Tạ Duy Anh – nhà văn của nông dân
(Phần 1)
Photo courtesy of blog Quê Choa : Nhà văn Tạ Duy Anh |
Chương trình văn học nghệ thuật kỳ này Mặc Lâm giới thiệu đến quý thính giả nhà văn Tạ Duy Anh, một ngòi bút viết về người nông dân miền Bắc rất nổi tiếng từ nhiều chục năm qua.
Ông đã có nhiều tác phẩm được in trong và ngoài nước. Ông từng là bộ đội với cấp bậc trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó Tạ Duy
Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên. Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Với hàng loạt tác phẩm tên tuổi như “Bước qua lời nguyền”, “Lão Khổ”, “Đi tìm nhân vật” Tạ Duy Anh đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng vì mỗi tác phẩm của ông hiện lên rất rõ sự tìm tòi kham khổ của một nhà văn lấy sự sáng tạo làm đầu cho tác phẩm của mình.
Danh hiệu không có ý nghĩa
Nông dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam. AFP photo.
Mặc Lâm: Xin anh cho biết, trong sự nghiệp cầm bút khi được báo chí mệnh danh anh là nhà văn của nông dân, anh có vui và cảm thấy danh hiệu này thích hợp với anh hay không?
Tạ Duy Anh: Thật ra tôi là người hầu như không quan tâm đến danh hiệu vì nó không phản ảnh mục đích sống của đời mình. Danh hiệu gì đối với tôi kể cả danh hiệu mà đa số coi là rất thiêng liêng thì với tôi cũng rất phù phiếm, vô nghĩa. Tôi không gán ghép và quy kết cho những người khác vì có những người người ta cũng nhận những danh hiệu đó và theo tôi thì họ cũng có những lý do nhất định, họ nhìn thấy vinh quang trong danh hiệu nhưng với tôi thì nó không có ý nghĩa gì cả, nó có lý do của nó.
Tôi từng có những trải nghiệm tâm linh. Tôi từng viết những cuốn sách về những giấc mơ có những trải nghiệm tâm linh để tin rằng thực ra mình sống được bây giờ cũng do một ân sủng nào đó, cho nên tôi nghĩ tôi đang sống để làm việc và làm việc để trả nợ cho cái ân sủng ấy.
Thực ra cái danh hiệu nhà văn có thể nó cũng rất là sang trọng đối với nhiều người nhưng mà trong một chừng mực nào đó thì nó cũng không có gì để hãnh diện lắm đâu bởi vì nhà văn thì cũng nhiều loại lắm, nhưng người ta gọi mình là nhà văn thì mình cũng biết mình là nhà văn! Nhưng có điều này thì không được: không ai có thể quyết định bảo tôi làm cái gì và sống thế nào. Cái đó chỉ mình tôi quyết định được thôi.
Danh hiệu gì đối với tôi kể cả danh hiệu mà đa số coi là rất thiêng liêng thì với tôi cũng rất phù phiếm, vô nghĩa.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Anh hỏi chuyện tôi có vui với danh hiệu này không thì tôi xin kể một câu chuyện thế này: Hàng năm hoặc thỉnh thoảng thì Hội Nhà Văn Việt Nam người ta vẫn tổ chức các hội nghị Văn học mang tính đề tài. Thí dụ như đề tài nông thôn, đề tài công nghiệp, đề tài thiếu nhi, đề tài công an nhân dân, đề tài đồng bằng, đề tài miền núi… nhiều đề tài lắm…nó là tiền tài trợ của nhà nước.
Mỗi lần như thế thì họ tìm ra danh sách số người mà người ta viết cho đề tài đó. Người này có thể viết nhiều về thiếu nhi thì sẽ cho vào đề tài thiếu nhi… Ông Tạ Duy Anh tức là tôi đây không thuộc vào bất cứ đề tài nào trong số đó cả. Có nghĩa là mình chả thuộc là nhà văn của cái đề tài nào cả.
Nhiều người người ta thắc mắc kinh lắm. Có người không được mời thì người ta còn kiện nữa nhưng tôi lại lấy làm thú vị. Thực ra không được làm ai cả trong một xã hội như thế nầy thì cũng khoái! Tôi nghĩ thế. Thế nhưng mà nông dân, nông thôn, làng nước luôn là nguồn hiện thực và luôn là cảm hứng cho sáng tác của tôi.
Bi kịch lịch sử nông thôn
Nông dân ngoại tỉnh phía Bắc biểu tình về đất đai bị mất bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012. AFP photo.
Mặc Lâm: Anh đi nhiều, viết nhiều và có cái nhìn rất sâu về đời sống nông dân, điều gì anh cho là khác với thời gian trước đây vài chục năm, nhất là thời mà các nhà văn tiền bối viết nhiều về những oan ức, lầm than, bị bóc lột và nhất là chế độ đất đai hiện nay?
Tạ Duy Anh: Vâng, thực ra câu hỏi của anh chỉ có vài chục chữ thôi nhưng mà nó bao quát một chặng lịch sử rất là dài. Trong một khoảng thời gian ngắn thì cũng không nói được điều gì cho nó đến đầu đến đũa, nhưng mà thế này: Thứ nhất tôi công nhận mình là người viết nhiều và sống nhiều. Ở đây tôi mở ngoặc đơn là sống nhiều khác với nhiều tuổi và cũng khác với sống lâu. Có những người sống lâu nhưng không sống nhiều, tôi quan niệm như thế. Sống một cách hời hợt thì không gọi là sống nhiều được.
Tôi cũng là nhà văn hiếm hoi mà không đi thực tế sáng tác. Tôi tuyệt đối tránh đám đông. Những trại sáng tác của Hội nhà văn mà thực ra là của nhà nước bỏ tiền ra mở thì tôi không bao giờ tham gia. Tôi không quan niệm mình đến đấy thì sẽ viết hay làm được cái gì. Cũng có nhiều người đến đấy làm thì là việc của họ. Tôi chỉ lấy hiện thực từ chính cái làng của mình rồi âm thầm suy nghĩ ngày này qua ngày khác. Tôi phải trả giá mất hai mươi năm lang bạt khắp nơi để cuối cùng mới tìm lại được cái thế giới tuổi thơ, cái thế giới thật sự của mình. Đó là cái làng nơi tôi đã sinh ra.
Tôi nhận ra rằng lịch sử nông thôn hiện đại có hai cuộc đảo lộn lớn.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Sau đó tôi nhận ra thì thật ra là cả một thế giới, thậm chí là một vũ trụ thu nhỏ, bất ngờ nhất là nó có sẵn tất cả những gì mà tôi đang tìm kiếm cho cái đời cầm bút của mình. Những gì diễn ra trên đất nước suốt bao nhiêu năm trên đất nước thì cũng diễn ra trên làng tôi như một lịch sử thu nhỏ vì thế tôi nhận ra rằng lịch sử nông thôn hiện đại có hai cuộc đảo lộn lớn. Sự kiện thứ nhất là “cải cách ruộng đất” đi kèm với hợp tác hóa và thứ hai là giải thể toàn diện những gì được thiết lập một cách công phu trước đó, rất là bi kịch.
Giữa hai thời kỳ đó là một khoảng trống mênh mông. Trước đây tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân, tất cả bị lùa vào hợp tác xã đi làm chung. Bản thân tôi là xã viên, cứ tiếng kẻng thì tôi đi làm, tuy ra đó chỉ ngồi chơi làm qua làm quýt rồi kẻng lại về. Mọi thứ đều là của chung chẳng ai quan tâm đến bởi vì cha chung nên không ai khóc. Còn sau đó gần bốn mươi năm thì lại của ai về nhà người đấy thậm chí còn riêng rẽ hơn trước khi vào hợp tác xã bởi vì có những thứ đã nát vụn không thể hàn lại được nữa.
Tôi nghĩ đó là số phận của hàng chục triệu người, là những gì mà mình có thể quan sát trên bề mặt. Cùng với các sự kiện đó tôi quan tâm hơn tới sự đứt gãy ngầm về truyền thống văn hóa. Đứt gãy ngầm về nền tảng tinh thần của sự kiện “cải cách ruộng đất”.
Văn chương đặt hàng
Thu hoạch lúa ở Hà Tây. AFP photo
Sau cải cách ruộng đất thì nông thôn miền Bắc như người bị đột quỵ, từ đó nó mang một bộ mặt khác, một tinh thần khác, một văn hóa khác, một lối sống khác và điều đó nó góp hoặc tạo nên những bi hài kịch.
Các nhà văn trước cách mạng thì viết về cuộc sống của người dân bị mất nước, bị tước mất chủ quyền, bị đày xuống kiếp lầm than để đô hộ và theo tôi thì đấy là những hiện thực. Những người sống qua thời Pháp người ta cũng đã nhận thấy nước Pháp họ khai thác thuộc địa bằng cách tận thu. Họ làm các thuộc địa của họ kiệt quệ. Nhưng cái mặt văn hóa chi phối và tạo tính cách của các nhân vật của nhà văn trước cách mạng thì rất bền vững. Theo tôi nghĩ người Pháp không có ý định thay đổi căn cước văn hóa của người Việt. Họ rút kinh nghiệm từ người Tàu bởi vì muốn thay đổi cũng không được. Vì thế ngày nay đọc Chí Phèo rồi Chị Dậu và một loạt tác phẩm của các nhà văn khác tôi thấy vẫn có hình bóng của người đương đại trong đó. Cái yếu tố có nó khiến tác phẩm sống lâu và thậm chí mặc dầu nó đã nhiều chục năm nhưng vẫn đồng hành với thế hệ bây giờ.
Những nhà văn tiếp theo là những nhà văn sau cách mạng Tháng Tám hoặc là tham gia cách mạng. Mục tiêu viết của họ do điều kiện lịch sử, do những yếu tố khách quan họ viết chỉ để tuyên truyền, minh họa chính sách. Kêu gọi người dân kháng chiến, kêu gọi chống lại địa chủ có nghĩa là viết theo mục tiêu rất rõ ràng là mục tiêu chính trị. Nó chỉ có hai cách, một là nó tố cáo chế độ cũ, hai là ca ngợi chế độ mới cho nên nó không có nhu cầu gì về vấn đề nghệ thuật cả.
Mục tiêu viết của họ do điều kiện lịch sử, do những yếu tố khách quan họ viết chỉ để tuyên truyền, minh họa chính sách.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Mọi thứ nó đơn giản đến mức tối đa cốt nêu bật lên tính chủ đề trong đó mệnh đề làm sao cho người nông dân, người ta đọc người ta thấy căm thù chế độ cũ để từ đó người ta ca ngợi chế độ mới. Cái thứ được gọi là tác phẩm ấy thực sự nó là sự lắp ghép cho nên có thể nói nó là sự gán ghép những mảnh đời đã được mặc định cả tốt lẫn xấu trên một cái khung do những nhà tư tưởng của chế độ cung cấp.
Các nhà tư tưởng ở đây thật ra chỉ có mươi ông chả có nhiều. Văn học thời kỳ này chỉ có một nhân vật chính diện là chế độ mới, đẹp toàn phần. Một nhân vật phản diện là chế độ cũ tức là không có con người trong đó. Cái nhân vật phản diện về sau này bao gồm cả phong kiến thực dân, cả đế quốc Mỹ, liên quan đến việc đất nước bị chia cắt. Thực ra ngay từ đầu nó đã được mặc định, nó tồn tại có thời hạn trừ một số ít ngoại lệ và do cái nội lực nó vượt lên một số các cây bút khiến cho các tác phẩm đó vượt qua thời gian trong đó một số tác phẩm như của Nguyễn Thi, Chế Lan Viên… rồi một vài tác phẩm nữa của các nhà văn sau khi theo cách mạng chủ động là viết tuyên truyền nhưng ở một giây phút loé sáng nào đó thì họ có những tác phẩm có thể sống theo thời gian.
Hồi ký “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn Nguyễn Khải là một thí dụ. Theo tôi Nguyễn Khải là thế hệ nhà văn tiêu biểu loại này trong giai đoạn đó. Ông là nhà văn có tài nhưng vì những mục tiêu chính trị nên ông phải hy sinh cuộc đời ông ấy vào thứ văn chương mà ông ấy nói là văn chương minh họa, văn chương đặt hàng.
Văn hóa chính trị Việt Nam
Người nông dân và con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc VN. AFP photo
Mặc Lâm: Còn sau khi có sự cởi trói văn nghệ thì sao thưa anh?
Tạ Duy Anh: Sau khi có sự cởi trói thì ra đời một lớp nhà văn không bị ám ảnh bởi nhiệm vụ chính trị. Lớp nhà văn này việc quan trọng nhất là họ cố gắng nối lại mạch văn hóa bị đứt bởi biến động xã hội trong những biến động trên cho nên họ chủ tâm khai thác hiện thực ở tầng sâu hơn. Hiện thực mang tính lịch sử và cả hiện thực bị chi phối bởi các biến động chính trị.
Mặc Lâm: Đó là vai trò của người viết đối với nông dân còn lãnh đạo thì sao thưa anh? Chắc chắn là họ biết rất rõ tình trạng này nhưng lại không muốn nói lên bức tranh thật sự của nông dân hiện nay. Theo anh thì tại sao? Họ sợ mất chức cho cá nhân hay sợ điều gì đó lớn hơn, một chính sách sai lầm nhưng không dám cải tổ vì nếu cải tổ thì sẽ mất vị trí độc tôn của đảng?
Tạ Duy Anh: Thực ra đây là một vần đề rất lớn, cần nghiên cứu rất công phu nhưng theo tôi tôi thấy hình như bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới họ cũng đều không muốn nghe những phản hồi về hiện trạng xã hội gắn với trách nhiệm cá nhân của họ cho nên đây cũng là cái chung thôi. Bao giờ họ cũng muốn mọi sự phải tốt mà mình nói thẳng ra là không tốt thì họ không thích. Nó có cái yếu tố như thế.
Ở Việt Nam và một vài nước theo mô hình như Việt Nam như Trung Qu ốc hay Lào, Bắc Triều Tiên thì vai trò cá nhân và trách nhiệm cá nhân thì được thay bằng tập thể. Cá nhân thì trách nhiệm nặng hơn mà cả tập thể thì mỗi người chia nhau một chút nhưng nó vẫn là trách nhiệm. Lý do đầu tiên mà họ không thích cũng do họ giống mọi người cả thôi vì mọi người thích khen hơn là thích chê. Còn một lý do khác, lý do này nó mang màu sắc chính trị nhưng lại được chi phối bởi phản ứng văn hóa nên tôi nghĩ nếu bảo rằng họ sợ mất chức thì không có căn cứ bởi vì thực ra ở Việt Nam thật khó ai có thể làm mất chức bất cứ một lãnh đạo nào ngoại trừ chính trong nội bộ họ khai trừ lẫn nhau.
Ở Việt Nam nó cụ thể bằng chính sách bảo vệ nội bộ, nội bộ Đảng!
Nhà văn Tạ Duy Anh
Ai có thể có đủ quyền uy hoặc năng lực gì trong thời hiện tại để hạ bệ họ? Nhưng cái văn hóa chính trị Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi các ứng xử thiếu bản lĩnh của người Việt nói chung. Ở đây nó là bản tính dân tộc. Theo tôi bản tính này rất không đáng cổ vũ tức là đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại. Điều này nó rất yếu về văn hóa.
Anh nói rằng nó thách thức sự độc tôn thì theo tôi nghĩ nếu có sai lầm nào dẫn đến thách thức sự độc tôn của Đảng thì chính là cái sai lầm này! Ở Việt Nam nó cụ thể bằng chính sách bảo vệ nội bộ, nội bộ Đảng! Tôi chả phải là Đảng viên tôi không quan tâm nhiều. Một Đảng mà đồng nhất với dân tộc thì không nên có chính sách bảo vệ nội bộ. Đáng lẽ ra những đảng viên có lỗi thì thậm chí phải công khai hai ba lần, thậm chí mức phạt nhiều hơn dân thường. Để cho toàn dân phán xét thì mọi việc lại khác, nhưng mà như tôi có nói cái bản tính dân tộc người ta vẫn cho rằng anh nào đó nó phạm rất nhiều sai sót nhưng bây giờ nêu gương anh ấy ra dân người ta không hiểu người ta cho là Đảng tì vết thế nọ thế kia. Chưa kể rằng luôn luôn có những ông tham mưu luôn thổi phồng lên các tính nguy hiểm mà trong những mô tả như kiểu tôi mô tả thì tất cả những điều đó khiến cho giới lãnh đạo không thích. Họ không thích tôi cũng chả quan tâm, họ không thích nhưng họ có nghe hay không?
Mặc Lâm: Rất tiếc là câu chuyện còn dài nhưng thời gian không cho phép chúng ta trao đổi lâu hơn nữa, xin được cám ơn nhà văn Tạ Duy Anh xin hẹn tiếp tục trao đổi thêm với nhà văn vào kỳ sau cũng trong vấn đề này nhưng đặc biệt chú trọng tới vụ Tiên Lãng mà chúng tôi được biết anh tham gia vào ngay từ những ngày đầu tiên.
Kính thưa quý thính giả, xin quý vị trở lại với nhà văn Tạ Duy Anh vào kỳ sau cũng vào tối thứ Bảy trong chương trình VHNT do Mặc Lâm phụ trách, xin cám ơn quý vị.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét