Đòi Hỏi Công Lý, Nam Phong Chính Là Phạm Quỳnh :
St. Paul, Minnesota (QGTTX).- “Đòi hỏi công lý và tên tuổi Phạm Quỳnh không cần Cộng Sản Việt Nam phục hồi. Họ không có tư cách làm việc này.” Phạm Tuân, con út vị học giả và là em của Phạm Tuyên tác giả bài hát Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng, khẳng định như vậy khi được hỏi về văn thư của Đại tá Đặng văn Việt ngày 10/3/11, cho biết đã năm lần đề nghị Đảng và Nhà Nước (CS) “xóa đi những dư luận sai trái” đối với gia đình ông. Đặng Văn Hướng, thân phụ của “con hùm xám đường số 4,” bị đấu tố và bỏ đói chết năm 1953 và mẹ ông vì quá đau khổ đã tự tử chết theo.
Trong buổi nói chuyện về Nam Phong Tạp Chí (NPTC) và Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn tại Việt Nam Center ở Saint Paul, Minnesota, Phạm Tuân đã kể lại chuyện Ủy Ban Khởi Nghĩa Thuận Hóa mời thân phụ ông “đi làm việc” ngày 23/8/1945 để rồi không bao giờ có ngày trở về. Chủ bút tạp chí bị giết bằng cuốc xẻng, bên bờ sông Bồ vào một đêm năm 1945, nhưng danh tiếng Phạm Quỳnh không hề tuyệt tích nhờ 210 số báo có mặt từ 1917-1934. Đây là một kho tàng văn học mà ông là linh hồn, đã vượt không gian thời gian, chiếm môt vị trí đáng kể trong văn học sử.
NPTC tuy do người Pháp lập ra nhằm phục vụ cho cuộc chiến của họ trong Thế Chiến I với Đức, nhà văn hóa họ Phạm đã lợi dụng nó để để bồi bổ quốc văn và phổ biến các tư tưởng Âu Tây; đồng thời gầy dựng một tinh thần quốc gia, dựa trên cơ sở văn hóa và ngôn ngữ Việt. Tạp chí ra hàng tháng, khổ lớn, dày 100 trang. Nội dung ngoài bài luận thuyết thời cuộc và bài tóm tắt thời sự còn có hai phần: phần biên khảo, học thuật (tây hoặc hán học) và phần thi văn tiểu thuyết. Khi làm chủ bút ông mới 25 tuổi. Tên báo hàm ý gió mát phương Nam sẽ đem phú quí dài lâu.
Phạm Tuân kể lại, Phạm Quỳnh thường nói với hai người anh lớn về Hồ Chí Minh ngày Việt Minh mới lên cướp chính quyền: “Không biết họ Hồ là ai; song nếu HCM không phải là Nguyễn Ái Quốc thì đại-phúc cho dân-tộc.” Đây là dựa vào kinh nghiệm bản thân khi vào năm 1922, ở Paris, ông đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện, tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc 2, 3 lần; những lần đó có mặt cả các ông Phan-văn-Trường, Nguyễn-thế-Truyền, Phan Chu Trinh.. . Thời Đệ Nhất Cọng Hoà năm 1956 chính quyền giúp tìm hài cốt nhà văn hóa họ Phạm, bị vùi dập chung dưới một cái mương với anh và cháu của ông Ngô Đình Di ệm là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân ngày 6/9/1945, cách Huế 15 cây số về phía Bắc.
Đời Hồ Chí Minh có tới trên 100 tên. Bảo Đại trong cuốn Con Rồng Việt Nam viết, lúc đưa bản tuyên ngôn thoái vị cho Trần Huy Liệu ngày 23/8/1945, ông mới nghe nói tới tên Hồ Chí Minh. Họ Hồ lấy tên này ngày 13/8/1942 khi ông rời hang Pắc Bó, trở lại Trung Hoa để liên lạc với các lực lượng cách mạng; còn Nguyễn Tất Thành tức là Nguyễn Ái Quốc vào ngày 18/6/1919. Đây là tên chung của nhóm Phan văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, có từ thập niên 1910, ký trong các bài báo, tài liệu tố cáo chế độ thuộc dịa Pháp.
Nhà báo Phan Thanh Tâm , dịp này cho biết, trong Pháp Du Hành Trình Nhật Ký Phạm Quỳnh ghi họ đã “cùng ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thỏa thích. Ăn no, uống say, cười cười, nói nói.” Năm 1922 chủ bút NPTC di Pháp; được mời đến diễn thuyết tại Ecole Coloniale ngày 31/5/1922, nơi mà Nguyễn Tất Thành 11 năm trước, ngày 15/9/1911, đã làm đơn xin vào học nhưng bị bác. Hồ Chí Minh khi nghe tin họ Phạm bị giết nói, “chuyện đã lỡ rồi.” Nhưng sau đó tất cả các ấn phẩm của NPTC bị cấm lưu hành và Phạm Quỳnh bị (người CS) gọi là đại Việt gian...
Ngược lại, theo nhà báo Phan Thanh Tâm , Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đã cho giảng dạy ở bậc Trung H ọc các bài báo trong NPTC và gần đây toàn bộ tạp chí này còn được đưa vào thế giới điện toán. Phạm Quỳnh sinh năm 1892 tại Hải Dương. Năm 16 tuổi đậu thủ khoa bằng Cao Đ ẳng tiểu học. Theo nhà báo, muốn hiểu văn học Việt Nam thời 1913 tới 1932 thì phải tìm đọc NPTC. Tạp Chí là tất cả văn hóa của thế hệ đó. Nhờ làm việc trong trường Viễn Đông Bác Cổ nên Phạm Quỳnh có cơ hội tìm hiểu về triết học, văn học, mỹ học và văn chương kim cổ.
Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng trong buổi giới thiệu và thảo luận các ấn phẩm của Viện Việt Học chiều ngày 7/5/2011 khi nói về Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn đã cho biết, Giáo sư Nguyễn Quang Hồng trong một dịp sang Philadelphia dự hôi nghị về chữ Nôm ở Đại học Temple khi được xem quyển TĐCNTD đã nói, trong nước có mơ làm chuyện này nhưng đã không làm được. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, quyển Tự điển sẽ rất lợi ích cho những ai quan tâm đến văn học Việt Nam và sẽ tìm thấy ở đây một kho tàng ngữ văn từ thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 20.
Theo diễn giả, chữ Nôm là một loại chữ viết, mượn lối viết chữ Hán làm căn bản để ghi chép tiếng nói của người Việt. Giáo sư nói, bộ Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn đã có mặt dưới dạng điện tử trên mạng Internet từ năm 2005 sau hơn ba năm làm việc cật lực. Ban biên tập gồm có Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê văn Đặng, Nguyễn văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi; sinh sống nhiều nơi trên thế giới, nghề nghiệp khác nhau, tuổi đời khác nhau, không quen biết nhau nhưng đã cùng cộng tác hoàn thành ấn bản này.
Ông Nguyễn Minh Lân và Nguyễn Minh Phúc thuộc Viện Việt Học ở Cali đã trình bày và chiếu slide cho thấy việc chuyển toàn bộ 210 số NPTC vào DVD-Rom. Phần lớn thiện nguyện viên là sinh viên và chuyên viên trẻ góp sức thực hiện dự án này. Trong chương trình giới thiệu ấn phẩm của Viện Việt Học, Viện đã đến nhiều nơi có đông người Việt cư ngụ như Paris, Westminster (Cali), San José, Portland, Oregon, Seattle, Washington D.C, Houston, Texas, Minnesota và trong những ngày tới sẽ đi Boston, Philadelphia, Denver.
Buổi giới thiệu và thảo luận các ấn phẩm của Viện Việt Học được sư bảo trợ của nhiều hội đoàn và tổ chức ở Song Thành và đã thu hơn $5,000.00./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét