Trần Mạnh Hảo

Đọc tập thơ của Trần Gia Thái, buồn về hội chứng "méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách" của nền văn học hôm nay

Trần Mạnh Hảo
Thế mà Trần Gia Thái dám vu oan giá họa cho các vị yêu nước hết mực kia là xấu xa, là phản động thì có phải ông đã bị “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” rồi hay sao? Ông Trần Gia Thái nên biết rằng năm ông sinh ra đời, tức năm 1955, nhà văn Nguyên Ngọc đã được giải nhất giải thưởng văn nghệ Việt Nam với tác phẩm “Đất nước đứng lên” đồng hạng với tác phẩm thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Thế mà ông dám “hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người” ông Nguyên Ngọc...

Chúng tôi xin mạn phép ông Trần Gia Thái mượn cụm từ “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” của ông để gắn vào đuôi nhan đề bài viết này.

“Lời nguyện cầu trước lửa” (NXB Hội nhà văn 2011) là tập thơ đầu tay của ông Trần Gia Thái, 56 tuổi, thấy đề chức danh ở phần gấp bìa một như sau: “Ủy viên thường vụ - Trưởng ban nghiệp vụ hội nhà báo Việt Nam. Chủ tịch hội nhà báo thành phố Hà Nội. Tổng giám đốc -Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội”. Sau khi viết bài phê bình: “Vì sao nhà thơ Hữu Thỉnh hết lời ca ngợi những câu thơ tẻ nhạt của Trần Gia Thái?” in trên hàng chục báo mạng, chúng tôi thiết nghĩ sẽ không viết gì thêm về tập thơ của Trần Gia Thái nữa. 

(Nhân đây, chúng tôi cũng xin thưa về danh xưng “chúng tôi” khi viết phê bình văn học. Có khá nhiều bạn đọc, bằng những góp ý dưới bài viết của chúng tôi, chê chúng tôi dốt: rằng, ông Hảo chỉ được quyền xưng tôi, chỉ có mình ông sao lại xưng là “chúng tôi”, hay có rất nhiều ông Hảo khác cùng đứng tên, hay ông đại diện cho một tập thể người nào để viết? Thưa, để giữ phép lịch sự và để khiêm tốn, khi trước tác, người ta không ông ổng xưng tôi thế này, tôi thế nọ, nghe chướng; vì “cái tôi đáng ghét” mà! Do đó, việc người viết dùng danh xưng “chúng tôi” là một thói quen khiêm tốn, lễ phép của văn hóa viết, văn hóa nói Việt Nam và thế giới. Nhiều vùng miền Trung và miền Nam khi nói chuyện với nhau, tuy chỉ có hai người, hai bên vẫn nhất mực xưng “ bầy tui” đó sao” ?) 

Khi đọc “Lời nguyện cầu trước lửa” của Trần Gia Thái, trang 58, đến đoạn sau, với những lời nói rất nôm na, không thể gọi là thơ, chúng tôi quyết định viết bài báo này. Xin trích : 

“…Tôi lịm dần, lịm dần trong đớn đau cùng cực 
Không đau đớn làm sao khi anh bị hàm oan, bị người ta hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người. 
Cơn đau quặn thắt thay vì thét lên: Không phải thế, tôi nuốt nước mắt vào trong miệng vẫn rầm rì như cầu nguyện: không phải thế… 
Không… phải… thế, cho đến khi toàn thân dại tê vô cảm.
Ai bảo cây ngay không thể nào chết đứng 
Trước mắt người đời tôi thành kẻ méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách…” 
(Lời ông già tiên tri và bài thơ viết ở tầng tư) 

Thưa qúy bạn đọc, trên đây là những lời ông Trần Gia Thái viết về nỗi đau tột cùng của ông khi ông bị người ta vu oan giá họa. Nhân vật xưng “tôi” trên có thể là chính tác giả hoặc là một cái tôi biểu tượng, cái tôi hư cấu, nhưng hệ quả mà lời vu oan mang lại thì tột cùng đau đớn cho “tôi”. 

Thưa ông Trần Gia Thái, để khỏi bị “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách”, khế ước về đạo đức xã hội quy định rằng: cái gì mình không muốn, thì đừng đổ vấy lên đầu kẻ khác; rằng tự do của anh nghĩa là đừng làm mất tự do của người khác. 

Việc ông Trần Gia Thái chỉ thị cho thuộc hạ ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, tối 21/8/2011, tối 22/8/2011 đã phát hình hai chương trình truyền hình dài dằng dặc nhằm bôi nhọ, vu oan giá họa cho những người yêu nước biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược tại khu vực quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội như các ông: nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Nhà văn Nguyễn Huệ Chi, TS. Nguyễn Quang A, GS.TS, nhà khoa học Ngô Đức Thọ, TS. Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, TS. Viện phó Viện Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện… là xấu xa, là phản động, cần kiên quyết với những phần tử phản động này… thì hành vi vu khống khủng khiếp này nên gọi tên là gì thưa ông Trần Gia Thái ? Ông Trần Gia Thái đang bị những người yêu nước chân chính trên kiện ra tòa vì tội vu khống. Nếu những nhân vật nổi tiếng kia xấu xa, phản động như ông Trần Gia Thái vu vạ, sao ông Bí thư thành ủy đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị lại mời họ đến gặp cùng đối thoại. Chính ông giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh đã trả lời báo chí rằng, những người biểu tình quanh Bờ Hồ vừa qua là những người yêu nước… 

Thế mà Trần Gia Thái dám vu oan giá họa cho các vị yêu nước hết mực kia là xấu xa, là phản động thì có phải ông đã bị “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” rồi hay sao ? Ông Trần Gia Thái nên biết rằng năm ông sinh ra đời, tức năm 1955, nhà văn Nguyên Ngọc đã được giải nhất giải thưởng văn nghệ Việt Nam với tác phẩm “ Đất nước đứng lên” đồng hạng với tác phẩm thơ “ Việt Bắc” của Tố Hữu. Thế mà ông dám “hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người” ông Nguyên Ngọc (và các chiến hữu yêu nước) đáng tuổi cha ông Thái, một vị công thần cách mạng, công thần văn học của nhà nước Việt Nam như thế thì thử hỏi, ông là người có văn hóa hay không ? Ủng hộ, đứng đằng sau những người yêu nước biểu tình như các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện… kia là các bậc nguyên lão quốc gia như GS. Hoàng Tụy, thiếu tướng nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, luật sư Trần Lâm, nhà ngoại giao Dương Danh Dy…, là toàn thể nhân dân im lặng, không phải các thế lực thù địch nào đâu thưa ông Trần Gia Thái ? 

Chúng tôi lấy làm lạ, một người căm thù đến xương tủy những người yêu nước chân chính như ông Trần Gia Thái mà cũng dám cầm bút làm thơ ư ? Khi đã “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách”, khi mang trong người “ tâm hồn nước lạ” như Trần Gia Thái, dứt khoát không thể có tấm lòng cao đẹp để bước vào ngôi đền thi ca. 
Trần Gia Thái dành cả trang năm của tập thơ để in thủ bút “tuyên ngôn nghệ thuật” rất chi là hoành tráng của ông như sau: “Để có một tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời phải có biết bao nhiêu sự vun đắp bồi bổ tích nạp ghê gớm ngoài bản thân tác giả Những đóng góp ấy thậm chí còn vượt lên , vượt xa trở thành vô hình vì quá lớn lao mà chỉ những người coi nhẹ chữ TÔI mới nhận biết được. Tập thơ này cũng vậy - ở đây – quê hương, dòng họ, gia đình, vợ con, bằng hữu, đồng nghiệp, người thân đã hào phóng ban tặng tôi cảm xúc, lại còn mang đến cho tôi một môi trường thanh sạch để trải mình…Xin được cám ơn, biết ơn và yêu thương tất cả… Hà Nội 20/4/2011, ký tên Trần Gia Thái” 

Những dòng thủ bút tuyên ngôn có cánh mở đầu tập thơ trên, chắc chắn ông Trần Gia Thái phải đọc đi đọc lại, cẩn thận từng câu chữ rồi mới chụp để in lên sách cho bàn dân thiên hạ tỏ tường. Chúng tôi chưa từng đọc ở đâu một đoạn văn trúc trắc, lủng củng, ý tứ lộn xộn, tầm phào, lại sai ngữ pháp tiếng Việt như đoạn văn trên của Trần Gia Thái. Câu văn đầu của đoạn trên không có dấu chấm câu, lại thiếu cả thành phần chủ ngữ và thành phần vị ngữ. Câu văn luộm thuộm không rõ nghĩa mà lại rất buồn cười: “ngoài bản thân tác giả” thì những việc “ vun đắp bồi bổ tích nạp ghê gớm” kia trút vào đâu, trút vào hư vô à ? Câu văn thứ hai hết sức vô nghĩa khi Trần Gia Thái bảo “ Những đóng góp ấy” (tức thành công của tác phẩm văn học nghệ thuật) “ vượt lên, vượt xa trở thành vô hình vì quá lớn lao” là sao ? Ô hay, thí dụ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương…vì quá lớn lao mà biến thành vô hình cả hay sao ? Chỗ này, Trần Gia Thái đã viết rất bậy. Trần Gia Thái, ở cuối câu văn thứ hai đưa ra một ý tưởng mà giời cũng không hiểu nổi là: “… mà chỉ những người coi nhẹ chữ TÔI mới nhận biết được” ? Người thưởng thức tác phẩm văn học phải mang hết cái TÔI của mình mới có thể thành tri âm tri kỷ với tác giả được. Đọc thơ Hồ Xuân Hương mà bỏ cái tôi ra ngoài, tức bỏ hồn vía ra ngoài, bỏ con người thật với đầy đủ thành tố phồn thực bản năng của mình ra ngoài thì làm sao cảm nhận được hồn vía thi ca tuyệt diệu của bà chúa thơ Nôm ? 

Câu văn thứ ba, Trần Gia Thái hạ một kết luận kinh người: “Tập thơ này cũng vậy”. Nghĩa là tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” của ông Thái tuân thủ mọi kết luận của hai câu trước: “đóng góp ấy… vượt lên, vượt xa, trở thành vô hình vì quá lớn lao”. Viết như thế này, cầm bằng như Trần Gia Thái đã cho tập thơ mình là quá lớn lao. Chưa từng có ai trên đời dám vỗ ngực cho thơ mình là lớn lao một cách công khai trước bàn dân thiên hạ như Trần Gia Thái ? Vì tập thơ này của Trần Gia Thái lớn lao đến độ biến thành vô hình, thành không có thật hay sao? 

Một người chưa biết viết câu văn tiếng Việt đơn giản, viết sai ngữ pháp, viết thật tối nghĩa, phản nghĩa, lủng củng như Trần Gia Thái, sao có thể lãnh đạo toàn ngành báo chí từ báo chữ, báo nói, báo hình của thành phố Hà Nội ? Bó tay! 

Đọc cả tập thơ “ Lời nguyện cầu trước lửa”, chúng tôi chẳng tìm thấy sự lớn lao nào cả, chí thấy toàn chữ là chữ, toàn nói là nói, nhưng chất thơ thì biến thành vô hình, biến thành không có thật. 

Xin trích nguyên văn bài thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” (trang 67) được lấy làm tên cho cả tập thơ để thách đố bạn đọc xem có tìm ra câu thơ nào không ? Chắc Trần Gia Thái cho bài thơ này hiện đại lắm, “lớn lao đến mức thành vô hình” lắm lắm, tâm huyết lắm, là cái đinh của cả tập thơ: 

“Lời nguyện cầu trước lửa 
( Kính tặng Đại Đức Thích Minh Pháp) 

Ấy là lúc chuyển sang nghi thức cuối cùng của Đàn lễ tân niên 
Trang nghiêm Đại Đức tọa theo tư thế Đức Phật ngự trên tòa sen 
Tự tay ông khơi ngọn lửa 
Lớn dần lớn dần lửa đồng điệu cùng âm vang lời cầu nguyện của những thiện nam tín nữ 
Lửa bay phần phật như cờ vàng rồi hợp thành một tháp lửa vàng 
Vàng cuồn cuộn hất ngược vào không trung 
Đêm và ngày giao hòa 
Quyền uy phủ vàng mật thất 
Tựa như muôn lưỡi mác uốn cong kết thành đài lửa 
Hoàng Liên
Hoàng Liên 
Tòa sen vàng đấy ư ? 
Trong quầng lửa kỳ biến dường như quần tụ những gương mặt chúng sinh rạng ngời ký thác trên dung nhan Phật 
Từ mơ hồ vọng về lời sấm 
Gió bão nắng mưa nóng lạnh đội lên từ sâu thẳm đất hay ngồn ngộn kéo về từ vũ trụ bao la ? 
Không, không hẳn thế 
Đấy là lời vị Đại Đức có đôi mắt sáng như sao và giọng nói trầm hùng vang động 
Ông nói với lửa bằng ngôn ngữ riêng 
Ngọn lửa dịu dần dịu dần hóa thân vào một vầng trăng viên mãn sau cái lắc chuông đường đột như một khẩu lệnh cắt đứt chuỗi âm thanh tưởng như triền miên vô tận ấy khiến ta bừng tỉnh 
Ôi, giá như bức tường kia là một tấm gương thì các phật tử lúc này sẽ được chiêm ngưỡng chính mình và cảm nhận rõ sự thăng hoa hàm súc 
Gió và gió 
Hương hoa tràn theo gió 
Gió cuốn theo hương của muôn loài thảo dược thấm quyện nên một trời hương tinh khiết 
Nhìn họ, ta tin những điều thiện cát trong lá sớ kia sẽ thành hiện hữu 
Mãn nguyện một đêm hương 
Sương ngủ quên trên lá 
Trăng đã khóc 
Những giọt nước mắt hoan hỉ mừng cho sự giải thoát 
Sẽ không còn nữa cảnh đói niềm tin” 
( hết bài thơ) 
Đọc xong bài được Trần Gia Thái gọi là thơ này, chúng tôi không biết nó thuộc thể loại gì: văn xuôi, văn tế, văn tường thuật, văn đưa linh…hay mê cung triết học ? Cầu mong ông Trần Gia Thái thương tình mà chỉ giáo cho sự tò mò có thể phát ốm của chúng tôi được giải tỏa phần nào ? Với kiến văn hạn hẹp người trần mắt thịt, chúng tôi xin cá với ông Trần Gia Thái bài sớ trên của ông mà là thơ thì chúng tôi xin … chết liền. 
Các bài “sớ” được gọi là thơ theo kiểu phi thể loại, câu chữ ngùng ngoằng ngũng ngoẵng hiện đại quá khiếp này của Trần Gia Thái còn khá nhiều, như : “Chợt hoàng hôn”, “ Nháp hộ một tình yêu”, “ Tuổi 53”, “Lời ông già tiên tri và bài thơ ở tầng tư”, “ Trò truyện với Cổ loa”, “Lời bia mộ”… 

Chúng tôi xin trích bài được gọi là thơ, bài đầu tiên của tập ( trang 12), thấy toàn là những câu nói tầm thường hơi bị sến, năng xuống dòng : 

“Ảo ảnh 
Không nỗi buồn nào buồn hơn 
Không sự thật nào thật hơn 
Rằng trước tôi em là ảo ảnh 
Em là quá vãng dội về thánh thiện dại ngây 
Em trong hơn mưa 
Hạt mưa trần trong nắng 
Mưa tan trong tay, mưa tím bầm cảm giác 
Em tan cùng mưa khi vướng một sợi nhìn 
Gần đến thế mà sao không thể với 
Bến bờ ơi 
Em ảo ảnh đến muôn nghìn…”
(hết bài thơ) 

Nhiều lần chúng tôi đã viết: trong thơ có nói nhưng chỉ toàn là nói không thì không phải là thơ. 
Chúng tôi xin trích hết bài “Giọt đắng”, từng được một ông nhà thơ kiêm nhà phê bình khen là khái quát có tầm triết học : 

“Giọt đắng 
Quán cà phê vắng lặng 
Giọt cà phê đóng băng 
Phin cà phê nghẹn tắc 
Và ta 
Đậm đặc 
Không đường 
Bất lực nhìn niềm đau nỗi nhớ 
Hả hê cào cấu 
Hả hê vẫy vùng 
Quán vắng 
Ngày không em 
Quán vắng 
Buồn thênh thang 
(hết bài thơ) 

Mười ba câu nói xuống dòng liên tù tì, dễ dãi, sáo mòn như thế mà sao dám gọi là thơ ? 
Ngoài một số bài thơ tình lãng mạn ưa triết lý vu vơ tầm phào kiểu trên, Trần Gia Thái còn chơi thơ cổ điển, nhại kiểu thơ thất ngôn xưa của Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, nhưng dở và sáo hơn nhiều, cũ hơn nhiều tiền nhân xưa cũ. 
Chúng tôi xin trích một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trần Gia Thái có tên là “Nghiêng cả về thu”( trang 20) : 

“Hơi ấm còn đây người ở đâu 
Buồn dâng ngày lạnh lụt mưa ngâu 
Biển say dốc cạn dòng sông đắng 
Nghiêng cả về thu khúc thẳm sầu” 

Những “buồn dâng”, “bến say”, “khúc thẳm sầu”… nghe cũ quá, cải lương quá giời ạ ! 
Chúng tôi xin trích thêm một bài thất ngôn tứ tuyệt phải nói là đại nhạt nhẽo, có tên là “Lời thơm rót mật” ( trang 21) của Trần Gia Thái : 

“Đêm nay tôi thức ru em ngủ 
Xin đừng mộng mị dáng hình ai 
Thây kệ gió than ngoài khung cửa 
Lời thơm rót mật giấc hương dài” 

Phải nói là Trần Gia Thái đã có tài kéo cả một đại dương sáo rỗng, đại dương nhạt nhẽo vào tập thơ “ lớn lao đến vô hình” này của mình. Xin trích, khỏi bình luận : 

“Có một mối tình sét đánh 
Say từ ánh mắt đầu tiên 
Có một mối tình đắm đuối 
Rượu nồng ủ kín hơi men” ( Mơ- tr.24) 

Phần lớn thơ Trần Gia Thái đều làm bởi niềm “say đắm đuối” rất chết cười như trên. Chúng tôi xin lược trích một số câu thơ điển hình cho kiểu nói sáo, nói sến, nói lẩn thẩn ngô nghê là sở trường của trường thơ dở Trần Gia Thái: “Để tim này lạnh câm” / “Làm nghẹn con tim hồng” / “Để tim ta xáo động” / “Ngọt ngào bù đắp đắng cay”/ “Sao ánh mắt cứ nhìn đi đâu thế/ Để trời thu Hà Nội cũng sập sùi” / “vẫn trinh trắng tình đầu / Vẹn Nguyên từ kiếp trước” / “Men nào cho anh say” / “Em hát nữa đi em/ Cho lòng tôi thỏa khát” / “Đi gieo tiếp mùa vui/ Lời tình tôi đang trải” / “Anh nhìn em đắm thắm/ Em nhìn anh bao dung” / “Căn nhà mình quánh đặc những yêu thương” / “Mắt em nồng lóng lánh một ngày mai” / “Bánh đa tôi nhận gà với gạo/Là để ngày mai đội ra đình” / “Ai xem tế lễ thì cứ việc/ Tôi chỉ thích xem cỗ được bày” / “Lạy trời mẹ vẫn còn dư sức/ Tôi thì…ông ngoại… sắp sửa lên” (Chú của Trần Mạnh Hảo: “Tôi sắp sửa lên ông ngoại” được thi ca hóa theo trường phái con cóc của TGT thành “Tôi thì… ông ngoại sắp sửa lên”. A di đà Phật, thơ với chả phú, kinh hãi thế là cùng !)… 

Xin trích tiếp thơ sến, thơ sáo của trường thơ dở TGT: “Rủ con tim héo” / “Tim ơi” / “Có xuân rồi tôi chỉ thiếu em” / “Rạo rực lòng rạo rực đường vui” / “Nồng nàn say chuyện xưa” / “Trước biển dặm dài đắm đuối” …v…v…và v…v…Có khi Trần Gia Thái chơi lục bát không vần: “Lại cầm tay, lại vân vi/ Em đừng mách mẹ anh hư… em đừng/ Thế rồi lớn thế rồi xinh” (Bao giờ- tr. 29). 

Một tập thơ không có bài nào khá, không có câu thơ nào hay, chỉ toàn chữ nghĩa dông dài, sáo cũ, sáo mới, toàn câu nói xuống dòng ngô nghê, nôm na là thế, sao ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội Nhà Văn lại khen “Lời nguyện cầu trước lửa” đến thế ? Chưa hết, trên báo Văn Nghệ số 36+37, số đặc biệt kỷ niệm quốc khánh 2-9-2011 vừa qua, một ông nhà thơ kiêm nhà phê bình đã dành một trang nguyên vẹn hoành tráng ca tụng tập thơ này của ông Trần Gia Thái hết lời. Chắc “hai ông lớn” này chuẩn bị dư luận cho ông TGT nhận giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2012 đây ? Cứ đà này, tập thơ dở nhất nước sẽ thành tập thơ hay nhất nước; rồi tiến thêm TGT sẽ được đủ các giải thưởng nhà nước, giải thưởng HCM sau này. Nếu những người chân chính không hét to lên, rằng xin quý vị hãy dừng ngay trò ma giáo trong việc đánh giá giá trị của văn học, đánh tráo hay dở, lừa đảo nhân dân bằng cách tôn vinh những tác phẩm dở nhất nước đang được thực thi trong ma trận giải thưởng ngất trời. 

Nền văn học quốc doanh đang bị thao túng bởi những trùm sò mang động cơ phi văn học; bởi những mưu mô chạy giải; bởi những ban giám khảo gà mờ hay tư túi xét người không xét tác phẩm; những giải thưởng hàng nghìn tỉ đồng đang bị hội chứng ngụy văn chương làm hoen ố. Người đọc chân chính một là dời bỏ văn học quốc doanh, hai là điên theo đoạn thơ điên sau của Trần Gia Thái: 

“Tôi mong là người điên 
Người điên không phải đề phòng
Người điên có quyền sống thật 
Quyền yêu, quyền giận, quyền buồn 
Không bị người đời thô bỉ 
Nhẩy sổ vào cuộc sống riêng” 
(Một lần đúng-tr. 52) 
Chúng tôi xin thực lòng can ông Trần Gia Thái; xin hãy bỏ ước muốn thành người điên như đoạn thơ ông vừa viết. Bởi vì khi tỉnh táo, ông đã làm khổ chúng tôi bằng tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa”. Huống hồ khi điên lên, ông có thể chơi hết mình, tung ra hàng trăm thi phẩm chết người, khiến ông Hữu Thỉnh phải bò ra mà viết bài tán tụng, há chẳng phải là lúc mà người đọc chúng tôi ù té chạy hết ư ? Eo ôi, sợ nhất là viễn cảnh ngoảnh lại văn đàn chỉ còn toàn một lũ “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” thì có phải cùng với ông Hữu Thỉnh, ông sẽ đắc tội xua đuổi văn học chân chính ra khỏi xã hội đầy bấc trắc của chúng ta hôm nay hay sao ? 
Sài Gòn tối 28-9-2011 
Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào: