RFA nói thay cho những người không được nói
Photo courtesy of Dân Huỳnh/Người Việt |
Nhân dịp tham dự một cuộc hội thảo tại California, hôm 12 tháng 8, bà Libby Liu, tổng giám đốc đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), cùng giám đốc Ban Việt Ngữ, ông Nguyễn Văn Khanh, đã đến thăm nhật báo Người Việt.
Từ trái: Ô.Phạm Phú Thiện Giao (chủ bút báo NV), Bà Libby Liu (tổng giám đốc RFA), Ô.Nguyễn Khanh (giám đốc Ban Việt Ngữ RFA), Ô.Ðinh Quang Anh Thái (phụ tá chủ nhiệm NV) tại tòa soạn báo Người Việt hôm 12.8.2010. Bà Libby Liu đang xem số báo Người Việt phát hành năm 1994 đăng tin đài RFA được thành lập.
Bà Libby Liu làm Tổng giám đốc RFA từ năm 2005. RFA được thành lập năm 1994, hiện có chín ban ngôn ngữ Châu Á với hơn 200 nhân viên.
Bà Libby Liu từng là phó tổng giám đốc RFA phụ trách hành chánh và tài chánh, từng là giám đốc hành chánh Hiệp Hội Người Da Màu Quốc Gia Hoa Kỳ tại Baltimore, Maryland. Bà cũng từng làm giám đốc nhân sự, hành nghề luật và làm công tố viên liên bang.
Bà Liu tốt nghiệp cử nhân đại học UC Berkeley và cao học quản trị kinh doanh (MBA) và luật (JD) tại đại học University of Pennsylvania. Bà sinh trưởng tại California trong một gia đình di dân gốc Trung Hoa. Nhân dịp đến thăm nhật báo Người Việt, bà đã trả lời cuộc phỏng vấn sau đây.
Người Việt: Xin bà cho biết, nhiệm vụ chính của RFA là gì?
RFA là một đài điền thế (surrogate), có nghĩa là nói thay cho những người không có tiếng nói tại các quốc gia Châu Á mà nhà cầm quyền giới hạn quyền thông tin của người dân.
TGÐ Libby Liu
TGÐ Libby Liu: RFA là một đài điền thế (surrogate), có nghĩa là nói thay cho những người không có tiếng nói tại các quốc gia Châu Á mà nhà cầm quyền giới hạn quyền thông tin của người dân. Vì thế, thính giả của chúng tôi chính là những người dân tại các quốc gia này. Ví dụ, tại Miến Ðiện, khi giới quân sự cầm quyền đàn áp tín đồ và giáo sĩ Phật Giáo, không có ai lên tiếng cho họ. RFA chính là người giúp họ lên tiếng, giúp “lấp đầy khoảng trống này.”
Người Việt: Vậy thì thái độ của giới cầm quyền tại các quốc gia này đối với RFA ra sao?
TGÐ Libby Liu: Tất nhiên là họ không hài lòng và chỉ muốn RFA đóng cửa càng sớm càng tốt vì chúng tôi đưa ra sự thật. Có lần, họ bảo tại sao RFA không nói tốt về họ, chúng tôi trả lời rằng chúng tôi chỉ nói sự thật. Còn nếu muốn nói tốt thì quý vị cứ sử dụng truyền thông của quý vị như đang làm bấy lâu nay. Tôi nghĩ, chính quyền tại các quốc gia này chọn cái họ muốn nói và RFA chọn cái họ không muốn nói.
Người Việt: Bà nghĩ sao về sự kiện RFA vừa được quy chế thường trực mới đây?
TGÐ Libby Liu: Phải nói là tôi rất xúc động vì nó rất quan trọng với chúng tôi. Trong thời gian qua, năm nào chúng tôi cũng lo lắng không biết RFA có tồn tại hay không mỗi khi sắp tới ngày 30 tháng 9, ngày mà tài khóa của năm trước kết thúc. Chúng tôi không rõ Quốc Hội có tiếp tục dành ngân sách cho RFA hay không. Chúng tôi cũng từng bị chủ đất đưa giấy thông báo sắp hết hợp đồng. Phải nói rằng, với tình hình như vậy mỗi năm, rất khó cho chúng tôi có kế hoạch lâu dài.
May thay, nhờ DB Ed Royce và một số dân cử Mỹ khác, một dự luật cho quy chế thường trực của RFA đã được lưỡng viện Quốc Hội thông qua và được Tổng Thống Barack Obama ký ngày 13 tháng 7 vừa qua. Ðây là một thông điệp rất lớn cho thấy chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến tình trạng thông tin bị kiểm soát tại một số nước ở Châu Á.
Người Việt: Xin bà cho biết có thay đổi nào trong những ngày tới đây sau khi RFA được quy chế thường trực?
TGÐ Libby Liu: Chắc chắn chúng tôi cần thêm ngân sách, và tôi hy vọng sẽ có, vì RFA có rất nhiều ưu tiên. Ðối với tôi, Châu Á vẫn là ưu tiên cao nhất, có nhiều liên hệ chằng chịt giữa nhiều quốc gia, nhiều chế độ còn quá nhiều quyền lực. Tôi hy vọng RFA sẽ tiếp tục nhiệm vụ điền thế của mình.
Phương tiện của chúng tôi vẫn còn giới hạn, nhưng chúng tôi sẽ vận dụng với những gì chúng tôi có. Chúng tôi sẽ phải cố gắng nâng cao nội dung chương trình. Có nội dung phong phú, mang tính nhân bản, liên quan đến cuộc sống của thính giả thì họ mới nghe.
Bà Libby Liu, tổng giám đốc đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA). Photo courtesy of Dân Huỳnh/Người Việt.
Người Việt: Trước đây, quan chức Việt Nam không bao giờ được trả lời phỏng vấn RFA. Nhưng bây giờ thì RFA có thể làm được điều này. Tại sao vậy, thưa bà?
TGÐ Libby Liu: Họ biết danh tiếng của RFA và họ biết nhiều người trong nước nghe chương trình của chúng tôi. Phải nói là RFA đã được nhiều người nghe hơn trước đây nhiều. Ngoài ra, họ cũng muốn người dân biết những gì họ nói qua RFA. Chúng tôi từng bị một quan chức Việt Nam đập điện thoại xuống đất vì không muốn trả lời phỏng vấn.
Qua các cuộc phỏng vấn này, RFA từng phanh phui nhiều vụ việc. Nhiều người dân cũng muốn trả lời phỏng vấn của RFA vì họ muốn người khác biết những gì họ biết. Ngoài ra, phải nói là có một số người thật sự yêu nước, muốn gióng lên tiếng nói của họ qua làn sóng RFA.
Người Việt: Có bao giờ RFA định mở văn phòng chi nhánh tại Hà Nội để tiếp cận tin tức dễ dàng hơn?
TGÐ Libby Liu: Chúng tôi có đề nghị vấn đề này một lần, nhưng bị từ chối. Chúng tôi có mở văn phòng tại Cambodia, nhưng rất khó khăn. Nhân viên làm việc tại đây luôn gặp nguy hiểm. Gia đình của họ bị hăm dọa, bị làm phiền và họ có thể bị truy tố theo luật của Cambodia. Có lần, Thủ Tướng Hun Sen của Cambodia lên đài phát thanh nói thẳng phải giết chết nhân viên RFA.
Thành ra, đối với các văn phòng chi nhánh, chúng tôi thường thay đổi nhân viên. Khi nào khó khăn quá thì văn phòng ở Washington, DC, chịu trách nhiệm làm tin tức.
Người Việt: Như vậy tuyển nhân viên làm việc tại các văn phòng chi nhánh có khó khăn lắm không?
TGÐ Libby Liu: Rất là khó, nhất là tìm đúng người có khả năng. Hơn nữa, chúng tôi thường nói với họ, đây không phải chỉ đơn thuần là công việc, mà là nghề nghiệp.
Nhân viên của RFA phải hiểu là phải có sự can đảm, niềm tin, tôn trọng tự do ngôn luận, tin vào mục tiêu của RFA thì mới có thể làm việc được. Có lần, một cộng tác viên của chúng tôi tại văn phòng RFA ở Cambodia tâm sự, rằng vì làm cho Á Châu Tự Do, có thể anh sẽ không còn được gặp lại gia đình mình nữa.
Bây giờ thì trang web của chúng tôi hoạt động rất tốt, rất nhiều người vào xem. Ví dụ như vụ Cồn Dầu ở Ðà Nẵng, có tới 4.3 triệu lượt người vào xem trong một tháng.
TGÐ Libby Liu
Người Việt: Có khi nào RFA bị một người nào đó làm việc cho các quốc gia Châu Á thâm nhập vào không?
TGÐ Libby Liu: Theo suy đoán của chúng tôi là có. RFA từng có trường hợp một nhân viên lâu năm bị phát hiện như vậy. Ví dụ, có chương trình họ cố tình không phát hoặc có chương trình đáng lẽ không nên phát thì họ lại cho phát. Khi phát hiện, chúng tôi biết họ làm chỉ vì tiền.
Chúng ta là con người, không thể tránh được tình trạng này. Nhưng khi phát hiện, chúng tôi có biện pháp thích đáng ngay.
Người Việt: Công việc tuyển mộ nhân viên có khó lắm không?
TGÐ Libby Liu: Như tôi nói hồi nãy, rất khó kiếm đúng người, chưa kể phải qua điều tra lý lịch kỹ lưỡng. Khó khăn nhất trong việc tuyển mộ nhân viên là vì chúng tôi chỉ nhận người nói tiếng mẹ đẻ ngôn ngữ của chương trình phát thanh và phải có hiểu biết sâu đậm về quốc gia đó. Chúng tôi không tuyển “những nhà hoạt động.”
Người Việt: RFA bị chính quyền các quốc gia Châu Á mà đài có chương trình phát thanh chỉ trích là đương nhiên. Nhưng có khi nào RFA bị những người bên ngoài phàn nàn là không hoạt động đủ, theo ý họ, để làm suy yếu chính quyền A hoặc B hoặc C không?
TGÐ Libby Liu: Có chứ! Rất thường là đằng khác, và từ cả hai phía. Nhiệm vụ của chúng tôi là thông tin chính xác, nhanh chóng và đến với nhiều thính giả. Nếu chúng tôi thông tin sai, cả thế giới sẽ biết. Và chính quyền các quốc gia mà chúng tôi có chương trình phát thanh sẽ rất là mừng, vì họ sẽ dẫn chứng để làm mất uy tín chúng tôi.
Người Việt: Một số đài tiếng Việt khác có vẻ giậm chân tại chỗ, có vẻ làm công việc hành chánh. Còn RFA thì sao?
TGÐ Libby Liu: Mục tiêu của RFA là tiếp cận với nhiều người. Chúng tôi có đội ngũ nhân viên năng động, biết làm truyền thông đa dạng (multimedia). Tôi còn nhớ, khi nhận chức tổng giám đốc, trang web của RFA chưa mạnh. Tôi nói với nhân viên rằng: “Ðoàn tàu đang chạy, hoặc chúng ta nhảy lên, hoặc chúng ta nhảy xuống.”
Bây giờ thì trang web của chúng tôi hoạt động rất tốt, rất nhiều người vào xem. Ví dụ như vụ Cồn Dầu ở Ðà Nẵng, có tới 4.3 triệu lượt người vào xem trong một tháng.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng, chúng tôi muốn tiếp cận nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin rằng công việc của chúng tôi sẽ giúp các quốc gia Châu Á còn kiểm soát truyền thông sẽ có tự do hơn nữa trong tương lai.
Người Việt: Cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
(Source: Nhật báo Người Việt, California)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét