cười chanh chua
13 - Cười chê
14 - Cười chơi
15 - Cười chua cay
16 - Cười chúm chím
17 - Cười cợt
18 - Cười cộc lốc
19 - Cười cười
20 - Cười cuồng loạn
21 - Cười dài
22 - Cười dâm đãng
23 - Cười dê
24 - Cười dòn
25 - Cười duyên
26 - Cười đã đời
27 - Cười đánh trống lảng
28 - Cười đau khổ
29 - Cười đắc thắng
30 - Cười đểu
31 - Cười điềm đạm
32 - Cười đón
33 - Cười độc
34 - Cười đồng loã
35 - Cười động cởn
36 - Cười đú đởn
37 - Cười đùa
38 - Cười đưa
39 - Cười e thẹn
40 - Cười gằn
41 - Cười góp
42 - Cười gượng
43 - Cười ha hả
44 - Cười hà hà
45 - Cười hạ bệ
46 - Cười hắc hắc
47 - Cười hềnh hệch
48 - Cười hì hì
49 - Cười hỉ hỉ
50 - Cười híc híc
51 - Cười hiền
52 - Cười híp mắt
53 - Cười hóm hỉnh
54 - Cười hơ hớ
55 - Cười hở lợi
56 - Cười hô hố
57 - Cười hồ hởi
58 - Cười hồn nhiên
59 - Cười hồng hộc
60 - Cười huề
61 - Cười khà
62 - Cười khan
63 - Cười khanh khách
64 - Cười khành khạch
65 - Cười khẩy
66 - Cười khì
67 - Cười khinh bỉ (khinh miệt)
68 - Cười khinh khỉnh
69 - Cười khô (cười khan)
70 - Cười khúc khích
71 - Cười khục khục (khùng khục)
72 - Cười lạnh
73 - Cười lẳng lơ
74 - Cười lặng lẻ
75 - Cười lẫn nhau
76 - Cười lém lỉnh
77 - Cười loả lúa
78 - Cười lở trôn
79 - Cười lộn ruột
80 - Cười lười ươi
81 - Cười mát
82 - Cười miểng chai
83 - Cười miếng chi (mỉm chi)
84 - Cười mơn
85 - Cười mũi
86 - Cười nắc nẻ
87 - Cười ngả cười nghiêng
88 - Cười ngả ngớn
89 - Cười ngạo nghễ
90 - Cười ngặt nghẽo
91 - Cười ngất
92 - Cười nghiến răng
93 - Cười ngô nghê (ngờ nghệch)
94 - Cười ngượng ngập
95 - Cười nham nhở
96 - Cười nhạo
97 - Cười nhạt (cười lạt)
98 - Cười nhếch mép
99 - Cười nhí nhảnh
100 - Cười như mếu
101 - Cười như nắc nẻ
102 - Cười nịnh
103 - Cười nô, cười nà
104 - Cười nôn ruột
105 - Cười nụ
106 - Cười nửa miệng
107 - Cười om sòm
108 - Cười ồ
109 - Cười ô trọc
110 - Cười phá
111 - Cười phào
112 - Cười phớt tỉnh
113 - Cười phổng mũi
114 - Cười ra nước mắt
115 - Cười ra rả
116 - Cười ranh mãnh
117 - Cười rập khuôn
118 - Cười ré
119 - Cười rè
120 - Cười reo
121 - Cười rộ
122 - Cười ròn rả
123 - Cười rú lên
124 - Cười rũ rượi
125 - Cười ruồi
126 - Cười sang sảng (rổn rảng)
127 - Cười sảng khoái
128 - Cười sặc sụa
129 - Cười sằng sặc
130 - Cười té đái (vãi đái)
131 - Cười thâm
132 - Cười thầm
133 - Cười thâm thúy
134 - Cười thành thật
135 - Cười the thé
136 - Cười thoả mãn
137 - Cười thơn thớt
138 - Cười thú nhận
139 - Cười thủy tinh
140 - Cười tiếp thị
141 - Cười tình
142 - Cười toe toét
143 - Cười toé loe
144 - Cười tỏn te
145 - Cười trây trúa (nham nhở)
146 - Cười trịch thượng
147 - Cười trừ
148 - Cười tủm
149 - Cười tuồng
150 - Cười tuyệt vọng
151 - Cười tự phụ
152 - Cười vang
153 - Cười vỡ bụng
154 - Cười vô duyên
155 - Cười vu vơ
156 - Cười xã giao
157 - Cười xách mé
158 - Cười xảo trá
159 - Cười xoà
160 - Cười xuý xoá
161 - Cười ý nhị
(còn tiếp)
( chưa tra tự điển các nước khác - 25/12/2011. Mỗi loại cười kể trên có thể dẫn bằng một đoạn văn hay một đoạn thơ Việt ngữ ).
(2) Theo "Cười và Khóc" của Thư Sinh. Lưu ý: Trong bài này tôi có tùy tiện mắm muối vô nguyên tác "Cười và Khóc" của bạn Thư Sinh, mong bạn hỉ xả cười thể tất cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét