Di sản văn chương báo chí chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX bị đe dọa
Góc trưng bày các báo do Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút. Triển lãm "Báo chí Quốc ngữ1865-1954", Hà Nội, 16/6/2010. Đây là cuộc triển lãm thứ 3 về báo chí Quốc ngữ. Lần đầu vào năm 1943 ở Sài Gòn. Ảnh : vnexpress
Thực tế kể trên ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến di sản Quốc ngữ tại Việt Nam thừa nhận.
Vào đầu thế kỷ XX, trong nền văn chương Quốc ngữ - "văn chương" hiểu theo nghĩa rộng là những gì được viết ra bằng chữ Quốc ngữ - báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, như một phương tiện mới mẻ truyền đạt nhanh chóng các hiểu biết và bày tỏ những nhận thức, cảm xúc và suy tư của người viết tới công chúng. Báo chí cũng là nơi chủ yếu để các văn sĩ truyền bá các tác phẩm của mình.
Trong thời gian này, nhà văn cũng thường là nhà báo. "Văn chương báo chí" chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ XX, đặc biệt trong các thập kỷ 20, 30 và 40 của thế kỷ XX, được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận như là một trong những con đường cơ bản đưa xã hội Việt Nam bước vào kỷ nguyên hiện đại. Nền văn chương báo chí đó, trên thực tế, vẫn còn ít được biết đến.
Cho đến nay, ngành khoa học bảo tồn và nghiên cứu văn bản tại Việt Nam do các học giả miền Nam, như Giáo sư Thanh Lãng (1924-1978), Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng (1940-2011), Giáo sư Nguyễn Văn Trung, … đặt nền móng, còn được rất ít người nối bước.
Khách mời của tạp chí Khoa học của RFI lần này là nhà nghiên cứu và phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người đã hàng chục năm dày công sưu tập và phục dựng lại các di sản chữ viết tiếng Việt hiện đại thời kỳ đầu. Đầu năm nay (3/2011), ông Lại Nguyên Ân được trao giải thưởng của Quỹ văn hóa mang tên nhà cải cách Việt Nam Phan Chu Trinh, vì các công lao trong việc khôi phục các tác phẩm đăng báo của học giả và nhà phê bình Phan Khôi (từ 1928-1932), cùng với việc khảo cứu các văn bản tiểu thuyết Giông Tố, được đăng trên báo, của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939).
Ông Lại Nguyên Ân sẽ giới thiệu về những nguy cơ mà di sản chữ Quốc ngữ đang phải đối mặt, tiếp theo đó, là phần trình bày về một vài nét chính yếu trong hai công trình kể trên, được coi là các đóng góp quan trọng, mang tính tiên phong, đối với ngành bảo tồn di sản chữ Quốc ngữ và, đặc biệt là, ngành văn bản học tại Việt Nam.
(...) RFI : Thưa anh, theo anh, lý do vì sao, mà anh lại bỏ công sức rất lớn, để dấn thân vào thực hiện một công việc khổng lồ như vậy ?
Lại Nguyên Ân : Trong việc tìm lại và phục dựng các di sản, thì tôi theo cái nguyên tắc là càng gần cái nguyên tác như mình tìm được, thì càng tốt, bởi vì, trước hết, nó tuân thủ các chuẩn khoa học mà tôi thấy rằng giới khoa học khi làm sưu tầm thường tuân thủ. Ngoài ra, còn xuất phát từ một tình trạng là : Tôi có thái độ phản cảm, phản ứng với tình trạng tương đối phổ biến ở Việt Nam, từ lâu nay rồi, người ta cắt xén, rồi người ta giải thích lại, rồi thậm chí là người ta làm méo mó những tác phẩm của quá khứ, theo những định hướng có thể nói là rất thiển cận, nhưng mà có vẻ như mang lại lợi ích cho cái quan niệm chính thống của một thời kỳ nào đó.
Trên thực tế, những cách làm đó là xuyên tạc các tác phẩm, các tác giả của quá khứ. Mà cho đến hiện nay, tình trạng này trong những ngành về nghiên cứu, về sưu tầm, về xuất bản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục được. Thành thử ra, trong cách làm của tôi, tôi theo nguyên tắc là, phục dựng càng nguyên trạng càng tốt. Còn lại, ví dụ như, khi đưa xuất bản mà chủ xuất bản không duyệt, đòi bỏ đi một hai câu, thì tôi nói, thay vì cái việc cắt xén đó, xin bỏ toàn bộ, để khi khác, chứ tôi không theo cái cách, bỏ câu này, chữ kia, để đưa được tác phẩm ấy ra. (...)
Để tránh khỏi nguy cơ tiêu hủy không thể cứu vãn nổi đối với nhiều văn bản Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, rất cần sớm tiến hành một công việc tương tự như đã làm đối với di sản Hán-Nôm (đã xuất bản với tên gọi "Di sản Hán-Nôm Việt Nam Thư Mục Đề Yếu" do Viện Hán-Nôm Việt Nam ( Hà Nội ) và Viện Viễn Đông Bác Cổ ( Paris ) hợp tác, Nhà xuất bản KHXH ấn hành năm 1993).
Thư viện Quốc gia Pháp (BnF) - chi nhánh François Mitterand, nơi có nhiều tư liệu Quốc ngữ
Ảnh : trang web của thư viện
Để làm được việc này, rất cần đến nỗ lực phối hợp giữa các trung tâm lưu trữ với các sưu tập cá nhân, đặc biệt là việc tìm kiếm những nguồn đóng góp từ các thư viện lớn, tại Pháp hay tại Mỹ.
Trọng Thành RFI
Các bài liên quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét