Nỗi Niềm Di Tích
Quê tôi ở xóm Chùa. Bố tôi kể, làng tôi có những ao sen mênh mông ướt đẫm hương sen. Thuở bé, bố thường ngụp lặn ở mương bắt cua bắt cá. Bố tôi kể làng tôi có mái đình to và đẹp nhất vùng; quanh năm khói hương vờn tiếng chuông chiều. Cạnh nhà tôi là chiếc cầu xây theo lối thượng gia hạ kiều, lợp ngói âm dương mát rượi. Chiến tranh, chùa bị đốt mất, cầu bị giật mìn, đến khi cải cách đình được trưng dụng làm sân kho hợp tác. Tôi sinh ra ở Hà Nội, về quê viếng mộ ông bà, cỏ mồ xanh úa, ao tàn lấp dở. Chùa thì mới dựng lại, hàng chục tấm bia lớn nhỏ nằm sấp ngửa từ sân ra đến giếng làng, lòng bia trán bia nhẵn thín; bố tôi bảo hồi xưa hợp tác xã dùng để đập lúa, làm cầu ao và làm tấm kê cho xe công nông chạy.
Sắc phong đình Xuân Dục (niên đại tk XVIII, đời Cảnh Hưng) đã bị ép dẻo và bong lớp. Ảnh: Trần Trọng Dương
Tôi về nhà bác tôi, các anh tôi chân quê mắt toét. Người thì suốt đời bò trên ruộng đất, kẻ thì vật vã chốn đô thành, người thì pha nước mắm Tàu bán rong, người thì vay nợ đi nước ngoài xuất khẩu lao động thô. Lần hồi đoạn tháng. Tôi về, không có nổi bát canh cua nuôi vị quê hương. Ruộng quê bạc thếch vì thuốc sâu, anh tôi đi kiếm bữa nhậu bằng cần nhúng điện. Tôi hỏi gia phả, nhưng mất hết. Anh tôi bảo chú học hành hai chục năm, giờ lương tháng được triệu hai chẳng bằng anh chạy xe ôm; tôi cười cười, gãi đầu ngớ ngẩn! Bố tôi là tiến sĩ, lãnh đạo một viện nghiên cứu, bố tiếc tôi không theo nghề, lại bảo rằng tôi đi học thứ chữ của người chết làm gì. Tôi biết bố được dạy như thế thật. Lòng không thấy giận, nhưng trống huếch. Tôi chợt nhớ đến lần khai sơ yếu lý lịch đầu tiên khi tôi chuẩn bị đi học vỡ lòng, cái cảm giác lâng lâng và tự hào khi viết chữ “không” to tướng vào mục khai “tôn giáo”. Hơn hai mươi năm sau, tôi mới lờ mờ hiểu được tại sao mình lại có cảm xúc ấy. Nhưng bây giờ, day dứt tôi hơn cả là những đồng ruộng tơi bời, những làng quê khánh kiệt văn hoá và những thế hệ vôi hoá tâm hồn. Tôi lang thang qua các triền sông, qua những nếp chùa hoang lạnh, lòng mường tượng về những vùng văn hoá cổ truyền đã từng hiện diện trên dải nước non này…
1. Về một vùng văn hoá bị xoá xổ
Đầu năm nay, tôi được cử đi công tác tại Như Thanh, một vùng đất được coi là hẻo lánh và mới mẻ của Thanh Hóa. Nghe qua tên (Như Thanh, nghĩa là đến đất Thanh), tôi đoán chắc đây là tên do một vị nho sĩ nào đó đặt ra cho vùng đất này. Nhưng thật lạ là trong các buổi nói chuyện với các cấp lãnh đạo văn hoá, thì ai cũng khẳng định đây là huyện mới thành lập từ những năm 1960. Hỏi về lịch sử trước đó thì dĩ nhiên không ai biết, chỉ có lịch sử Đảng bộ thì đang biên soạn. Tôi la cà đi hỏi người dân, không ai nhớ gì.
Lần qua phủ Bến Sung, nơi được coi là trung tâm tín ngưỡng của cả vùng. Chẳng ngờ gặp được cậu em ở trọ cùng khu ngày xưa trên Thanh Xuân, cậu này vốn là dân thế giới thứ ba, nay dạt về vùng đất hẻo lánh này làm cô làm cậu. Hỏi ra mới biết đất hẻo này là chốn ăn chơi, phủ Sung là nơi làm công tác tinh thần cho những người giàu có và quyền lực nhất vùng, cũng là nơi ăn chơi nhảy múa hơn cả. Dân ở đây vốn là Việt kiều ở Thái Lan được vận động về định cư vào giữa thế kỷ trước. Phủ Sung mới toanh, sơn son loè loẹt, chữ nghĩa èo uột; có hai tấm bia chữ Hán (hai cổ vật có giá trị nhất còn sót lại của huyện), nhưng đã di sang một phủ khác gần đấy, tên là phủ bà X. Chẳng ai đọc được chữ nào, nhưng ai cũng cho là của phủ mình. Bà X vốn nhặt được “các ngài” hồi hợp tác xã, hương hoả mấy chục năm nay cho bà con, chính quyền cũng vì dân nên không dám động vào. Thế là hình thành nên thế lưỡng phân: “phủ ông ông cúng, phủ chúng chúng thờ”.
Tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp (niên đại tk XVII, Bắc Ninh), với ngón tay bị bẻ. Ảnh: Trần Trọng Dương
Ngoài hai phủ ấy ra, tuyệt không thấy di tích nào nữa. Ấy thế mà trên làng sâu nhất, cách phủ lị chừng 17 km đường rừng núi, người ta từng đào được một chiếc trống đồng; huyện lập tức nẫng trống về, được một hai hôm tỉnh về đem lên tỉnh mất. Ở một xã khác, chúng tôi còn tìm được những chân cột bằng đá xanh to lắm. Hỏi dân, thì biết rằng đình bị phá từ những năm 1950. Chúng tôi qua một làng khác, Uỷ ban xã nằm ngay dưới một gốc sanh chừng ba bốn trăm năm, lưng Uỷ ban dựa vào núi, mặt hướng ra hồ nước xanh đẫm với cánh đồng lấp ló lúa chớp đông điểm xuyết những thân kè mốc thếch. Chúng tôi hỏi ướm ông phó Chủ tịch có phải nền nhà xưa là chùa cổ, ông phả khói thuốc lào xong quay đầu sang kêu: thế à?
Tôi chợt rùng mình: điều kinh khủng nhất của sự phá huỷ chính là khi sự vật không còn hiện hữu trong trí nhớ của chính chủ thể văn hoá! Đêm về phủ lị, đầu tôi cứ ong ong những tiếng khánh tiếng chuông và tiếng đồng cổ từ núi vọng về, ra ngoài hành lang đi dạo, thì thấy phòng bên đã mở chiếu bạc và tiếng con gái cười trong trẻo qua khói thuốc mênh mông…
2. Những di tích biến dạng
Trước đây tôi có qua chùa Tiêu, mê mẩn đi trong vườn tháp cổ, lên đỉnh núi vọng xuống dòng Tương giang huyền thoại. Dăm tháng sau, mấy tên trộm cổ vật phát lộ ra pho tượng táng của Thiền sư Như Trí vào thế Kỷ XVIII. Rồi dự án nghiên cứu và bảo trì nhục thân thiền sư được thực hiện. Phóng viên và khách tham quan về tới tấp. Chùa hình như được “quan tâm” hơn, đường vào chùa giờ đã được bê tông hoá, lối lên là đôi rồng xi măng xanh xao vàng vọt. Vườn tháp nằm nem nép dưới chân khu tăng xá và nhà khách mới xây. Tam bảo đóng cửa im ỉm, khách vào vãn cảnh không thắp được hương đành nhòm qua khe cửa xem bóng tam thế soi dưới nền đá hoa. Mấy kẻ hiếu kì thì trèo lên đỉnh Tiêu sơn ngắm tượng Phật mới xây theo phong cách Ấn Độ, tuy không cổ xưa nhưng được cái hoành tráng và bề thế.
Tượng cừu chùa Dâu (niên đại thế kỷ VI, chùa Dâu - đền Sĩ Nhiếp, Bắc Ninh), lưng tượng cừu đã bị mòn vẹt vì đập lúa.
Gần chùa Tiêu là đình Hồi Quan được xây dựng vào quãng thế kỷ XVIII. Đình không nổi tiếng lắm nên còn giữ được khá nhiều. Mái đình cong vút, những vạt điêu khắc theo phong cách hậu Lê vừa khoáng hoạt vừa tinh tế. Cụ từ chỉ cho tôi đôi hổ vờn trên nóc, cụ bảo mảng chạm ấy mới làm lại; mảng cổ ngày xưa bị cấp trên đem về mất. Tôi tẩn mẩn đi chụp từng mảng từng miếng. Nơi này mây lửa sứt mẻ, nơi khác linh thú bị chém bạt đầu. Vết dao cũng đã phủ bụi thời gian, đoán chừng dăm ba chục năm gì đấy. Trong đình còn những đôi câu đối, những bức hoành và cuốn thư chữ nghĩa cổ kính, bút pháp hào hoa. Có đôi câu đối chữ lệ tuyệt mỹ, tiếc là mới bị sứt mất do trẻ con nghịch ngợm. (ảnh: linh thú bị chặt mất đầu) Thiền Phong, anh bạn tôi cẩn thận chụp từng chữ một, bảo về làm tư liêu sau này viết về lịch sử thư pháp Việt Nam.
Cùng ở gần đấy là đền Đô, thờ tám vị vua triều Lý. Di tích cấp quốc gia, nên phần trang trọng là hàng cây kỉ niệm của các vị lãnh đạo cấp cao. Kiến trúc được sửa mới hoàn toàn. Mới vào sân, đập ngay vào mắt là đôi sư tử Tàu hung dữ, trông vừa hàng mã, trọc phú lại vừa a dua đua đòi; chắc là đồ cúng tiến của đại gia nào đó khệ nệ vác từ Trung Quốc về. Các loại hoành phi câu đối đều mới coóng, thư pháp hạng xoàng, gò đồng bóng nhãy và nhem nhuốc. Tượng các vị vua đều được đặt trong khám bằng kính, đen mờ vì khói nhang. Chỗ nào cũng treo bức ảnh “bát đế vân du” như là minh chứng cho sự giàu có và linh thiêng về văn hoá, lịch sử. Lẽ thường, càng là di tích quốc gia, càng được Nhà nước đầu tư thì di tích càng bị tiêu thổ mạnh. Các cơ quan hữu quan chỉ chú tâm vào việc giải ngân thế nào cho hợp lý để tiện bề nuôi nhau chứ mấy khi để ý đến việc bảo tồn.
3. Những cổ vật biến hình
Chúng tôi từng qua núi Non Nước ở Ninh Bình. Núi khắc đầy thơ của người xưa, chỗ này thơ Trương Hán Siêu, chỗ kia là bút tích chúa Trịnh. Lại có một bức “vũ trụ dĩ lai” rất nổi tiếng của Ngô Thì Sĩ. Giờ thì núi Bài Thơ không ai lên để đọc thơ nữa. Học sinh lớp mười hai lên đấy mượn phong cảnh đẹp để chia tay thời áo trắng học đường, khắc lên sườn núi những là xúc cảm của lứa tuổi 9x mộng mơ và dại khờ. Chịu chung số phận là hàng loạt các thắng tích khác trên khắp đất nước. “Văn hoá” khắc và viết kỉ niệm lên di tích đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Học sinh các cấp, sinh viên đại học và các khách du lịch trong nước để lại tên mình và tim mình trên chuông trên khánh, trên cấu kiện gỗ bằng mọi cách, khắc bằng dao kiwi hay dao trổ rọc giấy, viết bằng gạch non, bút phủ hay bằng vôi ve. Gần đây lại thêm mấy nhà thơ Hải Phòng chủ ý đánh bóng thơ mình bằng sơn nữa.
Tuy nhiên, những cơ quan chủ quản đành chịu bất lực với hiện tượng này, vì các thế hệ người Việt lâu nay không hề được giáo dục về hành vi văn hoá trong di tích, hoặc nếu có được giáo dục đi chăng nữa thì sự phá hoại lại xảy ra ở mức độ có chủ ý và đầy ác ý. Tôi từng rờn rợn khi thấy những đứa trẻ tay cầm thanh nứa mỏng lia đứt bất kỳ mầm cây nào mà chúng thấy với một khoái cảm man rợ, càng quát chúng chúng càng nhâng nháo và nghịch dữ hơn. Giờ là với các di tích và các cổ vật trong di tích. Mới đây thôi, cách nay chừng ba bốn tuần, bức tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt, tuyệt phẩm bậc nhất của điêu khắc Việt Nam thế kỳ XVII đã bị bẻ mất… ngón tay. Thầy trụ trì chỉ còn biết lầm rầm tụng niệm.
Linh thú chùa Phật Tích (niên đại thế kỷ XII, Bắc Ninh) đã bị mất nửa đầu. Ảnh: Trần Trọng Dương
Mấy năm trước, tôi dẫn sinh viên bảo tàng đi thực tập. Lừng lững trong sân một số bảo tàng là những sấu đá, ngựa đá, voi đá; toàn những “chiến lợi phẩm” của bảo tàng trong quá trình đi điền dã tại địa phương. Sự bóc tách các cổ vật tại di tích để đem về trưng bày cho hệ thống bảo tàng hay cơ quan văn hoá các cấp thực chất là sự giết chết cổ vật và làm “nghèo hoá” chính các di tích bản địa. Một yếu tố văn hoá thực sự chỉ có giá trị khi nó nằm trong môi trường văn hoá của chính nó. Như cá tươi chỉ khi ở dưới nước, chim hót hay chỉ khi ở trên cành. Ấy là chưa kể đến sự lợi dụng chức quyền, lợi dụng tư cách cán bộ văn hoá để ăn cướp hay mua hớt tay trên các cổ vật có giá trị. Cho nên, bảo tàng thì nghèo nàn xập xệ, còn các sưu tập cá nhân (của chính cán bộ) thì toàn đồ hiếm và hiểm; và không lâu sau thì tuồn ra nước ngoài.
Việc cán bộ văn hoá bảo tồn di tích và lưu giữ cổ vật cũng là một vấn đề đáng nói. Ở nhiều nơi, các cổ vật quý thường được cố định bằng dây xích và gắn bê tông đến gần nửa thân. Các cụ từ, cụ lềnh, các sư trụ trì đều có tư duy “thích khang trang”, luôn muốn phá di tích cũ đi để xây mới cho sạch sẽ, sáng sủa. Các cấu kiện gỗ, các mảng miếng chạm trổ cũ thường bị vứt đi sau quá trình trùng tu di tích. Các tượng cũ được tô lại với tay nghề vụng về, và chất liệu mới sẽ rất dễ phá huỷ và ăn mòn tượng cổ.
Sắc phong xưa vốn được trữ trong hộp sắc hay ống quyển bằng tre, lớp cật cách nhiệt, chống thấm và chống ẩm rất tốt; nay chuyển sang ống sắt và ống i-nốc; tệ hại hơn có những nơi bảo quản sắc phong bằng cách đem đi ép plastic. Chúng tôi còn nhớ được hai nơi có hiện tượng này đó là đình Xuân Dục (Bắc Ninh) và ban văn hoá xã Nhân Huệ (Chí Linh, Hải Dương). Chất nhựa khi ép nóng, hai mặt sẽ cắn chặt vào giấy vĩnh viễn. Việc ép dẻo sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tai hại: như sắc phong sẽ rất dễ bị gãy theo lớp nhựa; hay khi bị nóng ẩm lâu năm, lớp nhựa sẽ bị tróc ra, bóc đi xơ dó cũng như toàn bộ hoa văn, thư pháp và triện khắc trên sắc phong đó, đây là nguy cơ trầm trọng nhất. Ngoài ra, việc ép dẻo sắc phong sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc chụp ảnh tư liệu và phục chế sau này.
Có lẽ trăm năm vừa qua là giai đoạn tổn thất văn hoá cổ truyền lớn nhất kể từ sau cuộc tàn sát văn hoá Đại Việt thời thuộc Minh. Khác biệt ở mỗi một điểm, đó là sau khi đánh đuổi được quân xâm lược, nhà Lê đã xây dựng lại được một nền văn hoá mới nhưng vẫn tiếp nối được những hào khí xưa cũ. Nho giáo được đặt trong mối tương quan và vị trí khác hẳn so với thời Lý - Trần. Trong khi đó, sau khi thoát khỏi được ách đô hộ của Pháp, người Việt đã bẻ ghi văn hoá sang một giai đoạn đại chúng đầy nhiệt thành. Chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm và chữ Pháp, họ Tưởng tiếc là người Việt tự loại mình ra khỏi khối các nước đồng văn; ai ai cũng biết đọc, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng hiểu được những gì mình đánh vần ra được. Trước mắt con người hiện ra cả một tương lai sáng rỡ, không còn một cổ hai tròng, không còn những gông cùm cổ hủ của ý thức hệ Nho giáo và những đè nén áp bức của thực dân. Người ta hồ hởi đi vào xây dựng một nền văn hoá mới, với ý thức về sự cần thiết phải đoạn tuyệt với gánh nặng quá khứ.
Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh loạn lạc, vấn đề văn hoá chỉ đặt ra ở cấp độ hệ tư tưởng và đấu tranh giai cấp. Đến khi giành được thống nhất, văn hoá trở thành những hoạt động khải ca mang tính quần chúng từ cấp thôn xóm phường xã đến cấp trung ương. Con người được đào tạo và hưởng thụ văn hoá đơn tuyến đến mức đơn điệu. Gần như không có ý thức tái tạo và sáng tạo văn hoá. Đến khi kinh tế mở cửa, sự đói nghèo quá dài khiến ta trượt đi trong vòng mũ áo; đồng tiền lúc này là hiện thân của văn hoá. Cơ quan văn hoá cấp cao hơn quản lý bằng cách giễu ô tô kinh lý các di tích, kiểm tra xem cấp dưới chạy xô phong bì ra sao. Còn cấp dưới thì ra sức cung phụng, mong được mặt trời rót cho ít kinh phí. Mô hình “phễu chồng tầng theo kiểu hình tháp ngược” phải chăng là đặc điểm văn hoá lớn nhất trong giai đoạn hiện nay? Còn các di tích vẫn hàng ngày chịu những hậu quả nặng nề của xu hướng đô thị hoá trong khi đài báo vẫn luôn hô hào cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Trần Trọng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét