Nguyễn Gia Kiểng và cỗ máy thời gian

Nguyễn Gia Kiểng và cỗ máy thời gian
TL 270
Nguyễn Ngọc Tấn
“...Thật sự là chúng ta đang sống trong một thế giới không có tình nghĩa liên đới. Nghĩa là hoàn toàn không có bối cảnh quốc tế trong cuộc đấu tranh của chúng ta...”
Hôm nay tôi gởi đến các anh một số ý kiến về Nguyễn Gia Kiểng. Phải, một số ý kiến về Nguyễn Gia Kiểng có liên quan đến sự hưng thịnh hay suy vong của Việt Nam.
Tiền đề của bài này là Nguyễn Gia Kiểng là một nhân tài. Một nhân tài với một đầu óc lý luận thông minh, sắc bén và một tấm lòng đấu tranh không biết mệt mỏi cho dân chủ ở Việt Nam. Cho đến nay, anh đã đóng góp khá nhiều trên mặt trận lý luận, còn trên mặt trận thực hành thì anh chưa có cơ hội.

Trong suy nghĩ của tội: ngày nào mà Nguyễn Gia Kiểng vẫn chỉ là một cây bút thì chưa cứu được đất nước, chỉ khi nào Nguyễn Gia Kiểng trên địa vị tổng thống Việt Nam (chắc chắn Việt Nam trong tương lai phải theo chế độ tổng thống vì không có chế độ nào dân chủ hơn) thì mới cứu được đất nước bằng cái đầu thông minh của mình.

Ðiều băng khoăn của tôi là: liệu thời gian có chờ đợi chúng ta hay không?

Trong một bài viết trước đây gởi đến anh, tôi có lưu ý các anh rằng: cộng sản đang sử dụng "cổ máy thời gian" để ngăn không cho có cơ hội những người đối lập tài ba lên cầm quyền, vì một đời người được bao nhiêu năm? Họ không cần đối phó với Nguyễn Gia Kiểng mà chỉ để cho cổ máy thời gian làm việc. Nói cách khác, đó cũng là một cách để họ đối phó với Nguyễn Gia Kiểng, nhưng là không trực tiếp.

Nguyễn Gia Kiểng liệu có chống lại nổi cổ máy thới gian không? Thật là thâm độc, phải thấy trước điều này chứ đừng lạc quan khi cái chốt của vấn đề chưa được giải quyết. Cái chốt của vấn đề là: phải làm thế nào để họ không có thể sử dụng cổ máy thời gian được, nghĩa là không để cho họ tiếp tục lì lợm ngồi lâu trên ngôi vị cầm quyền.

Vấn đề trở thành là: dân chủ hóa Việt Nam, hẳn nhiên, nhưng đừng để quá muộn. Không phải lúc nào cũng có nhan nhản nhân tài trên đất nước. Ðúng nghĩa của người tài, lắm khi cả thế kỷ hoặc mấy thế kỷ mới có một. Cho nên thật là một tội lớn đối với đất nước nếu một là hãm hại người tài như năm xưa họ đã giết hại cụ Phạm Quỳnh, nhà văn lỗi lạc Khái Hưng, hoặc họ đã gián tiếp (mượn tay người Pháp) để giết hại Nguyễn Thái Học, hoặc hai là để uổng phí người tài như họ đang làm đối với Nguyễn Gia Kiểng.

Thêm chừng 10 năm nữa, chắc chắn sự chói sáng của Nguyễn Gia Kiểng không còn được nguyên thể. Ðó là tôi nói chỉ thêm 10 năm nữa thôi, chứ với cái xu thế thật đáng buồn của thế giới ngày nay (điều mà tôi đã nói trong một lá thư trước gởi đến anh, những người giữ những chức vị cao trong các cơ chế dân chủ của các nước lớn ngày nay như các tổng thống của Liên Hiệp Quốc, phần lớn chỉ là những người sinh hoạt trong các định chế dân chủ đã có sẵn. Họ lên cầm quyền như sử dụng một cỗ máy không hồn, lạnh lùng và dửng dưng, chứ tuyệt nhiên không phải là hành động của những người có trong hồn mạch chảy của giòng suối lý tưởng tự do. Chính vì thế, thái độ thường trực của họ là bàng quang trước những khát khao dân chủ mà một số ít dân tộc đang phải gánh chịu.

Thực trạng này đã kéo dài từ hơn 20 năm qua trên thế giới và chưa có dấu hiệu chấm dứt mà các anh gọi là chủ nghĩa thực tiễn. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng đã bắt mạch được cái xu thế rất có lợi này cho họ này cho nên sự lì lợm của họ chưa có thời điểm chấm dứt, nghĩa là có thể kéo dài không phải 10 năm, 20 năm, 30 năm... mà là vô hạn định.

Có thể lấy tuổi tác của chúng ta để đương đầu với sự vô hạn định hay không? Không.

Thật sự là chúng ta đang sống trong một thế giới không có tình nghĩa liên đới, không có sự cùng chia sẻ những giá trị chung. Nghĩa là hoàn toàn không có bối cảnh quốc tế trong cuộc đấu tranh của chúng ta.

Trong lá thư trước gởi đến anh, tôi có nói lên điều mỉa mai chua xót này: cộng sản có cả thế giới tự do của chúng ta, trong khi chính chúng ta - những người con của lý tưởng tự do - lại không có. Ðây chính là điều đau xót nhất của tôi về chính trị khi nghĩ về vận mệnh đất nước.

Mong được các anh chia sẻ trong niềm ray rứt trăn trở chung về tiền đồ tổ quốc.

Nguyễn Ngọc Tấn (Philippines)


Ghi thêm:
Một tình cảm nồng nàn như của anh Tấn chỉ có thể tiếp nhận và trân trọng chứ không cần thảo luận. Xin cảm ơn anh Tấn.

Trong lòng quí mến cá nhân, tôi xin phép chia sẻ với anh Tấn hai ý kiến nhỏ mà chắc chắn anh Kiểng cũng đồng ý.

Một là cỗ máy thời gian tuy rất tàn nhẫn nhưng lần này chưa chắc nó đã bẻ gẫy được chúng ta, bởi vì chúng ta đang sống trong cao điểm của một làn sóng dân chủ mới, làn sóng này sẽ cuốn đi những chế độ độc tài không lý tưởng chỉ sống được nhờ chủ nghĩa thực tiễn (realism) như chế độ cộng sản Việt Nam.

Hai là chế độ tổng thống không hẳn là chế độ dân chủ hay nhất. Tuy nó cho phép dân chúng bầu trực tiếp người lãnh đạo cao nhất nhưng nó cũng có những khuyết tật rất lớn và dễ đưa đến bế tắc hoặc độc tài.

Kính mến,
Nguyễn Văn Huy
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Không có nhận xét nào: