Vũ Thế Phan

Miếng đất đen, đọi máu đỏ

Về vụ việc này, nhà tôi có câu nhận định ởm ờ dây thun cứ như thể hai chữ «nhân dân» qua lời bình giảng tân biên của ngài Đại tà-Tiện sỉ Nguyễn Văn Quang mà do tầm ‘phó dân trí’ còn hạn chế nhất định, tôi vẫn chịu, chưa nắm rõ mà, khốn nạn thân tôi, anh chàng sông Lam núi Hồng Lĩnh ‘nghệ  sĩ trí ngủ này lại không chịu giải thích: «cái gì đã nẻ ra cái gì? Nói theo chỉ đạo cho nó lành: âu cũng tại miếng đất...»

Ven con đường Điện Biên Phủ có một miếng đất dài khoảng 60 thước, bề sâu chừng 30 thước. Trên đó có ba căn nhà gạch tráng xi-măng, lợp ngói âm dương, chung vách, chung hiên xây theo lối nửa ta nửa tây, tuy thế, theo chuẩn luật định về xây dựng trên giấy hiện hành, vẫn còn khá khang trang, kiên cố; vẫn là một ước mơ khó thành hiện thực của chí ít vài chục...triệu công dân ở xứ ta, thời điểm tôi thuật bài này, 12/2011.

Trước 1975, cái sân của cả ba căn nhà này không có rào nên rộng rinh. Sau 1975, từ nhà này qua nhà kia có một hàng rào nhỏ, ngăn hờ ra làm ba gia đình vốn là ba chị em ruột. Sau lưng mỗi nhà là miếng vườn hình chữ nhật ngăn bằng rào tre, nhìn chung trên đó trồng đại khái giống nhau là rau ráng thường dụng (hành, ngò...), cây quả phổ thông (xoài, ổi...). Trước mỗi nhà là một khoảng sân lót gạch nung màu nâu đỏ, vuông vắn độ 30m2, đó đây chấm phá mươi chậu cây kiểng, chạy ra tới cổng rào bằng gỗ sơn màu trắng, gần sát với đường Điện Biên Phủ. Ba căn nhà này tôi đánh số theo thứ tự 1, 2, 3 cho dễ viết tiếp. Sát bên hông căn số 3 còn trồi ra một khoảng đất chừng 150m2.

Trọn cơ ngơi ven mặt tiền đường Điện Biên Phủ này vốn là một trong mấy thành tựu vật chất do Bọ tôi, gốc Quảng Trị, đã trần thân gầy dựng được cho tới khi ông qua đời năm 1972, và là di sản ông để lại cho ba anh chị em tôi, tức cháu kêu ba chị em ruột nêu trên bằng dì và cậu, vì Mạ tôi là chị đầu của họ. Vì lý do có cùng nỗi uất ức đối với bên nhà chồng nên năm 1960, Mạ tôi và Mệ Ngoại mang anh em tôi di cư qua Kampuchia. Bấy giờ tôi mới 3 tuổi. Từ khi qua xứ Chùa Tháp cho đến khi Bọ tôi qua đời, Mạ tôi có trở về vài lần, nhất là năm 1971, lúc Bọ tôi đã bắt đầu trở bệnh. Trong dịp này, Bọ tôi đã giao lại cho Mạ tôi toàn bộ giấy tờ bất động sản có tên ba anh chị em tôi.

Bọ tôi mất, Mạ tôi vẫn quyết định trở qua Kampuchia và cho ông Ngoại, gia đình dì Đàn (sage-femme, nữ hộ lý), gia đình cậu Tuý (giáo sư Đại học ban văn) vào ở mỗi hộ một căn, hoàn toàn miễn phí, hơn nữa sau khi làm ăn vững vàng trên xứ Chùa Tháp, rồi qua Tây Đức sau 1975, Mạ tôi còn thường xuyên gửi nhu yếu phẩm ‘đầu tiên’ về giúp đỡ cả hai bên nội ngoại.

Mạ tôi còn một người em kế, dì Thương - nữ anh hùng vô bưng năm 1968, lúc dì 17 tuổi. Sau khi Miền Nam bị / được giải phỏng, vợ chồng dì Thương khải hoàn về thành, không nơi ngã lưng, ông Ngoại cho về ở chung. Rồi ông Ngoại qua đời, gia đình dì Thương 3 người vẫn ở đó. Cần nói rằng sau 1975, tất cả bất động sản kia vẫn thuộc sở hữu của họ tộc bên nội chúng tôi, mấy dì cậu chỉ được phép ở vậy thôi.
Mệ Ngoại qua đời tại Tây Đức năm 1984. Năm 1990, Mạ tôi đưa tro về xây tháp trong ngôi chùa Ni mà Mệ Ngoại và Mạ tôi đã bảo trợ từ 40 năm qua «để ngày ngày cụ được nghe kinh kệ hầu sớm siêu thăng», do đó từ sau 1975 cho tới khi tôi viết những dòng này, Mạ tôi về thăm Việt Nam tổng cộng trên dưới 30 lần.

Chuyện di sản Bọ tôi để lại, ba anh chị em tôi đều tỏ tường, nhưng chẳng đứa nào màng tới, đơn giản là vì có di sản mà người chung quanh di sản chưa lành thì chim viễn xứ nào dám làm tổ. Hà chính mãnh ư hổ, vẫn đúng. Và năm 2003 anh chị em tôi đã đồng ý sang tên cho hai dì một cậu, mỗi người một căn nhà. Riêng miếng đất 150m2 bên hông căn số 3 thì chúng tôi đồng lòng giữ lại với ý định chung nhau xây một căn nhà nghỉ tầm tầm bậc trung, để trong họ tộc bên này ai về qua đó thì cứ vô mà ở, hầu ít ra tránh được chuyện «hai giá» không-ra-làm-sao trong dịch vụ khách sạn nói riêng thôi mà bực mình đến không khéo mang tội bêu rêu, phụ lòng người hoài bão trồng Đề hoá Đa, trồng Người ta lại nẻ ra khối khối Cuội.
* * *
Làm xong thủ tục lấy phòng trong khách sạn HY, vợ chồng tôi đến 3 căn nhà trên đường Điện Biên Phủ. Chủ ý của tôi là muốn giới thiệu ông cháu rể bằng xương bằng thịt cho các dì cậu và đám em mà trước nay họ chỉ mới được nghe tiếng tổ mê…muội văn chương xứ sở 4.000 năm văn hiến và nhất là tai tiếng có «dúm óc toàn sạn» đối với cái buá cái liềm từ trên 30 năm qua. Tôi đã theo Mạ tôi về đây mấy lần rồi. Chuyến này, 2008, chàng theo tôi về lần đầu, dì cậu tôi hoàn toàn không biết hai đứa tôi về.

Theo tôn ti lời Mạ tôi dặn, chúng tôi vào nhà số 1 trước, nhà bà dì vô bưng, có chồng cũng dân vô bưng, mà do ai đó trong rừng ghép xổi thành cơm. Căn nhà đã đổi chủ, dì Thương bán căn này ngay sau khi được sang tên, mua căn khác, nhỏ và kém hơn hầu dư ra để xoay xoả chuyện giữa tháng - đầu và cuối tháng đã có lương công nhân viên; cách rất xa hai người em không tập kết, chẳng vô bưng mà là Maulwurf (Mole, chuột chũi). Vợ chồng dì Thương vốn chỉ biết mỗi nghề Pằng pằng, nên sau khi oai phong ngửng mặt ngút trời bước qua khỏi khải hoàn môn, hát xong khải hoàn ca là hết, là «sạch» hung hơn dì cậu khác!

Qua nhà dì Đàn, vui lắm, vì chồng dì là ‘nghệ sĩ đánh trống cổ nhạc’ (lời ông chồng ‘nghệ sĩ’ của tôi), đúng ra theo tôi thấy-sao-nói-vậy đó là gõ trống chầu văn tức tương đương với điệu trống trong các lễ hội lên đồng, nhập cốt. Thưa chư vị bạn đọc: nội cái vụ đặc danh này thôi hai đứa tôi đã từng tranh luận toé khói các lò Bọ-Xít, du di ra cũng được hai ba bài đặc sản. Vả lại nhà này có con em họ nay đã là giáo sư Piano mà nhà tôi đã giúp đỡ ngay từ cái Organ đầu đời của nó. Nó đang ở Hà Nội, nhận được tin, «khẩn trương» lấy xe lửa tốc hành chuyến đêm về ngay: ‘Em cứ xoay mọi cách mà về, anh chu hoàn cho hết’, nhà tôi khích lệ. Nhà tôi háo hức lắm, chẳng là cũng chỉ muốn gặp «dân nghệ sĩ» như mình ngay trên quê hương. Tối đến có màn văn nghệ, nữ giáo sư tương lai tên Ý vừa hát vừa đệm bằng cái Organ Yamaha nhà tôi tặng nó. Nhà tôi chỉ ngồi lim rim thưởng thức, tảng lờ chuyện mượn Mai-crồ - theo ‘chỉ thị’ của tôi từ trước, đại khái là vì lão ta chỉ nhập tâm nhạc của chính lão ta thôi. Mà nhạc lão ta lại ‘rất khó nghe’, không hạp với thể tạng hiện tình đất nước!

Sổ đỏ căn nhà số 3 đã chính thức mang tên cậu Tuý từ hơn hai năm qua. Cậu Tuý năm nay mới ngoài năm mươi, trạc tuổi ông anh cả của tôi. Chào hỏi nước nôi, chuyện vãn một hồi, tôi nói qua với cậu Tuý, kéo nhà tôi ra bên hông nơi có miếng đất nằm trong dự tính chung của ba gia đình anh em chúng tôi bên này. Cậu Tuý đi theo, dáng vẽ lạnh lùng. Tôi đã hơi chột dạ. Hàng rào đã bị dọn. Trọn miếng đất đã được tráng xi-măng, lót gạch bông màu nâu, được che bằng bạt nhựa màu xanh lá cây dày, chống đở bởi hăm mấy cột sắt cỡ bắp chân, chắc chắn, dưới là 8 cái bàn bi-da, mỗi bàn có mấy thanh niên đang đấu thí, giải thưởng đương nhiên là bằng tiền cụ. Tôi ngạc nhiên nhưng không hỏi cậu Tuý, vì không biết Mạ tôi có biết sự thể này chưa. Cậu Tuý trở vào nhà. Theo sau vợ chồng tôi từ đó luôn luôn có thằng em con cậu Túy lẽo đẽo đi theo, lườm gườm như rình trộm.

Khuya đó, trong khách sạn HY, nhà tôi nói «coi mòi có ‘diễn biến hoà bình’ rồi em ơi». Tôi cũng chỉ nhếch mép cười tuy biết lão ta đánh hơi hơi nhạy cảm. 

Trở lại Đức, tôi gọi vấn an Mạ tôi, hỏi sơ chuyện miếng đất. Mạ tôi bảo để hỏi lại cho kỹ. Cuối tuần đó tôi đến thăm Mạ tôi tại nhà thằng em (khác cha sau này), kể lại ngọn ngành cho Mạ tôi và vợ chồng nó nghe. Nhìn thẳng vào bà. Mạ tôi hướng đi chỗ khác, tránh ánh mắt tôi. Im lặng hồi lâu, bất chợt oà lên khóc:
  Cậu Tuý đã cướp luôn miếng đất của mấy đứa rồi !

  ! ! !
Mạ tôi nức nở một lúc, ngẹn ngào:

  «Ngay sau khi làm xong thủ tục sang tên cho nó căn nhà, cậu Tuý đã bóng gió về miếng đất đó. Rồi nỏ biết nó bùa phép ra răng mà nó có Sổ hồng hẳn hoi (*), chứng nhận quyền sở hữu luôn miếng đất đó. Dì Thương, dì Đàn đã cho Mạ biết rõ chuyện ni từ hơn năm nay, nhưng Mạ không dám nói ra vì Mạ quá xấu hổ với các con, vô phúc có thằng em khát miếng đất đen nốc luôn đọi máu đỏ!»

  Vậy chẳng lẽ Mạ không hỏi cậu ấy sao?

  Nó không nhận điện thoại. Lần cuối Mạ về làm giỗ cho Bọ và Ông Mệ, nó đưa cả nhà nó tránh mặt tận Hà Nội. Hai dì cự nó, nó sừng sộ «không phải chuyện của hai O, đừng xiá vô.». Mà kiện tụng mần chi con ơi, cũng rứa, chỉ thêm xấu hổ tông đường họ mạc. Hơn nữa mình là khúc ruột thừa vạn dặm. Nó là đảng-viên-trí-thức-hương-nguyện! Mạ tôi nấc lên. Rừng luật pháp hiện hành ở nước ta chủ yếu là để kẻ có quyền có thế phạm pháp một cách hợp pháp: «pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu / pháp luật bủa giăng, trộm cướp càng nhiều» là thế đó. Thôi thì, ba đứa cứ coi như đã cùng Mạ cúng dàng hồi hướng cho Bọ, cho Ông Mệ.

Về vụ việc này, nhà tôi có câu nhận định ởm ờ dây thun cứ như thể hai chữ «nhân dân» qua lời bình giảng tân biên của ngài Đại tà-Tiện-sỉ Nguyễn Văn Quang mà do tầm ‘phó dân trí’ còn hạn chế nhất định, tôi vẫn chịu, chưa nắm rõ mà, khốn nạn thân tôi, anh chàng sông Lam núi Hồng Lĩnh ‘nghệ sĩ trí ngủ’ này lại không chịu giải thích: «cái gì đã nẻ ra cái gì? Nói theo chỉ đạo cho nó lành: âu cũng tại miếng đất…»; «giàu như Bill Gates cũng chỉ ngày ba bữa, tối ngủ một giường». Nghe mà anh ách chi mô.
Miếng đất đen, đọi máu đỏ
«Mưa nắng gió có nguồn cơn»: quả đúng không sai. Hèn chi hai hè vừa qua Mạ tôi không còn chộn rộn nôn nao về quê cha đất tổ như mọi khi, mà chỉ kéo bằng được tôi tháp tùng qua Dallas (Mỹ), dầu tựu trung qua đó «mưa nắng gió» thế nào hai Mạ con vẫn một lòng cương quyết nằm đắp chăn trường kỳ luyện phim tập Kim chi lồng tiếng Việt cả tháng trời, đồng thời vô hình chung làm gác-dan 5 ngày / tuần cho căn nhà to đùng của vợ chồng thằng em cùng-nguyên-liệu-cùng-khuôn-lỗ vốn thừa lòng hiếu thảo, chỉ cái tội thiếu thời giờ thủ thỉ với bà Mạ già đoạn trường lặng lẻ bấy lâu nay, nay đã 85 và bà chị nửa Á, nửa Âu nắng trưa nghiêng đã lâu, màn đêm chưa nỡ tới là tôi - người tam toạng bài này.
Vũ Thế Phan
Ghi chú :

Không có nhận xét nào: