GIỮA MÙA GIÁNG SINH (Trọng Đạt)


    Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Giáng Sinh, còn mươi hôm nữa là Tết Tây, người người nô nức đi mua sắm tại các cửa hàng cửa hiệu, tưng bừng rộn rã, tống cựu nghinh tân, năm cũ đi, năm mới lại, giòng đời vẫn lặng lẽ trôi nhanh.
    Mấy năm trước đây, tôi dọn về ở khu phố này đúng vào mùa Giáng Sinh, một khu nhà ở trung bình, bên phải tôi là một ông trắng, bên trái là một ông đen, ông nào cũng vui vẻ cả. Tôi và ông trắng hay đậu xe phía sau nhà nên thỉnh thoảng có gặp nhau. Dọn nhà được mươi ngày tôi gặp ông lần đầu, hôm ấy tôi ghé vào sau nhà ông hỏi thăm xã giao cho có tình hàng xóm. Đó là một ông già gần bảy mươi to, cao, vạm vỡ, hôm ấy ông nói đã về hưu mấy năm rồi, hồi xưa trong binh đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ông già ở một mình, tôi được biết vợ ông nay ở tiểu bang khác, ông không có con, cụ thân sinh  còn sống, ở cách đây gần hai chục dặm, nhà này ông mua lâu rồi .

    Người ta nói ông này ở dơ lắm.
    Khoảng nửa năm sau, bỗng dưng không thấy ông đâu cả, vắng nhà mấy tháng ông lại trở về, gặp tôi ông đều chào hỏi:
    - How are you today? Anh mạnh giỏi chứ?
    Được biết ông đi nằm bệnh viện giải phẫu đầu, não gì đấy, ông bị tâm thần. Lúc này mới biết ông bị bệnh, chắc là một chứng nan y. Ông già có thái độ bất cần đời, nghĩ rằng mình chẳng còn sống bao lâu, cỏ mọc trước sân cao đến đầu gối, ông cũng mặc kệ, tòa tỉnh cảnh cáo mấy lần ông mới chịu kêu người cắt, tôi có cắt dùm ông một lần. Không bao giờ ông tưới cỏ, nắng Texas như đổ lửa, nứt cả đất, cháy cả cỏ ông cũng thây kệ, muốn đến đâu thì đến.
    Qua năm sau, tôi thấy ông suy yếu rõ rệt, trông ông  có vẻ khá giả vì thấy ông đi xe mới, người to cao nên mỗi lần chui vào xe khó khăn lắm, xe bị đụng mấy lần, sửa đi sửa lại. Sau ông mua chiếc xe Cadillac to lớn, trông bề thế, loại xe đắt tiền, ít lâu sau lại bị đụng xe, phải kéo đi tiệm sửa. Ông gõ cửa nhà tôi mượn điện thoại, điện thoại nhà ông bị hư. Giời ơi, lúc này tôi mới để ý, ông lão hôi quá, hôi như tổ cú vậy, quần áo ông nhàu nát cũ kỹ, cả tháng không giặt, ông ra khỏi nhà tôi cả buổi rồi mà mùi hôi vẫn còn nằm trong phòng khách. Ông cho biết gọi điện thoại cho bố nhờ giúp đỡ. Mấy hôm sau tôi thấy cụ thân sinh ông ở đằng sau nhà, một ông cụ trạc chín mươi nhưng trông tỉnh táo hơn, người thấp thấp. Tôi thở dài nghĩ bụng:

     “Trời ơi ! Ông bố đã chín mươi cái xuân còn phải đi lo cho ông con bảy mươi, thật là báo đời báo kiếp! báo đến già vẫn chưa hết ”.


     Lúc này thấy ông ngày càng bệ rạc hơn trước, quần áo hôi hám, sộc sệch. Có lần ông châm thêm nhớt xe ở sau nhà, tự nhiên quần tụt xuống, ông cũng thây kệ, tôi nói cho ông biết nhưng ông chỉ cười xoà. Tóc tai ông lão rũ rượi, râu ria lởm chởm, nước da ông vàng bủng như người sốt rét ngã nước, đôi mắt ông nhìn xuống đượm mầu chán chường tuyệt vọng, thoáng một vẻ đau đớn về tinh thần và thể xác. Có lẽ biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa nên ông chẳng còn thiết gì đời, ăn mặc dơ dáy lắm. Ông cất bước đi vào nhà một cách nặng nề, đôi chân lê trên mặt đất thật chậm chạp vì phải mang một tấm thân to lớn. Hôm nay ông cũng không quên chào tôi “How are you today?”. Mỗi lần nhìn ông tôi lại thấy nổi lên trong lòng một nỗi u hoài khó tả vì phải chứng kiến một cảnh đời bi thảm, một cảnh bi thảm tại một xứ văn minh sung túc, tôi biết chắc ông ấy cũng sắp về Nước Chúa đến nơi rồi. Cuộc đời là bể khổ, Đông với Tây chỗ nào cũng thế.
     Một hôm đi làm về, tôi đậu xe đằng trước. Thấy tôi, ông vội chạy ra nhờ chở đi chợ Kroger mua đồ ăn, xe ông lại bị đụng phải đem đi sửa. Bất đắc dĩ phải chở ông đi chợ. Giời đất ơi, tôi muốn chết ngạt vì cái mùi hôi bốc ra từ quần áo của ông. Bước vào xe ngồi, xe tôi như nghiêng hẳn đi vì ông nặng quá. Lúc về tôi bực lắm, quyết từ nay không bao giờ giúp ông ấy nữa. mùi hôi cứ ở lỳ trong xe tôi mãi mới hết. Có người bạn tình cờ vào nhà ông ấy nói nó hôi thối y như cái chợ cá, thùng rác ngay đầu giường, chuột, gián .  .  . . tùm lum. Mà thật vậy, mỗi lần ông mở cửa sau, cái mùi chợ cá xông ra tận bên nhà tôi, thật không ngờ một ông Mỹ trắng lại ở dơ đến thế.
    Từ đấy tôi nhất quyết không cho mượn điện thoại, dứt khoát như vậy. Một hôm đang chăm sóc mấy cây hoa hồng đằng trước, tôi bỗng thấy mùi hôi, rồi ông ta hiện ra  hỏi mượn điện thoại, tôi từ chối nói sắp phải đi ngay, ông buồn rầu bước sang nhà khác. Nhìn vẻ mặt thất vọng của ông tôi cũng ái ngại lắm, tôi lại tự trách mình sao ác quá, ông ấy hỏi mượn cái điện thoại mà cũng từ chối. Nhưng dù ái ngại tôi cũng cương quyết không cho ông ấy vào nhà, giúp ông rồi ông sẽ nhờ mãi, phiền lắm.
    Tôi bèn viết thư cho tòa tỉnh city.

    Thưa quí Tòa
   Ông hàng xóm tôi, cựu chiến binh già lão lắm, không bà con bạn bè, không xe cộ, điện thoại, rất cần giúp đỡ... Ông ấy khổ lắm .  .xe hư , điện thoại cũng hư.  Ông mượn điện thoại hàng xóm người ta không cho mượn vì ông ấy hôi quá!... nhà ông hôi như cái chợ cá , một tổ vi trùng! Tôi có giúp ông ấy vài lần, nay không thể giúp được nữa. Xin quý tòa giúp cho ông để cải thiện cuộc sống cho ông ấy đỡ khổ.
       Xin đa tạ quí Tòa

    Mấy hôm sau có một ông nhân viên gọi điện thoại trả lời tôi, ông cho biết đã chuyển thư sang ban xã hội, hội từ thiện gì đấy. Lúc này ông không hỏi mượn điện thoại nữa, mặc dù bị tôi từ chối nhưng mỗi khi gặp nhau ông vẫn chào hỏi vui vẻ How are you today? Anh mạnh giỏi chứ? Tự nhiên tôi lại cảm phục tấm lòng bao dung, độ lượng của ông, của những người Mỹ không bao giờ biết giận là gì, tôi cư xử với ông ấy hơi tệ thế mà ông vẫn vui vẻ như thường thật đáng kính phục thay. Tôi cũng cảm thấy một chút hỗ thẹn ở lương tâm về cách xử sự của mình với ông ấy.
     Độ này không thấy ông nhờ tôi, bốn năm tháng sau mới thấy ông mượn cái kìm, cái búa, hay xin chút đồ ăn vì xe hư không đi mua được. Rồi thỉnh thoảng lại thấy ông đi mượn điện thoại các nhà hàng xóm, tức quá tôi lại viết thư lên tòa tỉnh, kể lể dài hơn.

      Thưa quí tòa
    Ông hàng xóm của tôi khổ quá , xe hư lại không điện thoại .  .   .  .  .
.   .   .   .   .   ..
    Xin quý tòa giúp ông ấy !

     Mấy hôm sau, một bà nhân viên gọi điện thoại cho tôi, bà phụ trách về vấn đề hàng xóm, bà hỏi tôi một số chi tiết về ông già và cho biết bà sẽ cố liên lạc với ông ấy. Mấy tháng sau, người ta mở cửa trước, cửa sau nhà ông để tổng vệ sinh, mùi hôi hám ghê sợ tỏa ra khắp nơi, họ thay thảm cho ông, thu dọn rác rưởi trong nhà, nào  ấm sứt vòi, ly tác bể, ghế ba chân …  cho vào bao, rồi vất cả đống ra đằng trước vườn. Nhà ông được quét dọn sạch sẽ, tôi mừng cho ông mà cũng mừng cho tôi nữa.
    Tuần trước thấy xe ông bị đụng bể cả cửa kính. Độ này thỉnh thoảng mới gặp ông ở chỗ đậu xe sau nhà, thấy ông suy nhược lắm, nét mặt đau khổ đáng thương, tôi có cảm tưởng như ông phải miễn cưỡng kéo lê cái tấm thân tàn này cho đến chết và có lẽ ông cũng mong Tử Thần đến đem đi cho rảnh cái nợ đời. Mỗi lần nhìn ông tôi lại chợt nghĩ đến ý nghĩa của nhân sinh: Đời là bể khổ? Chết là giải thoát? .


     Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh.  Tối qua thức khuya đi mua sắm đồ đạc, sáng nay tôi ngủ dậy trễ. Lúc chín giờ rưỡi sáng tôi nghe thấy tiếng nhiều người nói chuyện trước nhà, ngủ thiếp đi một lúc cả giờ đồng hồ vẫn thấy họ nói chuyện, cười cợt. Tôi lấy làm lạ sao họ nói chuyện gì mà lâu thế nên bèn hé mành nhìn ra thấy vài ba xe cảnh sát, một xe truck đậu trước nhà tôi và nhà ông, mấy người cảnh sát đứng nói chuyện um sùm. Biết là có chuyện chẳng lành, tôi vội khoác áo lạnh chạy ra vườn trước nhà, tôi thấy hai người khiêng xác ông ấy từ trong nhà đi ra đút vào trong lòng một chiếc xe cứu thương đậu ở bên kia đường.
     Lạ thay, khi tôi ngủ li bì thì không thấy họ khiêng ông ấy lại đợi đến khi tôi chạy ra, chắc là ông nhắc tôi chạy ra để nhìn thân xác ông một lần chót, chắc hẳn là như vậy. Mọi người vẫn nói cười vui vẻ. Người Mỹ lúc nào cũng thản nhiên như không, dẫu cho gió bão chết cò, đổ đình đổ chùa hay cháy nhà hàng xóm họ vẫn bình chân như vại. Tôi chạy lại hỏi một chị cảnh sát  Mỹ đen đang đứng trước vườn nhà tôi:
    -Ông ấy làm sao thế?
    -Ông ấy chết rồi, tối hôm qua.
    -Thế à!
    Nhìn vẻ mặt xúc động của tôi, chị cảnh sát hỏi:
    -Anh thấy ông ấy lần chót hôm nào?
    -Mấy tuần trước, tuần rồi thấy xe ông ấy bị đụng bể cửa kính.
    -Đụng hôm thứ sáu, ông lái về nhà được. Sáu hôm sau mới chết. Ông ấy biết trước là chết nên đã gọi ông cụ thân sinh, ông cụ kia kìa!
     Vừa nói chị vừa chỉ tay về chiếc xe truck đậu ngay trước cửa nhà tôi.
    Tôi chạy lại xe hỏi thăm ông cụ bố nay cũng độ ngoài chín mươi, cụ vui vẻ hỏi tôi :
    -Anh ở bên cạnh hả?
     Rồi cụ thẫn thờ suy tư như nhớ lại bảy mươi năm trước đây cụ đã bế trên tay một đứa trẻ sơ sinh mở mắt chào đời, nâng niu ôm ấp một cái mầm sống thân yêu, nó là nguồn hạnh phúc của đời cụ. Thời gian trôi qua, đứa trẻ lớn lên, sống những ngày tươi đẹp của tuổi hoa niên rồi già lão, bệnh hoạn và bây giờ nhắm mắt lìa đời. Bảy mươi năm trôi qua đánh vù một cái, nó tuy ngắn ngủi nhưng cũng quá đủ để chấm dứt một kiếp người.
     Thế rôi mọi người vội vã lên xe đóng cửa rầm rầm để đưa ông ấy đi, không kèn, không trống, không một tiếng khóc than, không một giọt lệ sầu mà chỉ thấy toàn là những tiếng cười. Tôi không biết họ đưa ông ấy đi đâu, lên nhà thương? nhà quàn? hay ra nghĩa địa? Ở cái xứ sở giàu có sung túc nhất thế gian này con người vẫn chưa thoát khỏi những nỗi khổ ải, trầm luân. Trong lòng tôi cũng thầm mừng cho ông nay đã rũ sạch nợ trần.
    Họ vẫy tay chào tôi rồi vội vã lái xe chạy vùn vụt về cuối phố.
    Mặt trời đã lên cao tỏa ánh nắng vàng rực rỡ trên các mái nhà, cành cây, ngọn cỏ. Đường phố lúc này vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Thiên hạ nô nức đua nhau đi mua quà chúc mừng ngày lễ đã gần kề, chỉ còn lại một mình tôi đang đứng ngẩn ngơ nhìn về cuối phố, trong lòng xót xa vô hạn…
    Một nỗi buồn mênh mang thấm thía và một niềm ân hận bàng bạc ở đâu kéo đến xâm chiếm lấy tâm hồn tôi giữa một mùa Giáng Sinh tưng bừng rộn rã….

Trọng Đạt

Không có nhận xét nào: