Diệp Tường Bảo

Bây giờ tính sao?


François Hollande và Merkel-Sarkozy
"...Bài học thứ nhứt của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012 là thành tích lẫn bản lãnh không đủ, những nhà chánh trị Pháp có tham vọng đạt đến những chức năng cao nhứt còn phải đạo đức hay ... biết giả dối..."
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012
Huy động các lãnh tụ quốc gia để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chánh. Khởi xướng phong trào điều tiết tài chánh quốc tế. Cầm đầu chiến dịch cứu vãn một số nước Âu châu khỏi nạn phá sản.
Giải quyết nguy cơ đồng Euro tan rã. Phối hợp cộng đồng quốc tế nhằm đánh đổ một số chế độ Ả-rập độc tài khát máu. Thiết lập chánh quyền dân chủ ở nước Bờ biển Ngà. Làm trung gian để chấm dứt cuộc chiến Nga-Gruzia. Ở trong nước, giới hạn tác động của cơn khủng hoảng kinh tế thế giới. Cải cách chế độ hưu bổng và hệ thống đại học. Canh tân guồng máy nhà nước để giảm thiểu nợ công. Quy định quyền đình công trong khu vực giao thông công cộng.
Ở bất cứ nước nào, với một thành tích như thế, vị lãnh tụ quốc gia cũng được dân chúng tái nhiệm. Bất cứ nước nào, trừ nước Pháp. Từ khi họ đã chặt đầu nhà vua, dân Pháp tự cho mình quyền đua đòi của nhưng đứa con cưng. Pháp là nước dân chủ duy nhứt trong đó chẳng những Đảng Cộng sản cảm thấy không có nhu cầu cần phải đổi tên mà còn được một số chánh đảng cực tả khác tháp tùng. Dân Pháp không muốn nghe nói đến nhân khẩu học khi nó kết luận rằng người ta phải đẩy lùi tuổi về hưu vì con người sống lâu hơn. Đối với họ, luật ấn định tuổi hưu 60 mà cố tổng thống xã hội François Mitterrand đã ban hành là một tiến bộ cần phải duy trì bất kể thực tế. Người Pháp không cần biết đến hiện tượng toàn cầu hóa, một trong những ứng cử viên trong cuộc tranh cử sơ bộ của Đảng Xã hội còn chủ trương “giải toàn cầu hóa” nữa mà! Họ muốn chỉ làm việc 35 giờ một tuần, đồng lương tối thiểu được tăng một cách đều đặn, bất kể hậu quả trên sức cạnh tranh của hàng hóa Pháp ra sao. Nếu cần thì cứ đánh thuế người giàu và khống chế các định chế tài chánh. Dân chúng Pháp có thể cùng lúc lo sợ cho tiết kiệm của mình và đồng thời quở trách chánh phủ lấy biện pháp để cứu nguy những ngân hàng phá sản. Người Pháp vẫn chưa trả lời một số câu hỏi mà những quốc gia tiến bộ khác đã có lập trường dứt khoác từ lâu: muốn làm giàu hay ghét người giàu, hạ thấp sự giàu có hoặc giảm bớt sự nghèo khổ?

Nhưng người ta sẽ lầm nếu cho rằng tổng thống Nicolas Sarkozy có thể sẽ thất cử chỉ vì ông đã lấy một số biện pháp không hợp lòng dân. Nước cộng hòa Pháp thiệt ra là một nền quân chủ dân cử. Và theo thuyết “lưỡng thể” của Ernst Kantorowicz, cũng như nhà vua hồi xưa, tổng thống Pháp có hai cơ thể, một cơ thể trần tục có thể đau đớn, hoang mang và lầm lẫn, và một cơ thể chánh trị bất tử, bất nghi và bất sai, tượng trưng cho sự vĩnh cửu của quốc gia. Người Pháp chờ đợi tổng thống của mình quản lý như một thủ tướng, hành động như một tướng lãnh và xử sự như một giáo chủ; tuy nhiên, nếu phải chọn giữa ba vai trò thì họ sẽ lựa chức năng thứ ba. Từ hơn 30 năm nay, tất cả những lãnh tụ có thực quyền tối cao đã đều thất cử cả: tổng thống Valéry Giscard d’Estaing năm 1981, thủ tướng Jacques Chirac năm 1988, thủ tướng Edouard Balladur năm 1995 hay thủ tướng Lionel Jospin năm 2002. Một số đáng kể cử tri có thể bầu chống ông Sarkozy mặc dầu tán thành chánh sách của ông vì ông đã có những cử chỉ của một người mới nổi hãnh tiến như ăn mừng thắng lợi 2007 trong một nhà hang xa xỉ, trả lời một cách dung tục một kẻ đã chửi ông hay đã không ngăn cản thằng con trai khi nó đã có ý ứng cử vào một chức vụ hành chánh địa phương quan trọng tuy không được trả lương. Dân chúng Pháp không bỏ qua những sai lầm này, không nhứt thiết vì họ cho rằng đó là những tội lỗi không thể thá thứ. Có nhiều ví dụ động trời hơn, chẳng hạn như khi cố tổng thống Mitterrand đã dùng phương tiện nhà nước để vừa bao nuôi, vừa che dấu gia đình thứ hai của ông. Thiệt ra, cái mà người Pháp không tha thứ là ông Sarkozy đã không hành động một cách lén lút. Nếu người Hoa Kỳ không tha thứ tội nói láo, dân Pháp thì lại nghiêm khắc với những lãnh tụ không ... biết nói láo. Bài học thứ nhứt của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012 là thành tích lẫn bản lãnh không đủ, những nhà chánh trị Pháp có tham vọng đạt đến những chức năng cao nhứt còn phải đạo đức hay ... biết giả dối.

François Hollande
Ở Pháp, một cách nghịch thường, tuy rằng phe tả không bao giờ đa số cả, họ chỉ cần tập trung khoảng chừng 42% tổng số phiếu để có rất nhiều triển vọng thắng cử. Lý do vì trái với cử tri cánh hữu, cử tri cánh tả có thói quen dồn phiếu trong vòng hai cho ứng cử viên cánh tả về đầu ngay cả khi đã không bầu cho vị ấy trong vòng một. Với một tổng số phiếu lên tới gần 44%, tất cả những cuộc thăm dò ý kiến cũng như hầu hết các nhà bình luận đều tiên đoán một thắng lợi lớn cho François Hollande. Ông Hollande đã vận động cử tri trên một số chủ trương nổi bật. Ở trong nước, trở lại với tuổi hưu 60; đánh thuế 75% những nguồn lợi tức trên một triệu Âu kim (Euros) một năm; tuyển dụng thêm 60.000 công chức cho riêng bộ giáo dục. Chế tạo 150.000 việc làm (công cộng) cho tuổi trẻ. Tăng trưởng 25% một số trợ cấp nhà nước. Về mặt ngoại giao, thương thuyết lại Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng kinh tế của vùng Euro. Đảng Xã hội của ông đã chống đối dữ dội việc ông Sarkozy đưa nước Pháp trở lại bộ chỉ huy thống nhứt của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), do đó người ta chờ đợi rằng trong trường hợp ông đắc cử, François Hollande sẽ rút nước Pháp khỏi cơ quan này.

Hình ảnh mà ông Hollande muốn trưng bày cho cử tri là ông sẽ là một vị “tổng thống bình thường”. Người mà chính những đồng chí của ông mô tả như một chánh trị gia“luồn lách” (đương đệ nhứt bí thư bà Martine Aubry), “vô tích sự” (bà Ségolène Royal, ứng cử viên tổng thống 2007 và cũng là người đã sống với ông hơn 20 năm) hay “khó có thể tưởng làm tổng thống” (cựu thủ tướng Laurent Fabius) sẽ phải có những lựa chọn đau đớn. Nếu ông thi hành chương trình của ông thì nước Pháp sẽ bị thức tế nhanh chóng trừng phạt. Nợ công Pháp sẽ tăng trưởng, thị trường tài chánh sẽ bất tín nhiệm nước Pháp, khiến cho lãi suất tiền vay nhà nước sẽ nhảy vọt vào lúc mà chánh phủ sẽ phải mượn thêm tiền để thực hiện những lời hứa của ông Hollande. Giải pháp duy nhứt còn lại cho ông Hollande là tăng thuế, nhưng biện pháp này sẽ vừa không đủ, vừa làm cho một phần lớn nhân tài và tư bản rời bỏ nước Pháp. Ba năm sau được đắc cử, cố tổng thống Mitterrand đã phải từ bỏ chánh sách kích cầu mà ông chủ trương trong cuộc tranh cử để quẹo theo con đường “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng vào lúc mà François Mitterrand lên cầm quyền, tình trạng kinh tế của nước Pháp khả quan hơn bây giờ nhiều, tỷ lệ thất nghiệp còn tương đối thấp, nợ công không đáng kể, do đó tín nhiệm thị trường tài chánh không đặt ra. Theo nhiều nhà phân tách kinh tế, kỳ này, tuổi thọ của chương trình kinh tế của ứng cử viên Hollande sẽ không hơn sáu tháng. Giải pháp thứ hai là ông Hollande “nói một đường, làm một nẻo”, điều mà một cách nghịch thường một số không nhỏ những người bầu cho ông hy vọng: duy trì và hoàn tất tất cả các công trình cải cách do ông Sarkozy thực hiện nhằm chỉnh đốn ngân sách công cộng, giảm nhẹ nguồn máy nhà nước, cởi trói sinh hoạt kinh tế để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước Pháp. Về mặt ngoại giao, duy trì chỗ đứng của Pháp trong Liên minh Đại Tây Dương và củng cố trục Pháp-Đức mà một cách mỉa mai đối lập gọi là “Merkozy” (Merkel-Sarkozy).

Merkel-Sarkozy
Trong hai trường hợp, ông Hollande sẽ một lần nữa chứng minh cho người dân Pháp rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, không có chỗ đứng cho những chánh sách phung phí ngông cuồng. Bài học thứ hai mà cuộc bầu cử tổng thống 2012 có thể đem lại cho dân chúng Pháp là ai nấy cũng có thể uống rượu tới say chết miễn là không sợ nhức đầu ngày hôm sau.

Nói như thế có nghĩa là không có con đường nào khác ngoài chủ nghĩa tự do kinh tế? Không hẳn như thế. Các nước Anh và Đức dưới các chánh phủ trung tả Tony Blair và Gerhard Schröder hay nước Thụy Điển dưới chế độ trung hữu của thủ tướng Fredrik Reinfeldt cho thấy có một con đường giữa sự laisser-aller của chế độ tư bản rừng rú và sự gò bó của chủ nghĩa xã hội giáo điều. Dưới những hình thức khác nhau, điểm chung của những quốc gia đã lựa chọn “con đường thứ ba” là lành mạnh hóa ngân sách nhà nước và cởi trói đời sống kinh tế để rồi đầu tư lợi nhuận vào những dự án nhằm nâng cao mức sống của người dân. Muốn đi theo con đường đó, cảnh tả nói riêng và dân Pháp nói chung cần có một sự tự xét sâu rộng để từ bỏ những thái độ cường điệu về “ngoại lệ Pháp” và áp dụng một cách khiêm tốn một số công thức đã thành công ở những nước khác.

Nicolas Sarkozy đã nói rằng nếu ông thất cử, ông sẽ chấm dứt sự nghiệp chánh trị để đi “kiếm tiền” trong lãnh vực tư. Phải nói rằng đây là một trong những phát biểu đã làm nhiều cử tri Pháp có thêm dị ứng đối với “Sarko l’Américain” vì người Pháp thích nghĩ về những nhà chánh trị của mình như những người dấn thân cho đất nước đến nỗi không biết làm cái gì khác hết.

Trong truờng hợp đó, cũng như các cựu nguyên thủ Reagan, Thatcher hay Schröder, ông Sarkozy có thể ra đi mà tin chắc rằng những người kế nghiệp sẽ lợi dụng những cải cách mà ông để lại mặc dầu họ đã chống đối chúng một cách dữ dội.

What now my love
Now that you’ve left me
How I can live through another day
Watching my dreams turn to ashes and my hopes turn to bits of clay (*)

Diệp Tường Bảo
(*) Bây giờ tính sao, người yêu hỡi
Giờ đây người đã bỏ tôi ra đi
Làm sao tôi có thể sống được
Khi nhìn bao nhiêu mộng ước biến thành tro tàn và bao nhiêu hy vọng trở thành cát bụi.

Không có nhận xét nào: