XÃ HỘI DÂN SỰ: ĐẤU TRƯỜNG HAY LỚP HỌC? (Lê Văn Bỉnh)

This is the city … and I am one of the citizens;
Whatever interests the rest interest me …politics,
churches, newspapers, schools
Benovelent society, improvements, banks, tariff,
Steamships, factories, markets
Stock and stores and real estate and personal estate.
*Walt Whitman, Song of Myself, 1855
               
Trong mấy năm gần đây, tại Việt Nam nhóm từ “xã hội dân sự” (XHDS) thường xuyên được đề cập đến bởi các nhà hoạt động dân chủ, và đôi khi cũng xuất hiện trên báo chí của chính quyền hay thân chính quyền để phản ứng lại những người này. Hơn thế, XHDS còn được một số các cơ quan quốc tế viện trợ cho VN và một số học giả về Việt Nam nghiên cứu khá công phu.


Đối với nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước, XHDS không những là một thuật ngữ mới lạ, mà ý niệm gợi lên cũng rất mơ hồ. Mới lạ vì nó chỉ xuất hiện chừng độ 10 năm nay trong nước. Mơ hồ vì cho tới nay vẫn chưa có một định nghĩa nào được cả hai phía chính quyền và các nhà hoạt động dân chủ đồng ý.

Về điểm sau này thì không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ ngay cả các cơ quan quốc tế cũng như nhiều học giả trên thế giới cũng đưa ra nhiều quan điểm khá khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau nữa. Điều này có thể nhận ra được qua sự xuất hiện của nhiều tác phẩm khoa học chính trị, chính trị xã hội học (political sociology), cũng như qua các quyển kim chỉ nam mà các chính phủ dành cho các nhà ngoại giao của nước mình.

Bài viết này nhằm cung cấp vài thông tin về nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ XHDS nhằm giúp độc giả hiểu một cách đại cương về XHDS hầu có thể theo dõi những diễn biến gần đây và hướng đi của XHDS. Bài viết sẽ đề cập đến những điểm sau đây:
1.    Thuật ngữ xã hội dân sự
2.    Ý nghĩa xã hội dân sự
3.    Trào lưu xã hội dân sự
I.  THUẬT NGỮ XÃ HỘI DÂN SỰ 

Căn cứ trên nguồn viện trợ ngoại quốc cho Việt Nam – có cũng như không có văn phòng đại diện tại Hà Nội, và dựa trên một số tường trình và nghiên cứu của họ, người ta có thể đoán khá chắc chắn rằng ngay từ lúc ban đầu, thuật ngữ xã hội dân sự được dịch ra từ tiếng Anh civil society. Thật ra, tĩnh từ civil trong tiếng Anh có nhiều nghĩa.

Khi dịch “civil” thành “dân sự”, người đọc không khỏi nghĩ ngay rằng nó đối kháng với hình sự (luật dân sự), hay với quân sự (toà án dân sự). Trong tiếng Anh, tĩnh từ civil còn được đem đối chiếu với religious (tôn giáo).  Tuy nhiên dựa trên nội dung những nghiên cứu viết bằng tiếng Việt về XHDS thì tĩnh từ “dân sự” không mang các tính chất đối kháng này. Hơn nữa, cho rằng XHDS đối nghịch với “xã hội quân sự” hay “xã hội tôn giáo” có thể đưa đến ngộ nhận khá nguy hiểm cho các nhà họat động dân chủ cũng như cho các tổ chức XHDS!!

Một nghĩa khác của chữ civil là “tương đối lịch sự” (a civil reply), tức là không sỗ sàng, thô lỗ; chứ chưa đến mức lịch sự (polite) theo nghĩa chúng ta thường dùng. Trong thuật ngữ mà chúng ta đang bàn đến, chữ civil không mấy liên quan đến ý nghĩa này.

Civil còn có nghĩa là văn minh (civilized).  Tự điển Merriam Webster’s Collegiate Dictionary, 10th edition (1993) – cũng như trong ấn bản 1974 --còn cho thí dụ civil society hiểu theo nghĩa này. Nói khác đi, civil society có thể dịch sang tiếng Việt là “xã hội văn minh”.  Theo xã hội học, dịch như thế là khá sát ý nghĩa.  Thật vậy, con người được nuôi dưỡng trong gia đình, rồi sau đó mới tiếp xúc và sinh hoạt với cộng đồng. Khi ra cộng đồng thì không thể cư xử như khi ở gia đình, nghĩa là cần phải giữ gìn ý tứ, ngôn ngữ, cử chỉ, tức phải cư xử cho văn minh. Thỉnh thoảng cũng có tác giả dùng civil society để đối chiếu với natural society, xã hội tự nhiên, tức chưa được tổ chức qui cũ với sự xuất hiện của nhà nước.  Nhưng nếu dịch civil society là xã hội dân sự thì “uncivil society” – như được đề cập trong vài tác phẩm viết về tình hình chính trị tại một số quốc gia thời hậu Cộng Sản -- sẽ phải dịch lthế nào cho ổn?

Theo thiển ý, nghĩa phổ biến nhất của tĩnh từ civil gắn liền với “công dân” (citizen). Thật vậy, các tự điển dưới đây, xuất bản không bao lâu sau khi có sự hồi sinh của thuật ngữ civil society, cho thấy điều đó.
-    Tự điển Webster’s Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language (1989) đưa ra định nghĩa dưới đây:
     Civil: of, pertaining to, or consisting of citizens (của, thuộc về, hay gồm có công dân) với các thí dụ: civil life, civil society
-    Tự điển The Amrican Heritage Dictionary of the English Language, 4th edition (2000) định nghĩa chi tiết hơn:
Civil: Of or relating to citizens and their interrelations with on another or with the state. (của hay liên hệ đến công dân và những mối tương quan của họ với nhau hay với nhà nước). Civil society còn được đưa ra làm thí dụ cho định nghĩa nàỵ
Thật ra tự bản thân “civil society” cũng xuất phát từ ý niệm của Aristote mà tiếng Hy Lạp gọi là koinomìa politilè, nó có liên hệ lâu đời với sự khám phá ra chính trị học trong Hy Lap Cổ.  Rồi ý niệm này du nhập vào La Mã với tiếng Latin là societas civilis. Tiếng Pháp là société civile thì không có gì lạ.  Tuy nhiên, khi đến Đức, cái nôi của triết học, nó được dịch là bugerliche Gesellschaft trong đó bugerliche vừa có nghĩa là burgeois (trung lưu, tư sản) vừa có nghĩa là citoyen (thị dân).  Hiện nay thì tiếng Đức Zivilgeselleschaft được dùng để bàn về XHDS.  Như vậy thì civilisis, civil, civile, Zivil trông cũng không khác gì nhau!

Tại Trung Quốc có ít nhất 4 thuật ngữ được dùng để dịch civil society: (a) shimin shahui (xã hội thị dân, city-people or town-people society), (b) gongmin shahui (xã hội công dân, citizens’ society, (c) wenming society (xã hội văn minh, cilivized society), và (d) minjian shahui (xã hội dựa trên dân người, people-based society). Trong thuật ngữ sau cùng này, min có nghĩa là “dân” (the people) và minjian có nghĩa là “giữa người dân với nhau”; và khái niệm minjian shahui đã đưa đến nhiều tranh luận tại Hoa Lục bởi vì nó đối kháng giữa nhà nước (guo) và người dân (min), hàm ý đối chiếu “ý dân” (minye) và “ý trời” (tianye) trong xã hội truyền thống --điều mà đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể nào chấp nhận, vì đảng đã là “trời” rồi và không người dân nào được quyền trái ý đảng cả!
Người Nhật dùng chữ shimin shakai để dịch civil society, trong đó shimin được xem là tương đương với citizen (Anh), citoyen (Pháp) hay burger) Đức. Theo một nhà nghiên cứu người Nhật, trong thuật ngữ này, “công dân” không có nghĩa là người dân trong một đơn vị hành chánh nào đó, hay thuộc một giai tầng xã hội nào đó; mà là những người yêu chuộng và hoạt động cho tự do, công bằng. Giới bảo thủ dùng chữ kokumin để chỉ công dân của một nước (citizens of the nation).

Tóm lại, nếu chọn giữa “xã hội dân sự” và “xã hội công dân”, người viết nghĩ thuật ngữ “xã hội công dân” thích hợp hơn.  Trước hết, thuật ngữ “xã hội dân sự” dễ đưa người ta nghĩ ngay rằng “xã hội dân sự” là đối kháng với xã hội quân sự, hay xã hội hình sự -- như đã bàn ở trên.  Những người đề nghị cần có hay không cần có một qui chế cho XHDS không nghĩ đơn giản như thế. Thuật ngữ “xã hội công dân” tự nó đủ khả năng gợi cho người đọc nghĩ đến quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân trong việc xây dựng hay cải tiến xã hội đương thời thành một xã hội tốt đẹp (a good society) – dù đó là xã hội Việt Nam, hay xã hội các nước thuộc thế giới thứ ba, hoặc xã hội  các nước được xem là đã dân chủ về chính trị và đã phát triển về kinh tế.  Nói khác đi, thuật ngữ “xã hội công dân” hàm ý tích cực hơn, tức mời gọi hành động.  Tuy nhiên hành động không hẳn phải là phê phán chỉ trích để chống đối và lật đổ. Hành động cũng có thể là tích cực, tức phê bình xây dựng, hợp tác, hoặc ít hoặc nhiều với chính quyền hay với các tổ chức khác, trong nhiều lãnh vực như công quyền, kinh tế thương mại, văn hóa vv.  nhằm cải thiện hiện trạng xã hội nói chung. Tuy nhiên, chủ trương “xã hội công dân” sẽ làm gì hay phải làm gì để đạt các mục tiêu đó lại là chuyện khác.  Đây thuộc về nội dung, tức là phạm vi (sphere), hay “không gian” (chữ dùng trong nước) và khuynh hướng của xã hội công dân trong nước cũng như trên toàn cầu, mà chúng ta sẽ đề cập sau.

Nhóm từ “xã hội dân sự” còn được dùng như cụm tính từ, chẳng hạn trong “các tổ chức xã hội dân sự” (civil society organizations); “các tổ chức xã hội dân sự quốc tế/toàn cầu” (international/global civil society organizations) mà chúng ta sẽ có dịp nói đến.

Trong phần còn lại, tác giả cũng dùng thuật ngữ “Xã Hội Dân Sự” với lý do là vì từ lâu nó đã được sử dụng rộng rãi trong nước, và cũng bắt đầu tiếp xúc với người Việt hải ngoại qua truyền thông.  Nếu chúng ta quan niệm ngôn ngữ chỉ là phương tiện thông đạt, giúp con người hiểu nhau, thì cũng có thể xem là đạt được mục tiêu nếu nó giúp chúng ta hiểu toàn ý hay phần lớn ý. Do đó từ vựng sẽ không còn là vấn đề đáng để tranh luận nữa.


II. Ý NGHĨA XÃ HỘI DÂN SỰ

Để tiện việc trình bày và phân tích, chúng ta hãy hình dung một lãnh địa (territory) trong đó có 4 khu vực:
1.    Khu Vực Gia Đình. Gồm có tất cả các hộ tiểu gia đình và đại gia đình. Nhiệm vụ của gia đình là duy trì và phát triển nòi giống, nuôi dưỡng, nâng đỡ, giáo dục các thành viên. Mối quan hệ giữa các thành viên trong cùng hộ gia đình, thậm chí cũng như với các hộ gia đình khác, là mối quan hệ đặc thù, không có tính cách quyền lực và vụ lợi. Có điều đáng ghi nhận là có nhiều gia đình đã đóng góp nhân sự và của cải cho công tác hay cho các cơ quan từ thiện, văn hóa nghệ thuật vv.

2.    Khu Vực Thị Trường.  Thị trường là nơi thuận mua vừa bán hay trao đổi, có tính cách vụ lợi, mưu tìm lợi nhuận trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Thị trường lớn hay nhỏ, hoạt động mạnh hay yếu, tùy thuộc chế độ chính trị, phong tục tập quán, thời vụ, chu kỳ kinh tế. Cũng không ít các cơ sở thương mại đã ảnh hưởng không nhỏ đến các khu vực kia, hoặc trích lợi nhuận để đóng góp vào các cơ quan nghiên cứu, công tác nhân đạo, chính trị vv.

3.    Khu Vực Nhà Nước. Có nhiệm vụ bảo vệ lãnh địa, cư dân, duy trì trật tự, hay điều tiết (phát triển hay hạn chế) sinh hoạt của các định chế trên bằng quyền hành của mình.  Quan trọng nhất trong quan niệm này là nhà nước độc quyền sử dụng quyền lực và các phương tiện cưỡng chế để làm những việc đó (From Max Weber do Gerth & Mills hiệu đính,1946). Tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các quốc gia kinh tế phát triển, nhà nước cấp trung ương cũng như địa phương cũng cung cấp những khoản tài chánh lớn lao để giúp các tổ chức từ thiện, bảo vệ môi sinh, dã thú, phát triển văn hóa, giáo dục, vệ sinh vv.

4.    Khu Vực Xã Hội Dân Sự.  Đây cũng là khu vực “tổng gộp” (aggregation) những hiệp hội, đoàn thể, các trường đại học vv. gọi chung là các “tổ chức”. Nhưng có bao gồm trong các “tổ chức” này các đảng phái chính trị, các tôn giáo hay các nhóm hành động (action groups) không? Các “tổ chức” này trên thực tế có thể nhận tài trợ từ 3 khu vực kể trên.  Tại nhiều quốc gia đang phát triển, nơi mà các nguồn tài chánh khá eo hẹp, các “tổ chức” này còn nhận những khoản tài chánh lớn từ các tổ chức phi chính phủ (non-government organizations). Nói cách khác, câu hỏi đưa ra là khu vực XHDS trên thực tế có vị trí thế nào đối với 3 khu vực kia (độc lập hoàn toàn hay có những lãnh vực chung)?

Nhìn từ khía cạnh hoạt động, thì hoạt động của khu vực Gia Đình là nuôi dưỡng giáo dục qua tình thương yêu, của khu vực Thị Trường là mua bán trao đổi qua đồng tiền, của khu vực Nhà Nước là phối hợp điều động qua quyền lực, của khu vực XHDS là để đạt những mục tiêu đề ra qua tiếp xúc thông đạt.  Khi những phương tiện này được sử dụng bất cập hay thái quá, cũng như thiếu ý thức trách nhiệm thì khu vực đó sẽ không còn lành mạnh nữa, và có thể sẽ ảnh hưởng lây lan đến các khu vực khác, tức là đến toàn bộ xã hội, hoặc ít hoặc nhiều. Trong 4 khu vực này, do tính đa nguyên và đa dạng cũng như tính đa năng và uyển chuyển của nó, khu vực xã hội dân sự có khả năng dễ tự điều chỉnh nhanh những sai sót của mình, cũng như có khả năng phê phán khách quan những sai sót của các khu vực khác, và đưa ra những đề nghị xây dựng.

Có một số nhà nghiên cứu xem khu vực XHDS gồm những nhóm quyền lợi, các tổ chức tôn giáo, những cơ quan thiện nguyện, những tổ chức nghề nghiệp vv., và cho rằng khu vực XHDS nằm giữa 2 khu vực Thị Trường và Nhà Nước. Tuy nhiên, họ không xem các đảng phái chính trị và các nhóm hành động là những thành phần của XHDS. Lý do là vì các chính đảng có các phương thức tổ chức, đề cử, ứng cử đặc thù và có thể đã, đang hay sẽ có ít nhiều thành viên trong chính quyền, cho nên được xem như thuộc khu vực Nhà Nước.  Còn các nhóm hành động thì sự tập hợp chỉ có tính cách nhất thời nhằm đạt nguyện vọng yêu cầu của mình.  Quan điểm XHDS nằm ngoài chính quyền và đối kháng với chính quyền càng khiến cho các chính quyền không dân chủ e ngại, do đó hạn chế sự hiện diện hay tham dự của XHDS vào sinh hoạt công trong nhiều lãnh vực --thậm chí không cho phép hình thành, hoạt động, hay đàn áp ngay từ trứng nước. Theo mô hình này, thì khu vực Gia Đình được xem là riêng tư, vì thiếu tính cách “công cộng” như 3 khu vực còn lại; và 3 khu vực còn lại này phân lập và thường khi đối kháng nhau, nhất là giữa 2 khu vực XHDS và Nhà Nước. 

Một khuynh hướng khác, hiện nay được khá nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận, cho rằng khu vực XHDS có mối tương tác mạnh mẽ với cả 3 khu vực kia nhìn từ khía cạnh hoạt động công cộng.  Mô hình phổ biến này được trình bày như sau:

Thomas Janoski, trong quyển “Citizenship and Society: A Framework of Rights and Obligations in Liberal, Traditional and Social Democratic Regimes” (1998) còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng 4 khu vực trên đều có chung với nhau một số lãnh vực; nhưng ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến những lãnh vực mà XHDS có chung với những nhu vực khác mà thôi. Theo Janoski, ngoài những lãnh vực độc lập của riêng mình như: (1) các hội thiện nguyện (phụ trách các vấn đề an lạc, công ích, tôn giáo); (2) các cơ sở truyền thông, giáo dục, y tế  vv. của tư nhân; (3) các phong trào quần chúng; (4) các nhóm tự lực, khu vực XHDS còn có chung với khu vực Nhà  Nước trong các lãnh vực (5) các chính đảng; (6) an lạc công cộng, giáo dục công, truyền thông công, nghiên cứu & phát triển; có chung với khu vực Thị Trường trong các lãnh vực (7) các nghiệp đoàn công nhân; (8) các hiệp hội chủ nhân, (9) các hiệp hội người tiêu thụ; và có chung với khu vực Gia Đình trong lãnh vực: (10) những chi tiết về đời sống riêng tư được công bố qua truyền thông, toà án vv. Tùy theo truyền thống và tùy theo thời kỳ mà kích thước của không gian chung này có thể thay đổi. Chẳng hạn, không gian chung giữa XHDS với Nhà Nước và với Thị Trường ở Hoa Kỳ thì khá nhỏ so với đối phần ở Đức và Thụy Điển; trong các quốc gia thần quyền, thì khu vực chung giữa Nhà Nước và XHDS rộng hơn ở các nước thế quyền.


Brian O‘ Connell, trong quyển sách mỏng súc tích “Civil Society: The Underpinnings on American Democracy” (1999), chia xã hội Hoa Kỳ thành 4 yếu tố: Nhà Nước (tư cách công dân, tự do, xác quyền hạn, tòa án, an ninh, giáo dục, bỏ phiếu, tham gia chính đảng, tuân hành luật pháp, trả thuế, tiếp xúc văn minh lịch sự); Cộng Đồng (láng giềng, họ đạo, hiệp hội, câu lạc bộ, nơi giải trí, nơi làm việc, nghệ thuật, nhà thương, chính quyền địa phương, tiếp xúc văn minh lịch sự  vv.); Thương Mại (tự do kinh doanh, công việc làm, thị trường và tự do lựa chọn, truyền thông, hội nghề nghiệp, nghiệp đoàn, trách nhiệm xã hội, thiện nguyện công ty, hoạt động công ích của nhân viên, tiếp xúc văn minh lịch sự ); và Thiện Nguyện (tình nguyện viên, hiệp hội, tôn giáo, đại học và bảo tàng viện tư, câu lạc bộ, quỹ tài trợ, hội đồng quản trị trường học và bệnh viện, các nhóm cứu trợ cấp tốc, quỹ trợ ích, chính đảng, tiếp xúc văn minh lịch sự). Theo Connell, “Xã hội dân sự hiện hữu ở lãnh vực chung (intersection) nơi mà các yếu tố xã hội gặp gỡ nhau để bảo vệ và nuôi dưỡng cá nhân, và nơi mà cá nhân hành động để cung ứng cho các cá nhân khác sự bảo vệ tương tự và các cơ hội giải phóng cho những các nhân khác nữa.”  Ông nhấn mạnh đến “cá nhân” vì xã hội Hoa Kỳ đặt nền tảng trên tự do cá nhân, như chúng ta thừa biết.

Trước khi đề cập đến sự đo lường và ảnh hưởng của khu vực XHDS đối với các khu vực khác theo mô hình này, thiết tưởng chúng ta cũng nên bàn đến sự phân loại XHDS. Theo Mary Kaldor, một nữ học giả người Anh, trong quyển Global Civil Society: An Answer to War (2003), XHDS có thể phân ra làm 5 loại sau đây:
 (1) Xã Hội Lịch Sự (society civilis) chi phối bởi khuôn phép lịch sự; sự bạo động giảm thiếu đến mức tối đa, nhất là phải sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp.  Muốn được vậy, phải cần sự hiện hữu của Nhà Nước. Nói cách khác, XHDS không phân biệt với Nhà Nước, mà là phân biệt với các xã hội phi dân sự (tức các xã hội tự nhiên, natural society) và với chiến tranh.

 (2) Xã Hội Trung Lưu (burgerliche gesellschaft, bourgeois society), hình thành do thương mại phát triển vào thời đại sáng thế (the Enlightenment), thời kỳ mà con người nhờ kinh tế khá giả cho nên có thêm thời giờ và phương tiện để giải trí, giao tiếp vv. Trong tình huống đó, thì thị trường, giai cấp, dân luật, các tổ chức … đều là thành phần của XHDS. Và XHDS tương phản với Nhà Nước.  Hegel gọi đó là “sự thành công của thời đại mới”; Marx cho đó là “kịch trường của lịch sử.”

(3) Xã Hội Dân Sự Theo Các Nhà Hành Động (the activist version) gần giống như XHDS của cánh đối lập Trung Âu hồi thập niên 1970 và 1980, công nhận Nhà Nước, nhưng đòi hỏi Nhà Nước không những phải hạn chế quyền lực mà còn phải tái phân quyền lực. Theo định nghĩa này, thì các tổ chức của XHDS với cách tổ chức tự trị và phát triển của mình có thể ảnh hưởng đến điều kiện và môi trường mà mình đang sống; không cần phải thông qua các tổ chức chính trị chính thức, tức được Nhà Nước cho phép. Nói cách khác, XHDS và Nhà Nước mỗi phía có không gian riêng của mình.

(4) Xã Hội Dân Sự Theo Quan Điểm Tân Phóng Khoáng (the neoliberal version), tiếp theo sự tan rã của khối Cộng Sản 1989, muốn đưa con người trở lại thời đại chính trị tự do hành động (laissez-faire politics), nở rộ các tổ chức vô vị lợi, các cơ quan thiện nguyện không những hạn chế quyền hành của Nhà Nước, mà còn thay thế Nhà Nước đảm đang những công việc mà Nhà Nước không cáng đáng hết được. Và XHDS được coi là “khu vực thứ ba” (the third sector), bên cạnh 2 khu vực Nhà Nước và Thị Trường.

(5) Xã Hội Dân Sự Theo Quan Điểm Hậu Hiện Đại (the postmoderm version) là một đấu trường của đa nguyên và của ganh đua, lịch sự cũng như không lịch sự. Những người theo quan điểm này chỉ trích quan niệm xem XHDS là sản phẩm của phương Tây muốn áp đặt nó cho toàn cầu. Khuynh hướng này chủ trương cần phải chú trọng đến tình trạng văn hóa, tôn giáo khi nghiên cứu XHDS.
Theo Kaldor, tất cả 5 quan điểm trên về XHDS đều mang cả hai tính cách mô tả lẫn tính cách qui chuẩn, và bà còn cho biết quan điểm của bà gần gũi với quan điểm của các nhà hành động.  Quan điểm của bà như vậy đã phân lập giữa XHDS và Nhà Nước.  Trước kia, vào thế kỷ 17 và 18, các triết gia chính trị học xem hai thực thể này là cộng sinh (coterminous), và chỉ chú trọng đến khía cạnh giá trị “đúng” hay không đúng của luật pháp do Nhà Nước ban hành. Trái với chủ trương của Thomas Hobbes (1588 -1679) cho rằng có tự do là khi con người không bị chống đối hay cưỡng chế lúc hành động để đạt được điều mình mong muốn; còn luật pháp chỉ là một hình thức cưỡng chế, John Locke (1632 – 1704) chủ trương rằng luật pháp không làm suy giảm mà còn tăng cường quyền tự do của con người vì nó giúp người ta không bị kẻ khác tấn công.  Tuy nhiên, Locke cũng phân biệt luật tốt và luật xấu: luật tốt công nhận và bảo vệ những quyền tự nhiên của con người và luật xấu làm phương lại đến tự do của con người; do đó nhà nước cần phải ra những luật lệ tốt, và tránh ra những luật lệ xấu.

Jean-Jacques Rousseau (1712- 1778) phân biệt giữa luật đúng nghĩa của nó (true law), tức luật phản ảnh “ý chí chung” (general will) và luật trên thực tế (actual law), tức luật thực sự áp dụng.  Trong quyển Émile, còn gọi De l’éducation (1762), từng bị cấm ở Pháp và Genève do quan điểm của ông về triết lý, chính trị và nhà nước, ông đưa ra nhận xét: “Tinh thần phổ quát của luật pháp ở tất cả các quốc gia là ưu đãi kẻ mạnh chống lại kẻ yếu, và kẻ có của chống lại kẻ tay không: điều bất lợi này là không tránh khỏi và không có biệt lệ.” Trong “Contract social” (xuất bản cùng năm 1762), Rousseau viết: “Qua xã hội dân sự, con người có được tự do tinh thần, chỉ nó không thôi cũng làm cho con người thành chủ nhân của chính mình; bởi vì bị cai trị bằng sở thích không thôi chỉ là nô lệ, trong khi tuân thủ pháp luật cho chính mình viết ra thì là tự do.”  Sang thế kỷ 19, mới có sự phân biệt giữa Nhà Nước và XHDS, nhưng XHDS thời kỳ này lại gồm cả thị trường, tuy không gồm khu vực gia đình. Và mãi đến thế kỷ 20, sự phân lập giữa Nhà Nước và XHDS mới rõ nét.

Một câu hỏi được đặt ra là các tổ chức XHDS tại các nước độc tài -- Cộng Sản cũng như không Cộng Sản -- các tổ chức không nằm trong bộ máy tổ chức của Nhà Nước, nhưng do Đảng Cộng Sản hay do đảng duy nhất cầm quyền lập ra có được xem là các tổ chức XHDS hay không? Khuynh hướng hiện nay vẫn xem chúng là những tổ chức XHDS. Người ta không quên là chính các tổ chức thuộc loại này đã tham gia khởi xướng các cuộc Cách Mạng Nhung (Velvet Revolutions) tại Đông Âu khi gặp thời cơ thuận lợi xuất phát từ Liên Xô qua các cuộc cải tổ về cơ cấu (perestroika) và cởi mở (glasnost) khi Gorbachev lên cầm quyền năm 1985.  Chẳng hạn tại Ba Lan lúc ấy đã có sẵn các tổ chức quần chúng như các tổ chức thợ thuyền, các câu lạc bộ thể thao, các đoàn thanh niên, các hội phụ nữ, các hội văn nghệ sĩ vv. Điều đáng lưu ý là tại Ba Lan lúc bấy giờ các nhà thờ (thuộc Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã), khoảng 14,000 với 7,000 họ đạo và 20.000 linh mục, có ảnh hưởng truyền thống lâu đời và sâu sắc với các địa phương lại độc lập với Nhà Nước.  Chính các họ đạo cũng trở thành các tổ chức XHDS, và là nguồn cung cấp nhân sự và phương tiện cho các tổ chức quần chúng đang từ từ tuột khỏi tầm tay đảng Cộng Sản.

Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng chủ trương và hành động đứng ra thành lập các tổ chức chuyên môn nghề nghiệp để đặt duới quyền sử dụng của Nhà Nước đã đưa nước Ý tới chế độ phát xít với Mussolini. Chúng ta có thể xem đây là “chủ nghĩa thiết lập” (corporatism) trong đó “Nhà Nước thiết lập” (corporate state) bày dựng một “XHDS thiết lập” (corporate civil society) để củng cố quyền lực và thực thi các chính sách của mình.

Tại Tiệp Khắc, nơi mà từ lâu giới trí thức đã không quá mê muội mù quáng với chủ nghĩa Cộng Sản, các cuộc biểu tình của học sinh sinh viên bị cảnh sát đàn áp ngày 17/11/1989 đã dẫn đến sự tham gia đông đảo của quần chúng, có lúc lên đến 500.000 người và nhiều tổ chức XHDS (lúc đó chỉ có khoảng 500, có giấy phép). Cuộc tổng đình công toàn quốc ngày 24 đã khiến chính quyền trung ương từ chức, bãi bỏ điều khoản độc đảng trong Hiến Pháp, dẹp sạch các rào cản biên giới với các quốc gia láng giềng.  Václav Havel được bầu làm Tổng Thống.  Nhà lãnh đạo tinh thần của cuộc Cách Mạng Nhung này kêu gọi phát triển một XHDS trên quê hương của mình để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước. 

Trong hai thập niên vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu chính trị có khuynh hướng uyển chuyển và linh động hơn. Họ cũng phân biệt 2 thực thể chính trị Nhà Nước và XHDS, nhưng không coi sự đối kháng giữa 2 thực thể này là điều hoàn toàn không thể tránh được.

Đến đây, chúng ta có thể trở lại mối tương tác của XHDS với 3 khu vực kia. Trong quyển Civil Society: Berlin Perspectives do John Keane (2006) hiệu đính, Jurgen Kocka đưa ra định nghĩa XHDS theo 3 phương cách có liên hệ với nhau, như sau: (1) một loại hoạt động xã hội (social action); (2) một lãnh vực (area) hay không gian (sphere) có liên hệ nhưng riêng biệt với ba lãnh vực thị trường, nhà nước và gia đình –như chúng ta đã đề cập trên đây; (3) cốt lõi của một dự thảo hay một dự án có một vài tính cách không tưởng – nghĩa là có tính cách qui chuẩn, tức nhằm mục tiêu nào đó.

Vì là một loại hoạt động xã hội, cho nên XHDS  (a) hướng tới giải quyết các xung đột, chấp nhận tranh luận, dung hòa và hiểu biết trong công chúng: XHDS được thực hiện trong không gian công cộng (public sphere); (b) nhấn mạnh sự độc lập cá nhân và sự tự tổ chức của tập thể; (c) chấp nhận đa nguyên, dị biệt và căng thẳng là chính đáng; (d) hoạt động không dung bạo lực; và (e) liên hệ tới những vấn đề tổng quát, chẳng hạn hướng tới “cái tốt đẹp chung” (common good) ngay cả khi không có cùng một quan điểm về khái niệm này.

Như vậy, theo định nghĩa XHDS của Jurgen Kocka, thì Gia Đình, Thị Trường và Nhà Nước đều có thể tham gia vào XHDS. Ngược lại XHDS cũng chịu ảnh hưởng hay ảnh hưởng đến chính trị và luật pháp; đến kinh tế và thương mại và đến đời sống riêng tư. Trình bày theo hình học, chúng ta có thể vẽ 3 khoanh tròn cắt nhau (Gia Đình, Thị Trường và Nhà Nước, cắt nhau vì có những cái chung); rồi sau cùng vẽ khoanh tròn XHDS cắt cả 3 khoanh tròn kia. Lối trình bày này có thể giúp chúng ta hiểu được khuynh hướng XHDS hiện nay – và có thể trong tương lai nữa-- tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vấn đề không kém quan trọng là làm thế nào để tìm hiểu cụ thể sinh hoạt của các tổ chức XHDS tại một quốc gia, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với chính quyền trung ương và địa phương cũng như đối với đời sống của dân chúng.  Một tổ chức quốc tế có tên CIVICUS đã đưa ra một phương pháp đo lường hoạt động của XHDS tại 43 quốc gia trong đó có Việt Nam, trong bộ sách có  tựa đề là  “CIVICUS: Global Survey of the State of Civil Society” (2007). Trước hết, XHDS được định nghĩa là “đấu trường, bên ngoài gia đình, nhà nước, và thị trường, nơi mà người ta cùng gắn bó nhau để đẩy mạnh những lợi ích chung” (the arena, outside the family, the state, and the market where people associate to advance common interests). CIVICUS bổ sung vào định nghĩa giản dị này 2 ý niệm: (a) đấu trường là một lãnh vực đặc biệt của một xã hội người ta cùng đến để tranh luận, bàn cải, tập hợp và ảnh hưởng đến xã hội rộng lớn hơn; (b) và tính chất lẫn lộn (fuzziness) giữa 4 lãnh vực gia đình, thị trường, nhà nước và XHDS, vì khó mà xếp loại một số hoạt động tập thể của công dân. CIVICUS chỉ xem là thuộc XHDS những hoạt động tập thể nhằm đạt các lợi ích chung, chứ không phải là tổ chức từ đó xuất phát ra các hoạt động.

Cũng nhằm mục tiêu đo lường hoạt động của XHDS, CIVICUS chỉ kể đến các hoạt động tập thể có tính cách công ích, chẳng hạn quản lý (governance) và phát triển (development) hơn là các họat động có tính cách kinh tế của các tổ chức vô vị lợi (nonprofit organizations).

CIVICUS đưa ra các cuộc điều tra, quan sát, phỏng vấn vv. để đo lường 25 yếu tố của 4 thành phần sau đây của XHDS:
1.    Thành Phần Cơ Cấu (Structure) đánh giá tình hình sinh hoạt của các thành viên trong XHDS qua 6 yếu tố: lãnh vực tham gia của công dân, mức độ tham gia, tính đa nguyên trong nội bộ, tầm mức quốc gia hay điạ phương, mối quan hệ nội bộ, và nguồn tài chánh)
2.    Thành Phần Khung Cảnh (Environment), nghiên cứu 7 yếu tố ảnh hưởng đến XHDS: khung cảnh chính trị, các quyền tự do căn bản, khung cảnh kinh tế, khung cảnh xã hội, khung cảnh luật pháp, mối quan hệ giữa Nhà Nước và XHDS, và mối quan hệ giữa khu vực tư và XHDS.
3.    Thành Phần Những Giá Trị (Values) khảo sát 7 yếu tố mà XHDS theo đuổi, thực hiện và cổ vũ: dân chủ, tính cách minh bạch, sự khoan nhượng, bất bạo động, bình đẳng giới tính, xóa nghèo, và môi trường bền vững.
4.    Thành Phần Ảnh Hưởng (Impact) đánh giá ảnh hưởng của XHDS đối với các chính sách công, qui trách nhiệm của nhà nước và các công ty kinh thương mại, đáp ứng các lợi ích xã hội, tăng quyền lực cho công dân và thỏa mãn nhu cầu xã hội.
Mỗi thành phần được cho điểm từ 0 đến 3.  Nối các điểm trên các trục lại, người ta sẽ có một đồ biểu đo lường tình hình XHDS của một quốc gia.  Dĩ nhiên, không có một quốc gia nào mà XHDS được xem là toàn hảo, tức đạt 3 điểm trên mỗi trục, và đồ biểu là một hình vuông.  Trên thực tế, người ta chỉ có đồ biểu 4 cạnh không đều, được gọi là đồ biểu Xã Hội Dân Sự (civil society diamond). Theo nghiên cứu của CIVICUS năm 2007, trong 45 đồ biểu XHDS, thì đồ biểu XHDS Scotland cho thấy tình hình tốt nhất, với OS=2,2; OI=2.4; OV=2,6 và OE= 2,4.  Còn đồ biểu XHDS Việt Nam cho thấy tình hình gần như là xấu nhất, với các số đo theo thứ tự này là: 1,6; 1,2; 1,7 và 1,4.


Cũng cần nói thêm, là khi nghiên cứu về XHDS tại Việt Nam, CIVICUS chia các tổ chức XHDS ra làm 4 loại chính:

-    Các tổ chức cộng đồng (community-based organizations), có tính cách điạ phương, thường được sự chấp thuận hay hỗ trợ của chính quyền điạ phương, hoạt động trong lãnh vực nông ngư nghiệp, chống nghèo đói, cứu trợ vv. Một số nhận tài trợ nước ngoài và phối hợp hoạt động với các tổ chức phi chính phủ.
-    Các tổ chức quần chúng (mass organizations) có lịch sử lâu đời nhất, có hệ cấp từ trung ương đến địa phương.  Đứng đầu là Mặt Trận Tổ Quốc, một bộ phận chính trị mà đảng Cộng Sẳn xem là “đại diện của nhân dân” có nhiệm vụ giám sát các cơ quan chính quyền, giới thiệu các ứng cử viên cho cá cuộc bầu cử. Kế đó phải kể đến Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên, vv. mà ngày nay hoạt động không còn mạnh như trước.
-    Các tổ chức nghề nghiệp (professional associations), như các hội hồng thập tự, hội các nhà báo vv. Tuy không thuộc Nhà Nước, nhưng thành phần lãnh đạo hầu hết đều là đảng viên đảng CS. Trong những năm gần đây, có nhiều hiệp hội chuyên viên kinh tế kỹ thuật ra đời, hoạt động khá độc lập với chính quyền.
-  Các tổ chức phi chính phủ (non-government organizations), chẳng hạn World Health Organization (WHO), UNICEF, American Red Cross, The Ford Foundation, Operation Smile, Alcoholics Anonymous, Church World Service, Terre des homes Foundation, Autralian Volunteers International, Landmine Survivors Network  vv.  Đến cuối năm 2010 có khoản 500 tổ chức phi chính phủ quốc tế (international NGO) hoạt động tại Việt Nam, một số nhỏ có văn phòng đại diện, số còn lại thì chỉ tài trợ cho các tổ chức địa phương trong các hoạt động liên hệ. Để theo dõi, và giám sát hoạt động của các tổ chức quốc tế này, Hà Nội lập ra 3 cơ quan, điều khá thú vị là cả 3 có chung một địa chỉ liên lạc!

Sang năm 2013 vừa qua, CIVICUS lại tiến hành một cuộc thăm dò mới, tìm hiểu xem vì sao các chính quyền trên thế giới không giữ được lời hứa là tạo ra khung cảnh thuận tiện để huy động và cho dân chúng tham gia vào các tổ chức XHDS. Cuộc thăm dò này được thực hiện trên 109 quốc gia, nhằm đo lường và so sánh những điều kiện ảnh hưởng đến tiềm năng mà công dân tham gia vào XHDS; và xếp hạng XHDS về quản trị (governance),  khung cảnh xã hội - văn hóa (socio-cultural enviroment) và khung cảnh xã hội kinh tế (soci-economic environment).  Chỉ số này được gọi là Chỉ Số Bối Cảnh Cho Phép (Enabling Environment Index: EEI), với thang điểm từ 0 đến 1. Mười quốc gia đứng đầu danh sách sách, theo thứ hạng từ trên xuống dưới là: New Zeland (0,87), Canada (0,85), Austria (0,85), Denmark (0,81), Norway (0.80), Netherlands (0,79), Switzeland (0,79), Iceland (0,79), Swedan (0,79) và Hoa Kỳ (0,79).

Việt Nam được xếp hạng 100, với chỉ số EEI là 0,37, khiến tổ chức CIVICUS phải bày tỏ mối quan tâm:
    “Người ta lo ngại rằng những quốc gia như Ethiopia (hạng 8 từ dưới đếm lên) và Việt Nam (hạng 10 từ dưới đếm lên) đã từng nhận được viện trợ phát triển đáng kể, và thường được cộng đồng quốc tế khen ngợi về những thành quả kinh tế mà lại có những bối cảnh tồi tệ đến thế cho xã hội dân sự. Lý do: Hoặc là vì các chính phủ cấp viện trợ hay các cơ quan tài trợ không tìm ra được phương cách để cải thiện những điều kiện cho XHDS sinh động, hoặc là vì họ cố ý nhắm mắt làm ngơ đối với các biện pháp trấn áp.”

Trong năm vừa qua, các nhà họat động dân chủ không ngừng đòi hỏi chính quyền sớm ban hành “Luật về Hội”. Hiến Pháp mới nhất năm 2013, điều 25 qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.” Và “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.” Nhưng từ ấy đến nay, vẫn chưa có cái “Luật về Hội” đó. Trong khi chờ đợi, các văn kiện dưới luật xuất hiện trước đó vẫn được đem ra áp dụng, tùy theo tình thế và sự giải thích của chính quyền.  Trên nguyên tắc, Sắc Lệnh số 101/SL-L003 ngày 20/5/57 do Chủ Tịch Hồ Chí Minh ban hành Luật về quyền tự do hội họp vẫn còn hiệu lực vì chưa bị bãi bỏ, do đó không thể chỉ đề cập đến các Nghị Định ban hành sau này. (Radio Free Asia ngày 20/01/20114). Vả chăng, nếu “Luật về Hội” được ban hành nay mai đi nữa, thì số phận của nó cũng sẽ không khác số phận của các Luật khác hiện hành là bao, khi mà bộ máy Nhà Nước chỉ là công cụ của đảng Cộng Sản, vốn hơn nửa thế kỷ nay đã không chút tôn trọng quyền công dân và quyền con người.  Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước độc tài chuyên chế khác, vấn đề không phải chỉ là nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Thật vậy, nếu “luật xấu” được ban hành và người thừa hành lại tuyệt đối “thượng tôn pháp luật” thì đây chỉ là trò chơi chữ nghĩa tàn bạo! Tuy nhiên, nếu “luật tốt” được ban hành với mục đích chính là để làm cây kiểng, để có chứng cớ nói chuyện với thế giới, nhưng người thừa hành lại không “thượng tôn pháp luật”, thì người dân sẽ phải tốn tiền cho luật sư, nếu không muốn nói là phải tham gia trò chơi dân chủ hiểm độc! Lý tưởng là cần có cả hai thứ cùng lúc: “luật tốt” và nguyên tắc “thượng tôn pháp luật.”

III.    TRÀO LƯU CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ



Xuất hiện ở châu Âu thế kỷ 18 vào Thời Kỳ Sáng Thế (The Enlightenment), thời đại mà người ta tin tưởng rằng hầu như mọi việc đều hoạt động theo những định luật bất biến và có thể tiên liệu được, thậm chí triết học còn bị toan tính chuyển thành khoa học tự nhiên,  ý niệm XHDS đã  được đưa ra bàn luận sôi nổi và khảo cứu tận tình, với Adam Ferguson, G.F.W. Hegel, Karl Marx, Antonio Gramsci vv. Vậy mà không bao lâu sau lại bị lãng quên đi, mãi cho đến thập niên 1970 khi nó được các nhà hoạt động dân chủ Châu Mỹ Latin và thập niên 1980 khi các nhà tranh đấu Đông Âu nhớ đến và đem ra sử dụng lại để đương đầu với các chính quyền độc tài đương thời. 

Đối với gia đình chính trị học, sự trở về của người con thất lạc từ lâu đã được tiếp đón nồng nhiệt, xem nó là vị cứu tinh cho vấn đề dân chủ đang bị bế tắc.  Trước hết, nó được xem là nguồn sinh lực cho các quốc gia vốn được xem là dân chủ lâu đời, như Bắc Mỹ và châu Âu. Nó  cũng là nguồn hy vọng lớn lao cho các quốc gia đang phát triển mà sau mấy đợt sóng dồn dập đầy phấn khởi, tiến trình dân chủ không những bị khựng lại mà còn bị đẩy lùi nữa, cũng như cho các quốc gia mà các cuộc “cách mạng mùa xuân”, “cách mạng hoa lài” chỉ còn để lại chút mùi hương nhạt nhòa.  Đó là những lý do giúp chúng ta giải thích được sự ra đời phong phú của sách báo về XHDS hiện nay nhằm tìm hiểu khả năng đóng góp của nó cho tiến trình dân chủ hoá tại các nước đang phát triển cũng như củng cố dân chủ tại các nước vốn đã có dân chủ lâu đời.

Tại Hoa Kỳ, tác phẩm khá đồ sộ “De la démocracie en Amérique” của học giả Pháp Alex de Tocqueville, gồm 2 quyển xuất bản năm 1835 và 1840, vốn được dịch ra tiếng Anh từ 1966 và được các nhà lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ trích dẫn nhiều lần, lại được dịch thành 2 quyển sách mới trong thập niên 1990 với những ghi chú chi tiết hơn, cũng như với cả sách giải thích cặn kẽ cách dùng. Như chúng ta đã biết, trong chuyến công du Hoa Kỳ hồi thế kỷ 18 để nghiên cứu chế độ lao tù, Tocqueville đã ngạc nhiên thú vị về nền dân chủ non trẻ của quốc gia này, trong đó ông thích thú về sự hiện diện và sinh hoạt dân chủ của các tổ chức thiện nguyện, các câu lạc bộ, các nhóm tôn giáo, văn hóa, thể thao vv., mà những nhà nghiên cứu sau này gọi đó là các tổ chức XHDS.  Ông cho là những tổ chức này là do dân chúng đứng ra thành lập nhằm giúp đỡ lẫn nhau cũng như để đạt tới những mục tiêu mà chính quyền không có khả năng làm được.

Nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ giật mình nghĩ lại cái thời hoàng kim này, sau sự ra đời của tác phẩm “Bowling Alone: The Collapse and Revival of America Community” (1999) của Robert D. Palmer, với những dữ kiện, phân tích tỉ mỉ sinh hoạt của xã hội Hoa Kỳ. Palmer nhận xét rằng ngày nay có nhiều người Mỹ chơi bowling hơn, nhưng họ chỉ chơi một mình thay vì chơi trong trong các hội (leagues). Trong những lãnh vực khác người Mỹ càng ngày càng ít tham gia, chẳng hạn ít đi bầu cử hơn, ít tham gia các hiệp hội hơn, ít đi nhà thờ hơn, ít tham gia nghiệp đoàn hay tổ chức nghề nghiệp hơn, ít tham gia sinh hoạt với khu lân cân láng giềng hơn vv.  Trước đó, người ta không thấy gì bất lợi hay có hại cho xã hội nói chung khi thiếu vắng sự liên lạc giữa các thành viên với nhau trong các tổ chức XHDS, như các hội Phụ Huynh và Giáo Viên (PTA), các câu lạc bộ, các tổ chức từ thiện, nhà thờ vv. thậm chí trong các chính đảng nữa.  Nói khác đi, qua giao tiếp, con người tin cậy nhau, hiểu biết nhau và nối kết với nhau, tạo nên chất keo gắn bó; mà khi khi xã hội mất nó đi, thì con người trong đó cũng dễ trở thành những người xa lạ.  Đây quả là “vốn liếng xã hội” -- sẽ được bàn đến sau. Kết luận này là tiếng nói cảnh tỉnh cho bất kỳ một xã hội nào, dù đó là xã hội Hoa Kỳ, nơi có hàng trăm ngàn hiệp hội thiện nguyện vô vị lợi tạo công ăn việc làm cho 9% lực lượng lao động toàn quốc. 

Tại Liên Hiệp Châu Âu, cùng với sự củng cố tổ chức là sự thay đổi quan trọng về định chế và hiến pháp.  Những cải tổ luật lệ mới mẻ nhất trong những năm gần đây phản ảnh sự cương quyết của tổ chức này trong việc duy trì và phát triển dân chủ: ổn định đời sống chính trị của công dân dưới sự cai trị của các chế độ mới, và xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu mang nhiều trách nhiệm hơn đối với XHDS. (“The European Court and Civil Society: Ligitation, Mobilization and Governance” , 2007) Trong một dự án có tên là “Toward a European Civil Society”, hơn 40 nhà nghiên cứu, cùng với nhiều học giả khác thuộc 15 viện nghiên cứu trên 10 quốc gia đã cùng nhau làm việc trong hơn 2 năm rưỡi để tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và sự phát triển của XHDS tại châu Âu. Hai tác phẩm “The Languages of Civil Society” (2006) và “Civil Society: Berlin Perspectives” (2006) là một đóng góp rất quan trọng của dựa án này. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên rằng, châu Âu vốn là cái nôi của XHDS không những về phương diện lý thuyết, mà còn là nơi ý niệm XHDS này đã được khơi lại để hành động thành công chấm dứt các chế độ độc tài tại đây; nó cũng như là nơi xuất phát nhiều tổ chức phi chính phủ toàn cầu (global non-government organizations), và nhiều quốc gia châu Âu riêng lẻ đã giúp khá nhiều phương tiện nhân sự và tài chánh cho các tổ chức XHDS ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.  Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong 10 quốc gia có bối cảnh thuận tiện cho sự phát triển các tổ chức XHDS đã có đến 6 quốc gia châu Âu, như kể trên. Năm 2001, đài BBC phát thanh một loạt 12 bài tìm hiểu về XHDS cho dân Anh vào mỗi thứ Năm trong 3 tháng 7, 8 và 9.

Đối với nhiều quốc gia châu Âu không còn Cộng Sản nữa thì tình hình XHDS không có gì sáng sủa mấy, nghĩa là tiến trình dân chủ hoá không đi nhanh như người ta ước mơ.  Trong quyển “Aiding Democracy Abroad: The Learning Curve”  (1999), Thomas  Carothers cho rằng một cuộc cách mạng dân chủ gồm 2 “chương”: “Chương 1”  là chuẩn bị kỹ lưỡng, chờ đợi thời cơ thuận tiện và lật đổ nhà độc tài hay chế độ chuyên chế; và “Chương 2” là  thi hành những biện pháp để chuyển sang dân chủ, từ mức khởi đầu.  Lịch sử cho thấy câu hỏi “Làm thế nào để lật đổ?” (How?) đã tìm ra những câu trả lời tốt.  Nhưng câu hỏi “Làm gì để tiến tới dân chủ?” (What?), có liên quan ít nhiều đến sự hình thành và phát triển của XHDS, thì chưa có những câu trả lời được mọi người đồng thuận.

Lấy trường hợp của Nga. Sau khi Gorbachev “làm cách mạng” để lật đổ cuộc cách mạng 70 tuổi của quê hương mình, thì XHDS đươc mở rộng với hy vọng phục hồi quyền con người,  quyền tự do kinh tế và các quyền công dân khác, cũng sự minh bạch, công bằng của các cơ quan nhà nước. Tiếp theo những cuộc biểu tình chống chiến tranh với Chechnya, những vụ phản kháng các lạm dụng môi sinh, thì các tổ chức XHDS mọc lên như nấm.  Một số trong 2.000 tổ chức XHDS hoạt động cho phong trào dân chủ và quyền con người đã nhận được nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (Interntional non-governments organizations, INGOs). Điều sau này lại càng khiến cho các quan chức nhà nước với ít nhiều não trạng cũ xem các tổ chức XHDS này là tay sai ngoại bang, nhất định vung tay làm mạnh: các nhân viên công lực và côn đồ làm nhục các nhân viên INGOs ngoài đường phố cũng như tại các trụ sở của họ; nhiều lần đe dọa cả chính Đại Sứ Anh viện lý do là ông ta can thiệp vào công việc chính trị nước Nga.  Năm 2006, Quốc Hội Nga ra luật buộc các tổ chức XHDS phải công khai tài chánh, khai rõ các nguồn tài trợ và cam kết hoạt động vì quyền lợi quốc gia Nga.  Luật này được áp dụng tức thì và nghiêm nhặt cho tất cả tổ chức XHDS, khoảng 13.000 lúc đó) khiến cho các tổ chức INGOs đang hoạt động ở Nga, như Amnesty International, Human Watch vv. gặp không ít khó khăn. (“A Diplomat Handbook: for Democracy Development Support”) (2013). Điều này không có gì khó hiểu khi mà từ trên, Putin đã “vận dụng Hiến Pháp” để nhảy xuống làm Thủ Tướng rồi lại nhảy lên lại ghế Tổng Thống, và dưới là  guồng máy kềm kẹp tham nhũng không khác mấy thời Cộng Sản; các tổ chức XHDS chỉ là cái gai trong mắt! 

Tại Trung Quốc, muốn được công nhận là một tổ chức XHDS, thì trước hết tổ chức đó phải được một cơ quan nhà nước đỡ đầu, rồi sau đó phải “đăng ký” với Bộ Dân Vụ (Ministry of Civil Affairs). Nếu không tìm được sự đỡ đầu, thì phải đăng ký với tư cách công ty, không những phải qua thủ tục rườm rà, tốn kém, mà trong tương lai còn không được xin gây quỹ xin tiền công chúng. Do đó, muốn có phương tiện hoạt động, các tổ chức XHDS này đành phải trông cậy vào nước ngoài.  Năm 1988 tổng số các tổ chức XHDS là 4.500; đến năm 2010, con số này tăng vọt lên 425.000 hay hơn nữa. Theo qui định tháng 3 năm 2010 thì  khế ước cho và nhận tiền giữa cơ quan tặng dữ (trong cũng như ngoài nước) và các tổ chức XHDS phải được công chứng. Nhờ những tặng dữ đó, mà công cuộc cứu trợ thiên tai bão lụt tương đối nhanh chóng và hiệu quả.  Tuy nhiên các quan chức địa phương cũng rất lo sợ ảnh hưởng của các tổ chức này, vì XHDS sẵn sàng tố cáo những sai phạm của chính quyền địa phương đã dẫn đến thiệt hại sinh mạng và tài sản. Về phần mình, các tổ chức XHDS phải luôn luôn cảnh giác, phải biết lúc nào không được quyền lớn tiếng hay vượt quá một địa phương nào đó; nếu không, sẽ dễ mất nguồn tài trợ, hay phải đi tù, hoặc cả hai! Trong thời gian gần đây, các tổ chức XHDS tại Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nhìn sang những nước Á Châu khác, có kinh tế phát triển hay đang lên như Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, Mã Lai, chúng ta có thể đưa ra những định tổng quát như sau:

Trước hết, ý niệm về sự hiện diện của đoàn thể, hiệp hội đứng bên ngoài Nhà Nước là một ý niệm tương đối mới mẻ, chỉ xuất hiện sau khi có sự tiếp cận với Tây phương.  Do hoàn cảnh lịch sử, các tổ chức đầu tiên ở các nước này thường có mục tiêu chính trị (chính đảng), nghề nghiệp, hay ái hữu. Thứ đến, sự phát triển đi theo hướng từ trên xuống dưới, tức là chủ trương của chính quyền cho phép XHDS xuất hiện là để nhằm đối phó với những áp lực hay điều kiện từ bên ngoài của các tổ chức quốc tế, các cơ quan viện trợ quốc tế vv. Rồi sau đó, trong khi các các quốc gia Tây phương và các tổ chức này nghĩ rằng, một khi nền kinh tế lớn mạnh, thì các quốc gia nói trên sẽ dễ dãi hơn đối với các tổ chức XHDS hầu đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá, thì ngược lại các chính quyền các nước Á châu lại cho rằng sở dĩ kinh tế phát triển nhanh được là nhờ ở một chính quyền mạnh và ổn định, và cho rằng XHDS sẽ chia bớt quyền lực Nhà Nước và làm suy yếu chính quyền và dễ đưa đến suy yếu kinh tế; do đó sẵn sàng kềm hãm, ức chế sự lớn mạnh của XHDS một khi hoàn cảnh cho phép.

Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, tình trạng XHDS rất phôi thai.  Lý do đầu tiên được nêu ra là tình trạng dân trí.  Chính quyền cho rằng, dân trí thấp sẽ bị “bọn đầu cơ chính trị trong nước” và “lực lượng thù địch hải ngoại” lợi dụng. Nếu quả thực dân trí thấp thì cần phải nâng cao dân trí.  XHDS là nơi các thành viên tương tác và học hỏi lẫn nhau.  Sự tương tác làm cho con người tin cậy lẫn nhau.  Mặc dầu chưa có những nghiên cứu đảm bảo được tính khả hoán của lòng tin –thí dụ ở hội đoàn này, tôi tin lãnh đạo, nhưng khi chuyển sang hội đoàn khác, lòng tin của tôi đối với lãnh đạo mới có giữ được mức độ đó hay không –nhưng lòng tin trong một tổ chức –dù nhỏ hay lớn – là một yếu tố quan trọng giúp đạt được mục tiêu chung, và dù không đạt được mục tiêu chung đi nữa, nhiều nhà nghiên cứu vẫn xem đây là “vốn liếng xã hội” (social capital).

Theo Robert D. Putnam, trong tác phẩm “Democracies in Flux” (2002), khái niệm “vốn liếng xã hội” đã được L. Judon Hanifan đưa ra từ năm 1916. Theo Hanifan, thì “vốn liếng xã hội” không liên hệ gì với đất đai, của cải, tiền bạc vật chất, mà là thiện chí, cảm tình, tinh thần tương thuộc, các mối giao tiếp giữa các cá nhân và gia đình trong cộng đồng.  Và khi các thành viên trong cộng đồng quen biết nhau, gặp gỡ nhau để vui chơi, giải trí, tiếp xúc thì nhờ kỹ năng lãnh đạo mà “vốn liếng xã hội” đó sẽ được sử dụng để cải tiến đời sống của cộng đồng mình ở.  Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại vốn liếng nào, “vốn liếng xã hội” có thể bị sử dụng không đúng chỗ, và có thể gây phương hại cho cộng đồng (thí dụ tạo ra xung đột kỳ thị màu da, tôn giáo). Xã hội làng xã và đại gia đình của Việt Nam là nền tảng thuận lợi cho sự tạo lập và tăng trưởng “vốn liếng xã hội” này, nhưng trong mấy thập niên vừa qua cái nền tảng này đã bị phá vỡ đi nhiều lần qua các sự can thiệp tiêu cực có tích cách thù hận và tạo chia rẽ của chính quyền Cộng Sản. Một điều khá trớ trêu là khi rừng mơ chủ nghĩa quốc tế vô sản chưa bén rễ, thì họ đã đào xới tung tóe cái nền tảng này ngay từ thời kỳ cải cách ruộng đất ngoài Bắc. Và nghịch lý thay ngày nay khi cần đến cái nền tảng đó thì hạnh phúc cá nhân, và xã hội vô cảm đang được thực tế cổ xúy và đang bành trướng!

Lề lối, phong cách giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong cùng tổ chức XHDS hay giữa các tổ chức XHDS với nhau, hoặc giữa chính quyền và XHDS dần dần hình thành một thứ văn hóa, được gọi là “văn hóa công dân” (civic culture).  Trong nhiều quốc gia, khi XHDS chưa hình thành, chính quyền trung ương cũng như địa phương thường mời các nhà chính trị lão thành, các thân hào nhân sĩ – có khi còn đích thân đến-- để vấn kế. Ngày nay, các nhà lập pháp, hành pháp, các viên chức hành chánh địa phương thường tham khảo ý kiến của các tổ chức XHDS.  Trong thập niên vừa qua, một số tổ chức quốc tế, chẳng hạn Ngân Hàng Quốc Tế, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trước khi chấp thuận cho vay mượn, hay hoãn giảm nợ cho các địa phương, còn ra điều kiện là các con nợ --tức Nhà Nước hay Chánh quyền địa phương hay cơ quan chủ quản dự án phải tham khảo ý kiến của các tổ chức XHDS liên hệ.

Một quốc gia có “vốn liếng xã hội” phong phú, có một nền “văn hóa công dân” cao, thì không cần phải đợi đến khi có giặc đến mới mở “Hội Nghị Diên Hồng”!  Một khi chưa bồi đắp được lòng tin, chưa quen lề lối sinh hoạt dân chủ, cũng như chưa quen sống trong cái “văn hóa công dân” thì những người tham dự có thể sẽ ngỡ ngàng, sẽ chỉ là những người bù nhìn và “nhất trí ” đi theo cái hướng mà người tổ chức chỉ ra. Xin mở dấu ngoặc. Ở đây, người viết nghĩ rằng đảng Cộng Sản Việt Nam không những không tin, mà còn sợ hãi một hội nghị Diên Hồng --một đề nghị của một số “Việt kiều yêu nước” hải ngoại.  Bối cảnh lịch sử của Hội Nghị Diên Hồng đời nhà Trần là giặc Mông Cổ đang tràn qua biên giới trong khi vua quan nhà Trần cũng chưa rõ là các cựu thần nhà Lý và một bộ phận nhân dân còn tư tưởng “hoài Lý” hay không. Đảng Cộng Sản từ khi cầm quyền đến nay đã gây quá nhiều sai trái, cho nên họ sợ hãi một hội nghị Diên Hồng với đủ thành phần tham dự sẽ đưa đến hậu quả bất lợi thậm chí nguy hiểm cho họ, vì bối cảnh đã đổi mới: nhân dân đã bớt sợ hãi, và mạng lưới thông tin xã hội càng ngày càng phát triển mạnh, trong khi đó Hà Nội đang nhìn qua nhìn lại để hòng kiếm đồng minh đối phó với phương Bắc.

Dân chủ không thể nhập cảng, vì dân chủ của nước xuất cảng được sản xuất trước tiên cho chính dân họ dùng.  Dân chủ cũng không thể trông cậy từ trên ban xuống, vì ban xuống dễ, thì lấy đi sẽ không khó.  Nhưng dân chủ có thể học hỏi được qua xã hội dân sự.  Bóp nghẹt, kiềm hãm, ức chế XHDS là phủ nhận tri thức và tâm hồn của công dân. Nếu bị phủ nhận, người công dân buộc phải trông cậy vào sự tranh đấu của mình vậy.  Họ tranh đấu để trước hết có được quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận.  Nghĩa là bắt đầu cho “Chương 1”!  Một sự bắt đầu như vậy sẽ vô cùng tốn kém: tài sản, của cải, xương máu, đẩy quốc gia vô phước đó lùi xa thêm về phía sau, và về sau lịch sử lại chê trách, than thở cho những năm tháng đã mất. 

Trong những quốc gia không có truyền thống dân chủ, khó khăn lắm mới lên nắm quyền hành, thì không ai lại muốn từ bỏ quyền hành, nhất là khi chưa bị chống đối mạnh mẽ và nguy hiểm cho mạng sống của mình và gia đình.  Các nhà cầm quyền độc đoán trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia độc đảng, chẳng ai muốn tự buông quyền buông của.  Do đó họ luôn luôn sẵn sàng chủ trương tiêu diệt từ trong trứng nước mọi mầm móng đòi hỏi dân chủ. Những nhà hoạt động dân chủ, những nhóm bất đồng chính kiến, những người phản biện đều nhận thức rất rõ điều này.  Giữa thập niên 1940 ở Việt Nam, để huy động toàn dân đấu tranh giành độc lập trong tay người Pháp, Việt Minh hô hào: “Độc lập ai bán mà mua/ Ai cho mà nhận, ai thừa mà xin,” thì ngày nay “Dân chủ ai bán mà mua/ Ai cho mà nhận, ai thừa mà xin.” Những nhà tranh đấu của XHDS đã cho biết rõ lập trường của mình. Cuộc tranh đấu đã bắt đầu, và chắc chắn họ sẽ không bị lẻ loi như mấy năm trước đây.

Như chúng ta thừa hiểu: Xưa nay có hai trường phái về cải cách chính trị.  Một trường phái cho rằng những cải cách chính trị phải xuất phát từ tinh thần tôn trọng tự do ẩn sâu trong tâm hồn của những nhà lãnh đạo, và những thay đổi về các định chế sẽ xuất hiện sau.  Trường phái kia không tin tưởng cái ẩn chứa trong chiều sâu ấy, và cho rằng ngoại cảnh mới có sức mạnh ảnh hưởng và thay đổi các định chế, buộc lãnh đạo không còn cách lựa chọn nào khác hơn là phải ra đi.  Giữa 2 trường phái này, có một quan điểm lạc quan. Mặc dù tiến hành một xã hội tư do dân chủ từ trên xuống dưới là khó, nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được.  Trong thời đại toàn cầu và với sự lan rộng của mạng thông tin xã hội, thế giới chúng ta không còn là “thế giới T.I.N.A.” (There Is No Alternatives, không có giải pháp nào khác).
   
Hiện nay, trào lưu dân chủ với sự hồi sinh và phổ biến của xã hội dân sự cho thấy có thể tìm được một giải pháp trung dung cho các nước muốn có dân chủ mà không phải mất nhiều xương máu.  Đó là khi cả đôi bên, Nhà Nước và Xã Hội Dân Sự, đều không chủ trương một mất một còn.  Qua kinh nghiệm tương tác đôi bên sẽ cảm nhận và rút tỉa những bài học giá trị và bổ ích từ “sự thực chiến trường” (ground truth), chứ không phải là chỉ từ những hiểu biết qua các sách vở từ chương hay lý thuyết suông.  Nếu trong chiến tranh, “sự thực chiến trường” giúp cho người lính ngửi được mùi thuốc súng, nhận thức hiểm nguy sinh tử và hình thành tự tin và can đảm hơn, thì trong chính trị, “sự thực chiến trường” sẽ giúp đôi bên hiểu sức mạnh của nhau, giúp tương kính nhau và cùng nhau đối phó với kẻ thù chung, với nghèo đói, với bất công, với tham nhũng, với sự hủy hoại môi sinh vv.  hầu đưa đất nước mình đi lên, thậm chí còn có thể giúp ngăn chặn hay hạn chế khủng bố tại các quốc gia đã phát triển, như chính quyền các nước này trông cậy khi cung cấp ngoại viện.

Tại Việt Nam, thực tế không cho phép người ta mong đợi giải pháp trung dung lý tưởng nói trên. Một sự thực đáng mừng là xã hội dân sự đã manh nha, lớn dần và đang được sự ủng hộ của thế giới.  Tuy nhiên, khu vực xã hội dân sự tại Việt Nam phát triển tương đối chậm.  Lý do là vì Đảng và Nhà Nước không muốn nó có cơ hội phát triển, chỉ vì người Cộng Sản lo sợ rằng nếu xã hội dân sự phát triển, thì Đảng và Nhà Nước CS sẽ diệt vong. Trong tình huống đó, đấu tranh và xung đột giữa hai bên là điều khó tránh. Những người tiền phong trong phong trào xã hội dân sự, nếu sớm lôi cuốn được đông đảo quần chúng, được sự ủng hộ tích cực của người Việt hải ngoại, cũng như dư luận và sự giúp đỡ tận tình của thế giới, thì sẽ đem thắng lợi về phía mình, và đất nước sẽ có cơ hội vươn lên.  Đó là điều chúng ta mong đợi.

***

Để kết luận, người viết thấy có hai chủ trương khá rõ sau đây về XHDS: một đối với các quốc gia vốn đã có XHDS từ lâu, và một đối với các quốc gia mà XHDS còn non trẻ.

Đối với các quốc gia mà XHDS vốn có chiều dày lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu nhận thức hướng đi xuống của XHDS, cho nên cần phải có sự cứu vãn. Brian Connell lập lại nhận định của Gibbon: “Sau cùng, họ (người dân thành Athens, Hy Lạp Cổ) muốn an ninh, còn hơn là đã muốn tự do. Họ đã muốn đời sống thoải mái và họ đã mất hết –an ninh, thoải mái và tự do … Sau rốt, khi người dân thành Athens không muốn ban phát cho xã hội mà chỉ muốn xã hội ban phát cho mình, khi tự do mà họ mong muốn nhất là tự do khỏi trách nhiệm, thì khi đó thành Athenes không còn tự do nữa.” Connell khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ phải kịp thời củng cố và hoàn chỉnh XHDS, và có tinh thần trách nhiệm để còn vui hưởng dân chủ dài lâu.

Lời kêu gọi của Connell không những chỉ dành cho nước Mỹ mà còn hướng đến toàn thế giới.  Đối với các quốc gia mà XHDS chưa có chiều dày lịch sử, người viết nghĩ rằng vấn đề XHDS còn cấp thiết hơn.  Khi bàn về sự duyệt xét lại một bản thảo, nhà thơ Maggie Anderson viết: ”Năng lực duyệt xét là năng lực sáng tạo và thay đổi; mà năng lực sáng tạo và thay đổi này cũng là năng lực hủy diệt.” (The Poet’s Companion, Kim Addozino & Dorianne Laux, 1997).  Một thi sĩ có thể vứt bỏ đi bản thảo cũ, và viết lại một bài thơ với những hứng khởi mới --thường thì hay hơn. Nhiều quốc gia hiện nay –trong đó có Việt Nam -- đang viết “Chương 2”, cũng có thể hủy bỏ hay tránh làm ra những cái xấu, sáng tạo những cái mới và thay đổi những cái hiện đang không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, các quốc gia đó chỉ có thể làm việc trọng đại này với sự có mặt càng ngày càng lan rộng, và sự đóng góp mới, tích cực và hữu hiệu của XHDS, bởi lẽ lãnh đạo đương thời với não trạng không còn bén nhạy nữa và thường thì chỉ biết quanh quẩn theo đường mòn mà đi --thậm chí nhiều lúc còn quay trở lại.  Chỉ vào lúc ấy, Nhà Nước và XHDS mới không ở trên một đấu trường, và có thể nói hai bên đang cùng trong một lớp học.

Lê Văn Bỉnh
Virginia, Tháng 12 Năm 2014

Một Số Tài Liệu Khác Đề Nghị Độc Giả Tham Khảo Thêm
-    Don E. Eberly, Editor, The Essential Civil Society Reader, Rowman & Littlefield 2000
-    Helmet Anheller, Civil Society: Measurement, Evalution, Policy, Routledge 2004
-    John A. Hall, Editor, Civil Society: Theory, History Comparison, Polity Press 1995
-   Jon Carson & Russel Fox, Editors The State of Nature in Comparative Political Thought, Lexington Books 2014
-    Jean Cohen & Andrew Arato, Civil Society and Political Theory, MIT Press 1995
-    Michael Edwards, Editor, The Oxford Handbook of Civil Society, Oxford 2013
-    Virginia Hodgkinson & Michael Foley, Editors, The Essential Society Reader, Univ. Press of New England 2003


Không có nhận xét nào: