“...Cuối
cùng, ngày nay mỗi đảng viên đều phải chọn cho mình một sự giã từ, một sự “phản
bội”: hoặc là trung thành với chủ nghĩa thì phản bội nhân dân, muốn trung thành
với nước với dân thì phải phản lại chủ nghĩa!...”
I- Đặt vấn đề
Sáng 19-2-2013 đọc báo mạng thấy trang Anhbasam có điểm hai
bài tương phản “Tiêu Dao Bảo Cự: Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân (Diễn Đàn). Blogger Caubay
Thiem có bài phản biện
lại bài này bên Facebook”.
Mặc dù tôi mới ở bệnh viện về, tình trạng mắt được bác sĩ
yêu cầu hết sức hạn chế đọc và viết, tôi vẫn phải “đánh liều” viết đôi điều ngắn
gọn về chuyện “xung đột” âm ỉ từ lâu này (nếu có thể gọi như thế), giữa những
người đáng kính, vì mấy lẽ sau đây:
- Thế hệ dấn thân theo con đường Cộng sản như nhà văn TDBC
bao hàm nhiều người (ở miền Bắc còn nhiều hơn miền Nam), trong đó số đã thức tỉnh
ở những mức độ khác nhau, đang cố gắng làm những điều nhằm sửa lại hay chống lại
thực tại sai lầm của ĐCS cũng ngày càng nhiều thêm, nhưng việc tự đánh giá giai
đoạn quá khứ của mình xem chừng chưa có gì nhất trí, ổn thỏa, thanh thoát, như
có những tâm trạng uẩn khúc bên trong nên phải đặt vấn đề “giải mã”.
- Việc “giải mã” cũng liên quan đến cả những người
CS hiện nay đang được dư luận ca ngợi, tán thưởng (kể cả dư luận khó tính ở hải
ngoại), như nghệ sĩ Kim Chi khước từ sự có mặt trong nhà ở của mình chữ ký của
một kẻ cao cấp “hại nước hại dân”- vì chị tự hào mình là một người “Cộng
sản chân chính”! Những đảng viên trong 72 vị khởi xướng đợt góp ý Hiến
pháp hiện nay cũng vậy, chắc phần đông cũng là những người muốn hành xử như những
người “Cộng sản chân chính” để phân biệt mình với loại “CS thoái hóa”.
Vậy có thể tồn tại khái niệm “người CS chân chính” hay không, cũng là
điều cần xác định cho rõ.
- Trong hàng ngũ những bạn bè thân hữu đang nỗ lực góp phần
mình vào công cuộc dân chủ hóa xã hội hiện nay cũng có hai “phe” với hai cách
nhìn ngược nhau trong việc đánh giá quá khứ tham gia Cộng sản.
Tóm lại, tình hình khác nhau trong việc nhìn nhận giai đoạn
quá khứ tham gia hoặc ủng hộ CS là điều tốt hay không tốt, là công hay tội, nên
nhớ đến để tôn vinh hay nhắc đến chỉ thêm ân hận… là một thực tế rộng lớn, tuy
không phải mâu thuẫn đến mức nặng nề nhưng vẫn âm ỉ như một chút gợn, một cái
gai, hay một cái nhọt trong đội ngũ những người từng có nợ với quá khứ và đang
phải băn khoăn về trách nhiệm với hiện tại và tương lai đất nước (còn những kẻ
vô trách nhiệm, thờ ơ hay cố bám sự hủ bại thì không đáng bàn đến ở đây).
Khoảng một hai năm gần đây, khả năng lãnh đạo của đảng cầm
quyền ngày càng sút kém, bất lực, những mâu thuẫn đối nội và đối ngoại thúc đẩy
phải có những thay đổi, kéo theo đó là sự phân hóa phức tạp trong xã hội về
nhân sự, tổ chức, phong trào, phe nhóm… Bên cạnh chủ trương đối xử cứng dắn với
giới dân chủ tiên phong là sự nới rộng có kiểm soát với giới trí
thức cận thần, có cái mới vừa sáng tạo ra, có cái vốn cũ đang được dùng lại.
Trong bối cảnh phân hóa đó, sự khác nhau tiềm ẩn trong quá khứ của giới “pro-Đảng”
nay cần phải tách bạch. Việc điểm tin hai bài ngược chiều nói trên của “nhật
báo Basam”, mà tránh không bình luận, có lẽ cũng là một biểu hiện nhạy cảm và tế
nhị. Những người nhạy cảm thấy đã đến lúc nên có sự trao đổi thẳng thắn với tư
cách giữa những người được giả thiết là “chung một chiến hào”. Vướng một cái
gai, anh chiến sĩ vẫn có thể chiến đấu, nhưng “giải quyết” được cái gai tất
nhiên sức chiến đấu sẽ tốt hơn nhiều.
Suốt trong quá khứ tôi không dính dáng trực tiếp gì đến
chính trị, nhưng bạn bè thuộc cả hai “phe” cũng có nhiều thân hữu. Trong điều
kiện sức khỏe không thuận lợi, tôi không dám hy vọng có thể đề cập vấn đề một
cách thấu đáo, chỉ xin đưa ra một vài ý chung, tản mạn, để góp phần gọi là “giải
mã” một thực tiễn khá nhiều tế nhị.
II. Mấy điều cơ bản gợi ý có thể dùng trong lý
giải
1/ Phải chăng sự hiểu biết lúc ấy chưa đủ tầm để sàng lọc?
Hiện tượng một chủ nghĩa ảo tưởng, phi lý và phản tiến hóa
như chủ nghĩa CS lại rộ lên một thời rộng lớn, thu hút đám đông, trong đó có cả
những trí thức lớn, nghịch lý quá lớn ấy khiến thiên hạ phải chiêm nghiệm mà
đúc kết thành một quy luật, quy luật liên kết và hoán vị loại trừ lẫn nhau
trong 3 thành tố, tạm gọi là luật “loại trừ một trong ba”
hay luật “Hai khử một”.
Ba thành tố ấy là Tâm hồn Lương thiện, Trí
tuệ Thông thái và Lập trường Cộng sản, liên kết
và loại trừ nhau như sau:
- Đã Thông thái và Cộng sản thì không Lương thiện ( phải
mưu mẹo, gian hùng)
- Đã Lương thiện và Cộng sản thì không
Thông thái ( phải nhẹ dạ, nông cạn)
- Đã Lương thiện và đủ Thông thái thì không theo Cộng sản.[1]
Những ai tự nhận mình luôn lương thiện trong sáng và đã
theo CS thì ứng với trường hợp thứ hai, tức là trí tuệ nông cạn, không đủ tầm để
sàng lọc trước một vấn đề ở tầm thời đại. Trước mắt mới nhìn bề ngoài tưởng là
tốt thì theo thôi.
Xem ra nhiều đảng viên lương thiện không chịu nhận là lúc ấy
mình ngu, cứ khẳng định khi ấy chỉ có theo đảng là thông minh nhất. Có vị còn
khăng khăng rằng: Nếu bây giờ lịch sử lặp lại thì ông ta cũng lại chọn đúng con
đường cũ chứ không thể khác (ghê thiệt!). Sở dĩ có sự tự ái như vậy do chưa hiểu
sự “ngu đần” có thể là tầm của cả một dân tộc trong một thời kỳ chứ chẳng riêng
ai, người viết những dòng này cũng đâu thoát khỏi mê cung ấy? Phê phán bạn cũng
là phê phán mình. Chỉ cần so sánh với một dân tộc văn minh và khôn ngoan hơn sẽ
thấy ngay sự kém cỏi, dân trí lạc hậu của cả dân tộc mình thì sẽ tránh được tâm
lý tự ái cá nhân.
Hiện tượng có mấy nhà bác học nổi tiếng vẫn say mê CS cũng
chẳng biện bạch được gì hơn vì có thể vị bác học ấy giàu lý tưởng, lý thuyết,
hiểu biết chuyên môn nhưng rất ngây thơ, ảo tưởng, cũng dốt về chính trị-xã hội.
Chấp làm gì những vị trí thức nọ trí thức kia mù quáng thân Cộng, khi “ông trùm
CS” của nước mình là chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định theo con đường Cộng sản
cũng chưa hiểu Cộng sản là gì kia mà?
Cú “nhích chân” của Nguyễn Ái Quốc từ Đảng Xã hội Pháp
sang Quốc tế III của Lênin “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến
vấn đề giải phóng thuộc địa”, “Còn như Đảng là
gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là gì, thì tôi (tức
Nguyễn Ái Quốc) chưa hiểu”. Thậm chí Sơ thảo luận
cương về các dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité ngày
16/6/1920 thì “ngay cả chữ nghĩa trong văn bản”
ấy Nguyễn Ái Quốc ”cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi”
[2]
Nhà báo Bùi Tín thì nói kỹ hơn: “Do văn hóa thấp, mới học
hết bậc tiểu học, lại còn quá trẻ nên khi đọc bài của Lênin về giải phóng dân tộc,
ông đã nhẹ dạ theo ngay Mác, Lênin , rồi Stalin, rồi Mao cho đến suốt đời, cả
sau khi chết … Đến khi chết ông vẫn hài lòng nghĩ mình là một lãnh tụ yêu nước
và cứu nước. Theo tôi một nhà lãnh đạo dân tộc mà yêu nước kiểu như vậy thì bằng
mười làm hại đất nước, dân tộc, thà ông không yêu nước thì có khi lại là may
cho nhân dân. Hiện ta thua xa Thái Lan, Inđonesia, Singapore, Malaysia… là vì vậy”(bài
của Bùi Tín cũng được giới thiệu trên
trang Basam ngày 19-2-2013).Vẫn là Trí tuệ chưa đủ cho một cuộc sàng lọc ở tầm
thế kỷ
Nhưng cũng không chấp ông HCM làm gì, khi chính ông Mác,
ông Lê cũng “khái quát vội, khái quát nhầm” ít nhất là 9 điều căn bản [3]
tức là cũng hụt hẫng về Trí tuệ khi cả gan nghĩ ra một chủ nghĩa mới toanh hòng
cứu rỗi nhân loại nhưng vượt quá tầm Trí tuệ của mình (chủ nghĩa Xã hội khoa
học ít nhất cũng có một khuyết điểm cơ bản là phi khoa học!),
thì một đảng viên CS nhỏ bé có tự nhận là “Trí tuệ không đủ để sàng lọc”
cũng chẳng có gì đáng phải băn khoăn!
Vậy thì thôi, ta cứ yên trí nhận là trước đây ta theo CS vì
chưa đủ thông thái để sàng lọc là ổn.
Nhưng mâu thuẫn vẫn chưa hết. Các bạn lại bảo: Tôi theo CS
không phải là yêu CS gì hết, chỉ vì yêu nước, yêu hỏa bình-thống nhất, ghét Mỹ
xâm lược. Nếu bạn chỉ mượn CS làm phương tiện như thế thì khi mục đích đã xong,
Mỹ đã rút, đã có “hòa bình-thống nhất” thì bạn còn ôm cái “phương tiện” ấy làm
gì, bạn phải chủ động rời bỏ nó ngay mới phải, như qua sông rồi thì bỏ con thuyền
ở lại chứ?
Nếu bạn lại bảo: Tôi chưa hiểu gì về chủ nghĩa CS nên hãy cứ
theo xem sao? Vậy đến hôm nay bạn đã hiểu chưa? Với tư cách một đảng viên bạn có
tìm hiểu mọi thông tin trên mạng và trên thực tế không, có biết nghị quyết 1481
của nghị viện châu Âu, biết nhân loại đã vứt một Chủ nghĩa ảo tưởng vào sọt rác
lịch sử? Nếu có đủ thông tin thì chắc bạn không còn đủ dũng khí để tự hào là một
đảng viên CS, vì tôi tin bạn là người có trí óc bình thường và còn dây “thần
kinh xấu hổ”. Theo lô-gich của môn “liêm-sỉ-học” (liemsiology!) thì bạn
phải hành xử như Trần Độ, như Phạm Đình Trọng, như Nguyễn Chí Đức… mới phải.
Nhưng chưa, bạn chưa đến chân tường, vì bạn còn một câu trả
lời khả dĩ hữu lý : Tôi phải ở lại trong Đảng để “chiến đấu”, với tư cách “người
CS chân chính” chống bè lũ “CS thoái hóa”. Vâng, vậy xin chuyển
tiếp sang phần sau.
2/ Có hay không khái niệm gọi là “người Cộng sản
chân chính”?
Những người tự hào là “CS chân chính” vì nghĩ rằng
cái đảng mà mình gia nhập là một đảng chân chính, nay “một số không nhỏ” (tất
nhiên nằm trong lãnh đạo tối cao) đã THOÁI HÓA và PHẢN BỘI, nên mình phải đấu
tranh chống lại sự tha hóa để phục hồi một ĐCS chân chính, nghĩa là mình đấu
tranh (chống những cán bộ lãnh đạo xấu) với tư thế của người “đòi nợ”, đòi cái
món nợ mà đảng đã hứa (trong lời tuyên bố) trước nhân dân nhưng bây giờ họ “quịt
nợ, vỗ nợ”!
Phải công nhận, nếu như vậy thì trong 3 yếu tố Lương tâm,
Trí tuệ và Cộng sản bạn đáp ứng đầy đủ hai yếu tố Lương tâm và Cộng sản nhưng
quá yếu về Trí tuệ (theo đúng quy luật Hai khử một đã nói ở đoạn
trên), nên trở thảnh duy cảm, thiếu duy lý. Sự THOÁI HÓA và PHẢN BỘI đã nằm sẵn
trong mớ tín điều của chủ nghĩa, đã được “chương trình hóa” ngay từ khi khởi lập.
Những biểu hiện thoái hóa và phản bội mà bạn nhìn thấy bây giờ thực ra đã được
tiền định từ đầu (trước khi bạn gia nhập đảng rất lâu) : không một ĐCS
cầm quyền nào có thể thoát khỏi tình trạng thoái hóa và phản bội!
Về lý thuyết chính Mác đã tự chống lại mình, khi triết học
Mác thì duy vật, chống duy tâm-duy ý chí nhưng chính trị Mác thì rất duy tâm,
chủ quan, duy ý chí. Một lý thuyết ảo tưởng phi khoa học thì sẽ bị thực tế chống
lại nên dần dần phải làm ngược lại hết, CS phải tự làm ngược lại những tín điều
của mình mới mong tồn tại. Cuối cùng, ngày nay mỗi đảng viên đều phải chọn
cho mình một sự giã từ, một sự “phản bội”: hoặc là trung thành với chủ
nghĩa thì phản bội nhân dân, muốn trung thành với nước với dân thì phải phản lại
chủ nghĩa![4]
Khi bạn trung thành với nước với dân, với nhân tâm, với
chân lý phổ quát thì bạn là “con người chân chính”, rất chân
chính, tôi yêu quý bạn, nhưng bạn không còn là “người CS chân chính”
nữa đâu, âu cũng là lối tự hào do cảm tính, xin đừng nhầm lẫn!
Bạn lại bảo: Tôi trung thành với chủ nghĩa CS là trung
thành với lý tưởng cao đẹp của nó. Bạn lại nhầm rồi. Nhân tố chủ yếu làm
nên một chủ nghĩa, phân biệt chủ nghĩa này với chủ nghĩa khác không
phải ở mục đích mà nó tuyên bố, mà ở con đường
mà nó vạch ra, vì mục đích sau cùng thì bao giờ chẳng tốt đẹp, căn bản đều
phải hướng đến tự do-hạnh phúc cho con người. Nhưng khi con đường sai hoặc ảo
tưởng thì không đến đích mong muốn hoặc chỉ đem đến kết quả ngược lại như trường
hợp chủ nghĩa Mác-Lênin [5].
Ngoài ra, có cách đi đến đáp án đơn giản hơn nhiều:
Khi một chủ nghĩa ảo tưởng chỉ đem lại kết quả ngược với
mong muốn thì chủ nghĩa ấy không thể coi là CHÂN CHÍNH được. Chủ nghĩa đã không
CHÂN CHÍNH thì làm sao tín đồ của nó lại CHÂN CHÍNH được? Bạn chỉ có thể là một
CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH vì thực ra bạn đã làm ngược tín điều của Chủ nghĩa rồi, chắc
bạn là người nặng về duy cảm nên không nỡ hay không dám để cho bộ óc Duy lý được
đứng trước gương mà phán xét đó thôi! Xin nói với nhau một lời thông cảm thực
lòng như vậy.
III- Lấy đích Dân chủ-Độc lập-Phú cường làm sợi
dây liên kết
Chỉ cần nhìn các nước quanh ta với một xuất phát
“same-same” như nhau đủ thấy trong cuộc chạy đua thế kỷ, Việt Nam chúng ta là kẻ
thua cuộc, là đoàn khách nhỡ tàu.
Chỉ nhìn kinh tế-kỹ thuật đã thấy thua các nước bạn trong
khu vực vài chục năm nhưng sự thua kém về độc lập-tự do, về văn hóa-nhân phẩm
còn đáng lo hơn nhiều.
Nay muốn đoàn kết để thực hiện dân chủ ắt phải chấp nhận đa
dạng đã đành, nhưng ở một nước vửa trải qua mấy cuộc phân ly kinh khủng, lại
đang bị ngự trị bởi một Ý thức hệ đoàn kết giả để phân ly thật thì
lòng người ly tán là một trở ngại khổng lồ, nếu không biết chấp nhận sự khác biệt
thì lấy đâu sức mạnh cho một sứ mệnh cũng khổng lồ tương xứng? (sứ mệnh lập
lại một xã hội đã bị phá nát từ gốc, quay lại một con đường đã đi ngược trên nửa
thế kỷ, chống lại một anh hàng xóm khổng lồ chỉ muốn kìm giữ Việt Nam yên vị
như một con cừu Ý thức hệ vừa ngoan vừa chậm vừa
ngu để hắn có thể ngoạm dần hết cơ thể con mổi trong cái áo choàng hữu
nghị đểu).
- Muốn có khối đoàn kết toàn dân tộc, trước hết hãy
tìm khả năng đoàn kết giữa các khối người tích cực mà họ đang rất khác
nhau như trên đã nói. Hãy quý sự khác nhau ấy vì đó chẳng những là thực tiễn buộc
phải chấp nhận, là tất yếu trong tinh thần dân chủ, mà còn là thuận lợi
để diễn tiến xã hội đi lên một cách hòa bình. Nếu không có những “trí thức
cận thần”, còn rất khác những người có tư duy triệt để (biết phải thay
đổi cái cũ tận gốc), đồng thời lại có những người trung gian giữa hai thái cực ấy
thì sao có thể nối với nhau thành những nhịp cầu chuyển hóa dần dần? Nối tiếp
với nhau được nếu tất cả đều hướng về phía trước, dẫu kẻ trước người sau nhưng
phải chống những kẻ ngược chiều hoặc mưu toan cơ hội trụ lại nửa chừng để chia
hoa lợi!
Một ví dụ: trong những người đã có thời hăng hái theo đảng
làm một cuộc gọi là “chống Mỹ cứu nước” có người không muốn nhắc lại “thành
tích đáng buồn” cũ (như anh em Huỳnh Nhật Hải-Huỳnh Nhật Tấn) trong khi rất nhiều
người vẫn muốn nhắc lại những kỷ niệm một thời tranh đấu “hào hùng”. Không sao,
miễn là khi nhắc lại chuyện cũ phải nhìn dưới lăng kính mới, vượt trên cái cũ với
óc phê phán để phục vụ cho cái mới. Chẳng hạn phải hiểu vì sao trong chế độ cũ
(mà ta quyết đánh đổ) ta có thể ngang nhiên tranh đấu, tuyên bố hùng dũng, thậm
chí lãng mạn bay bổng, thỏa chí tang bồng chống lại giới cầm quyền, còn trong
chế độ mới (mà ta mơ ước) ta chỉ dám làm bằng 1 phần trăm thời xưa thôi mà đã
phải rụt rè? Chẳng hạn ngày trước dưới cái nhìn bồng bột ta chỉ thấy cái gọi là
“Mỹ Ngụy” là thấp hèn, tàn ác, đáng khinh ghét, nay dưới cái nhìn dân chủ và
toàn cầu ta lại mong sao bây giờ được bằng cái mà ta đã quyết diệt [6],mongtrở
lại cơ hội cũ mà ta đánh mất,để rồi từ đó tiếp tục đi lên thì dễ dàng hơn.
Chẳng hạn ta nhận ra sự “hào hùng” cũ thật là “bi
tráng” (như nhà văn TDBC nhận thấy), nhưng “bi” không ở chỗ bị kẻ
thù tàn sát, thất bại đau đớn như cái bi hùng của phong trào Nguyễn Thái Học,
mà ngược đời, “bi” lại ở chỗ muốn thắng cuộc thỉ nhất thời đã thắng,
nhưng nghĩ lại, thà đừng thắng thì hơn! “Bi” ở chỗ cái “tinh
hoa phẩm chất” của tuổi thanh niên (nhưng còn bồng bột, cảm tính, bị tuyên
truyền), tương tự như cái vốn quý giá mà Dương Thu Hương gọi là “một khối vàng
ròng”, nhưng đã bị lợi dụng, bị dùng nhầm, dùng phí phạm, đáng tiếc. Song cái “bi”
ở đây cũng không hề “bi lụy” nếu ta quyết hồi sinh cái “tinh hoa
phẩm chất” của tuổi trẻ ấy, với sự bổ khuyết rất cần thiết bằng các
tri thức hiện đại, trưởng thành, để dùng vào công cuộc hôm nay, như để
bù đắp cho điều đáng tiếc cũ, thì sự hồi tưởng như thế thật là hồi tưởng vô
cùng tích cực.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng vậy, nghĩ lại thời đã qua để thấy
trách nhiệm của mình. “Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt, để đúc nên
chính cỗ máy này”, cái cỗ máy của sự “đểu cáng lên ngôi”. Hồi ức
chuyện cũ để mà hối tiếc cho nhiệt huyết của mình không đem lại kết quả mong muốn,
và thấy trách nhiệm của mình trong hiện tại! Một khi cùng hướng về phía trước
và hành động cụ thể là nhất định gặp nhau. (Không biết trong hàng ngũ của các
anh có ai muốn ôn chuyện cũ để kể công, để che dấu cái hèn hiện tại, để lập một
cái gì đó chung chiêng hay không thì tôi không rõ, tất nhiên không bàn).
- Hãy biết ơn những người tiên phong.
Nếu như trên mặt phẳng nằm ngang ta hình dung đoàn người nối
tiếp nhau như cây cầu bắc từ chế độ độc tài toàn trị đến cuối cầu là chân trời
Dân chủ-Độc lập-Phú cường, trong đó những tư tưởng tiên phong luôn dẫn đầu đi
trước, thì đừng quên một đường dây thẳng đứng, người nọ đứng lên vai người
kia, để đưa nhau từ đáy giếng lên bờ. Trên cái “chồng người” thẳng
đứng ấy những người tiên phong đứng ở dưới cùng cho đồng đội được đứng lên vai.
Những người tiên phong ấy sẽ lên bờ sau cùng hoặc lúc khải hoàn có thể không
còn họ nữa.
Về Độc lập dân tộc nếu không có những anh hùng liệt nữ đã
hy sinh liệu ngày nay ta có còn quốc gia không để mà tranh đấu? Chúng
đã đứng trên vai họ để có hôm nay. Về Dân chủ-Tự do cũng vậy. Nếu
không có những người dân chủ tiên phong như Nguyễn Mạnh Tường, như Hữu Loan,
như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Cù Huy Hà
Vũ, Dương Thu Hương, Hòa thượng Thích Quảng Độ, cha Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày
Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức… vân vân và vân vân…mà hầu hết
họ đều bị tù đày, và biết bao tiếng nói dân chủ từ bên ngoài hỗ trợ thì làm sao
có chút nền dân chủ cỏn con để có thể tồn tại những trang Web dân chủ trong nước
như trang Bô-xít, trang Basam và các blogger? Rồi đến lượt, nếu không có những
trang Web và blogger ấy làm chỗ tựa làm sao đoàn trí thức 16 vị có thể được đón
tiếp để trao những kiến nghị và dự thảo Hiến pháp quá mạnh dạn kia, cũng như cá
nhân tôi lúc này có thể công khai công bố những lời đóng góp thẳng thắn nhường
này? Chúng ta đã được đứng trên vai họ, những người dân chủ tiên phong
chịu nạn tù đày để giành lấy từng tý chút dân chủ cho ta tiếp tục. Hãy nhớ ơn họ!
Một chi tiết nhỏ thiết nghĩ cũng nên nói thẳng : GS Nguyễn
Huệ Chi là chủ trang mạng Boxit Việt Nam, cũng là trang chủ đăng tải “Kiến nghị
72” và hộp thư thu
thập chũ ký. Trong đoàn 16 người nếu có GS Nguyễn Huệ Chi thì sẽ đàng hoàng
hơn, chính danh hơn, khiến cho cơ quan công quyền phải nể trọng hơn bởi sự đàng
hoàng ấy.
Nói đến chuyện đứng trên vai nhau, tôi lại thầm hỏi mình: Nếu
không có đồng đội lấy vai cho mình đứng, lại không có một điểm tựa nào đó từ
môi trường, dù là điểm tựa vô tình hay vô tri thì một cá nhân đơn độc làm sao
có thể vượt qua cái vai của mình? Tự mình vượt qua chính mình mới thật là điều
khó lắm thay! Làm sao có thể tự thắng cái khối lượng ì ạch của bản thân với tất
cả những sức cản nặng nề đã ràng buộc mình vào cuộc đời này?
Đoàn kết, dấn thân hết mình phải đi đôi với tỉnh táo sàng lọc
chính là bài học lịch sử quý giá mà quá khứ từng dạy cho ta vậy.
Đà Lạt, ngày 24/2/2013
Hà Sĩ Phu
[1]“Quy
luật” tương tự này tôi đọc thấy đã lâu, gần đây thấy nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh
và nhà báo Lê Diễn Đức nhắc
tới. Tôi diễn đạt lại cho rõ hơn (HSP)
[2]
Xưa nhích chân đi giờ nhích lại:HCM
quyết định theo Quốc tế 3 khi chưa hiểu CS là gì! Tư liệu trích từ:
-Trần
Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Nhà xuất bản
Văn học, Hànội (in lần thứ tám), 1975, trang 44.
- Hồ
Chí Minh:Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh toàn tập, tập
10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000, trang 126.
- Lữ
Phương: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, THƯ NHÀ xuất bản, Australia,
2002, trang 40.
[4]
Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước(www.hasiphu.com/baivietmoi_40.html)
[6]
Nguyên Ngọc
(S: Tôi nghĩ giá như trong cuộc chiến vừa qua, miền Nam thắng, thì có lẽ sẽ
tốt hơn …).Huy Đức: “bên (cần) được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét