Trọng Đạt


Léon Tolstoi nhà văn hào, một vĩ nhân
LTG.
    Người Tây phương thường chỉ biết Tolstoi là một nhà văn hào với nhiều tác phẩm vĩ đại, ít ai để ý đến công cuộc đấu tranh ngài chống lại chính quyền quí tộc áp bức bóc lột Nga hoàng. Từ 1884 Tolstoi đã trở thành nhà lãnh đạo tranh đấu bất bạo động cho quyền sống của giới nông dân bần hàn đói khổ. Nhà văn hào đã được người nghèo, nông dân, giới trẻ .. vô cùng ngưỡng mộ, ông đã được coi là Nga hoàng thứ hai sau Nicholas đệ II.

   Đường lối thụ động của Tolstoi không thành công trước bạo lực của chính quyền phong kiến, người dân cho rằng đường lối ôn hòa chống lại bạo quyền không có kết quả. Lòng trung thành với Tolstoi phai mờ, họ từ bỏ ngài theo đường lối bạo lực cách mạng của Lenine, Trosky từ 1905 trở đi…



 Đường lối ôn hòa của nhà văn hào thất bại cho tới mấy chục năm sau Mahatma Gandhi, một người tự nhận là môn đệ của Tolstoi đã phát động thành công cuộc tranh đấu giành độc lập cho đất nước Ấn Độ  của ông bằng  đường lối bất bạo động.

     Sự nghiệp cách mạng bất thành nhưng Tolstoi vẫn được cả thế giới  vô cùng ngưỡng mộ. Nay nhân lần thứ 184 ngày sinh của nhà văn hào (28/8/1828 -28/8/2012) tôi xin trích đăng một chương trong cuốn Leon Tolstoi, Cuộc Đời Sự Nghiệp Văn Chương, xuất bản 2011  để làm sống lại cuộc đời của một vĩ nhân đáng kính, nhà cách mạng  đã đi tiên  phong trên con đường đấu tranh bất bạo động cho tự do, nhân phẩm và quyền sống của con người.


    Thời thơ ấu và tuổi tráng niên.
     Ông là một bậc vĩ nhân trên thế giới, trở thành người quan tâm vượt thời gian không gian cho nhân loại. Tolstoi (tiếng Anh Tolstoy) sinh trưởng trong một gia đình quí tộc, địa chủ rồi trở thành nhà văn, nhà tư tưởng, tạo ảnh hưởng lớn về văn chương cũng như đạo đức trên thế giới. Lìa trần năm 1910, nhà văn hào đã được coi như Nga hoàng thứ  hai của nước Nga, được mọi từng lớp nhân dân trong nước yêu thương và cả thế giới ngưỡng mộ.

      So với các nước Anh, Pháp bên Âu châu, nước Nga thế kỷ thứ 19 còn là một nước chậm tiến về mọi phương diện xã hội, chính trị, kinh tế…Chế độ  nông nô cổ hủ lạc hậu như thời trung cổ, các đại điền chủ giống như lãnh chúa trên giang sơn của mình, họ có bác sĩ riêng, quản gia, nhạc sĩ, tu sĩ…hàng mấy chục gia nhân đầy tớ riêng trong dinh cơ  y như vua chúa đời xưa.  

     Nước Nga từ 1862-1598 do vua Rurik Đại đế (Rurik The Great), con cháu dân Viking cai trị, từ 1223–1480 bị con cháu Thành Cát Tư Hãn cai  trị hai thế kỷ rưỡi nên họ chịu ảnh hưởng của chế độ độc đoán Á châu. Léon Tolstoi chịu ảnh hưởng hai cá tính của lịch sử Nga: chế độ chính trị độc tài, xã hội nô lệ.

      Nhà văn hào sinh ngày 28-8-1828 tại Yasnaya Polyana cách Mạc Tư Khoa 130 dặm về hướng Tây Nam, gia trang rộng lớn này thuộc gia đình bà mẹ ông đã được dùng làm bối cảnh trong truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình. Bà thân sinh  thuộc dòng Volkonskys, ông ngoại Nikolay Volkonsky (1753-1821) là một điền chủ khó tính  nhưng hào phóng rộng rãi với nông nô. Ông ngoại Nikolay thương yêu con gái Marya, mồ côi mẹ từ lúc lên hai, ông dậy con học vật lý, hình học rất nghiêm khắc, cô gái nhan sắc thường chính là mẹ Tolstoi sau này. Marya không hy vọng có chồng nhưng khi đã ba mươi hai tuổi gặp Nikolay Tolstoi, bà đã đóng vai nhân vật Mary trong Chiến Tranh Và Hòa Bình.

      Giòng Tolstoi nguồn gốc có lẽ từ hiệp sĩ Lithuanian đến Nga từ năm 1353. Ông tổ bốn đời  là Peter sống  dưới triều đại đế Peter, bị bắt giam chết trong ngục năm 1718 vì mưu sát Aleksey, người kế vị ngai vàng. Andrey cháu nội Aleksey, một quan chức đã gây dựng lại sự nghiệp và vị thế cho gia tộc. Nữ hoàng Elizabeth ban cho Andrey tước vị Bá tước, sinh được hai mươi ba người con trong đó có Ilya Tolstoy (1757-1820) tức ông nội của văn hào Tolstoi, ông ta tiêu xài hoang phí, con trai ông Nikolay Tolstoi (1795-1837) nhập ngũ năm 18 tuổi khi Napoléeon đem quân xâm lăng nước Nga. Cha mất năm 1820 Nikolay lấy một đám nhà giầu để để cứu vãn kinh tế gia đình suy sụp, năm 1822 lấy Marya Volkonskaya, cô này không đẹp khi ấy đã 32 tuổi. Marya sùng đạo, có học, tính nhân hậu thương người, cuộc hôn nhân này đem lại cho Nikolay điền trang rộng lớn Yasnaya Polyana với tám trăm nông nô. Tất cả những chi tiết này đã được ông diễn tả lại trong Chiến Tranh Và Hòa bình với những nhân vật Nicholas, Mary.

     Trong sáu năm đầu của cuộc hôn nhân, Marya đẻ bốn con trai Nikolay, Sergey , Dmitry và Leo sau này trở thành nhà văn hào Léon Tolstoi. Bà mất năm 1830 một thời gian ngắn sau khi sinh con gái, khi ấy Tolstoi mới lên hai tuổi. Lúc Tolstoi sinh ra đời, dân số nước Nga độ 60 triệu trong đó 50 triệu là nô lệ, năm ông 33 tuổi, chế độ nông nô bị bãi bỏ, ông được nuôi dưỡng bằng quyền lợi một điền chủ trong một xã hội nông nô.

     Phần lớn cuộc đời Tolstoi sống ở trang trại Yasnaya Polyana, có nghĩa là một khoảng đất khai quang, gần Tula gồm 42 phòng với số gia nhân, vú em, bồi hầu, đầu bếp… độ bốn mươi người. Nikolay (trong Chiến Tranh Và  Hòa Bình là Nicholas) thân sinh Tolstoi lấy Marya vì gia tài, hồi môn nhưng không có tình yêu. Cô Tatyana (Tatiana) mồ côi được bà nội Tolstoi nuôi, xưa yêu Nikolay, mối tình buồn này đã được đưa vào truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình trong đó cô Tatyana trong vai nhân vật Sonya. Sáu năm sau khi Marya mất, Nikolay đề nghị bà kết hôn với ông và trông nom con nhỏ, bà chỉ nhận trông con nhưng từ chối đề nghị kia.

      Cô Tatyana y như bà mẹ thứ hai của Tolstoi. Tatyana là chị em họ xa với cha ông được gia đình ông bà nội nuôi từ nhỏ, bà là người đã khuyến khích ông sáng tác văn chương. Khi lên năm tuổi, Léon Tolstoi xuống tầng dưới sống với anh lớn. Người anh lớn này đã kể cho Tolstoi nhiều chuyện huyền thoại, một hôm anh cho biết có một bí quyết giúp con người sống dồi dào sức khỏe và hòa hợp, bí quyết ấy được ghi chép trên một cây gậy mầu xanh chôn tại một khu rừng gần đấy. Tolstoi tin tưởng huyền thoại này cho tới  khi qua đời khi 82 tuổi, ông đã được an táng ngay tại khu rừng tại nơi được coi là có chôn cây gậy mầu xanh ấy.

      Khi Tolstoi lên tám tuổi, người cha đưa các con lên Mạc Tư Khoa đi học rồi mấy tháng sau ông mất năm 1837, bà nội cũng mất năm ấy. Tolstoi đau khổ nghĩ tới cái chết và có nhiều cảm nghĩ đối với sự kết thúc của đời người, sau này nó trở thành chủ đề quan trọng trong sự nghiệp văn chương của mình, nhiều tác phẩm rất sâu sắc đề cập tới cái chết. Tolstoi lên chín khi bố mất năm 1837 tại Tula, năm sau bà nội qua đời. Cô ruột Alexandra Pelageya trở thành người chính thức bảo trợ các cháu, nuôi các con của Nicolai đưa về Kazan, Tolstoi sống ở đây năm năm. Cô Alexandra mất mùa hè năm 1841, Tolstoi mười ba tuổi lên Kazan sống với bà chị của cô Alexandra.

      Lớn lên Tolstoi học tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức.. chàng là một thanh niên không đẹp giai với cái mũi to, môi dầy, mắt nhỏ, tóc bờm xờm, người to lớn.  Mùa đông gia đình ở Mạc Tư Khoa, mùa hè về trang trại. Những người thân mất đi khiến Tolstoi suy tư và diễn tả về cái chết trong nhiều tác phẩm sau này. Mười sáu tuổi ông vào đại học, ăn chơi như công tử, cưỡi ngựa đẹp đi rảo phố, hút thuốc ăn mặc bảnh bao, đi coi hát, nhẩy đầm, nghe nhạc…  kỳ thi lên lớp bị rớt, ông bỏ môn ngọai giao sang học luật. Học hành không xuất sắc nhưng Tolstoi từ hồi mười hai, mười ba tuổi đã có những ý tưởng độc đáo, ông suy nghĩ rất sâu sắc về vĩnh cửu, tái sinh, đầu thai.. chàng Tolstoi tự khép mình vào kỷ luật.

     Ông đọc nhiều tiểu thuyết của A. Dumas, Dickens, Gogol, Voltaire, Rousseau, Hegel.. lúc này Tolstoi mười sáu tuổi không tin những giáo điều người ta dậy, tin Thượng Đế nhưng không tin lễ nghi Giáo hội. Theo ông mục đích của cuộc đời là tự sửa, tự tu, tư tưởng và hành động phải đi đôi, Tolstoi cho rằng “ Viết mười cuốn sách triết dễ hơn thực hiện một lời dậy” .  

     Dự định trở thành nhà ngoại giao, ông học để thi vào khoa ngôn ngữ đông phương tại Đại học Kazan nhưng thiếu điểm mùa xuân 1844, đến mùa thu thì trúng tuyển. Hè năm sau ông quyết định học luật, ông luyện tập đọc nhiều sách Nga, Pháp, tiểu thuyết, kinh Tân ước, tác phẩm của Hegel, Voltaire, Jean Jacques Rousseau… Học luật năm thứ hai nhưng việc học không tấn tới, gần 19 tuổi Tolstoi đủ tuổi để cai quản Yasnaya Polyana, theo hồi ký viết năm 1847 ông mắc bệnh phong tình vì an chơi trác táng, Tolstoi xin thôi học vì sức khỏe và vì việc gia đình.

     Năm 1847 ông rời Kazan, không tốt nghiệp đại học, gia tài cha mẹ để lại được chia cho các con. Tolstoi được thừa hưởng gia trang rộng lớn Yanaya Polyana và thêm vài điền sản nhỏ gồm 5,000 mẫu đất và 350 nông nô.. lúc này ông  đã được  19 tuổi.              

     Năm 1847-48 ông  có ý định cải thiện cuộc đời nông dân nhưng họ phản đối, chống lại và nghi ngờ, họ vẫn thù địa chủ, về  điểm này tác giả  đã nói tới trong truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình và Phục Sinh (Resurrection). Năm 20 tuổi Tolstoi đi Mạc Tư Khoa, Petersburg, ăn chơi cờ bạc bị thua sạch túi, gần như khánh tận. Ông đặt ra ba tiêu chẩn: cờ bạc, lấy vợ giầu, kiếm một việc làm tốt.

    Trở về trang trại Tolstoi mở trường dậy trẻ cho các nông dân của mình , ông học nhạc mặc dù luyện tập dữ nhưng vẫn ăn chơi sa đọa trác táng , lúc này Tolstoi viết hồi ký nhiều, năm 1851 ông có ý định viết về thời niên thiếu, tháng năm ông đi Caucase tìm thay đổi, phiêu lưu.  

     Hôn nhân và danh tiếng

     Ngày 30-5-1851 Tolstoi theo người anh Nikolay đi Caucase, ông  này là sĩ quan hoàng gia hiện đóng tại Caucase. Thời gian hai năm ở đây, ông săn bắn hươu, sói, trĩ…tại một làng Cossack (tiếng Pháp gọi Cosaque). Sau ngày sinh nhật thứ 23, Tolstoi viết thư cho cô Tatyana “cô khuyên cháu viết truyện, cháu cố gắng đi vào văn chương”. Tolstoi bị bệnh, trong lúc dưỡng bệnh bắt đầu viết Tuổi thơ (Childhood), Tháng bẩy năm 1852 báo Thời Hiện Đại (Contemporary) một tờ văn học hàng đầu nhận đăng, chủ báo Nekrasov sửa chữa rồi lấy tên Truyện Thời Thơ Ấu (A History of My Childhood). Tác phẩm đầu tay được nhiều người khen trong đó có các cây viết nổi tiếng như Ivan Turgenev, Dostoevsky. Măm 1852 Tolstoi đậu trắc nghiệm quân sự, trở thành sĩ quan pháo binh. Trong chiến tranh ở Crimée năm 1853-1856, ông được chuyển sang Sevastopol, chiến đấu anh dũng trong đồn Baston thứ  tư, mùa xuân năm 1855 cuộc bao vây rất nghiêm ngặt.    

      Kế đó năm 1853 ông tiếp tục gửi truyện Cuộc Tấn Công (The Raid) sau đó sáng tác thêm nhiều đoản thiên. Tháng 3-1854 Tolstoi được cử tới Bucharest, tháng 10 thành phố bị pháo kích cho tới tháng 9 năm sau phải rút đi. Tolstoi đã ghi lại trận chiến trong cuốn Sevastopol xuất bản năm 1855, trong trận này liên minh Áo, Thổ  Nhĩ  Kỳ chống lại Nga, tháng 9 năm sau Nga rút, hai tháng sau Tolstoi giải ngũ. Mặc dù bị kiểm duyệt nhưng nó cho ta thấy truyện chiến tranh hiện thực, diễn tả sự hèn nhát, ham danh, những bi kịch vô nghĩa của cuộc chiến. Tolstoi ca ngợi tính giản dị, gan dạ của người lính Nga. Vua Alexandre Đệ Nhị rất xúc động và và cho bảo vệ cuộc đời người văn sĩ trẻ. Cuối năm 1855 Tolstoi giải ngũ trở về Petersburg.  

     Lên kinh thành Tolstoi ở với Ivan Turgenev, ông này rất quí bạn, tại đây ông  trở thành người hùng văn chương và được văn giới đón nhận nồng nhiệt. Tới đầu năm 1856 ông viết xong truyện Two Hussars (Hai Người Khinh Kỵ Binh). Tháng chín ông ra tập Army Tales (Truyện  Kể Về Quân Ngũ) sau cho in thành sách, kế đó viết Youth (Tuổi Trẻ) để hoàn thành Childhood, Boyhood (Tuổi thơ và Thời Niên Thiếu ). Năm 1856 Tolstoi  xúc động được tin anh Dmitry chết vì lao phổi ngày 21-1, mới đây khi viếng anh, thấy ông gầy gò buồn rầu Tolstoi đau buồn. Tháng năm Tolstoi trở lại Yasnaya Polyana, quyết định lấy vợ, bắt đầu tán tỉnh Valerya nhưng nàng không có cảm tình với ông khi lên giọng dậy đời.

      Năm 1857 Tolstoi đi du lịch các nước Âu châu Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Hòa Lan… Tại Paris khi chứng kiến cảnh hành hình tội phạm bằng máy chém, ông ghê sợ rồi bỏ đi. Đến mùa hè Tolstoi về lại trang trại tiếp tục viết và đi thăm bạn bè, bà con, lúc này đã ba mươi tuổi ông cảm thấy buồn và muốn  có một gia đình. Tolstoi sáng tác hai truyện Cái Chết Ivan Ilyich, Hạnh Phúc Gia Đình nhưng không được độc giả tán thưởng mấy mặc dù sau này được Tây phương ca ngợi nhất là Cái Chết Ivan Ilyich được coi như một kiệt tác trên văn đàn thế giới. Dân trí nước Nga thế kỷ 19 còn quá thấp kém, tính ra chỉ có một phần trăm trong dân số sáu mươi triệu là trí thức.

     Năm 1860 Tolstoi lại đi du lịch Âu châu , ông gặp người anh ruột Nikolai bị ho lao, Tolstoi đưa anh về miền Nam nước Pháp theo lời khuyên của bác sĩ, tháng 11 ông anh chết, người mà Tolstoi yêu thương nhất không còn nữa, Nikolai có tài làm văn chương. Năm 1861 Tolstoi trở về Nga sau khi đi quan sát nền giáo dục tại Âu châu, ông chỉ trích nên giáo dục qui ước , sự thực giáo dục phải đào tạo con người độc lập, tự giác, tự tin ….Theo Tolstoi hệ thống giáo dục hăm dọa , trừng phạt học sinh là một sự sai lầm lớn  khiến học sinh trở nên thụ động, bất mãn chống đối, cơ bản của giáo dục phải là  để phát huy con người.

      Từ năm 1858 tới 1860 Tolstoi có vẻ như từ bỏ văn chương nhưng đây chỉ là một giai đoạn tạm nghỉ trong chuỗi ngày sáng tác vô tận của ông, mùa thu năm 1862 Tolstoi viết tiểu thuyết ngắn short novel (người Pháp gọi là nouvelles) những truyện vừa vừa, dài hơn truyện ngắn nhưng ngắn hơn tiểu thuỵết. Cuốn The Cossacks (Pháp Les Cosaques) để trả nợ nần vì thua bạc, sau đó Tolstoi viết Polikusha. Năm 1862 khi ấy ông đã ba mươi bốn tuổi, Sonya người bạn đời của ông sau này mới mười tám tuổi. Bà mẹ Sonya chỉ hơn Tolstoi hai tuổi, bà biết Tolstoi từ nhỏ, cả hai mẹ con cảm phục tài văn chương của nhà nghệ sĩ. Sonya sống với cha mẹ và hai chị ở một trang trại gần đấy.  Ông mê mệt Sonya, đau khổ mấy tuần lễ mới hỏi lấy được cô gái, mới đầu Tolstoi sợ mình già không đẹp trai, cuộc sống ở Yasnaya Polyana buồn tẻ không như ở kinh thành Mạc Tư Khoa.

    Thế rồi Berg Sonya và gia đình nhận lời cầu hôn, mộng ước gia đình hạnh phúc của Tolstoi nay đã thành sự thật, Sonya tin tưởng Tolstoi, nhà quí tộc giầu có sẽ thành một nhà văn lớn. Họ tổ chức đám cưới ngày 23/9/1862 tại Mạc Tư Khoa sau đó dọn về ở trang trại Yasnaya Polyana, họ thề thốt sống chân thực với nhau. Tolstoi bèn đưa hồi ký viết về quá khứ của chàng cho vợ xem. Sonya đọc xong được biết hồi xưa ông đã lấy cô Aksinya, người yêu hiện còn ở trong trang trại khiến bà ghen tức dữ dội và có nhiều ý nghĩ không tốt về Tolstoi. Cuộc hôn nhân mới đầu hạnh phúc vui vẻ nhưng  cũng có nhiều cãi cọ.

     Chiều chiều họ chơi nhạc, Sonya chép bản thảo cho chồng phụ giúp ông trong sáng tác. Ngày 28/6/1863 Sonya sinh đứa đầu lòng Sergey (Sergius) con trai. Tolstoi mua một đàn cừu, đặt lò cất rượu, trồng cây ăn quả, nuôi ong. Năm ấy 1863 Tolstoi viết và xuất bản The Cossacks (Pháp: Les Cosaques), bắt đầu viết Chiến Tranh Và Hòa Bình. Ngày 4 /10/1864 sinh đứa thứ hai Tanya (Tatiana), con gái. Ngày 22/5/1866, sinh đứa thứ ba Ilya, con trai. Thập niên 1860 và 1870 Tolstoi viết hai cuốn tiểu thuyết tuyệt diệu Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina, Sonya phụ giúp chồng chép lại bản thảo, hai tác phẩm vĩ đại này đã đưa ông lên tột đỉnh danh vọng trở thành không những một nhà văn hào lớn của nước Nga mà còn của cả thế giới nữa. Để viết Chiến Tranh Và Hòa Bình Tolstoi dựa vào gia phả, hồi ký của những người khác, của các nhân chứng, những sử liệu của chính phủ, tài liệu các lọai. Gia đình vợ ông ở Mạc Tư Khoa đã cung cấp cho ông nhiều dữ kiện tài liệu. Trong truyện, nhân vật Nicholas chính là cha của tác giả, người sĩ quan đã chiến đấu chống quân xâm lược. Tolstoi phỏng vấn các sử gia nổi tiếng ở Mạc Tư Khoa, từ năm 1961 ông đã có ý định viết tác phẩm này.

     Sonya chép đi chép lại bản thảo có khi lên tới sáu bẩy lần, cô em vợ Tanya mới mười sáu tuổi tinh ranh nhí nhảnh gợi hứng cho tác giả viết thành nhân vật Natasha. Sau khi cho đăng báo phần thứ nhất của Chiến Tranh Và Hòa Bình năm 1865 và sau khi nghiên cứu lịch sử ông chú trọng vào Napoléon và Nga Hoàng Alexandra Đệ nhất. Hai năm sau tác giả  thường thảo luận triết lý lịch sử với bạn bè ở Mạc Tư Khoa, Sonya chép bản thảo rất nhiều và sửa chữa, Tolstoi say mê viết đến choáng váng, cuối 1867 ông đã cho in ba cuốn đầu thành sách, ba cuốn sau cùng in từ 1968-69. Ngày 20/5/1869 Sonya sinh thêm đứa thứ tư Leo, con trai. Tác phẩm vĩ đại thành công, những ý kiến phê bình thuận lợi. Mới đầu Ivan Turgenev cho là  truyện rất chán nhưng khi đọc thêm những phần sau ông ca ngợi nó là “cuộc đời, sự thật, tươi mát”. Những phê bình chỉ trích tác phẩm phần lớn nhắm vào thuyết định mệnh lịch sử hay thuyết vĩ nhân và lịch sử của ông cho rằng biến cố lịch sử đã được tiền định hơn là do vĩ nhân, lãnh đạo dựng lên

     Năm 1866 Tolstoi bênh vực cho một người lính bị khiêu khích rồi đánh chết một sĩ quan, mặc dù ông lý luận dựa vào bệnh thần kinh nhưng cuối cùng người lính cũng bị hành quyết. Tolstoi dù bị khủng hoảng tinh thần nhưng vẫn tiếp tục đọc nhiều về các đề tài sư phạm.

     Morris Philipson trong cuốn “Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân” (The Count who Wished He Were A Peasant)  đã nhận định hai cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina hiện thực đến độ người ta tưởng như đó không phải là những tác phẩm nghệ thuật mà chính là cuộc đời. Theo ông đặc tính trước nhất của nghệ thuật hiện thực  là thể hiện  những cái tiềm ẩn mà người ta không nói lên được. Cái đẹp là một công trình nghệ thuật bắt nguồn từ việc nó phải thể hiện đúng tạo hóa, vạn vật và mọi người đều có thể nhận thấy khi nó hiện ra nhưng chỉ có nhà nghệ sĩ thiên tài mới thể hiện ra được. Nhà nghệ sĩ thiên tài Tolstoi với hai tác phẩm vĩ đại này đã diễn tả trung thực xã hội, vạn vật khiến nó vượt thời gian, không gian để trở thành công trình văn hóa của nhân lọai.    

     Chiến Tranh Và Hòa Bình hoàn tất năm1869, được ca ngợi nồng nhiệt, người ta gọi đây là một anh hùng ca thời đại mới so với Iliad của Homer, anh hùng ca thời cổ. Theo Tolstoi vĩ nhân như Napoléon, Nga Hoàng không phải là những người tạo dựng lịch sử, những biến cố lịch sử không thuộc về nhà lãnh đạo. Ngày 12/2/1871 sinh đứa thứ năm Marya, con gái. 1869 Tolstoi đọc Kant, Schopenhauer, Shakespear, Goeth, Molìere… năm 1870 ông chăm chỉ học tiếng Hy lạp, trong ba tháng ông đọc được Plato, Homer nguyên văn, mùa thu ông soạn sách đánh vần cho  con cái các nông dân của trang trại và nhất là một khóa học gồm cả về khoa học, toán, truyện…                                  

     Khủng hoảng tinh thần của Tolstoi bắt đầu cuối thập niên 1870 đã từ từ phát triển trong cuộc đời ông thể hiện trong sự không thỏa mãn với tác  phẩm Anna Karenina. Ngày 13/6/1872 sinh con thứ sáu Peter, con trai  được 14 tháng thì chết vì bệnh suyễn. Giữa năm1873 Tolstoi đưa gia đình xuống trang trại Samara ở phía Nam Nga sinh sống. Từ tháng 3/1873 ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai Anna Karenina, đây cũng là một tác phẩm thành công vượt bực của Tolstoi, cùng với Chiến Tranh Và Hòa Bình nó cũng đã đưa tác giả lên hàng nhà văn hào lớn trên thế giới từ đó cho tới nay. Trong hồi ký của Sonya có nói: một bà tên Anna ở gần khu vực trang trại bị tình nhân ruồng bỏ đã đâm đầu vào xe lửa tự tử. Tolstoi đã có mặt lúc  khám nghiệm tử thi, rất xúc động và cho biết ông sẽ viết một cuốn tiểu thuyết nói lên sự sa đọa của các bà quí phái tại kinh đô Petersburg. Tác phẩm chỉ kể truyện đời người đàn bà này mà không kết án nàng, nó cho thấy Anna là  nạn nhân của xã hội giả dối.

     Anna Karenina thể hiện luận đề cải cách xã hội, kết án những qui ước  xã hội đã lỗi thời như hôn nhân không tình yêu. Từ 1873 đến 1877 Tolstoi viết xong Anna Karenina, tác phẩm được phổ biến sâu rộng ngay, Dostoevsky có nói trong văn chương Âu châu  ít có cuốn nào  sánh kịp.

     Đức tin tôn giáo

     Cô Tatyana mất tháng 6 năm 1874. Năm 1874, Sonya sinh đứa thứ bẩy, Nicholas con trai được 10 tháng chết vì đau màng óc sau mấy tuần đau đớn vật vã. Ngày 1/11/1875 sinh đứa thứ tám Varsara, con gái chết ngay vì đẻ non.

     Ngày 6/12/1877 sinh đứa thứ chín Andrew, con trai, ngày 20/12/1879 sinh đứa thứ mười, Michael. Ngày 31/10/1881 sinh con thứ mười một Alexey, con trai được bốn tuần chết vì sưng yết hầu. Mấy đứa con thứ bẩy, tám, thứ mười một chết từ nhỏ. Hai bà cô Tatyana, Pelageya đều đã chết. Tolstoi ở tuổi năm mươi cảm thấy chán đời, ông đã lấy được người mình yêu, có sáu đứa con, đã thành công huy hoàng trên sự nghiệp văn chương, được độc giả tại Nga, châu Âu đón nhận nồng nhiệt, thu được lợi nhuận, sức khỏe tốt, gia đình hạnh phúc, nổi tiếng, giầu sang…nhưng tác giả  vẫn cảm thấy chán nản vì ông tự hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì và không tìm ra câu trả lời.

     Bệnh tật, tuổi già, cái chết có thể tiêu diệt con người nhanh chóng, danh tiếng chỉ là tưởng tượng, tiền tài danh vọng có thể tiêu tan trong giây lát. Tolstoi lý luận như thế và muốn tự tử, cái chết sẩy ra trong gia đình ông không tránh khỏi nếu vậy tại sao không tự tử, tự nhiên có sự thúc dục kết liễu cuộc đời nên ông cố tránh những cái có thể khiến mình tự vẫn như dây thừng, súng đạn…. tác giả đổi nhân sinh quan, quay về với tôn giáo, tin tưởng Thượng Đế (The love of God)  cho ông đức tin và tình yêu cuộc sống, nhân vật Pierre trong Chiến Tranh Và Hòa Bình, Levin trong Anna Karenina thể hiện con người Tolstoi trên con đường đi tìm hạnh phúc. Năm 1870 ông viết Lời Thú Tội (Confession) ghi chép những cách giúp ta thoát khỏi bế  tắc. Đọc sách khoa học không giải quyết được gì, còn triết học cho ông thấy cuộc đời là phù du ảo tưởng, những người cùng giai cấp với ông hình như không cho thấy câu trả lời thỏa đáng. Từ đó Tolstoi nghiên cứu các tôn giáo như  đạo Phật, đạo Hồi nhưng cũng không giải đáp được câu hỏi của mình.

     Quay về với người nông dân, nhà văn hào thấy họ tin tưởng Thượng Đế có thể thấy được câu trả lời mình mong muốn. Khi trò truyện với nông dân, những người hành hương, ông viếng tu viện, thấy rằng đức tin cho cuộc sống của họ có ý nghĩa. Ông đi lễ nhà thờ Chính thống giáo Nga nhưng lễ nghi của giáo đường không làm ông vừa ý. Tolstoi cho rằng lễ rượu làm máu Chúa chỉ là trò đạo đức giả, ông bác bỏ quan điểm của Giáo hội coi những đức tin các đạo khác là tà đạo, từ đó tác giả kỳ vọng nhiều vào những người nông dân cần cù và cuộc sống tự nhiên của họ.

     Lời Thú Tội (Confession) của Tolstoi bị cấm in ở Nga, những sách báo phản kháng của ông được in lậu trong nước và in ở ngọai quốc. Khi cơn khủng hoảng lắng dịu, Tolstoi tìm hiểu cặn kẽ Giáo hội Chính thống và  Kinh thánh, ông cho rằng truyền thống Giáo hội và Kinh sách đã làm sai lạc lời dậy của Chúa. Theo Tolstoi làm sao có thể bỏ qua tha thứ những hành động, việc làm tàn ác như xử tử, tham gia chiến tranh bắn giết trong khi Chúa dậy tình thương tha thứ? Sau nhiều năm học hỏi, nhà văn hào tìm được một giải pháp nhấn mạnh vào tư tưởng bất bạo động để đối với sự tàn ác  lấy từ chương Mathew, ông kết luận chỉ có phép này mới chấm dứt hành động bạo lực và đề xướng tình thương, sau khi nghiên cứu lại Kinh Thánh ông đã lấy ra năm lời dậy căn bản của Chúa:

      1 - Không nóng giận.
      2 - Không tà dâm.
      3 - Không thề thốt.
      4 - Không chống cái ác.
      5 - Yêu thương cả kẻ thù.

      Nhà văn hào bỏ những yếu tố thần bí trong giáo lý đạo Thiên Chúa , ông đã gần tiến tới câu trả lời cho  cho niềm ưu tư“Ta phải sống thế nào?”, Tolstoi nghiên cứu tôn giáo và  hoàn thành hai tác phẩm năm 1880, 1881 nhưng bị cấm. Ông làm cho gia đình và bằng hữu rất bối rối khi tuyên bố  đã tìm ra những chân lý có thể cứu nhân loại. 

     Tolstoi nghĩ niềm tin vào Thượng Đế của người nông dân cho họ cuộc sống có ý nghĩa, cái chết không phải là hủy diệt, đó là mục đích của các tôn giáo, họ không lấy lý lẽ giải nghĩa được. Lời Thú Tội cho thấy hai điểm: Tác giả có đức tin tôn  giáo, chống lại Giáo hội, cho rằng thần học của Giáo hội vô nghĩa lý, Giáo hội là cánh tay của chính quyền, yểm trợ nhà nước dùng bạo lực chém giết. Ông chỉ trích những kinh điển của Giáo Hội đã làm sai lạc những lời dậy của Chúa.

    Tolstoi nói Giáo hội, các cơ sở Thiên Chúa Giáo đều làm hỏng, sai lạc giáo điều của Chúa, họ biến thành cứu rỗi cá nhân, một sự hứa hẹn sau khi  chết tách biệt con người ra khỏi ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày. Họ làm mất, dấu diếm ý nghĩa xã hội của học thuyết Thiên Chúa Giáo, Giáo hội chỉ là để phục vụ bản chất vô đạo đức của chính quyền, nhà văn hào chống lại chính quyền cho rằng họ áp bức bóc lột dân nghèo cho một thiểu số người cai trị vô tích sự bằng sưu cao thuế nặng, nhà tù, gây chiến…Theo ông  Chúa dậy con người cứu rỗi, Vương quốc của Thượng Đế chỉ thực hiện được trong đời người bây giờ ngay tại đây.

     Để tự giải thoát mình ra khỏi mọi quyền lực của trần thế Tolstoi khuyên người ta từ chối phục vụ chính quyền bằng nhiều cách: từ chối tuyên thệ, đóng thuế hay nhập ngũ, ông cũng kêu gọi mọi người đặt chiến tranh ngoài vòng pháp luật, xóa bỏ quyền tư hữu, gìn giữ hòa bình thế giới, nâng cao đời sống người dân. Tolstoi chủ trương dẹp bỏ hai sơ sở đạo đức giả trở ngại cho đời sống cá nhân là Chính quyền và Giáo hội để   tập trung vào sự thật quan trọng: Cái gì làm cho ta đáng sống.
     Bi kịch gia đình

    Nhà văn hào lơ đãng việc quản lý tài sản, ông thấu hiểu đời sống đói khổ của giới bần cùng nên không sống xa hoa thừa thãi. Một mặt tác giả phải lo cho gia đình, cho con cái đi học trên tỉnh, một mặt giúp đỡ xã hội đau khổ nhưng vấn đề đặt ra là làm sao giúp hết được những người nghèo? Ông tìm cách giúp cả người giầu lẫn người nghèo, năm 1886 viết xong cuốn Rồi Ta Phải Làm Gì? (What Then Must We Do?).

     Tháng 3/1881 bọn khủng bố ám sát Nga Hoàng Alexander II bị xử tử. Tolstoi với đức tin mới khiến ông chống án tử hình, ông viết thư cho Nga Hoàng Alexander III trích dẫn chương Mathew nói yêu kẻ thù để gợi tinh thần tha thứ Thiên Chúa Giáo, xin khoan hồng cho bọn thích khách. Nhà văn hào nhấn mạnh niềm hạnh phúc tha thứ biểu hiện thiện tâm của hoàng tộc sẽ mang lại cho nhân dân nhưng bị Nga Hoàng bác bỏ, không thể tha  thứ bọn đã ám sát phụ vương. Tháng 9 Tolstoi dọn lên Mạc Tư Khoa lo việc học cho các con, Sonya vui mừng được trở lại một xã hội văn hóa, sức khỏe của bà sa sút. Tolstoi khi thăm viếng một khu nhà nghèo dơ bẩn về cho đăng lời kêu gọi giúp đỡ người nghèo trên báo năm 1882 và viết một bài luận văn “Chúng Ta Phải Làm Gì?”. Vợ chồng hay cãi cọ, bà nghĩ ông không chịu lo chuyện gia đình mà chỉ lo chuyện thiên hạ sự. Năm sau Tolstoi viết “Tôi Tin Tưởng Cái Gì?”, cuốn sách này chống lại sự tìm kiếm tư lợi và phác họa sự phấn đấu về tôn giáo của ông và sự thỉnh cầu theo lời Chúa. Lúc này Tolstoi bị cảnh sát, an ninh của Nga Hoàng theo dõi kỹ.

     Gia đình mất hạnh phúc, vợ chồng hay cãi cọ luôn, Sonya la ông đã không lo cho các con, Tolstoi mua một căn nhà ở Mạc Tư Khoa rồi sửa sang cho vợ lên ở. Mùa xuân 1883 nhà văn hào dọn về điền sản của ông tại Samara, ông chuẩn bị viết “Ta Phải Tin Tưởng Gì?” nhưng Sonya cho rằng sách sẽ bị kiểm duyệt vì đụng chạm tới Giáo Hội, cuốn này sẽ không bán được nhiều tiền như  những tác phẩm văn chương. Mùa thu năm 1883 tác giả gặp V.G Chertkov, một môn đệ 29 tuổi, kiêu hãnh có tư tưởng giống như ông, anh này quí tộc, có trình độ, vô tư. Chertkov từ chức sĩ quan Ngự lâm quân để lo cho nông dân tại điền sản lớn của anh, chàng ta độc thân, tận tụy, khiêm nhường trở lên người đệ tử trung thành của Tolstoi.

     Chertkov thành yếu tố cổ súy tư tưởng Tolstoi và đoạn tuyệt với gia  đình. Sonya lại ác cảm với Chertkov, anh ta làm việc để giúp nông dân, Tolstoi khuyến khích hắn lập nhà xuất bản Trung Gian (The Intermediary) để đem văn học tới quần chúng với giá vừa túi tiền của họ, bốn năm đầu đã bán được mười hai triệu cuốn sách bỏ túi. Chertkov cũng họat động để truyền bá tác phẩm của Tolstoi ra ngoại quốc, một số được ông dịch ra tiếng Anh.    

    Ngày 18/6/1884 sinh đứa thứ mười hai, Alexandra Sasha, con gái. Mùa hè 1884, các đệ tử của Tolstoi, người người từ khắp nơi kéo về Yasnaya Polyana, ông say mê lao động, ăn chay trường, từ bỏ rượu, săn bắn, hút thuốc…Năm 1884 các sách đạo của nhà văn hào bắt đầu có nhiều người  theo học giống như những đệ tử tìm thầy học đạo. Ngày càng có nhiều người theo Tolstoi, họ gửi thư hoặc đến nhà, khi ấy ông biết tư tưởng của mình đã khởi động phong trào. Đối với các đệ tử này vấn đề làm sao để sống theo lời răn của Chúa Jesus ấy là theo học Tolstoi, trở thành môn đệ của ông. Khi Tolstoi và Chertkov kết hợp nhau về mặt tinh thần, Sonya cay đắng buồn rầu vô hạn. Rạn nứt giữa nhà văn hào và gia đình ngày càng rộng khi ông muốn họ theo quan điểm của mình. Sonya không muốn sinh con nữa, bà gần như điên loạn trước khi sinh đẻ đứa thứ mười hai Alexandra và phản đối những đoạn trong trước tác của ông mà bà cho là xúc phạm tới gia đình. Sonya đem xuất bản một số tác phẩm của Tolstoi và tranh cãi với Chertkov về bản quyền, ông này muốn đưa các tác phẩm ấy vào nhà xuất bản Trung Gian của mình, bà cố gắng một cách tuyệt vọng kiếm tiền cho quĩ chi tiêu gia đình bà cho là cần thiết                  

     Số người đệ tử tăng dần hàng năm gây tai hại của cuộc sống của Sonya, bà ghét cay đắng bọn này và gọi đó là bọn hắc ám y như đàn kên kên bay lượn trên đời sống của bà. Nội bộ gia đình trở nên căng thẳng khi Tolstoi thành lãnh đạo tôn giáo, Sonya phát điên lên. Nhà văn hào không bỏ gia  đình và lấy tư tưởng tôn giáo của mình để thuyết phục gia đình. Ông làm lao động để thực hành lời giảng của mình về sản xuất, học đóng giầy, quét nhà, vá quần áo, đổ  rác, làm việc đồng áng, cầy ruộng, chặt cây, khiêng gỗ, làm nghề mộc… Thời gian ở Polyana ba người con trai lớn làm ngoài đồng với bố mùa hè, cả Sonya và mấy người con gái đôi khi cũng làm phụ ngoài đồng. Nhiều  chuyện đã khiến Sonya cáu giận như ông từ bỏ tước vị quí tộc không cho ai gọi mình là Bá tước, từ chối tuyên thệ, thề thốt, kiêng không  ăn thịt khiến bà rất chán nản.  Sonya thất vọng muốn tự tử, bà rất sợ Chertkov, nếu Tolstoi bị hắn nắm đầu có thể bỏ gia đình, hắn là người cộng tác thân nhất của Tolstoi ngoài xã hội.

     Năm 1885 Sonya được Tolstoi cho xuất bản những sách của ông trước năm 1881, bà thu được nhiều tiền. Sonya tranh dành, cãi cọ nhau với Chertkov về vấn đề bản quyền. Hai cô gái lớn bỗng nhiên theo chủ thuyết của cha, sự việc khiến cho gia đình yên ấm được một thời gian ngắn. Bi kịch gia đình là kết quả của việc Tolstoi quyết định sống trong thế giới lý tưởng của mình. Trong những năm sau, các tín đồ nhiều lần tìm cách lôi cuốn ông theo họ, từ bỏ gia đình để gia nhập cộng đồng lý tưởng. Những cộng đồng Tolstoi như vậy trong mấy thập niên sau không những hiện diện bên Nga mà cả bên Anh, Hòa Lan và một vài nơi bên Mỹ, nhà văn hào không gia nhập nhưng chỉ làm cố vấn . Tháng 1/1886 con trai ông Alyosha chết lúc bốn tuổi, lần này Tolstoi không đau khổ như những lần trước đây vì  nay  ông đã có tinh thần hợp nhất con người với thiên nhiên, đồng nhất với mục đích đạo đức của cuộc đời khiến cho ông nay ở tuổi năm mươi tám có thể cam chịu sự mất mát không buồn thảm như những người không có đức tin.

      Nga hoàng thứ hai

     Tolstoi viết truyện ngắn Cái Chết Ivan Ilyich năm 1886 và vở kịch Sức Mạnh Của Bóng Tối 1887. Mùa hè chân bị làm độc gây bệnh nặng khiến ông nằm nhà hai tháng,  viết Cái Chết Của Ivan Ilyich, nói về cuộc đời một người công chức sống theo mẫu mực trần thế trống rỗng, nông cạn, không biết mục đích của đời người, mặc dù thành công bề ngoài của xã hội nhưng chỉ là sự giả tạo. Sonya rất thích vở Sức Mạnh Của Bóng Tối (The Power of Darkness)  đã được trình diễn tại Paris

     Năm 1886 ông viết Rồi Chúng Ta Phải Làm Gì? (What Then Must We Do?), nó không những chỉ phô bầy cảnh nghèo đói  của nước Nga mà còn lên án chế độ kinh tế ưu đãi giai cấp giầu bóc lột người nghèo. Năm 1886 ông tiên đoán sẽ có một cuộc cách mạng đẫm máu, tàn khốc của giới công nhân lao động. Lúc này Lénine mới mười sáu tuổi, Trosky và Staline mới lên bẩy. Những tác phẩm viết liên quan đến tôn giáo bị cấm xuất bản nhưng đã được in lén và truyền tay nhau. Khi Tolstoi nổi tiếng về hoạt động xã hội, chính trị khiến chính quyền và Giáo hội sợ, cảnh sát theo dõi ông, vì là người nổi tiếng quốc tế nên họ cũng không dám làm gì ông cho tới khi chết họ cũng không dám đụng tới nhưng tín đồ của ông bị làm nhục, hành hạ bắt bớ, giam cầm, hành hình.

     Sonya vui mừng khi chồng trở lại sáng tác văn chương, cuối 1887 ông ghi trong nhật ký về hai mươi lăm năm cuộc sống vợ chồng của mình như sau:             

       “khả quan hơn”

      Ngày  31/3/1888 Sonya sinh đứa thứ mười ba Ivan Vanichka, con trai. Tolstoi bị nhiều bạn bè xa lánh, có người cho ông là điên khùng và còn báo cho chính quyền, Giáo hội, cảnh sát theo dõi khi những người hành hương  từ khắp nơi trên thế giới kéo nhau về Yasnaya Polyana.

     Năm 1888 Tolstoi 60 tuổi, làm việc lao động  mệt nhọc, tập trung vào suy tư và viết thư từ dài dòng văn tự với bạn bè, thân hữu và những người lạ, ông bỏ rượu, thịt, thuốc hút và sống đơn giản tự mãn.

     Năm 1889 ông viết Cầm Tấu Khúc Kreutzer (The Kreutzer Sonata) một truyện ngắn về tình dục, hậu quả của cuộc đam mê xác thịt, tình yêu nồng cháy trong truyện đưa tới ghen tức và án mạng. Tác giả đặt vấn đề sự trong sạch trong đời sống vợ chồng. Tolstoi đã sáu mươi tuổi vẫn còn ham muốn nhục dục, chỉ sợ có con nhưng Sonya không sinh đẻ nữa. Cuốn sách bị  kiểm duyệt cấm không được in cho tới khi Sonya được yết kiến Nga Hoàng Alexander III mới được phép in truyện này năm 1891. Sách bị dư luận chỉ trích, họ cho rằng viết về dâm dục là một điều không tốt, tác giả muốn đặt vấn đề đạo đức của tình dục. Các nhà phê bình, độc giả lại cho rằng Tolstoi ở đây như một nhà đạo đức giảng giải luân lý hơn là viết tả chân hiện thực. Nhà văn hào và con gái dậy học giúp con các nông dân

     Để  sống theo tư tưởng của mình ông chính thức từ bỏ bản quyền năm 1891 mặc dù nó vẫn kiếm lợi tức cho gia đình, ông cũng chia tài sản (trị giá  hơn nửa triệu đồng) làm mười phần cho Sonya và chín người con còn sống. Khi nạn đói tràn qua miền Tây nước Nga năm 1891-1892 tác giả lập các trung tâm cứu trợ một cách miễn cưỡng, ông cho rằng tổ chức từ thiện càng làm củng cố tệ trạng cách biệt giầu nghèo của xã hội. Trong khi ấy Nga hoàng, triều đình và báo chí của chính phủ không nhắc gì tới nạn đói, làm như không có chuyện này. Nhà văn hào quyên góp các nhà giầu Nga cũng như ngọai quốc thu góp tiền bạc, thực phẩm, quần áo, thuốc men rồi đến vùng có nạn đói để giúp nạn nhân.

     Tolstoi đi nhiều chuyến quan sát viết bài kêu gọi cổ động giúp đỡ, ông giúp tổ chức phân phối thực phẩm, tại Mạc Tư Khoa Sonya vận động gây quĩ trên các báo Nga và ngoại quốc, chính tác giả cũng đăng bài “Một câu hỏi kinh khủng” làm chính quyền khó chịu, họ muốn nhận chìm những tin tức bi thảm. Tặng phẩm từ khắp nơi trên thế giới được gửi tới, người ta đồn Tolstoi có thể bị bắt giam, lưu đầy. Nữ bá tước Alexandra Tolstoya dùng  thế lực của bà che chở cho ông, tháng 7-1892 nhà văn hào trở về Yasnaya Polyana. Mặc dù bị chống đối, bị các giáo sĩ  địa phương gọi ông là kẻ  phản đạo, Tolstoi đã cứu giúp được người dân qua cơn đói khổ, mỗi ngày nuôi được 16,000 người, tiền thu được từ vở kịch “Hiệu Quả Của Soi Sáng” cũng dành vào cuộc cứu trợ. Tolstoi đã bỏ ra hai năm để họat động từ thiện, đã giúp đỡ được hàng chục ngàn người, công cuộc cứu trợ của ông đã được người Nga vô cùng quí trọng. Đối với quốc tế, Tolstoi được coi như lương tâm của nhân loại trong khi chính phủ Nga cho ông là con người xã hội chủ nghĩa bất kham, ương ngạnh. Trong thời gian làm việc nghĩa này gia đình hòa thuận phần nào.

     Năm 1892 Tolstoi làm di chúc cho vợ con để tránh chuyện xáo động trong gia đình. Cuốn “Vương Quốc Thượng Đế Ở Trong Chúng Ta” bị cấm ở Nga nhưng được in tại Pháp, Đức  năm 1893. Cuốn sách từ chối cả chính phủ lẫn Giáo hội vì tội áp bức người dân, nó thúc dục con người làm sáng tỏ về tinh thần và cổ võ bất bạo động để đương đầu với sự tàn ác vào lúc sự ngược đãi những người môn đệ của ông gia tăng. Mùa hè 1894 Tolstoi và Sonya lại cãi cọ bất hòa, năm sau phần vì gia đình lộn xộn, và đứa con út Vanichka chết vì ban sởi khiến Sonya muốn phát điên lên, bà tìm vui trong âm nhạc với nhạc sĩ Sergey Tanaev, 40 tuổi độc thân nhỏ hơn bà mười tuổi. Mới đầu Tolstoi rất lịch sự với Sergey Tanaev, năm 1898 ông yêu cầu Sonya không được liên hệ với Tanaev nhưng bà vẫn tiếp tục nhưng tới năm 1904 hắn mới từ bỏ Sonya. Giữa hai người không có chứng cớ nào cho thấy họ vượt quá tình bạn.

      Nga hoàng Đệ III mất năm 1894, con trai ông lên ngôi hiệu là Nicholas  Đệ II, khi chờ đợi làm lễ đăng quang, người ta hy vọng ông sẽ lập Hiến pháp để có thể thực hiện được một số cải cách cho đời sống người dân tốt đẹp hơn nhưng thực ra ông vẫn độc đoán y như triều đại trước. Vì không nhận thức được sự cần  thiết của thay đổi mà các bậc tiên vương  trước ông đã mù tịt nên Nicholas II sau này trở thành vị Nga hoàng cuối cùng, năm 1918 ông, hoàng hậu, bốn công chúa, một hoàng tử đã bị Cộng Sản tàn sát hết.

     Tháng 3/1895 Tolstoi viết truyện ngắn Ông Chủ Và Người Tớ (Master and Man) nội dung kể một ông chủ bỏ người đầy tớ ở lại trong bão tuyết sau quay trở lại cứu người ấy, mùa hè năm này, chính phủ ngược đãi vài cộng đồng Dukhobors, một giáo phái nhà  quê với niềm tin gần với Tolstoi, họ từ chối đi lính. Những người môn đệ Tolstoi từ chối nhập ngũ cũng bị ngược đãi, năm sau Tolstoi đề nghị chính quyền hãy bắt ông xử tội nhưng họ không muốn biến nhà văn hào thành vị thánh tử đạo. 

     Năm 1895 hai vợ chồng hay cãi cọ dữ dội về chuyện bản quyền truyện ngắn Ông Chủ Và Người Tớ khi ông đưa truyện này cho chủ nhiệm một tờ báo. Một đêm tuyết lạnh Sonya mặc áo ngủ, chân đi dép chạy ra ngoài phố khiến ông phải chạy theo năn nỉ bà vào nhà. Bà nói thà vào nhà thương điên hay nhà tù còn hơn nhưng rồi cũng nghe lời ông về. Hôm sau hai bên lại cãi cọ, bà lại bỏ chạy vào rừng trên đồi bên ngoài thành phố cho chết lạnh nhưng con gái Masha đem mẹ về nhà. Hai ngày sau bà lại định bỏ nhà đi giữa trời giá lạnh nhưng các con đã giữ bà lại.

     Tolstoi lấy truyện ngắn Ông Chủ Và Người Tớ lại rồi đưa bản quyền cho vợ, trong nhà lại hòa thuận. Ít ngày sau gia đình trải qua cơn đau buồn khi cậu con trai út Ivan lên bẩy chết vì bệnh ban sởi. ILya sinh cho ông một  đứa cháu, cậu cả Sergei lấy vợ, kế đó hai cô lớn lấy chồng, đó là năm đánh dấu nhiều sự thay đổi của gia đình với nhiều chuyện quan, hôn, tang tế. Các  nhà thơ, nhà tâm lý học từ Mỹ, Anh, Đức quốc…  ghé thăm ông, các nhà văn Nga mới như Gorki và Chekhov được ông đón tiếp nồng nhiệt. 

     Nhà văn hào nghiên cứu các luồng tư tưởng đông phương Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo và nhất là các tác giả cổ điển Goethe, thi hào Đức, Rousseau, triết gia Pháp. Thư viện của ông tại Yasnaya có gần 15, 000 cuốn sách, trong thời gian này ông viết Phục Sinh, Resurrection  cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng và vài truyện ngắn, kịch phần lớn chưa hoàn tất  mãi đến khi viết xong Nghệ Thụât Là Gì? năm 1897. Tolstoi  đã thành hình bài nghị luận mâu thuẫn này từ mười lăm năm trước, ông chỉ trích nghệ thuật cổ kể cả Hamlet của Shakespeare, bản đại hòa tấu số 9 của Beethoven là suy bại. Theo tác giả nghệ thuật phải có tính đại chúng và tạo thành tình tương thân tương trợ, tình huynh đệ giữa con người, ông đề cao Charles Dickens năm 1904, ca ngợi Dickens là nhà văn hào lớn nhất thế kỷ 19.

     Nghệ thuật là để kết hợp con người trong cùng một cảm giác, tình cảm cần thiết cho cuộc đời và tiến triển tới hạnh phúc của con người, của nhân loại, nghệ thuật  để truyền lan cảm giác. Mục đích của nó là tiến triển tới kết hợp nhân loại trong tình huynh đệ. Ông bị chỉ trích nhiều về đề tài  này. Nghệ Thuật Là Gì? in năm 1898 bị chỉ trích nhiều. Năm 1897 Chertkov và hai người môn đệ thân cận của Tolstoi yểm trợ người Dukhobors đã bị lưu đầy năm năm. Khi chính phủ cho tín đồ Dukhobors di cư đi Canada, Tolstoi gây quĩ  và dùng tiền bản quyền ứng trước cho cuốn tiểu thuyết thứ ba Phục Sinh (Resurrection), sau đó nhà văn hào viết một cuốn nói về sự độc hại  của lòng ái quốc mà ông cho là tinh thần vô đạo đức đưa tới bạo lực .

      Tháng 12 năm 1899,  tháng cuối cùng của năm cuối cùng thế kỷ thứ 19, Tolstoi hoàn thành cuốn tiểu thuyết lớn thứ ba Resurrection, cuốn này viết để lấy tiền giúp  giáo phái Dukhobors di dân đi Canada. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết vĩ đại ra đời hai mươi năm sau khi viết Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina. Năm1900 Resurrection được đón nhận nồng nhiệt, bán khắp nơi trên thế giới nhiều hơn những cuốn trước. Truyện dựa theo lời kể của ông biện lý toà án địa phương: một cô gái bị cháu bà chủ quyến rũ bỏ rơi rồi sa ngã vào đường mãi dâm. Cô gái bị đưa ra tòa vì tội trộm cắp, chàng sở khanh nay ngồi ghế phụ thẩm rất xúc động quyết định hỏi lấy cô gái để chuộc lỗi xưa nhưng cô ta đã chết trong nhà tù vì bệnh đậu lào chấy rận. Ở đây, Tolstoi lên án xã hội suy đồi và tin tưởng lương tâm con người có thể hồi sinh, truyện  cho thấy Chính quyền, Giáo hội  đã hành hạ đầy ải người dân dưới bộ mặt giả nhân giả nghĩa.

      Mặc dù bị kiểm duyệt, nội dung vẫn nhạo báng Giáo hội và người đứng đầu là Konstantin Pobedonostsev, ông này năm 1901 ra lệnh trục xuất Tolstoi ra khỏi Chính thống giáo, kết án nhà văn hào về những tà thuyết của ông và kêu gọi sám hối. Khi văn kiện được một số giáo sĩ lãnh đạo ký và công bố, hàng loạt thư bênh vực cũng như kết án khắp nơi trên thế giới đổ về. Tolstoi phản ứng lại bằng bức thỉnh nguyện lên Nga hoàng xin hưởng nhân quyền và tự do tín ngưỡng nhưng không được cứu xét. Sau đó ông soạn “Bài trả lời Pháp lệnh của Hội đồng tôn giáo” cho biết những điều kết án ông là giả tạo và ông không thể bỏ đức tin của mình.

     Năm 1901, Giáo hội Chính thống sau ba năm nghiên cứu rồi trục xuất Tolstoi ra khỏi Giáo hội đã lấy danh nghĩa tôn giáo mà thực chất chỉ là  chính trị. Khi ấy Chính quyền và Giáo hội cùng hợp tác để hạ thấp uy tín  của Tolstoi trong quần chúng vì ảnh hưởng của tác giả trên thế hệ trẻ thời  ấy là một mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Giai đoạn này, người ta thường nói nước Nga có hai Nga Hoàng: Nicholas đệ Nhị và Tolstoi và không biết ai có nhiều ảnh hưởng hơn ai.

     Ít lâu sau trở về Yasnaya Polyana, Tolstoi và vợ tranh cãi nhau về di  chúc của ông cho bà. Sonya tức giận vì ông có ý không chia cho gia đình thêm tiền tác quyền. Mùa hè nhà văn hào bị sốt rét và đi Crimée mấy năm, trước còn khỏe, nay bị đau yếu nhiều kể cả bị thương hàn. Ở Crimée Tolstoi được tác giả Maxime Gorky và Anton Chekhov viếng thăm, ông khen văn của hai người này. Mặc dù bị bệnh Tolstoi vẫn tiếp tục viết đầu năm 1902, viết xong một nghị luận “Tôn Giáo Là Gì?, ông có gửi bức  thư  bắt đầu bằng chữ “Người Anh thân mến”, Dear Brother cho Nga Hoàng Nicholas II để  thỉnh cầu ngài thực hiện cải cách xã hội và cảnh cáo nếu Giáo hội, Chính quyền đàn áp nhân dân tàn bạo sẽ đưa tới phản loạn, cách mạng. Tolstoi đã tiên đoán được cuộc nổi dậy 1905. Trong “Lời kêu Gọi Tăng Lữ” ông so sánh việc giảng đạo của Giáo hội chẳng khác nào chủng đậu, chích ngừa cho người dân để họ miễn nhiễm giáo lý chân chính của Thiên Chúa Giáo. 

     Tolstoi chống lại việc giết hại người Do thái tại Kishinyov năm 1903 và viết ba truyện ngắn lấy tiền giúp các nạn nhân. Năm 1904 ông hoàn thành truyện ngắn Hadji Murat về Caucase, viết bài Shakespeare Và Bi Kịch (Shakespeare and The Drama)  áp dụng tiêu chuẩn Nghệ Thuật Là Gì? ông đả phá King Lear và những vở kịch khác của Shakespeare. Khi chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ, ông viết một bài do Chertkov in bên Anh nói đó là một cuộc tàn sát vô ích. Từ sau cuộc cách mạng 1905 tác giả kết án nỗ lực để thiết lập một chính phủ có hiến pháp vì nay ông cho rằng chính phủ nào cũng tệ cả. Sự kết án bạo lực của Tolstoi cũng rất nghiêm khắc: người ta hỏi nếu bị nhà cách mạng giết và bị cảnh sát giết, cái nào đỡ hơn, ông nói cứt chó cứt mèo đều thối như nhau cả.

     Sau cùng khi Chertkov được trở lại Yasnaya Polyana năm 1905, Sonya càng lo lắng về bản quyền tác phẩm, tháng 9/1906 Sonya đi giải phẫu thoát chết, Tolstoi mong cho đời sống tinh thần của bà cải hoán. Khi cơ quan  nghị viện mới chập chững thiết lập năm 1906-1907, Tolstoi quả quyết nước Nga sai lầm khi bắt chước Âu châu. Với tinh thần bảo thủ, trong bài Ý Nghĩa Của Cuộc Cách Mạng Nga (The Significance of the Russian Revolution) nhà văn hào đã nhìn nước Nga như một nước phương đông và thấy con đường nông nghiệp, trái ngược với kỹ nghệ tân tiến, có triển vọng hơn và với  lý tưởng lấy bất bạo động chống lại sự tàn ác. Tolstoi nói “Tại sao ta không nghĩ rằng con người hãy vui hưởng hạnh phúc, không tranh nhau tiền tài, báu vật mà giành nhau sự sống đơn giản, điều độ hòa thuận với nhau?”. Tác giả cũng viết cho Thủ tướng Peter Stolypin, đề nghị ông đọc Henry George để nghiên cứu sự bãi bỏ quyền tư hữu.  

     Tolstoi đã được đồng bào ngưỡng mộ, người hùng đã tranh đấu cho  tầng lớp nghèo hèn bị trị trong xã hội. Tại Mạc Tư Khoa người ta tụ tập để tung hô nhà văn hào. Những bức thư ca ngợi ông được gửi tới hằng hà sa số, cá nhân, đoàn thể, quí tộc, công nhân… gửi thiệp, quà, gửi hoa, điện tín. Sinh viên tổ chức phản đối không phải vì ông bị trục xuất mà để tỏ sự ủng hộ của nhân dân cho người đã bênh vực khuyến khích họ nhiều nhất. Sonya giận dữ đăng lên báo chí Nga và ngọai quốc để bênh vực cho chồng, bà lý luận  nhiều người sống ngoại giáo nhưng lại là những người đạo đức hơn các vị tu sĩ. Tolstoi viết Bài Kêu Gọi Nga Hoàng Và Các Quan Chức, kêu gọi canh tân theo bốn nguyên tắc :

     1 - Nông dân bình đẳng với các công dân khác.
     2 - Giáo dục cởi mở rộng rãi hơn.
     3 - Bãi bỏ giới hạn tự do tín ngưỡng .
     4 - Mọi người bình đẳng trước pháp luật.

     Nga hoàng không đếm xỉa gì tới lời kêu gọi ấy và vẫn tiếp tục cai trị đất nước bằng chính sách hà khắc bóc lột, triều đình đã không ngờ trước cuộc cách mạng vô sản 1917 và họ cũng không ngờ đến cuộc nổi dậy năm 1905. 

      Đến mùa xuân gia đình trở về trang trại Yasnaya, các con ông đều đã  yên bề gia thất trừ cô gái út. Tolstoi để di chúc nhờ con gái Masha soạn qui định sau khi ông chết không riêng Sonya được giữ bản quyền tác phẩm của ông mà cả người phụ tá Chertkov cũng được thừa kế, khi ông chết không được theo nghi lễ nhà thờ. Nhà văn hào nhờ con gái Masha ghi những qui định ấy vào di chúc và giữ bí mật. Vô tình Sonya biết chuyện này, bà giận dỗi cãi  cọ khiến ông mệt quá phải xé bản di chúc nhưng cuộc tranh cãi bản quyền còn tiếp diễn.

      Mùa hè bệnh sốt rét và các chứng khác khiến Tolstoi suy yếu, nay đã 73 tuổi, đến tháng chín nhà văn hào bi quan cho rằng không hy vọng sống qua mùa đông năm sau tại miền Bắc và phải về miền Nam sinh sống.           

     Một bà bá tước giầu ở kinh đô St. Petersburg giúp ông và gia đình sống tại trang trại của bà gần Yalta ở bờ biển phía Nam Crimea. Chuyến  xe lửa khiến Tolstoi mệt mỏi, suốt dọc đường nhất là tại KharkovSevastopol ông bị đau tim, thương hàn, bệnh phổi.

     Tolstoi suýt chết mấy lần vì đau ốm, sau khi dưỡng bệnh mất hai năm cũng khó hy vọng bình phục. Ông gửi thư khuyến cáo Nga hoàng và cho đăng báo nói: có hai chiều hướng sẽ sẩy ra đối với tình trạng áp bức của chính quyền hiện nay.

    -Có thể dấy lên một cuộc cách mạng đổ máu tuy khó sẩy ra.

    -Chính quyền biết nhìn nhận sự thật, không cưỡng lại luật tiến bộ để theo đuổi chính sách bảo thủ mãi và phải nhìn nhận chiều hướng tiến bộ mà  nhân loại đang đi để hướng dẫn đất nước theo đó.

     Chính quyền từ chối và không đếm xỉa tới đề nghị của nhà văn hào, ông chỉ còn cách kêu gọi người dân tránh đổ máu với chính quyền. Tolstoi viết trong nhật ký hồi ấy như sau: Khi đời sống nhân dân không có đạo đức, khi khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người ngày càng có sức mạnh đối với thiên nhiên như máy hơi nước, điện, thuốc súng, máy móc, chất nổ… y như đồ chơi nguy hiểm đưa vào tay những đứa trẻ.

     Năm 1904 Tolstoi đã khỏe lại để trở về nhà khi ấy chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ, hai chính quyền đạo đức giả, quốc giáo của cả hai cấm bắn giết nhưng họ lại cho lệnh mở chiến tranh và đánh lừa người dân bằng những luận điệu danh dự đất nước, kiểm soát giải đất vì quyền lợi kinh tế. Chiến tranh chỉ làm cho người nghèo càng khổ, người giầu thêm no béo. 

     Người dân không dám trốn lính  sợ bị truy nã, tệ hơn nữa nhiều người có giáo dục lại tình nguyện nhập ngũ ra trận, ông cũng đau buồn khi cậu con trai Andrei nằm trong số những người hăng hái này. Tình thế biến chuyển nhiều, cuộc chiến ác liệt mà người dân chán ghét đã kết thúc bằng sự thảm bại của Nga, ai nấy vô cùng căm phẫn. Bạo loạn nổi lên, lính tráng đào ngũ, nông dân nổi dậy, sinh viên biểu tình phản kháng. Một viên chức cao cấp trong nội các Nga Hoàng bị ám sát. Tổ chức công nhân biểu tình trước Cung Điện Mùa Đông bị đàn áp, bắn giết. Trận tàn sát biểu tình khiến cho các đảng công nhân đoàn kết lại thành một lực lượng quyết định.

     Khi ấy chính quyền nhượng bộ cho nghị viện quốc gia quyền cố vấn. Hai tay lãnh đạo lớn của phong trào công nhân là Lénine và Trosky mở rộng cuộc đấu tranh ra toàn quốc. Chính quyền lại nhượng bộ cho nghị viện quốc gia quyền lập pháp, bảo đảm về cơ bản quyền tự do người dân và bầu cử  dân chủ. Những nhượng bộ này cùng với nhiều kế hoạch phân hóa và gây chia rẽ các lực lượng chống đối đã dẹp được phong trào cách mạng. Mãi  cho tới Thế chiến thứ nhất thì phong trào mới có cơ hội khác đến, trong 12 năm từ 1905 tới 1917 Lénine và Trosky mỗi người một đường lối đặt nền tảng cho sự phá sập chế độ độc tài của Nga hoàng.

     Tolstoi không ủng hộ niềm hy vọng một chính phủ Nga với Quốc hội  lập pháp có thể làm cho đất nước khá hơn. Nhà văn hào chủ trương bãi bỏ nền kinh tế bóc lột và bất công, người nông dân phải làm chủ ruộng đất của họ. Trong chiều hướng này ông đã tiên đoán trước cuộc cách mạng Cộng Sản thành công mười hai năm sau với khẩu hiệu: “Tất cả đất đai thuộc về nông dân” .

     Tuy nhiên Tolstoi mất địa vị người phát ngôn của nước Nga. Bài học của cuộc nổi dậy năm 1905 cho thấy người lãnh đạo phong trào đã dùng bạo  lực. Người Nga cho rằng đường lối bất bạo động, bất tuân dân sự để chống chính quyền của Tolstoi không mang lại kết quả mong muốn. Lòng trung thành ngưỡng mộ đối với Tolstoi bị phai mờ, họ chuyển qua theo các nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực đẫm máu.

     Đường lối ôn hòa của Tolstoi thất bại cho tới mấy chục năm sau Mahatma Gandhi, một người tự nhận là môn đệ của ông đã phát động thành công cuộc tranh đấu giành độc lập chống thực dân Anh bằng đường lối bất bạo động khiến cho kẻ thù phải khâm phục, viết nhiều sách ca ngợi và đưa cuộc đời tranh đấu của ngài lên màn bạc.  Thế giới đã ca ngợi ngưỡng mộ lòng can đảm và ý chí của một con người đã làm lên lịch sử bằng tình thương. Tinh thần tranh đấu bất bạo động của Thánh Gandhi cũng đã là ngọn đuốc soi đường cho những cuộc tranh đấu kiên cường vì dân chủ, tự do, độc lập của các nước Á Châu để giải phóng con người khỏi cảnh áp bức lầm than, nô lệ. 

     Nghĩ rằng cái chết sẽ tới một ngày gần đây, Tolstoi không có ý định viết tác phẩm dài hoặc ngắn. Đời sống gia đình sóng gió luôn luôn, ông định thoát ly, bỏ nhà ra đi. Gia đình chống đối cả tư tưởng và lối sống của ông, tham vọng của gia đình và cuộc đời trống rỗng của họ khiến văn hào đau khổ. Cô con gái Masha chết, Sonya sống sót sau một cuộc giải phẫu.

     Tình hình chính trị không khá hơn là mấy, chế độ không thay đổi đường lối, nghị viện do Nga hoàng triệu tập và rồi giải tán, thực ra nghị viện do những người bảo thủ cực đoan nắm giữ. Chính quyền đàn áp thẳng tay mọi cuộc biểu tình chống đối ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Người chống đối tiếp tục khủng bố, ám sát, trộm cướp đốt phá các điền sản, một người  anh vợ Tolstoi bị thiệt mạng trong một vụ đình công. Năm 1906, 1907 nhà văn hào kêu gọi dân chúng không bạo động và coi kỹ nghệ là đáng kết án, khuyên họ sống giản dị, hiền hòa với cuộc sống đồng ruộng. Nhưng đã quá trễ, người dân lại quyết định lựa chọn cách mạng và kỹ nghệ hóa đất nước, nước Nga quyết theo phương Tây. Sau năm 1905 đa số các môn đệ thân tín của ông kể cả Chertkov được phép của chính quyền cho hồi hương.

     Bi kịch gia đình.

     Đầu năm 1908 Tolstoi bị đau yếu nhưng tiếp tục viết, khi mười hai nông dân bị xử treo cổ vì xâm nhập một chủ nông trại, nhà văn hào viết Tôi Không Thể Im Lặng  cho biết cuộc hành hình này không mang lại hạnh phúc, lợi ích chung và ông muốn được người ta treo cổ, bài này gây nhiều tiếng vang. Mùa hè năm 1908 Chertkov mua một điền sản sát với Yasnaya Polyana, anh  xây một tòa nhà lớn và sống trong  trang trại sát ngay đó, người này đóng vai chính yếu chủ chốt trong cuộc đời, tư tưởng, văn nghiệp của Tolstoi, ngày nào Chertkov cũng qua thăm sư phụ và tôn vinh  ông  như  thánh.   

     Chertkov cho xuất bản tại ngọai quốc những sách của văn hào bị cấm in trong nước. Ông cũng thu thập những bản thảo của sư phụ đưa vào văn  khố riêng.  Sonya thấy hàng ngày Chertkov mang về một túi đầy những bản thảo của Tolstoi, bà sợ ông ta sẽ cho xuất bản sau khi Tolstoi mất để làm tư lợi nên vô cùng tức giận.  Tolstoi cho tư hữu là nguồn gốc đưa tới tệ hại cho xã hội còn Sonya thì nằng nặc đòi giử chủ quyền các bản thảo của chồng. Bà đau khổ khi điền sản thu hoạch kém, các con xin tiền, Sonya phản đối và cãi cọ dữ dội với chồng, Chertkov ghi chép đầy đủ cẩn thận những cuộc cãi vã ấy. Tolstoi cũng bị người ta cho là đạo đức giả vì ông vẫn sống trong cảnh giầu sang. Nhà văn hào làm di chúc cho vợ, ông cho là niềm tin tôn giáo của mình không thể khiến ông từ bỏ bổn phận với gia đình.

     Chính quyền ngày càng áp bức quá đáng, Tolstoi viết bài Tôi Không Thể Im Lặng để tố cáo, phản kháng chính quyền. Tolstoi nói chẳng thà họ bỏ tù, xử tử ông vì bảo vệ đồng bào, tác giả nghĩ chính phủ sẽ bắt giam ông vì những lời chống đối nhưng họ không đụng  tới, họ  tránh làm cho trong nước Nga cũng như trên thế giới tức giận khi xâm phạm tới nhà văn hào nổi tiếng quốc tế này. Tín đồ của Tolstoi bị theo dõi, Chertkov bị buộc phải rời đi tới gần Mạc Tư Khoa, thư ký của ông bị bắt vì tội phổ biến văn chương cách mạng, cảnh sát đã bắt anh đi trước mắt gia đình. Dự định ngày lễ sinh nhật thứ 80 của văn hào  bị hủy bỏ vì bị Giáo hội, Chính quyền chống đối nhưng hàng nghìn người gồm nhiều nhân vật lớn trên thế giới đã gửi thư chúc mừng ông.             

     Ngày sinh nhật của Tolstoi gia đình gồm vợ con, các cháu chúc tụng  ông và tự nhiên khoảng hai ngàn điện tín từ trên thế giới dồn dập gửi tới từ mọi thành phần sang hèn của xã hội, từ bác nông phu, đến nhà quí tộc, cả  những nhân vật nổi tiếng cũng như phạm nhân nhà tù. Một thông điệp do hàng trăm người Anh ký gửi tới trong đó có cả Thomas Hardy, H.G Wells, và Bernard Shaw. Những lời chào mừng từ Mỹ, Úc.. được gửi tới. Những thông điệp gửi tới ông của những chiến hữu sống sót sau trận Sevastopol và của những sinh viên Đại học Kazan nơi ông đã theo học nhưng không tốt nghiệp trước đây. Quà chúc mùng gửi tới ồ ạt gồm thuốc lá, rượu mặc dù ông không hút thuốc, không uống rượu. Trong khi cuộc sống ngoài xã hội thành công nhưng đời sống gia đình ngày càng xấu tệ chẳng thế mà trong nhật ký ông đã viết “tôi muốn thoát ly”.

     Năm 1909 cảnh sát gia tăng ngược đãi bạn bè Tolstoi, Chertkov bị bó buộc phải đi nơi khác, tháng chín ông nhận được thư của Gandhi tỏ sự  khâm phục các tác phẩm của ông. Sau khi Tolstoi mất, Gandhi coi nhà văn hào như người có quyền lực về tinh thần cao nhất.

     Hồi này Sonya phát điên lên vì chuyện bản quyền, tháng 11/1909 Tolstoi làm di chúc dấu không cho vợ biết, giao bản quyền tác phẩm của ông cho con gái Alexandra, cô này nhờ sự giúp đỡ của Chertkov để đưa các tác  phẩm của ông thành tài sản chung. Về bản quyền các tác phẩm nhà văn hào muốn nó là tài sản chung, tháng 9/1909 cùng với con gái Alexandra và bác sĩ riêng Tolstoi đi thăm Chertkov, ông làm di chúc cho phép các tác phẩm viết sau 1881, đã xuất bản cũng như chưa xuất bản sẽ trở thành quyền sở hữu chung, ai muốn xuất bản tùy nghi. Chertkov được giao trách nhiệm thi hành di chúc này. Alexandra đem di chúc lên Mạc Tư Khoa đưa luật sư xác nhận thì được biết di chúc này  không  đưa lên tòa án được vì không thể để tài sản cho mọi người mà phải chỉ rõ người nào.

      Tolstoi lại đau nữa, lần này ông mê man, khi hết bệnh thì vấn đề di   chúc lại làm ông nhức đầu, sau cùng ông quyết định để Alexandra là người thừa kế độc nhất vì tin tưởng cô này sẽ thi hành di chúc theo như  ý của cha già. Trong bản viết cuối cùng đó có ghi thêm câu “kể cả những tác phẩm trước 1881” vào di chúc, Alexandra có trách nhiệm phục vụ mẹ cô và đã cho bà biết, di chúc được Sonya âm thầm thực hiện

     Tolstoi cảm phục các nhà tu Phật Giáo đã gác bỏ tài sản trần thế lúc về già và đi khất thực, tách biệt khỏi vật chất của đời để chờ cái chết. Sonya vẫn thường dọa tự tử vì chuyện bản quyền, bà thấy ông vui vẻ với tín đồ, đối với vợ ông tỏ vẻ khó chịu. Sonya cho Chertkov là trở ngại chính cho sự hòa thuận của vợ chồng bà nhất là ông ta thể hiện cái ý tưởng không cho bà hưởng bản quyền những tác phẩm của Tolstoi.  Sonya làm khổ mình và chồng, các con cố hòa giải hai người hoặc theo bên này bên kia, niềm đau gia đình vô phương cứu chữa, sự kết thúc đã gần kề.

     Thoát ly

     Tháng 6/1910 nhà văn hào viếng Chertkov, sau trận cãi cọ dữ dội giữa Sonya và Chertkov về việc cai quản nhật ký của Tolstoi, ông bèn đem gửi trong hầm của ngân hàng, liên hệ vợ chồng nay khiến ông không thể chịu nổi. Sonya kết án chồng có liên hệ đồng tình luyến ái với Chertkov, bà rình rập ông luôn và giả vờ nói đã uống thuốc độc, nhà văn hào không chịu nổi bà và chỉ nghĩ tới chuyện thoát  ly. Được một nhà xuất bản đề nghị trả một triệu đồng rúp tiền bản quyền các tác phẩm của Tolstoi, Sonya quấy nhiễu hạch sách chồng và lục tìm cái di chúc cuối cùng của ông.

     Nửa đêm 28/10/1910 nhà văn hào sửa soạn hành lý trốn khỏi Yasnaya Polyana, dù cố gắng hòa dịu với bà thế nào cũng vô ích, ông không thể chịu đựng nổi, mặc dù đã đồng ý với vợ không sang gặp Chertkov nữa nhưng bà vẫn gây nhiều phiền toái không để ông yên, rình rập theo dõi chồng mỗi khi lên xe ngựa ra khỏi trang trại. Chiều ngày 27/10/1910 Tolstoi nghe tiếng  vợ lục soát di chúc bên phòng làm việc, tìm  thư từ của Chertkov và hồi ký của ông. Hết chịu đụng nổi, tối 28/10 đợi cho bà ngủ, ông để lại bức thư cám ơn Sonya đã sống chung bốn mươi tám  năm vợ chồng, xin tha thứ cho nhau và xin đừng theo ông nữa. Rồi Tolstoi đánh thức bác sĩ, con gái Alexandra giúp thu xếp hành lý, ông rời trang trại lúc Sonya còn ngủ, văn hào cùng bác sĩ  Makovitski lên xe ngựa rời nhà tới trạm xe lửa gần nhà nhất.

     Tolstoi ra đi phần vì tức giận và cũng là để dọa cho bà sợ hy vọng có thể đổi thái độ. Ông để thư cám ơn, an ủi bà và nói đừng hy vọng tìm được ông:     

    “Tôi làm theo những người già ở lứa tuổi với tôi làm: từ bỏ cuộc đời trần thế để sống những ngày cuối trong thanh tịnh, ẩn dật”.    

     Sonya khi tỉnh dậy đọc thư tức giận chạy ra ngoài ao tự tử, con gái Alexandra và bọn gia nhân chạy theo lôi bà vào nhà, bà lại định nhẩy qua cửa sổ, các cô cậu, gia nhân luôn canh chừng sợ bà tự tử. Bác sĩ và các con đều được gọi đến để săn sóc bà.

     Ông già tám mươi hai tuổi ước mơ quay lưng lại nền văn minh để sống như một người nông dân ngồi trên xe lửa hạng ba,  ông  bảo bác sĩ riêng của mình:

     “Ta không biết bà ấy ra sao bây giờ, thật tội nghiệp”

     Rồi lại bảo.

      “Nhưng được tự do ta sung sướng biết bao”.

     Sau sáu tiếng đồng hồ nhà văn hào đã đi khỏi Yasnaya Polyana bẩy mươi dặm, được tin ông ra đi, cảnh sát cũng tìm kiếm ông. Cuộc chạy trốn của một ông già muốn từ bỏ cuộc đời trần thế để sống những ngày cuối cùng trong thanh tịnh, cô tịch đã được báo chí đăng những hàng tít lớn giống y như một tin tức quan trọng tầm cỡ quốc gia chẳng khác nào như tin Nga Hoàng thoái vị.

     Tolstoi nghỉ trưa và ngủ đêm tại tu viện Optina trên đường đi thăm em gái hiện là bà phước tại nhà tu Shamardino Convent. Văn hào đánh điện tín cho con gái Alexandra biết nơi ông đang ở, sáng hôm sau một người phụ việc của Chertkov mang tin tới, buổi trưa ông thăm em gái rồi tìm thuê một căn nhà nhỏ quanh đấy.  Sáng hôm sau nữa Alexandra tới mặc dù ông không gọi tới, cô cho biết một tin đáng sợ là Sonya sẽ tìm đến, bà đã biết ông hiện ở đâu. Nghe tin ấy ông quyết định đi tiếp về miền Nam .

     Bốn giờ sáng hôm sau ông đánh thức bác sĩ  và con gái dậy đi sớm vì sợ Sonya tới kịp. Trên xe lửa trong đám đông hiếu kỳ có một cảnh sát theo dõi ba người. Trưa hôm ấy Tolstoi thấy bị ớn lạnh, bác sĩ biết đang ông bị nóng lạnh, tầu ngừng tại Astapovo. Bác sĩ thu xếp cho ông nghỉ tạm tại nhà trưởng trạm ga, bệnh trở nên nguy kịch, buổi sáng có đỡ hơn, Alexandra hỏi cha có muốn báo tin cho gia đình biết không nhưng ông chỉ muốn gặp Chertkov, anh này vội đến ngay. Chiều hôm ấy trưởng nam Sergei đến, họ cho mời một bác sĩ chuyên khoa từ Mạc tư Khoa tới. Chẳng bao lâu hàng đoàn cảnh sát, phóng viên kéo đến chật ních trạm hỏa xa bé tí. Chua chát thay ông đi tìm sự yên lặng cô tịch nay lại bị đám đông quấy nhiễu, ga xe  lúc này đầy những ký giả, họ báo cáo từng giờ tình trạng của nhà văn hào Tolstoi.

    Tối ấy Sonya đến trên chuyến xe lửa đặc biệt cùng đoàn tùy tùng  gồm các con, bác sĩ, người tớ gái. Các bác sĩ và các con họp nhau quyết định không để Sonya gặp chồng. Trong mấy ngày cuối cùng cuộc đời, nhà văn hào cố đọc cho con gái viết thư, ghi chú, chép nhật ký…nhưng bệnh sưng phổi khiến ông nhiều lúc bị mê sảng. Đêm mồng 7 tháng 11 Tolstoi ngủ vùi yếu ớt gẳn đi, khi ấy Sonya được vào gặp, lúc bà vào thăm thì ông đã quá yếu không còn nhận ra ai, Sonya  hôn tay chồng và quì xuống xin lỗi ông. Được bác sĩ và mấy người con Alexandra, Tanya, Sergey săn sóc, ngày 7/11/1910 lúc sáu giờ kém mười lăm nhà văn hào Tolstoi yên giấc nghìn thu.

     Có lần ông viết đôi giòng trong một thư riêng nội dung như sau:

     Người ta thường cho rằng có cái gì huyền bí trong cái nhìn của ta về sự sống, chết. Nhưng thực ra chẳng có gì huyền bí cả. 

     Tôi thích cái vườn của tôi, tôi thích đọc sách. Tôi thích vuốt ve đứa trẻ. Khi chết tôi mất hết những thú ấy nên tôi không muốn chết, tôi sợ chết.

     Cậu cả Sergei đã kể lại: Khi cửa mở, hàng nghìn người chạy đến để chiêm bái nhà văn hào trong giờ phút cuối cùng. Bà cụ suốt ngày ngồi trên đầu giường ông lắc đầu. Họa sĩ Pasternak vẽ chân dung ông, nhà điêu khắc Merkurov làm khuôn đúc, phóng viên bận rộn ghi chép, lấy tin… Người ta muốn giải phẫu sọ của Tolstoi nhưng gia đình từ chối vì biết rằng ông rất ghét khoa học kiểu này. 

     Ngày mồng 8 tháng 11, bốn người con trai khiêng quan tài cụ thân sinh ra khỏi nhà lên xe lửa, toàn thể gia đình đi theo trong chuyến xe sau và chuyến thứ ba dành cho phóng viên, ký giả. Bẩy giờ sáng đoàn người về tới Yasnaya khi ấy điện tín phân ưu gửi tới dồn dập. Tại sân ga người ta đứng đông nghẹt, bốn người con lại khiêng quan tài xuống rồi nông dân tại Yasnaya đỡ lấy khiêng thay, đám táng tiến bước trên con đường mà Tolstoi thường đi trước đây.

     Hôm ấy trời thanh tịnh, có sương mù, tuyết trắng rải rác quanh đây, đám đông khoảng mấy ngàn người, đám tang đang tiến vào nhà. Chertkov muốn đậy nắp quan tài khi tới cửa nhưng gia đình phản đối vì biết nhiều người muốn nhìn nhà văn hào lần cuối, mọi người khiêng quan tài ông vào thư phòng. Lễ di quan bắt đầu lúc bẩy giờ sáng đến hai giờ rưỡi trưa thì chấm dứt.

     Léon Tolstoi được an táng trong rừng cây ngay tại tại Yasnaya Polyana như ý muốn trong di chúc của ông, ngay tại chỗ mà theo ông anh Nikolay nói đã chôn dấu cái gậy xanh có ghi bí mật mang lại hạnh phúc và tình yêu cho tất cả mọi người. Những người dự tang lễ đều quì gối chỉ riêng có một anh cảnh sát là đứng yên, có người la.

      -Quì xuống, anh kia.

     Lễ an táng không có điếu văn, Sonya yên lặng bình tĩnh, bà muốn khóc nhưng không nhỏ một giọt lệ nào … lúc này không có mặt Chertkov.

     Trời thu tối dần, mọi người ra về, tang lễ Tolstoi là đám đầu tiên tại Nga không làm lễ tại nhà thờ, chính ông muốn vậy. Sonya ngả bệnh, em gái đến an ủi, bà rất đau lòng nhưng không còn đòi tự tử nữa. Dần dần bà trở lại công việc thường nhật nhưng tâm trạng đau buồn tuyệt vọng. 

     Nhà văn hào tin tưởng rằng nếu con người hiểu rõ về bản chất sự  sinh tồn thì cuộc đời sẽ vô cùng thoải mái, khi bị trục xuất khỏi Giáo hội ông viết: 

     Tôi tin tưởng Thượng Đế, Người là Tinh thần, là Tình thương, là Cội nguồn của tất cả, tôi tin rằng Người ở trong tôi và tôi ở trong Người, tôi tin rằng chân hạnh phúc của con người nằm ở chỗ phụng sự đúng theo ý muốn của Thượng Đế, ý muốn của Người là chúng sinh phải thương yêu nhau, tương trợ lẫn nhau. Từ đó tôi tin rằng mỗi người chỉ có thể tìm được ý nghĩa cuộc đời bằng yêu thương nhiều hơn nữa để được nhiều phúc đức và tình yêu và sau khi chết con người sẽ được nhiều phúc đức và tình yêu hơn nữa. Tất cả sẽ giúp cho chúng ta xây dựng Vương Quốc Của Thượng Đế trên trái đất nghĩa là ta xây dựng được trật tự trên cõi đời này nơi mà những sự bất hòa, lừa đảo, bạo lực hiện đang thịnh hành sẽ được thay thế bằng sự hòa hợp, bằng sự thật và tình huynh đệ.

    Trong suốt cuộc đời của mình, Tolstoi biết rằng ý tưởng phải đi đôi với thực hành và ông đã cố gắng nhiều để thực hiện niềm tin của mình .

Trọng Đạt

 (Trích trong  Léon Tolstoi Tolstoi, Cuộc Đời Sự Nghiệp Văn Chương, xuất bản năm 2011)

Tham khảo.
 Edward Crankshaw: Tolstoy, The Making of a Novelist, The Viking Press -New York, 1974
   Dmitry Svyatopolk Mirsky: A history Of Russian Litterature, New York, Alfred A.Knoff, 1969.
   Ernest J.Simmons: Introduction To Tolstoy’s Writings, The University of Chicago Press, Chicago & London 1968.
   Morris Philipson: The Count who Wished He Were A Peasant-A Life Of Leo. Tolstoy, Panthe on Books 1967.
   William W.Rose: Leo. Tolstoy, T Wayne Publishers, Boston, 1986.
   Tolstoy: A Collection Of Critical Essays, Prentice-Hall, inc, Englewood Cliff, N.J 1967.
   William L.Shirer: Love And Hatred, The Stormy Marriage Of Leo And Sonya Tolstoy, Simmon & Schuster 1994
   Ernest J.Simmons: Introduction to Russian Realisme, Indiana university press 1965.
   Henry Gifford: The Novel In Russia, Hutchinson & Co. (Publishers) LTD - 1964.
   A.B. Goldenweir ( Alek sandr-Borisovich) Talk With Tolstoy- Horizon press 1969.
   (Translated by SS. Koteliansky and Virginia Woolf)
Wikipedia: Anna Karenina.
Gary Adelman: Anna Karenina- The bitterness Of Ecstasy, Twayne Publishers – Boston 1990.
   Léon Tolstoi, par Semione Filippovitch Egorov, docteur en sciences de l’éducation, le texte est tiré de Perspectives, Revue trimestrielle d’éducation comparée.
   Google France.

Không có nhận xét nào: