Peter Navarro và Greg Autry.

'DEATH BY CHINA' : Đọc và chết lặng
Trang 5 / 5

4. Sữa melamine - “vũ khí hủy diệt hàng loạt”

Trong phần đầu tiên của cuốn sách Death by China đã đề cập đến những sản phẩm độc hại “made in China” như sữa có chất melamine, đồ chơi trẻ em chứa độc tố…
Những dòng mở đầu cuốn sách lên án các nhà sản xuất Trung Quốc một cách gay gắt: “Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, những doanh nhân Trung Quốc vô đạo đức đang làm thị trường thế giới ngập trong cơn lũ hàng loạt hàng hóa làm hại xương cốt, gây ung thư, gây cháy nổ, độc và giết người. Đối với trẻ em, các sản phẩm nguy hiểm đó bao gồm từ vòng tay, vòng cổ và đồ chơi có chất chì, cho đến quần áo gây cháy và quần yếm chứa độc tố.
Dòng sữa… giết thận
Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry cho biết từ lâu nay, đồ ăn và thuốc của Trung Quốc luôn xếp số 1 trong danh sách bị chặn lại ở biên giới hoặc bị thu hồi theo lệnh của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu. Thế mà, điều đáng lo ngại là các hãng thuốc Trung Quốc đang chiếm phần lớn thị trường thế giới: 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, 33% lượng Tylenol và rất nhiều kháng sinh, enzim, vitamin (ví dụ họ cung cấp tới 90% lượng vitamin toàn cầu).

Melamine là một hóa chất hữu cơ rất giàu đạm (nitơ). Khi kết hợp với formaldehit, nó tạo thành keo melamine, rất bền nên được dùng để làm phoocmica, bảng trắng. Nó còn được sử dụng trong sản xuất chất cháy chậm, phân bón hoặc nhựa siêu dẻo. Đó là thứ hóa chất hữu ích nhưng nếu “bổ sung melamine” vào các sản phẩm như sữa bột trẻ em, thức ăn chó mèo, v.v. thì sẽ là… giết thận.

Tháng 9-2008, vụ bê bối “sữa melamine” bắt đầu ở Bắc Kinh, khi Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark, thông báo cho Bắc Kinh về hiện tượng sữa nhiễm độc nhưng phải tới giữa tháng thì chính quyền Trung Quốc mới có phản ứng (đặc biệt theo hướng ngăn chặn truyền thông đưa tin về sự cố).
 
Nhân viên nhà nước Trung Quốc đang tiêu hủy sữa nhiễm melamine.

Tính đến cuối năm 2008, ở Trung Quốc có gần 300.000 trẻ em bị bệnh sỏi thận và suy thận, sáu trẻ chết. 22 công ty sản xuất sữa đã cho melamine vào sản phẩm để tăng đạm. Theo Navarro và Autry, melamine vốn giàu nitơ, mà lượng nitơ đó thì rất giống như một hàm lượng protein cao. Nói cách khác, không phân biệt được đạm tự nhiên trong sữa với nitơ của melamine, kể cả thông qua xét nghiệm. Chưa kể melamine lại còn rẻ hơn nhiều so với đạm thật nên các nhà sản xuất mới đang tâm phạm tội. Điều đáng nói là bọn họ đã có tiền sử cho melamine vào thực phẩm từ năm 2007, tuy hồi đó “mới chỉ” giới hạn ở thức ăn chó mèo. Đồ ăn nhiễm độc đã làm chết hàng chục ngàn chó mèo ở châu Âu, Mỹ và Nam Phi.

“Mặt dày tâm đen”
Câu hỏi đặt ra như thường lệ, là tại sao họ làm thế? Navarro và Autry cho biết: “Đôi khi độc tố có trong thực phẩm và dược phẩm là hậu quả tình cờ của các yếu tố như kỹ thuật sản xuất thấp kém, xử lý không vệ sinh hoặc ô nhiễm đất, do môi trường bẩn”. Nhưng câu trả lời chính xác nhất, theo hai tác giả, là “sự suy thoái đạo đức” của người Trung Quốc, bắt nguồn từ sự đổ vỡ của những nguyên tắc Khổng giáo và một “khoảng trống đạo đức”. Suy thoái đạo đức thúc đẩy người ta săn tìm lợi nhuận bằng mọi giá; cộng thêm vào đó là nạn tham nhũng ở quan chức và hành pháp lỏng lẻo, kết quả là đã sản sinh ra một danh sách dài những hóa chất độc hại mà các doanh nhân “mặt dày tâm đen” (theo cách gọi của hai tác giả) cho vào thực phẩm và dược phẩm để thay đổi thành phần, hương vị hoặc để bảo quản.

Điều kinh khủng có lẽ là câu chuyện mà Death by China tiết lộ sau đây: Liên quan đến melamine, vào năm 2010, nhà báo Triệu Liên Hải (Zhao Lianhai) bị kết án tù sau một phiên tòa mà tại đó bị cáo không được quyền cung cấp bằng chứng. Nhưng tội của Triệu không phải là cho melamine vào sữa, mà lại là “gây rối trật tự xã hội”, do ông đã tìm cách công bố ra dư luận những vụ sữa nhiễm độc, mà con trai ông là một nạn nhân.

Navarro và Autry kết luận: “Đó là lý do tại sao CHND Trung Hoa sẽ không bao giờ có thể cung cấp cho chúng ta sản phẩm lương thực đảm bảo an toàn. Không như những quốc gia dân chủ nơi quyền tự do ngôn luận và tự do tập hợp là thiêng liêng và góp phần đưa ra ánh sáng những hành vi sai phạm, Trung Quốc che giấu tất cả…”.

Vì thế cho nên hậu quả không chỉ là sữa melamine, mà còn là heparin, trà, đậu xanh… nhiễm độc. Ví dụ như trà - một trong những đặc sản Trung Hoa. Death by China trích lời một cựu quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, tả lại kỹ thuật sấy khô lá chè: “Nhà sản xuất đổ lá chè lên sàn kho và dùng xe tải chà lên… để khí thải tỏa ra từ xe sẽ làm lá khô mau hơn. Và do Trung Quốc dùng xăng pha chì để chạy ô tô cho nên không còn cách nào hiệu quả hơn để biến lá trà xanh thơm tho thành một thứ vũ khí giết người”.

Còn ở Nhật Bản, một nhà phân phối đã nhập khẩu hơn 50.000 kiện đậu xanh đông lạnh từ Công ty Thực phẩm Yên Đài Bắc Hải (Yantai Beihai) ở tỉnh Sơn Đông. Một số lượng lớn người dùng thứ đậu này đã bị các triệu chứng buồn nôn và ói mửa khiến nhà chức trách phải vào cuộc điều tra. Kết quả là giới chức y tế Nhật Bản phát hiện thấy nồng độ thuốc trừ sâu trong sản phẩm cao gần gấp 35.000 lần hàm lượng cho phép.

Cuối cùng, với tựa đề Chết vì tay Trung Quốc, đối đầu với con rồng - lời kêu gọi hành động toàn cầu, cuốn sách không dừng lại ở mô tả thực trạng mà cũng đưa ra một số khuyến cáo. Đối với vấn nạn thực phẩm và dược phẩm bị nhiễm độc, cuốn sách cho rằng người tiêu dùng Mỹ cần xác định vài việc phải làm, ví dụ đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, đòi hỏi nhà nhập khẩu phải ghi rõ nước xuất xứ và ủng hộ những đối tác thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Mexico và Đức…
 
Peter Navarro và Greg Autry.

Không có nhận xét nào: