Mặc Lâm

Lửa Hồ Gươm trong thơ Trần Mạnh Hảo

Photo courtesy of nuvuongcongly.
ChịBùi Thị Minh Hằng
Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu nhà thơ Trần Mạnh Hảo và những bài thơ mới nhất của ông với chủ đề hết sức thời sự về những diễn tiến hồi gần đây đối với việc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Hà Nội.
Thơ, trong một cách nhìn thật hẹp, người ta dễ đồng ý là phương tiện nhanh nhất để viết về những cảm xúc chợt tới, thoáng qua vào một khoảnh khắc
nào đó trong dòng chảy của cuộc sống. Thơ đối với một ít người, có khả năng diễn giải những diễn biến phức tạp chỉ bằng vài tu từ và thơ cho thấy là phương tiện sử dụng ngôn ngữ một cách ít nhất nhưng lại nói lên nhiều nhất nội dung muốn chuyển tải.

Sự lạ lùng này làm thơ có sức quyến rũ khó từ chối. Thơ được sử dụng như một thanh kiếm bén, gọt thật nhanh lớp vỏ bao quanh sự việc để phô ra cái lõi bên trong. Tuy nhiên, thơ làm theo cách này khó hay và đối với những tác giả còn non tay, những bài thơ theo phong cách tả chân, thông tin bằng vần điệu rất dễ lạc tay lái vào vết mòn của thơ tuyên truyền và nhất là rất gần với dòng thơ bình dân được truyền thừa qua thể loại vè mà dân gian gần gũi.

Những bài thơ kể chuyện khó mà sống được lâu trên trang sách vì câu chuyện nào dù hấp dẫn tới đâu cũng trở thành cũ kỹ trong khi dòng sống liên tục chảy ập về phía trước, vận động và không ngớt đào thải những sáo mòn, quen thuộc. Thơ kể chuyện dù cách nào đi nữa cũng khó khẳng định yếu tố nghệ thuật khi người viết đăm đắm vào cấu trúc câu chuyện hơn là chú ý những góc khuất mà bản thân của câu chuyện cần khai thác, nhất là khai thác bằng thứ ngôn ngữ của thi ca, chứ không phải bằng ngôn ngữ chính luận dùng cật vấn những chi tiết mà câu chuyện cung cấp.

Nhà thơ, hơn ai hết rất chủ quan. Họ nhìn xuyên câu chuyện qua lăng kính rất thơ và do đó ít nhiều gì thì cảm tính sẽ như loại ánh sáng đã được khúc xạ. Có điều ngạc nhiên, nếu văn chính luận khai thác những sai lạc của câu chuyện dễ khiến người đọc phản ứng thì thơ cũng cùng phản biện những góc cạnh của câu chuyện ấy lại được người đọc chia sẻ!

Hình như thơ được ưu đãi hơn văn xuôi và nhà thơ cũng được hưởng đặc ân này qua sự cảm thông hơn của người đọc.
Trả nón cho trăng
Chị Bùi Thị Minh Hằng trước khi bị công an bắt hôm Chủ nhật, 16/10/2011. Hình do thính giả gửi RFA.

Trần Mạnh Hảo có một bài thơ nằm gọn trong khái niệm này. Khi ông nhận được tin chị Bùi Minh Hằng bị công an giật chiếc nón lá có ghi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam trên đó thì câu chuyện khơi mào cho sự giận dữ mang tên tổ quốc. Câu chuyện đẩy tới mức độ khó chấp nhận hơn khi chị Bùi Minh Hằng bị bắt thì sự phẫn nộ tăng lên nhiều bậc, nó gây cảm giác uất ức như chính mình bị chà đạp, bị đàn áp giữa ban ngày, nơi công cộng. Trong bài thơ

“Trả nón cho trăng” ông viết:

Em là trăng
Trăng mọc ban ngày
Ôi vầng trăng đội nón
Em Hồ Gươm bán nguyệt heo may
Nón mùa thu
Áo sương mù đưa đón
Em đội tên hai quần đảo trên đầu

Ở bảy câu đầu, cái tên Minh Hằng trở thành vầng trăng cùng những chi tiết rất thi ca chung quanh không khí Hồ Gươm giữa mùa thu Hà Nội như một dẫn dụ người đọc hơn là cảm hứng thật sự của tác giả. Tuy nhiên tới câu thứ bảy khi “Em đội tên hai quần đảo trên đầu” thì không khí êm đềm chung quanh bờ hồ bỗng dưng biến mất. Câu thơ ngay lập tức quay lại cuộn phim thời sự về những cuộc biểu tình trong các ngày Chúa Nhật tại Hồ Gươm và đây là thế mạnh của thơ khi văn xuôi không làm được.

Nón và trăng
Cùng mang tên đất nước
Em đi một mình nào có ai đâu

Cũng vậy, “Em đi một mình nào có ai đâu” nói lên sự sợ hãi vô cớ của những người được lệnh cô lập Minh Hằng. Câu thơ có khả năng nhắc người trong cuộc rằng sự nhiệt tình quá mức của họ đã phá hoại tất cả mọi giá trị văn hóa qua cung cách giật chiếc nón lá được xem là một trong những giá trị truyền thống của Việt Nam.

Cướp !
Cướp !

Chúng cướp trăng trên đầu
Chúng cướp tên đất nước
Chúng cướp Hoàng Sa Trường Sa
Giữa rừng công an ta
Sao toàn cướp ?
Chúng cướp nón em Hằng
Trăng cũng khóc

Trần Mạnh Hảo kể chuyện thật khéo. Người nghe ông kể vừa cảm nhận đầy đủ mọi tình tiết trong lúc hai bên giằng co vì một chiếc nón, vừa cảm thấy ngôn ngữ thi ca nâng câu chuyện lên để không trở thành dung tục.

“Em ôm chặt một vầng trăng vỡ
Như ôm đất nước đoạn trường
Rách nát một linh hồn nón
Trăng ôm hai quần đảo lên đường”.
Em một mình giành lại nón cho trăng
Giành lại nón bài thơ yêu nước
Cướp đeo băng đỏ
Giật rách nón
em thương
Em
ôm chặt một vầng trăng vỡ
Như ôm đất nước đoạn trường
Rách nát một linh hồn nón
Trăng ôm hai quần đảo lên đường
Sau màn cướp nón
Đến trò cướp người
Giữa ban ngày
Trăng bị bắt cóc
Tổ Quốc ơi
Sao mùa thu lại khóc?
Trả trăng cho nón
Trả nón cho trăng …

Thậm chí chị Bùi Minh Hằng đội cái nón viết chữ Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam cũng bị cướp giật và bị bắt cóc. Những chuyện đó không thể có trên thế giới này được trừ Việt Nam.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Bài thơ “Trả Nón Cho Trăng” được Trần Mạnh Hảo viết tại Sài Gòn nơi ông đang sống vào sáng Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2011. Cũng trong ngày này có lẽ câu chuyện của Bùi Minh Hằng bị bắt, bị giật chiếc nón lá có ghi hai chữ Hoàng Sa Trường Sa làm nhà thơ không thể không ghi lại những tình tự của ông về những Chúa Nhật trước đây khi các cuộc biểu tình như những dòng máu ấm chảy trong cơ thể Hà Nội lạnh tanh bởi quá nhiều tâm hồm lãnh cảm với tình hình đất nước.

“Tôi nghĩ người nghệ sĩ cũng giống như cây antenna hướng về trời đất, Những sự kiện của dân tộc, đất nước và nhân loại luôn luôn tác động vào mình. Mình là một người đọc, một người nghe, một người xem. Xem truyền hình, nghe đài, đọc báo đọc sách…những sự kiện lớn ấy nó tác động vào mình và làm cho mình xúc động, và khi xúc động thì mình làm thơ, viết văn. Bởi vì văn học nói cho cùng nó phải mang xúc động của nhà văn nhà thơ đến cho người đọc thông qua thơ văn.

Không phải những sự kiện chính trị xã hội nó tác động vào mình mà mình thờ ơ vô cảm…đối với tôi những tác động đó nó làm cho tôi hết sức xúc động, chẳng hạn những vấn đề của người biểu tình yêu nước ở Hồ Gươm. Họ yêu nước, bảo vệ đất nước là cái quyền thiêng liêng của con người thế nhưng tại sao họ lại bị bắt bị đàn áp như thế? Tôi không thể hiểu được và tôi viết những bài thơ ca ngợi họ và chia sẻ với họ.

Mình không biểu lộ mình yêu nước. Mình không đi biểu tình yêu nước với họ được thì mình dùng ngòi bút làm thơ ca ngợi họ. Đồng cảm với họ, chia sẻ với họ nỗi đau đớn và bất hạnh khi họ đi biểu tình yêu nước mà bị bắt bị đàn áp. Thậm chí chị Bùi Minh Hằng đội cái nón viết chữ Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam cũng bị cướp giật và bị bắt cóc. Những chuyện đó không thể có trên thế giới này được trừ Việt Nam.”

Chủ Nhật Hồ Gươm
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tập trung xung quanh tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Hà Nội sáng 07-08-2011. Courtesy NguyenXuanDienBlog.

“Chủ Nhật Hồ Gươm” là một bài thơ khác của Trần Mạnh Hảo, đậm chất u hoài nhưng không thiếu sự rung động của nhịp đập trái tim, trái tim mang hình tổ quốc. Vào sống ở Sài Gòn nhưng trái tim nhà thơ canh cánh về đất Bắc, nơi mà người biểu tình thay ông nói lên chân lý của người yêu nước đối với họa ngoại xâm. Ông theo dõi bước chân của người biểu tình liêu xiêu trong nắng ấm Hà Thành cho tới khi họ không còn được nói lời công lý nữa thì những cái bóng liêu xiêu đó làm thành thơ, làm thành Chủ Nhật xiêu xiêu gãy đổ.

Chủ nhật buồn xiêu xiêu
Không thấy người biểu tình yêu nước
Đất nước không được yêu
Đất nước bị phụ tình
Mùa thu vừa bắt cóc
Hồ Gươm

Thương xót lá bàng giãy chết
Lá bàng hình chữ u
Hình lưỡi bò
Cành bàng bị mùa thu cắt tiết
Máu ai trút lá xuống hồ?

Ai đánh mất Hoàng Sa, Trường Sa
Ngay giữa lòng Hà Nội ?
Cá chìm cá nổi
Nhốt Hồ Gươm Hỏa Lò
Gió bấc thổi

Họ yêu nước, bảo vệ đất nước là cái quyền thiêng liêng của con người thế nhưng tại sao họ lại bị bắt bị đàn áp như thế? Tôi không thể hiểu được và tôi viết những bài thơ ca ngợi họ và chia sẻ với họ.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Giọng thơ bằn bặt và giai điệu chuyển sang dồn dập khi tận dụng hình ảnh lịch sử để bật lên những nốt nhạc cao vút. Mọi sự thinh lặng của mùa thu Hồ Gươm bị phá vỡ bởi nhưng cật vấn. Tính chất cật vấn lúc ẩn dụ, lúc công khai đã làm bài thơ tăng dần mức độ dồn dập của một dòng thời sự đang chảy trong lòng Hà Nội. Nhà thơ không nhắc tới Biển Đông, không nhắc tới những gì mà người biểu tình gào thét. Bài thơ chỉ lặng lẽ thở dài ở câu cuối cùng, và người đọc chợt giật mình khi câu thơ trở thành tiếng chuông thống thiết:

“Kìa tượng vua Lý Thái Tổ/Đứng ngó Hồ Gươm đi…”
Run rẩy hồ thương sương mù
Thương quá những hàng cây cơm nguội
Bị gió lạ cầm tù
Đám mây làm gì mang tội
Mà bị giam mãi dưới hồ thu?

Liễu đau liễu rủ hàng hàng
Cây liễu đang bị theo dõi
Cây lộc vừng đang bị tình nghi
Cây bồ đề đang bị nghe lén

Nắng không tìm ra thần Kim Quy
Rùa muốn trốn vì không tìm thấy kiếm
Tượng vua Lê đứng đó làm vì
Chúa Trịnh vừa đến chiếm
Vận nước thời suy vi

Tháp Bút viết gì lên gió ?
Đau hồn thu thảo u minh
Hồ Gươm nằm suông thương nhớ
Những người yêu nước biểu tình
Mình không được yêu nước mình
Vô lý
Hồ nằm đây không biết để làm gì?

Kìa tượng vua Lý Thái Tổ
Đứng ngó Hồ Gươm đi…

Tôi mang Hồ Gươm đi

Tháp rùa - Hồ Hoàn Kiếm. Photo courtesy of vietbalo.

Cảm hứng về sự ra đi của Hồ Gươm vẫn là cảm hứng không thể dừng lại hay nói đúng hơn có thể gọi đó là nỗi ám ảnh khiến Trần Mạnh Hảo tiếp tục cho ra đời một bài thơ khác mang tên: “Tôi mang Hồ Gươm đi”.

“Tôi mang Hồ Gươm đi” có niềm xúc động của một kẻ lưu lạc, lưu lạc ngay trên chính quê hương mình. Bài thơ gợi lại hình ảnh của thế hệ Thơ Mới khi mọi cảm nhận thẩm mỹ dựa trên những nét đẹp gợi hình cộng với tính lãng mạn của chủ đề là nhân tố bắt đầu cho sáng tác.

Có vẻ “Tôi mang Hồ Gươm đi” chưa thoát hẳn được chất ủy mị mà Thơ Mới từng thống lãnh một thời gian rất dài trong văn học Việt Nam. Tuy nhiên bù vào đó, chất xúc tác chính của bài thơ lây lan sang người đọc là sự chân thành đến da diết của tác giả đầy ắp trong từng chữ, từng câu khiến bài thơ vừa man mác, ray rứt buồn vừa tha thiết, đớn đau cho một hình ảnh tang thương phía trước: “Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây/Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy/Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng/Mà cả trời kia xuống hết cây?”

Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa
Mà run cho mọi bóng cây nhòa
Mà im im hết nghìn tăm cá
Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?

Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?

Thơ của tôi là niềm đau của tôi với đất nước hôm nay. Mình đang bị đế quốc phương Bắc nó xâm lược mà mình không làm gì được chỉ ngồi trong nhà mà viết những dòng thơ đau đớn như thế thì rất là buồn.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

“Số phận dân tộc mình tại sao lại bị đẩy đến tận chân tường như thế này? Giặc nó đã xâm chiếm nó chiếm đảo, chiếm biển thì người ta yêu nước thì biểu lộ chống xâm lược chính quyền lại đi bắt bớ bỏ tù người ta là sao? Thế thì chính quyền đó là của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam hay là chính quyền của bọn xâm lược? Cái chuyện đó làm cho người ta không thể hiểu được và ai cũng thấy buồn vì tình hình đất nước như vậy.

Thơ của tôi là niềm đau của tôi với đất nước hôm nay. Mình đang bị đế quốc phương Bắc nó xâm lược mà mình không làm gì được chỉ ngồi trong nhà mà viết những dòng thơ đau đớn như thế thì rất là buồn.

Khi mình còn sợ hãi quá mức như thế thì mình sống không phải là con người nữa. Mình không được biểu lộ tình cảm xao động nhất của lòng mình ra bằng những vần thơ khi mình là người cầm bút tí mình đâu còn bút nữa? Đâu còn tâm hồn đâu còn tư tưởng nữa! Thế thì mình là con người hay là con gì? Tôi nghĩ như vậy nên tôi xúc động thì viết ra, tôi làm thơ."

Quý vị vừa theo dõi ba bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết về những xúc động của ông qua những cuộc biểu tình của người yêu nước tại Hà Nội trong thời gian qua. Bài viết hôm nay có giọng đọc thơ của chính tác giả và hy vọng rằng quý vị chia sẻ thêm một mảng văn học mang tính thời sự tuy rất nhỏ, rất ít người tham gia nhưng cũng đủ để phản ảnh một giai đoạn đáng nhớ cho lịch sử mai này.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Không có nhận xét nào: