Trọng Đạt

Hoa Kỳ và Ba Cuộc Chiến Lớn: Việt Nam, Afghanistan, Iraq.
   
Từ giữa thập niên 60 tới nay, Hoa Kỳ đã đưa quân ra ngoại quốc tham  chiến tại Việt Nam, AfghanistanIraq.
    Ba cuộc chiến tranh này giống nhau ở chỗ kéo dài trên dưới mười năm, tốn kém và không phải là chiến tranh qui ước hoặc chỉ dàn trận đánh công khai một thời gian ngắn, phần còn lại là chiến tranh du kích.

   Theo thứ tự thời gian, trước hết tôi xin đề cập tới
    Chiến tranh Việt Nam
    Lực lượng hai bên vào lúc cao điểm của cuộc chiến :
    Hoa Kỳ 536,100 người
    VNCH: Hơn một triệu quân kể cả chính qui và địa phương quân, lính nhà nghề vào khoảng 200,000 người
    Bắc Việt : Ước lượng khoảng gần 300 ngàn người.
    Mặt Trận Giải Phóng: Trước Mậu thân 1968 có khoảng 80 ngàn, thập niên 70 chỉ còn khoảng 20 ngàn  người.
    Hoa Kỳ đã gián tiếp can thiệp vào cuộc chiến chống lại sự bành trướng của  Cộng Sản tại Đông Dương từ đầu thập niên 50. Sau khi Trung Cộng đã nuốt trọn nước Tầu năm 1949, họ viện trợ quân sự ồ ạt cho Việt Minh tại biên giới Việt Hoa. Chính phủ Mỹ vội viện trợ cho Pháp đánh Việt Minh, cho tới 1954 chi phí chiến tranh tại Đông Dương phần lớn do Mỹ gánh chịu (78%.The Pentagon Papers Volum 1, Chapter)
    Năm 1955 quân Pháp rút về nước, Người Mỹ trợ giúp chính  phủ miền Nam Việt Nam thành lập tiền đốn chống Cộng tại Đông Nam Á.  Những năm cuối thập niên 50 Cộng Sản Hà Nội bắt đầu phát động chiến tranh du kích xâm lược tại đồng bằng miền Nam. Đầu thập niên 60 chiến tranh ngày càng mở rộng, từ năm 1964, lợi dụng tình hình chinh trị miền Nam bất ổn, Cộng Sản ngày càng gia tắng xâm nhập và mở những trận đánh lớn, qui mô hơn khiến cho Việt nam đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ. Ngày 2-8-1964 vụ tầu Maddox bị ba tầu phóng ngư lôi Bắc Việt tấn công, Quốc hội Mỹ ra luật Gulf of Tonkin Resolution với đại đa số phiếu ủng hộ Tổng thống Johnson trong chiến tranh Việt Nam. Không quân Mỹ được lệnh oanh tạc miền Bắc phía trên vĩ tuyến 17, người Mỹ bắt đầu trực tiếp can thiệp vào Việt Nam
   
VNCH
Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa kỳ vào Việt Nam thực sự bắt đầu từ tháng 8-1964 cho tới ngày ký Hiệp định Paris tháng 3-1973, có hai giai đoạn rõ rệt từ 1964-1968 dưới thời Tổng thống Johnson và từ 1969-1974 dưới nhiệm kỳ cùa Tổng thống Nixon.
    Giai đoạn 1964-1968. Năm 1965 là thời kỳ cao điểm của thuyết Domino chủ trương nếu mất Đông Dương sẽ mất cả Đông Nam Á như trong ván cờ domino. Tình hình miền Nam VN năm 1965 rất nguy kịch, trung bình  một tuần mất một quận và một tiểu đoàn. Theo thăm dò của Viện Harris đại đa số (78%) người Mỹ, lưỡng viện Quốc hội ủng hộ chính phủ can thiệp vào Đông Dương. Johnson không còn đường nào hơn là dổ quân vào để cứu VNCH. Sau này năm 1969 Tướng Wesmoreland có nói nếu Mỹ không đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965 thì VNCH sẽ mất trong sáu tháng.
   Cuối năm 1964 quân Mỹ tại miền Nam chỉ có 21,353 người (cố vấn) nhưng năm 1965 đã tăng vọt lên 185,000 ngàn người, năm 1966 lên 385,000, năm 1967 lên 485,600 và năm 1968 tới đỉnh cao 536,100. Người Mỹ đã bình định được miền nam nhờ lực lượng hùng hậu, CS Bắc Việt bị thiệt hại nặng khoảng 350 ngàn cán binh trong những năm 1965, 66, 67 nhưng vẫn tiếp tục gia tăng xâm nhập từ miền Bắc. Kề hoạch chiến tranh giới hạn của Tổng thống Johnson chỉ cho lùng diệt địch tại miền Nam, không cho đánh vào hậu cần CSBV  bên kia biên giới Mên, Lào, chỉ phòng thủ mà không tấn công. Johnson cho oanh tạc BV từ 1964 ngày càng leo thang nhưng vẫn hạn chế mục tiêu, mục đích chỉ là để hăm dọa BV để họ phải đàm phán nghiêm chỉnh.
    Sau này Tổng thống Nixon chỉ trích sự sai lầm của Johnson trong kế hoạch chiến  tranh hạn chế không khuất phục được Bắc Việt từ bỏ âm mưu thôn tính miền Nam, nó chỉ kéo dài chiến tranh khiến cho phong trào chống đối lên cao và tạo thời cơ cho Cộng sản đạt thắng lợi. Số thiệt hại nhân mạng của Mỹ tăng dần, năm 1965 có 1,863 lính Mỹ chết tại miền nam (kể cả những người chết trận cũng như những lý do khác), năm 1966 tăng lên 6,143 người, năm 1967 lên 11,153 người, năm 1968 lên 16,592 người, từ 1965 tới 1968 có tất cả 35,751 người thiệt mạng. Số lính Mỹ tử trận được truyền thông Mỹ thổi phồng khiến phong trào phản chiến ngày càng quyết liệt hơn.
    Cuộc chiến của Johnson mới đầu được dân chúng ủng hộ nhiều nhưng từ từ giảm dần : Từ cuối năm 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống 51% , từ đầu 1967 tới cuối năm giảm từ 52% xuống 46%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%. % (nguồn Wikipedia).Sau trận Mậu Thân 1968 phong trào phản chiến trở nên dữ dội, tỷ lệ ủng hộ tụt thang nhanh chóng, người dân cho rằng chính phủ không thể thắng được cuộc chiến này,  tỷ lệ chống chiến tranh lên cao đòi chính phủ rút quân về nước bỏ Đông Dương.  Người Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài không dứt.
    Giai đoạn 1969-1973
    Nixon lên nhậm chức Tổng thống đầu năm 1969 khi gió đã đổi chiều,  giai đoạn trước từ 1965-1968 Johnson được cử tri, Quốc hội ủng hộ đưa quân ồ ạt vào VN chống CS  và giai đoạn sau từ 1969-1973,  Nixon phải đem quân về nước, phục hồi hòa bình như đã hứa khi tranh cử.
    Nixon gặp khó khăn vô cùng không được nhiều thuận lợi như thời Johnson, ông đã lãnh đủ, thừa hưởng gia tài đổ nát do cặp Johnson-McNamara để lại.  Tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh ngày càng giảm: Từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28% (nguồn Wikipedia).
   Trật tự nước Mỹ từ sau 1968 ngày càng tồi tệ, năm 1968 phản chiến chỉ  là   bất bạo động như biểu tình, đốt thẻ trưng binh nhưng  sang năm 1969 khi Nixon lên làm TT đã tiến tới bạo động, đổ máu, sinh viên bắn cảnh sát,   đốt nhà, đập cửa kính, ném bom lớp học... Năm 1969-1970 có 1,800 cuộc chống đối biểu tình, 7,500 người bị bắt, 247 vụ đốt nhà, 462 người bị thương. Bạo lực lan ra toàn quốc.
    Ngày 18-3-1970 Thủ tướng Lon Nol lật đổ vua Sihanouk và cho tấn     công các lực lượng CS tại Miên, địch phản công dữ dội, tình hình quân sự tại đây rất đen tối. VNCH được Hoa Kỳ yểm trợ đã mở cuộc hành quân sang Miên ngày 13-4-1970 để phá hủy các căn cứ hậu cần an toàn của BV nơi xuất phát những cuộc tấn công VNCH.
    Cuộc hành quân sang Kampuchia từ 29-4-1970 tới 22 -7-1970 đã  đánh bại và ruồng bố được khoảng 40,000 quân CS, giết trên 10 ngàn cán binh, tịch thu được 22,890 vũ khí cá nhân, 2,500 vũ khí cộng đồng, phá hủy nhiều cơ sở quân sự, làm suy yếu áp lực địch tại miền Nam VN
    Mục đích cuộc hành quân để đánh vào hậu cần CSBV ngõ hầu Hoa Kỳ có thể rút quân về nước thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Cuộc hành quân bị chống đối dữ dội, tính tới cuối tháng 5, khoảng 57% các đại học xá Mỹ tham gia biểu tình chống chiến tranh VN. Bạo động, đốt nhà, quân đội sô sát với sinh viên dữ dội.
Afghanistan
    Tháng 1-1971 Nixon ban lệnh hành quân cắt đường mòn Hồ Chí Minh, vì bị Quốc hội ngăn cản không cho chính phủ đưa quân Mỹ sang Lào, Nixon giúp Quân đội VNCH mở cuộc hành quân. Mỹ giúp chuyên chở và yểm trợ phi pháo, quân đội VNCH tiến sâu khoảng 20 dặm vào đất Lào theo đường số 9 để chiếm tỉnh Tchpone, nơi tập trung các tuyến đường xâm nhập của CSBV, kế tiếp tiến sâu hơn vào vùng xung quanh để phá hủy các cơ sở CS.  Cuộc hành quân lấy tên Lam Sơn bắt đầu ngày 8-2-1971, Quân đội miền Nam chiến đấu anh dũng và hữu hiệu. Lực lượng gồm Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Liên đoàn 1 Biệt động quân và Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Sư  đoàn TQLC là lực lượng trừ bị, quân số lúc nhiều nhất là 17,000 người. BV phản công mạnh hơn ta tưởng rất nhiều.
     Cuộc hành quân Lam Sơn chỉ thành công trong giai đoạn đầu, phá hủy được 405 xe vận tải, 106 chiến xa và nhiều kho quân trang, quân dụng, tiếp liệu, VNCH  chiếm được Tchpone nhưng không giữ được lâu dài, phải tháo lui khi bị BV đưa lực lượng đông đảo tấn công. Nhìn chung hai bên đều bị thiệt hại nặng.  Phía Mỹ có hơn 200 người chết và mất tích, VNCH hơn 2000 người chết và mất tích, BV khoảng hơn 10,000 người bị giết.
    Ngày 30-3-1972, BV đem 10 sư đoàn chính qui cùng với xe tăng đại bác tấn công đại qui mô miền Nam. Họ tập trung ba Sư đoàn bộ binh, 200 xe tăng T-54, nhiều đại bác 130 ly vượt qua khu phi quân sự, nhiều đơn vị khác theo đường số 9 Hạ Lào hướng về Huế, hai Sư đoàn tiến về Kontum, ba Sư đoàn từ Miên tiến đánh Bình Long.
    CSBV tiến nhanh và chiếm ưu thế ngay, Quảng trị mất cuối tháng tư 1972, An Lộc bị bao vây ngày 13-4, ngày 23-4 Kontum bị tấn công. Dân chúng chạy loạn bị Cộng quân pháo kích chết la liệt trên quốc lộ 1. TT Nixon cho oanh tạc phía trên vĩ tuyến 17 và tập trung hải lục không quân yểm trợ VNCH
    Ngày 8-5-1972 Nixon lên truyền hình, sau khi đã thông báo về cuộc tấn công xâm lược của BV, Hoa Kỳ muốn đàm phán nhưng BV không nghiêm chỉnh, ông sẽ ngăn chận cuộc tấn công xâm lăng của địch. Khi ấy phong trào phản chiến và truyền thông chống đối Nixon dữ dội, một tờ báo cho đây là canh bạc tuyệt vọng
    VNCH thắng thế CSBV tháng 5 -1972, BV đánh qui ước, lộ mục tiêu làm mồi cho B-52 và không quân VNCH.  Nixon khẳng định muốn xử dụng vũ lực và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của nó, ông đã dùng hỏa lực vũ bão đánh BV và đạt kết quả mỹ mãn.  Nixon  trưng dụng tối đa các chiến hạm của Đệ Thất hạm đội, hơn 400 pháo đài bay B-52 và khu trục cơ F-4 để oanh kích cả hai chiến trường Nam Bắc
    Trong tháng 11-1972 Hải quân Mỹ đã pháo 16,000 tấn đạn xuống phía dưới khu phi quân sự và ném 155,000 tấn bom xuống miền Bắc,  vì CSBV dàn quân đánh qui ước nên Mỹ đã xử dụng tối đa ưu thế của không quân để đè bẹp họ. Cảng Hải phòng một  năm tiếp nhận 2.1 triệu tấn hàng gồm 85% quân dụng, vũ khí và 100% dầu, nhiên liệu, khi bị Hoa kỳ phong tỏa thì không  một  chiếc tầu nào ra vào hải cảng được, cuộc tấn công của địch bị khựng lại.
   Tháng 6-1972, QLVNCH bắt đầu phản công, tại An Lộc các đơn vị trú phòng sau hơn hai tháng bị Cộng quân bao vây pháo kích tàn bạo, nay được sự yểm trợ của không quân Mỹ, họ bắt đầu phản công, sau hai tuần đã giải tỏa thị xã. Tháng 8 -1972 chiếm lại tỉnh Bình Long, cuối tháng 6-1972 VNCH  tấn công mặt trận phía bắc, hơn hai tháng sau ba Sư  đoàn VNCH đã đẩy 6 Sư  đoàn BV ra khỏi Quảng Trị.  Quân đội CSBV bị đánh tan nát, 75% xe tăng bị bắn cháy, cán binh CS tử thương khoảng từ 70 ngàn tới 100 ngàn người .   
     Thất bại trong cuộc tổng công kích , BV phải ngồi lại vào bàn hội nghị.
Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 tại khách sạn Majestic.
    Hoa kỳ bắt đầu rút quân 60,900 người năm 1969, năm 1970 rút 140,600 người. năm 1971 rút 177,800 người, năm 1972 rút  153,600 người . Nixon đưa ra hai kế hoạch để bảo vể VNCH: Viện trợ quân sự mỗi năm khoảng 2 tỷ đô la, yểm trợ oanh tạc B-52 nếu bị BV tấn công vi phạm Hiệp định nhưng các kế hoạch trên đã bị quốc hội phá hỏng. Họ cắt giảm quân viện tối đa: năm 1973 hai tỷ mốt (2,1 tỷ), năm 1974 còn 1,4 tỷ, năm 1975 còn 700 triệu, đồng thời ra luật (tháng 8-1973) cắt mọi khoản ngân sách cho  tất cả  hoạt động quân sự tại Đông Dương. Người  Mỹ quá chán chiến tranh Đông dương khiến chính phủ phải rút quân bỏ miền Nam VN, quốc hội Dân chủ  cắt quân viện bỏ rơi VNCH.
    Tháng 3-1975 BV được CS q         uốc tế viện trợ quân sự dồi dào dốc toàn lực tấn công miền Nam VN, toàn bộ lực lượng khoảng 20 sư đoàn. Phần vì thiếu thốn tiếp liệu, đạn dược chỉ còn đủ xài trong một vài tháng, phần vì  Tổng thống Thiệu sai lầm cho rút bỏ Cao nguyên khiến  miền Nam sụp đổ nhanh chóng vào ngày 30-4-1975.
    Tổn thất hai bên :
     Hoa kỳ 58,193 người                   
    VNCH: khoảng 200,000 người
     BV khoảng 1 triệu cán binh và Mặt Trận Giải Phóng khoảng 100,000 người.
    Thường dân chết trong cuộc chiến được ước lượng khoảng 300,000 người, (các tài liệu không thống nhất).
     Phí tổn trực tiếp (direct cost) của Hoa Kỳ được ước lượng vào khoảng 160 hay 150 tỷ đô la đồng tiền năm 1975  hay trong khoảng từ  666 tỷ đô la tới  900 tỷ đô la năm 2008 vì đồng tiền mất giá khoảng 6 lần. Phí tổn toàn bộ (final cost) khoảng 350 tỷ. Phí tổn toàn bộ chiến tranh Việt Nam các tài liệu không hoàn toàn thống nhất nhưng nói chung vào khoảng gần 300 tỷ. Tính tương đương với giá tiền ngày nay vào khoảng từ 1,000 tỷ tới 2,000 tỷ.

     Chiến Tranh Afghanistan

     Lực lượng hai bên năm 2013:
     NATO và Lực Lượng Yểm Trợ An Ninh Quốc Tế (ISAF) tổng cộng 100,330, Lực Lượng An Ninh Quốc gia  Afghanistan: 380,586,
     Tổng cộng 480,916 người.
     Phiến quân: Taliban 25,000 người, Al-Qaeda từ 50-100 người
    Tổng cộng kể cả các lực lượng khác trong khoảng từ 29,000 tới 40,000 người
    Trên đây là các con số thống kê mới nhất.
    Cuộc chiến tranh Afghanistan bắt đầu từ ngày 7 tháng 10 năm 2001 do Hoa Kỳ, Anh và  Liên quân Bắc phương (Afghanistan) phối hợp để phá hủy tổ chức Al-Qaeda và lật đổ chế độ Taliban tại đây sau khi chúng gây ra khủng bố ngày 9-11-2001 tại New York làm thiệt mạng khoảng 3000 người. Trong vài tuần Mỹ Anh đã đã lật đổ chế độ Taliban ở thủ đô Kabul. Đa số cấp lãnh đạo Taliban chạy trốn qua Pakistan. Năm 2004 bầu cử chính phủ dân chủ ở Afghanistan. Lực Lượng Yểm Trợ An Ninh Quốc Tế (ISAF) gồm 42 nước do Nato đóng vai chính năm 2003, mục đích truy nã Bin Laden.
    Năm 2003 Lực lượng phiến quân Taliban  (Bộ chỉ huy đóng tại Pakistan) tấn công chính phủ mới và và Nato, chúng  khủng bố thường dân. Năm 2009 có tới 76% thường dân chết vì phiến quân Taliban. Ngày 1-12-2009 TT Obama nói sẽ tăng thêm 30,000 quân cho chiến trường Afghanistan trong 6 tháng, năm 2014 sẽ rút quân.  
    Ngày 26-1- 2010 Hội nghị về Afghanistan tại Luân đôn gồm 70 nước và các tổ chưc tham dự , TT Afghanistan cho biết ông tỏ thiện chí hòa bình với giới chức lãnh  đạo Taliban, kêu gọi mở hòa đàm nhưng sau đó được phiến quân  đáp lại bằng pháo kích, ám sát, phục kích…
    Phí tổn chiến tranh là động lực chính (major factor) khiến các giới chức chức Hoa Kỳ muốn rút quân năm 2011. Tháng 3-2011, Ủy ban nghiên cứu Quốc hội báo cáo:
    1- Sau thông báo tăng quân năm 2009, chi phí của Bộ quốc phòng Mỹ với chiến trường Afghanistan tăng 50%  từ 4,4 tỷ tới 6,7 tỷ một tháng, trong thời gian này quân số Mỹ tăng từ 44,000 lên 84,000 người và sẽ là 102,000 người trong tài khóa 2011.
    2- Tổng số chiến phí tại Afghanistan từ 2001 tới 2006 chỉ hơn chiến phí riêng trong năm 2010 một chút – 93,8 tỷ . Chi phí quân sự tại Afghanistan tài khóa 2011 được dự tính là 118 tỷ.
    Ngày 22-6-2011 TT Obama tuyên bố cuối năm 2011 sẽ rút 10,000 quân, kế tiếp sẽ rút 23,000 người vào mùa hè năm 2012.
    Người Mỹ cho rằng tính tới tháng 6-2010, Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của Mỹ nếu sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam bắt đầu từ ngày 7- 8 -1964 (vụ tầu Maddox) cho tới tháng 3-1973 (ký Hiệp định Paris)
    Tổn thất của hai bên 2013:
    Đồng minh Tây phương 3,340 tử trận trong đó Mỹ 2,246, Anh 444, Canada 158, Pháp 86, Đức 54, Ý 53, các nước khác 303 người  
    Lực lượng chính phủ Afghanistan có 10,086 người chết, Liên quân Bắc phương 200 người
    Phiến quân: Taliban có 38,000 người bị giết, Al Qaeda khoảng 20,000 chết. Toàn bộ các phiến quân tổng cộng từ 80,000 cho tới 100,000 người bị giết.(thống kê 2011)
    Thường dân tử vong được ước lượng trong khoảng từ 16,725 tới 19,013 người (thống kê 2013).
    Phí tổn ước lượng khoảng 467 tỷ hiện nay (2011)
 
Iraq
   Chiến Tranh Iraq
   Lực lượng hai bên:
   Khi tấn công Saddam Hussein (2003-2004)  
   Hoa Kỳ và các nước tham chiến 265,000 người, trong đó Hoa Kỳ 148,000, Anh 45,000, còn lại các nước khác
   Quân đội Iraq 375,000 người chính qui, ngoài ra còn Vệ binh cộng hòa 50,000, Bán quân sự 44,000, Trừ bị 650,000, Tổng cộng trên một triệu
    Hoa Kỳ và Anh Quốc cho rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein sản xuât vũ khí giết người hàng loạt, kết án Saddam chứa và trợ giúp Al-Qaeda, trợ giúp bọn Palestine đánh bom tự sát, vi phạm nhân quyền  con người. Hoa Kỳ - Anh cũng nêu lý do đem dân chủ tới Iraq.
     Ngày 11-10-2002 Quốc Hội Hoa Kỳ thuận cho TT Bush đánh Iraq nếu không chấm dứt sản xuất vũ khí giết người hàng loạt. Ngày 17-3-2003 TT Bush cho Saddam Hussein 48 giờ để rời khỏi nước nhưng ông ta khước từ. Ngày 20-3-2003 Mỹ mở cuộc tấn công xuất phát từ Kuwait vượt 186 miles chưa tới một tuần. Ngày 9-4-2003 quân Iraq bị đánh tan, phía Liên  quân có 200 người tử thương, Hoa Kỳ 138 người,  quân  của Saddam Hussein chết vào khoảng từ 7,600 tới 10,800 người .
    Sau đó bọn khủng bố từ bên ngoài vào Iraq đánh du kích, đánh bom tự sát, đặt bom giết hại cả dân, lính.
     Tổng thống Bush bị chỉ trích điều hành cuộc chiên kém đưa tới chỗ sa lầy  làm chết nhiều người cho một mục đích không chính đáng, không chấp nhận được. Chính phủ không tìm được kho vũ khí hủy diệt hàng loạt như   đã nói, bị chỉ trích là nói láo, Hoa Kỳ không bị đe dọa …
    Tháng 7 năm 2003 đảng Dân chủ mở chiến dịch chống TT Bush, cho rằng ông ta nói láo, dân chết: (Bush lied, people died), Saddam Hussein không hề có vũ khí hủy diệt, cuộc chiến tranh không cần thiết 
    Năm 2005 Mỹ như bị sa lầy vào cuộc chiến, không thể thắng được đối phương.
    Từ năm 2004 tới 2006 bị đặt bom bắn xẻ, dư luận ủng hộ cuộc chiến sút giảm, báo chí kêu than cuộc chiến tranh gây tốn kém, Hoa Kỳ bị sa lầy, không thể  thắng được.
    Ngày 16-6-2005 đã có 41 vị dân biểu đảng Dân Chủ đòi rút quân nhanh khỏi Iraq lấy cớ là chính phủ Bush tạo nguyên do giả, lừa gạt.
    Tháng giêng năm 2007 Mỹ được nhiều thuận lợi hơn tại chiến trường này, TT Bush xin tăng thêm 20,000 quân để tận diệt phiến quân. Đảng Dân chủ tại quốc hội vận động bác bỏ dề nghị này nhưng việc tăng quân vẫn được tiến hành từ tháng 1 tới tháng 5-2007, Hoa Kỳ gửi thêm mỗi tháng 4,000 người tới Iraq
   Tháng 4-2007, thượng nghị sĩ Harry Reid khuyên người Mỹ bỏ cuộc, ông nói:  “Tôi tin rằng chúng ta thua, tăng quân cũng không làm gì được” nhưng thực ra việc tăng thêm quân đã đè bẹp đối phương để giúp Iraq củng cố chính quyên.   
     Mùa xuân 2009 một cuộc nghiên cứu của chính phủ cho thấy số thường dân chết vì chiến tranh Iraq thấp hơn người ta tưởng rất nhiều. Trước đây người ta ước lượng trong khoảng 600,000 và một triệu nhưng cuộc nghiên cứu mới nhất dựa một phần trên những con số do Bộ Y Tế Iraq cung cấp, nó cho biết có 110,600 người Iraq chết từ ngày Mỹ đem quân qua đánh Iraq 6 năm trước. Ngoài ra  trong số 110,600 người chết này đại đa số do khủng bố hoặc do xung đột giáo phái, chỉ có một số nhỏ có lẽ 10%  hoặc ít hơn thế do Mỹ hoặc Liên quân gây ra.
    Tổn thất hai bên 2011.
    Quân của chính phủ Iraq chết 16,600 người  
    Lực lượng Liên hiệp Đồng minh: Chết 4,794 người trong đó Mỹ 4,470, Anh 179, các nước khác 139.. bị thương 32,600 hầu hết là Mỹ
   Quân Saddam Hussein khoảng từ 7,600 tới 10,800 người
   Phiến quân (sau khi Saddam Hussein bị lật đổ): Chết trong khoảng từ  21,220 tới  26,400 người, bị bắt làm tù binh 12,000, tổng cộng có trong khoảng 33,920 cho tới 37,120 người chết (Iraq).
   Thường dân chết do đếm xác khoảng từ 103,160 cho tới 112,726 người
    Con số do các nguồn ước lượng rât khác biệt, có nguồn cho 110,600, hay 601,000, nguồn khác cho môt triệu, Wikileak cho là 104,920…
    Phí tổn: Theo tin Bộ quốc phòng Hoa Kỳ các cuộc hành quân Iraq trong 10 năm qua đã làm hao tổn khoảng 700 tỷ Mỹ kim, cũng có tài liệu khác (trên mạng) nói vào khoảng 800 tỷ. TT Obama tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Iraq cuối năm 2011. Vào ngày 18-12-2011, đơn vị cuối cùng của Hoa Kỳ đã rút khỏi Iraq chấm dứt cuộc viễn chinh của người Mỹ tại đây.

    Nhận xét chung

    Dưới đây là những khía cạnh chính của ba cuộc chiến kể trên. Trước hết xin nói về động cơ thúc đẩy, tầm vóc các cuộc chiến, phong trào phản chiến và sau cùng sự triệt thoái của quân đội Mỹ.  
    -Nguyên do :
     Nhìn chung, các cuộc chiến tranh của  Hoa Kỳ tại ngoại quốc từ xưa đến nay đều nhằm bảo vệ an ninh cho nước Mỹ. Cuộc chiến tranh Việt Nam và hai cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan hiện nay đều gián tiếp hay trực tiếp phục vụ cho quyền lợi người Mỹ về an ninh quốc phòng.
    Động lực chính khiến Hoa kỳ can thiệp gián tiếp cũng như trực tiếp vào Đông Dương, Việt Nam là do ảnh hưởng của thuyết Domino có từ 1954 dưới thời Tổng thống  Eisenhower cho rằng nếu mất một nước thì các nước láng giềng cũng sẽ bị mất theo một loạt y như trong ván cờ domino. Thuyết này được áp dụng triệt để cho Việt Nam từ thập niên 50 và nhất là thập niên 60 từ TT Eisenhower tới Kennedy, Johnson. Hồi ấy dư luận báo chí ủng hộ thuyết Domino cho rằng mất Việt Nam sẽ kéo theo sự  sụp đổ của các nước khác như Mên, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương…
    Thập niên 60 thuyết này được tin tưởng nhiếu nhất, năm 1961 Phó tổng thống Johnson nói với Kennedy: Việt Nam là một địa điểm nguy kịch nhất, nếu Mỹ thất bại trong việc chiến đấu chống Cộng Sản tại đây sẽ dâng Thái Bình Dương cho CS và sẽ phải phòng thủ ngay tại bờ biển Hoa Kỳ. Năm 1960 Kennedy đắc cử Tổng thống, ngày nhậm chức ông cho biết tiếp tục ủng hộ miến nam Việt Nam vì nếu ở đây lọt vao tay CS thì các nước Lào, Mên, Miến Điện, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc…sẽ bị mất theo, nếu không ngăn chận CS ở VN nó sẽ lan rộng ra trên thế giới theo chiến lược tầm ăn  dâu.
    Tháng 2 -1965 theo thăm dò của viện Harris, khoảng 78% người Mỹ và cả lưỡng viện Quốc tin rằng nếu Mỹ rút khỏi Việt Nam, Cộng sản sẽ chiếm hết Đông Nam Á, chỉ có 10% là không tin thế. Thuyêt Domino kêu gọi hành động khiến Johnson phải đưa đại binh vào VNCH giữa năm 1965, hồi đó tình hình miền Nam vô cùng nguy ngập, mội tuần mất một tiểu đoàn và một quận.  Người Mỹ đem quân vào VN vì tình huống hở răng lạnh, vi  quyền lợi của chính họ trước hết nhưng nhờ đó chúng ta đã sống còn thêm 10 năm nữa cho tới 1975. Mặc dù năm 1965 nguyên do khiến Mỹ đổ quân vào VN chỉ vì nước Mỹ bị đe dọa về an ninh gián tiếp nhưng thực ra họ lai quan trọng hóa hơn nguyên nhân trực tiếp sau này.
     Cuộc chiến Afghanistan được quốc hội và dân chúng ủng hộ ngay. Chưa tới một tháng sau  khi bọn khủng bố Al-Qaeda đánh sập tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (world trade center) ngày 9-11-2001, TT Bush đã đưa quân vào Afghanistan ngày 7-10-2001 để tiêu diệt tổ chức Al-Qaeda, truy lùng Bin Laden thủ phạm vụ khủng bố nói trên.
     Nguyên nhân Hoa Kỳ đưa quân chiếm Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban vì họ nuôi dưỡng Bin Laden và Al-Qaeda. Trận khủng bố ngày 9-11 là nguyên nhân trực tiếp đe dọa an ninh nước Mỹ. Taliban, Al-Qaeda tai Afghanistan là động cơ trực tiếp khiến Hoa Kỳ đem quân vào Afghanistan. Khác với chiến tranh Việt nam, Afghanistan là đấu mối đe dọa trực tiếp sinh mạng của người Mỹ nên việc đem quân vào đây để truy lùng bọn khủng bố đã được người dân và Quốc hội ủng hộ ngay.
    Cuộc chiến tranh Iraq cũng giống như Afghanistan ở chỗ đây là sự  đe dọa trực tiếp an ninh nước Mỹ, đe dọa sinh mạng của người dân. Saddam Hussein sản xuất vũ khí hàng loạt đe dọa sinh mạng của Hoa Kỳ. TT Bush đã đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc để được chính danh đem quân vào Iraq lật đổ Saddam Hussein, y là một tên nguy hiểm đối với Mỹ. Chính phủ đưa chương trình ra quốc hội và thăm dò ý kiên người dân đã được kết quả tốt nhưng lại bị dư luận quốc tế chống đối dữ dội, họ cho rằng Hoa Kỳ ngang ngược đem quân xâm lăng nước khác vi phạm công pháp quốc tế. Tại Pháp, Đức các cuộc biểu tình đông đảo chống đối TT Bush cho rằng ông reo rắc chiến tranh tang tóc cho nhân dân Iraq.
    TT Bush không đếm xỉa gì tới dư luận chống đối tại châu Âu, vẫn ngang nhiên đem quân vào Iraq vì ông đã được cử tri và quốc hội Mỹ đồng ý cho tiến hành cuộc chiến. Cũng có dư luận cho rằng nguyên do chính là để chiếm lãnh các mỏ dầu hỏa tại đây, ngay từ cuộc chiến vùng vịnh 1992 người dân biểu tình nêu khẩu hiệu chúng ta không chết cho Texaco.
    Như ta thấy, chính phủ Mỹ muốn đem quân ra ngoại quốc hoặc thực hiện một chính sách ngoại giao, quân sự   quan trọng phải có sự thỏa thuận của và Quốc hội  và trên 50% người dân.  Họ chỉ quan tâm tới quyền lợi của Hoa Kỳ không cần đếm xỉa gì tới công pháp quốc tế và họ đã thuận cho chính phủ đem quân ra ngoại quốc đánh Saddam Hussein với lý do y chế tạo vũ khí hàng loạt đe dọa sinh mạng người dân Mỹ.
    Cuộc chiến Việt Nam do nguyên nhân môi hở răng lạnh, không phải là nguyên do trực tiếp nhưng lại được cử tri Mỹ, Quốc Hội, chính phủ  đặc  biệt quân tâm  vì ảnh hưởng của nó sẽ vô cùng lớn lao qua hình ảnh ván bài domino. Hoa Kỳ có thể mất hết Á Châu nếu rút bỏ Đông Dương, đó là  lý do tại sao cuộc chiến Việt Nam lại lâu dài, tốn kém, lớn hơn cuộc chiến Afghanistan và Iraq rất nhiều.
    -Tầm vóc
    So sánh ba cuộc chiến kể trên, mặc dù chiến tranh Việt Nam chỉ là nguyên nhân xa đe dọa an ninh nước Mỹ nhưng nó thể hiện sự đụng độ giữa Hoa Kỳ và khối CS quốc tế. Mặc dù chỉ là đụng trận giữa Mỹ và CSVN nhưng đối phương đã được cả khối CS quốc tế viện trợ quân sự hết mình.
    Cũng là chiến tranh du kích nhưng cuộc chiến tại Việt Nam lớn hơn chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq  nhiều, trước hết về thời gian, chiến tranh VN vẫn là cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ. Người Mỹ đã gián tiếp can thiệp vào Đông Dương từ năm 1950 bằng viện trợ quân sự cho Pháp chống Việt Minh. Khi miền Bắc VN phát động chiến tranh du kích từ những năm cuối thập niên 50, vấn đề Việt Nam đã trở thành mối ưu tư lớn rồi dần dần trở thành ưu tư hàng đầu của Mỹ, cuộc chiến này đã kéo dài hơn 20 năm đối với Mỹ chứ không phải chỉ từ 1964, 1965 khi họ trực tiếp can thiệp vào VN.
    Về lực lực lượng hai bên ta thấy cuộc chiến VN lớn hơn hai cuộc chiến chống khủng bố rất nhiều: phía Hoa Kỳ lúc cao điểm có  trên 500 ngàn quân, phía Bắc Việt khoảng gần 300 ngàn quân chính qui võ trang tối tân, Mặt trận giải phóng trước Tết Mậu thân 1968 khoảng gần 80,000 người. Phía VNCH cao điểm có khoảng một triệu quân trong đó lực lượng chính qui khoảng 40%, còn lại địa phương quân, cảnh sát.
    Tại Afghanistan và Iraq, người Mỹ chỉ mất vài tuần lễ đã đánh tan quân Taliban và quân Iraq của Saddam, hai bên dàn quân đánh theo chiến tranh qui ước một thời gian ngắn sau đó chỉ là chiến tranh khủng bố, du kích. Tại IraqAfghanistan hầu hết chỉ là khủng bố, phá hoại, bắn xẻ…  không có trận nào đáng kể như trong chiên tranh VN. Tại Việt Nam, Hoa kỳ đụng độ với CS Bắc Việt hay Việt Cộng bằng những trận đánh lớn hơn bên AfghanistanIraq  nhiều, nhất là trong những năm 1971, 1972, 1975,  tại VN hai bên đã tham chiến lên tới cấp quân đoàn.
    Khi Hoa Kỳ mở chiến dịch lùng và diệt địch từ những năm 1965, 66, 67 hai bên đã đụng trận nhau cấp tiểu đoàn, trung đoàn, trận tổng công  kích Tết Mậu Thân  phía CS đã đưa 84,000 quân tấn công đại qui mô 28 tỉnh của  VNCH, bị thiệt hại 58,000 người.  Trận Khe Sanh 1968 hai bên đã tham chiến cấp Sư đoàn. Trận hạ Lào 1971 và trận tấn công năm 1972 khi Mỹ chưa rút hết hai bên đã bắt đầu đánh tới cấp quân đoàn bằng những đại đơn vị , phía BV đưa vào trận địa 10 sư đoàn chính qui với đầy đủ vũ khí tối tân :  xe tăng đại  bác, hỏa tiễn, phòng không…Trong trận này Hoa Kỳ đã trưng dụng tối đa chiến hạm của hạm đội 7 để yêm trợ cho VNCH, xử dụng trên 400 máy bay B-52 và F-4 oanh kích cả hai miền Nam Bắc.  Trong tháng 6-1972 có 38 khu trục hạm và các tuần dương hạm Mỹ tăng cường yểm trợ, số chiến hạm ứng chiến mỗi ngày từ 8 tới 41 chiếc.
    Tháng 3 năm 1975 CSBV đã tấn công miền Nam đại qui mô cấp quân đoàn, tổng cộng họ đưa 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và đoàn 232 (tương đương một quân đoàn ) cộng thêm hơn 10 trung đoàn độc lập, toàn  bộ khoảng 20 sư đoàn. Những trận đánh năm 1975 lớn y như thời Thế chiến thứ hai.
    Số quân nhân Mỹ tử trận tại VN (58,100) gấp gần 9 lần số lính Mỹ chết tại  cả hai chiến trường IraqAfghanistan (6,710)
    Số cán binh CSVN bị giết (hơn một triệu) nhiều gấp 15 lần số phiến quân chết tại cả hai chiến trường IraqAfghanistan cộng lại (hơn 70,000).
    Phí tổn chiến tranh VN (1,800 tỷ) nhiều hơn phí tổn của cả hai cuộc chiến chống khủng bố tại IraqAfghanistan cộng lại (1,260 tỷ).
    Tóm lại cuôc chiến Việt Nam quá lớn so với chiến tranh Iraq và Aghanistan.
     -Phản chiến.
     Khi chính phủ đưa quân ra ngoại quốc tham chiến thường bị chống đối như năm 2003 đã có cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh Iraq nhưng nó không như ở cuộc chiến Việt Nam. Cho tới nay không nghe nói có biểu tình chống chiến tranh tại hai mặt trận chống khủng bố kể trên
   Ngày 2-11-1965 khi chính phủ Mỹ cho tăng quân tại Việt Nam đã có người tự thiêu phản đối và ngày 27-11-1965 đã có  40,000 người biểu tình bao vây tòa Bạch ốc kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Năm 1966 phong trào phản chiến tăng dần nhưng số người ủng hộ chiến tranh vẫn cao hơn . Tháng 4-1967 tại New York có khoảng 400,000 người biểu tình phản chiến (nguồn Wikipedia). Cuộc chiến kéo dài, số người chống đối càng tăng, số người ủng hộ giảm dần
    Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28% (nguồn Wikipedia).
    Trận tổng công kích Tết Mậu thân 1968 khiến cho tỷ lệ ủng hộ tụt thang nhanh chóng, phong trào phản chiến lên rất cao, người ta không tin tưởng chính phủ có thể thắng được cuộc chiến này. Những nguyên nhân chính đưa tới phản chiến gồm: Chống quân dịch, việc động viên không công bằng nên giới bình dân, da đen chống đối, sinh viến lấy lý do đạo đức như tàn ác, vô nhân đạo. Nguyên nhân sâu xa hơn cả là số tử vong lên cao dần khi chiến tranh kéo dài, số này gồm những người chết tại mặt trận cũng như vì nhiều lý do khác như tai nạn, rủi ro, chết đuối, thất tình tự tử, sốt rét.. . Năm 1965 có 1,863 người thiệt mạng, tương đương số lính Mỹ chết tại Afghanistan (1,730)  từ 2001 tới nay, năm sau 1966 lên 6,143 người  tương đương số lính Mỹ tử trận (6,200) tại Iraq và Afghanistan hiện nay, năm 1967 lên 11,153, năm 1968 lên 16.592.. tổng cộng 4 năm có 35,751 người chết,   gấp hơn 5  lần số lính chết tại cả hai chiến trường Iraq và Afghnistan. Xứ  giầu mạng người quí hơn vàng.
    Ngoài ra nhà văn, giáo sư Canada Marshall McLuhan đã nhận xét

   “Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam
     The Media:Vietnam war, Vietnamwar.net

      Nước Mỹ thua trận cũng vì cái máy truyền hình .
      Giữa thập niên 60, khoa học tiến bộ, các phương tiện truyền tin tối tân như truyền hình đã đem tin tức, hình ảnh chiến sự tới quảng đại quần chúng đã đổ dầu vào lửa khiến cho phong trào chống chiến tranh tại Mỹ  bùng nổ và lớn mạnh. Đây là cuộc chiến lần đầu tiên chính phủ cho phép truyền thông báo chí được tự do kể lại chiến tranh, thấy sao nói vậy không qua kiểm duyệt. Những hình ảnh ghê rợn của chiến tranh đã cho người dân thấy từ đầu chí cuối mà họ chưa thấy bao giờ.
    Truyền hình đã xúi dục phản chiến  qua những hình ảnh, bản tin tiêu cực của họ. Lần đầu tiên những cảnh bắn giết hãi hùng từ Việt Nam đã được đưa tới phòng khách ấm cúng, người Mỹ có thể coi những cảnh làng mạc bị đốt , trẻ em chết cháy, những túi xác lính Mỹ được đưa về nước… Năm 1950 chỉ có 9% dân Mỹ có TV, nhưng đến năm 1966 số người xử dụng TV đã tăng lên 93%. TV trở thành thông dụng, người dân Mỹ theo dõi tin tức từ truyền hình hơn là từ những nguồn thông tin khác.
    Chiều chiều đi làm, đi học về người dân mở truyền hình coi thoải mái những cảnh bắn giết trên chiến trường Việt Nam xa xăm, cảnh lính Mỹ đốt nhà …khiến họ thay đổi nhận định về cuộc chiến, những cuốn phim này được quay tại chiến trường rồi đem về nước ngay hôm sau, họ lắp ráp theo mục đích riêng rồi mới đem chiếu. Các phóng viên, ký giả, cơ sở thông tin nhất là truyền hình làm giầu, hốt bạc vì những bản tin phóng sự sốt dẻo, phóng viên được tự do theo chân lính ra trận, quay những cảnh mà họ muốn. Họ chỉ khai thác những khía cạnh xấu của quân đội Mỹ mà không nói về những mặt tốt như lính giúp dân làm nhà, phát thuốc, chữa bệnh, cho quà dân nghèo…
    Truyền thông Mỹ đã tạo ra những hình ảnh sai lạc về lính Mỹ tại Việt Nam, khi hết chiến tranh trở về nước họ không được đón tiếp như những anh hùng mà còn bị nhiều người chửi rủa là đố sát nhân, giết cả trẻ nít.  Cựu chiến binh Việt Nam đã một thời bị người dân khinh miệt, thù ghét.
    Năm 1965 cử tri , Quốc hội ủng hộ chính phủ triệt để vì đây là thời kỳ  cao điểm của thuyết Domino, nay thuyết này không còn đươc tin tưởng như trước, hai nước trùm CS Nga, Tầu chửi rủa nhau, coi nhau như kẻ thù nên người dân không sợ CS như trước. Tình hình Đông Dương hay Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp tới Hoa Kỳ như Iraq hay Afghanistan  
    Chiến tranh Iraq, Afghanistan không có phản chiến vì người dân vẫn còn sợ khủng bố vả lại nay rút kinh nghiệm ở chiến tranh VN chính phủ đã cho kiểm duyệt các bản tin ngoài trận địa đem về nước. Người ta vẫn đưa con ngáo ộp Al-Qaeda ra dọa dân,  lâu lâu ông Bush lại đưa cái bùa khủng bố dọa: Coi chừng  sắp khủng bố ở New York! coi chừng sắp khủng bố nước Mỹ ngày lễ Độc lập….bởi thế nhiều người trong thâm tâm chán ghét hai cuộc chiến cũng đành im miệng không dám lên tiếng.
    IraqAfghanistan là hai nơi có ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp an ninh nước Mỹ khác với Việt Nam chỉ là sự đe dọa gián tiếp.
    Chiến tranh Iraq, Afghanistan nhỏ hơn VN, số lính Mỹ tử vong ít hơn nhiều, toàn bộ cả hai chiến trường chỉ có 6,710 người, chưa bằng một nửa  số lính Mỹ chết trong năm 1968 tại VN (16,592). Quân đội Mỹ tại VN xưa là lính quân dịch, bị động viên còn nay tại Iraq, Afghanistan họ tham chiến trên căn bản tình nguyện.
    Khi Nixon lên làm Tổng thống 1969 phong trào phản chiến còn dữ dội hơn trước, người ta quá chán chiến tranh Việt Nam, việc chống đối đi tới bạo dộng có số sát đổ máu chết người giữa sinh viên và quân đội, cảnh sát. Chính phủ Nixon cứng rắn đối với phong trào khiến cho nước Mỹ ngày càng bị sâu xé. Trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ đất nước bị phân hóa trầm trọng như giai đoạn này. Bạo động đánh nhau bể đấu sứt tai giữa phản chiến và cảnh sát, quân đội diễn ra hết tháng này sang tháng khác. Sự phân hóa đã khiến cho cả nước cắn  xé nhau.
   Trên thực tế cuộc chiến IraqAfghanistan là chiến tranh xâm lược, Hoa Kỳ đã tấn công những nước độc lập. Cuộc chiến Việt Nam không phải là chiến tranh xâm lược vì Hoa Kỳ chỉ đem quân trợ giúp chính quyền VNCH.
    Người dân Mỹ  ủng hộ cuộc chiến xâm lược vì nó có lợi cho an ninh nước họ và chống đối chiến tranh VN từ 1968 vì nó không còn phục vụ quyền lợi nước Mỹ, thuyết Domino không còn giá trị.
    -Triệt  thoái
    Việc người Mỹ  rút quân khỏi VNCH những năm đầu thập niên 70 do sự  thúc ép  của Quốc hội và nhất là phong trào phản chiến, Hoa Kỳ thực sự là một nước nhân dân làm chủ. Người dân quá chán ghét cuộc chiến dài vô tận đã thúc đẩy Quốc hội áp lực với chính phủ phải rút quân bỏ Đông Dương , chấm dứt cuộc chiến tranh mà họ cho là bẩn thỉu.
    Việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq không do người dân chống đối cuộc chiến như trường hợp Việt Nam mà vì nó quá tốn kém trong khi chính phủ Mỹ chi tiêu và nợ nần quá nhiếu,  số nợ đã lên khoảng 15 ngàn tỷ (2011).  Rút quân khỏi Iraq đã được thực hiện cuối năm  2011 và Afghanistan từ năm 2012 cho tới 2014. Triệt thoái hai chiến trường này không có nghĩa là bỏ rơi đồng minh như trong trường hợp Việt Nam vì hai chính phủ IraqAfghanistan vững mạnh đủ sức áp đảo các lực lượng phiến quân Al-Qaeda, Taliban. Các nhóm phiến quân này được nước ngoài viện trợ nhưng chỉ đủ sức gây khủng bố, phá hoại không có khả năng lật đổ chính quyền. Các nguồn viện trợ của phiến quân do các tổ chức Hồi giáo quá khích ngoại quốc không đủ để có thể khuynh loát chính quyền hai nước này. Chính phủ Iraq ra sức bình định đất nước để Hoa kỳ không có cớ ở lại, họ không muốn người Mỹ đóng quân tại nước mình.
    Trài lại, miền Nam việt Nam sau khi Mỹ rút đi năm 1972 phải  đương  đầu với mối nguy sụp đổ vì  đối phương  Cộng Sản Băc Việt là một cường quốc quân sự như một chính khách Hoa kỳ đã nhìn nhận vào năm 1967.  BV dân số đông hơn miền nam VN, được khối Cộng Sản quốc tế viện trợ quân sự rất dồi dào toàn những vũ khí hiện đại, họ trưởng thành trong khói lửa, quân đội BV đông đảo, hỏa lực hùng hậu, hiếu chiến  là mối đe dọa nặng nề cho VNCH. Sau Hiệp định Paris (1-1973)  Quốc hội Mỹ cắt giảm dần  quân viện  cho miền Nam  khoảng  50% mỗi năm, ra luật (8-1973) cắt hết ngân khoản quân sự  dành cho chiến tranh Đông Dương để trói  tay hành pháp thì  số phận của Việt Nam Cộng Hòa coi như đã được quyết định rồi.
    Kiệt quệ về đạn dược, tiếp liệu, không  được Mỹ yểm trợ oanh tạc bằng pháo đài bay B-52, miền nam Việt Nam sụp đổ nhanh chóng khi  BV mở cuộc tổng tấn công và hậu quả như ta đã thấy trong tấn thảm kịch tháng tư năm 1975.
    Việc Mỹ rút quân khỏi Việt nam bắt đầu từ Hội nghị tại Midway ngày 8-6-1969 giữa Tổng thống Nixon và TT Thiệu bàn về việc Hoa Kỳ rút quân dấn dấn bắt đầu từ 1969. Người khởi xướng và cổ động cho chính sách này là Bộ trưởng quốc phòng Laird, ông lấy lý do dân Mỹ không còn ủng hộ  chiến tranh VN nữa, TT Nixon chấp nhận. Người  phản đối nhiều nhất là Kissinger, ông cho rằng rút quân sẽ làm cho việc đàm phán tại Paris trở nên yếu, theo nguyên tắc ngoại giao, thế mạnh quân sự tạo ra thế mạnh tại bàn hội nghị. Tướng Tư lệnh Abram không nói ra nhưng không chấp nhận rút quân vì cho như thế là chịu thua, dĩ nhiên ông Thiệu không đồng ý nhưng cũng phải chịu.
    Việc rút khỏi Việt Nam sinh ra một học thuyết mới : Thuyết Nixon (The Nixon doctrine) chủ trương không can thiệp vào nước khác và chủ trương biệt lập. Hơn 20 năm Hoa kỳ gánh vác bảo đảm tự do trên thế giới nay thời kỳ can thiệp (Interventionism) chấm dứt sang thời biệt lập (Isolationism). Tổn thất do chiến tranh VN và sự nghi ngờ nó đã sinh ra quan niệm mới. Thời kỳ can thiệp bắt đầu ngày 24- 2-1947 khi  TT Truman quyết định bảo vệ Hy Lạp và Thổ nhĩ kỳ khỏi tay CS và chấm dứt ngày 25-7-1969 khi Trung đoàn I, thuộc Sư đoàn 9 BB Mỹ từ VN trở về Mỹ. Từ đó sẽ không còn những trường hợp như Việt Nam (No more Vietnams). Mỹ sẽ trao cho đồng minh trong vùng bảo vệ nước lân cận chống CS. Sự thực học thuyết này chỉ để tạo cho việc rút quân một vẻ hào nhoáng, trên thực tế thuyết này không có tầm vóc lớn, không được đề cập mấy.
    Trên thực té người Mỹ vẫn đưa quân ra ngoại quốc khi hữu sự như ta thấy trong cuộc chiến tranh AfghanistanIraq. Tại Afghanistan họ đem quân lật đổ chính quyến Taliban để lập chính quyền dân chủ, và tại Iraq, lật đổ Saddam Hussein để đem dân chủ tự do tới Iraq cũng như Trung đông. Người Mỹ lý luận đem dân chủ tới các nước độc tài vì kinh nghiệm cho thấy những nước dân chủ tự do phần nhiều hiền lành, dễ chịu, những nước độc tài hiếu chiến, nguy hiểm cho an ninh Hoa Kỳ và thế giới và như vậy vẫn là vì  quyền lợi của họ.

Trọng Đạt

Tài liệu tham khảo
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa, Vietnambibliography, 2003
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.
Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007        
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Walter Isaacson:  Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam-The Free press 2001
Marvin Kalb and Bernard Kalb: Kissinger; Little, Brown and company 1974
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman - General Editor, A Bison-book 1985
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books, 1991.
answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
Google: Research at the National Archives, Statistical information about casualties of the Vietnam war.
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
Wikipedia: Operation Linebacker II
Wikipedia: War Powers Resolution
Wikipedia: U.S.News media and the Vietnam War.
Warbirdforum.com: Erin Mc Laughlin, Television Coverage of The Vietnam war and The Vietnam Veteran. 

                                *  *  *
Wikipedia: War in Afghanistan (2001-present) 
Heraldsun.com.au: Afghanistan, the unwinnable war
Huffingtonpost.com: Afghanistan War: U.S. Military Role May Soon Shift from Combat To Training
Afghanistan.Blogs.cnn.com: Afghanistan Crossroads
Wired.com: Petraeus Gone, Afghan Air War Plummets
News.com.au: Manhunt continues in Afghanistan as MP slams war as 'unwinnable'

                                *  *  *
Wikipedia: The Iraq war
Wikipedia: 2003 invasion of Iraq
Cbsnews.com: Obama announces end of Iraq war, troops to return home  by year end.
Washingtonpost.com: Who lost Iraq?
Salon.com: Iraq war: Mission failed


Không có nhận xét nào: