Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam từ ngày đảng hình thành cho tới nay đã ảnh
hưởng tới đất nước và dân tộc ta ra sao.
Trước hết nói về nhân vật
Hồ
Chí Minh
Sinh ngày 19-5-1890, mất 2-9-1969, là người sáng lập đảng CS Việt Nam và
đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. Hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh
Cung, tự Tất Thành, đỗ bằng tiểu học năm 1909, năm thứ hai trung học bị đuổi,
năm 1910 đến Phan Thiết dậy chữ Hán và chữ quốc ngữ, năm 1911 vào Sài Gòn học
trường Bá nghệ ba tháng, trường này đào tạo nhân công hàng hải.
Ngày 5-6-1911 Thành sang Pháp, xin làm bồi trên tầu buôn
Latouche-Tréville, tháng 7-1921 tới Pháp. Nguyễn Tất Thành xin học trường Thuộc
địa nhưng bị từ chối. Từ năm 1912-1913, Thành sang Mỹ sau đó sang Anh làm nghề
cào tuyết, phụ bếp, học tiếng Anh tại đây cho tới năm 1916, cuối năm 1917 về
lại Pháp và ở đó cho tới 1923. Năm 1919 Thành gia nhập đảng Xã hội Pháp, lấy
tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920 đọc luận cương của Lénine, tin tưởng chủ nghĩa
Cộng Sản rồi làm báo Le Paria, Người Cùng Khổ tố cáo chế độ thuộc địa của thực
dân Pháp.
Năm 1922 Nguyễn Ái Quốc đến Nga tham dự Đại hội quốc tế Cộng Sản, tháng
6-1923 ông theo học CS tại Nga, năm 1924
được bầu vào Ban chấp hành đoàn quốc tế nông dân và được cử làm Ủy viên ban
phương đông. Năm 1924-1927 Nguyễn Ái Quốc sang Tầu lấy tên Lý Thụy, có nhiệm vụ
tuyên truyền tư tưởng cách mạng ra vùng Đông phương. Năm 1925 ông tập hợp người
Việt kiều tại Trung Hoa thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.
Chính phủ Tưởng Giới Thạch khủng bố các đảng viên CS Tầu, VN nên Nguyễn Ái Quốc
rời Quảng Châu đi Hương Cảng rồi thoát sang Nga, tháng 11-1927 được cử đi Pháp.
Năm 1928-1929 Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan, năm 1928 ông cải trang thành
nhà sư để tuyên truyền cho các Việt kiều tại đây, cuối năm 1929 ông lại sang
Tầu. Ngày 3-2-1930 tại Cửu Long thuộc Hương Cảng, theo chỉ thị của Quốc tế CS,
ông thống nhất ba tổ chức CS thành đảng CS Việt Nam, sau đổi thành Đảng CS Đông
Dương rồi đổi thành Đảng Lao Động VN. Tháng 3-1930 ông sang Thái rồi lại sang
Tầu. Năm 1931 lấy tên Tầu Tống Sơ Văn (Sung Man Cho), bị chính quyền Hương Cảng
bắt giam, họ tính giao lại cho Pháp nhưng nhờ luật sư Frank Loseby bào chữa
được thả ra ngày 28-12-1932, ông đi Thượng Hải rồi trở lại Nga.
Nguyễn Ái Quốc đến Nga lần thứ hai mùa xuân năm 1934 với bí danh Lin,
theo học trường Quốc tế Lénine (1934-1935), tham dự Đại hội VII Đệ tam quốc tế
với vai trò quan sát viên. Năm 1938 ông bị Nga giam lỏng, bị nghi ngờ vì được
Hương Cảng trả tự do nhưng không có bằng cứ nên lại được thả ra. Trong giai
đoạn này Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập lần lượt làm Tổng bí thư Đảng CS
Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc giữ nhiệm vụ liên lạc viên giữa Quốc tế CS và đảng
CS Đông Nam Á.
Năm 1938, ông trở lại Tầu vai Thiếu tá Hồ Quang thuộc Bát Lộ Quân (Lộ
quân thứ 8) cho tới năm1939. Đầu tháng 1-1941 Ủy viên Trung ương đảng sang Tầu
mời ông về nước lãnh đạo cách mạng, về VN ngày 28-1-1941 qua lối Cao Bằng, lấy
bí danh Già Thu tới ở hang Bắc Bó Cao Bằng. Ngày 13-8-1942 ông lấy tên Hồ Chí
Minh sang Tầu vận động Trung Hoa Dân quốc ủng hộ, lần đầu tiên xử dụng tên HCM
trong giấy tùy thân. Hai tuần sau bị chính quyền địa phương bắt giam một năm,
ông viết Nhật ký trong tù, ngày 10-9-1943 HCM được thả nhờ người Mỹ vận động
với Quốc dân đảng Trung Hoa, HCM tham gia Ban chấp hành trung ương VN cách mệnh
đồng minh hội.
Cuối tháng 9-1944 Hồ Chí Minh về nước thành lập đội vũ trang tuyên
truyền giải phóng quân 34 người. Cuối 1944 ông trở lại Côn Minh cho tới đầu
1945 và gặp Tướng Mỹ Chennault tại đây, ông này sẵn sàng giúp Việt Minh. Họ
muốn dùng VM chống Nhật giải cứu cho các phi công Mỹ, cung cấp tin tức tình
báo, đổi lại Mỹ giúp họ vũ khí, thuốc men, huấn luyện…
Tháng 7-1945 Hồ Chí Minh bị sốt rét rất nặng tưởng chết, toán OSS (US
Office of Strategic Servieces) đã giúp chữa bệnh cho ông, bác sĩ quân y tên
Paul Hogland đã ở đó 2 tháng và cứu sống họ Hồ.
Ngày 16-8-1945 Tổng bộ VM họp tại Tân Trào cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng minh, Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức
ngày 7-8 vì bất lực, chính phủ không có quân đội. Khi ấy tình hình trong nước
rất lộn xộn. Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền 19-8, ngày 22-8 họ gửi
điện văn vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, họ đã cướp được chính quyền. Ngày 25-8-1945, nhà vua đọc bản tuyên ngôn thoái
vị trước cửa Ngọ môn lâu.
Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba
Đình. Họ Hồ có cho viên chỉ huy OSS biết là ông theo chủ nghĩa Lénine, tham
gia đảng CS Pháp, gia nhập Đệ tam Quốc tế vì họ có quan tâm vấn đề thuộc địa.
Người Mỹ cho rằng HCM là CS bù nhìn của Moscow, tới cuối tháng 9-1946 họ rút
hết cố vấn Mỹ về nước chấm dứt mọi liên lạc với Việt Minh.
Võ Nguyên Giáp thay mặt HCM giải tán các đảng phái rồi tàn sát họ đẫm
máu, ngày 23-9-1945 Pháp tấn công Sài Gòn, ngày 6-1-1946 tổng tuyển cử bầu Quốc
hội. QH khóa I cử ra chính phủ kháng chiến do HCM làm chủ tịch nước VN Dân chủ
Cộng hòa vừa là Thủ tướng, về đối ngoại không được quốc gia nào công nhận. Vì
bị các đảng phái tố cáo HCM, Việt Minh
là CS nên tháng 11-1945 ông cho giải tán Đảng CS Đông Dương (giả vờ) và
nhượng bộ đối lập Việt Cách, Việt Quốc 70 ghế tại Quốc hội mà không qua bầu cử.
Đầu năm 1946, Pháp bắt đầu thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch
tại Trùng Khánh để được thay thế quân Tầu giải giới Nhật tại miền Bắc, sau đó
thương thuyết với Việt Minh. Đầu tháng 3-1946 Tướng Leclerc cho đổ bộ lên Hải
Phòng, VM ký với Pháp Hiệp định sơ bộ thuận cho Pháp vào BV. Họ mượn tay Pháp
để đuổi Tầu về nước (1) và củng cố nội bộ, tiêu diệt các đảng phái quốc gia
không CS. Theo tờ tường trình của Tướng Leclerc gửi chính phủ Pháp ngày
27-3-1946 thì tính tới cuối năm, VM đã thủ tiêu, giết hại tổng cộng khoảng
50,000 người (2). Đảng CS đã bắt đầu nhúng tay vào máu của dân tộc VN, Giáp
được Pháp giúp đỡ cho tấn công các đảng phái QG, phái Troskist, Công giáo…
Cuối tháng 5-1946, HCM và Phạm Văn Đồng sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau , Hội nghị thất bại, HCM ở lại ký bản tạm
ước với Bộ trưởng thuộc địa Pháp Moutet. Tại Hà Nội hai bên ngày càng căng
thẳng, tối 19-12-1946 Việt Minh tấn công quân Pháp mở đầu cho cuộc chiến tranh
dài nhất thế kỷ. Tháng 2-1947 VM rút lên Việt Bắc, sang năm 1948, Pháp mở rộng
vùng chiếm đóng tại Quảng Yên, Kiến An, Hà Đông, Ninh Bình, Sơn Tây và Việt
Trì. VM chỉ hoạt động du kích, quấy phá đồn bót, phục kích công voa.
Sang năm 1949, tháng 7 tới tháng
9 Pháp mở các cuộc hành quân chiếm Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phát Diệm và
Bùi Chu. Từ giữa và cuối 1949, Trung Cộng thắng thế tại Hoa lục, tình hình biến
chuyển. Bernard Fall nói khi Trung Cộng tiến sát biên giới Việt Hoa tháng
11-1949 thì chương I của chiến tranh Đông Dương đã được đóng lại, người Pháp
không còn cơ hội chiến thắng (3). Năm
1950 gió đã đổi chiều khi Trung Cộng chiếm trọn vẹn nước Tầu. VM được họ tiếp
tế vũ khí đạn dược ồ ạt và huấn luyện tại biên giới. Trung Cộng giúp VM thành
lập hai sư đoàn đầu tiên 304, 308 bằng kết hợp các trung đoàn chủ lực tại BV và
Trung Việt. VM đã đủ mạnh và bước sang giai đoạn cầm cự.
Tháng 10-1950 VM đánh thắng trận lớn đầu tiên mà họ gọi là chiến thắng
Cao Bắc Lạng. Tại trận này quân Pháp rút bỏ Cao Bằng bị chận đánh tan nát,
thiệt hại khoảng 7,000 người và nhiều kho vũ khí, trận đánh rung động cả nước
Pháp, không ngờ VM có thể mạnh đến thế. Sự hình thành, bành trướng lớn mạnh
cũng như sống còn của VM không phải vì họ cướp được chính quyền tháng 8-1945,
không phải nhờ tài lãnh đạo siêu việt của họ Hồ… mà nhờ Mao đã chiếm được toàn
cõi Hoa Lục. Sự kiện CS Tầu thắng thế họ Tưởng đã thay đổi khúc quành lịch sử
tại Đông Dương, hơn thế nữa nó còn ảnh hưởng tới cả thế giới từ đó cho tới tận
ngày hôm nay. Tháng 1-1951 Trung Cộng giúp VM thành lập được 5 sư đoàn bộ binh
và một sư đoàn pháo binh.
Thời cơ đã tới cho họ Hồ, nếu Mao bị Tưởng đánh bại những năm 1946,
47…thì số phận của VM cũng sẽ tàn lụi theo vì không có sự giúp đỡ của CS Tầu
Tết Canh Dần 1950 HCM sang Tầu, sang Nga, tại Đại hội đảng II giữa tháng
2-1951, đổi tên đảng CS Đông Dương thành đảng Lao động VN, tại Đại hội này,
đảng Lao Động khởi xướng cải cách ruộng đất, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu
diệt bọn bóc lột, phản quốc, phản động, địa chủ, Việt gian, cường hào, đối
lập…để nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ tháng 1-1952 họ Hồ gửi bản
chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động VN cho Staline để “Đề nghị
duyệt xét và chỉ dẫn”, HCM cho biết chương trình hành động do chính ông và được
Lưu Thiếu Kỳ giúp đỡ. Cải cách ruộng đất
được phát động cuối năm 1953 (tại hậu phương do VM kiểm soát) sau 1954 được
tiếp tục lại năm 1956, 1957 tại miền Bắc giết hại trên một trăm nghìn người,
đầu năm 1956 khởi sự sửa sai, HCM khóc lóc nhận sai lầm
Tình hình quân sự do HCM lãnh đạo, Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đạt nhiều
thắng lợi nhờ viện trợ và huấn luyện của Trung Cộng. Sau trận Cao Bắc Lạng
tháng 10-1950, mấy tháng sau Tướng De Lattre được Pháp cử sang làm Tư lệnh Đông
Dương. Ông đã đánh thắng Võ Nguyên Giáp nhiều trận lớn, chuyển bại thành thắng,
nhưng De Lattre chỉ chiến đấu được gần
một năm thì bị bệnh nặng phải về Pháp. Từ đầu 1952, Tướng Salan lên thay
khi VM ngày càng mạnh, nhờ viện trợ Trung Cộng. Giữa năm 1953 Tướng Navarre, Tư
lệnh mới cho biết những năm 1953, 1954 quân lưu động VM rất mạnh khoảng 9 sư
đoàn, gấp ba quân lưu động Pháp (4). Trận Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13-3
tới ngày 7-5 thì thất thủ, 11 ngàn quân Liên Hiệp Pháp bị bắt làm tù binh, trên
2,000 bị giết chưa kể trên 2,000 mất
tích, VM thiệt hại khoảng 10,000 người.
Họ thắng trận nhờ viện trợ tiếp liệu ồ ạt từ Hoa Lục sang.
Cuộc chiến tám năm khói lửa (1946-1954) giành độc lập của họ Hồ đã gây lên cảnh núi xương sông máu: khoảng
300,000 thanh niên tử trận, 500,000 bị thương, 150,000 người thường dân thiệt
mạng. Quân đội Liên hiệp Pháp có 75,500 người tử trận, Quân đội QGVN có 419,000
người gồm cả chết, bị thương và bị bắt (5). Miền Bắc đã trở thành bãi chiến
trường, nhiều thành phố, tỉnh lỵ trung du, đồng bằng hoang tàn vì bom đạn.
Hai bên đều mệt mỏi, ngày 20-7-1954 Pháp và Việt Minh ký kết Hiệp định
Genève chia đôi đất nước, quân Pháp và chính phủ Quốc gia Việt Nam rút về miền
nam dưới vĩ tuyến 17, thời hạn vào nam ra Bắc được ấn định 300 ngày. Tại các
thành phố lớn Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương…nhiều nhà đã lên đường vào nam.
Việt Minh về tiếp thu Hà Đông, Hà Nội, tại các đình làng người ta tổ
chức hội hè, ảnh Hồ chủ tịch treo ở giữa, hình Mao chủ tịch và đồng chí Ma Lăng
Cốp treo ở hai bên, thanh niên, thiếu nữ nhảy múa hát sol đố mì….Khi cuộc di cư
bắt đầu, tại các làng mạc người dân thường chọn ở lại trong khi dân tỉnh lên
máy bay tại Hà Nội hoặc xuống Hải Phòng lên tầu vào nam. Mấy tháng sau khi Việt
Minh về tiếp thu, Hà Đông Hà Nội đã y như thành phố chết, vắng tanh vắng ngắt.
Tại miền quê chính sách thuế nông của VM đã làm người dân tuyệt vọng, thật là
khủng khiếp, chính phủ đánh thuế cao gấp mười lần thời Quốc gia nên nhiều gia
đình trung lưu không còn đường nào khác là ra đi. Rất nhiều người sống ở hậu
phương muốn vào nam nhưng điều kiện khó khăn đã khiến họ phải ở lại. Muốn đi
nam phải xuống Hải Phòng, muốn đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng phải có giấy thông
hành, chỉ có một số ít người xin được giấy của bà con ở Hà Nội về cạo sửa làm
giấy giả để lên tầu hỏa xuống Hải Phòng rồi vào Nam. Tổng cộng có khoảng gần
một triệu người di cư vào nam, nếu thời hạn di cư kéo dài thêm thì số người ra
đi còn tăng hơn nhiều.
Khoảng giữa năm 1955, khi cuộc di cư kết thúc, bác Hồ xuống Hải phòng
khóc than đồng bào đã hiểu lầm và bỏ xứ ra đi. Thập niên 60, HCM giảm dần các
hoạt động chính trị, ông hay sang Tầu tham quan, chữa bệnh nhất là những năm
1967, 1968, 1969 ông đau nặng sang Tầu nhiều lần. Từ năm 1963 HCM tuyên bố sẽ
bàn giao cho Lê Duẫn chỉ còn giữ vai trò tượng trưng, quyền lực dần dần vào tay
Duẫn. Nhờ người phụ tá đắc lực Lê Đức Thọ mà Duẫn tạo dựng uy quyền tối thượng
tại BV.
Một số người Tây phương (Pierre Asselin) cũng như Nguyễn thị Liên Hằng
(tác giả Hanoi’War) có nhận định cho rằng Duẫn đã cô lập Hồ, Giáp và các đồng
minh của họ để chiếm quyền lực tuyệt đối. Tôi nghĩ chuyện này khó tin vì mọi
người đều rõ Hồ chí Minh là tay lưu manh chúa cả thế giới đều biết, chẳng lẽ
lại chịu để bọn em út Duẫn, Thọ soán ngôi dễ dàng như vậy. Nếu nói là HCM thiếu
sức khỏe nhường địa vị cho Duẫn, Thọ như dư luận phía CS cho biết thì còn tin
được.
Trên thực tế các quyết định, kế hoạch lớn vẫn cần HCM chỉ đạo, phê duyệt
(thí dụ hòa đàm Paris) vì ông vẫn là Chủ tịch đảng (1951-1969), sau khi HCM
chết, không ai được cử thay thế chức vụ này. Nhiều người Mỹ hiểu sai về tình
hình chính trị đảng CSVN, cựu Tổng thống Nixon năm 1985 nói về sự sai lầm của
TT Johnson những năm 1965, 1966,1967 :
“Chúng ta cần biết là không bao giờ dụ dỗ,
mơn trớn Hồ Chí Minh từ bỏ cuộc chiến mà phải bắt buộc ông ta từ bỏ nó” (No
More Vietnams
trang 82).
Sự thực trong những năm này HCM đã giao quyền cho Lê Duẫn. HCM mất ngày
2-9-1969 tại Hà Nội. CSVN tạo nhiều huyền thoại ca tụng HCM, ông là nhà văn,
nhà thơ, nhà cách mạng, biết nhiều thứ tiếng…Thời kỳ kháng chiến, Việt
Minh lưu truyền một bài thơ Hán văn dưới
đây mà họ nói là của bác (báo Sài Gòn thập niên 60 có cho đăng lại).
Thu dạ
Dạ bán canh thâm tiệm đắc nhàn
Thu phong thu vũ báo thu hàn
Hốt văn thu địch sơn tiền hưởng
Du kích qui lai tửu
vị tàn.
(tôi xin dịch xuôi:
Đêm Thu
Nửa đem canh khuya ta tạm được
chút nhàn
Gió thu, mưa thu báo cái lạnh của
mùa thu tới
Bỗng nghe tiếng sáo thu từ sườn
núi bên kia vọng lại
Quân du kích trở về khi chén rượu
(tiễn) chưa tàn)
Chẳng biết bài thơ có phải do bác làm hay
không nhưng nội dung thật là giả tạo, trận chiến tàn khốc máu chẩy thịt rơi
được diễn tả thật thi vị y như cảnh phong, hoa, tuyết, nguyệt đời nhà Đường.
Có dư luận nói CSVN bắt chước như khỉ, thấy
ngưới ta lấy tên lãnh tụ Lénine đặt tên thành phố Saint Petersburg là
Leninegrad cũng đặt tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Thấy người ta ướp xác
Lénine tại quảng trường đỏ cũng ướp xác họ Hồ tại quảng trường Ba Đình, thật là
gớm ghiếc. Nay bên Nga họ đang nghiên cứu đưa xác Lénine đem chôn vì việc bảo
quản tốn kém và dơ bẩn. Cái xác chết đúng lý phải đem chôn lại trưng bầy cho
thiên hạ tới ngắm, rất phản văn minh phản tiến bộ. Thấy người ta dựng tượng
cũng bắt chước dựng tượng khắp nơi, nay toàn quốc đang lên cơn sốt tượng đài. Dân
còn nghèo, lợi tức đầu người đứng thứ 138 trên thế giới mà đã xây khoảng 140 tượng HCM, CSVN dự trù trong năm
nay sẽ cho xây thêm nhiều tượng cho đủ con số 200. Sơn La đang lên kế hoạch xây
tượng HCM với chi phí 65 triệu đô la, xây tượng, xây cầu.. chẳng qua chỉ là để
kiếm chác đục khoét công quĩ nhà nước.
Ngày nay tại VN nhiều chùa quốc doanh thờ
tượng Hồ Chí Minh bên tượng Phật, cái trò khỉ này bị coi là xúc phạm, Đức Phật
là đấng từ bi không giết đến một con giun, con kiến phải ngồi chung với kẻ sát
nhân. Nhiều người miền Bắc cho tới nay vẫn còn bị ảnh hưởng tuyên truyền nhồi
sọ về HCM, ngay cả đảng viên phản tỉnh trốn ra nước ngoài vẫn còn khen ngợi, ca
tụng HCM, thậm chí họ còn nói CSVN nay đi sai đường của bác.
Tư tưởng HCM thực ra chỉ là sự cóp nhặt tư
tưởng Mác Lê, bác trình độ tiểu học lấy đâu ra tư tưởng. Nhiều nhà sử gia Mỹ
khen ông HCM là nhà ái quốc, họ khen cho vui thôi thực ra họ thừa biết ông ta
là tay sai Đệ Tam Quốc tế, vả lại lời nói chẳng mất tiền mua, họ có mất vốn mất
lãi gì đâu?
Hồ Chí Minh là Chủ tịch đảng kiêm Chủ tịch
nhà nước như Lénine của Sô Viết, ông ta là Chủ tịch đảng duy nhất của CSVN (18
năm 195 ngày), sau khi HCM chết, người đứng đầu đảng được mệnh danh là Tổng bí
thư hay Bí thư thứ nhất, Chủ tịch đảng chỉ dành riêng cho HCM, một chức vị danh
dự.
Lê Duẫn
Giữ
chức vụ Bí thư thứ nhất đảng Lao động VN từ 1960-1976, Tổng bí thư đảng CSVN từ
1976-1986. Duẫn là người giữ chức Tổng bí thư lâu nhất 25 năm, người có uy
quyền cao nhất của CSVN như Tập Cận Bình, Đặng Tiểu Bình bên Tầu. Năm 1954, khi
Việt Minh về tiếp thu Hà Đông, Hà Nội người ta chỉ nghe nói tới bốn nhân vật
chủ chốt Hồ, Giáp, Chinh, Đồng và một số sĩ quan cao cấp Thiếu tướng văn tiến
Dũng, Đại tá Vương Thừa Vũ… khi ấy Lê Duẫn, Lê Đức Thọ hoàn toàn vô danh, không ai biết tới
Duẫn sinh ngày 7-4-1907 tại Quảng
Trị trong một gia đình nông dân, mất ngày 10-7-1986. Năm 1920 học hết tiểu học,
Duẫn học hết năm thứ nhất trung học (đệ thất) rồi nghỉ. Năm 1926 làm nhân viên
sở hỏa xa, bẻ ghi đường rầy xe lửa Đà nẵng. Năm 1930 Duẫn gia nhập đảng CS Đông
Dương, năm 1931 là ủy viên tuyên huấn Bắc kỳ, tháng 4-1931 bị Pháp bắt ở Hải
Phòng kết án 20 năm tù.
Năm 1939 Lê Duẫn được bầu vào Ban thường vụ
trung ương đảng, năm 1940 bị Pháp bắt đầy ra Côn đảo án tù 10 năm, đến 1945
được đón về, năm 1946 làm việc bên Hồ Chí Minh. Từ 1946-1954 ông được cử làm Bí
thư xứ ủy Nam bộ, sau này là Trung ương cục miền nam, Chính ủy bộ tư lệnh nam
bộ. Năm 1951 Lê Duẫn được vào Ban chấp hành trung ương (BCHTƯ) và Bộ chính trị
trong kỳ Đại hội đảng lần 2. Năm 1952 ra Việt Bắc họp Trung ương đảng được Hồ
Chí Minh giữ lại làm phụ tá tới đầu năm 1954, được cử làm quyền bí thư Trung
ương cục miền nam.
Năm 1954-1957 ông được phân công ở lại miền
nam lãnh đạo, HCM chọn Duẫn vì ông ta nắm vững đường lối trung ương am hiểu địa
thế. Tới 1957 HCM gọi Lê Duẫn ra Hà Nội gấp để có thể điều hành công việc chung
của đảng. Tháng 9-1960 tại Đại hội toàn quốc lần thứ III, Duẫn được bầu
vào BCHTƯ và Bộ chính trị, giữ chức Bí
thư thứ nhất BCHTƯ đảng. Từ 1960 theo một số nhận định HCM sức khỏe yếu, Lê
Duẫn trở thành người có quyền hành cao nhất.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976
và lần thứ V tháng 3-1982, Duẫn tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư cho tới
chết, tại Đại hội V, Lê Duẫn sức khỏe yếu, Ban chấp hành giao một số việc cho
Trường Chinh. Lê Duẫn lên nắm quyền và tiếp tục theo đuổi cuộc chiến mà HCM
giao lại qui mô hơn, đẫm máu hơn. Tác giả Nguyễn thị Liên Hằng cách đây mấy năm
xuất bản cuốn Hanoi’s war, ý nói cuộc chiến này do Hà Nội phát động. Tôi nghĩ
nó không hoàn toàn đúng, nếu nói cuộc Thế chiến thứ II tại Châu Âu do Bá Linh
phát động hay cuộc Thế chiến tại Á châu do Đông Kinh chủ trương thì hoàn toàn
đúng vì họ tự làm được vũ khí, tự quyết định được. Hà Nội không tự làm được vũ
khí, họ phải xin viện trợ quân sự của Nga, Trung Cộng, phải được CS quốc tế
chấp thuận nên họ không tự ý phát động cuộc chiến được.
Sở dĩ CS quốc tế chấp thuận viện trợ cho BV
một số hàng khổng lồ tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí (6)
vì BV là một quân tốt quá lợi hại, là mũi nhọn xung kích của CS quốc tế để làm
suy yếu đế quốc. BV có lẽ là quân tốt của CS quốc tế hơn là một cường quốc quân
sự.
Những năm cuối thập niên 50 VC
bắt đầu đánh du kích và ám sát trưởng ấp, xã trưởng, thập niên 60 họ cho xâm
nhập các cán bộ tập kết, năm 1961 Việt Cộng
gia tăng lực lượng tới 25,000 cuối năm 1961. TT Kennedy cho tăng quân số VNCH lên 200,000
người, năm 1962 viện trợ cho VNCH ba đại đội trực thăng H-21, 16 phi cơ vận tải
C-123, hai chi đoàn thiết giáp M-113 (7) …
Việt Cộng bị bao vây tiêu diệt dần dần,
quân đội VNCH nhờ chiến thuật, vũ khí mới đã đạt thắng lợi năm 1962. Năm 1964,
lợi dụng tình hình chính trị miền Nam xáo trộn, Lê Duẫn cho gia tăng xâm nhập
cán binh, tiếp liệu. Giữa năm 1965 trung bình một tuần VNCH mất một quận và một
tiểu đoàn, TT Johnson vội đưa quân sang ngăn chận CS, cho tới 1968 đã có tới
nửa triệu quân Mỹ tại miền nam. BV gia tăng xâm nhập, cuộc chiến mở rộng. Vì sự
sai lầm của Johnson đem áp dụng chiến tranh giới hạn (limited war) vào VN kéo
dài cuộc chiến khiến phong trào chống đối ngày càng lên cao. Trận Mậu thân 1968
là thảm bại quân sự của BV nhưng lại là thảm bại chính trị cho Johnson. Người
Mỹ thua tại mặt trận đất nhà mặc dù trong những năm 1965, 1966, 1967.. đã tiêu
diệt được hàng mấy trăm ngàn tên địch.
Lê Duẫn áp dụng triệt để chiến lược cố đấm
ăn xôi đẩy thanh niên vào chỗ chết khiến người dân và Quốc hội Mỹ quá chán
chiến tranh Đông Dương. Họ đã áp lực tân Tổng thống Nixon rút quân ký Hiệp định
Paris tháng 1-1973, để rồi Quốc hội Dân chủ cắt giảm dần viện trợ quân sự cho
VNCH, tới tháng 2-1975 quân đội miền nam chỉ còn đủ đạn chiến đấu trong vòng
một tháng (8). Sài Gòn thất thủ ngày 30-4-1975, cuộc chiến giải phóng miền nam
của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thực ra chỉ là một cuộc ăn cướp vĩ đại như nhận xét của
ông Bùi Tín.
Tiếp tục sự nghiệp binh đao máu lửa của sư
phụ, Lê Duẫn lãnh đạo một cuộc chiến dài đằng đẵng bắt đầu từ cuối thập niên 50
cho tới cuối thập niên 80. Mấy năm sau cuộc chiến cốt nhục tương tàn 1975, cuối
thập niên 70 khởi đầu cuộc chiến giữa các chế độc Cộng Sản. Dưới thời Lê Duẫn,
chiến tranh loạn lạc liên tu bất tận khiến nhân dân khốn khổ trăm bề.
Rạn nứt giữa Bắc Kinh và Hà Nội khởi đầu từ
1968, Lê Duẫn có khuynh hướng thân Nga và đụng chạm với Trung Cộng. Hai bên bất
đồng quan điểm, Bắc Kinh muốn CSVN dùng chiến tranh du kích có giới hạn nhưng
Duẫn và tập đoàn của ông muốn đánh qui
ước để sớm chiếm được vựa lúa miền nam. Hà Nội muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ
tại Paris bắt đầu tháng 5-1968 mà Trung Cộng phản đối cuộc hòa đàm này. Tới năm
1972 khi Nixon sang Tầu bắt tay Mao Trạch Đông thì bị BV cho là phản bội cách
mạng, từ năm 1973, giới lãnh đạo Bác Kinh cho biết CSVN là kẻ thù. Năm 1975 Lê
Duẫn sang Tầu từ chối liên minh với Bắc Kinh chống lại Liên Xô. Hà Nội càng
thân Nga, Tầu đỏ càng sợ bị cô lập, tháng 7-1978, Trung Cộng cắt hết viện trợ,
rút cố vấn về nước.
Ngày 3-11-1978 Hà Nội ký Hiệp ước hữu nghị
với Nga về thương mại văn hóa và cả quốc phòng, an ninh hai nước để phòng thủ
chung khiến Bắc Kinh lo ngại thế gọng kìm Nga phương Bắc và CSVN phương nam. Tháng
4 và tháng 9- 1977 Khmer đỏ được Bắc Kinh giúp đỡ khuyến khích đã tấn công vào
lãnh thổ VN bằng các sư đoàn chính qui, đốt phá làng mạc, giết hại dân lành. CSVN
cũng cho quân đánh sâu vào đất Miên rồi rút lui, cuối 1978 Pol Pốt huy động
hàng trăm ngàn ngưới tấn công toàn biên giới, CSVN sau cùng huy động 6 quân
đoàn (khoảng 15 sư đoàn,180,000 quân) gồm cả pháo, xe tăng, máy bay… Từ đầu
tháng 12-1978 cho tới cuối tháng 3-1979 CSVN đã chiếm đươc gần hết lãnh thổ
Miên và thành lập chính quyền mới, cho tới tháng 12-1989 thì rút khỏi Khmer
theo điều kiện của Mỹ để được bãi bỏ cấm vận và bang giao. Theo dữ kiện phía CS
cho biết có khoảng 15,000 quân CSVN bị giết, 30,000 người bị thương phía Khmer
đỏ có hàng trăm nghìn bị tử thương chưa kể thường dân.
Trung Cộng đã khiêu khích biên giới từ lâu
nay yêu cầu Hà Nội phải rút khỏi Miên nếu không sẽ đánh thẳng vào VN. Ngày
17-2-1979 họ đưa khoảng từ 300 ngàn tới 500 ngàn quân tấn công trên toàn
biên giới, chiếm được các thị xã Lạng
Sơn, Cao Bằng và một số thị trấn khác rồi rút quân một tháng sau vào ngày 16-3. Tổn thất nhân
mạng mỗi bên khoảng 20,000 người. Cuộc
chiến đã để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài với kinh tế VN, cuộc xung đột còn kéo
dài hơn 10 năm nữa
Lê Duẫn người nắm quyền tuyệt đối của Hà
Nội đã gây nên nhiều cuộc chiến trong mấy chục năm sau Hiệp định Genève, đồng
thời tập đoàn của ông ta đưa ra đường
lối sai lầm về kinh tế. Hậu quả của các cuộc chiến tranh liên miên đưa tới
khủng hoảng về kinh tế, đời sống. Từ 1976 tới 1986 CSVN bị cô lập, ông Trần Văn
Thọ (Giáo sư Đại học Waseda, Đông Kinh) nói về kinh tế thời Lê Duẫn: mười năm
sau năm 1975 là một giai đoạn tối tăm nhất
trong lịch sử VN. Là một nước nông vi bản, 80% là dân quê, thiếu ăn phải
ăn độn bo bo, khoai sắn từ 1976 tới 1979. Lương thực theo đầu người giảm
liên tục từ 1976 tới 1979, sau đó
có tăng trở lại nhưng cũng không bằng 1976. Sản xuất công nghiệp đình trệ, vật
dụng thiếu, nhân dân vô cùng khốn khổ. Nguyên nhân chính do sai lầm trong chính
sách phát triển nhất là vội vã áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa vào kinh tế
miền nam. Nguy cơ thiếu ăn kéo dài cho tới thời kỳ đổi mới cuối năm 1986 mới
biến chuyển. Tổng sản lượng trong 10 năm trước ngày đổi mới (1976-1986) chỉ
thăng 35% (trung bình một năm 3,5%) trong khi dân số tăng 22%, lợi tức đầu
người chỉ tăng khoảng 1%. Việt Nam trong khoảng thời gian này được xếp trong số
10 nước nghèo đói nhât thế giới.
Áp dụng mô hình Xã hội chủ nghĩa, một lý
thuyết kinh tế mọi rợ từ một xã hội bán khai vào một đất nước tân tiến như miền
nam VN thất bại không có gì khó hiểu. Nó cho thấy Lê Duẫn và tập đoàn ấu
trĩ lạc hậu là nhường nào, Lê Duẫn một
con người thất học và độc đoán, nắm mọi quyền lực trong tay đã tàn phá đất nước
và đầy đọa dân tộc ta như thế nào.
Lê Duẫn nói
“Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả
nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta”
Xin hãy nghe nhà lãnh đạo học lực tiểu học
phát biếu vào dịp Tết 1976 như sau:
“Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở
Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”
Câu nói này của Duẫn chỉ khiến cho dân Sài
Gòn cười bể bụng, những cái mà ông ta hứa hẹn họ đã có từ trên mười năm trước
Mồng một Tết 1976, Duẫn về thăm quê tại
làng Hậu Kiên, Quảng Trị nói:
"Mồng 1 tết mà tôi đến thăm nhà nào
cũng thấy luộc sắn. Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi
đã chịu nghèo khổ, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao
để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa
có một quả trứng, một cốc sữa mà rất khó."
Thật là ghê tởm cho cái phản văn minh, phản
tiến bộ mà Duẫn đem lại cho đất nước.
Được Hồ Chí Minh gọi về Bắc và giúp cho lên
giữ chức Bí thư thứ nhất thay thế Trường Chinh năm 1957, Lê Duẫn dần dần trở
thành nhân vật số một của chế độ. Duẫn phạm nhiều tội ác với dân tộc VN gấp bội
lần HCM, cuộc chiến mà ông ta ngoan cố tiến hành vĩ đại hơn và tàn phá đất nước
gấp mười lần cuộc chiến tám năm khói lửa của họ Hồ. Duẫn đã biến VN trở thành
quân tốt quá lợi hại của CS quốc tế, đã làm đổ quá nhiều xương máu của nhân dân
ta qua ba cuộc chiến liên tục từ 1958 cho tới cuối 1989.
Theo tiết lộ mấy năm gần đây của ông Bùi
Tín và một số cựu đảng viên, Lê Duẫn và đồng bọn đã chia chác nhau 18 tấn vàng
lấy được từ Ngân hàng quốc gia VNCH năm 1975. Người ta cho biết nay không còn
dấu tích gì của số vàng khổng lồ này.
May mà Duẫn chết bệnh để rồi chính sách đổi
mới thay thế con đường mọi rợ độc đoán của một nhà lãnh đạo vô học như ông ta
đã kéo dài mấy chục năm đằng đẵng.
Trường Chinh
Tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày
9-2-1907 tại làng Hành Thiện, Nam Định, mất ngày 30-9-1988 tại Hà Nội. Trường
Chinh đã hai lần giữ chức Tổng bí thư, ngoài ra ông giữ chức Chủ tịch nhà nước
1981-1987, Chủ tịch Quốc hội 1960-1981.
Năm 1954, khi Việt Minh về tiếp thu Hà
Đông, Hà Nội, bốn nhân vật chính của đảng là Hồ Chí Minh Chủ tịch đảng kiêm chủ
tịch nhà nước, Võ Nguyên Giáp Tổng tư
lệnh quân đội nhân dân, Trường Chinh
Tổng Bí Thư đảng, Phạm Văn Đồng
Phó thủ tướng, trong đó Trường Chinh được coi là nhân vật số hai của chế độ. Trường
Chinh viết sách báo tuyên truyền cho Việt Minh như một lý thuyết gia của chế độ
nhưng thực ra tư tưởng của ông cũng không có gì mới lạ. Ông ta nổi tiếng ở
chiến lược trường kỳ kháng chiến nhất định thành công
Đặng Xuân Khu thuộc gia đình nho giáo, từ
nhỏ đã học Tứ Thư, Ngũ Kinh, thơ Đường, lớn lên theo Tây học bậc thành chung
(đệ nhất cấp sau này), vì tham gia chính trị nên bị đuổi học năm 1926. Năm 1927
Xuân Khu lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng thương mại, năm 1929 Khu vận động
thành lập Đông Dương CS đảng và là một trong những đảng viên đầu tiên. Cuối năm
1930 bị Pháp bắt và kết án 12 năm tù, năm 1936 được trả tự do. Tại hội nghị
Trung ương khóa 7 họp tại Bắc Ninh tháng 11-1940, Trường Chinh được bầu vào Ban
CHTƯ cùng được cử làm quyền Tổng bí thư thay thế Nguyễn văn Cừ. Tháng 5-1941
tại Hội nghị trung ương lần thứ 8 họp tại Cao Bằng, Trường chinh được bầu Tổng
bí thư kiêm trưởng ban tuyên huấn Trung ương, năm 1943 bị Pháp xử tử hình khiếm
diện.
Tháng 3-1945, ông triệu tập Hội nghị thường
vụ trung ương xác định thời cơ tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Trong giai
đoạn chuẩn bị cho Cách mạng tháng tám 1945, tại Hội nghị toàn quốc của đảng do
Trường Chinh trụ trì, ông được giao phụ trách ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Cuối
năm 1945, đảng CS Đông dương tự tuyên bố giải tán (giả vờ) và chuyển thành Hội
nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương do Trường Chinh làm hội trưởng.
Kháng chiến bùng nổ cuối năm 1946, ông viết
một loạt bài nổi tiếng rất dài với tựa đề “Kháng chiến nhất định thắng lợi”
trên báo Sự thật năm 1947. Võ Nguyên Giáp nhận định bác Hồ là linh hồn của
kháng chiến, Trường Chinh là người đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý
luận. Năm 1951 tại Đại hội đảng lần thứ
2, đổi tên đảng là Đảng Lao động VN, ông lại được bầu vào Ban CHTƯ và giữa chức
Tổng bí thư cho tới tháng 10-1956. Báo Cứu quốc đăng bài giới thiệu đánh giá:
Hồ chủ tịch là linh hồn của cách mạng thì ông Trường Chinh là bàn tay điều
khiển chỉ huy.
Năm 1951 đường lối cải cách ruộng đất được
đưa ra trong báo cáo chính trị của Trường Chinh tại Đại hội lần thứ 2, thừa
nhận những địa chủ không phản quốc có quyền công dân, quyền tài sản. Năm
1953Việt Minh chiếm ưu thế chiến trường, Trường Chinh được cử làm trưởng ban
cải cách ruộng đất Trung ương. Cuộc cải
cách ban đầu có kết quả, tịch thu tài sản của bọn phản quốc chia cho bần cố
nông.
Sau khi kiểm soát được miền bắc, cuối năm
1954 do áp lực của các cố vấn Tầu, chiến dịch Cải cách ruộng đất được đẩy mạnh
tới chỗ tàn bạo, đổ máu, bắn giết..khiến hơn một trăm ngàn người bị thiệt mạng.
Trường Chinh phải chịu trách nhiệm và từ chức Tổng bí thư, sau đó ông đứng đầu
công tác sửa sai. Năm 1958 Trường Chinh được bổ nhiệm Phó thủ tướng kiêm chủ
nhiệm ủy ban khoa học nhà nước. Năm 1960 được bầu vào Ban CHTƯ, Ủy viên Bộ
chinh trị, Chủ tịch quốc hội cho tới năm 1976. Sau khi chiếm được miền nam ngày
30-4-1975, Trường Chinh tuyên bố trên đài phát thanh:
“Nay nhà nhà ai nấy đều đã có cơm
ăn áo mặc, trẻ em đều được cắp sách đến trường, đó là những thành quả của đảng ta
mà qua lịch sử VN từ xưa tới nay chưa ai thực hiện được”
Không hiểu người miền Bắc nghĩ sao về lời
nói của ông Chủ tịch quốc hội, người miền nam, dân Sà goòng nghe xong thì họ
cười bể bụng!
Năm 1981 ông được bầu vào chức Chủ tịch hội
đồng nhà nước, Chủ tịch hội đồng quốc phòng, ngày 14-7-1986 Trường Chinh được
bầu làm Tổng bí thư thay thế Lê Duẫn chết bệnh.
Tháng 12-1986 tại Đại hội đảng lần thứ 6
ông rút khỏi các chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước, làm cố vấn cho BCHTƯ
đảng. Trường Chinh mất ngày 30-9-1988
thọ 81 tuổi. Người ta cho rằng Trường Chinh là người bảo thủ, phụ trách tuyên
truyền nhưng chính ông là người phát động đổi mới nhường chỗ cho Nguyễn Văn
Linh tại Đại hội 6. Ông ta nói trên truyền hình tôi và đồng chí Lê Đức Thọ xin
không ghi danh ứng cử…
Trường Chinh là người tán thành đổi mới
nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng 10 năm sau ngày chiếm được miền nam, Võ
Văn Kiệt nói Trường Chinh là Tổng bí thư đổi mới. Các cán bộ cao cấp đánh giá
Trường Chinh là người đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng, tạp chí Cộng sản
nói Trường Chinh là Tổng bí thư đặt nền móng cho công cuộc đổi mới, ông được
coi là người bảo thủ nhưng cuối đời quan điểm của ông thay đổi thành cấp tiến.
Thực ra theo lời một cán bộ trung cấp, giám
đốc hồi hưu (tôi được tiếp xúc năm 1989) cho biết Gorbachov, Tổng bí thư CS
Liên xô đã cử người sang làm đảo chính không cho đổ máu. Tôi nghĩ nếu không có
sự ép buộc của Liên Xô lớp người bảo thủ như Trường Chinh, Lê Đức Thọ sẽ còn
nắm quyền dài dài, đến Tết họ mới chịu thoái vị. Một cố vấn của Trường Chinh
phát biểu: Giữa năm 1986 đói khổ, các dự
án lớn thất bại, nguyên liệu khan hiếm, lạm phát 300, 400, 500, 700%... Lòng
dân hoang mang, trong khi khủng hoảng Trường Chinh quyết định táo bạo đưa đất
nước phát triển theo đường lối mới sau khi đã trải qua những sai lầm.
Sự thực ngoài đổi mới ra họ không còn đường
nào khác khi Nga bắt đầu từ bỏ CS, từ bỏ kinh tế chỉ huy sang kinh tế tự do. Trong
bài “VN từ 1990”, William S. Turley nói về đổi mới của CSVN như sau: sự sụp đổ
của Đông Âu khiến CSVN bị cô lập, từ 1985 bắt dầu rút khỏi Căm Phu Chia, tháng
9-1989 rút hết. VN cải thiện quan hệ các nước láng giềng, bang giao với Mỹ từ
1995, cùng năm được gia nhập khối ASEAN cho thấy VN được hội nhập với các nước
khác, tái lập hòa bình. Họ tập trung cải cách kinh tế cuối thập niên 80, chính
phủ tiến hành những bước thực tiễn, đáp ứng thực trạng trong nước. CSVN đổi mới
vì họ không còn con đường nào khác. Những điểm chính đổi mới gồm: luật đầu tư
có chút cấp tiến, bãi bỏ hợp tác xã nông nghiệp, chấm dứt bao cấp, giảm bỏ các
công ty quốc doanh. Việc làm ở lãnh vực tư gia tăng, đầu tư ngoại quốc tăng,
khai thác dầu, sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, kỹ nghệ du lịch. Trong thời gian
ngắn VN chuyển từ giao thương với các nước CS sang giao thương với Hồng Kông,
Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Nhật…
Đó là cái nhìn của Tây phương về đổi mới.
Từ ngày CSVN thành hình cho tới cuộc chiến chống Pháp,
Trường Chinh luôn là cánh tay phải đắc lực của họ Hồ, của đảng. Gần cuối năm
1956 ông ta từ chức Tổng bí thư vì cải cách ruộng đất, Lê Duẫn lên thay.
Nếu không có Cải cách ruộng đất, Trường
Chinh vẫn làm Tổng bí thư, ông ta không chống Tầu như Lê Duẫn, tôi nghĩ cuộc
chiến sẽ nhỏ hơn trong những năm 1965, 1966, 1967... không đẫm máu như thời Lê
Duẫn và chắc sẽ không có cuộc chiến Việt- Miên, Việt-Hoa cuối thập niên 70.
(còn tiếp)
(1) Henri Navarre, Agonie de
l’Indochine trang 15
(2) Quân sử 4, Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa trong giai đọan hình thành 1946-1955, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH năm 1972,
trang 22
(3) Street Without Joy trang 32
(4) Henri Navarre, Agonie de
l’Indochine trang 47
(5)
Wikipedia, Yahoo.fr: Guerre d’Indochine
(6) BBC.Vietnamese.com ngày
10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đăng Phong, Năm
Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(7) Nguyễn Đức Phương, Chiến
Tranh VN Toàn Tập trang 20, 21.
(8) Cao Văn Viên, Những ngày cuối
VNCH trang 92
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét