Chân dung một con người
“...Tác phẩm ‘Tổ
quốc Ăn Năn’ đã phê phán mạnh mẽ và tố giác không khoan nhượng tinh thần và tư
tưởng Khổng Giáo, một tư tưởng tôn thờ bạo lực và cúi đầu trước cường quyền,
quay lưng với bất công và cam chịu luồn lách để tồn tại...”
Con người đặc biệt mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay,
không ai khác đó chính là ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà hoạt động chính trị
hàng đầu của đối lập dân chủ Việt Nam. Ông hiện đang là thủ lĩnh của Tập Hợp
Dân Chủ Ða Nguyên (Tập Hợp), một tổ chức đối lập được xem là có nhiều tiềm
năng.
Ông Nguyễn Gia Kiểng là ai?
Từ điển Bách khoa toàn thư điện tử mở giới thiệu vắn
tắt về ông: "Nguyễn Gia Kiểng sinh ngày 8/11/1942 tại Thái Bình trong một
gia đình nông dân. Cha và các chú bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng,
một đảng chống Pháp giành độc lập đã thất bại trong cuộc tổng khởi nghĩa 1930 với
hậu quả là các lãnh tụ chính bị chế độ thuộc địa Pháp hành quyết. Sau Cách Mạng
tháng 8, Đảng Cộng Sản Việt Nam mở đợt khủng bố tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Ðảng,
hai người chú bị thủ tiêu, cha bỏ trốn. Bà mẹ bị Việt Minh truy bức hằng ngày
nên cuối cùng dẫn các con bỏ trốn về quê ngoại ở Hải Dương, rồi bắt liên lạc được
với chồng và dắt các con lên Hà Nội. Năm 1954, Nguyễn Gia Kiểng di cư vào Nam cùng
với gia đình.
Vào Nam, thân phụ ông lại bị truy lùng, vì là đảng
viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng và bị tình nghi là có âm mưu chống chính quyền Ngô
Ðình Diệm, phải trốn lên Pleiku ẩn náu cho tới khi Ngô Ðình Diệm bị lật đổ.
Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học năm 1961 và được học bổng đi du học Pháp.
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại Ecole Centrale de Paris, ông học thêm cao học kinh
tế làm việc tại Pháp năm năm rồi về nước năm 1973". (Wikipedia).
Có thể thấy được rằng ông là một thanh niên Việt Nam
ưu tú và xuất sắc, 19 tuổi ông đã nhận học bổng du học Pháp và "Trong thời
gian tại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại
Paris năm 1965 và chủ tịch Liên Minh Sinh Viên và Công Nhân Việt Nam tại Châu
Âu năm 1968. Ông là người lãnh đạo sinh viên và công nhân Việt Nam có ảnh hưởng
lớn nhất tại Pháp cho đến khi về nước. Về nước, ông làm chuyên viên ngân hàng
và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Ðức Sài Gòn, rồi làm phụ tá bộ
trưởng kinh tế với hàm thứ trưởng cho đến ngày 30-4-1975".
Tuổi 30, với một lý lịch khá khiêm tốn, ông Nguyễn
Gia Kiểng, sau khi về nước, đã được bổ nhiệm làm phụ tá cho ông Nguyễn Sơn Bá,
giám đốc Việt Nam Thương Tín. (Ông Nguyễn Sơn Bá là du học sinh cùng thời với
ông Nguyễn Gia Kiểng và chính ông là người đã giúp đỡ tận tình ông Nguyễn Gia
Kiểng sau khi ra tù. Ông là người bạn chí cốt với ông Kiểng và đồng thời cũng
là người tham gia sáng lập "Nhóm Thông Luận", tiền thân của Tập Hợp).
Không lâu sau đó, ông Nguyễn Gia Kiểng được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng
: "Thứ trưởng Bộ Kinh tế" của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Dù chưa được
sống dưới chế độ này nhưng chúng ta có thể tin rằng, chế độ này có nhiều ưu việt
và ông Nguyễn Gia Kiểng đã chứng tỏ ông là một thanh niên xuất chúng, là niềm tự
hào của bất kỳ một gia đình Việt Nam nào.
Thế nhưng số phận của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã
quá ngắn ngủi. Những người thanh niên trẻ, có nhiệt huyết và khả năng nhưng
chưa kịp trưởng thành và chưa kịp có tiếng nói quyết định vận mệnh của mình và
dân tộc mình thì Miền Nam đã thất thủ, gây ra nhiều cay đắng và oan trái cho biết
bao nhiêu người, trong đó có bản thân ông Nguyễn Gia Kiểng. Cũng như bao nhiêu
người khác trong bộ máy chính quyền cũ, ông đã bị đưa đi cải tạo hơn ba năm.
Trong thời gian bị đi cải tạo, ông Nguyễn Gia Kiểng đã "lập kỷ lục" về
những ngày bị biệt giam vì tội cứng đầu cứng cổ, không chịu viết kiểm điểm vì
ông cho rằng mình không có tội gì. Nỗi đau và sự mất mát lớn nhất của ông trong
thời gian đi cải tạo là đã mất đi người con gái đầu lòng, một đứa con của một kỹ
sư và một bác sĩ thành đạt, như lời ông tâm sự trong cuốn sách nổi tiếng
"Tổ Quốc Ăn Năn". Một thời gian sau ông được Võ Văn Kiệt, một người cộng
sản cấp tiến, mời về làm chuyên viên kinh tế cho Văn phòng Chính phủ, một
"đồng nghiệp" của ông Kiểng lúc đó hiện là đương kim chủ tịch nước,
ông Trương Tấn Sang.
Năm 1982, ông Nguyễn Gia Kiểng sang định cư tại Pháp
nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp. Tại đây ông đã hành nghề kỹ sư đồng thời
cũng là một doanh nhân. Ông có đủ mọi lý do để quên đi mảnh đất hình chữ S có
tên gọi là Việt Nam. Thế nhưng ông đã cùng với những người bạn thân thiết và
chí cốt thành lập ra nhóm Thông Luận, một tổ chức chính trị qui tụ nhiều người
Việt Nam yêu nước, mong muốn thay đổi triệt để nền chính trị mang nặng tư tưởng
Khổng Giáo. Xây dựng một nước Việt Nam "dân chủ và đa nguyên" bằng
phương pháp "bất bạo động" dựa trên tinh thần "hòa giải và hòa hợp
dân tộc". Chủ trương này của ông và Tập Hợp lúc mới ra đời đã bị chống đối
dữ dội, thậm chí bản thân ông Nguyễn Gia Kiểng đã từng bị một nhóm người Việt tấn
công và hành hung trong một lần ông đi diễn thuyết tại Hà Lan. Ðến nay những tư
tưởng và đề nghị của ông đã được nhiều người chấp nhận, ví dụ đấu tranh chính
trị là phải có tổ chức, một tổ chức chính trị là phải có một cương lĩnh, một tư
tưởng chủ đạo để làm chất keo kết nối các thành viên, mỗi người quan tâm đến
tình hình đất nước nên học hỏi và tìm hiểu về văn hóa tổ chức, văn hóa chính trị,
cần ưu tiên và đầu tư xây dựng các chính đảng có tầm vóc để làm đối trọng với đảng
cầm quyền, trí thức Việt Nam phải dấn thân và dẫn đường cho quần chúng nhân
dân, trí thức đồng thời phải là người sống lương thiện, thành thật với căn cước
thật của mình, dũng cảm và đoàn kết…
Ông Nguyễn Gia Kiểng là người uyên bác trong mọi
lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến xã hội… Theo người viết, ông Nguyễn
Gia Kiểng là một nhà tư tưởng chính trị lớn nhất và sẽ có ảnh hưởng nhất đối với
Việt Nam trong thế kỷ 21. Trước đó, đầu thế kỷ 20, Việt Nam cũng đã từng có một
nhà tư tưởng vĩ đại đó là ông Phan Châu Trinh. Cả hai ông đều không kêu gọi
dùng bạo lực để làm cách mạng, chỉ riêng điều đó đã khiến hai ông đi trước văn
hóa và lịch sử Việt Nam một quãng đường rất dài. Ông Phan Châu Trinh đã thất bại
vì không nhận được sự ủng hộ của người dân nhưng với ông Nguyễn Gia Kiểng chắc
chắn mọi chuyện sẽ khác. Người Việt không đặc biệt thông minh nhưng không quá dại
để mắc sai lầm đến hai lần. Tư tưởng của ông Nguyễn Gia Kiểng ngày càng được
đón nhận nồng nhiệt và được nhiều trí thức trẻ Việt Nam xem như là một chọn lựa
tất yếu cho tương lai.
Thế nào là một nhà tư tưởng chính trị?
Nhà tư tưởng, đơn giản có thể hiểu là người khai
sáng và mở mang trí tuệ cho nhiều người hoặc cho một dân tộc. Một nhà cách mạng
là người dẫn đường và thay đổi hiện tại tồi dở bằng một tương lai tốt đẹp và
nhân bản. Nếu đồng ý như vậy thì ông Nguyễn Gia Kiểng vừa là một nhà tư tưởng vừa
là một nhà cách mạng. Tư tưởng của ông gói trọn trong cuốn sách chính luận
"Tổ Quốc Ăn Năn", một cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất tại Việt
Nam hiện nay, dù nó không được phép lưu hành. Tác phẩm đã phê phán mạnh mẽ và tố
giác không khoan nhượng tinh thần và tư tưởng Khổng Giáo, một tư tưởng tôn thờ
bạo lực và cúi đầu trước cường quyền, quay lưng với bất công và cam chịu luồn
lách để tồn tại. Tác phẩm cũng đề nghị và kêu gọi mọi người Việt Nam đoàn kết,
thương yêu nhau, nhìn nhận nhau trong tinh thần anh em, xóa bỏ mọi hận thù để
xây dựng lại đất nước Việt Nam.
Ông không cực đoan để cho rằng yêu nước là một tình
cảm bắt buộc và không cần điều kiện mà ông cho rằng "Quốc gia như là một
tình cảm, một không gian liên đới, một đồng thuận chung và chia sẻ một tương
lai chung" vì vậy "tình yêu đất nước" cũng là một tình yêu hai
chiều. Chúng ta yêu đất nước thì phải làm cho đất nước đáng được yêu, đáng được
tự hào để đáng được cống hiến và hy sinh.
Trăn trở và cũng là đóng góp lớn nhất của ông cho đất
nước đó là việc hình thành một cơ sở tư tưởng chính trị lành mạnh làm kim chỉ
nam cho mọi người Việt Nam yêu nước, những đồng thuận mà tất cả đều có thể chấp
nhận được. Ðồng thời ông cũng đã dành nhiều công sức xây dựng nên một tổ chức
chính trị với một đội ngũ cán bộ nòng cốt, có văn hóa chính trị, hiểu biết và
lương thiện, góp phần hình thành một tầng lớp "trí thức chính trị",
là những người có vai trò quyết định sự hưng thịnh của Việt Nam trong tương
lai. Hai cố gắng này đã chiếm gần hết một nửa cuộc đời ông. Kết quả dù khiêm tốn
nhưng cũng rất khả quan. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, gọi tắt là Tập Hợp, ngày
nay được nhìn nhận như là một tổ chức chính trị ôn hòa, có thiện chí và có khả
năng đảm đương trách nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp Việt Nam từ một chế độ độc
tài sang chế độ dân chủ.
Một nỗi lo lắng và quan tâm hàng đầu của mọi tổ chức
chính trị cũng như người thủ lĩnh là tổ chức đó có thu hút được sự quan tâm và ủng
hộ của giới trẻ, giới thanh niên hay không ? Với tất cả sự khiêm tốn cần có,
người viết vui mừng nói rằng Tập Hợp được các bạn trẻ Việt Nam đón nhận và chia
sẻ những giá trị của mình. Tập Hợp có những thành viên thuộc các lứa tuổi U80,
U60, U40 và cả U20. Tương lai của Tập Hợp đã được đảm bảo bởi sự tiếp nối của
thế hệ trẻ. Ðiều trăn trở của ông Nguyễn Gia Kiểng và các vị trưởng thượng là
làm sao để Tập Hợp luôn có sức sống để làm chổ dựa tinh thần cho thế hệ tiếp
theo.
Một trong những tư chất đặc biệt của ông Nguyễn Gia
Kiểng, mà người viết không thể không nhắc đến, đó là một nhân cách lớn lao và
vĩ đại đằng sau một tâm hồn bao dung và bình dị. Ông xứng đáng là một lãnh đạo
của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Vai trò của một lãnh tụ hay người lãnh đạo
quốc gia gồm hai phần:
Một là có những quyết định đúng đắn và kịp thời
trong việc điều hành quốc gia và sau đó tạo điều kiện để thực hiện tốt những việc
này.
Hai là thể hiện và tăng cường những giá trị đạo đức
nền tảng của xã hội (như sự lương thiện, sự liên đới, sự dấn thân, sự chăm chỉ,
sự tận tụy, sự trang nhã, sự cố gắng vì lợi ích chung, sự tương kính, cách ứng
xử có văn hóa, v.v.).
Nói chung, một nhà lãnh đạo quốc gia, ngoài tài
năng, cần có một nhân cách lớn. Sự thất bại của cựu tổng thống Sarkozy trước
ông Hollande đã phản ánh tâm lý bất mãn của người dân Pháp. Ai cũng thấy là ông
Sarkozy là một người tài năng, mạnh mẽ và rất ghét các chế độ độc tài tuy nhiên
về đời sống tình cảm riêng tư và nhân cách ông đã có những sai lầm mà người dân
Pháp đã không bỏ qua.
Ông Nguyễn Gia Kiểng đã bước sang tuổi 70 nhưng tâm
hồn ông luôn trẻ trung và cầu tiến. Tiếp xúc hay trò chuyện với ông thì bất cứ
ai, dù là những người trẻ tuổi, một thủ lĩnh của một tổ chức chính trị bạn hay
kể cả các quan chức cộng sản đều không cảm thấy có bất cứ khoảng cách nào đối với
ông, và mọi người luôn dành cho ông những tình cảm tốt đẹp và kính trọng. Ông luôn
lắng nghe và gần gũi với mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ với ông mọi điều mà
mình quan tâm trong cuộc sống. Với anh em trong Tập Hợp thì ông luôn là chổ dựa
tinh thần cho tất cả mọi người. Những thắc mắc hay phân vân của anh em luôn được
ông chỉ bảo tận tình, rõ ràng và đầy đủ. Bản thân người viết lúc nào cũng xem
ông như một người thầy, một người khai sáng vĩ đại.
Ðất nước rồi sẽ sang trang, chế độ toàn trị rồi sẽ phải nhường chổ cho một chế độ dân chủ. Thế những sự thay đổi và chuyển tiếp đó sẽ xảy ra như thế nào, trong hòa bình hay trong đổ vỡ ? Việt Nam sẽ có dân chủ thật sự hay không? Nền chính trị Việt Nam trong tương lai sẽ có diện mạo như thế nào?...
Ðất nước rồi sẽ sang trang, chế độ toàn trị rồi sẽ phải nhường chổ cho một chế độ dân chủ. Thế những sự thay đổi và chuyển tiếp đó sẽ xảy ra như thế nào, trong hòa bình hay trong đổ vỡ ? Việt Nam sẽ có dân chủ thật sự hay không? Nền chính trị Việt Nam trong tương lai sẽ có diện mạo như thế nào?...
Những câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ! Nước Nga (hay nhiều
nước khác như Ai Cập) dù đã chấm dứt chế độ độc tài hơn 20 năm mà vẫn chưa có
dân chủ. Chế độ cầm quyền vẫn toàn trị và người dân vẫn mất tự do trong khi đối
lập dân chủ vẫn chia rẽ và bất lực. Ðể tương lai đen tối đó không xảy ra với Việt
Nam, ngay từ bây giờ, cũng chưa muộn, trí thức và người dân Việt Nam cần đoàn kết
để tìm những đồng thuận với nhau về một tương lai chung, một tương lai mà mọi
người có thể chấp nhận. Tư tưởng của ông Nguyễn Gia Kiểng sẽ là một đóng góp
quan trọng cho những cố gắng đi tìm những đồng thuận chung đó.
Là người Việt, ai cũng yêu nước. Tuy có hàng trăm
nghìn cách yêu nước khác nhau nhưng người "biết yêu nước" một cách
đúng đắn nhất, có lẽ là ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông là một người con xuất sắc của
dân tộc Việt Nam nói chung và Tập Hợp Dân Chủ Ða Nguyên nói riêng.
Văn hóa Khổng Giáo thường chỉ ca ngợi và nhìn nhận một
người con ưu tú của dân tộc sau khi người đó đã… chết. Người viết bài này thì
ngược lại, muốn nói lên những suy nghĩ và tình cảm của mình dành cho ông Nguyễn
Gia Kiểng, khi ông còn sống, với tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng của bản
thân mình.
Việt Hoàng (Moskva)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét