VNĐM

Ngườm Ngao- danh thắng bị bỏ quên?
Hỏi bất kì 3 người ở Cao bằng về Ngườm Ngao, một người trả lời không biết, hai người trả lời có nghe nói nhưng chưa đến thăm.
Khách du lịch đến Bản Giốc nếu không đi theo Tour nhiều khi cũng bỏ qua Ngườm Ngao.
Ngườm Ngao cùng với thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện
Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đường vào Đàm Thủy, khi còn cách Bản Giốc khoảng 1km, rẽ phải 1,8km là tới khu vực Ngườm Ngao.
Từ điểm đón tiếp, du khách phải leo hơn một nghìn bậc thang lên đỉnh núi và đi xuống một cánh đồng nhỏ, phía cuối cánh đồng là cửa động Ngườm Ngao.
Theo tiếng Tày, ngườm có nghĩa là động (hoặc hõm), ngao là hổ. Ai đó đã có bài thơ vui:

Không đi không biết Ngườm Ngao
Đi rồi mới biết hao hao Ngườm nhà
Ngườm nhà là của Ông Bà
Ngườm Ngao tài sản quốc gia (chúng mình?)


Thời kì chiến tranh năm 1979, người dân xã Đàm Thủy kéo vào hết trong hang, đưa cả trâu bò, gia cầm vào. Các cửa hang đặt súng do dân quân địa phương canh gác.

Do đi cùng dân địa phương nên chúng tôi bị từ chối mua vé du lịch, dù tôi đề nghị mua vé là góp một chút vào việc bảo tồn khu vực này. Và dù tôi nói với người phụ trách, bọn tôi sẽ tự đi vào nhưng ban quản lí cũng cử một cô đi cùng vào để hướng dẫn. Cô phụ trách bảo: Đằng nào cô ấy cũng vào để nhặt rác trong hang, vì trong hang không đặt thùng rác, sợ có mùi hôi.
Thực ra có người hướng dẫn vẫn hay hơn, cũng có những điều người dân địa phương hoặc chưa biết hoặc chưa kịp cảm nhận.

Động Ngườm Ngao dài hơn 2km, là một động lạ, đẹp độc đáo. Cách đây hơn 10 năm khi chưa có sự quản lí, người dân địa phương đã cưa mất một số mẩu đá từ trên thả xuống. Mà theo cô dẫn đường, mỗi năm nhũ đá chỉ dài thêm 1cm. Ấn tượng nhất ở đây có phong cảnh ruộng bậc thang, vạn lí trường thành bằng đá rất sống động. Đáng tiếc máy ảnh của tôi không thể chụp để mọi người cảm nhận được những cảnh đẹp mô phỏng bằng đá đó.

Nghe nói khi về Cao Bằng Hồ Chủ Tịch dự tính ở lại Ngườm Ngao nhưng do hang quá lạnh hoặc nơi đây không thuận tiện và không gần biên giới lắm nên đã chuyển sang Pắc Pó. Một người dân kể lại vậy, còn trong lịch sử chưa nói về điều đó.


Động Ngườm Ngao được dân nơi đây tìm thấy 1921 nhưng đến năm 1925 một nhóm người đến đây gồm 3 người Pháp, 2 người Việt (một người Việt tên là Vi Văn Định, không biết có phải là Tổng đốc Vi Văn Định, bố vợ của GS Hồ Đắc Di không?) đã khắc tên lên một phiến đá ở cửa hang (chữ khắc khá đẹp nhưng có thể ai đó đã làm xây xước trong thời gian chưa quản lí), coi như họ là những người đầu tiên có tên đến nơi đây.


Tôi đã đến nhiều động ở Việt Nam nhưng để so sánh, không có một sự so sánh nào vì nơi đây hầu như mang đến cho tôi sự khác lạ, mà những động khác không có. Tôi nói danh thắng này bị bỏ quên là qua phỏng vấn 3 người ở Cao Bằng thôi chứ chắc cũng đã nhiều người biết, có chăng họ chưa có dịp đến nơi đây thôi.

Không có nhận xét nào: