Nguyễn Công Việt

Tang Chế Của Người Việt Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ-Sự Vận Dụng Của Nho Gia Việt Nam Thời Lê
Khổng Tử
Đã từ bao đời nay người Việt, văn hoá Việt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo Trung Quốc từ hệ thống kinh điển quan phương đến thực tế truyền bá giáo dục Nho học của quan lại các cấp. Trong đó Kinh lễ - Lễ ký là một trước tác kinh điển quan trọng trong việc truyền bá của nhà nước phong kiến Trung Hoa cổ xưa. Kinh lễ - Lễ ký là sự phản ánh hoàn mỹ nhất, cụ thể nhất những phong tục tập quán của xã hội. Thông qua những lễ nghi quy định chúng ta có thể biết được thế giới tâm linh, đời sống tinh thần cùng những sinh hoạt t
hường nhật của con người và cộng đồng làng quê, xã hội. Phong tục tập quán của người Việt khá đa dạng và phong phú với những lĩnh vực tiêu biểu như quan, hôn, tang, tế đã được phản ánh rõ nét trong Kinh lễ; trong đó đặc biệt phải nói đến tang chế của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ trong thời trung đại.
Bước vào giai đoạn đầu thời Lê sơ, Nho giáo đã dệt được nền móng khá vững chắc và ảnh hưởng toàn diện trên khắp xã hội Việt Nam. Điển chế và pháp luật của chính thể phong kiến nhà Lê được coi là những công cụ quan trọng đặc biệt để xây dựng và cải tạo xã hội theo quy định chuẩn mực của Nho giáo, trong đó tang, chế rất được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Tang lễ thể hiện chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ, là biểu thị tình thương cảm, việc thờ phụng người đã khuất và luôn đi liền với Lễ. Lời của Khổng Tử ghi trong Luận ngữ: “ Sở trọng giả: thực, trung, tế” phép trị thiên hạ quan trọng nhất là những việc ăn, tang và tế.

Tang tế của người Việt từ thời Bắc thuộc đến thời Lý thời Trần như thế nào chúng ta không thể biết chính xác được. Song qua các điều luật về tang chế trong bộ luật thời Lê Hồng Đức thì ta cũng phần nào hiểu được việc tang chế xuất phát từ thực tế phong tục tập quán được thực hiện theo Kinh lễ - Lễ ký, nhà nước phong kiến Lê Sơ mới thống kê và định ra những quy chế bắt buộc. Những điều luật về tang chế nói chung đã được các nho thần soạn thảo ghi trong một số tác phẩm luật soạn Hồng Đức như Quốc triều hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng đức thiệu chính thư...

Thời Lê sơ, ngay ở giai đoạn đầu tiên triều Thái Tổ và Thái Tông bộ Quốc triều hình luật đã được soạn thảo, bộ luật này đã được thực hiện tiếp và hoàn chỉnh vào đời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) và được bổ sung ở những năm sau đó. Quốc triều hình luật là một bộ lớn và hoàn bị nhất của thời Lê nói riêng và của lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam nói chung. Điều đặc biệt là ngay trong phần đầu của bộ luật này là phần ghi ngắn gọn về việc tang chế với đồ giải về năm hạng để tang và biểu đồ để tang 9 họ bản tông.

Mở đầu của Quốc triều hình luật ngay dưới chữ Lê triều hình luật là đồ giải 5 hạng để tang gồm có:

1. Trảm thôi và Tư Thôi (Đại tang).
a/ Trảm thôi (con để tang cha) chịu tang 3 năm, chống gậy, áo bồng vải sô xấu, buông xổ gấu.

b/ Tư thôi (con để tang mẹ) chịu tang 3 năm, áo vải sô viền gấu. Tư thôi còn dùng cho việc cư tang 1 năm, 5 tháng, 3 tháng đối với cụ, kỵ, ông, bà.

2. Cơ niên (chịu tang chú, bác, cô ruột, anh chị em ruột, con trưởng, cháu đích tôn) để tang 1 năm.
3. Đại công (để tang chú, bác, cô, thím họ gần, anh em con chú, bác...) để tang 9 tháng.
4. Tiểu công (để tang ông bà họ gần, cô họ gần, anh em con chú con bác...) để tang 5 tháng.
5. Ty ma (để tang ông bà anh em với ông họ gần, chú bác cô thím họ xa...) để tang 3 tháng.

Tiếp theo là Biểu đồ để tang 9 họ bản tông (Tôn ti 9 họ theo hệ thống họ nhà chồng)
1. Để tang kỵ tổ ông kỵ tổ bà.
2. Để tang cụ tổ ông cụ tổ bà (và ngang vai)
3. Để tang ông bà (và ngang vai)
4. Để tang cha mẹ (và ngang vai: chú, bác, cô, thím)
5. Để tang người ngang vai mình(anh chị em ruột, họ gần, xa, chị em dâu
6. Để tang với hàng con cái
7. Để tang với hàng cháu nội
8. Để tang với hàng chắt nội
9. Để tang với hàng chít nội.

Ngoài ra ở Quốc triều hình luật trong chương Danh lệ (quyển 1) điều 39 và điều 42 cũng nói đến việc để tang ông bà cụ kỵ nội, tang đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu....

Bộ hội điển lớn về điển chế và pháp luật cũng được ra đời từ triều Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức là bọ Thiên Nam ngữ lục. Ở tập IX bộ sách này phần đầu của điều luật là một mục riêng biệt về thơ ngũ phục tức là 5 hạng để tang như chúng tôi đã nói ở trên, là việc để tang 3 năm đối với cha mẹ và chồng, 1 năm đối với ông bà, anh em ruột, chú bác cô ruột..., 9 tháng đối với em dâu, anh em con chú bác ... Ở đây còn ghi rõ để tang 3 năm đối với ông bà nội của cháu đích tôn thay cha khi cha đã chết.Trong sách này ở điều 6 và điều 10 còn quy định xử phạt đối với việc có tang mà giấu giếm không để tang, không tỏ ra đau thương, y phục đồ thờ trong tang chế vượt quá quy chế. Một sách luật khác cũng ra đời vào thời Lê là Hồng Đức thiện chính thư là nội dung trong đó cũng có mục ghi về tang chế. Ở mục 8 Lệ về quy chế để tang có 34 điều là việc để tang Kế phụ, Đích mẫu, Kế mẫu, nhũ mẫu, từ mẫu, giá mẫu, xuất mẫu, thứ mẫu, anh chị em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha, bố mẹ vợ, bà ngoại..... Đồng thời là những định lệ khi đang có tang thì được phép làm gì, không được làm gì.... Ở điều luật năm Hồng Đức thứ 25 (1494) hay niên hiệu Thiệu Bình (1549 - 1556) chúng ta cũng sẽ tìm thấy điều ghi việc để tang các hạng thuộc Ngũ phục liên quan, đến các hoạt động sinh hoạt khác.

Những quy định về tang chế nêu trên là những luật định bất biến được ban bố và thi hành trong toàn xã hội thời Lê. Tuy nhiên trong một xã hội phong kiến nghèo nàn lạc hậu lúc bấy giờ, số người biết chữ rất ít, còn quảng đại nhân dân lao động đều mù chữ. Họ không được lĩnh hội hoặc thậm chí không biết đến những quy định trong tang chế mà nhà nước phong kiến đã ban hành. Khi lâm sự họ chỉ biết trông cậy vào hương chức và thày pháp trong làng. Việc tang chế nơi làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ thời đó đa phần đều giống nhau. Song “phép vua thua lệ làng” tại không ít địa phương việc tổ chức tang chế thực hiện về chi tiết có một số điểm khác biệt; hoặc do tập tục lưu truyền, hoặc do hoàn cảnh kinh tế, hoặc vì mê tín dị đoan, hoặc do điều kiẹn vùng khu vực... dẫn đến những điểm bất đồng, hạn chế thậm chí tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống xã hôi cộng đồng.. Bên cạnh đó hậu tang chế đã khiến cho nhiều gia đình khánh kiệt hay phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như ốm đau nặng, tai nạn, tử vong tiếp... Điều đó khiến cho đời sống tinh thần, tâm lý của những gia đình, dòng họ có tang hết sức khủng hoảng. Phải chăng tang lễ mà họ đã làm không đúng, thiếu sót hoặc phạm vào điều cấm kỵ gì? Trong một quá trình khá dài, ở một xã hội chịu nhiều thiên tai, nghèo đói lạc hậu thì tỷ lệ tử vong khá cao tức là việc tang ma khá nhiều.Tất cả những cái đó cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân lao động trong toàn xã hội, vì vậy đòi hỏi phải có những tài liệu hướng dẫn việc tang chế có ý nghĩa phổ cập mang tính quần chúng chi tiết ngoài những quy định chính thống mà nhà nước phong kiến thời Lê đã ban hành. Đáp ứng vấn đề đó bộ Gia lễ mà chủ yếu là việc tang chế đã ra đời do Thượng thư Hồ Sĩ Dương biên soạn.

Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được cuốn Hồ Thượng thư gia lễ (bản in năm Vĩnh Hựu 4 (1738) cùng bản chép tay sau này). Trong đó bản in có đính kèm cả sách Thọ mai gia lễ mang niên đại thời Nguyễn Gia Long. Hồ Thượng thư gia lễ được nho thần Chu Bá Đang biên tập và viết lời tựa năm Vĩnh Hựu 4(1738). Nội dung ghi những quy định về tang chế trong đó bao gồm cả tang lễ và tang phục, mọi nghi thức bắt đầu đối với người vừa mất là đặt thất sinh, mộc dục, cử ai, kết hồn bạch, chiêu hô, khâm liệm.... Các nghi tiết tế lễ, văn tế... Hình thức thực hiện đa phần dưới dạng vấn đáp, bên cạnh có cả các biểu đồ về các nghi thức, đồ liệm...

Mộ Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông Trung Quốc
Về sách Thọ Mai gia lễ ngoài bản in và bản chép tay ở Thư viện Hán Nôm bộ sách này còn được lưu giữ nhiều ngoài dân gian, chủ yếu dưới dạng chép tay không ghi niên đại. Nội dung có nhiều điểm khác biệt do người chép thêm vào như hệ thống can chi, lục thập hoa giáp, ngày giờ tốt xấu.... Song phần cơ bản vẫn là phần ghi chép về tang chế bao gồm cả tang phục và tang lễ. Việc sắp xếp ghi chép về tang chế trong Thọ Mai gia lễ phần nền tảng vẫn giống như Hồ Thượng thư gia lễ như phép đặt Thất sinh, mộc dục, chiêu hô, phạn hàm, khâm liệm (Đại liệm, tiểu niệm) Thiết linh sàng minh hoạ, minh sinh, Triêu tịch điện... Đồng thời ở đây là sự phát triển từ sách Hồ Thượng thư gia lễ với phần dưới ghi rõ Tăng bổ Hồ Thượng thư gia lễ. Ở Thọ Mai gia lễ đó là các biểu đồ hoạ về Tiểu liệm, Đại liệm, biểu đồ hoạ về mũ, khăn, dây buộc, áo, giày dép, của trang phục Trảm thôi, Tư thôi. Biểu đồ sắp xếp phương vị trần thiết dụ tế (Linh sàng, Long tình, vật tế, Khâm sứ quan lập....) Bên cạnh là ghi chép về nghi tiết tế lễ, văn tế...

Như vậy việc ghi chép về tang chế của các nhà Nho, quan lại của chúng ta không chỉ gói gọn trong 1 vài năm ở đời Lê Vĩnh Hựu mà còn kéo dài ra nhiều năm sau đó, rồi sang cả thời Nguyễn suốt cho đến cuối thế kỷ XIX đầu XX. Chính sự lưu truyền này đã khiến cho nội dung của Thọ Mai gia lễ đã bị khác biệt ít nhiều ngoài những điểm cơ bản, đồng thời việc tang chế được ghi chép tản mạn lẫn vào các tài liệu thư tịch khác chủ yếu ở loại trạch cát, cúng đế của các thày pháp.

Đối với mỗi địa phương làng quê người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ việc tang chế cũng được các nhà Nho ở làng hay trong hàng tổng cùng chức dịch hương lý ý thức họp bàn ghi trong tục lệ hương ước.Do vậy ở trong các hương ước ta thấy khá nhiều điều ước nói về tang ma dựa trên những quy ước tang chế nói chung. Tang chế phải theo quy định từ việc để tang cho đến các nghi thức tang lễ khác như phát tang, lệ phúng viếng, lễ đưa đám, nghi trượng, các tuần tế, nghi tiết tế lễ, lễ phẩm tiến dâng, thủ tục biện lễ đối với từng việc, từng người, việc đắp mộ, lễ cải táng, những quy định xử phạt, mức phạt đối với người trong bản thôn, xã không thực hiện đúng quy ước về tang chế....

Những quy ước về tang ma này nằm trong hệ thống tục lệ hương ước, tuy chỉ là những ghi chép bình thường của các nhà Nho hạng dưới, song ở đây tư tưởng Nho gia ít nhiều đã được thể hiện ngay ở từng điều mục trong việc văn bản hoá những tập tục đã được lưu truyền tồn tại nơi làng quê. Chúng ta sẽ tìm thấy vấn đề này qua các văn bản tục lệ, hương ước Hán Nôm có niên dại vào cuối thời Lê Trung Hưng. Đó là lệ bạ việc tang ma xã Hoà Ngạc (nay là Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) gồm 15 điều ghi khá chi tiết việc tang ma được làm năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Lệ và tang chế ghi trong Hương lệ xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Là điều thứ 7 (tang tế sự lệ) trong Hương lệ La Nội - Ỷ La ở Hoài Đức Hà Tây lập năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Lệ mới về việc tang trong tục lệ thôn Cự Đà - Lộng Đình – Văn Lâm – Hưng Yên. Lệ về đại tang cha mẹ trong điều ước xã Hà Vị, Lạng Giang, Bắc Giang ghi năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751). Trong lệ về tang (18a) khoán lệ xã Hoà Tranh, Ứng Hoà, hà Tây lập năm Chính Hoà thứ 20 (1699) ghi: ‘Người nào có tang cha mẹ lại có tang cháu đích tôn trong họ thì bản xã cấm ko được dùng trầu rượu biện lễ để xin cưới hỏi. Người nào có tang ma anh em hoặc tang cha mẹ mà có chuỵện tranh chấp với người khác thực tình bị oan thì cho phép tố cáo’[1].

Ở những vùng quê nghèo khó thì quy ước về tang ma cũng được các cụ đồ Nho cùng hương chức giản tiện đi nhiều, tránh cho gia chủ có tang phải chịu hậu hoạ. Trong Giao ước Giáp Đông thôn Tam Kỳ (Văn Giang, Hưng Yên) lập năm Cảnh hưng thứ 36 (1775) có 12 điều (từ điều thứ 14 đến 26) là những quy ứơc về tang ma của bản giáp. Trong đó điều 14 ghi: ‘Lệ về chiêu đãi ăn uống (có đám ma) tất cả phải theo giầu nghèo của gia chủ, dù cỗ thường hay cỗ theo lệ cũng được hoặc đãi lợn, xôi, rượu cũng được, không đực đòi hỏi yêu sách để tỏ ý thuần hậu’[2]. Hay trong lệ tục xã Vân Sấu – Ninh Bình làm năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) cũng ghi: ‘Chuyện tống táng là việc quan trong. Nếu gia đình nào có người qua đời mà có lời với bản xã hành lễ tống tiễn thì sau khi xong việc, gia chủ có thịt đãi cơm rượu, bản xã cũng ko dám từ chối, còn gia đình khó khăn không thết đãi cơm rượu thì chì chỉ cần trầu nước cũng được.’[3]

Trên cơ sở những thư tịch tài liệu ghi chép về tang chế mà chúng tôi được đọc, xin tạm hệ thống sơ lược về tang chế của người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ thời Lê và một phần giai đoạn thời Nguyễn tiếp sau đó.

I/ Tang chế quy định thời gian để tang
Tang chế quy định thời gian để tang được chia ra 5 hạng gồm: Trảm thôi và Tư thôi, Cơ niên, Đại công, Tiểu công và Ty ma.
1. Trảm thôi và tư thôi (Đại tang). Để tang 3 năm
a. Trảm thôi: Con để tang cha đẻ, áo tang dùng vải thô xấu đuộc chém xé may khâu qua loa để nguyên xổ gấu.
b. Tư thôi: + Con để tang mẹ đẻ. Áo tang dùng vải sô may khâu cẩn thận hơn và phải vén gấu + Tư thôi còn dùng cho cháu chết chút để tang ông bà, cụ kỵ thời gian một năm, 5 tháng, 3 tháng.
2. Cơ niên - Để tang trong 1 năm (còn gọi là cơ tang), người để tang chú, bác, cô ruột, anh chị em ruột, con trưởng, cháu đích tôn.
3. Đại công: Để tang 9 tháng: Người để tang chú, bác cô thím họ gần, anh em con chú con bác, con gái xuất giá, con dâu thứ....
4. Tiểu công: Để tang 5 tháng: người để tang ông bà họ gần, vợ của anh em chú bác, cô họ gần....
5. Ty ma: Để tang trong 3 tháng: Người để tang ông bà anh em với ông họ gần, chú bác cô thím họ xa, cháu của anh em chú bác....

II/ Lược ghi tang chế theo thứ tự 9 họ bản tông (Tức họ nội hay họ nhà chồng)

Cách gọi khi lễ khấn với những người đã khuất theo hàng chính tông là “Cao, Tằng, Tổ, Khảo (hoặc Tỷ), Thúc, Bá, Đệ, Huynh, Cô, Dì, Tỷ, Muội”(Tức là Kỵ, Cụ, Ông bà, Cha (hoặc mẹ), chú, bác, em , anh, cô, dì)

1. Để tang theo hàng chính tông
- Kỵ ông, kỵ bà, để tang Tư thôi 3 tháng
- Cụ ông, cụ bà, để tang Tư thôi 5 tháng
- Ông bà, để tang Tư thôi 1 năm
- Cha mẹ đẻ, để tang Trảm thôi (cha)và Tư thôi(mẹ) 3 năm
- Vợ chính thất để tang Tư thôi 1 năm
- Con trai, con gái và con dâu trưởng, để tang Cơ niên 1 năm. Các con dâu thứ để tang Đại công 9 tháng.
- Cháu đích tôn để tang Cơ niên 1 năm. Cháu thứ để tang Đại Công 9 tháng. Cháu dâu đích tôn để tang Tiểu công 5 tháng, dâu thứ để tang Ty ma 3 tháng.
- Chắt nội đều để tang Ty ma 3 tháng
- Chút nội đều để tang Ty ma 3 tháng
- Chắt dâu và chút dâu không để tang

Phân biệt Tang Tư thôi 1 năm, 5 tháng, 3 tháng, dùng cho cháu chắt chút để tang Cụ, kỵ, ông, bà, Tang phục dùng loại vai thô, xấu, đi chân không hoặc giày rơm, khăn vành tròn vàng (chắt) và màu đỏ (với chút). Đó là điều khác biệt với trang phục của Cơ niên 1 năm, Tiểu công 5 tháng và Ty ma 3 tháng đều dùng khăn áo bằng vải trắng thường.

2. Để tang theo hạng đồng tông ngành trai.
Để tang theo hang an hem ruột tính từ đời cụ trở xuống.
Anh em của cụ ông để tang theo Ty ma 3 tháng
Anh em của ông để tang theo Tiểu công 5 tháng
Anh em của cha kể cả bác dâu và thím để tang Cơ niên 1 năm
Anhem ruột (ngang vai) để tang Cơ niên 1 năm. Chị và em dâu để tang Đại công 9 tháng.
Con của anhem ruột để tang cơ niên 1 năm. Vợ (nó) để tang Tiểu công 5 tháng.
Chắt trai của anh em ruột, để tang Ty ma 3 tháng.
Để tang theo hang an hem con chú, con bác từ đời ông trở xuống.
Anh em chú bác của ông để tang Ty ma 3 tháng.
Anh em chú bác của cha để tang theo Tiểu công 5 tháng. Vợ (bác dâu họ) để tang Ty ma 3 tháng.
Anh em chú bác với nhau để tang Đại công 9 tháng. Vợ (nó) để tang Ty ma 3 tháng
Con trai của anh em chú bác để tang Tiểu công 5 tháng. Vợ (nó) để tang Ty ma 3 tháng.
Cháu trai của anh em chú bác để tang Ty ma 3 tháng.
Hàng để tang theo anh em cháu chú cháu bác, anh em chắt chú chắt bác đều để tang Ty ma 3 tháng.

3. Để tang theo hàng đồng tông ngành gái.
a. Để tang theo hàng chị em ruột tính từ đời cụ trở xuống.
Chị em của cụ ông để tang Ty ma 3 tháng.
Chị em của ông để tang Tiểu công 5 tháng.
Chị em của cha(cô ruột) ở vậy hoặc goá để tang Cơ niên 1 năm, đã xuất giá để tang Đại công 9 tháng.
Chị em ruột: Chưa xuất giá hoặc quay về ở với cha mẹ để tang Cơ niên 1 năm. Xuất giá để tang Đại công 9 tháng.
Con gái của anh em để tang Cơ niên 1 năm. Xuất giá để tang Đại công 9 tháng.
Cháu gái của anh em để tang Ty ma 3 tháng.

b. Để tang theo hàng chị em con chú con bác từ đời ông trở xuống.
Chị em chú bác của ông để tang Ty ma 3 tháng
Chị em chú bác của cha để tang Đại công 9 tháng. Xuất giá để tang Tiểu công 5 tháng.
Chị em chú bác ruột để tang Tiểu công 9 tháng. Xuất giá để tang Tiểu công 5 tháng.
Con gái của anh em chú bác để tang Tiểu công 5 tháng. Xuất giá tang Ty ma 3 tháng.
Cháu gái của anh em chú bác để tang Ty ma 3 tháng.

b. Hàng để tang theo chị em cháu chú cháu bác, chị em chắt chú chắt bác để tang Tiểu công 5 tháng hoặc Ty ma 3 tháng.
c. Trong tài liệu chữ Hán ghi chép về tang chế còn có đồ giải người vợ để tang theo họ nhà chồng: theo hàng chính tông, theo hàng đồng tông ngành trai, theo hàng đồng tông ngành gái. Vì điều kiện có hạn chúng tôi xin được không ghi ở đây.
d. Ngoài ra tang chế còn ghi sơ lược về việc để tang Tam phụ, bát mẫu. Tam phụ gồm Nhạc phụ (cha vợ), Dưỡng phụ (cha nuôi), Kế phụ(cha kế, tức Dượng ghẻ). Nhạc phụ để tang Cơ niên 1 năm. Dưỡng phụ tuỳ theo từng trường hợp để tang Trảm thôi 3 năm, Cơ niên 1 năm và Tiểu công 5 tháng. Kế phụ cũng tuỳ từng trường hợp để tang 1 năm, 5 tháng hoặc 3 tháng.

e. Bát mẫu gồm Nhạc mẫu (mẹ vợ), Dưỡng mẫu (mẹ nuôi), Kế mẫu (mẹ kế), Đích mẫu (vợ chính thất của cha), Giá mẫu (mẹ tái giá khi cha mất), Xuất mẫu (mẹ tái giá vì cha bỏ), Thứ mẫu (vợ lẽ của cha), Nhũ mẫu (vú nuôi thân thiết). Nhạc mẫu để tang 1 năm, Dưỡng mẫu để tang 3 năm, 1 năm hoặc 5 tháng. Kế mẫu để tang 3 năm. Giá mẫu để tang 3 năm. Xuất mẫu để tang 3 năm hoặc 1 năm. Thứ mẫu để tang 1 năm. Nhũ mẫu để tang 3 tháng.

III. Tang phục
Tang phục được sử dụng trong tang lễ gồm mũ tang, khăn tang, quần áo tang, dây tang, giầy tang kèm các đồ tang khác như gậy tang. Tang phục được dùng phân thành các kiểu khác nhau theo từng hạng để tang riêng của con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu, chắt, chút, của người vợ, người chồng, họ hàng...

1. Tang phục của con trai để tang cha mẹ.

Tính từ trưởng nam trở xuống tang phục giống nhau: đội mũ vành tròn tức là khăn vành rế tết bằng bẹ chuối dùng miếng vải sô buộc ngang với sợi dây chuối bện nhỏ trên mũ, làm quai quàng vào cằm. Quần áo trắng vải xấu để xổ gấu và may trái sống lưng áo khi tang cha, phải vén gấu với tang mẹ. Ngoài khoác phủ áo bằng vài sô. Ngoài áo thắt dây lưng bằng dây chuối. Đi giầy kết bằng cỏ rơm hay sợi gai hoặc đi chân không. Tóc để xoã. Khi người cha đã mất trước rồi thì tang mẹ quần áo cũng để xổ gấu.

Tang phục các con trai đều chống gậy tre, cao ngang ngực, gốc chống xuống đất. Tang mẹ phải dùng gậy vông (ngô đồng) hình thức cũng như vậy. Khi lễ cất đám con trai chống gậy đi sau linh cữu (tang cha) và đi giật lùi trước linh cữu (tang mẹ), cổ nhân gọi là “cha đưa mẹ đón”.

2. Tang phục của con gái để tang cha mẹ, con dâu để tang cha mẹ chồng.

Con gái để tang cha mẹ. con dâu để tang cha mẹ chồng có tang phục giống nhau, quần soa loại, hình thức giống như con trai, chít khăn sô có đuôi, đội thêm chiếc mũ lúp 2 lớp (trong vải xấu ngoài vải sô) có dây chuối quàng xuống cằm. Tóc để xoã. Không phải chống gậy, nhưng khi lễ cất đám đi sau linh cữu thỉnh thoảng khóc lăn xuống đường.

3. Tang phục của con rể để tang cha mẹ vợ

Quần áo trắng dài bằng vải xấu, đội khăn vành trắng, trên thêm chiếc mũ mấn là miếng vải nhỏ trắng gài vào sợi dây chuối bện nhỏ đội trên đầu buông xuống cằm. Được đi giầy dép, không phải chống gậy.

4. Tang phục của cháu ruột (nội - ngoại) để tang ông bà.

Tang phục của cháu ruột (nội - ngoại) để tang ông bà đều giống nhau. Quần áo trắng dài vải xấu, đội khăn vành trắng thêm chiếc mũ mấn giống như con rể để tang bố mẹ vợ. Cháu gái cũng đội mũ lúp giống như mẹ. Cháu trai đi chân không hoặc giầy rơm.

Các cháu họ nội ngoại đều chít khăn trắng, quần áo trắng thường.

5. Tang phục của chắt nội ngoại, chút nội ngoại để tang cụ, kỵ.

Tang phục của chắt nội ngoại để tang cụ quần áo vải trắng chít khăn vành tròn màu vàng. Nhà quan sang đại phú dùng quần áo màu vàng.

Tang phục của chút nội ngoại để tang kỵ quần áo vải màu đỏ, chít khăn màu đỏ đối với nhà phú quý. Nhà nghèo chỉ cho chít khăn đỏ là được.

6. Tang phục của vợ chồng để tang cho nhau.

Tang phục người vợ để tang khi chồng chất chết dùng khăn sô, quần áo vải sô giống như con dâu để tang cha mẹ chồng.

Tang phục người chồng để tang khi vợ chết giống như để tang mẹ Tư thôi, quần áo vải xấu vén gấu, sống lưng may trái, chống gậy vông nhưng tang chế chỉ để 1 năm. Nếu cha mẹ còn thì không phải chống gậy.

7. Tang phục của họ hàng thân thích trong tông tộc.

Dùng quần áo dài trắng, chít khăn trắng. Không có điều kiện chỉ dùng khăn trắng cũng được.

Ngoài ra các học phái, môn phái văn võ khi thầy dạy qua đời học trò cũng để tang thầy.

IV. Nghi thức tang lễ.

Nghi thức tang lễ là việc chuẩn bị và thực hiện các thủ tục nghi lễ cho người mất gọi là Tống chung, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau bắt đầu từ Mộc dục đến khi cải táng gồm hơn 20 nghi thức.

1. Mộc dục.

Khi người xấu số tắt thở rồi, người nhà dùng nước ngũ vị hương lau rửa sạch sẽ cho người chết rồi vuốt mắt, xếp nằm ngay ngắn, hai tay xoè ra úp bụng, buộc hai ngón tay cái liền nhau.

Đối với gia đình nhà quan, nhà giầu còn đặt tên thuỵ hiệu cho người mất trước khi Mộc dục

2. Chiêu hô, phạn hàm và kết hồn bạch.

Trước khi làm lễ khâm liệm thì phải làm các thủ tục chiêu hô, phạn hàm và kết hồn bạch.

Chiêu hô (hú hồn): Người nhà đứng ở cửa, cổng cầm cổ áo mà người chết thường mặc rồi hú hồn 7 tiếng (đối với đàn ông) và 9 tiếng (đối với đàn bà) gọi tên người chết để hồn về nhập xác hay gọi tắt là nhập quan. Xong đem áo đó phủ lên thi thể người chết.

Phạn hàm: Lấy chiếc đũa ngáng miệng người chết để việc phạn hàm dễ dàng và chờ xem có sự hồi sinh không. Sau đó dùng cơm hay gạo nếp cùng tiền bỏ vào miệng. Nhà giàu hay quan lại, sĩ phu thì dung vàng hay ngọc bỏ vào miệng. Sau đó trải chiếu rồi đặt thi thể xuống đất theo thuyết “Vạn vật đồng quy thổ”.

Kết hồn bạch: Cắt lấy miếng vải từ áo chiêu hô kết thành hình người có đủ đầu và tứ chi rồi đặt thờ ở linh toạ.

3. Lập tang chủ.

Gia tộc người mất lập Tang chủ để tiến hành cho đúng nghi thức lễ tang. Tang chủ tuỳ thuộc vào vai vế quan hệ với người mất thường chọn người Trưởng chính, dòng đích. Như cụ ông mất thì chọn người trưởng nam làm Tang chủ, nếu trưởng nam chẳng may đã mất trước thì chọn cháu đích tôn trưởng đã lớn làm Tang chủ.

Tương ứng là những việc cởi bỏ các thứ loè loẹt, không cười đùa vui vẻ, phải trang nghiêm lặng lẽ, mọi người đi chân không trừ bậc trên của người chết.

4. Lễ nhập niệm
Lễ nhậpniẹm gồm: Khâm liệm và nhập quan.

a. Khâm liệm (Tiểu liệm và Đại liệm)
Khâm liệm vải quấn bên ngoài và lLiệm là vải quấn bên trong thi thể. Thường dùng vải trắng để khâm liệm. Khâm còn gọi là Đại liệm, Liệm còn gọi là Tiểu liệm và được làm trước.

- Tiểu liệm: Bao tay, chân để giữ các đốt xương khỏi mất. Bọc kín thi thể bằng tấm vải liệm rồi buộc một đai theo chiều dọc, một đai theo chiều ngang hình chữ thập. Trên thực tế và nhất là sau này người ta mặc quần áo trong và quần áo thường ở phần Tiểu liệm.

- Đại liệm: Lấy vải trắng khổ rộng bọc kỹ lưỡng thi thể, sau đó buộc một đai theo chiều dọc và 5 đai theo chiều ngang từ chân lên đến dưới cổ. Nhà giàu hay quan lại thì mặc áo khoác ngoài rồi mới quấn vải.

Đại, Tiểu liệm xong xuôi lại lấy tấm vải hay chiếc chăn bọc them bên ngoài gọi là Tạ quan để che kín các đai buộc.

Khâm liệm, nhập quan phải được chọn giờ, theo tín ngưỡng phong tục người mất phạm giờ xấu thì con cháu anh em ruột thịt hợp tuổi phải tránh khi liệm và nhập quan.

b. Nhập quan
Nhập quan là sau khi khâm liệm thì đặt thi thể đã bọc kín vào áo quan. Nếu người mất bị phạm giờ trùng tang hay nhất, nhị, tam Sa thì thầy Pháp sẽ yểm bùa trong áo quan 4 mặt, them bùa đắp mặt, quấn vào tay người mất hoặc yểm dưới các hình thức khác.

Trong áo quan thường bỏ them quần áo, tiền. Nhà giàu hay quan lại thì bỏ lụa là, bạc vàng châu báu. Sau đó đậy nắp áo quan, đặt ngay ngắn ở chính tẩm đầu phía cửa chính trông vào bàn thờ.

5. Đặt thất tinh
Theo quan niệm của Đạo giáo được áp dụng trong Tang ma thì Thất tinh là 7 ngọn nến tượng trưng cho 7 ngôi sao Bắc đẩu thất tinh gồm Dương đẩu thất tinh và Âm đẩu thất tinh hợp thành. Thất tinh đặt trên nắp quan tài theo sơ đồ riêng chòm Bắc đẩu tinh và giữ nguyên không được xê dịch. Thày Pháp đọc chú, bấm quyết khi nhập quan đặt thất tinh. Trên nắp áo quan còn đặt bát nhang, một bát cơm đầy cắm 1 đôi đũa bông cặm hai bên quả trứng gà.

6. Thất linh sàng, Linh toạ, Minh tinh
- Linh sang: Là giường nằm của linh hồn người mất (gọi là vong) đặt bên tay phải linh cữu có đầy đủ chăn, gối, màn.

- Linh toạ: Là chỗ ngồi của vong được coi là bàn thờ vong đặt trước linh cữu. Trên đặt bài vị, hồn bạch, bát hương, đèn, nhang, hoa quả. Đây là chỗ người ta vào phúng điếu, vái.

- Minh tinh: Cũng gọi là Tấm Triệu bồng vải rộng nửa mét, dài 2 hay 3 mét được căng ở cột hoặc treo ở cành phan.Triệu gốc là cờ tang được ghi tên họ, chức vị, mỹ hiệu người mất.Trên tấm Triệu 4 chữ lớn Quỷ, Khốc, Linh, Tính là những chữ dung cố định. Việc ghi tên họ gắn liền với 4 chữ lớn này làm sao không phạm vào hai chữ Quỷ Khốc mà dính với hai chữ Linh tính là tốt.

7. Lễ thành phục và Cử ai.
Các nghi thức trên sau khi đã hoàn tất thì bắt đầu mới phát tang gọi là lễ Thành phục, để cáo phó cho an hem bạn bè xa gần hang xóm biết. Lúc bấy giờ con cháu họ hang mới được dung tang phục theo quy định, mới được cất tiếng khóc, kèn trống mới được thổi đánh lên gọi là Cử ai.

8. Triêu điện tịch điện thượng thực.
Tức là dâng thức ăn vào hai buổi sang chiều cho vong linh toạ gồm các nghi tiết khóc và vái. Vì vậy có sách ghi là “Triêu địch khốc điện thượng thực”. Trong dân gian gọi nôm na là cúng cơm, lien tục cho đến tuần bách nhật thì thôi.

9. Vấn tang, khách điếu và Tạ` hiếu.
Con cháu mặc tang phục túc trực bên linh cữu, nam tả, nữ hữu và tang chủ đứng trước để đáp lễ người đến phúng viếng. Ngoài cổng, cửa cử người đón khách, đốt nhang, hướng dẫn. Khách viếng lễ xong 2 lạy thì con cháu cúi đầu tạ lại 1 lạy, khách cúi đầu mặc niệm thì con cháu vái tạ. Thái độ tang chủ và con cháu an hem phải kính cẩn trang nghiêm đối với khách điếu.

Ngay ngày hôm đó Tang chủ phải làm cỗ bàn trịnh trọng mời khách điếu ở lại ăn cỗ gọi là Tạ hiếu. Lệ này còn tiếp tục ở Lễ tuần Tứ cửu (49 ngày) với cỗ bàn mời khách đến, an hem, họ hàng, bạn bè.

10. Lễ chuyển cữu, Động quan và cất đám.
Khi thày Pháp đã định giờ tốt để chuyển linh cữu và đưa đám thì Tang chủ và toàn tang quyến quỳ lạy trước linh toạ, khấn vái rồi nhắc linh cữu lên đặt xuống 3 lần.

Động quan là sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, con cháu quỳ lễ 1 lạy, khóc tiễn biệt thì đạo tỳ khiêng linh cữu ra xe tang. Đặt hồn bạch (sau này thay bằng di ảnh) bài vị, bát nhang lên linh xa để sẵn sang đưa đám.

Đối với người có học hạnh, nhà giầu hoặc quan lại, chức dịch trước lễ chuyển cữu thường có điếu văn, mặc niệm.

Cất đám li xe tang bắt đầu được đẩy đi từ từ. Linh cữu phải đặt đầu lên trước mặt hướng về con cháu, ngôi nhà. Con cháu có kẻ nào ở xa quá không về kịp thì mũ gậy phải được treo vào đầu cỗ đòn. Nếu tang cha thì cả con trai con gái đi sau linh linh dư. Nếu tang mẹ thì phải đi trước linh dư, con trai chống gậy đi dật lùi. Tang cả cha mẹ con trai phải chống gậy, con gái mặt phải hướng lên trước, dâu phải quay mặt phía sau. Dâu phải quay mặt phía sau. Dâu và gái thỉnh thoảng phải khóc lăn xuống đường

11. Nghi thức dẫn tang.
Nghi thức dẫn tang gồm nhiều hình thức như cờ quạt, nghi trượng, đối trướng thể kỳ (hoành), minh tinh, hương án, Linh xa, đại dư (xe tang), nhạc tang, tụng niệm. Đi đầu đám tang có Thầu Đạo lộ (phương trướng) là hai người đeo mặt nạ để khu tà quỷ, trừ ôn dịch. Rồi việc rắc vàng, bạc hang mã. Tiếp đến là dương cờ quạt nghi trượng…đi từ từ.

12. Trung đồ trạm.
Ở giữa quãng đường từ nhà đến chỗ hạ huyệt đặt trạm nghỉ chân gọi là Trung đồ trạm. Trạm làm tạm bằng tre nứa. Xe tang dừng ở trạm làm điện tế. Chủ tế cùng con cháu tang quyến quỳ lạy khấn khứa với nhiều chi tiết nhỏ, kèm nhạc hoà theo việc lễ, ít phút nghỉ ngơi rồi đám tang đi thẳng ra nghĩa địa.

13. Lễ hạ huyệt, Quy lăng và tế Đề chủ.
Linh cữu được khiêng đến gần huyệt, thần Đạo lộ múa hát quanh huyệt để trừ quỷ. Thày Pháp đọc phù chú để yểm bùa, Sư ni tụng niệm. Đúng giờ tốt hạ linh cữu xuống huyệt, con cháu khóc lóc cùng đắp đất lên mộ một vài hòn đất. Đồng thời là việc bày mâm rượu thịt, vàng mã để cúng thổ thần, lang mạch. Xong xuôi là việc cắm bia mộ để khỏi nhầm lẫn.

Lễ quy lăng cũng được làm ngay ở huyệt, sư tăng tụng niệm chèo đò đưa linh hồn vượt bể khổ đến cõi cực lạc. Các lão nhân cùng gia quyến mỗi người một nắm nhang đi quanh linh cữu (trước khi hạ huyệt) hoặc đi quanh mộ gọi là Dong nhang tức là xông hương.

Tế Đề chủ hay Thần chủ: Thần chủ là bài vị dài 4 tấc bằng gỗ Táo thờ vong đề họ tên, chức vị, ngày tháng sinh, tử đặt tron khám thờ ở nơi hay trạm gần mộ. Lệ tế này làm sau khi mai tang và chỉ có ở nhà giàu, chức sắc từ nhỏ đến lớn; chỉ để lưu bút tích của người có danh vị lớn để dự tang (đề, chấm 1, 2 nét vào thần chủ).

14. Ngu tế
Ngu tế tức là tế an vong linh thực hiện theo 3 phần: Sơ ngu gọi là Sơ hiến lễ, Tái ngu là Thứ hiến lễ và Tam ngu là Chung hiến lễ. Sơ ngu tức khi mai tang trở về tế vong linh, chôn hồn bạch vào ngày đầu. Tái ngu cúng vong ngày thứ 2 và Tam ngu cúng vong ngày thứ 2 và Tam ngu cúng vong ngày thứ 3 trùng với tuần Tam nhật. Ngu tế với nhiều nghi tiết rườm rà chỉ dùng cho nhà đại phú hoặc quan chức trung trở lên.

15. Tuần tam nhật
Từ ngày an táng đến ngày thứ 3 là tuần tam nhật, còn gọi là mở cửa mả, có lễ cúng.

16. Tuần tứ cửu
Còn gọi là chung thất tức 49. Từ ngày thứ 35 đến ngày 49 thường làm lễ rước vong lên chùa.

17. Tuần bách nhật.
Còn gọi là tuần tốt khốc tức thôi khóc vừa tròn 100 ngày, có làm lễ, sau đó không cúng cơm nữa.

18. Tiểu tường.
Tức ngày giỗ đầu sau 1 năm còn gọi là Luyện tế.

19. Đại tường
Tức ngày giỗ mãn tang 2 năm, tang phục lúc này mới được bỏ đi.

20. Đạm tế
Tức lễ cúng sau 27 tháng người mất, hạn tang đến đây mới chấm dứt hoàn toàn. Bắt đầu từ đây có thể cải táng được.

21. Cải táng
Còn gọi là cát táng cải mả hay bốc mộ tính từ tháng thứ 28 trở đi, có người để đến 5 hay 7 năm mới bốc mộ.

Lễ cải táng quan trọng không kém gì Hung táng.
*
*          *

THE VIET''S MOURNING POLICY IN THE NORTHERN DELTA.

A PERFORMANCE BY CONFUCIANISTS UNDER THE LE DYNASTY

Nguyễn Công Việt

ABSTRACT
The influence of Kinh Lễ on customs and religious habits of the Viet in the northern delta, among which is mourning policy.

Mourning policy basic rules had been introduced into the Law under the Le monarchy (a note from Quốc triều hình luật, Thiên Nam dư hạ, etc.)

Mourning policy from Confucianist dictionary had been used to write a book by the Le mandarins to be observed by their own families and, then further, by all the strata of the society, especial in the northern delta. The typical books are Hồ thượng thư gia lễ and Thọ mai gia lễ by Hồ Sĩ Dương.

In almost all the villages the mourning policy had been noted down in their Hương ước (village conventions).

The mourning policy had put down all details like mourning dress and mourning ceremony of the Viet in the northern delta under the Le dynasty.

1. The policy stipulates five levels of mourning: Trảm thôi and Tư thôi, Cơ niên, Đại công, Tiểu công and Ty ma. The mourning policy had noted nine bản tông, according to the order of their origin.

2. Mourning dress
Mourning dress for sons and daughters of the dead parents.
Mourning dress for sons-in-law and daughters-in-law.
Mourning dress for nephews and nieces.
Mourning dress for wives of the dead husbands and for husbands of the dead wives.
Mourning dress for students of the dead teacher.

3. Mourning ceremony
Mourning ceremony covers all the formalities (about 20 items) from Phạm hàm (the cerimony of putting some gold into the dead's mouth before burial) to Cải táng (the ceremony of exhuming and moving the dead's remains to another place).

* Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Harvard -Yenching đồng tổ chức tại HN, 2007.

** Tác giả Nguyễn Công Việt là PGS. TS, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Khách ẩn danh nói...

"Thời Lê sơ, ngay ở giai đoạn đầu tiên triều Thái Tổ và Thái Tông bộ Quốc triều hình luật đã được soạn thảo, bộ luật này đã được thực hiện tiếp và hoàn chỉnh vào đời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) và được bổ sung ở những năm sau đó. Quốc triều hình luật là một bộ lớn và hoàn bị nhất của thời Lê nói riêng và của lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam nói chung"

(trích TANG CHẾ CỦA NGƯỜI VIỆT VÙNG ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ - SỰ VẬN DỤNG CỦA NHO GIA VIỆT NAM THỜI LÊ của tác giả Nguyễn Công Việt)


Giáo sư Oliver Oldman,trưởng khoa ngiên cứu Luật của các nước Đông Á , trường đại học Havard có nhận xét về bộ luật Hồng Đức của nhà Lê với các bộ luật của Nhật Bản và Triều Tiên trong tương quan với bộ luật nhà Đường của Trung quốc như sau:

(http://www.ohioswallow.com/book/The+L%C3%AA+Code)
As is the case with cultures of other countries in
East Asia, that of Vietnam has been widely influenced by China, However, even though Vietnam was dominated by China from the second century B.C. through the tenth century A.D., the spirit and culture of the Vietnamese people never disappeared. Like the traditional codes of Korea and Japan, the Lê Code incorporated many provisions from the Chinese T’ang Code, but the Vietnamese code contains original features which reflect the distinct socio-cultural and political realities of Vietnamese society. Thus, The Lê Code is a valuable instrument for gauging the extent of Chinese influence in Vietnam and the limits of that influence as well.

Xin tạm dịch:

Cũng giống như các quốc gia khác ở vùng Đông Á, Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên, mặc dù Việt Nam bị Tàu đô hộ từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên đến hết thế kỷ thứ mười sau Công nguyên , nhưng tinh thần và văn hóa của người Việt chưa bao giờ biến mất.Cũng như các bộ luật cổ của Nhật Bản và Hàn quốc, bộ luật nhà Lê của Việt nam có nhiều điều khoản giống bộ luật thời nhà Đường của Trung Hoa, nhưng bộ luật của nước Việt Nam phản ánh những giá trị rất riêng của nền văn hóa –xã hội Việt Nam. Vì vậy, Bộ Luật Nhà Lê là một điển hình giá trị khẳng định rằng ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Việt Nam chỉ có một tầm mức giới hạn mà thôi (không phải hoàn toàn).

Ha Le nói...
Cám ơn bác Diện, tác giả Nguyễn Công Việt và cả bác ẩn danh. Tôi đã ráng chăm chỉ đọc kỹ những kiến thức trên dù thoạt trông có vẻ hơi khô khan và có những từ ngữ cổ hơi khó hiểu.

Tôi sinh ra và lớn lên độc toàn ở môi trường thành thị, tức cả đời bị "bứt gốc" khỏi bầu khí làng quê. Cái số tôi lại phải học nội trú xa nhà từ nhỏ. Lúc trẻ thì vô tư lự ít khi nghĩ đến, nhưng càng có tuổi, thỉnh thoảng tôi lại giật mình nghĩ nếu nhà mình có tang thì mình biết xoay sở làm sao? Tôi chẳng còn biết "neo" vào đâu để mà hành xử cả. Và tự nhiên tôi cảm tấy có lỗi với thế hệ con cháu tôi sau này khi chính mình đã làm đứt ngang mối dây liên lạc với truyền thống ngàn xưa của dân tộc.

Nói rộng hơn, nếu cộng đồng dân Việt này mà một ngày kia bị "bứt" khỏi những phong tục tập quán truyền thống thì sẽ ra sao nhỉ? Nhiều người trẻ chê là nó cỗ hủ, lỗi thời, rườm rà, rắc rối... nhưng sổ toẹt nó đi thì mình giống như cái cây bị trốc gốc mà rễ chẳng còn bám được tới đất và ngọn cũng chả còn hướng được tới trời, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ hồn xiêu phách lạc, cù bất cù bơ ngơ ngơ ngác giữa đồng không mông quạnh chẳng còn biết đâu là đường!

Chợt nhớ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Một Ngày Dài Hơn Thế Kỷ của văn hào Nga Aimatov: cả cuốn truyện dày hơn 300 trang chỉ để tả lại một ngày đặc biệt, "một ngày dài hơn thế kỷ", một ngày với sự kiện duy nhất là nhân vật chính đưa tiễn người bạn già thân thiết về nơi an nghỉ sau cùng. Cái thằng con của người quá cố trong câu chuyện thực là... chẳng còn ra làm sao! Nó giống như một "mankur" - tên gọi dân gian nói về những tù nhân bị quân thù tẩy não, hoàn toàn mất trí, hoàn toàn vong thân, hoàn toàn vong bản, chẳng còn nhận ra bộ tộc mình, giống nòi mình, thậm chí cả mẹ ruột mình...

Cầu mong các vị học giả đào được thật sâu, múc được thật trọn kinh nghiệm hàng ngàn năm của cha ông tiên tổ, và tìm được một phương cách tối ưu để phục sinh những tinh hoa đó cho thế hệ hôm nay. Trong tất cả những việc cấp bách của nước nhà, tôi vẫn tin đó là công cuộc hệ trọng hàng đầu!

Không có nhận xét nào: