Đào Tuấn

Kính Đảng, trọng chế độ, yêu bác Hồ
Thím Doan: Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chí ạ .
Là người kín tiếng, cẩn trọng, nhưng nhắc đến dư nợ tín dụng “chỉ hơn 1%”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lên tiếng cảnh báo về tình trạng đồng vốn “gần như đóng băng”.
Theo bà, việc ứ đọng vốn khiến DN không sản xuất kinh doanh được “phải được tập chung tháo gỡ ngay, không có thì chết”. “Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chí ạ”.

Đồng vốn gần như bị đóng băng

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 14.5, Phó chủ tịch nước nhìn nhận những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là tình trạng các DN. “tất cả là từ đồng tiền” và tình trạng đồng vốn hiện nay, qua dư nợ tín dụng chỉ hơn 1% là “gần như đóng băng”. Theo bà, vấn đề cấp bách cần tập chung giải quyết chính là chính sách tiền tệ và quản lý dòng vốn. “Nếu cần thì phải khoanh nợ, giãn nợ”- bà nói.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi “Có ứng xử thật tốt đối với đầu tư công” bởi theo bà vấn đề điều hành, dù “không dám nhận xét, kết luận là giật cục, nhưng đang thế này mà chúng ta ngừng hết” khiến các địa phương, cơ sở gặp không ít khó khăn.

Nhìn nhận những vấn đề của nền kinh tế, Phó Chủ tịch nước cho rằng “quản lý của chúng ta có yếu kém”, đây là một trong những nguyên nhân khiến “Nền kinh tế bị phụ thuộc”. Thẳng thắn nói “Đây là nguy cơ”, bà Doan đặt câu hỏi nếu doanh nghiệp FDI mà rút hết thì nền kinh tế của chúng ta sẽ “rỗng”?!. “Tôi băn khoăn không biết hỏi ai- bà nói- Các doanh nghiệp FDI ra sức phát triển mở rộng sản xuất mà lại báo lỗ, không chịu nộp thuế. Cụ thể là Coca Cola, mở rộng sản xuất hết chỗ, trốn thuế, trốn nộp bảo hiểm cho người lao động. Ai chịu trách nhiệm chỗ này? Ai chịu trách nhiệm cần địa chỉ cụ thể chứ không thể chung chung mãi được nữa rồi.

Các bộ ngành tự giác, mạnh dạn xin rút đi

Đề xuất giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch nói thẳng về sự chồng chéo trong việc thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Chẳng hạn, có chương trình nước sạch riêng, trong khi Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng lại nước sạch.

Dàn trải, chống chéo, tiền mất, trong khi cái gì, công trình nào cũng dở dang, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Doan thẳng thắn nói sự lãng phí “có ngay chính trong chủ trương của chúng ta”. “Tôi phải nói thật với các đồng chí là Bộ nào cũng muốn giữ (chương trình mục tiêu quốc gia) Nhưng chúng ta phải phải nhìn thẳng khó khăn của đất nước để mạnh dạn xin rút đi”- bà kêu gọi.

Nhắc lại cả 16 chương trình mục tiêu quốc gia này đều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, với việc quyết ngay từ khâu phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước đề nghị nếu giờ thấy bất hợp lý thì chính Quốc hội phải kiên quyết điều chỉnh, thậm chí cắt bỏ, ngay trong việc phân bổ ngân sách. “Chúng ta đang nể nang- bà nói- đặc biệt trong việc phân bổ ngân sách”. Đặt vấn đề trách nhiệm của Quốc hội bởi theo Phó Chủ tịch nước: “Quốc hội không dám bàn thì ai nói nữa”.

Nhắc lại rằng “Các phiên họp đều có kết luận có nhìn nhận kết quả giám sát không đi đến cùng, giám sát xong để đấy”, bà Doan kêu gọi việc tăng cường kiểm tra giám sát: “Chúng ta xúm nhau lại tạo sự đồng thuận để tìm những yếu kém trong quản lý, dù không nặng về xử lý, mà để khắc phục những yếu kém”, và việc này cần phải làm một cách kiên quyết, song song với việc “QH lần này đưa ra vấn đề tiết kiệm chi tiêu công, hội thảo, hội họp, đi nước ngoài”.

Đào Tuấn


Không thể che giấu được Quốc hội CSVN hốt hoảng lo lắng sau những cơn tự sướng những năm qua
Báo Tuổi Trẻ
Tình hình kinh tế gay go lắm rồi!
TT - Đó là nhận xét của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại phiên họp ngày 14-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách về tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách những tháng đầu năm 2013.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%”.

Bà Doan đề nghị: “Phải nhìn thẳng vào tình hình khó khăn của đất nước để giải quyết vấn đề. Nếu kỳ họp Quốc hội này mà không đưa ra được giải pháp đủ mạnh thì những khó khăn sẽ thêm trầm trọng”.

Khó khăn ngày càng lớn
“Dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét hơn, tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn; nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện” - Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đem lại kết quả rõ rệt, chính sách kích thích tăng trưởng bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách, trong khi thị trường vốn và tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức quá thấp.

Ba tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 15.700 doanh nghiệp (giảm 6,8% về số lượng, giảm 16% về vốn so với cùng kỳ năm trước); trong khi đó số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là 15.300 (tăng 14,6% so với quý 1-2012).

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế. “Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn” - ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - nói: “Tình hình đúng là hết sức đáng lo ngại, tăng trưởng sản xuất giảm ở cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, phần còn lại thì đến 65% báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phán đoán: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới một trăm nghìn doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%”.

Các con số chưa đáng tin cậy 
Lấy con số dư nợ tín dụng ngân hàng từ đầu năm chỉ tăng hơn 1%, trong khi huy động tiền gửi tăng 5,5%, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định “tiền tệ đã đóng băng, tình hình như thế này là nguy lắm rồi”.

Bà nói: “Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì đâu. Bây giờ doanh nghiệp nợ như thế thì có khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tiếp không? Phải tập trung bàn về chính sách tiền tệ, giải quyết dòng vốn ra vào, đây là nút thắt”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề cập đến thực trạng “ngân hàng lúc nào cũng tuyên bố là sẵn sàng cho vay, nhưng doanh nghiệp nói là muốn vay đâu có dễ, đang nợ thì không thể vay được mà lãi suất cho vay vẫn cao nên chỉ có nước phá sản”.

Ngoài việc khai thông nút thắt tiền tệ, Phó chủ tịch nước đề nghị tập trung vào giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Phải mạnh dạn cắt giảm, thậm chí xóa bỏ những chương trình không cần thiết. Tôi thấy tình trạng chồng chéo, lãng phí, cái gì cũng dang dở, bộ nào cũng muốn nắm một tí tiền. Chúng ta cần nhìn thẳng vào những khó khăn của đất nước, tiết kiệm chi tiêu công, dừng mua sắm xe công, phương tiện đắt tiền, giảm đi nước ngoài...”.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ “nghiêm túc và thật thà” trong các con số báo cáo. “Báo cáo của Chính phủ cho thấy tỉ lệ nghèo vẫn giảm nhanh. Tại sao kinh tế khó khăn như vậy, doanh nghiệp đình đốn, công nhân mất việc, sản xuất ra không bán được hàng hóa mà lại giảm nghèo tốt như vậy? Tôi xuống thực tế thấy nghèo tăng lên chứ không có giảm” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu kể thêm: “Hoàn thuế VAT hôm trước nói 20.000 tỉ, mới có vài ngày mà hôm nay nói là 33.000 tỉ. Không thể tưởng tượng được!”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị các bộ, ngành hãy nhìn vào khó khăn của đất nước mà báo cáo đúng tình hình, đừng đưa ra các con số báo cáo “vì cái ghế của mình”.

Dầu khí cứu ngân sách
Báo cáo của Chính phủ cho thấy thu ngân sách nhà nước năm 2012 tăng hơn 2.600 tỉ đồng (tỉ lệ tăng thu thấp nhất trong nhiều năm gần đây), chủ yếu nhờ vào thu từ dầu thô và thu viện trợ không hoàn lại.

Đặc biệt, thu từ dầu thô vượt dự toán cao nhờ vào cả hai yếu tố giá và sản lượng đều tăng, đồng thời phát sinh 9.800 tỉ đồng từ khoản thu lãi nước chủ nhà năm 2012 và 10.000 tỉ đồng lãi dầu khí được chia cho nước chủ nhà từ năm 2006-2011.

Vì vậy, thu từ dầu thô tăng hơn 53.000 tỉ đồng so với dự toán. Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng nếu không có số thu thêm từ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các năm trước thì ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ hụt thu, mất cân đối, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi.

Tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2013 được dự báo còn căng thẳng hơn. Bốn tháng đầu năm mới ước đạt hơn 244.000 tỉ, bằng 29,9% dự toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp thừa nhận tình trạng căng thẳng trong việc đảm bảo nhiệm vụ thu năm 2013, “nhiều ý kiến cảnh báo về khả năng hụt thu”. Do đó, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị phải triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không hợp lý, tiếp tục rà soát các dự án đầu tư công, tinh giản biên chế... để đảm bảo cân đối thu chi, an toàn ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết năm nay sẽ không còn trông chờ được vào dầu khí nữa vì sản lượng ổn định và giá dự toán đã ở mức 90 USD/thùng.

Kết thúc cuộc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. “Chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách..., nhưng nên lường trước tình huống cho kịch bản xấu nhất để xử lý tình hình” - bà Ngân gợi ý.
Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào: