Chất vấn công khai trong Đảng Cộng sản Việt Nam (*)
Trong thế giới hội nhập này, hội nhập về mặt thông tin cũng hết sức quan trọng. Tuy còn hạn chế, nhưng người dân Việt Nam qua TV, qua Internet cũng có thể chứng kiến những tranh luận, chất vấn công khai hết sức sôi nổi của các đảng chính trị, dẫu cầm quyền hay đối lập, ở nhiều nước trên thế giới.
Các đảng chính trị hoạt động lành mạnh là một nhân tố tối quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Chính vì thế hoạt động của các đảng chính trị, các cuộc hội nghị, tranh luận và chất vấn của các đảng nhằm làm rõ đường lối, các chủ trương và chính sách của các đảng phải công khai cho đảng viên của đảng và dân chúng biết. Nếu không làm vậy thì cơ hội cử tri bỏ phiếu cho họ không còn. Vì sự tồn tại của chính mình mà các đảng phải công khai như vậy tại các nước dân chủ.
Ở Việt Nam, từ hơn 25 năm nay chỉ có một đảng chính trị duy nhất hoạt động. Và có lẽ do vẫn quen với hoạt động trong thời kỳ bí mật, khi chưa nắm chính quyền, hay trong thời kỳ chiến tranh, nên các tranh luận chất vấn trong Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chưa được công khai. Nhưng khi đã là đảng cầm quyền và không còn chiến tranh hay không còn phải hoạt động bí mật nữa, và nhất là theo tôn chỉ thì ĐCSVN nói mình phục vụ lợi ích toàn dân, lợi ích dân tộc, thì nhu cầu công khai các cuộc họp, các tranh luận, chất vấn của ĐCSVN càng trở nên cấp bách. Không chỉ phải công khai trước các đảng viên ĐCSVN mà còn phải công khai trước toàn dân.
Thế nhưng, ở bất cứ đâu nếu chỉ có một đảng chính trị duy nhất, thì do không có cạnh tranh chính trị, không có khuyến khích, không có sức ép, không có động lực buộc phải công khai các cuộc tranh luận, chất vấn hay hoạt động nói chung nhằm giành phiếu bầu như ở các nước dân chủ. Và như thế hoạt động của đảng chính trị duy nhất rất dễ mắc các tật khó chữa do thiếu cạnh tranh, thiếu sức ép phải công khai minh bạch vì sự tồn tại của chính mình. Khía cạnh này ít khi được chú ý, tuy nó có thể giúp chúng ta nhiều trong việc hiểu thực tế kỹ hơn.
Cũng có thể, người ta nghĩ rằng công khai, minh bạch sự tranh luận thì mâu thuẫn nội bộ bộc lộ ra và mất đi sự “đoàn kết nhất trí”. Nếu nghĩ kỹ thì chuyện bộc lộ hay “vạch áo cho người xem lưng” này chỉ có lợi cho bản thân tổ chức vì nó buộc mọi thành viên của tổ chức phải có trách nhiệm giải trình.
Có lẽ do hiểu được nhu cầu chính đáng đó và những yếu điểm nêu trên mà hơn ba năm trước, Bộ Chính trị ĐCSVN đã ban hành Quy chế chất vấn trong ĐCSVN (Quyết định số 158 ngày 12-5-2008). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy lần chất vấn nào. Trong khi các buổi chất vấn công khai tại Quốc hội đã trở thành thông lệ trong mấy năm trở lại đây.
Tình hình dường như đã thay đổi kể từ ngày 2-12-2011 khi báo chí đưa tin về Hội nghị lần VII của Tỉnh ủy ĐCSVN tỉnh Quảng Ngãi và tường thuật một phiên chất vấn được cho là sôi nổi về các vấn đề nội bộ của Đảng bộ cũng như về các vấn đề chung của tỉnh như tham nhũng, thủ tục hành chính và vấn đề di dân cụ thể mà người dân trong tỉnh quan tâm.
Đấy là một dấu hiệu đáng khích lệ, tuy hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tỉnh ủy ĐCSVN tỉnh Quảng Ngãi đã không có sáng kiến “xé rào” nào cả, mà chỉ làm theo Quyết định số 158 mà thôi! Nhưng 62 đơn vị còn lại và cả ở cấp trung ương vẫn chưa nơi nào thực hiện Quyết định đó, cho nên sự kiện Quảng Ngãi vẫn là sự kiện đáng chú ý được nhiều báo chính thống coi như sự kiện nổi bật.
Điểm 3 trong Điều 3 của Quy chế ban hành theo Quyết định số 158 quy định “chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng…”. Không rõ sự “công khai” ở đây chỉ là trước hội nghị hay công khai trước cả dân chúng và các phương tiện truyền thông? Nhiều báo đã đưa tin về cuộc chất vấn này, từ đó có thể suy ra các phóng viên báo chí đã có mặt, nói cách khác đó không phải là một cuộc chất vấn chỉ “công khai” trong nội bộ những người dự hội nghị. Đấy là một dấu hiệu đáng mừng.
Giá mà ở tất cả các cấp, từ cấp xã đến trung ương, đều thực hiện Quyết định trên, thì chắc tình hình và hiệu quả hoạt động của ĐCSVN đã được cải thiện.
Ở cấp tỉnh và thành phố các cuộc chất vấn tại các phiên họp Hội đồng nhân dân, cũng như các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, từ nhiều năm nay đã trở thành thông lệ. Báo giới có mặt để tường thuật, nhất là truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn ấy đã giúp cho quảng đại quần chúng biết kỹ, nếu muốn, về các hoạt động của các cơ quan này. Đấy là một điểm rất đáng hoan nghênh, tuy vẫn cần cải thiện nhiều.
Nếu các tổ chức của ĐCSVN ở cấp tỉnh và thành phố, cũng như cấp trung ương, tức là trong các hội nghị của ban chấp hành trung ương của ĐCSVN, cũng làm tương tự, thì sẽ rất tốt. Có người sẽ nói, đấy là chuyện nội bộ của ĐCSVN. Hoàn toàn đúng. Nhưng ĐCSVN nói mình phục vụ toàn dân và là đảng duy nhất cầm quyền, nên hoạt động và quyết định của nó không chỉ còn là “nội bộ” mà ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cho nên việc công khai minh bạch là cần thiết.
Chính vì thế, sự kiện “chất vấn” ở Quảng Ngãi rất có ý nghĩa và là một dấu hiệu tốt.
N. Q. A
(*) Bài đã đăng trên Lao Động cuối tuần, nhưng đổi nhan đề thành Từ một sự kiện ở Quảng Ngãi, một số đoạn quan trọng cắt đi và “ĐCSVN” được/bị “biên tập” thành “Đảng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét