Thương người em nhỏ, bây giờ ở đâu
Chẳng biết bao giờ cô và cháu nhỏ gặp lại người chồng, để sống yên
bình như bao gia đình khác. Con đường phía trước của cô thật mịt mờ, nhưng cô
giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ấy vẫn tràn đầy nghị lực sống…”
Phải chăng cô là nạn nhân của sự ngăn cản thông tin. Khi chưa có
nghị định 72 mới ra vừa xong của CP, cách đây vài năm. Cô giáo Nguyễn Thị Bích
Hạnh trên bục giảng, đã gợi ý học sinh của mình chịu khó lên mạng để tìm kiếm
thông tin bổ sung cho môn học. Lập tức từ phía tuyên giáo của chính quyền nổi
lên một cơn thịnh nộ. Báo Dân
Trí lên án hành động
này và quy kết cho đó là:
"đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên
tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung
trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ
trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập
nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục".
Cô giáo Bích Hạnh bị đuổi việc, lâu dần không
ai nhắc đến cô nữa.
Một chiều nắng năm 2010, tôi đến Yên Thành của
đất Nghệ An, đi theo Lê Quốc Quân về quê hắn dự đám giỗ bố hắn. Quân dẫn tôi đi
thăm làng quê hắn, đến một góc làng có một ngôi nhà lúp xúp thì hắn dừng lại
ngó vào, qua hàng rào tre mục lưa thưa, tôi thấy một mảnh vườn phía trước trồng
rau cải bắp và vài loại nữa. Quân nói.
- Ông biết cô giáo Bích Hạnh không?
- À tôi có nghe, cô ấy ở Quảng Nam à?
Quân lắc đầu.
- Không , nhà cô ấy ở đây, cô ấy dạy học trong
Quảng Nam, nhưng vì bảo học sinh tìm kiếm thông tin trên mạng, bị bọn nó đuổi dạy,
giờ về nhà rồi, xin việc chẳng nơi nào nhận.
Quân đẩy cái cổng tre, chúng tôi vào nhà. Ngôi
nhà thấp lè tè, nền đất, trong nhà có bộ bàn ghế cũ để giữa nhà đã long tróc. Ở
góc nhà có một bộ máy tính bàn sản xuất từ đời nào, một giá sách nhỏ. Tò mò tôi
lại gần ngó vài thứ giấy tờ trên bàn, đó là những tờ giấy của ai đó đang soạn về
một chương trình giáo dục.
Nhà chẳng có ai, ở quê người ta thường để cổng
như vậy, hơn nữa thì ngôi nhà này có gì mà để trộm bõ công vào lấy. Chúng tôi
ngồi ở ghế giữa nhà một lúc, thì cô giáo Bích Hạnh đi từ ngoài cổng qua sân,
tay cầm thúng, tay cầm liềm. Quân cất tiếng chào, cô giáo chào chúng tôi, cất đồ
vào bếp và quay lên nhà rót nước mời chúng tôi uống. Hỏi thăm công việc, cô cho
biết chưa xin được nơi nào, chẳng đâu người ta nhận, giờ về nhà làm ruộng vườn
cùng mẹ.
Tôi nhìn thân hình gầy gò, mảnh mai của cô,
hình dung người con gái chịu khổ quyết chí học hành đến lúc có bằng thạc sĩ , vừa
chớm ước mơ đứng trên bục giảng vài bữa thì bị tai họa giáng xuống. Mọi ước mơ,
mọi công sức học hành giờ tan tành. Trở về nhà mẹ bên miếng ruộng, mảnh vườn tần
tảo sống qua ngày.
Thế rồi dòng đời trôi, tôi cũng không gặp
cô nhiều, thỉnh thoảng lại đi cùng Quân về quê. Chuyện trò hàng xóm, tiện nhắc
đến cô thì biết cô vẫn ở nhà làm vườn, ruộng, viết sách gì đó.
Nghệ An xảy ra vụ án chống chính quyền của mười
mấy thanh niên xứ Nghệ. Theo dõi tin tức về những người bị bắt, hoàn cảnh từng
gia đình, từng con người. Họ ở khắp nơi trên tỉnh Nghệ An, có người ở tít tận
cuối tỉnh giáp Lào, người giáp Thanh Hóa. Từ đầu này Nghệ an đến đầy kia hàng
trăm cây số. Trên cái xe máy cà tàng tôi đến từng nhà người bị bắt, nghe chuyện
gia đình họ. Người con đứa lên ba, đứa trong nôi. Người sắp cưới vợ, người đang
nuôi mẹ già, người đang học hành dang dở...tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia
đình họ, để bạn bè và những người quan tâm giúp đỡ là một phần nhỏ tôi thấy sức
mình có thể làm được trong lúc họ bị tù đày.
Thế nhưng, giờ tôi thấy mình đã bỏ sót một gia
đình. Đó là gia đình cô giáo Bích Hạnh, thật sự chuyện này tôi cũng mới biết
không lâu. Hóa ra trong vụ ấy, có người bỏ trốn được, anh ta đã bị phát lệnh
truy nã của cơ an an ninh điều tra bộ công an.
Thái Văn Tự, người đã bỏ trốn, nhờ có sự bỏ trốn
của anh mà cơ quan an ninh điều tra đã bế tắc không khai thác được thêm thông tin
về những người khác nữa. Bây giờ thì chẳng ai biết Thái Văn Tự ở đâu.
Tự là chồng của cô giáo Bích Hạnh. Họ cưới
nhau lúc nào tôi cũng không biết, dù tôi có gặp Tự trước đó vài lần. Là một
kỹ sư ngành tàu biển, đang có công việc và đồng lương tốt, Thái Văn Tự bỏ việc
để theo đuổi con đường mà Tự và những người bạn cùng quê hương đã chọn. Mong
cho đất nước có tự do, dân chủ và bác ái.
Giờ thì Thái Văn Tự bặt tăm chim trời cá nước.
Những người bạn anh vào tù được người đời nhắc đến, Thái Văn Tự ẩn dật nơi nào
không ai rõ, kể cả vợ con anh ta.
Cô giáo Bích Hạnh mang thai và sinh đứa con
trai khi chồng cô đang trốn lệnh truy nã, giờ bên mảnh vườn, ruộng xơ xác nắng
lửa miền Trung ấy, cái căn nhà lụp xụp thấp tè cũ kỹ ấy phải cưu mang thêm một
sinh linh nhỏ bé nữa.
Đằng sau những người đấu tranh, là những mảnh
đời, những số phận của mẹ già, vợ dại, con thơ cùng gánh chịu những gian
khó với họ.
Thế nhưng đất nước chưa bao giờ dứt những người
đấu tranh. Những lớp người này vào tù ngục, lại có lớp khác đứng lên tiếp tục
đòi hỏi tự do, công bằng , chủ quyền cho đất nước, cho dân tộc. Sẵn sàng đối diện
với thể chế khắc nghiệt luôn đưa họ vào nhà tù hay khắc chế bằng mọi phương thức.
Cảm ơn những người phụ nữ gày gò, sớm hôm bên
mảnh ruộng vườn, tần tảo nuôi con. Không một lời ca thán, dãi bày như cô giáo
Bích Hạnh. Từng ấy năm qua, một mẹ một con sống nhờ mảnh vườn, ruông, cô giáo
Bích Hạnh âm thầm vượt bao khó khăn mà chưa bao giờ cô muốn kể cùng ai.
Chẳng biết bao giờ cô và cháu nhỏ gặp lại người
chồng, để sống yên bình như bao gia đình khác. Con đường phía trước của cô thật
mịt mờ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ấy vẫn tràn đầy nghị lực sống, vẫn
kiên cường đối diện vật lộn với miếng cơm , manh áo hàng ngày như bao thân nhân
của những người tranh đấu khác.
Cô vẫn gầy guộc như cánh hạc, giữa cuộc đời
giông tố và khắc nghiệt này. Mong cho mẹ con cô vượt qua được mọi gian
khó....những gian khó mà chưa ai biết được ngày nào sẽ qua.
Người Buốn Gió
Tham
Khảo:
‒ Cô giáo
Nguyễn Thị Bích Hạnh bị mất tích ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét