Ngải Vị Vị là 'nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất'
Ông Ngải Vị Vị đã bị giam giữ tám tháng rồi được thả |
Một cuộc bình chọn do tạp chí ArtReview ở Anh quốc mới thực hiện cho thấy ông Ngải Vị Vị được coi là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Ngải, 54 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hơn 80 ngày và thả về nhà hồi tháng Sáu nhưng bị hạn chế đi lại.
Ông nói với BBC tiếng Trung rằng ông "không thấy mình có ảnh hưởng gì nhiều" tuy thừa nhận danh vị này đã công nhận đóng góp của ông trong hoạt động nghệ thuật hồi năm ngoái.
Nghệ sỹ bất đồng chính kiến nói qua điện thoại từ Bắc Kinh: "Công an vẫn đang hạn chế tự do của tôi. Tôi không được rời Bắc Kinh. Mỗi lần tôi muốn ra khỏi nhà, như đi gặp bạn bè hay ăn tối chẳng hạn, tôi lại phải thông báo cho công an trước".
"Một trong các điều kiện để họ thả tôi là tôi không được bình luận về các chủ đề tế nhị. Thế nhưng tôi không thể tránh né một số chủ đề mà tôi quan tâm."
Ông Ngải nói thêm: "Tôi biết làm thế là chính quyền sẽ giận dữ, nhưng tôi sẵn sàng chịu hậu quả. Tất nhiên tôi cũng không muốn gặp quá nhiều vấn đề với nhà chức trách".
Ngải Vị Vị là họa sỹ thứ hai đứng đầu bảng bình chọn của ArtReview từ xưa tới nay.
Tạp chí nghệ thuật có uy tín này nói hai tiêu chí để lựa chọn là hoạt động chính trị và hoạt động nghệ thuật của ông.
Thông cáo của ArtReview viết: "Công việc của Ngải Vị Vị đã cho phép các nghệ sỹ được vươn ra xa hơn phạm vi của một không gian hạn chế trên các bức tường bảo tàng hay phòng tranh".
"Nó mở rộng khả năng của người nghệ sỹ đối với nghệ thuật, ví dụ như là một họa sỹ anh vẫn có thể sử dụng giọng nói của mình."
Nhân vật nổi tiếng
Ngải Vị Vị bị bắt hồi tháng Tư, khi chuẩn bị máy bay từ Bắc Kinh đi Hong Kong. Sau đó đã có một phong trào kêu gọi tự do cho ông trên toàn cầu.
Triển lãm hạt hướng dương bằng sứ của ông Ngải ởLondon hồi năm 2010 gây tiếng vang lớn tại Anh |
Chính phủ Trung Quốc nói ông Ngải bị bắt vì tội trốn thuế, nhưng gia đình ông luôn khẳng định rằng ông bị bắt vì động cơ chính trị.
Là một trong các họa sỹ nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, Ngải Vị Vị còn được quốc tế biết tới vì đã tham gia thiết kế 'sân vận động tổ chim' cho Olympic Bắc Kinh 2008.
Năm 2010, ông sáng tác một thảm gồm 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ cho phòng trưng bày Turbine Hall của bảo tàng Tate Modern ở London.
Chính quyền Trung Quốc không hài lòng rằng triển lãm nêu chủ đề thân phận người dân Trung Quốc từng như hạt hướng dương, phải hướng tới 'Đông Phương Hồng' tức Đảng và lãnh tụ nhưng bị chà đạp.
Damien Hirst, một nghệ sỹ cũng không kém phần danh tiếng của Anh, là họa sỹ đầu tiên được xếp vào vị trí đầu trong bảng bình chọn các nhân vật có ảnh hưởng của ArtReview, trong hai năm 2005 và 2008.
Năm nay, vị trí thứ hai trong bảng bình chọn thuộc về hai vị giám đốc của Phòng tranh Serpentine ở London là Hans Ulrich Obrist và Julia Peyton-Jones.
Giám đốc nghệ thuật Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York Glenn D Lowry đứng thứ ba, tiếp đó là chủ một phòng tranh ở Mỹ, ông Larry Gagosian, người đứng đầu bảng bình chọn năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét