Phương Bích: Bước Chân Vào Chốn Ngục Tù (3)
Ghi chép của Phương Bích - Xét về lý, tôi không nghĩ họ có cớ giữ chúng tôi lâu đến thế. Những lần trước đối mặt với các lực lượng đầy đủ sắc phục, hô khẩu hiệu rát họng, cờ và biểu ngữ giăng đầy mà họ còn chẳng bắt giữ ai. Lần này họ giữ chúng tôi lâu thế là có ý gì? Tôi không tin là vì cái thông báo bất hợp pháp mới đây của UBND thành phố Hà Nội, vốn đang bị các nhân sĩ trí thức và những người biểu tình ký tên vào thư kiến nghị phản đối.
Nhưng thực tế mọi chuyện đều có thể xảy ra, bất chấp mọi lý lẽ.
Hơn 11 giờ đêm ngày 21/8, người đầu tiên họ gọi là bác Dần để ký giấy xử phạt hành chính. Nhưng cả ngày bác ấy nhất quyết không ăn cái gì, bây giờ bác ấy cứ nằm dài trên ghế. Sau bác ấy ngồi dậy bảo:
- Tao chả ký cái gì cả, chúng mày có xin lỗi rồi thả tao ra thì thả.
Tưởng nói đùa, hóa ra họ thả bác ấy thật. Sau khi bác ấy đi rồi, một tay công an ra bảo chúng tôi ký làm chứng là bác Dần không ký, chúng tôi bảo chẳng biết làm chứng cái gì thì anh ta bỏ đi. Chúng tôi chẳng hiểu cung cách làm việc của họ là thế nào, ép không được thì thả à? Sao lại tùy hứng vậy? Vậy mà chính bác ấy lại là người quậy nhất khi bị bắt, trong khi bị ba bốn người túm chặt, bác ấy cầm cái ô chọc loạn xạ đến gãy cả ô, luôn miệng chửi [...]. Bác ấy còn khoái chí kể toàn bị chọc đúng chỗ hiểm mà chúng nó chẳng đứa nào dám kêu.
Sau đó họ gọi tôi và Minh Hằng ra tống đạt cái quyết định tạm giữ 3 ngày. Tôi không tin vào tai và mắt mình, không thể nghĩ họ dám bất chấp mọi đạo lý để giam giữ chúng tôi chỉ vì đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Nhưng quyền ở trong tay họ, bây giờ tôi có phản đối cũng vô ích nên tôi không cần biết họ gán cho tôi cụ thể là tội gì. Khi nào ra tòa hãy hay. Họ bắt tôi tháo hết đồ trang sức, điện thoại, kể cả dây giày. Lúc ấy tôi không biết Tiến Nam và những người khác không bị tạm giữ 3 ngày như chúng tôi, nên cả tôi và Minh Hằng cùng đập hết điện thoại, bẻ sim ngay trước mặt họ. Tôi vốn làm gì cũng nhanh gọn, không để ai phải chờ đợi bao giờ, đã chấp nhận tình thế thì cứ thế mà làm. Mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy họ bảo đi theo một cô công an trẻ vào bên trong khu vực giam giữ để khám người, tôi vẫn thoăn thoắt đi theo cô ta. Tôi nhanh nhẹn cởi giày, cởi tất. Nhưng đến khi nghe cô công an trẻ nói: chị cởi hết quần áo ra thì tôi nóng bừng mặt:
- Cái gì?
- Chị cởi hết quần áo ra.
Tôi phăm phăm lộn trở ra khu vực bên ngoài, giữa bao nhiêu người đàn ông dù họ có là ai đi chăng nữa, tôi phẫn nộ lớn tiếng:
- Cô này nói tôi phải cởi hết quần áo ra. Tôi nói cho các anh biết, đến ngay trước mặt mẹ đẻ tôi, tôi cũng bao giờ làm thế. Tôi không phải là gái điếm, là tội phạm mà các anh có thể muốn làm gì thì làm.
Minh Hằng vẫn đang ngồi đó cũng tru tréo lên. Thấy chúng tôi phản đối dữ quá, một ông lớn tuổi bảo:
- Thôi, chỉ khám bên ngoài thôi.
Tôi quay phắt vào trong khu giam giữ, chờ sẵn cho cô công an sờ nắn người để khám xét. Nhưng có lẽ bản thân cô ta cũng thấy xấu hổ về điều đó nên bảo thôi, không cần khám nữa. Nhất định sau này tôi sẽ tìm hiểu thật cặn kẽ về quyền hạn của họ, để còn biết mà phản đối cách thực thi pháp luật của họ có tùy tiện hay không.
Tôi đi theo một người mà bây giờ tôi chẳng còn nhớ là nam hay nữ, chỉ biết họ dẫn tôi qua những căn phòng có cửa là song sắt, bên trong thấp thoáng bóng nhiều người đang nghé nhìn ra. Tôi hồi hộp khi nghĩ về những người cùng phòng giam, họ có đánh phủ đầu tôi như tôi vẫn từng nghe thấy ở ngoài đời không?Khi bước vào căn phòng, tôi nhẹ cả người khi nhìn thấy chỉ có một phụ nữ trẻ hơn tôi. Nom cô ấy khá xinh, và có vẻ hiền lành. Bọn tôi nhìn nhau thăm dò vài giây, bắt đầu làm quen bằng việc hỏi tại sao phải vào đây. Cô ấy chỉ cười buồn lắc đầu khi tôi hỏi về cô ấy:
- Tội em nặng lắm
- Còn mình thì bị bắt vì đi biểu tình chống Trung Quốc.
Cô ấy tròn mắt nhìn tôi:
- Biểu tình chống Trung Quốc mà bị bắt á?
- Thế đấy.
- Chống Trung Quốc là để bảo vệ mình cơ mà?
- Ừ, thế mới là chuyện thời nay.
Tôi kể mọi chuyện cho cô ấy nghe, cũng là một phần để trấn an cho chính sự phẫn nộ đang cuồn cuộn trong lòng tôi. Chuyện của cô ấy tôi không hỏi thêm lời nào, không muốn khoét sâu thêm vào nỗi đau của cô ấy. Cô ấy bảo:
- Suốt từ chiều em cứ hồi hộp mãi, người ta bảo sắp có thêm người vào ở cùng. Đừng có mà nói chuyện gì đấy, nó nói gì cũng mặc. Em sợ quá, cứ tưởng họ cho đầu gấu vào khủng bố em, nếu nói lại thì nó đánh chết. Thấy chị, em mới thở phào. Đúng là hú vía!
Hóa ra cả hai chúng tôi đều sợ như nhau. Họ phát cho tôi một cái chiếu và một cái chăn dạ thô. Cô bạn cùng phòng giam ngửi cái chiếu bảo:
- Chiếu mốc! Thôi, hai chị em mình nằm chung cũng được.
Tôi nói mãi cô ấy mới chịu nằm yên. Lúc này tôi chỉ muốn tĩnh lặng để nghĩ về những gì đang xảy ra với mình. Trải cái chăn xuống bệ xi măng, tôi nằm xuống sau một ngày mệt mỏi rã rời, lắng nghe mọi động tĩnh ở bên ngoài. Không biết những người kia có may mắn có một người bạn tù hiền lành như tôi không. Tôi thương nhất Đức xoăn và Long Hữu, chúng nó còn trẻ quá, chắc hẳn sẽ bị áp lực từ gia đình nhiều hơn tôi. Tiến Nam thì tôi nghe nói nó được cha mẹ cưng chiều lắm. Tôi gác tay che mắt khỏi ánh sáng của ngọn đèn ngoài hành lang, nằm suy nghĩ miên man, nghe thấy tiếng Minh Hằng gào thét ở xa xa.
Hẳn việc giam hắn vào phòng không phải là điều dễ dàng. Tôi lượng sức mình, chẳng thể chống lại được. Chỉ cần va chạm mạnh là tôi đủ bầm tím cả người rồi. Rồi tôi lại thương bố ở nhà đang ngóng chờ tôi, nước mắt tôi giàn giụa. Có một chút ân hận thoáng qua, là sao không có một lý do gì đó để ngăn tôi không ra Bờ Hồ sáng nay? Nhưng rồi tôi lại tự hổ thẹn với chính mình. Chẳng lẽ tôi mong người bị bắt không phải là tôi mà là một ai đó trong số những người tôi quý mến ư? Xin bố mẹ và các anh chị tha lỗi!
Dù hiện tại là tôi đang nằm đây, trong căn phòng dành cho kẻ tội phạm, tôi vẫn không thể hiểu tại sao họ có thể bất chấp mọi sự thật, không cần bằng chứng để gán cho tôi cái tội danh hết sức ngớ ngẩn thế. Hàng ngày tôi vẫn đọc trên báo, thấy rất nhiều kẻ mang tiếng là thực thi pháp luật, nhưng vì sự vô lương tâm và vô trách nhiệm, đã đẩy biết bao nhiêu con người vào vòng tù tội một cách oan trái mà chẳng hề bị xử lý.
Khi thấy họ thả bác Dần, tôi mừng cho bác ấy, nhưng cũng qua đó tôi thấy họ chẳng dựa trên một chứng lý nào để bắt giữ chúng tôi. Họ muốn bắt chúng tôi để răn đe những người khác, để khủng bố tinh thần chúng tôi vì không muốn cho chúng tôi đi biểu tình, chứ chả phải nghi ngờ đảng phái này nọ gì cả. Nhưng bắt vì đi biểu tình thì phải bắt cả mấy trăm người, trong đó có bao nhiêu nhân sĩ, trí thức. Vậy thì phải gán cho chúng tôi một cái tội gì chứ. Thế là 9 lần trước tôi còn là người biểu tình yêu nước, đến lần thứ 10 thì tôi bỗng trở thành kẻ gây rối, thật quá sức lố bịch.
Tôi biết ở ngoài kia, những người bạn của tôi trong đoàn biểu tình đang vô cùng lo lắng cho chúng tôi. Lúc chiều, mẹ Nấm nhắn tin vào máy của Tiến Nam, nói trên mạng mọi người đã nghe tin chúng tôi bị bắt, không ai nuốt nổi cơm. Đấy là lúc còn chưa ai biết chúng tôi sẽ bị giam giữ 3 ngày.
Còn nữa....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét