Sơ lược
diễn tiến
Trận Điện Biên Phủ đã được tròn 60 năm. Nhiều
nhà nghiên cứu Tây phương về Chiến tranh Đông Dương đã xếp Điện Biên Phủ trong số những trận đánh
lớn nhất thế giới như Stalingrad 1942, trận hải chiến Midway 1942… vì nó
đã thay đổi một khúc quành lịch sử. ĐBP đã kết thúc chế độ thực dân Pháp và lôi
kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến dài như vô tận, cũng như tại Stalingrad năm 1942
Đức quốc xã mất Lộ quân số 6, gió đã đổi chiều với Hitler và tại Midway 1942,
chỉ trong một ngày quân Nhật đã mất 4 hàng không mẫu, vài trăm máy bay, hơn ba
ngàn thủy thủ rồi thua luôn cuộc chiến Thái bình dương.
Tổng số quân Pháp và Việt Minh tại ĐBP chưa tới 70,000 người, chưa được 7
sư đoàn trong khi tại Stalingrad tổng số
quân Nga, Đức khoảng một triệu bốn trăm ngàn, tương đương 140 sư đoàn. Số binh
sĩ tử trận tại ĐBP của cả Pháp và Việt Minh chỉ hơn mười ngàn người trong khi
tại Stalingrad, riêng quân Nga bị thiệt mạng khoảng nửa triệu, nhưng ĐBP vẫn
được coi là ngang hàng với Stalingrad. Trên thực tế ĐBP đã được Tây phương chú
ý nhiều và nổi danh hơn Stalingrad .
Nhưng nếu kế hoạch cứu nguy ĐBP đã được Mỹ
thực hiện bằng hàng trăm oanh tạc cơ B-29 hay bằng bom A chiến thuật thì nay chẳng
ai biết cái địa danh khỉ ho cò gáy nơi đèo heo hút gió
này ở đâu.
Do sự sai lầm của Tướng Navarre, Tư lệnh Đông
dương năm 1953 đã cho lập căn cứ đóng quân tại một vùng núi non hiểm trở, chỉ
tiếp tế được bằng máy bay trong khi không quân Pháp rất yếu (1) trước màn hỏa
lực cao xạ dầy đặc của Việt Minh. Vì thiếu tin tình báo, khinh địch nên quân
Pháp đã phải đối mặt với hỏa lực mạnh mẽ cũng như nhân số áp đảo của địch đông
gấp bốn lần mà muốn rút lui cũng không có đường thoái. ĐBP như một cái bẫy, Bộ
tư lệnh Pháp đã vô tình đưa quân vào miệng cọp.
ĐBP gồm có ba khu, phía Bắc có ba tiền đồn, tại Trung ương gồm năm căn
cứ đóng quanh một phi trường, đa số lực lượng Pháp đóng taị đây và một căn cứ
phía Nam. Trận bắt đầu ngày 13-3-1954 và
kết thúc ngày 7-5-1954, ngay hiệp đầu sau trận pháo kích dữ đội của VM, tiền
đồn Beatrice đã bị sụp đổ, Pháp đã mất tinh thần, không ngờ hỏa lực địch mạnh
đến thế. Trận chiến lan dần tới khu Trung ương, địch pháo phi trường, ngày 26-3
chiếc phi cơ cuối cùng tản thương rời khu lòng chảo, kể từ ngày này chỉ còn được
tiếp tế bằng thả dù. Số phận ĐBP coi như đã được quyết định rồi.
Từ cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Eisenhower và Bộ tham mưu bắt đầu lên kế
hoạch cứu nguy ĐBP bằng không lực. Kế hoạch mà Đô đốc Radford, Tham mưu trưởng
liên quân đề nghị gồm từ 60 tới 90 oanh tạc cơ hạng nặng B-29 từ phi trường
Clark Phi Luật Tân, mỗi máy bay mang 9 tấn bom, cùng với khoảng 450 máy bay chiến đấu hộ tống từ các hàng
không mẫu hạm. Kế hoạch oanh tạc trải thảm ĐBP bằng B-29 được gọi là Kên Kên,
Vulture (2)
Qua
kinh nghiệm việc Tổng thống Truman đem quân qua Triều tiên tham chiến năm 1950 không
tham khảo Quốc hội đã bị chỉ trích, Eisenhower muốn việc can thiệp cứu nguy ĐBP
phải có thỏa thuận của Quốc hội.
Ngày
thứ bẩy 3-4-1954, tám ông trưởng khối Quốc hội được mời tới Bộ ngoại giao để
hội thảo bí mật với ngoại trưởng Dulles, Đô đốc Radford, một số cố vấn mục đích
xin Quốc hội ủng hộ Tổng thống can thiệp ĐBP.
Trưởng khối thiểu số Thượng viện Lyndon B. Johnson đòi phải có các nước
đồng minh tham gia, ý kiến này được các vị Dân cử đồng ý và đòi Hành pháp phải
thực hiện ba điều kiện để được thỏa thuận ủng hộ can thiệp
1- Thành lập liên minh các nước ĐNÁ và Liên
hiệp Anh
2- Pháp
phải trả độc lập cho Đông Dương
3-Pháp
phải ở lại tiếp tục cuộc chiến
Các điều kiện trên của Quốc hội khiến kế hoạch
Kên Kên bị khựng lại vì điều kiện một đòi hỏi lập liên minh các nước, trong đó
phải có Anh quốc mà nước này không muốn chiến tranh.
Ngày 4-4 chính phủ Pháp chính thức gửi văn
thư xin Mỹ oanh tạc cứu nguy ĐBP.
Ngày 6-4 Pháp đề nghị Mỹ cho mượn khoảng 15,
20 oanh tạc cơ hạng năng B-29 do phi công Pháp lái, mang cờ Pháp để triệt hạ
đoàn công voa tiếp tế của Việt Minh bên ngoài lòng chảo. Đây cũng gọi là kế
hoạch B được Pháp đề nghị vì Kên Kên đang kéo dài, nhưng B bị bác bỏ vì lý do phi hành đoàn Pháp
không có kinh nghiệm lái máy bay B-29
Sau khi Dulles đã đi hàng 100 ngàn dặm trong tháng 4 tới Thủ đô các nước
nhất là Âu châu để họp bàn về Kên Kên và đã thất bại, Churchill chống lại việc
tham gia liên minh, người Mỹ có nghĩ tới việc xử dụng bom A để thay thế Kên kên.
Giống như Rashomon
Năm 1966 Bernard Fall có đề cập tới vấn đề xử dụng bom A tại ĐBP, nay hai cuốn sách dầy mới viết về chiến tranh
Đông Dương và Điện Biên Phủ của Fredrik Logevall và Ted Morgan cho ta biết thêm
nhiều chi tiết về vấn dề này (3).
Chuyện xử dụng bom nguyên tử cứu nguy ĐBP mà Ted Morgan đã ví như phim Rashomon
(Rashomon-like). Thật vậy các nhân chứng liên hệ nói không giống nhau y như
trong cuốn phim nổi tiếng Rashomon của Nhật quay năm 1951, lời khai của các
nhân chứng về một vụ án mạng khác nhau hoàn toàn.
Chuyện xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy Điện
Biên Phủ được nói tới ba lần, một vào đầu tháng tư, ngày 3-4, 4-4 và một vào giữa
tháng 4 và cuối cùng vào hạ tuần tháng tư 22-4, 24-4. Nhưng các nhân chứng nói trái
ngược nhau, các tác giả cũng nói hơi khác nhau.
Theo
Bernard Fall chuyện thứ nhất (4) liên quan tới Đại tá Brohon, phụ tá của Tướng Paul
Ély, Tổng tham mưu trưởng Pháp tới Hà nội ngày 2-4 để hỏi ý kiến Tướng Navarre
về kế hoạch cứu nguy bằng oanh tạc của Mỹ có nên thực hiện không. Chuyện này
liên quan tới hai người, hai lời kể cùng có thẩm quyền khác nhau về dữ kiện sau
đây. Theo Đại tá Jules Roy, lời của ông dựa trên trí nhớ của Tướng Cogny theo
đó Brohon cho biết kế hoạch có can dự việc xử dụng vài quả bom A tại ĐBP. Theo
Thiếu tá Jean Pouget, sĩ quan tùy viên của Tướng Navarre hồi đó việc xử dụng bom nguyên tử không hề
được nói tới dù là dưới hình thức bí mật.
Về câu trả lời của Navarre cho Ély cũng có sự mâu thuẫn vì không
giống nhau. Theo Jules Roy thì Navarre từ chối. Trái lại Pouget ghi hết câu trả
lời của Navarre cho Ély gửi qua điện tín bằng mật mã nửa
đêm 3-4
“Sự can thiệp mà Đại tá Brohon đã nói với
tôi (Kên Kên) có thể có kết quả tốt nhất là nếu thực hiện trước cuộc tấn công
của Việt Minh”
Cũng theo Bernard Fall, ngoại trưởng Dulles từ Luân Đôn sang Pháp ngày
14-4 gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp Bidault, trong buổi nói chuyện đặc biệt này
Dulles đã đề cập rõ ràng vấn đề xử dụng bom nguyên tử để cứu ĐBP. Theo nguồn
tin khả tín Dulles đã nói với Bidault bằng tiếng Pháp “Nếu chúng tôi cho các
ông các ông hai quả bom nguyêt tử để cứu nguy ĐBP thì sao? Dulles đã từng du
học Sorbonne, nói rành tiếng Pháp và Bidault đã từng là giáo sư Anh văn, vì vậy
không thể có vấn đề hiểu lầm được. Bidault đã trả lời bom nguyên tử sẽ tàn sát
cả hai bên, Tướng Ély không cho vấn đề này là quan trọng nhưng đã cho biết trên
tầu sân bay của hạm đội Bẩy có để sẵn bom nguyên tử phòng khi hữu sự.
Theo
Bernard Fall việc xử dụng bom nguyên tử đã được các nhà kế hoạch quân sự quan
tâm, ngay cả Eden, ngoại trưởng Anh đã tin là việc xử dụng bom A không hoàn toàn
bị loại bỏ và nó vẫn sẵn sàng được dùng tới. Một chứng cớ khác là Thủ tướng
Pháp khi điều trần trước Quốc hội ngày 4-5, ông đã xác nhận “trong buổi thảo luận với các đồng minh”
trước đây tất cả mọi giải pháp để yểm
trợ ĐBP đã được nghiên cứu.
Theo
Ted Morgan ngày 1-4 tại Hà nội (5) Tổng cao ủy Dejean, Đại tá Brohon, Tướng Navarre
và Tướng phụ tá Bodet, Cogny bàn về oanh tạc cứu nguy ĐBP. Sáng hôm sau 2-4 Navarre dè dặt nếu oanh tạc sẽ có thể khiến Trung
Cộng trả đũa hay không? Họ sẽ oanh tạc phi cơ Pháp dưới đất, thật nguy hiểm,
Tướng Lauzin Tư lệnh không quân của
Navarre cho biết Trung cộng có 200 máy bay trong tầm các căn cứ không quân Pháp
(6).
Họ cũng bàn về vấn đề mà Brohon đưa ra tại Hoa Thịnh Đốn, việc xử dung
bom nguyên tử chiến thuật. Navarre hỏi: làm sao có thể xử dụng quanh căn cứ
với tình trạng hai bên rất gần nhau? Nhiệt độ do bom tạo ra có thể nguy hại
toàn căn cứ, bom nguyên tử có thể tiêu diệt địch khi họ tản mát trong rừng? Navarre sau này nói: Mỹ có bằng cớ Trung Cộng can
thiệp ĐBP, Mỹ cũng có thể can thiệp.
Chuyện bom A thứ ba liên hệ tới hai ông Ngoại trưởng Mỹ và Pháp sẩy ra
vào hạ tuần tháng 4-1954, trước hết theo tác giả Fredrik Logevall.
Ngày 22-4 ngoại trưởng Dulles tới Bộ ngoại giao
Pháp để tham dự hội họp NATO, mặc dù vậy họ vẫn bàn về Đông Dương khi ĐBP đang
nguy ngập
Fredrik Logevall nói Bidault kể lại, hôm ấy
lúc giờ nghỉ Dulles kéo ông ra một nơi hỏi ông về xử dụng bom nguyên tử tại ĐBP
có hiệu quả hay không và ông nói tiếp, nếu hiệu quả chính phủ Mỹ có thể cung
cấp cho Pháp hai quả. Bidault từ chối đề nghị vì nó sẽ giết cả Việt Minh lẫn
lính Pháp tại lòng chảo, còn nếu ném ở vòng ngoài, trên đường tiếp tế sẽ gây
chiến với Trung Cộng. Ít lâu sau Dulles không xác nhận mình đã nói thế, ông cho
biết có thể do hiểu lầm (7)
Tướng
Paul Ély sau này kể lại về việc Mỹ đề nghị hai quả bom A, nó sẽ gây ảnh hưởng
tâm lý cực mạnh, hiệu quả quân sự thì chưa chắc có nguy cơ đưa tới đại chiến.
Lời Bidault kể về việc Mỹ định cho Pháp bom A có thể có thật, các nhà chiến
lược Mỹ đã nghĩ tới có thể xử dụng bom A mà theo một cách diễn tả, kế hoạch Kên
Kên về cơ bản có tầm vóc ngang với bom nguyên tử. Đầu tháng 4 một nhóm chuyên
viên của Ngũ Giác Đài đã nghiên cứu việc xử dụng bom A tại ĐBP và kềt luận 3
quả bom chiến thuật A nếu được xử dụng đúng có thể xóa bỏ nỗ lực Việt Minh tại
ĐBP. Đô đốc Radford dựa vào khám phá đó để đề nghị xử dụng bom A trong buổi họp
Hội đồng an ninh quốc gia (HĐANQG) từ ngày
7-4. Và vào ngày 29-4 việc xử dụng “vũ khí mới” tại Đông dương được thảo
luận trong một phiên họp Hội đồng kế hoạch của HĐANQG.
Một số viên chức cho rằng việc xử dụng bom A ở
VN có thể làm Trung cộng nhụt chí không trả đũa bằng chiến tranh qui ước, nếu
không xử dụng thì Mao và tập đoàn sẽ cho là Mỹ không dám dùng sức mạnh kỹ thuật
của họ. Cố vấn ANQG Robert Cutler đưa vấn đề ra với Eisenhower và Nixon sáng
hôm sau nhưng hai ông này trả lời bom nguyên tử sẽ không có hiệu quả tại ĐBP.
Hai nhà lãnh đạo cũng nói “chúng ta có thể sẽ xét lại để nói với người Pháp
rằng chúng ta chưa cho họ vũ khí mới nào và nếu họ muốn vài quả để họ có thể xử
dụng, ta có thể cho họ một ít”
Tại Ba Lê trong chính phiên họp NATO ngày 23-4, Dulles đã chính thức nói
về vấn đề xử dụng bom A mặc dù không đả động gì tới Đông Dương. Trong một bài
diễn văn của ông trước Hội đồng NATO chiều ngày 23-4, Dulles tuyên bố Sô viết
có ưu thế rất lớn cả về quân sự chính trị, kinh tế hơn Tây phương. Vì thế vũ
khí nguyên tử phải được coi là một phần trong vũ khí qui ước của NATO. Ông xác
nhận nó phải là “Chính sách được chấp thuận của ta” trong trường hợp đại chiến
hay cục bộ chiến, để xử dụng bom A khi nào, nơi nào có lợi. Dulles nói về sự
giận dữ tại Âu châu về việc thử bom khinh khí (H) mới rồi, tháng 3-1953 và muốn
cho Mạc Tư Khoa, Bắc kinh đoán là ta có thể xử dụng tại Đông Dương, cách nói
của ông ấy cho thấy việc dùng bom A tại ĐBP tháng 4 có thể có.
Theo tác giả Ted Morgan (8) sau này ngoại trường Pháp Bidault kể lại trong phiên họp NATO ngày 24-4 tại Bộ ngoại giao Pháp, trong buổi
họp, họ vẫn nói nhiều về Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ Dulles có hỏi ông “Nếu Mỹ
giao cho ông hai quả bom A chiến thuật? và Bidault đả đáp: nếu thả bom nguyên
tử gần ĐBP thì cả quân Pháp và địch đều bị sát hại, nếu ném trên đường tiếp tế
từ Trung Cộng có thể đưa tới Thế chiến, trong hai trường hợp đều tệ hại cả.
Trong các điện tín của Dulles đánh đi thì
không thấy nói gì về chuyện bom nguyên tử. Một số nhà học giả cho là chuyện
Bidault kể về hai quả bom A không hợp lý chút nào vì không có sự xác nhận từ
hai phía Mỹ, Pháp. Nhưng thực ra theo Ted Morgan một số nguồn tin từ Pháp đã
xác nhận việc này.
Trước
hết là Jean Chauvel, một nhân chứng của buổi nói chuyện này, ông là Đại sứ Pháp
tại Thụy Sĩ, nhà ngoại giao đáng tin cậy. Ông này có mặt trong lần thảo luận
giữa Bidault và Dulles và đã kể lại trong hồi ký khi Bidault, Dulles, Eden tới đó ngày 24-4. Ba ông Ngoại trưởng
Pháp, Mỹ, Anh này đã để phụ tá của họ làm việc và họ vào nói chuyện với nhau
trong một phòng nhỏ riêng biệt. Jean Chauvel đi theo họ, ông nghe Dulles nói
nhỏ : “Ông có muốn hai quả bom không? Chauvel hiểu là bom A, sẽ do phi công
Pháp thả, Bidault ngả người ra ghế. Khi ấy Eden đã đi khỏi, không nghe câu chuyện này,
Chauvel nhắc Bidault trả lời.
Nguồn thứ hai là Maurice Schumann, Phụ tá bộ trưởng ngoại giao Pháp đã
ghi lại “Bidault vào văn phòng tôi, đó là sự khác thường, vì ông là xếp của tôi
hay gọi tôi qua phòng ông. Mặt ông trắng bệch nói.
“Ông thử tưởng tượng Dulles nói gì với tôi?
Ông ấy đề nghị xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy ĐBP”
Schumann đáp: “Ông cứ bình tĩnh, ông ấy chỉ
giả dụ vậy thôi, nếu mình đồng ý thì ông ta sẽ lo âu”.
Schumann không thể tin hai quả bom A giết hại cả hai bên có thể cứu ĐBP
được. Ông không tin là Dulles, người đề nghị nói thật lòng mà chỉ là một phút
dở chứng ngông cuồng, có thể Dulles thử xem Pháp có tiếp tục chiến đấu không?
Schumann không rõ nhưng Bidault phản ứng rõ rệt với lời đề nghị chứng tỏ ông này
không muốn.
Tin về đề nghị của Dulles cung cấp bom A được loan truyền trong các nhân
vật cao cấp của chính phủ Pháp. Tướng Paul Ély sau này viết về ngày 25-4, ông
có cảm xúc phức tạp về đề nghị hai quả bom nguyên tử, ảnh hưởng tâm lý rất dữ
dội nhưng hiệu quả phải xét lại và rất nguy hại có thể đưa tới Thế chiến. Ông
nghĩ dù sao Chính phủ Pháp Laniel quá yếu không thể gánh trách nhiệm này được.
Đề nghị của Dulles đã được nhiều người biết
tới tại Bộ ngoại giao Pháp. Tháng 8 năm đó, Bộ ngoại giao Mỹ lập một hồ sơ về
lịch sử Pháp xin viện trợ cho Đông Dương. Tập hồ sơ tới bàn của Roland de
Margerie, Giám đốc chính trị Bộ ngọai giao Pháp. Ông này bèn nhắc Dillon, Đại
Sứ Mỹ tại Pháp rằng hồ sơ cần duyệt lại vì “nó bỏ sót lời đề nghị của ông (tức
Dillon) cho Bidault bom nguyên tử” Dillon chẳng hay biết gì về chuyện này cả
bèn hỏi có phải ông Dulles đã nghiên cứu hiệu quả của bom nguyên tử? Margerie
đáp Bidault đã nói với ông về lời đề nghị này ngay từ hồi đó.
Dillon
đánh điện về Hoa Thịnh Đốn ngày 9-8 nói “Chúng tôi cho là Margerie sợ là
Bidault sẽ cảm thấy việc cho phổ biến về lời xin viện trợ có thể bất lợi cho
ông ta … ông ta có thể đáp lại bằng cách công bố câu chuyện về bom nguyên tử và
có thể sẽ kể công đã ngăn chận việc xử dụng nó”
Tác giả Ted Morgan cho lý luận này không nghe nổi.
Dulles trả lời ngay trong ngày rằng ông rất
hoang mang bối rối, không nhớ là mình đã đề nghị như thế
“Không
thể nào tôi lại đề nghị như thế bởi vì luật nghiêm cấm nói chuyện ấy tại cuộc
hội họp NATO, không những tôi mà cả Bidault cũng biết rõ”.
Margerie không tìm hiểu gì hơn là đồng ý với lời Dulles rằng Bidault mệt
mỏi và bị thần kinh căng thẳng
Tác giả Ted Morgan đã ví chuyện hai quả bom A giữa
Dulles và Bidault giống như cuốn phim Rashomon
“Buổi họp gay cấn giữa Dulles và Bidault y
như trong phim Rashomon khiến cho người ta khó biết thực ra họ đã nói gì” (9)
Như
chúng ta thấy Bidault và một số nhân chứng xác nhận Dulles đã đề nghị tặng bom,
còn chính Dulles lại phủ nhận không nói thế. Có lẽ ông ta chối không nhận vì sợ
trách nhiệm, có nhiều nhân chứng đã thấy hoặc nghe chuyện này từ hồi đó, không
thể nào Bidault bịa ra được. Hôm đó Bidault thúc dục Dulles cho oanh tạc cứu
nguy ĐBP vì tình hình quá bi đát, Dulles bó tay không giúp Pháp được vì điều
kiện đòi hỏi của Quốc hội quá khó khăn. Ông bèn nói đại ra đề nghị bom A để
chứng tỏ ông vẫn quan tâm cứu Pháp và đã cũng đoán trước là Bidault không dám
nhận.
Ngày 26-4 Đô đốc Radford tới Anh tiếp xúc với
Tổng TMT Anh và điện về Mỹ nói không hy vọng Anh tham gia cuộc chiến. Đại sứ
Pháp được Thủ tướng Anh Churchill cho biết ông không thể giúp Pháp tại ĐBP:
“Chính phủ chúng tôi nhất trí chỉ có Hội
nghị Genève có thể giải quyết tình hình Đông nam Á. Tôi thật đau lòng mà nói
với ông như thế nhưng tôi không thể nói gì khác hơn được” (10)
Radford gặp Churchill chiều ấy, Thủ tướng nói “Đông dương chỉ có thể cứu
bằng thứ kinh sợ nhất –Bom nguyên tử”
Thủ tướng Anh nói vui vậy thôi vì ông là bồ câu không thể chủ trương như
thế
Chuyện
thả bom nguyên tử xuống ĐBP không thực hiện được như đã nói trên nhưng trên
thực tế Mỹ đã chuẩn bị bom A chiến thuật ở hạm đội Thái bình dương. Trong
trường hợp khẩn cấp Mỹ sẽ dùng thứ kinh sợ này để phá hủy các căn cứ Trung Cộng
ở Hải Nam hoặc gần VN nếu họ liều lĩnh đưa quân sang Đông Dương
Dulles kể lại ngày 10-4 ông đi Luân Đôn để
thương thuyết kêu gọi Anh tham gia liên minh, đồng thời Mỹ đã đưa hai hàng
không mẫu hạm Boxer và Philippine Sea vào biển Nam hải. Trên tầu có trang bị vũ
khí nguyên tử chiến thuật để đe dọa Trung Cộng và để tấn công phá hủy các căn
cứ quân sự của họ một khi họ đưa quân sang Đông dương (11)
Đầu tháng 4, Đô đốc Radford quyết định thăm dò
ý kiến các Tham mưu trưởng lần thứ ba trước phiên họp ngày 2-4 tại tòa Bạch Ốc,
lần này viết chi tiết. Câu hỏi là “Nếu chính phủ Mỹ được Chính phủ Pháp yêu cầu
giúp đỡ tại Đông Dương bằng can thiệp Không quân hay Hải quân thì Ban Tham mưu
liên quân sẽ lựa chọn bên nào? Để quan trọng hóa vấn đề, Radford nói câu hỏi
này do Bộ trưởng quốc phòng Wilson đặt ra.
Tướng
Twining, TMT không quân nói được nhưng nhưng cần ba điều kiện
Mỹ giữ quyền chỉ huy Không quân và Hải quân
Mỹ huấn luyện và tổ chức Quân đội VN
Pháp trả độc lập cho ba nước Đông Dương
Sau này trả lời phỏng vấn ngày 16-3-1965,
Tướng Twining nói “ba quả bom A chiến thuật” có thể tiết kiệm thời gian,
ĐBP là một vùng biệt lập, xung quanh
không có tỉnh thành lớn chỉ có Cộng quân vận chuyển tiếp tế. Ta thả một quả bom
cho đúng chỗ. Không ai chống đối. Và quét sạch bọn CS khỏi nơi đó và ban nhạc
sẽ cử bản quốc ca Pháp Marseillaise , quân Pháp sẽ tiến ra khỏi ĐBP ngay ngắn.
Và bọn CS sẽ nói “Chúng nó sẽ ném bom nữa, ta phải coi chừng”. Đó là ý nghĩ lạc
quan, Twining như muốn nói “Nếu chúng ta đã làm thế thì bây giờ ta không phải
đương đầu với chúng” tức cuộc chiến 1965 (12)
Tình
hình Đông Dương căng thẳng, TT Eisenhower họp gấp HĐANQG ngày 6-4. Tại buổi họp
có ba tờ tường trình về can thiệp: một của Hội đồng kế hoạch thuộc HĐANQG, một
của Ủy ban đặc biệt Đông Dương do thứ trưởng Ngoại giao Smith và một văn thư sơ
lược của Quân đội
Hội đồng kế hoạch nói nếu can thiệp cần 35,000
người thuộc Hải quân và 5,600 Không quân, cũng cần có bộ binh. Báo cáo cũng cho
biết cần xử dụng bom nguyên tử khi tình trạng chiến thuật đòi hỏi và được TT
chấp thuận, lực lượng Mỹ can thiệp tùy thuộc vào việc xử dụng bom A, nếu không
xử dụng bom A thì phải cần nhiều người,
nếu xử dụng bom A thì cần it người (13) Bộ ngoại giao tường trình viêc
dùng bom nguyên tử hay không nên được xác định rõ trong nhu cầu quân sự để đưa
tới quyết định, tường trình cũng cho biết nếu xử dụng sẽ bị đồng minh chống đối.
Hội dồng kế hoạch cũng khuyên nếu cần có thể đưa quân Mỹ vào.
Nhiều
năm sau, Radford trả lời phỏng vấn, ông ta vẫn tin oanh tạc là hữu hiệu “Nếu mà
chỉ có oanh tạc đã có thể cứu nguy phá vòng vây ĐBP cần bàn cãi. Nếu ta ném bom
nguyên tử có lẽ đã thành công … Ta có thể xử dụng cách này hay cách khác vào
thời điểm của chiến dịch”
Theo
tác giả Ted Morgan, Radford quên rằng bom nguyên tử có thể giết cả ta lẫn địch
khi hai bên đã gần sát nhau (14)
Kết
Luận
Năm 1945 Mỹ nhường Đông Âu cho Nga trước sự
phản đối của Anh, họ đã bất đồng ý kiến nhau từ đó. Năm 1949 Mỹ bỏ Trung Hoa mà
chưa nghĩ tới hậu quả, thậm chí muốn bỏ luôn Đài Loan. Nhưng năm 1950 khi CS
Bắc Triều tiên được Sô viết, Trung Cộng yểm trợ tràn xuống chiếm Nam Triêu tiên
thì người Mỹ hốt hoảng trước chiến lược tầm ăn dâu của CS. Họ vội nhẩy bổ vào
để giữ Triều tiên và tuyên bố bảo vệ Đài Loan, đồng thời giúp Pháp tại VN chống
CS. Năm 1954 viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp chiếm khoảng 78%, họ đang hình thành
chính sách ngăn chận CS tại ĐNÁ, thực ra đã trễ mất 5 năm nhưng vẫn còn hơn
không.
Trong khi
ĐBP đang sụp đổ từng ngày thì người Mỹ vẫn họp bàn, vận động chính trị thành
lập liên minh chống CS tại ĐNÁ. Nội bộ Mỹ chia rẽ, để được sự ủng hộ can thiệp
ĐBP Quốc hội đặt ra các điều kiện ngang ngược. Điều thứ nhất đòi các nước ĐNÁ
Thái Lan, , Phi Luật Tân, Úc, Tân tây Lan (Liên hiệp Anh) gia nhập liên minh
chống Cộng chia sẻ gánh nặng với Mỹ. Các nước nhỏ không thấy trả lời, Anh chống
đối vì họ muốn hòa bình, Pháp mặc dù cầu khẩn Mỹ cứu nguy ĐBP nhưng cũng không
chịu gia nhập Liên minh, họ tìm hòa bình để rút ra khỏi Đông Dương vì cuộc
chiến này không còn phục vụ quyền lợi Pháp mà phục vụ quyền lợi Mỹ. Cuộc chiến
chống CS tại ĐNÁ là để bảo vệ an ninh
cho nước Mỹ nhưng Quốc hội Mỹ phản đối
không muốn Mỹ phải gánh chịu 90% nhân lực như cuộc chiến Triều tiên.
Điều kiện thứ hai đòi Pháp trả độc lập cho các
nước Đông Dương mà trên thực tế năm 1954 Pháp đã trả độc lập cho VN gần hết.
Điều
kiên thứ ba thật vô lý mà Pháp không thể chấp nhận được, đòi hỏi Pháp trả độc
lập cho Đông Dương sau đó phải ở lại chiến đấu, chiến đấu cho ai? cho an ninh
nước Mỹ? Năm 1973, 1975 Mỹ vội vã tháo chạy khỏi Đông Dương vì bị phản chiến
chống đối mạnh nhưng năm 1954 họ lại buộc Pháp phải ở lại chiến đấu trong khi
Pháp cũng đã bị người dân chống đối dữ dội và đòi tìm hòa bình, rút ra khỏi
Đông Dương. Người dân Pháp chống đối cuộc chiến theo quĩ đạo Mỹ, vì quyền lợi
Mỹ.
Người Anh cương quyết không tham gia vì không
có quyền lợi nhiều tại ĐNÁ, không chịu hy sinh cho quyền lợi Mỹ. Ngoại trưởng
Dulles sau này nói sở dĩ Kên Kên không thực hiện được vì Anh không chịu tham
gia Liên minh. Bernard Fall cho rằng dù Anh có đồng ý tham gia hay không,
Eisenhower vẫn có toàn quyền quyết định, mười hai năm sau nhà lãnh đạo này cho
biết không muốn cho Hoa Kỳ sa vào cuộc chiến tốn kém. Quyết định không cứu pháp
ở ĐBP chính là của nước Mỹ, của cấp thượng đỉnh: Các vị Trưởng khối Lập pháp,
Bộ tham mưu liên quân và Tổng thống, không thể đổ lỗi cho Anh (15)
Hai nhà lãnh đạo diều hâu Phó TT Nixon và Đô đốc Radford chủ trương can
thiệp không cần Quốc hội nhưng TT Eisenhower không muốn thế, ông sợ sa lầy, sợ
tốn kém và nhất là sợ mất phiếu của Cộng Hòa trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội
1954.
Quyết định của Hoa Kỳ không cứu nguy ĐBP bỏ rơi đồng minh tàn nhẫn năm
1954 đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi
ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959. Sự thất bại này đã khiến cho phía CS
thắng lớn và trận đánh đã thay đổi cả một khúc quành lịch sử.
Bernard Fall cho rằng người Mỹ tránh can thiệp vào ĐBP năm 1954 để khỏi
bị liên hệ nhưng rồi phải đối mặt với cuộc chiến lớn tại miền nam VN năm 1967.
Nếu ĐBP không bị thất thủ năm 1954 có lẽ lịch sử VN sẽ ít phức tạp hơn.
(16)
Như trên Tướng TMT không quân Twining sau này trả lời phỏng vấn ngày
16-3-1965, ông nói “ba quả bom A chiến thuật” có thể tiết kiệm thời gian, xung
quanh ĐBP không có tỉnh thành lớn chỉ có Cộng quân vận chuyển tiếp tế. Nêu Mỹ
đã oanh tạc ĐBP năm 1954 thì họ không phải đối đầu với cuộc chiến Đông Dương
lần thứ hai
Rút kinh
nghiệm năm 1954 Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội cứu Đông dương vào giờ chót, mười năm sau
1964 khi Johnson đã trở thành Tổng thống, ông đã xin được Quốc hội ra nghị
quyềt để oanh tạc BV nhưng vì chỉ hạn chế nên đã không thành công.
Cuối năm 1972 Nixon oanh tạc BV dữ dội để buộc họ phải trở lại bàn hội
nghị mà Sô Viết, Trung Cộng cũng không dám chống lại. Nhiều sử gia tiếc rằng nếu
Mỹ đã đánh mạnh sớm hơn từ 1965 thì chiến tranh đã kết thúc, chưa chắc đã mất
miền nam.
Sau này Kissinger cứ tiếc mãi (17)
“Đúng ra mình phải ném bom chúng nó ngay
hồi chúng tôi mới nhậm chức (tại tòa Bạch ốc)”(17)
Nixon nói
“Chúng ta có sức mạnh . . . vấn đề duy nhất
là ta có ý muốn xử dụng sức mạnh đó hay không”(18)
Năm 1954 cho dù Mỹ thực hiện kế hoạch Kên Kên hay xử dụng bom A chiến
thuật, Trung cộng, Sô viết cũng dám đối mặt. Mỹ có bom nguyên tử năm 1945 mà
mãi tới tháng 6-1949 Nga mới có nhờ đánh cắp tài liệu của Mỹ. Nói chung vũ khí
cổ điển cũng như vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn trội hơn khối CS, vả lại Nga bị tàn
phá nặng trong Thế chiến thứ hai không muốn một cuộc chiến lớn khác
Cuối cùng từ kế hoạch Kên Kên, kế hoạch B cho Pháp mượn khoảng 15 oanh
tạc cơ B-29 cho tới dự định ném bom nguyên tử cứu nguy ĐBP đều chết lịm không
đi tới đâu.
Mười
voi không được bát nước sáo.
Trọng Đạt
(1) Theo Henri Navarre, toàn chiến trường Đông dương
năm 1954 Pháp có 175 máy bay oanh tạc cơ,
Agonie de l”Indochine trang 230. Theo Bernard Fall không quân Pháp năm
1954 có chưa tới 100 máy bay chiến đấu, Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien
Bien Phu trang 458
(2) Bernard Fall, Hell In A Very Small
Place trang 300. Fredrik Logevall, Embers Of War, The Fall Of An Empire And The
Making of America’s Vietnam , trang 457
(3) Fredrik Logevall, Tro Tàn Cuả Chiến
Tranh, Sự Suy Tàn Của Một Đế Quốc Và Sự Thành Hình Một Việt Nam Của Mỹ, dầy 840 trang, in năm 2012. Embers Of War,
The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam
Ted Morgan Thung Lũng Tử Thần,Thảm Kịch Điện Biên Phủ Đã Đưa Mỹ Vào Cuộc
Chiến Việt Nam , The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led
America In to The Vietnam War, dầy 722 trang, in năm 2010
(4) Bernard Fall Hell in a very small place
trang 299. Tại các trang 306, 307 tác giả nói về Dulles đề nghị với Bidault
ngày 14-4-1954
(5) Ted Morgan,The Valley of Death , trang 393
(6) Sách kể trên trang 393
(7). Fredrik Logevall, Embers of War các trang
498, 499, 500
(8) Ted Morgan,
The Valley of Death các trang 478, 479, 480
(9) Sách kể trên, trang 476: The crucial, Rashomon-like meeting with
Bidault makes it difficult to determine what was actually said
(10) Sách kể trên, trang 492
(11) Sách kể trên,
trang 482
(12) Sách kể trên,
trang 399
(13) Sách kể trên, trang 414
(14) Sách kể trên, trang 323, 324
(15) Bernard Fall, Hell In A Very Small
Place trang 312
(16) Hell In A Very Small Place trang 462
(17) We
should have bombed the hell out of them the minute we took office.
Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 248
(18) Richard Nixon, No More Vietnams trang
148
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét