Nguyễn Ðức Quang

Ngô Mạnh Thu - những nét rất đậm trong cuộc đời tuổi trẻ và âm nhạc Việt Nam
Nguyễn Ðức Quang
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu
Ngẫm nghĩ lại thì mới thấy cái cấu trúc phức tạp trong con người Ngô Mạnh Thu. Khi mới được giới thiệu gặp anh, người giới thiệu này là Trần Dạ Từ, tôi đã bị choáng váng cái thần thái an nhiên của anh. Từ nơi tôi ở đến nhà anh lúc bấy giờ không xa cách bao nhiêu nên chúng tôi có gần như suốt những thời giờ rảnh rang để ngồi bên cốc cà phê xóm Chuồng Bò. Ðó là khoảng thời gian đầu năm 67, tôi đang dấn mình trong một tốc độ khá mạnh của Du Ca lúc đó như một cơn thủy triều đang lên và lên ở mức cao nhất. Nhưng lúc đó cũng là lúc mà các đe dọa cũng đã ló dạng, nặng nhất là đời sống mỗi người không biết sẽ đi về đâu trước thời hạn nhập ngũ trong khi cơ cấu của Du Ca còn rất lỏng chỏng.

Ðơn vị tiền phong của phong trào lúc bấy giờ là ban Trầm Ca đang mòn dần lực lượng. Nhưng cuộc tiếp xúc với Ngô Mạnh Thu đem lại cho tôi những phấn chấn khác, một mặt nó như tìm ra một cái trụ ổn định vào lúc phân vân đó, một mặt là phần năng lực của anh về cả phần chỉ huy và phần chuyên môn.

Nhưng không phải dễ dàng gì để anh có thể nhận ngay những công việc với PT. Mất khá nhiều ngày tháng nếu không nói kéo dài gần cả năm trời. Anh nhất định chỉ giúp cho phần chuyên môn thôi, tức là chỉ chấn chỉnh giùm cho cái ban hát 'Chúng Ta Cùng Hát', một chương trình được ông TGÐ đương nhiệm là ông Vũ Ðức Vinh dành cho một chương trình mỗi sáng Chủ Nhật. Tiếng vang của chương trình này khủng khiếp quá, nhưng nó thiếu hẳn về chuyên môn, về kỹ thuật ca hát, lại thiếu cả cái khả năng hợp xướng cần thiết cho cái ban hát trên 40 người. Nhưng anh Thu cũng thú thật là anh mê những ca khúc của ban này tức là của Du Ca, nó là một cái gì đó chưa từng có trong giới ca hát. Thế là anh xắn tay vào cái việc tập luyện cho cái đám lố nhố học trò thường thích gào thét chứ chưa biết ca hát.

Rồi thì anh trở thành huynh trưởng Du Ca lúc nào không ai biết và cũng không ai nhớ là lúc nào. Có anh, tôi nhẹ được hẳn một gánh ngàn cân, những người đứng tiếp tay với tôi cũng nhẹ được bao nhiêu phần. Không hẳn chỉ vì anh có nhiều bài hát, nhiều ca khúc cho anh em sinh hoạt, mà phần chính là vì cái phong thái sinh hoạt của anh vào thời đó. Anh là một người toàn phần dành cho cái công việc mà anh chọn, khổ thay, nó cũng không phải là những việc để mưu sinh. Mái gia đình anh lúc ấy đã khá đông, anh vẫn thường xuyên giữ một nhịp độ rất chỉnh tề trong việc kiếm sống và còn lại anh dành hết mọi cái phong lưu cho sinh hoạt nên chúng tôi lấy được của anh hết cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Nếu biết anh có tới 3, 4 thứ công việc lúc bấy giờ thì mới phục cái phong thái ôn nhu thoải mái của anh: vừa làm việc cho Ban Văn Nghệ Không Quân, vừa lo mấy chương trình phát thanh mà trong đó chương trình của Ca Ðoàn Vô Tuyến Việt Nam tức ca đoàn chính thức của đài phát thanh Saigon, vừa lo tập dợt và hướng dẫn cho một ca đoàn tên Lửa Việt là phần riêng của anh và... một loạt các công tác bên Phong Trào Du Ca, trong đó anh gánh những gánh nặng nề như hướng dẫn Ca Ðoàn Trung Ướng (họ đông đến mức trụ sở phong trào ở Sương Nguyệt AÔnh, tức tư gia của anh Hoàng Ngọc Tuệ không đủ chỗ đứng, nhiều khi phải đứng lan ra cả phía trước cửa nhà, ra ngoài đường), huấn luyện cho các toán trong khu vực Saigon Gia Ðịnh lúc đó đông lúc nhúc không biết cơ man nào mà kể. Anh thay tôi trông nom xưởng du ca tức phần công việc chuyên môn của phong trào... Sau này tôi mới biết thêm một điều là anh còn một gánh nặng rất nặng của giới trẻ Phật Giáo... Do những sinh hoạt túi bụi bên nhau, tôi không hề nghĩ đến chuyện này cho đến mãi về sau mới thấy được những công sức anh đã dành cho bên Phật Giáo thật là đồ sộ.

Ðó là giai đoạn đầu anh nhảy vào gánh vai đỡ cho Du Ca một cái gánh đang lúc rất ngặt nghèo. Những Nguyễn Quốc Văn rồi Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu đã phải rời Sương Nguyệt Ánh để chọn một nơi nương náu khác. Văn đi sĩ quan, Châu và Thảo đi XDNT, bộ máy chính của xưởng Du Ca chỉ còn lại có Quang và Lĩnh và cả hai cũng đang chờ một thời gian ngắn nữa là rời bến. Chính lúc anh Thu vào, anh đã gánh gồng công việc của thời gian chuyển tiếp này thành công không ai ngờ được. Vì cả hai yếu tố chính yếu là phong thái chỉ huy của anh cùng với tài năng. Ðại Hội Du Ca I diễn ra năm 1969, anh đã nối tất cả các cánh tay du ca khắp các miền về một cách rầm rộ. Từ những đơn vị gần như Long An, Biên Hòa, Tây Ninh cho tới xa xa ở vùng 2 như Nha Trang, Bình Ðịnh, Dalat, Banmêthuột, tới cả Ðà Nẵng, Hội An ,Huế, Quảng Trị có một dịp gặp Ngô Mạnh Thu bằng xương bằng thịt và thế là tất cả 'tắp' vào con người đó và dành sự yêu mến đặc biệt cho anh. Nhớ lại cái lúc quấn quít mà các cô cậu Du Ca viên tuổi còn rất trẻ lúc bấy giờ đi theo Ngô Mạnh Thu mới nhận ra cái hào quang của một người trưởng. Không một ai biết anh đã có một quá khứ thế nào, học trình ra sao và cũng chẳng một người nào thắc mắc tới những vấn đề như tài ca tài đàn của anh. Họ say mê anh vì hình như anh có tất cả các thứ đó rồi, anh đứng trước mặt đám đông đoàn sinh ấy vui tươi và hấp dẫn đến nhường nào. Họ không hề biết anh đã tốt nghiệp 2 trường nhạc ở Saigon (thật ra là hai tên trường của cùng 1 trường sau này là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon). Thành ra anh có chân vững vàng trên hầu hết các sân diễn: một nhà viết nhạc mà không phải chỉ là viết ca khúc, anh viết từ đại nhạc (trường ca Lửa) tới những ca khúc phổ thông, những bài tình yêu cho tới những bài hùng tráng, những ca khúc lịch sử tới những tiểu khúc cho... nhi đồng. Con số bài anh viết nay cộng lại cũng có đến hàng trăm nhưng... anh lại không có cái tính cá nhân nên nhạc của anh anh cứ tung ra vào những lúc cần thiết chứ không muốn dựng nên công tác tập đại thành. Thật khó cho ai đi sưu tập bài hát của anh. Chúng tôi chỉ gom lại riêng phần mình được một số những sáng tác như dưới đây.

Tác phẩm:

Tổng kê sơ khởi cho thấy Ngô Mạnh Thu sáng tác trên dưới 100 bài hát, nhưng mới chỉ gom lại được một số lượng khiêm tốn:
Nhớ Mãi
Nước Việt Nam
Kết Giấy Thân Tình
Vui À Vui
A Chào Ba - A Chào Má
Ta Hát To
Ngô Quyền
Ta Học tiếng Việt
Hai Bà Trưng
Ðinh Tiên Hoàng
Ta Hát Vang
Tiếng Ca Vàm Cỏ
Tiếng Ca Hải Vân
Từ Một Cơn Mơ
Quê Hương Ta Ðó
Tuổi 13
Oklahoma
Câu hát Này
Quà Mẹ Tặng
Buổi Sáng Nghe Chim Hót
Dìu Nhau
Bãi Hoang (thơ Nguyễn Ngọc Thạch)
Lạc Vùng Ăn Năn
Giấc Chiều
Dòng sông Trăng
Hoài Niệm (thơ Hồng Khương)
...

là 2 trong số khoảng 40 ca khúc Phật Giáo chưa thu thập đủ. Anh còn một loạt tác phẩm về những người thân của anh:

Tuyển tập Lê Ðình Ðiểu
Tuyển tập ảnh Trần Ðại Lộc
Tuyển tập 69 bài hát Dưới Ánh Mặt Trời của Nguyễn Ðức Quang
Băng nhạc Du Ca Việt Nam 1
Tuyển tập 4 khuôn mặt Du Ca

Lối sống của anh thật là khiêm cung bình dị. Thật ít khi thấy anh khoác lên người bộ áo vét. Anh có đôi dép rất thân quen và chiếc áo sơ mi cụt tay quanh năm suốt tháng và chỉ có một món quà mở đầu với bất cứ ai là nụ cười rộng rãi luôn nằm sẵn trên môi.

Tôi rất ngạc nhiên nhớ lại suốt thời gian chúng tôi làm việc chung, chưa bao giờ tôi thấy anh to tiếng, hình như anh có một bộ máy sẵn trong óc anh, tất cả những gì bực bội, khó chịu vào đến tâm hồn anh là lập tức chúng bị xoay nhuyễn ra trở thành chất vui vẻ dí dỏm. Một lần anh hẹn tôi cùng đi dự trại Họp Bạn Hướng Ðạo, thấy anh lại lê đôi dép tôi bỗng nổi cáu sao anh quên mất lễ nghi. Thế mà anh... cười còn chọc tôi: mấy ai biết mình là quan cách gì đâu!

Công trình mà tôi cho là anh làm lớn nhất là ở đâu anh cũng giữ gìn hồ sơ rất đàng hoàng. Bên Du Ca thiếu hẳn một chân này thì may thay có anh tới tôi dúi hết cho anh những gì thuộc về bài bản mà tôi nhận được hoặc tôi có. Nhờ có anh, những tài liệu, những tập sách nhạc như Tuyển Tập Du Ca 1,2,3 mới được thành hình, băng nhạc Du Ca Việt Nam 1 mới ra đời và sau này, ra hải ngoại những sách như sách nhạc riêng của tôi Dưới Ánh mặt Trời mới thực hiện xong, những sách về anh Lê Ðình Ðiểu, Trần Ðại Lộc... mới thành hình...

Anh Ngô Mạnh Thu cất bước du ca phải nói là khá mạnh mẽ. Anh đi nhiều nơi và có nhiều dịp hơn rất nhiều anh em khác nên cuộc gặp gỡ của anh được cất rất kỹ lưỡng trong bộ nhớ đặc sắc của anh. Sau này, cứ mỗi chuyện gì đụng đến các anh chị trong phong trào gần cũng như xa, tôi lại dựa vào bộ nhớ của anh: người đó là ai, tài năng ra sao, công việc ra sao.. anh cứ thế tăm tắp ghi sẵn trong đầu. Tôi không thể nhớ được ai là Trần Minh Hùng hay Nguyễn Minh Minh Hùng, ai là Châu Ðình Quang và sẵn sàng lộn với Nguyễn Văn Quang. Quan trọng hơn nữa là việc sắp xếp lưu giữ bài bản của các anh em nay, ai sáng tác bài gì, hay dở ra sao, có thể nói chỉ có Ngô Mạnh Thu anh làm được hết các việc ghi nhận trên và nhớ rõ từng người từng việc. 1975 kéo ập đến, mỗi người một tơi tả, tôi đi vào trại học tập, anh ở ngoài không biết xoay chuyển những gì vì anh cũng... nặng nợ như ai. Anh là hạ sĩ quan nhưng cũng không tránh được búa đe vì anh dính vào nhiều thứ quá, những thứ đó là Du Ca. Nhiều lúc ngay cả sau này ra tới hải ngoại rồi, tôi vẫn bị nỗi lo âu đó ám ảnh, không biết rồi những người thân thiết kia còn chịu đựng được bao lâu. Ðây là thời kỳ đen tối nhất với anh. Và màu đen đó không kéo dài lâu lắm vì chỉ mấy năm sau thì con trai trưởng của anh, cháu Tú tới Mỹ. Tú tạm trú tại nhà chúng tôi đem lại cho chúng tôi nhiều tia hy vọng, ít nhất là bắt lại được cái đường liên lạc để hiểu rõ anh cùng gia đình ra sao, tiếp cứu nhau bằng cách nào... Nhưng cũng phải gần cả chục năm sau, vấn đề Ngô Mạnh Thu mới được giải quyết, tức là anh chị đến được bến bở tự do năm 1994, tức là chỉ mới cách đây có 10 năm và sau gần 20 năm kẹt lại.

Nhiều anh em du ca khác đã tới Mỹ trước anh, nhiều hoạt động du ca cũng đã tái sinh mạnh mẽ của những ngày đầu rất giới hạn ở Mỹ. Nhưng phải nói khi Ngô Mạnh Thu đến Mỹ, sinh hoạt có đổi khác ngay. Ðến Mỹ ở cái độ tuổi trở nên nặng nề, gần 60, anh khốn đốn không ít khi bơi trong chiếc áo mới, nơi đó tốc độ và kỹ thuật đã ở mức chóng mặt. Thế nhưng anh rất bình tâm và cũng rất bình tĩnh đốt lại ngọn lửa sinh hoạt, ở một phía là Du Ca chúng tôi xác nhận điều này rất rõ ràng. Anh lại dồn sức cho con đường anh đi. Anh đốt đuốc cho một Trầm Tử Thiêng bước hùng dũng đầy sức lực trong những ca khúc vào thời gian sau cùng, anh thôi thúc dậy Trần Ðình Quân, thúc đẩy anh này in nhạc in băng, anh làm lại những buổi hát lớn cho phong trào Hát Cộng Ðồng, anh dựng nên những buổi hát Thanh Niên và Quê Hương cho Nguyễn Ðức Quang, anh sưu tập đủ các tài liệu để ấn hành tập nhạc Dưới Ánh Mặt Trời cho Nguyễn Ðức Quang và còn dự định cho một tổng tập Du Ca, anh nhảy vào tiếp tay cho Hội Khuyến Học và Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ sưu tầm và sáng tác nhạc thiếu nhi để giúp trẻ học tiếng Việt và nhất là anh dành không biết bao nhiêu năng lực để đẩy mạnh sinh hoạt Phật Giáo, đặc biệt miền Vĩnh Nghiêm mà anh là một trong những con chim đàn, là cánh chim đại bàng từng tung cánh bay cao...

Nếu anh không ra đi sớm như thế này, người ta nghĩ anh sẽ thành Phậ,t hiểu một cách rất rộng rãi của những người được gần gũi với anh. Phong trào Du Ca dù những năm gần đây đã dịu đi nhưng mỗi khi ai nhắc tới nó là nhắc tới khuôn mặt dịu dàng cởi mở và đầy hấp lực của một người trưởng xuất sắc. Anh là một cột trụ của phong trào, anh là một cột trụ của giới trẻ. Chính vì vậy mà tiếng than buồn thương tiếc anh trong lúc này không chỉ vang trong phong trào Du Ca từ trong nước qua khắp các đại lục, mà lời thương nhớ anh nó còn ầm ỹ lên trong giới Phật tử, các nhóm thanh niên sá kể gì đến màu sắc tôn giáo, gốc nguồn.. Ngay khi tôi kết thúc những dòng này thì một tiếng gọi từ đầu dây tận DC trách tôi 'Anh tưởng chỉ có Du Ca với GÐPT là tiếc thương anh ấy thôi sao, chúng em, những đưa em hướng đạo cũng yêu anh ấy có thua gì ai'. Võ Thành Nhân trách yêu tôi như vậy, câu nói của Nhân làm tôi lại thấy cái giá trị lớn lao của Ngô Mạnh Thu là lớn lao hơn nữa. Chúng ta có thể một chút trong câu hát để thành như thế này :

'Anh như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn'
Nguyễn Ðức Quang

Tên: Ngô Mạnh Thu
Pháp danh Tâm Hòa
Ngày sinh 12 Tháng Chín, 1938
Sinh tại Hà Ðông
Có nhiều bút danh: Trần Thái Mưu (dùng khi viết hòa âm)
Thùy Trân (một số bài tình ca)
Trần Tú (những bài thanh niên và quê hương)
Từ ngày qua Mỹ chỉ còn dùng một bút hiệu, đó là tên anh.
1956: Thủ khoa trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Saigon
1961: Thủ khoa về Hợp Ca, Ca Trưởng ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon
Ca Trưởng Ca Ðoàn Vô Tuyến ViệtNam của Ðài Phát Thanh Saigon
Ca trưởng ca đoàn Lửa Việt, một ca đoàn riêng sinh hoạt ngoài đài
Lập ban tam ca Ngàn Thông khoảng 1969 hát ở rất nhiều sân diễn
Hoạt động trong Ban Văn Nghệ Không Quân cho tới 1975
1994: sang Mỹ diện đoàn tụ do con trai bảo lãnh - cư trú tại quận Camcho đến khi mất.

Tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ và bền bỉ, dựng lại Du Ca, đóng góp cho Gia Ðình Phật Tử, tái sinh phong trào hát cộng đồng, hoạt động văn nghệ trẻ với VAALA, dựng nhóm hát Hùng Sử Ca, thúc đẩy phong trào Ca Nhạc Phật Giáo, góp sức viết ca khúc, thực hiện các tài liệu ca hát cho các Trung Tâm Việt Ngữ... Và anh giữ một phần mục rất được thương mến Chúng ta Ði Mang Theo Quê Hương trên đài VNCR vào những buổi sáng từ nhiều năm nay..

Anh để lại một gia đình khá đông đúc với chị Thu cùng 9 người con hầu hết đã trưởng thành bên Mỹ và một phần ba còn ở lại quê nhà...

Không có nhận xét nào: