Đôi điều với nhà văn Hữu Thỉnh nhân ĐH
Nhà Văn khóa 8
Có thể nói, người Việt Nam vốn
có máu mê quyền lực: học giỏi để đỗ ông nghè ông cống rồi ra làm quan. Ngày xưa
quan phong kiến, giờ là quan cách mạng;
xưa có bằng cấp cao mới được làm quan;
giờ chưa có bằng cấp gì cũng được làm quan (làm quan rồi “học đểu” bằng cách
mua bằng chạy chức). Ngay trong giới văn nghệ, số người mê làm quan, chạy đôn
chạy đáo cửa sau cửa ngách để được một chức quan xoàng cũng không phải là ít…
Nhưng
còn có một thứ quan trong văn nghệ là quan được các hội nghề nghiệp bầu ra
trong những lần đại hội. Người đạt cao phiếu nhất qua hai kỳ đại hội Hội nhà
văn VN lần thứ sáu và thứ bảy là nhà thơ Hữu Thỉnh. Theo dự đoán của chúng tôi,
nếu đại hội Hội Nhà Văn lần thứ tám này, anh Hữu Thỉnh sinh năm 1942 (68 tuổi,
chỉ cần thêm hai năm nữa là anh Thỉnh bước vào U80) mà ra ứng cử, chắc chắn anh
cũng sẽ là người cao phiếu nhất.
Anh
Hữu Thỉnh là một nhà thơ có tài, tuy thơ anh hơi nữ tính, ẻo lả thẽo thọt, có
lúc lan man, tủn mủn nhưng anh vẫn là một trong 10 “nhà thơ lứa chống Mỹ” nổi bật
nhất. Anh Thỉnh lại có dáng vóc đẹp lão (gần U 80 không thể nói anh đẹp trai),
dáng dấp hoành tráng, oai phong như một chính khách chuyên nghiệp. Anh Thỉnh bằng
tuổi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nghe tin về
nhân sự đại hội 11, hai ông Mạnh và Triết (cùng các vị chấp hành trung ương sắp
bước vào U 80 như anh Thỉnh đều tự nguyện xin thôi phục vụ cách mạng để về nghỉ
ngơi.
Riêng
nhà thơ Hữu Thỉnh của chúng ta thì xem ra vẫn quyết lòng phục vụ nền văn học nước
nhà bằng cách xin làm chủ tịch một khóa nữa và có thể làm chủ tịch hội suốt đời.
Ngay cả chủ tịch Kim Chính Nhật lãnh đạo nước Triều Tiên (bằng tuổi anh Thỉnh)
dù mê làm chủ tịch suốt đời nhưng vẫn quyết xin nghỉ để tháng 9-2010 này nhường
ngôi báu cho con trai út.
Theo
dõi các cuộc đại hội vùng miền hội nhà văn, đi đâu anh Thỉnh cũng “thỉnh” ông Đỗ
Kim Cuông (vụ trưởng vụ văn nghệ của Ban Tuyên giáo TƯ) đi kèm để ông Cuông lên
diễn đàn tuyên bố, đại khái: rằng trung ương trước đây có ra một chỉ thị là anh
nào đã làm hai khóa lãnh đạo hội chuyên ngành thì nên biết điều mà rút, tuyệt đối
không được ngồi lì khóa thứ ba. Nhưng giờ, ông Cuông nhấn mạnh: trung ương cho
làm thêm vài khóa nữa !” Ông kể về ông Tô Ngọc Thanh 80 tuổi vẫn làm mấy khóa
chủ tịch hội văn nghệ dân gian, ông Trần Khánh Chương 70 tuổi vẫn làm chủ tịch
Hội Mỹ thuật nhiệm kì thứ 3. Động thái này giúp cho người ít để ý đến chức tước
nơi hội nhà văn như chúng tôi cũng thấy rõ là anh Thỉnh muốn làm chủ tịch thêm
vài khóa nữa cho đến khi nào anh trăm tuổi mới thôi…. Đặc biệt, trong đại hội
các nhà văn các cơ quan Hội, ông Cuông còn lên diễn đàn chụp mũ Trần Nhương, Phạm
Viết Đào, Bùi Minh Quốc… Ngay các vị lãnh đạo đảng cộng sản như các ông Nông Đức
Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng …từng tuyên bố công khai rằng đảng
luôn tôn trọng các ý kiến phản biện trái chiều, rằng hãy chịu lắng nghe cả những
ý kiến phản biện không thuận tai lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng định nghĩa
dân chủ là : “Dân chủ là đừng bịt miệng dân, hãy để cho dân nói”. May mà ông
Cuông này mới chỉ là dân thư lại quèn, nếu ông có tí chức vị quan trọng, chắc
suốt ngày đi bịt miệng nhân dân? Với tư cách là một người giúp việc cho Ban
Tuyên giáo, ông Cuông có ngồi trong các cuộc họp của Hội cũng chỉ được quyền
ghi chép, hay phát biểu như một hội viên, sao lại làm ra bộ lãnh đạo lên diển
đàn phổ biến chỉ thị nọ kia, chụp mũ, giáo huấn tầm bậy tầm bạ, làm mất uy tín
đảng thế? Dù đảng có lãnh đạo văn nghệ thì cũng lãnh đạo cho lịch lãm, lãnh đạo
ở bên trong, kín đáo, đâu có chường mặt ra mà hàm hồ chụp mũ lung tung như cái
anh Cuông này? Tôi không hiểu anh Cuông này viết gì, thơ hay truyện, hay thơ
thiếu nhi, thơ trào phúng…mà tự nhiên thấy cũng là hội viên nhà văn?
Phải
nói anh Thỉnh chạy trên tuyệt giỏi. Anh chạy thế nào mà Ban Tuyên giáo phải xóa
cái chỉ thị chỉ làm chủ tịch hai khóa thì quá thiên tài. Hồi anh Thỉnh còn kiêm
Tổng biên tập báo Văn Nghệ, xảy ra chuyện “Linh nghiệm” động trời, ai ai cũng
tin rằng thôi rồi Thỉnh ơi, phạm húy cỡ này chắc hết đường quan chức. Ấy vậy mà
anh Thỉnh có quý nhơn phù trợ, vẫn bình chân như vại, vẫn thăng quan tiến chức
ào ào. Ngay cả khi vụ anh Thỉnh bị tờ ViệtNamnet in bài tố cáo anh đạo văn, rằng
bài thơ “Hỏi” của anh là lấy cả ý tứ của một bài thơ của nữ nhà thơ Đức, rộ lên
ầm ĩ trên internet đến năm, sáu bài. Anh Thỉnh vẫn làm thinh không thanh minh
mà rút cục, uy tín văn học của anh vẫn sáng như sao. Việc này được nhà phê bình
có uy tín ở hải ngoại Đặng Tiến so bài thơ anh Thỉnh và bài thơ Đức kia từng được
dịch ở Sài Gòn trước 1975 rồi khẳng định : chuyện anh Thỉnh đạo văn là đúng…Đến
cuốn tiểu thuyết “ Vết sẹo và cái đầu hói” của nhà văn Võ Văn Trực có làm anh
Thỉnh buồn phiền nhưng rồi anh vẫn qua truông, chẳng ai làm gì nổi anh, một nhà
văn chính khách vừa có thế và lực. Mỗi lần gặp các vị lãnh đạo, anh Thỉnh luôn
dâng lên cấp trên gương mặt thành kính đầy cảm động của một người ăn kẻ ở trong
nhà, trung thành với đảng vượt chỉ tiêu trên giao. Nhìn cái ảnh anh Thỉnh tặng
hoa và ôm hôn đồng chí tân trưởng Ban tư tưởng Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa
chụp in trên mạng mà thấy gương mặt anh cảm động tí khóc, khiến đồng chí Rứa vô
cùng hài lòng và tin tưởng chất con chiên trước đảng của anh là trung thành vô
hạn vô cùng…
Chúng
tôi có xem một video Clip trong ngày thơ Việt Nam hôm mười rằm tháng giêng thấy
cảnh ông Phạm Quang Nghị đứng trên bục cao, nhắc lời chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các
vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải giữ lấy nước”…Anh Thỉnh đứng dưới
thấp, cùng các em các cháu nhảy tưng tưng lên cùng nhau hô ba lần: giữ lấy nước…
Anh Thỉnh vừa hô ba lần vừa nhảy lên ba lần, hai tay giang ra đánh nhịp, vỗ
cánh kiểu các cháu mẫu giáo làm chim bay cò bay… Xem những hình ảnh này, ai ai
cũng thấy tình yêu của anh Thỉnh vời Đảng, Bác Hồ có lẽ là đắm đuối nhất nước…Trong
đại hội các nhà văn công an, anh Thỉnh tuyên bố, nếu không đưa từ chính trị vào
cương lĩnh hội nhà văn: rằng hội nhà văn là một hội chính trị, nghề nghiệp…thì
anh sẽ xin ra khỏi Hội. Vậy từ đại hội nhà văn lần thứ 4, từ chính trị đã đưa
ra khỏi điều lệ hội cho mềm, cho uyển chuyển… sao không thấy anh Thỉnh xin ra
khỏi Hội, lại làm chủ tịch hội tới hai khóa suốt 10 năm? Phải nói anh Thỉnh diễn
vai một người yêu đảng nhất nước là quá đạt, hỏi làm sao trung ương không cử
anh làm chủ tịch hội thêm một khóa nữa là ba?
Khi
anh Thỉnh đã được trên tin tuyệt đối như thế, chỉ cần đầu tháng tám này, anh
trúng chấp hành thì chức chủ tịch hội ngoài anh ra còn ai làm nổi nữa? Mà khả
năng anh Thỉnh trúng chấp hành sắp tới còn dễ hơn ăn kẹo, thậm chí có thể anh
còn cao phiếu nhất. Vừa rồi, có vài ba nhà văn đến chơi nhà chúng tôi, có bàn
sơ qua về anh Thỉnh. Có bạn bảo, anh Thỉnh mị dân giỏi nhất nước. Rằng hầu hết
các nhà văn hội viên (gần 1000 vị) đều tin lời anh Thỉnh rằng anh rất yêu họ, rằng
anh đã đọc rất kỹ các tác phẩm rất rất tuyệt vời của họ. Gặp các hội viên, anh
đều khen tuyệt vời tuyệt vời, rất tốt rất tốt; rằng thơ em rất hay, có thể hay
nhất nước; rằng em viết văn xuôi cơ mà, anh lầm với cô nào phải không? Không,
anh đâu có lầm, ý anh nói là văn xuôi em rất giàu chất thơ; rằng văn muốn hay
phải có chất thơ chứ em…Có bạn nói, Thỉnh có sức sống mạnh hơn 1000 con người cộng
lại, mỗi ngày đọc rất kỹ cả chục tác phẩm hội viên, lại đi họp liên miên, rồi
viết báo cáo, viết các diễn văn từ hội nghị A đến hội nghị Z…Gần vào U 80 rồi
mà sức làm việc của Thỉnh kinh hơn cả gần nghìn hội viên cộng lại thì xưa nay
thần thánh cũng cóc có sức lực đâu mà làm việc đến như thế…Có thể, mỗi ngày anh
Thỉnh chỉ ngủ năm phút mới có thể đủ thời gian đọc hết được các bài viết và các
cuốn sách hội viên…Có bạn nói, anh Thỉnh giỏi xin tiền đảng nhất nước. Anh xin
hết tỉ này đến tỉ khác dễ như thò vào chum lấy thóc…Rồi từ tiền ấy anh dùng
tranh thủ từng hội viên bằng cách tài trợ sang tác. Anh Thỉnh lại có sức của mười
con voi nên anh mới có thể gọi điện thoại cho cả gần nghìn hội viên để khen họ
viết thơ văn tuyệt vời, tuyệt vời, rất tốt rất tốt, ai ai cũng nhất nước cả.
Như vậy, làm sao anh Thỉnh không cao phiếu nhất? Có bạn khâm phục anh Thỉnh hết
mức bảo: chưa từng có một vị chủ tịch hội nhà văn tốt và nhiệt tình , hết lòng
với hội viên như Hữu Thỉnh. Tên của anh đã ám vào cuộc đời anh: “thỉnh” là cầu,
là xin, là lạy lục van nài anh em rằng hãy bầu cho tôi để tôi phục vụ, tôi hầu
các vị. Mà Hữu Thỉnh là một người sinh ra để hầu từng hội viên…
Đa số
hội viên cũng nhất trí với bạn trên rằng, chúng ta hãy bầu cho Hữu Thỉnh để anh
cao phiếu nhất, để anh làm chủ tịch hội ta khóa thứ ba vì ngoài anh Thỉnh ra,
chẳng có ma nào suốt đời đi hầu anh em, làm tôi tớ cho hội viên như anh Thỉnh…Có
thể, công cuộc “Thỉnh hóa cơ quan lãnh đạo hội” của anh Thỉnh mới hoàn tất, hãy
giúp anh có cơ hội biến hội nhà văn của đảng thành hội nhà văn của riêng anh :
hội nhà văn Hữu Thỉnh.
Chúng
tôi chỉ xin góp ý với anh Hữu Thỉnh rằng: nếu sắp tới anh làm chủ tịch Hội thêm
khóa thứ ba, xin anh hãy dẹp các cơ quan anh lập ra như trung tâm quốc học,
hãng phim hội nhà văn, cơ quan phát hành sách hội nhà văn…là những thứ chẳng
dính dáng gì đến hội nhà văn cả. Viết văn thì lo viết ra văn, ra thơ, ra lý luận
phê bình, dịch văn học cho hay…sao lại đi làm cái việc không phải chức năng hội
là việc quốc học, việc làm phim, việc phát hành sách, có phải ôm rơm nặng bụng
hay không?
Riêng
chúng tôi, nếu phải ở cương vị anh Thỉnh, chắc chúng tôi dù trung ương có dọa bắn
cũng không dám gánh cái gánh nặng là làm thêm một khóa chủ tịch hội nữa. Nhưng
anh Thỉnh khác, anh không còn được làm đầy tớ hầu hạ các hội viên như Bác Hồ dạy
chắc anh sẽ buồn lắm, thảm lắm rồi có thể ốm mà chết mất. Tinh thần phục vụ nhân
dân, phục vụ cách mạng của anh Thỉnh là vô bờ bến, ai bảo anh Thỉnh ham quyền lực
là oan cho anh bội phần. Anh Thỉnh ơi, sao anh không chịu nghỉ ngơi, gần tới U
80 rồi, sao anh không để cho đám U 60 gánh vác trách nhiệm Hội dùm, mà ngồi viết
những câu thơ hay như anh từng viết: “ Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang
thu” thì có ích cho văn học Việt Nam hơn việc anh làm luôn chức chủ tịch hội
cho đến chết, phải không nào? Các nhà văn có tác phẩm để đời như Lê Lựu với “Thời
xa vắng”, Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”, truyện ngắn của Đỗ Chu và Nguyễn
Huy Thiệp, Lê Minh Khuê thơ của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Thảo,
Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Dư Thị Hoàn, Thanh Tùng, Trúc Thông, Trần Vàng
Sao…có bao giờ họ làm quan chức đâu mà sao họ vẫn sang, vẫn oai, vẫn được công
chúng yêu mến? Còn chức chủ tịch Hội nhà văn của anh Thỉnh đâu phải lúc nào
cũng sang trọng, oai phong, chả có khi cũng nhếch nhác, tội nghiệp bị trên nạt
dưới chê bai đàm tiếu bông phèng mà sao anh không thấy cực thân, vẫn phấn khởi
lắm ru?
T.M.H.
Sài Gòn. Thứ ba ngày 29/6/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét