NGHỆ SĨ ĐIÊU KHẮC LÊ NGỌC KHOA (H.T.An)

Nhà văn Hồ Trường An và Nghệ sĩ Điêu khắc Lê Ngọc Khoa.

Cuộc triển lãm điêu khắc của Nghệ sĩ Lê Ngọc Khoa kéo dài từ 27 tháng 3 cho tới 14 tháng tư năm 2006. Mỗi ngày trong tuần từ thứ Hai tới thứ Sáu, bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ. Vào weekend tức là vào ngày thứ 7 và Chúa Nhật, từ 14 đến 18 giờ. Địa điểm cuộc triễn lãm này tại Trung Tâm Văn Hóa của thành phố La Chapelle-Saint- Lục thuộc tỉnh Aube, vùng Champagne nước Pháp. 
Địa chỉ: CENTRE CULTUREL 25 bis, Avenue Roger Salengro 
10600 LA CHAPELLE- SAINT- LUC
Trích đăng và phiên dịch do Hồ Trường An trên diễn đàn Sao Mai tháng 10 2007 
Nhật báo Est Eclair ngày thứ Hai 27 tháng 3 năm 2006 đã nhận định như sau : 
Khi Nghệ Thuật Làm Nhân Chứng Cho Sự Tôn Trọng Đời Sống Con Người 
Từ đây cho tới ngày 14 tháng 4, Trung Tâm Văn Hóa trưng bày những công trình điêu khắc của Lê Ngọc Khoa. Là nhiếp ảnh gia và cũng là điện ảnh gia chuyên về nghệ thuật quay phim video rất nổi tiếng trong địa hạt tỉnh Troyes, cái tỉnh lỵ gồm có các hội đoàn, các nghệ sĩ, các nhà tổ chức những cuộc biểu tình, Khoa miệt mài điêu khắc từ 4 năm qua. ‘‘Thành phố La Chapelle-Saint-Luc rất hãnh diện triển lãm các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ này mà hành trình và sự dấn thân thường nhật của anh làm nên bằng chứng một chủ nghĩa nhân ái xuất chúng’’. Đó là lời nhận xét của ông Gérard Fridblatt, phụ tá thị trưởng vốn có phận sự ban văn hóa và là chũ tọa cho cuộc khánh thành vào chiều thứ sáu vừa qua.
Lấy tên "Tôn Trọng Đời Sống Nhân Loại", cuộc triển lãm này rất ngoạn mục và biểu lộ sự nhạy cảm mãnh liệt của Khoa. Những tác phẩm ấy ghi dấu một niềm tôn trọng thường xuyên. Một sự tôn trọng sâu xa của cuộc sống và của con người xuyên qua sự ghép lại một cách minh triết của vật chất. 
Những tác phẩm ấy kết hợp đá, gỗ, kim khí và những vật liệu linh tinh khác. Với những chất liệu mà anh thu thập gồm những thứ phế thải, những thứ không có hình thù rõ rệt, nhà nghệ sĩ này làm thành những nghệ phẩm tùy theo sự tưởng tượng của mình. Anh đã ban cho chúng một cuộc sống thứ hai. Nhìn Bằng Trái Tim Của Anh.
Các tác phẩm "Thiên Thần bình yên", "Tình Mẫu Tử", "Những Nhân Phẩm"...Những nghệ phâm điêu khắc ấy được chế tạo do hai bàn tay và trái tim của anh. Chúng là những kẻ chuyên chở các bức thông điệp, những kỷ niệm và các cuộc đổi trao. Sự tôn trọng dành cho thiên nhiên và vật chất liên kết với sự tôn trọng việc làm của nhà tiểu công nghệ, của kẻ sáng tạo và của con người.
Thủ pháp của anh giao thoa giữa mặt thô nhám và diện tích bóng loáng, giữa chỗ lồi và chỗ lõm với chủ đích nới rộng niềm kính trọng đối với sinh vật yếu đuối, trẻ sơ sinh, kẻ tàn tật, trẻ mồ côi, kẻ bị sa thải và kẻ tị nạn. Sự sáng tạo tiềm tàng cũng đến từ sự từng trải của anh. Chiến tranh và lưu vong, rồi kế đó là hòa bình và đón nhận. 
Người tị nạn Việt Nam này len lỏi vào những tượng trưng, những dáng dấp đối chọi nhau, nam nhân và nữ phái, dĩ vãng và hiện tại, hiện thực và tưởng tượng, hữu thể và vô hình. 
Để nhận thức cái vô hình ấy, nhà nghệ sĩ này xin mời khách viếng thăm mở rộng con tim của mình để tim đập theo nhịp điệu của quan niệm nghệ thuật và sự mẫn cảm của anh. Từ tình cảm nhân ái, chúng ta chỉ có thể nhìn các nghệ phẩm ấy bằng con tim của mình mà thôi.
M.C.B/ H.T.An

Last edited by anhkhoa634; 06-29-2009 at 02:29 PM.

Không có nhận xét nào: