Phê bình nhận
thức luận về con người của Marx - Engels
Trần Mạnh Hảo
Góp ý với bản báo cáo chính trị Đại hội X - Bài thứ năm
Bằng tiểu luận này, chúng tôi (TMH) kêu gọi tất cả những nhà khoa
học trong ngành khoa học nhân văn (người Việt Nam) ở trong nước và nước ngoài,
các giáo sư tiến sĩ triết học, chính trị học, kinh tế chính trị học, mỹ học, lý
luận văn học, văn hoá học, sử học…,
những người cầm bút không cần học hàm học
vị nào mà vẫn uyên bác như ai, những độc giả bình thường khác…, những người còn
có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa con voi và con kiến, còn có lòng
yêu nước, hay còn khả năng yêu nước, thương nòi, hãy vì dân tộc đau thương, bi
thảm và nước Việt buồn của chúng ta mà bỏ qua sĩ diện không thèm đối thoại với
“nhà cầm quyền Hà Nội độc tài, độc quyền chân lý…” đặng cùng nhau lên tiếng,
xem rằng: chủ nghĩa Marx rốt cục LÀ PHÚC HAY HỌA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI đây ?
Vì khi nào đảng cộng sản VN còn “kiên định chủ nghĩa Marx-Lenine”, còn độc
quyền “cấm tranh luận về chủ nghĩa Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh”, như ông
Nguyễn Đức Bình - nhà lý luận hàng đầu của ĐCSVN vừa viết trên báo Nhân Dân và
báo Tuổi Trẻ - thì chừng đó chúng ta vẫn còn phải dùng nhãn quan khoa học để
chỉ ra cái sai, cái phản khoa học, phản con người của học thuyết duy ác này
…
Với chính tinh thần hoài nghi tất cả và đặt tất cả mọi đối tượng
nghiên cứu trong tầm phê phán triệt để khoa học mà Marx đã dạy, chúng tôi xin
phê bình những quan niệm về con người của Marx (nói tới Marx, nghĩa là bao gồm
cả Engels). Chúng tôi xin lấy chính lời tuyên bố của Marx, viết trong lời tựa
bản thảo cuốn “ Hệ tư tưởng Đức”- một tác phẩm triết học hàng đầu của hai ông
Marx và Engels- để phê bình nhân sinh quan của hai ông tổ chủ nghĩa cộng sản
này. Chúng ta hãy cùng nghe Marx phê phán triệt để hệ tư tưởng Đức, y như là
ông đang phê phán chính học thuyết của mình, như 158 năm sau khi “Tuyên ngôn
của ĐCS” ra đời, bỗng dưng Marx sống dậy để xóa sổ toàn diện học thuyết phản
khoa học của mình bằng tuyên bố nảy lửa như sau:
“…Chúng ta hãy giải thoát họ khỏi những ảo tưởng, những khái niệm,
những giáo điều, những điều tưởng tượng mà cái ách của chúng đã dày vò họ.
Chúng ta hãy nổi dậy chống lại sự thống trị ấy của những quan niệm. Chúng ta
hãy dạy cho con người- một người này nói- biết đổi những ảo tưởng đó lấy những
tư tưởng phù hợp với bản chất con người, -một người khác nói -biết có thái độ
phê phán đối với những ảo tưởng đó,- một người thứ ba nói - biết trục xuất
những ảo tưởng ra khỏi đầu óc, - thế là hiện thực hiện tồn tại sẽ sụp đổ…”
(tr.19, “Lời tựa” bản thảo “HỆ TƯ TƯỞNG ĐỨC” của Marx-Engels, trong tập 3, toàn
tập C.MÁC và PH. ĂNG-GHEN do NXB Chính trị quốc gia-Sự thật xuất bản – Hà Nội
1995 – Trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ sách trên-)
Chúng tôi không thể nào ngờ, Marx- một nhà triết học khổng lồ như
thế, lại có một định nghĩa hết sức ngớ ngẩn về con người; xin dẫn và phân tích.
Trong “Luận cương về Phơ-bách”[ Feuerbach] (tr. 11, sđd) Marx
viết: “Phơ-bách hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản
chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt.
Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã
hội…”… “…Do đó, ở Phơ-bách bản chất con người chỉ có thể được hiểu là “loài”,
là tính phổ biến nội tại, câm, gắn bó một cách thuần tuý tự nhiên đông đảo cá
nhân lại với nhau…”… “…Vì thế, Phơ-bách không thấy rằng bản thân “tình cảm tôn
giáo” cũng là một sản phẩm xã hội mà cá nhân trừu tượng mà ông phân tích, trên
thực tế, là thuộc một hình thức xã hội nhất định…”
Rõ ràng, qua đoạn văn khái quát về nhận thức luận con người, Marx
đã hoàn toàn rơi vào duy tâm chủ quan, khi tuyệt đối hoá yếu tính xã hội của
con người, đồng thời phủ định yếu tính tự nhiên nơi con người. Theo chúng tôi,
CON NGƯỜI TRƯỚC HẾT VÀ SAU CÙNG LÀ CON NGƯỜI TỰ NHIÊN ĐƯỢC XÃ HỘI HOÁ. Trong
đoạn văn trên, Marx phê bình Phơ-bách đã “ hòa tan bản chất tôn giáo vào bản
chất con người” là do sự căm thù tôn giáo QUÁ KHÍCH CỦA Marx, khiến ông không
còn tỉnh táo để nhận ra là “con người tôn giáo” vừa mang yếu tính tự nhiên, vừa
mang yếu tính xã hội, chứ không bao giờ là ý thức xã hội tuyệt đối hoá như ông
quan niệm. Marx, trong cơn cuồng si chống lại người thầy duy vật của mình là
Phơ-bách ( Hegel là người thầy duy tâm thứ nhất của Marx cũng được ông tiếp thu
và chống lại), đã không còn đủ lý tính cần thiết để đi đến một định nghĩa về
con người, lại đưa ra một quan niệm sai trái một cách quá vĩ đại và ngờ nghệch
một cách quá kinh thiên là TƯỚC BỎ TÍNH TỰ NHIÊN NƠI CON NGƯỜI, TƯỚC BỎ TÍNH
TÔN GIÁO CỦA BẢN THỂ CON NGƯỜI.
Có kẻ lý luận ăn gian, lý luận học phiệt đã xông ra cãi hộ Marx
rằng: “ Marx đang nói về CON NGƯỜI “TRONG TÍNH HIỆN THỰC” cơ mà, chứ nào phải
con người trong cõi mông lung ! Thưa, cãi thế là tự lòi cái ngu ra nhà học
phiệt ơi: “CON NGƯỜI TRONG TÍNH HIỆN THỰC”, thì cũng chính là con người trên
cõi thế vì chả lẽ, trong “TÍNH HIỆN THỰC” không có không gian và thời gian à ?
Không có thiên nhiên, tự nhiên, càn khôn, nhật nguyệt và toàn bộ vũ trụ hiện
thực (và hư ảo, huyền nhiệm) nơi con người định cư à ? Vả, có HIỆN THỰC nào
không bao hàm yếu tính TỰ NHIÊN?
Nếu hiểu TÍNH HIỆN THỰC chỉ quy về ý nghĩa xã hội thô thiển và ngu
ngốc như Marx quan niệm, thì xin hỏi ngài Marx, ngài Engels, ngài Lenine, con
người –xã hội CỦA QUÝ VỊ THỞ BẰNG GÌ, uống bằng gì, ăn bằng gì nhỉ? Tách con
người ra khỏi tự nhiên, ra khỏi tôn giáo để nghiên cứu nó, cũng đồng thời tách
con người ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của nó ! Toàn bộ học thuyết Marx quả tình
đã nghiên cứu một CON NGƯỜI –XÁC ƯỚP, một CON NGƯỜI BÙ NHÌN RƠM, một con người
phi tự nhiên, phi tôn giáo, phi lịch sử, chứ không phải là con người đích thực!
Marx luôn nhân danh duy vật biện chứng để đưa ra những kết luận
rất duy tâm, rất phi logic, như ở trang 36 ( sđd), ông viết: “ Cơ cấu xã hội và
nhà nước luôn luôn nảy sinh từ quá trình sinh sống của những cá nhân nhất định,
không phải của những cá nhân đúng như bản thân của những cá nhân ấy có thể tự
hình dung, mà là của những cá nhân đúng như trong hiện thực, nghĩa là đúng như
họ đang hành động, sản xuất một cách vật chất, tức là đúng như họ hành động
trong những giới hạn, tiền đề và điều kiện vật chất nhất định, không phụ thuộc
vào ý chí của họ”.
Trong định đề trên, Marx đã tuyệt đối hoá vai trò của con người
trong khái niệm “vật chất nhất định” nhằm giết chết khái niệm “hiện thực” bằng
cách dung tục hoá hiện thực, coi hiện thực chỉ là những món sờ được, cảm được,
nhìn thấy được mà quên rằng, HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG con người bao hàm cả đời sống
vật chất và tinh thần của nó, mồ hôi, nước mắt của nó và những khát vọng, những
giấc mơ, hi vọng và tuyệt vọng cồn cào bên trong của nó, như thể cái vô biên
tồn tại hòa điệu ở ngay trong lòng cái hữu hạn và ngược lại.
Con người với Marx bao giờ cũng chỉ là con người công cụ, không
phải con người với mục đích tự thân, nên ông không bao giờ cho phép con người
và những hình dung của nó về chính đời sống người của mình gặp nhau, hoặc chập
chờn hư thực bên nhau: “ Không phải của những cá nhân đúng như bản thân của
những cá nhân ấy có thể hình dung hay đúng như người khác có thể hình dung, mà
là của những cá nhân đúng như trong hiện thực…”. Hiện thực hoá hiện thực một
cách tuyệt đối như trên, Marx đã treo cổ ngay cả khái niệm hiện thực!
Con người trong quá trình mưu sinh, lao động, sản xuất, nó đồng
thời cũng phải tư duy, mộng tưởng, khát khao, hình dung, tưởng tượng về mình,
về cuộc sống quanh mình . Nó phải ngước lên, ngó ra ngoài hòng khám phá cái bí
mật bên trong của mình, lại phải ngó vào trong tâm hồn mình để tìm kiếm cái bao
la của thế giới khách quan ; cớ sao Marx lại cho rằng con người hiện thực là
con người không thể, không được hình dung về sự hiện hữu hiện thực của nó, hoặc
không thể hình dung đúng với hiện thực mà nó đang sống, hoặc nó không bao giờ
có thể là hình ảnh trong những cá nhân khác đang hình dung về nó?
Không cho thế giới tự nhiên được tự nhiên chứng tỏ mình là thế
giới (con người bản năng, con người trường tồn hay tính người muôn thuở), không
cho thế giới tinh thần của con người tham dự vào hành trình sống của nó, nhất
định tuyệt đối hoá yếu tố vật chất, yếu tố sản xuất là Marx đã chối bỏ chính
con người? Xua đuổi con người đích thực ra khỏi đối tượng nghiên cứu triết học,
kinh tế chính trị học, học thuyết của Marx nói cho cùng là một thứ học thuyết
phi nhân.
Trước Marx, triết gia duy lý vĩ đại thế kỷ thứ XVII người Pháp là
Descartes, đã lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tôn vinh bộ óc của con
người bằng một câu nói vô song: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”.
Nếu Decartes TÔN VINH CON NGƯỜI TƯ DUY thì Marx 200 năm sau, tôn
vinh hoá, tuyệt đối hoá CON NGƯỜI TỒN TẠI.
Có thể nói không ngoa rằng, quá trình lập thuyết của Marx là quá
trình xua đuổi CON NGƯỜI TƯ DUY DECARTES ra khỏi triết học DUY “DUY VẬT” của
ông ! Thành ra hệ thống Marx trở thành một thứ triết học thiếu vắng TƯ DUY,
thiếu vắng TINH THẦN, rốt ráo thuyết Marxism chừng như thiếu vắng cả văn hoá,
thiếu vắng nhân bản,nhân văn?
Từ câu nói trên của Decartes như một mệnh đề tiên khởi duy lý,
chợt làm ta hụt hẫng, toan vịn vào quan niệm nhất nguyên luận về thế giới của
minh triết phương Đông. Hình như trong nhận thức luận về mối quan hệ giữa TƯ
DUY và TỒN TẠI, giữa cái PHẢN ÁNH và cái ĐƯỢC PHẢN ÁNH (hay BỊ PHẢN ÁNH),
Descartes đã mơ hồ muốn thoát ly nhị nguyên luận trong truyền thống triết học
phương Tây từ thời Socrates, vốn coi TỒN TẠI và TƯ DUY là hai món khác nhau,
nên từ đó nền triết học CHỦ BIỆT phương Tây chia thành hai phái : PHÁI DUY TỒN
TẠI (DUY VẬT) và phái DUY TƯ DUY (DUY TÂM) cứ cãi nhau chí chết mà vẫn bất phân
thắng bại?
Khi đưa ra câu định nghĩa: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”, Decartes
chắc cũng loáng thoáng nghĩ rằng (hình như) tồn tại với tư duy: “ mình với ta
tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”; nhưng rồi ông vẫn đi theo truyền
thống Plato, coi TÂM ( tư duy) quyết định VẬT (tồn tại)
Có lẽ, trong nhận thức luận của mình, người phương Đông đã rốt ráo
hơn phương Tây khi coi TÂM với VẬT là một: rằng trong VẬT có TÂM, và trong TÂM
có VẬT; nếu tách TÂM ra khỏi VẬT, thì TÂM không còn là TÂM nữa; nếu tách VẬT ra
khỏi TÂM thì VẬT cũng không còn là VẬT nữa. Cũng như thế, nếu ai đó như MARX
lại điên rồ tách CON NGƯỜI ra khỏi TỰ NHIÊN thì CON NGƯỜI không còn là CON
NGƯỜI nữa và ngược lại…
Triết học phương Tây từ Socrates đến Marx đã bị HỆ THỐNG TINH THẦN
TẤT YẾU của Plato chặn đầu và HỆ THỐNG TINH THẦN TUYỆT ĐỐI của Hegels chặn hậu
: nên nó là dòng triết học DUY “DUY”, CỰC ĐOAN TÂM hoặc CỰC ĐOAN VẬT, thiếu hẳn
tinh thần TRUNG DUNG, tinh thần HÀI HÒA ÂM DƯƠNG, hài hòa TÂM & VẬT kiểu
phương Đông.
Cái khác nhau trong phương pháp tư duy giữa dòng triết học DUY
“DUY” và triết học PHẢN DUY “DUY” hay triết học TRUNG DUNG = HÀI HÒA là ở hai
từ TRƯỚC HẾT hay ĐỒNG THỜI!
Qúa trình vận động của nhận thức luận phương Tây thường bắt đầu
bằng định đề : vũ trụ trước hết khởi đầu bằng Ý NIỆM, bằng TÂM = BẰNG THƯỢNG
ĐẾ, BẰNG CÁI NGOÀI CON NGƯỜI…hay vũ trụ trước hết là VẬT ở ngoài ta, được ta
nhìn thấy ( phản ánh); nên VẬT là bước khởi thuỷ của nhận thức, bước thứ hai
mới là bước NHÌN THẤY ( thu vật vào não ta = nhận thức = phản ánh = hình ảnh
vật )…Nói qua đến sự khác biệt giữa cái nhìn CHỦ TOÀN phương Đông và cái nhìn
CHỦ BIỆT phương Tây, cũng là nói về phương pháp tiếp cận sự vật khác nhau của
hai dòng triết học đông tây vẫn hằng bổ túc cho nhau vậy .
NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG quan niệm: khi ta bàn về TÂM tức là ta đang bàn
về VẬT đấy! Nghĩ đến VẬT tức là vận hành TÂM trong tư duy đấy! TÂM và VẬT là
quá trình ĐỒNG THỜI chứ không phải TRƯỚC HẾT là …rồi mới tới SAU LÀ…như hệ
thống triết học phương Tây.
Sự phiến diện, chia tách sự vật ra thành các bộ phận thiếu tính hệ
thống, thiếu cái nhìn chỉnh thể trong quá trình tự nhiên, xã hội và lịch sử
theo cái nhìn biện chứng (ví như sự ngu dốt TÁCH CON NGƯỜI RA KHỎI TỰ NHIÊN của
Marx) ấy chính là thái độ DUY VẬT CỰC ĐOAN của Marx và Engels, Lenine trong bất
cứ trang nào nơi học thuyết của các ông. Mà đã CỰC ĐOAN, đã TUYỆT ĐỐI “DUY” thì
dù núp dưới chiêu bài DUY VẬT, cuối cùng toàn bộ học thuyết Marx cũng vẫn lộ nguyên
hình là triết học DUY TÂM CHỦ QUAN, điều mà các ông vô cùng nguyền rủa ( tức
các ông tổ cộng sản này chuyên chống mình: nói và làm ngược nhau ).
Để chứng minh cho điều nhận xét trên, xin qúy vị đọc tiếp lời Marx
bàn rất ư dông dào và tào lao, ở trang 38 (sđd) như sau: “…Như vậy thì đạo đức,
tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình
thái ý thức tương ứng với chúng, liền mất ngay mọi vẻ độc lập bề ngoài. Tất cả
những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi
phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến
đổi cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm của tư duy của mình.
Không phải ý thức quyết định đời sống, mà chính đời sống quyết định ý thức. Theo
cách xem xét thứ nhất, người ta xuất phát từ ý thức, coi đó là cá nhân sống;
theo cách thứ hai, là cách phù hợp với đời sống hiện thực, người ta xuất phát
từ chính ngay những cá nhân sống, hiện thực và coi ý thức chỉ là ý thức của họ
mà thôi”.
Bằng định đề trên, chừng như Marx đang tranh luận với khoảng
không, khi ông TỔNG ĐỀ phép biện chứng CON NGƯỜI TUYỆT ĐỐI HIỆN THỰC, TUYỆT ĐỐI
SẢN XUẤT, TUYỆT ĐỐI DUY VẬT của mình là CON NGƯỜI “… HIỆN THỰC và coi Ý THỨC
CHỈ LÀ Ý THỨC CỦA HỌ MÀ THÔI”!
Đây hẳn là “phát minh vĩ đại” của Marx về mối quan hệ giữa Ý THỨC
và CÁ NHÂN (con người ) rằng: “Ý THỨC CHỈ LÀ Ý THỨC CỦA HỌ MÀ THÔI!”.
Ơ hay, Ý THỨC (tức tư duy, ý nghĩ, mơ mộng hay thế giới tinh thần
của con người) không phải là của chính con người thì nó còn là của chính con
mèo hay chính con chim cu hả ngài Marx thông tuệ ?
Học theo tuyên ngôn triết học có một không hai này của Marx, Trần
Mạnh Hảo tôi xin lập thuyết mới mà rằng: “ÁO BÀO TRÊN NGƯỜI CỦA CÉSAR LÀ CỦA
CHÍNH CÉSAR CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA THỐNG SOÁI BRUTUS”!
Con người xuất hiện trên vũ trụ khi NÓ Ý THỨC ĐƯỢC BẢN THÂN MÌNH !
Tại sao Marx lại sợ ý thức của con người đến thế ? Trong học thuyết của mình,
đầu tiên Marx xua đuổi TỰ NHIÊN ra khỏi con người; bước thứ hai, Marx xua đuổi
Ý THỨC NGƯỜI ra khỏi HIỆN THỰC NGƯỜI, coi Ý THỨC = TINH THẦN như là hủi, như là
con đỉa đeo bám con người, như là thập giá mà con người phải vác, nên Marx đặc
biệt căm thù và khinh rẻ Ý THỨC=TINH THẦN của chính con người.
Marx tách hẳn TINH THẦN NGƯỜI, Ý THỨC NGƯỜI ra khỏi HIỆN THỰC SẢN
XUẤT VẬT CHẤT NGƯỜI; ông ta khùng điên bắt Ý THỨC=TINH THẦN= TƯ DUY làm tù
binh, làm nô lệ cho TỒN TẠI=VẬTCHẤT=HIỆN THỰC DUY SẢN XUẤT; lúc nào cũng gằm
gằm đe dọa rằng: bọn Ý THỨC phi vô sản kia, chúng mày chỉ là nô lệ, là kẻ bị
lãnh đạo, chúng mày như nhân dân muôn đời là tù binh của ĐẢNG DUY VẬT CHẤT độc
quyền đang trổ tài tham ô, tham nhũng toàn diện đấy nhé!
Ý THỨC với HIỆN TỒN nơi con người quan hệ với nhau một cách biện
chứng; có thể ví Ý THỨC như ngọn lửa cháy trên cây nến, còn con người chính là
CÂY NẾN ! Nếu tắt NGỌN LỬA Ý THỨC đang cháy trên THÂN XÁC NẾN CON NGƯỜI thì,
cây nến không còn là cây nến nữa!
Marx, kẻ đã tắt NGỌN LỬA PROMETE Ý THỨC=TINH THẦN NGƯỜI trên chính
CÂY NẾN HIỆN TỒN NGƯỜI bằng lý thuyết dung tục đầy tính hàng thịt, tính xác ướp
: “Hiện tồn quyết định Ý thức”; mà quên rằng TINH THẦN NGƯỜI hay Ý THỨC NGƯỜI
không bao giờ c thể tách rời chính TỒN TẠI NGƯỜI, mà nó là hai mặt của một vấn
đề, là hai mặt của một đồng tiền.
Ý THỨC NGƯỜI với HIỆN TỒN NGƯỜI là một quá trình ĐỒNG THỜI, ở
trong nhau, như quá trình đồng thời của máu, xương , thịt tạo nên con người,
không bao giờ là chuyện TRƯỚC HẾT là thực tại, sau mới là Ý THỨC VỀ THỰC TẠI (
con người trước hết là thịt, sau đến xương và sau mới đến máu) như quan niệm
nhị nguyên luận của hệ thống triết học phương Tây mà Marx là một đại diện…đã
huyênh hoang tuyên bố.
Cho nên, Marx mới dám nói liều lĩnh nhất trong những người nói
liều lĩnh là phủ nhận ý thức, phủ nhận các giá trị tinh thần, phủ nhận tôn
giáo, đạo đức, siêu hình học…là những giá trị căn bản bên trong làm nên HIỆN
TỒN NGƯỜI mà rằng: “ Tất cả những cái đó ( tức đạo đức, tôn giáo, siêu hình
học…) không có lịch sử, không có sự phát triển…”. [ Phần vừa dẫn ở trên]
Xua đuồi tự nhiên, xua đuổi tôn giáo, xua đuổi đạo đức ra khỏi hệ
thống cộng sản của mình như chính Marx tuyên bố, học thuyết của ông này quả
thực là học thuyết của quỷ Sa-tăng!
Chúng tôi xin trích dẫn thêm một sự tối ngu dốt của Marx trong
hàng nghìn quan niệm tầm bậy trong sách của ông, khi ông định nghĩa về HÀNH VI
XÃ HỘI ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI LÀ HÀNH VI MIẾNG ĂN mà ông cho là MỘT ĐỊNH NGHĨA
GỐC VỀ NGƯỜI, như sau trích trang 39, 40 (sđd) :
“…Với những người Đức hoàn toàn không có tiền đề gì cả, chúng ta
buộc phải bắt đầu bằng việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của
con người, và do đó là tiền đề lịch sử, đó là : người ta phải có khả năng sống
đã, rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần
phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy
hành vi lịch sử đầu tiên tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thỏa mãn
những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Hơn nữa đó là
một hành vi lịch sử,một điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà (hiện nay cũng như
hàng nghìn năm về trước) người ta phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ, chỉ nhằm
để duy trì đời sống con người…”
Trong định đề triết học quan trọng bậc nhất của hệ thống duy vật
biện chứng Marxism trên đây, Marx đã lầm lẫn hai điều quan trọng:
1- Ông cho rằng MIẾNG ĂN là hành vi đầu tiên mang tính lịch sử,
tức mang tính xã hội.
2- Ông sai lầm khi cho rằng: “ Hành vi lịch sử đầu tiên (của con
người) là việc sản xuất trong những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu vật chất!
Trần Mạnh Hảo xin phép phản bác Marx, như sau
Thưa, HÀNH VI MIẾNG ĂN, tìm thức ăn của con người là hành vi của
bản năng tự nhiên chứ tuyệt nhiên KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH VI XÃ HỘI, HÀNH VI LỊCH SỮ
như Marx viết trên.Bởi, hành vi hít thở, ăn, uống, ngủ, sinh lý, bài tiết…là
hành vi của toàn bộ sinh vật trong giới tự nhiên, chứ không phải là sinh hoạt
của riêng con người; nên nó không phải là hành vi mang tính lịch sử đầu tiên
của con người như Marx ngộ nhận.
Hành vi lịch sử đầu tiên của người theo Marx là hành vi lao động,
sản xuất bằng tư liệu (công cụ). Không, các loài vật cũng lao động, cũng tìm
kiếm thức ăn trong thiên nhiên; riêng các loài linh trưởng còn biết dùng công
cụ để lao động, như lấy đá đập vỡ quả khô lấy hạt ăn, biết dùng que để thọc lấy
kiến, dùng gậy để dò sông suối, chống gậy qua sông suối, biết bẫy côn trùng
bằng các loại công cụ thô sơ…chứ không phải chỉ riêng con người sơ khai mới
biết lao động, biết sản xuất bằng công cụ để tìm thức ăn như Marx ngộ nhận… !
Vậy thì đâu mới là hành vi đầu tiên mang tính người hay tính lịch
sử người?
Thưa, hành vi đầu tiên của một (hay nhiều con -vật-người đồng
loạt) con vượn người vượt lên, để chứng tỏ nó là người, mà không còn là con vật
nữa, ấy là HÀNH VI TỰ Ý THỨC.
Tức lần đầu tiên, có một hay hai ba con vượn người do bộ não phát
triển, khi ra suối uống nước, soi mặt vào nước suối trong xanh, như soi vào
chiếc gương, nó chợt phát hiện ra hình bóng- SỰ PHẢN ÁNH- kia không còn là một
KẺ XA LẠ nữa, hoặc một con quái vật nào khác làm nó bỏ chạy như hàng triệu năm
tổ tiên nó đã bỏ chạy khi nhìn thấy mặt mình mà lại ngỡ mặt con quái vật nào
đấy, nên sợ hãi quá rú lên, hét lên rồi bỏ chạy, đặng trốn chạy chính bản thân
mình.
Lần này, con vượn người kia do não bộ phát triển tới mức XUẤT HIỆN
HÌNH THÁI ĐẦU TIÊN CỦA Ý THỨC là TỰ Ý THỨC, là nó chợt nhận ra gương mặt in
dưới suối kia, mắt kia, môi kia, răng kia, đầu tóc, thân mình kia là chính nó
chứ không phải tha nhân; RẰNG TÔI KIA, HÌNH ẢNH CỦA TÔI KIA LÀ CHÍNH TÔI, LÀ
CHÍNH MÌNH, KHÔNG PHẢI AI KHÁC…ỐI giời đất ơi, người xuất hiện ra ĐẦU TIÊN
trong trạng thái TỰ Ý THỨC chứ không phải DO LAO ĐỘNG HIỆN TỒN đâu Marx!
Trần Mạnh Hảo cam đoan với ngài Marx thông tuệ rằng, con vượn
người kia, bằng sự tự ý thức, bằng sự chợt nhận ra mình là chính mình, tôi là
chính tôi khi tôi soi mặt tôi xuống suối: NÓ ĐÃ BẬT KHÓC VÌ SUNG SƯỚNG khi chợt
nhận ra mình: nhân loại!
ĐÂY MỚI LÀ HÀNH VI NGƯỜI ĐẦU TIÊN MANG TÍNH LỊCH SỬ: HÀNH VI CON
NGƯỜI NHẬN RA CHÍNH NÓ, tức hành vi tự ý thức, tự tỉnh thức, mới là hành vi ĐẦU
TIÊN mang tính cá nhân, tính lịch sử như một CĂN NGUYÊN GỐC của TÍNH NGƯỜI!
Như vậy, từ xét nghiệm đơn giản này, chúng ta mới thấy Marx CĂN
BẢN ĐÃ SAI khi quy HÀNH VI MIẾNG ĂN, HÀNH VI SẢN XUẤT BẰNG CÔNG CỤ là hành vi
gốc MANG TÍNH XÃ HỘI VÀ LỊCH SỬ đầu tiên của con người. Tất nhiên, trong suốt
quá trình lịch sử tiếp theo, hành vi ý thức và hành vi lao động, tư duy và hiện
hữu của con người trộn vào nhau, hài hoà trong nhau, vừa là hành vi tự nhiên
mang tính xã hội, vừa là ý nghĩa xã hội thể hiện trong sự cải biến, hòa điệu
với tự nhiên nơi con người…, không còn là bước một, bước hai như sự khởi đầu
nữa.
Chính vì thế, hành vi đầu tiên làm xuất hiện con người mang tính
lịch sử là hành vi CON NGƯỜI TỰ Ý THỨC VỀ BẢN THÂN MÌNH chứ không phải hành vi
LAO ĐỘNG KIẾM MIẾNG ĂN như Marx viết! Rằng: tôi chính là tôi, ấy là người, cá
nhân xuất hiện trong sự tự ý thức, bước tiếp theo mới xuất hiện ý thức xã hội
và ý thức lịch sử loài người. Thế thì Ý THỨC NGƯỜI QUYẾT ĐINH TỒN TẠI NGƯỜI chứ
đâu phải ngược lại như lý thuyết duy tâm chủ quan của học thuyết Marx đã tuyên
bố tưởng chừng rất duy vật, rằng : HIỆN TỒN QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC?
Chúng tôi viết bài báo này không phải để nhằm chống ai, hoặc nhằm
thỏa mãn tính háo thắng trẻ con của mình, mà viết ra để tham gia góp ý với BẢN
DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI X của ĐCSVN, khi đảng tha thiết mời tôi góp
ý.
Vả lại, Đảng vẫn ngoan cố kiên định chủ nghĩa Marx-Lenine, có ý
đồng nhất học thuyết Marx là chân lý vĩnh hằng; trong khi QUỐC HỘI CHÂU ÂU ngày
25-01-2006 vừa qua, đã thông qua nghị quyết với số phiếu áp đảo 99 phiếu thuận,
42 phiếu chống, lên án “ Chủ nghĩa cộng sản và các nước cộng sản phạm tội ác
chống nhân loại như chù nghĩa phát-xít Hitler”.
Tôi nghĩ, chân lý không bao giờ nằm trong tay kẻ độc quyền chân
lý, dù kẻ đó là Đảng CSVN đi chăng nữa ! Chân lý và sự thật chỉ có thể đạt được
bằng tri thức khoa học, bằng công khai tranh luận; tuyệt đối không kẻ nào có
thể cướp đoạt được chân lý bằng sức mạnh của đàn áp, súng gươm hay nhà tù… như
những chính thể quân phiệt độc tài từng thể hiện .,.
Sài Gòn, ngày 02/03/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét