Phương Bích 1

Phương Bích: Bước Chân Vào Chốn Ngục Tù (1)

Bước chân vào chốn ngục tù
Ghi chép của Phương Bích
Trở về căn phòng giam mờ tối, tôi ngồi trên chiếc giường xi măng, kể cho cô bạn tù nghe về cuộc hội ngộ ngắn ngủi với những người đồng đội ở khu vực thẩm vấn. Nhớ lại cảnh Bùi Hằng và Tiến Nam thay nhau ôm ghì lấy tôi, tôi chợt thấy nghẹn ngào không nói được hết câu, bèn giấu mặt vào hai lòng bàn tay.

- Chị cứ khóc đi, đừng ngại, cứ khóc thật thỏa lòng đi.

Bàn tay cô ấy dịu dàng đặt lên vai tôi cùng với lời thủ thỉ đầy sự cảm thông, thế là tôi nức lên như một đứa trẻ. Vẫn úp hai bàn tay che lấy mặt, tôi đã khóc rất lâu, không thể nào kìm lại được...

*

Đêm trước ngày 21/8, tôi gần như thức trắng đêm. Bố tôi trước vốn ủng hộ tôi đi biểu tình chống Trung Quốc là thế, nay bỗng mềm lòng trước sự vật vã của mẹ tôi. Bà khó nhọc quỳ đôi chân khớp nặng của bà xuống trước mặt tôi van xin:

- Mợ lạy con, ngày mai con đừng đi nữa.

- Thôi thì con vì mẹ đi, bố không chịu nổi nữa.

Tôi vùng đứng dậy, lao vào buồng đóng chặt cửa lại, lửa giận bừng bừng trong lòng. Anh trai tôi đứng ngoài cửa nói vọng vào:

- Anh nói điều này cô nghe hay không thì tùy, nhưng người ta đã đến xin anh thuyết phục cô. Thôi thì người ta đã xin thì cô cũng đừng nên đi nữa.

Hóa ra khi không thuyết phục được tôi, công an cùng cán bộ Phường kéo đến làm công tác dân vận với mẹ và anh trai tôi. Mới hôm nào tôi còn phấn khởi kể lại trên mạng, chuyện họ đến nhà thuyết phục tôi không thành thế nào. Hóa ra họ vẫn không chịu từ bỏ, tiếp tục dùng đòn sau lưng này để đánh tôi.

Nếu tôi vì gia đình, tôi sẽ trở thành kẻ phản bội lại đồng đội mình. Ai sẽ là những người có mặt ở ngoài đó hôm nay, nếu ai cũng có một lý do để ngồi ở nhà như tôi? Hàng ngũ những người biểu tình có vỏn vẹn vài trăm người trong số vài triệu người ở đất Thủ đô, lâu nay vốn đã đơn độc, nay sẽ rơi rụng dần vì những đòn đánh trong nội bộ từng gia đình thế này ư? Tôi thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ đến việc ngày mai, trong hàng ngũ những con người quả cảm đơn độc kia sẽ thiếu vắng tôi. Hẳn sẽ không ai nỡ trách móc tôi khi ở ngoài kia, ông bố già tuổi gần đất xa trời của tôi đang lên cơn cao huyết áp, còn bà mẹ 83 tuổi phải quỳ dưới chân tôi van xin, nhưng chắc hẳn họ sẽ rất buồn...

Xin bố mẹ hiểu cho lòng con. Con làm sao có thể sống để ngẩng mặt nhìn bạn bè, đồng đội của mình trong suốt phần đời còn lại chứ? Không đi một hôm thì có nghĩa lý gì, trong khi cuộc biểu tình này chưa biết đến bao giờ dừng lại?

Có lần bố cũng hỏi tôi: con đi thế này đến bao giờ?
Thực sự tôi cũng không biết. Có lẽ đến khi nhà nước lên tiếng một cách chính thức chăng? Bởi vì bấy lâu nay, có lẽ tôi cũng như nhiều người dân khác, rất muốn nghe một lời tuyên bố của chính quyền cho nhân dân cả nước biết rõ, về chính sách bảo vệ ngư dân trước nạn cướp bóc tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc, về phản ứng trước những hành động đe dọa láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc...

Thấy tôi phản ứng dữ dội, mẹ và anh trai tôi lặng lẽ khóa cửa, quay về căn hộ dưới tầng 6. Tôi ngồi lỳ trong buồng, không thể quyết định được ngay việc ngày mai đi hay ở nhà. Lý trí bảo tôi phải đi, nhưng nếu bố tôi lên cơn đột quỵ thì sao?

Tôi đã thức gần trắng đêm để viết một bức thư cho ông Nguyễn Thế Thảo. Dự định nếu ngày mai bố tôi phải đi viện, gia đình tôi xảy ra nội chiến, tôi sẽ gửi bức thư này cho ông ta và gửi lên mạng để phản đối việc chính quyền đã không chính danh ngôn thuận cưỡng ép tôi không đi biểu tình...

Sau khi gửi bức thư cho Xuân Diện bày tỏ nỗi niềm, tôi vào facebook tìm bạn bè để than thở. Máy tải chậm quá, khi tôi đóng máy tính lại là vào lúc 5 giờ sáng. Thiếp đi đến 6 giờ thì chuông báo thức reo. Tôi dậy nấu cơm cho bố, định bụng xong xuôi sẽ đi tắm rửa, vì đêm qua tôi nhất định cố thủ trong buồng. Tôi thấy nhẹ cả lòng khi thấy bố dậy sớm, thần sắc đã trở lại bình thường. Ngoài trời lúc ấy đang mưa.

Gần 7 giờ thì chuông cửa reo, lại một đoàn công an lẫn cán bộ phường và tổ dân phố bước vào. Mẹ tôi còn huy động thêm cả bà chị gái tôi đến nữa. Lạ thật, tôi đã nói rõ ràng thế rồi, bây giờ họ còn đến làm gì?

Nếu lúc này tôi không kiên quyết, có thể tôi sẽ lỡ mất…Tôi vào buồng, lấy máy tính ra, đọc cho họ nghe bức thư tôi đã viết đêm qua. Đến đoạn cuối, tôi vừa đọc vừa nghẹn ngào:

“Người xưa có câu: Hiếu với cha mẹ mới chỉ là Trung hiếu, còn hiếu với đất nước mới là Đại hiếu. Tôi tuy chỉ là một người dân bé mọn, nhưng cũng xin được đặt chữ Đại hiếu làm đầu”.

Mọi người không ai nói gì, chị gái tôi cũng không nói gì.

Còn nữa.

Không có nhận xét nào: