TS Đỗ Đăng

Thời đại đen tối 
[Mới viết có bốn chữ đó thôi, nhưng tôi chắc là có những kẻ có ác ý đã nghĩ ngay là tôi sẽ bàn về thời đại hiện nay trong nước ta. Thưa không, tôi đâu có ý định đó, vì các vấn đề chính trị, xã hội là chuyện to lớn, để cho các quan lớn làm, còn tôi chỉ là một Việt Kiều, một phó thường dân như người ta thường nói, đâu dám mở miệng nói càn.]

Chuyện tôi muốn nói ở đây là thời đại đen tối, kéo dài hơn 1000 năm ở châu Âu, từ thế kỷ thứ 5 tới thế kỷ thứ 15. Vốn là, sau khi chế độ La Mã sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo, dựa trên uy tín lấy được trong việc làm sụp đổ chế độ này đã lợi dụng sự hoang mang của dân chúng đang không biết dựa vào đâu, để thực tế nắm hết tất cả mọi quyền hành. Không phải là quyền hành chính của các vua chúa, nhưng là quyền hướng dẫn tư tưởng.

Người ta hẳn phải lấy làm ngạc nhiên và tự hỏi là tại sao cái nền văn hoá cao siêu, với những tiến bộ vượt bực vế khoa học, triết lý, văn chương… của những nước chung quanh Địa Trung Hải, bắt đầu bằng Hy Lạp, sau đó tới các nước Ả Rập, tự nhiên lại biến mất và trong suốt hơn một ngàn năm, cả châu Âu đã sống một thời kỳ đen tối, không có một tiến bộ đáng kể nào về đủ mọi ngành.

Lý do chính là không có tự do tư tưỏng. Với quyền tuyệt đối về hướng dẫn tư tưởng, Giáo Hội Công Giáo đã tự cho mình quyền kiểm soát tất cả những gì mà dân chúng có thể nói ra, hoặc viết ra mà không theo đúng đường hướng cuả Giáo Hội. Một Hội Đồng Dị Giáo đã được thành lập để kiểm soát việc này, và tất cả mọi sách vở chỉ được quyền in ra khi có phép của Hội Đồng. Ai không tuân lệnh sẽ bị gán tội phản giáo, tội làm phù thuỷ và bị đem thiêu trên hoả đài.

[Những kẻ ác ý ở đây chắc lại nói là tôi đang muốn ám chỉ chính sách kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam. Cái đó hoàn toàn sai: nhà nước Việt Nam chỉ bỏ tù thôi chứ có đem thiêu sống ai trên hoả đài!]

Nói riêng về khoa học, nhất là về Vật lý, ngành mà tôi may mắn có biết đôi chút (vì vậy mới dám bàn), Giáo Hội chọn lọc một số học thuyết của thời Cổ La Mã, những học thuyết thích hợp nhất cho việc củng cố vai trò của Giáo Hội. Về cấu trúc vũ trụ, Giáo Hội đã dựa trên học thuyết cuả Aristôte, bổ túc bới Ptolémé, theo đó trái đất là trung tâm của vũ trụ. Tất cả mặt trăng, mặt trời, các hành tinh, các ngôi sao trên trời đều quay quanh trái đất một cách bất di bất dịch. Vai trò đặc biệt này của trái đất rất phù hợp cho Giáo Hội, vì nó cho phép nói rằng Đức Chúa Trời đã đặc biệt ưu đãi con người, cho trái đất là trung tâm của vũ trụ, vậy con người phải tỏ lòng biết ơn Chúa, dĩ nhiên qua Giáo Hội La Mã là trung tâm của nhân loại. Những gì viết trong các sách vở của Aristôte và Ptolémé được coi là sự thật không thể chối cãi? Một khi “chân lý” đã có rồi thì cần gì phải bàn cãi nữa cho mất công. Vì vậy, các học giả mà phần lớn là thuộc Giáo Hội (vì có nhiều tiền để đi học), chỉ chú trọng vào các lý thuyết thần thoại. Còn về vật lý, nếu có, thì các vị đó cũng chỉ bàn cãi về những vấn đề tương tự như “Thử hỏi có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu một mũi kim?” hoặc “liệu Chúa Trời có thể tạo ra một khối đá nặng đến nỗi mà chính Ngài cũng không nâng lên nổi hay không?” (theo Gamow)!

[Những kẻ có ác ý chắc sẽ nói là tôi muốn so sánh hai ông Aristôte và Ptolémé với các ông Marx và Engels của thời nay. Thôi họ muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi làm sao được.]

Tình trạng đó, như trên đã nói, kéo dài hơn 1000 năm!

Cho đến thế kỷ thứ 15, một vài học giả hiếu kỳ nhìn lên trời và thấy có những cái không ổn với lý thuyết của Aristôte và Ptolémé. Copernic cho rằng trái đất không phải là trung điểm của vũ trụ mà chỉ là một hành tinh quay quanh mặt trời (hệ thống nhật tâm). Dĩ nhiên, Toà Án Dị Giáo đã kết tội và để sách được phép cho xuát bản, người ta đã phải viết một bài mở đầu nói rằng những gì viết trong cuốn sách chỉ là một giả thiết, không liên hệ gì tới sự thật. Giordano Bruno, tuy là một nhà tu, đã công khai ủng hộ lý thuyết của Copernic và, vì không chịu tự phủ nhận điều mà ông cho là đúng theo lệnh của Giáo Hội, đã bị Toà Án Dị Giáo kết tội và cho thiêu trên hoả đài (1600). Sau đó, ông Galilée, nhờ quan sát được các hành tinh bằng kính thiên văn mà chính ông đã chế tạo ra, cũng tuyên bố ủng hộ lý thuyết của Copernic, nhưng dưới áp lực của Giáo Hội, và để tránh khỏi số phận của ông Bruno, đã phải đích thân quỳ gối trước toà án dị giáo để nhận tội và công khai phủ nhận điều mà ông tin là đúng (1633).
Những học giả này đã góp phần không nhỏ để châu Âu thoát ra khỏi thời đại đen tối kinh hoàng.

[Đến đây, chắc mọi người đều nhận thấy là tôi không có ý định so sánh thời đại đen tối này với thời đại của chúng ta. Để chứng tỏ thêm điều này, tôi nhắc lại là thời đại đen tối mà tôi kể chuyện đã kéo dài hơn 1000 năm. Tôi sẵn sàng đánh cá 1 đồng VN với bất cứ ai rằng thời đại hiện nay của chúng ta sẽ không kéo dài 1000 năm, dù rằng, trên mọi nẻo đường, người ta thấy đầy dẫy những biểu ngữ tuyên bố muôn năm!]

Đ. Đ. G.
GS TS Đỗ Đăng, Cựu Giám Đốc Nghiên Cứu CNRS, Đại học Paris-Sud, Pháp
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào: