Cuộc Cánh Mạng Minh Trị Duy Tân
Minh Trị Thiên hoàng (3 tháng 11 năm 1852 – 30 tháng 7 năm 1912) hình từ sách Tenno Yondai |
Vào giữa thế kỷ 19, các nước Tây Phương đã trải qua thời Thời Đại Khai Sáng ( Enlightenment Age ) và cuộc Cách Mạnh Kỹ Nghệ, tạo ra những thay đổi rất lớn về phương diện tư tưởng và kinh tế, bên cạnh đó cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là một mốc quan trọng của lịch sử thế giới gợi ý cho những giá trị dân chủ và dân quyền. Hoa Kỳ sau gần một năm độc lập đã trở thành một cường quốc về quân sự và kinh tế. Nói chung vào thời điểm đó thế giới Tây Phương đã thay đổi rất nhiều, trong lúc đó thì Á Châu vẫn còn trong tình trạnh "bán khai", trung tâm của nền văn minh Châu Á là Trung Quốc vẫn còn ngủ mê trên những hào quang của quá khứ trong suốt hơn một ngàn năm, không thể chống đỡ nổi trước sức mạnh quân
sự của Anh và Pháp trong trận chiến năm 1842, trong lúc đó các vua chúa Việt Nam vẫn còn sùng bái Thiên triều Trung Hoa, hoàn toàn ngỡ ngàng bối rối khi người Pháp bắt đầu cuộc xăm lăng, khá nhất tại Á Châu lúc bấy giờ là Nhật, nhưng vẫn còn là một nước phong kiến, chủ quyền đất nước thuộc về vua chúa hay các Shogun và quyền công dân là một ý niệm hoàn toàn xa lạ.
sự của Anh và Pháp trong trận chiến năm 1842, trong lúc đó các vua chúa Việt Nam vẫn còn sùng bái Thiên triều Trung Hoa, hoàn toàn ngỡ ngàng bối rối khi người Pháp bắt đầu cuộc xăm lăng, khá nhất tại Á Châu lúc bấy giờ là Nhật, nhưng vẫn còn là một nước phong kiến, chủ quyền đất nước thuộc về vua chúa hay các Shogun và quyền công dân là một ý niệm hoàn toàn xa lạ.
Hoa Kỳ đe dọa Nhật Bản
Thuyền trưởng Mathew Perry chỉ huy ba tàu chiến cập đến cảng Edo (Tokyo ngày nay) vào ngày 8 tháng 7 năm 1853 và xin được lên bờ nhưng đại diện của triều đình Mạc Phủ (Tokugawa Shogunate) yêu cầu ông đến cảng Nagasaki – nơi đây họ có giao thương với người Hòa Lan và là cảng duy nhất mở cửa cho người ngoại quốc. Thuyền trưởng Perry không nhượng bộ và đã sử dụng đại bác bắn vào một số cơ sở dọc theo hải cảng. Cuối cùng triều đình Nhật nhượng bộ đồng ý cho phái đoàn Hoa Kỳ lên bờ để trao bức thư của tổng thống Millard Fillmore cho Hoàng Đế Mạc Phủ mà họ lầm tưởng là có uy quyền thật sự, không biết đúng ra phải là Shogun. Sau khi trao lá thư, nể mặt con cháu Thái Dương Thần Nữ, thuyền trưởng Perry dành cho họ một năm để suy nghĩ và sẽ trở lại với một lực lượng quân sự hùng hậu hơn.
Hành động của thuyền trưởng Perry đã gây ra một chấn động tâm thức rất lớn đối với người Nhật thời bấy giờ và lúc đó họ mới giật mình nhận ra sự tụt hậu của mình: những con tàu của thuyền trưởng Perry là hiện thân của văn minh phương Tây, và người Nhật chưa bao giờ thấy một con tàu lớn được trang bị súng ống hiện đại như thế.
Trước tình thế đó, họ chỉ có 2 con đường để chọn lựa:
1/ Tiếp tục duy trì chế độ phong kiến và chấp nhận đối đầu với Hoa Kỳ.
2/ Nhượng bộ mở cửa giao thương và theo con đường canh tân đất nước.
Lòng ái quốc truyền thống và niềm kiêu hãnh dân tộc không cho phép họ nhượng bộ một cách dễ dàng. Một cuộc tranh luận sôi nổi xảy ra trên khắp nước Nhật giữa hai khuynh hướng: nhượng bộ và đối đầu. Tuy nhiên, dầu thuộc khuynh hướng nào, người Nhật cũng có một cái nhìn chung là học hỏi văn minh Tây Phương là một nhu cầu cấp bách.
Shogun bị đặt vào một tình thế khó xử, lần đầu tiên trong lịch sử họ phải thỉnh ý các lãnh chúa địa phương và Triều đình Mạc Phủ. Đa số trả lời là không nhượng bộ.
May mắn là dưới thời Shogun đời thứ 13 này có những cố vấn giỏi, trong số này có những người từng du học ở Tây Phương, nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất là cố vấn chánh Abe Masashiro - một người nhạy bén và sáng suốt.
Quan điểm của Abe Masashiro là lực lượng quân sự của Nhật lúc đó thua kém Hoa Kỳ rất xa, cho nên nếu nước Nhật chọn giải pháp đương đầu thì chắc chắn phải chịu số phận giống như nhà Thanh.
Cuối cùng Shogun nghe theo đề nghị của cố vấn của Abe Masashiro. Khi Thuyền trưởng Perry trở lại Nhật năm sau (1854) với một lực lượng hùng hậu với 10 tàu chiến, Nhật nhượng bộ, ký Hòa Ước Kanagawa tại Yokogama đồng ý mở hai hải cảng Shimoda và Hakodate. Tháng 7 năm 1858, một thỏa ước thương mãi khác được ký kết giữa Nhật và Hoa Kỳ, mở thêm nhiều hải cảng mới ở Nhật và các khu vực đặc quyền dành cho Tây Phương.
Vào năm 1866, Shogun thứ 13 qua đời và Keiki lên thay, mặc dầu Shogun mới đã có những cải tổ đáng kể, nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp với những thay đổi lớn trong tâm thức của người dân và những biến chuyển quá nhanh của thời cuộc. Ngày 17 tháng Giêng năm 1868 lực lượng của Shogun Keiki tại Kyoto bị đánh bại bởi lực lượng của một số võ sĩ sumurai trẻ và cấp tiến.
Thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng và cuộc Minh Trị Duy Tân
Tháng 4 năm 1868, các lãnh tụ samurai trẻ đưa một thanh niên - Minh Trị Thiên Hòang lên ngôi với 5 Lời thề Hiến Chương (Charter Oath) như sau:
Điều 1: Dự trù thiết lập các hội đồng (quốc hội) rộng rãi khắp nơi, để lấy quyết định cho mọi thảo luận công cộng.
Điều 2 : Mọi giai cấp cao hay thấp phải đoàn kết thi hành việc quản trị đất nước.
Điều 3: Mọi công dân phải được phép đeo đuổi nguyện vọng để tránh sự bất bình.
Điều 4: Mọi hủ tục trong quá khứ sẽ bị dẹp bỏ và tất cả mọi việc đều chỉ dựa trên các luật của Thiên Nhiên.
Điều 5: Hiểu biết sẽ được tìm kiếm khắp thế giới, để củng cố nền tảng cai trị của hoàng đế.
Có 3 điểm đáng chú ý nhất trong 5 lời thề này:
1/ Chuẩn bị cho một mô hình hiến pháp, chuyển từ một chế độ phong kiến sang một chế độ quốc hội nghị viện, tức là trao quyền lại cho quốc dân
2/ Đoạn tuyệt quyết liệt với một nền văn hóa cũ không còn thích hợp.
3/ Tìm kiếm những kiến thức mới trên khắp thế giới để canh tân đất nước.
Trong suốt thời gian trị nước Nhật từ năm 1968 cho đến 1912 Minh Trị Thiên Hoàng luôn theo đuổi 5 lời thề lúc nhậm chức.
Là một người vốn thông minh và sáng suốt, vua Minh Trị ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình đối với tiền nhân và đối với tiền đồ của đất nước, đã dồn mọi tâm quyết vào việc canh tân đất nước để bắt kịp Tây Phương. May mắn cho giới trí thức Nhật là trong thời gian trị vì Minh Trị cũng là cơ hội thuận tiện nhất cho họ thi thố tài năng.
Ngày nay khi nói về vua Minh Trị, điều mà người Nhật biết ơn ông không phải là những đóng góp trong công cuộc canh tân đất nước, mà còn vì ông biết đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi cá nhân. Sau khi nghiên cứu quá trình phát triển của nền văn minh Tây Phương các nhà Tây học của Nhật nhận ra rằng muốn bắt kịp họ không phải chỉ học về kỹ thuật, mà còn phải có một thể chế chính trị do dân và vì dân. Sau 3 năm soạn thảo và bàn luận cuối cùng vào tháng 9 năm 1871 Hội Đồng Quốc Gia ra đời. Đây là bước đầu trước khi áp dụng thể chế Quân Chủ Lập Hiến theo kiểu Anh Quốc. Tháng 12 năm 1885 nước Nhật có Thủ tướng đầu tiên do Nhật Hoàng đề cử và đến đầu năm 1889 bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, Nhật Bản chính thức trở thành nước theo thể chế quân chủ lập hiến, gồm Quốc Hội Nghị Viện do dân bầu. Đây là hệ thống chính phủ đại diện cho dân đầu tiên ở Á Châu.
Những năm đầu của Triều Đại Minh Trị là một giai đoạn khó khăn nhất, vấn đề nan giải làm sao để tập trung quyền hành về một mối, có nghĩa là phải dẹp bỏ các lãnh chúa địa phương, mà dưới quyền các lãnh chúa địa phương này là các võ sĩ sumarai. Chính quyền Minh Trị giải quyết bằng cách bồi thường cho các lãnh chúa địa phương và các samurai hoặc tuyển dụng các samurai cũ vào quân đội quốc gia mới thành lập.
Từ năm 1876 trở đi, trên đường phố Nhật Bản không còn thấy cảnh các samurai mặc quần áo võ sĩ, để tóc dài, đeo kiếm bên hông, trước đó là một đặt quyền. Xem như cuộc Cách Mạng Duy Tân đã hoàn tất mà không phải đổ máu giống như cuộc Cách mạnh Pháp năm 1789.
Cuộc cách mạng canh tân bắt đầu ngay sau khi vua Minh Trị lên ngôi, kéo dài 30 năm (1868-1898). Nhờ cuộc cách mạng này mà nước Nhật đã tạo được những thay đổi thần kỳ, là nền móng cơ bản đưa Nhật bản trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Trong đó 10 năm đầu là giai đoạn quan trọng nhất mà người Nhật gọi là “Thời kỳ Văn minh khai hóa”.
Khi nói về cuộc canh tân Minh Trị người ta thường nghĩ đơn giản đó là sự mở cửa để giao thương và học kỹ thuật tân tiến của Tây Phương. Thật sự không phải như vậy. Học hỏi kỹ thuật của Tây Phương chỉ là mặt nổi bên ngoài, thực chất của cuộc Minh Trị Duy Tân là người Nhật muốn học những tinh hoa văn minh của người Tây Phương để tự khai hóa mình và để gìn giữ được nền độc lập quốc gia.
May mắn thay cho nước Nhật, vào thập niên 1860, một nhóm trí thức Nhật Bản vì niềm hãnh diện dân tộc cùng với ý thức trách nhiệm đối với tiền đồ đất nước, quyết định tìm đến các nước Tây Phương để học hỏi. Họ nôn nóng cái gì cũng muốn biết, từ kỹ thuật, quân sự, chế độ chính trị cho đến tư tưởng, phong tục tập quán….
Họ ra đi bằng nhiều cách khác nhau, kẻ đi Âu, người đi Mỹ, kẻ đi chính thức, người trốn xuống các tàu buôn…tìm đến tập nơi, nhìn thấy tận mắt những thành quả của nền văn minh để so sánh với hiện trạng của đất nước mình và tránh vết xe đổ của nhà Thanh.
Sự nghiệp đáng nói của các bậc tiền nhân dân tộc Nhật Bản là không để mất cái đã có trong quá trình tiếp thu cái mới. Dù ngỡ ngàn trước ánh sáng của nền văn minh Tây Phương nhưng người Nhật lúc nào cũng chủ trương phải giữ lại tinh thần của Nhật Bản với niềm tự hào: “Người Âu Châu không dạy cho người Nhật mà chính vì người Nhật tự mình muốn học hỏi các phương pháp tổ chức dân sự và quân sự của phương Tây”.
Riêng đối với chính quyền, muốn đổi mới thì phải có kiến thức về kỹ thuật, kinh tế, chính trị, quan hệ ngoại giao, luật pháp... những ngành này mới lạ và chưa có ai dạy ở Nhật, cho nên chỉ còn cách là phải gởi người ra Tây Phương học hỏi.
Chính phủ chọn ra các sinh viên ưu tú gởi đi du học, bất kể là nam hay nữ, dựa vào năng khiếu của từng người gởi đến một quốc gia thích hợp nhất. Họ không chọn một quốc gia nào làm kiểu mẫu, mà chọn mô hình tốt nhất ở mỗi lãnh vực. Họ gởi người đến Đức để học về kỹ thuật, quân đội và y khoa, đến Anh học về hải quân-hàng hải, đến Pháp học về luận pháp và tòa án, đến Mỹ học về thương mại và mậu dịch.
Đồng thời một phái đoàn Ngoại giao của chính phủ có tên Iwakura Mission gồm 48 viên chức cao cấp bao gồm những nhân vật lỗi lạc như Itō Hirobumi, Ōkubo Toshimichi, Kido Takayoshi, Mori Arinori, trưởng phái đoàn là Bộ Trưởng Iwakura Tomomi, thực hiện một chuyến công du đến Âu Châu và Mỹ từ tháng 12 năm 1871 cho đến tháng 9 năm 1873 (gần 2 năm). Mục đích của chuyến đi là để đàm phám lại các hiệp ước bất bình đẳng đã ký với các nước Âu Châu và Hoa Kỳ, nhưng chính yếu là để thu thập các thông tin về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, xã hội. tại những nơi mà họ thăm viếng để trở về thực hiện chương hiện đại hóa đất nước.
Chính những thành phần đi du học hay tu nghiệp này, sau khi trở về trở thành lực lượng nồng cốt cho công cuộc canh tân, điển hình như Itō Hirobumi trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật và Mori Arinori trở thành Bộ Trưởng Giáo Dục - được xem là người sáng lập ra hệ thống giáo dục hiện đại của Nhật.
Học hỏi được từ người Mỹ, người Nhật bắt đầu thành lập những hội trí thức để chia sẻ nhau thông tin và phổ biến tư tưởng đến quần chúng. Hội có nhiều ảnh hưởng nhất với xã hội trong giai đoạn này là Hội Trí Thức Meirokusha, do Mori Arinori và Nishimura Shigeki sáng lập năm 1873, quy tụ những nhà khai sáng theo Tây học có tâm quyết như Nishi Amane, Tsuda Mamichi, Nakamura Masanao, Katô Hiroyuki, Mitsukuri Shuuhei, Fukuzawa Yukichi, Sugi Kôji, Mitsukuri Rinshô, Nishimura Shigeki.
Mục đích của hội là giới thiệu văn minh Tây Phương và khuyết khích người Nhật canh tân theo chiều hướng này. Họ lập ra tờ báo Meiroku - tạp chí tư tưởng đầu tiên ở Nhật để thảo luận mọi đề tài liên quan đến đất nước, xã hội, từ vấn đề vợ chồng, cách dạy con, đạo đức nam nữ, vấn đề hôn nhân, cho đến những việc trọng đại hơn như vấn đề giáo dục, tín ngưỡng, các quyền tự do, quyền được bình đẳng, quyền được chọn một quốc hội do dân bầu. Họ cũng bàn về tiền tệ, thuế má, mậu dịch, tài chính v.v..
Đồng thời hội chỉ dẫn cho người dân học cách suy nghĩ và phương pháp tư duy mới để vượt qua lối mòn của nho giáo chỉ lập lại những gì trong sách vỡ và may mắn cho họ là có nhiều người trẻ ở lứa tuổi 40 trong số các thành viên để tiếp nối và phần đông đã tham gia chính quyền để thực hiện hoài bão khai hóa quốc dân.
Các học giả Nhật làm điều này bằng cách dịch sách vở của Tây Phương sang tiếng mẹ đẻ, và áp dụng theo phương châm: "Thầy làm sao trò làm vậy." Người Đức chế tạo cơ khí ra sao họ cố gắng làm theo như vậy, người Anh đóng tàu và tổ chức hải quân ra sao họ làm giống như vậy, người Pháp tổ chức hệ thống luật pháp ra sao họ cũng bắt chước làm theo như vậy...nhưng 10, 20 năm sau trò có thể qua mặt cả thầy.
Trong thời gian 10 năm đầu này, các tác phẩm chính yếu của nền văn minh Tây Phương đều được dịch sang tiếng Nhật tiêu biểu như: Lịch sử nền Văn minh của nước Anh (History of Civilization in England) của Henry T. Buckle, Khế ước xã hội (Du contrat social) của Jean-Jacques Rousseau, Quyền con người (Rights of Man) của Thomas Paine, Sự Thịnh Vượng của Quốc Gia (the Wealth of Nations) của Adam Smith, Tự Do Luận (On Liberty) và Các nguyên Lý về Chính Trị Kinh Tế Học (Principles of political economy) của John Stuart Mill, Tinh thần của luật pháp (De l'esprit des lois) của Montesquieu, Tự giúp (Self-help) của Samuel Smiles, Thuyết Tiến Hóa (The Theory of Evolution) của Charles Darwin....
Việc dịch thuật từ tiếng Anh, Đức hay Pháp sang tiếng Nhật là một việc vô cùng khó khăn đối với các học giả Nhật vào thời phôi thai này, lý do là vì tiếng Nhật giống như tiếng nôm của ta dựa trên tiếng Hán, cho nên họ phải tự tìm ra những từ ngữ khoa học hay triết học tương xứng. Vậy mà họ vẫn vượt qua được. Chỉ việc này thôi họ đã đi trước người Trung Hoa và Việt Nam rất xa.
Thời kỳ Văn minh khai hóa này cũng tạo ra một dòng "văn học khai sáng", ở đó các nhà văn viết hàng loạt "tiểu thuyết chính trị" để giải thích, không phải chỉ cho quốc dân mà còn cho những người lãnh đạo đất nước, hiểu về những giá trị của con người, về lợi ích của giáo dục, về bản chất của Tinh thần luật pháp, về dân chủ như một "giá trị đạo đức" và "phương thức quan hệ" trong xã hội, về con đường để rèn luyện văn hóa dân chủ và tuân thủ những giá trị đạo đức đó...
Những tên tuổi lớn của Nhật trong thời kỳ này gồm có Katô Hiroyuki là người tiên phong của nghành chính trị học, Nishi Amane mở đầu cho ngành triết học. Mitshkusi Rinsho là cha đẻ nghành nghiên cứu luật pháp. Sugi là người sáng lập ra ngành xác xuất thống kê (statistics). Fukuzawa Yukichi dẫn đầu trong ngành giáo dục, nhà tư tưởng Nakae Chômin được xem là một “Jean-Jacques Rousseau của phương Đông” v.v....
Những nhà canh tân của Nhật trong thời kỳ này không xa rời thực tế của đất nước họ. Vì tư tưởng của Tây Phương hoàn toàn mới lạ đối với đại đa số quần chúng, cho nên họ phải trang bị cho mình một kiến thức toàn khoa để đáp ứng được nhu cầu của thực tế.
Bên cạnh những sinh viên gởi đi du học, họ còn sẵn sàng trả số lương hậu hĩ cho các giáo sư, chuyên viên Tây Phương đến Nhật dạy tại các trường đại học, trường dạy nghề, cố vấn cho các công ty tư nhân và các cơ quan của chính phủ. Theo tài liệu của học giả Fukuzawa trong quyển "Khuyến Học" cho biết là chỉ trong 4 năm, từ 1868-1812, để học hỏi thể chế chính trị, xã hội và kỹ thuật của Phương Tây, chưa kể phần tư nhân, chính phủ Minh Trị, đã thuê hơn 500 chuyên viên, học giả sang Nhật làm việc, trong đó đông nhất là Bộ Công Nghiệp có 130 cố vấn Tây Phương.
Dĩ nhiên giữa những nhà canh tân không phải là không có những xung đột vì bất đồng quan điểm nhưng như một nhà văn Nhật đã nhận xét: “Cảnh tượng buổi đầu thời cận đại ở Nhật giống như một sân khấu lớn đầy những diễn viên đóng mọi vai trò. Những trào lưu tư tưởng đã xung đột, kết hợp, giao thoa với nhau để làm nguồn cảm hứng tạo ra một nước Nhật cận đại phong phú và đa dạng”
Dù đứng trên quan điểm nào những nhà tư tưởng khai sáng Nhật Bản cũng có chung một quan điểm là họ không thể đi ngược lại quá trình tiến hóa của nhân loại, từ man rợ tiến tới văn minh. Đồng thời họ cũng không thể quên chân lý từ ngàn xưa đến nay là muốn mở mang trí tuệ thì trước hết con người phải được thoải mái về vật chất.
Kết quả của 10 năm Khai Hóa Văn Minh
Nếu chỉ cần có 25 năm người Nhật đã biến một nước Nhật hoang tàn đổ nát sau Đệ Nhị Thế Chiến trở thành một cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, thì gần 100 năm trước đó người Nhật cũng làm được một phép lạ kinh tế tương tự. Chỉ có 10 năm sau khi bắt đầu cuộc Minh Trị Duy Tân, người Nhật đã tạo ra được những thành đáng nể, qua mặt cả một số nước ở Âu Châu.
Dưới đây chỉ là vài kết quả tiêu biểu:
– Năm 1871 hệ thống bưu điện, điện tín được thành lập.
– 1872 đường xe lửa nối liền Tokyo với hải cảng Yokohama dài gần 40km, Kobe được nối liền với Osaka năm 1874 và với Kyoto 3 năm sau, Tokyo - Kobe năm 1877.
– Cùng năm 1872 Bộ Giáo Dục được thành lập để quản trị từ bậc Tiểu Học lên đến Đại Học.
– Nhiều đại học được thành lập trong thời gian này, Đại Học Tsukuba được thành lập năm 1872, Đại Học Tokyo (1877), trước đó Đại học tư nhân của Fukuzawa là Keio được thành lập năm 1858.
– Xưởng đóng tàu tại Hyogo (Kobe) được thành lập 1868
– Các hãng chế tạo vũ khí hiện đại tại Tokyo và Okasa cũng được thành lập.
– Năm 1870 hãng chế tạo đồ tiêu dùng Mitsubishi ra đời
– 1876, Mitsui Bank, ngân hàng tư nhân đầu tiên của Nhật được thành lập...
và vô số những thành quả khác.
Đến năm 1895 thì Nhật đã trở thành một nước mạnh nhất ở Á Châu khi đánh bại Trung Hoa và 10 năm họ đã thật sự trở thành một cường quốc sau khi đánh bại Nga tại eo biển Đối Mã. Chiến thắng này đã làm sửng sốt tất cả các nước Tây Phương bởi vì không ai nghĩ họ có thể chiến thắng trước sức mạnh quân sự của Nga. Nên nhớ là vào thời điểm 1905 Nga đã là một đế quốc, lãnh thổ bao gồm phần lớn các nước trong Liên Bang Sô Viết cũ, rộng đến 23 triệu cây số vuông, dân số 140 triệu, trong lúc Nhật chỉ rộng có 377 ngàn cây số vuông, dân số 45 triệu vào thời điểm đó.
Tính từ năm 1868 đến 1905, có nghĩa là chỉ 37 năm kể từ khi cuộc Minh Trị Duy Tân bắt đầu, nước Nhật từ một nước phong kiến tụt hậu trở thành một cường quốc hiện đại trên thế giới. Thành tích thần kỳ là nhờ lòng yêu nước và niềm kiêm hãnh dân tộc là động lực khiến họ đoàn kết trên dưới một lòng quyết tâm đưa đất nước lên vị trí ngang hàng với các cường quốc Tây Phương.
Ngoài yếu tố tinh thần, một bài học mà chúng ta có thể học được từ cuộc Cách Mạnh Duy Tân của người Nhật là họ đã biết cách làm như thế nào để chuyển hóa từ một nước lạc hậu sang một nước văn minh.
Ngoài Minh Trị Thiên Hoàng, sẽ thật thiếu sót vô cùng nếu không nói về một nhân vật lỗi lạc khác của Nhật đã có công đóng góp rất lớn cuộc Minh Trị Duy Tân – một người mà cho đến ngày nay người Nhật vẫn gọi là “Người khai sinh ra nước Nhật hiện đại”. Chúng tôi sẽ viết về nhân vật lỗi lạc này trong số báo tuần tới.
Phạm Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét