Hiến pháp, chuyện của các luật sư?
“…hiến
pháp là hợp đồng về một dự án sống chung và xây dựng một tương lai chung; dự án
ấy có thể đòi hỏi nhiều suy tư trong nhiều năm của rất nhiều người, nhưng một
khi chúng ta đã biết mình muốn gì, cho mình và cho con cháu, việc soạn thảo
thành văn bản có thể chỉ đòi hỏi vài ngày…”
LTS: Nhân dịp thảo luân về hiến pháp,
chúng tôi đăng lại sau đây một chương trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của
ông Nguyễn Gia Kiểng về việc soạn thảo hiến pháp.
Nước ta chỉ mới tạm gọi là giành được độc lập từ sau thế
chiến II, mà đã có khá nhiều hiến pháp. Phe cộng sản có bốn hiến pháp : hiến
pháp 1946, hiến pháp 1959, hiến pháp 1980 và hiến pháp 1992. Phe quốc gia dù chỉ
tồn tại chưa đầy 30 năm cũng đã có hai bản hiến pháp 1956 và 1967. Đó là chưa kể
những bản tuyên ngôn, hiến ước, hiến chương được dùng như những hiến pháp tạm
thời. Nếu so với nhiều quốc gia khác như Mỹ chỉ có một hiến pháp từ thời lập quốc,
Đức và Nhật chỉ có một hiến pháp từ 1945, hoặc Anh chẳng có một hiến pháp thành
văn nào thì chúng ta quả là giữ một kỷ lục về số lượng hiến pháp. Thú thực, tôi
không biết có một dân tộc nào trên thế giới có một lượng hiến pháp bằng nước ta
trong cùng một giai đoạn không. Tôi chắc là không.
Tuy vậy số lượng hiến pháp không hề chứng tỏ người Việt Nam
chúng ta trăn trở về hiến pháp, luôn luôn dằn vặt suy nghĩ tìm cách thay đổi
cho phù hợp hơn, trái lại nó còn chứng tỏ người Việt Nam không có một quan điểm
đúng đắn về hiến pháp. Đặc tính chung của tất cả mọi bản hiến pháp đã có là
chúng đều đã được soạn thảo một cách vội vã và kín đáo, được thông qua hầu như
không tranh cãi và được ban hành trước sự dửng dưng của dân chúng.
Đảng cộng sản hiển nhiên là coi hiến pháp là của người cầm
quyền. Hiến pháp là văn kiện tổ chức nhà nước, mà nhà nước theo triết học
Mác-Lênin chỉ giản dị là công cụ đàn áp của kẻ thống trị. Lời nói đầu của hiến
pháp 1992 gồm 530 chữ trong đó có 53 chữ, nghĩa là đúng 10%, được dành cho
"hơn bốn ngàn năm lịch sử" của Việt Nam, phần còn lại chỉ nói về đảng
cộng sản. Chưa đủ, lời nói đầu, phần long trọng nhất của hiến pháp, còn qui chiếu
về cương lĩnh chính trị của đại hội lần thứ sáu của đảng cộng sản, một văn kiện
chỉ có giá trị giai đoạn ngay cả với đảng cộng sản. Bản chất của hiến pháp như
là một công cụ đàn áp được thể hiện rõ ràng qua những điều đầy tính hăm dọa,
thí dụ như điều 13.
Thế còn những người Việt Nam nói chung? Phần đông chúng ta
cũng có một quan niệm rất sai lầm về hiến pháp. Hình như đối với chúng ta hiến
pháp chỉ là một văn kiện tổ chức chính quyền có tính chuyên môn và thuộc thẩm
quyền của các luật sư. Ngược lại, phần lớn các luật sư cũng tự coi là có thẩm
quyền để nói về hiến pháp hơn người khác, mà không hiểu tại sao.
Trí thức trung niên và cao niên của ta thừa hưởng văn hóa
Pháp, từ đó, một cách phiến diện, coi hiến pháp nằm trong phạm vi luật học, một
lẫn lộn mà chính các học giả Pháp cũng đã nhìn nhận. Thực ra hiến pháp tuy là
luật căn bản của quốc gia và là cội nguồn của luật pháp nhưng không nằm trong
phạm vi luật học mà thuộc phạm vi văn hóa, chính trị và xã hội. Một luật sư dù
có khả năng biện hộ tài tình những vụ kiện cáo nhà đất và ly dị vẫn có thể
không có tư cách gì để bàn về hiến pháp. Luật phải qui chiếu vào hiến pháp
nhưng hiến pháp không thuộc phạm vi của luật học. Các chuyên gia về hiến pháp của
Pháp cũng đã nhận ra sự mập mờ của cụm từ "droit constitutionnel" được
dịch sang tiếng Việt là "luật hiến pháp" và càng ngày càng dùng cụm từ
"định chế chính trị" [institutions politiques] nhiều hơn. Cụm từ này
tuy đúng nghĩa hơn nhiều, nhưng cũng chưa đúng hẳn.
Vậy thì hiến pháp là gì?
Nó đúng là văn kiện qui định những định chế chính trị,
nhưng đồng thời nó cũng đặt nguyên tắc, nếu không qui định một cách rõ rệt, cho
tương quan giữa các thành tố của xã hội, cũng như cho nhiều định chế văn hóa,
xã hội khác cần thiết cho sự sống và tiến hóa của cộng đồng quốc gia. Như vậy,
muốn nói tới hiến pháp, trước hết phải có một quan niệm về quốc gia đã. Trong một
chương trước chúng ta nhận định quốc gia như không gian liên đới của một dân tộc
để cho phép họ sống chung và xây dựng với nhau một tương lai chung. Như vậy hiến
pháp phải là một thỏa ước về một hiện tại và một tương lai. Trong hiện tại
chúng ta đang thừa hưởng di sản nào, đang có những vấn đề nào và phải tổ chức cộng
đồng quốc gia như thế nào cho phù hợp? Chúng ta đang đứng trước những nguy cơ
nào và phải tổ chức như thế nào để ngăn ngừa? Và với tất cả khả năng và tiềm
năng của chúng ta, chúng ta muốn một tương lai như thế nào và phải tổ chức cố gắng
chung như thế nào để đạt tới?
Tất cả những câu hỏi đó hiến pháp phải trả lời và những người
có thẩm quyền để đề nghị những câu trả lời là những người đã trải qua nhiều
trăn trở và suy tư về đất nước và có đủ sự hiểu biết để có thể đưa ra những kết
luận. Đó là những nhà chính trị, những nhà xã hội học, những nhà tư tưởng với
những đóng góp của các chuyên gia mọi ngành, trong đó luật học chỉ là một.
Vì là một qui ước sống chung và làm việc chung, hiến pháp
phải có sức thuyết phục, nghĩa là vừa phải hợp lý vừa phải hợp tình để được mọi
người, ngay cả những người không đồng ý, nhìn nhận tính chính đáng, lương thiện
và thành khẩn. Nó cũng phải có khả năng động viên và thôi thúc, nghĩa là cũng
phải có giá trị của một lời kêu gọi.
Hiến pháp có thực sự cần thiết không?
Câu hỏi có vẻ khiêu khích nhưng câu trả lời là không. Vai
trò của nó là phát biểu một đồng thuận sống chung và theo đuổi những mục đích
chung, nếu đồng thuận đã rõ ràng thì hiến pháp không cần thiết, quốc gia có thể
sinh hoạt chỉ bằng những đạo luật đặc biệt. Nước Anh không có hiến pháp mà vẫn
là một quốc gia rất phồn vinh. Không cần thiết trên nguyên tắc nhưng hiến pháp
có lợi về mặt thực tiễn bởi vì nó vạch ra một tinh thần chỉ đạo cho các đạo luật.
Trong trường hợp Việt Nam, giữa lúc lòng người hoang mang và phân tán, chúng ta
cần một hiến pháp để làm một căn bản đồng thuận, nhưng với điều kiện là hiến
pháp đó thực sự là kết quả của một cố gắng tìm đồng thuận dân tộc.
Hiến pháp có cần ổn vững không?
Câu trả lời là chắc chắn cần. Thay đổi hiến pháp là thay đổi
luật chơi cơ bản nhất của xã hội, có thể gây xáo trộn trong sinh hoạt quốc gia
và làm đổ vỡ nhiều dự án. Kinh nghiệm đã cho thấy một hiến pháp dân chủ ổn vững
là điều kiện không có không được cho phát triển, bởi vì có như thế người dân mới
yên tâm làm những dự định cho tương lai. Cần nhấn mạnh cụm từ “hiến pháp dân chủ
ổn vững” bởi vì nếu hiến pháp chỉ là sự áp đặt của kẻ thắng, nhất là lại chứa đựng
những qui định khiêu khích thì, ngược lại, càng kéo dài bao lâu nó càng gây tác
hại và làm rạn nứt dân tộc bấy nhiêu.
Sự ổn vững của hiến pháp rất cần thiết, cho nên ưu tư lớn
nhất của người soạn thảo hiến pháp phải là làm thế nào để nếu một lực lượng
khác lên cầm quyền họ cũng không có lý do để đổi hiến pháp. Việc một lực lượng
chính trị cầm quyền áp đặt hiến pháp theo ý mình vừa là một thái độ xấc xược vừa
chứng tỏ sự thấp kém của những người không có tham vọng để lại dấu ấn lâu dài.
Quan sát các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể thấy là hầu như có một định
luật là các nước càng ít thay đổi hiến pháp thì càng phát triển, càng nhiều hiến
pháp bao nhiêu thì càng trì trệ bấy nhiêu. Sự phồn vinh tỷ lệ nghịch với số lượng
hiến pháp được ban hành.
Nhưng ổn vững không có nghĩa là bất động. Hiến pháp phải
đáp ứng những yêu cầu lớn của giai đoạn và do đó cũng phải có khả năng thích
nghi với thời đại. Không nên tu chỉnh hiến pháp một cách tùy tiện, nhưng ngược
lại cũng không nên khóa chặt cánh cửa đối với những tu chỉnh cần thiết, và càng
không nên đưa vào hiến pháp những gì chỉ có giá trị nhất thời và vì thế có thể
qui định bằng một đạo luật thường. Một trường hợp điển hình là hiến pháp Bồ Đào
Nha [Portugal] ban hành năm 1976. Vào lúc đó Portugal vừa trải qua ba mươi năm
dưới chế đô độc tài Salazar, quan tâm chính của các nhà lập pháp Portugal là
làm thế nào ngăn chặn mọi khả năng trở lại của một chế độ độc tài. Họ đã chọn
chế độ đại nghị, đó là một chọn lựa đúng. Họ cũng chọn cách bầu cử quốc hội
theo lối bầu tỷ lệ. Quả nhiên lối bầu theo tỷ lệ là thể thức bầu cử dân chủ và
đa nguyên nhất. Nhưng họ đã làm một sai lầm lớn do nhiệt tình quá đáng là ghi ngay
vào hiến pháp một điều khoản cấm thay đổi cách đầu phiếu này (và dĩ nhiên cả điều
khoản cấm thay đổi). Ngày nay chính giới Portugal nhận ra sự bất lợi của lối bầu
cử theo tỷ lệ nhưng không thay đổi được. Nước Portugal vì vậy luôn luôn bị đặt
trước nguy cơ là không có nổi một đa số gắn bó trong quốc hội, và do đó một
chính phủ đủ vững mạnh, để lấy những quyết định quan trọng.
Hiến pháp có phải là đặc biệt cho một quốc gia không?
Câu trả lời là vừa có vừa không.
Có, bởi vì mỗi dân tộc có một di sản văn hóa riêng với những
cái hay và những cái dở và một lịch sử riêng với những yếu tố tích cực và những
yếu tố tiêu cực. Do đó mỗi dân tộc có những vấn đề trọng đại riêng phải giải
quyết. Hiến pháp phản ánh đặc thù dân tộc.
Không, bởi vì quốc gia nào cũng phải hội nhập vào đà tiến
chung của thế giới và vì thế không thể phủ nhận luật pháp quốc tế và các giá trị
phổ cập của loài người. Nhiều quốc gia đã long trọng xác nhận Bản Tuyên Ngôn Quốc
Tế NhânQuyền và các công ước đính kèm như là thành phần của hiến pháp
của mình. Đó là một chọn lựa rất đúng đắn.
Chúng ta có cần một hiến pháp mới cho Việt Nam không?
Câu trả lời không hiển nhiên như nhiều người có thể nghĩ.
Cho tới nay có một sự kiện khá ngộ nghĩnh. Phần lớn các thành phần đối lập, kể
cả các tổ chức chống cộng hải ngoại từng chủ trương kháng chiến võ trang, đều
lên tiếng đòi bỏ điều 4 (điều qui định đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo xã hội
và nhà nước). Chỉ có thế thôi sao? Thế còn điều 9, điều 13, điều 30, điều 45,
v.v...? Và còn danh xưng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Và lời nói đầu
dành 90% để nói về công đức của đảng cộng sản? Chỉ đòi bỏ điều 4 là một thái độ
quá khiêm tốn, ngay cả cho một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ vì còn rất nhiều
điều khoản khác cũng quá khích không kém và nếu được duy trì sẽ có thể bẻ gãy
tiến trình dân chủ hóa. Thí dụ như điều 45 qui định quân đội phải bảo vệ chủ
nghĩa xã hội. Quí vị trong một chính phủ chuyển tiếp (giả thử như sẽ có) phải
coi chừng, quí vị có thể bị quân đội đảo chính một cách rất hợp hiến ! Sự kiện điệp
khúc "bỏ điều 4" được lặp đi lặp lại trong các nghị quyết, kháng thư,
tuyên ngôn... chứng tỏ phần lớn các tổ chức không quan tâm đến hiến pháp và
không đọc hiến pháp, như đại đa số người Việt Nam từ trước đến nay.
Để chuyển hóa về dân chủ thì ngay giai đoạn chuyển tiếp,
không phải chỉ một điều 4, mà còn nhiều điều khác cần được vô hiệu hóa. Công việc
sẽ quá phức tạp vì phải rà soát lại toàn bộ hiến pháp? Không hẳn như vậy, chúng
ta có thể chỉ cần một nghị quyết, do quốc hội đương hành biểu quyết hoặc do một
trưng cầu dân ý, tuyên bố vô hiệu hóa mọi qui chiếu của hiến pháp về bất cứ một
tổ chức, một chủ nghĩa hay một nhân vật nào. Tất cả vấn đề là thiện chí, nếu thực
sự có ý chí dân chủ hóa thì không có vấn đề nào không giải quyết được.
Rồi sau đó? Chúng ta có thể đồng ý soạn thảo lại một bản hiến
pháp mới hoặc sửa đổi hiến pháp hiện thời. Nhưng dù chọn giải pháp tu chính đi
nữa thì cũng phải thay lời nói đầu, sửa đổi các điều khoản nói về đảng cộng sản,
chủ nghĩa Mác-Lênin, Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, và nhiều điều
khoản về tổ chức nhà nước, v.v... Nói khác đi, dù là tu chính đi nữa, trên thực
tế vẫn là một hiến pháp hoàn toàn mới về nội dung.
Chúng ta sẽ cho hiến pháp này nội dung nào?
Như đã nói, hiến pháp phải đáp ứng những đòi hỏi trọng đại
của hiện tại và cũng phải phù hợp với xã hội tương lai mà chúng ta muốn đạt tới.
Trong hiện tại ["hiện tại" có nghĩa là khi chế độ dân chủ chính thức
được thành lập], ba ưu tư chính của chúng ta là bảo đảm một bối cảnh chính trị ổn
vững, ngăn chặn sự trở lại của một chế độ độc tài dưới bất cứ hình thức nào và
thực hiện hòa giải dân tộc. Trong tương lai, chúng ta muốn một nước Việt Nam hội
nhập vào đà tiến chung của thế giới, một nước Việt Nam phát triển nhanh để bắt
kịp sự chậm trễ so với các nước khác, một nước Việt Nam ngày càng thống nhất
trong lòng người, một nước Việt Nam tản quyền để cho phép mỗi vùng được quản lý
một cách phù hợp với điều kiện riêng của mình và phát huy được tối đa các ưu điểm
của mình. Chúng ta cũng muốn một xã hội đa nguyên trong đó mọi sắc tộc và mọi
tín ngưỡng được thỏa mãn những khát vọng chính đáng.
Nếu những mục tiêu trên được chấp nhận thì một cách thực tế
hiến pháp tương lai có thể gồm :
1. Một lời nói đầu, được coi là có giá trị pháp lý cao nhất,
trong đó các mục tiêu trên được nêu ra, với ít nhất những khẳng định sau đây :
- Việt Nam coi bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và mọi
công ước liên hệ, cùng với những tu chính sau này của chúng, là thành phần tạo
thành và khắng khít của hiến pháp Việt Nam (khẳng định này nhắm mục đích cho
phép Việt Nam đi cùng nhịp với tiến bộ của thế giới).
- Trong nước Việt Nam không có những ý kiến cấm nêu ra và
cũng không có những đề tài cấm bàn đến (khẳng định này lấy tự do và sáng kiến
làm sức mạnh dựng nước).
- Xã hội Việt Nam được xây dựng trên tinh thần hòa giải và
hòa hợp dân tộc (hòa giải và hòa hợp không những là nhu cầu cấp bách của đất nước
hiện nay mà còn là một triết lý chính trị mới trên thế giới).
2. Các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Các điều
khoản này không cần đi vào chi tiết vì những quyền công dân phần lớn đã nằm
trong bản TuyênNgôn Quốc Tế Nhân Quyền và các công ước liên hệ, mặt
khác nên theo tinh thần thực nghiệm, nghĩa là bổ túc dần dần hiến pháp, biến hiến
pháp thành một suy tư thường trực trong quốc gia.
3. Các điều khoản về tổ chức nhà nước, trong đó qui định :
- Lãnh thổ Việt Nam thống nhất trong sự kết hợp các vùng.
Chính quyền trung ương giữ độc quyền về quốc phòng, ngoại giao và tiền tệ. Mỗi
vùng được có chính quyền riêng do dân chúng bầu ra. Các chính quyền vùng không
được có quân đội và tiền tệ riêng, không được ký kết những hiệp ước với nước
ngoài và với các vùng khác, không được làm chủ các cơ sở có mục đích kinh
doanh. Chi tiết về biên giới các vùng và cách tổ chức chính quyền vùng sẽ do một
đạo luật riêng do quốc hội biểu quyết.
- Chính quyền trung ương gồm một quốc hội trong đó không dưới
80% đại biểu được bầu theo thể thức đơn danh và một vòng, phần còn lại bầu theo
tỷ lệ, một thượng viện mà vai trò chính là đại diện cho các vùng, trong đó mỗi
vùng có một số thượng nghị sĩ bằng nhau; một tổng thống, hay chủ tịch nước, do
quốc hội và thượng viện bầu ra với vai trò chủ trì những nghi lễ và bảo đảm sự
liên tục, ổn vững và đoàn kết quốc gia; một chính phủ gồm một thủ tướng do quốc
hội bầu ra và những bộ trưởng do thủ tướng chỉ định; và một tòa án tối cao có
quyền phán quyết tính hợp hiến của các đạo luật do quốc hội biểu quyết và các
nghị định của chính phủ, trọng tài các tranh tụng giữa những cơ quan quyền lực,
xét xử các cấp lãnh đạo cấp cao, và xét lại các phán quyết của các tòa án trung
ương cũng như địa phương.
- Mỗi vùng sẽ có một nghị viện riêng và một chính quyền
vùng do nghị viện vùng bầu ra và chịu trách nhiệm trước nghị viện vùng.
- Các chính đảng được nhìn nhận là có vai trò quan trọng
trong sinh hoạt quốc gia và được tài trợ theo luật pháp.
4. Một số điều khoản đặc biệt có mục đích nhấn mạnh mục
tiêu dài hạn của quốc gia để thu hút sự chú ý của dân chúng, thí dụ như qui định
chức năng của Việt Nam là một nước thương mại, công nghiệp và du lịch; Việt Nam
vận động mọi cố gắng để chung sống trong tinh thần hữu nghị và hợp tác với các
quốc gia khác, đóng góp củng cố hòa bình trong vùng và trên thế giới; trách nhiệm
đặc biệt trọng đại của mọi công dân Việt Nam là gìn giữ và không ngừng cải thiện
môi trường sinh sống, không khí, cây rừng, bờ biển, lãnh hải và thềm lục địa.
Hiến pháp chỉ dừng lại ở những nguyên tắc và tinh thần chỉ
đạo; những chi tiết cụ thể, có thể rất quan trọng, như việc qui định các đơn vị
bầu cử, tổ chức chính quyền địa phương, số lượng và thể thức chỉ định các thẩm
phán tòa án tối cao, số lượng và thể thức bầu cử các thượng nghị sĩ, v.v... do
các đạo luật đặc biệt.
Về mặt kỹ thuật, hiến pháp chỉ có một bó buộc chính là đừng
có mâu thuẫn giữa các điều khoản. Điều này các luật gia có thể đóng góp, nhưng
thực ra chỉ đòi hỏi ở người soạn thảo một khả năng lô-gích vừa phải.
Một lời sau cùng về hiến pháp: hiến pháp là hợp đồng về một
dự án sống chung và xây dựng một tương lai chung; dự án ấy có thể đòi hỏi nhiều
suy tư trong nhiều năm của rất nhiều người, nhưng một khi chúng ta đã biết mình
muốn gì, cho mình và cho con cháu, việc soạn thảo thành văn bản có thể chỉ đòi
hỏi vài ngày.
Nguyễn Gia Kiểng
(trích
Tổ Quốc Ăn Năn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét