Nguyễn Vạn Lý

Ba Chị Em Nhà Họ Tống
Ba chị em nhà họ Tống từ trái qua phải
Tống Ái Linh - Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh
Thay Lời Tựa
Trong lịch sử cận đại, không có một gia đình nào có thể khuynh đảo lịch sử quốc gia và đời sống của hàng trăm triệu người như gia đình họ Tống của Trung Hoa. Trên một nửa thế kỷ, những người của gia đình này đã dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm quyền lực chính trị và tài chánh của Trung Hoa, và đã thu thập được những tài sản khổng lồ, lớn nhất thời đại.
Dòng họ Tống gồm những ai ?
Họ là con cháu của một gã thiếu niên đi hoang. Gã thiếu niên đó gặp cơ duyên may mắn qua được Hoa Kỳ, sống dưới sự che chở của giáo hội Methodist vào khoảng cuối thế kỷ 19. Gã thiếu niên may mắn đó vốn người họ Hàn tại đảo Hải Nam, nhưng khi sang Hoa Kỳ, hắn đổi tên là Tống Charliẹ Khi trưởng thành và trở về Trung Hoa, Tống Charlie lấy tên là Tống Giáo Nhân, và tạo được một sản nghiệp đồ sộ bằng nghề in và bán sách Thánh Kinh. Tống Giáo Nhân cũng bí mật tham gia phong trào cách mạng của Tôn Dật Tiên, chống lại triều đình Mãn Thanh.

Nếu Tống Giáo Nhân không có ba cô con gái thì cuối cùng gia đình nhà họ Tống sẽ không giầu sang quyền thế đến thế, và cũng sẽ chỉ là một gia đình trọc phú tầm thường trong cái đám đông đảo những người Trung Hoa giầu có. Nhưng Tống Giáo Nhân sinh được ba cô con gái rất quý tướng. Đúng ra Tống Giáo Nhân có sáu người con, ba trai và ba gái. Nhưng chính ba cô con gái này đã trở thành những nhân vật xuất chúng trên chính trường Trung Hoa, vì kết hôn với những lãnh tụ lớn của Trung Hoa. Ba chị em nhà họ Tống đã tạo được một sự nghiệp chính trị hiển hách và những sản nghiệp vĩ đại cho nhà họ Tống.

Trong số ba người con gái của Tống Giáo Nhân, chỉ có bà Tống Khánh Linh tạo được một địa vị cao quý trong lịch sử và tâm hồn người Trung Hoa. Bà được cả hai phe cộng sản và Quốc dân đảng kính trọng. Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Dật Tiên, nhà đại cách mạng Trung hoa của đầu thế kỷ 20. Trong lịch sử Trung hoa có hai cuộc cách mạng quan trọng nhất, đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu của xã hội và nhà nước. Cuộc cách mạng thứ nhất là của Tần Thủy Hoàng năm 221 trước tây lịch, đã chấm dứt kỷ nguyên phong kiến, và thiết lập chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế. Cuộc cách mạng thứ hai là của Tôn Dật Tiên năm 1911, còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi đã lật đổ sự thống trị của vua chúa, và dẫn tới việc thành lập chế độ dân chủ.

Khi Tôn Dật Tiên chết năm 1925, bà Tống Khánh Linh trở thành biểu tượng sống của cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Bà quyết định ở lại với những người cộng sản chiến thắng năm 1949, từ chối không rời bỏ nước Trung Hoa yêu quý của bà. Bà không bao giờ theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng bà được những người cộng sản, từ Mao Trạch Đông trở xuống, hết sức kính trọng và biệt đãi. Chu Ân Lai đã từng gọi bà là "một người cao quý nhất của quốc gia". Không những chỉ riêng người Trung Hoa kính trọng bà Tống Khánh Linh, mà cả người ngoại quốc cũng ngưỡng mộ bà. Nhiều chánh khách quốc tế đã tỏ lòng quý trọng bà. Đại học Victoria của Gia Nã Đại đã trao tặng bà văn bằng Tiến sĩ Luật Khoa danh dự ngày 8-5-1981.

Tất cả những người con khác của Tống Giáo Nhân đều đi theo Tưởng Giới Thạch, vì có lợi cho họ. Cô con gái út nhà họ Tống là Tống Mỹ Linh kết hôn với Tưởng Giới Thạch, và là một vị đệ nhất phu nhân đầy quyền thế. Cô con gái lớn của nhà họ Tống là Tống Ái Linh thì kết hôn với Khổng Tường Hy, nhà tài phiệt số một của Trung Hoa, cháu 75 đời của Khổng Tử. Tống Ái Linh đã trở thành người đàn bà nhiều tiền nhất Trung Hoa.
Ba người con trai của Tống Giáo Nhân là Tống Tử Văn, Tống Tử Lương và Tống Tử An. Tống Tử Văn trở thành cánh tay đắc lực cho Tưởng Giới Thạch, nhờ công ơn của hai bà chị và cô em gái là vợ của Tưởng Giới Thạch. Tống Tử Văn đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Quốc dân đảng, như bộ trưởng tài chánh, bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng. Trong chính thể Quốc dân đảng thối nát tham nhũng thì quyền đẻ ra tiền, vì thế các người con trai nhà họ Tống cũng tạo được những sản nghiệp khổng lồ. Trừ bà Tống Khánh Linh, mỗi người trong gia đình nhà họ Tống có tài sản lên tới cả tỷ mỹ kim, trong khi đó hàng triệu người Trung Hoa chết đói hàng năm.

Một điều ngạc nhiên là ba chị em nhà họ Tống có những sự nghiệp khác hẳn nhau. Mặc dầu tình chị em giữa ba người bao giờ cũng thân thiết, nhưng con đường đi của họ hoàn toàn xa cách nhau. Người ta có thể nói ba chị em nhà họ Tống tiêu biểu cho ba khuynh hướng chính trị tại Trung Hoa trong đầu thế kỷ 20, với Tống Ái Linh đứng về phía cực hữu, Tống Khánh Linh phía cực tả trong khi Tống Mỹ Linh thì đứng giữa.

Ba chị em nhà họ Tống đã là đề tài sôi nổi nhất cho các nhà tướng số Trung Hoa, mặc dầu cả ba chị em nhà họ Tống đều không tin bói toán, và chưa bao giờ đi xem bói toán, vì họ là những tín đồ Thiên Chúa Giáo. Các nhà tướng số Trung Hoa đã căn cứ vào các tấm hình của ba chị em nhà họ Tống trên báo chí để đưa ra những nhận xét về tương lai và sự nghiệp của ba bà. Một điều các nhà tướng số đều đồng ý là cả ba chị em nhà họ Tống đều có tướng "vượng phu", có nghĩa là có tướng giúp chồng thành công. Các ông chồng của ba chị em nhà họ Tống đều "làm nên" là nhờ tướng tốt của vợ.

Đối với các nhà tướng số Trung Hoa thì hơi khó đoán cho Tống Ái Linh, vì Tống Ái Linh không thích chụp hình, và hình của bà cũng ít xuất hiện trên báo chí. Theo các nhà tướng số thì Tống Ái Linh có khuôn mặt "hạt dưa", có nghĩa là mặt trái soan. Người Trung hoa rất ưa thích đàn bà con gái có khuôn mặt trái soan. Một người đàn bà được coi là có tướng tốt nếu người ta không nhìn thấy hàm từ phía sau. Khuôn mặt trái soan của Tống Ái Linh không những được coi là đẹp, mà còn chứng tỏ bà là một người rất khôn ngoan kín đáo, và tính tình rất thực tế nữa. Quả thực các nhà tướng số đoán đúng con người của Tống Ái Linh, một người luôn luôn đứng sau hậu trường để chỉ huy, không xuất đầu lộ diện trước công chúng, nhưng tiền bạc lúc nào cũng đổ vào các trương mục ngân hàng của bà. Không những kín đáo mà Tống Ái Linh còn có một tâm địa độc ác, không ngần ngại dùng những biện pháp mạnh nếu gặp trở ngại, nhưng bao giờ cũng ở trong bóng tối.

Tống Khánh Linh có khuôn mặt tròn và hơi nhỏ, với những nét đẹp cực kỳ thanh tú. Bà có một vẻ mặt cao quý và trang nghiêm của một người thiên về lý tưởng. Khuôn mặt Tống Khánh Linh là khuôn mặt của một công chúa. Ngay khi đã lớn tuổi, Tống Khánh Linh vẫn giữ được vẻ đẹp quý phái và nhân hậu này. Bà là người được rất nhiều chính khách ái mộ, cả về nhan sắc và nhân cách. Bề ngoài bà có vẻ yếu đuối, nhưng tinh thần bà rất mạnh mẽ, lúc nào cũng sáng chói không lay chuyển hoặc nhượng bộ, ngay cả trong những nghịch cảnh.

Tống Mỹ Linh thường được coi là người đẹp nhất trong ba chị em, nhưng Tống Mỹ Linh chụp hình không ăn ảnh lắm. Gò má Tống Mỹ Linh hơi cao, và đó là tướng của một người có uy quyền. Các nhà tướng số thường chỉ vào lưỡng quyền cao của Tống Mỹ Linh và đoán bà sẽ có được quyền lực chính trị. Trong cái địa vị của một đệ nhất phu nhân trong một nước Trung Hoa hãy còn phong kiến thì Tống Mỹ Linh có cái uy quyền của một Dương Qúy Phi đang được sự sủng ái của Tưởng Giới Thạch, một thứ Đường Minh Hoàng hiện đại. Khi kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch thừa hưởng cái sự nghiệp chính trị hiển hách cũng như uy tín của Tôn Dật Tiên, vì Tôn Dật Tiên cũng là rể nhà họ Tống như Tưởng Giới Thạch. Chính vì thế Tưởng Giới Thạch cũng cảm thấy chịu ơn Tống Mỹ Linh một phần nào. Thực ra khi Tôn Dật Tiên chết, Tưởng Giới Thạch ước ao được kết hôn với bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Dật Tiên, bởi vì nếu lấy được bà Tống Khánh Linh thì Tưởng Giới Thạch sẽ có uy thế chính trị lớn lao gấp bội. Nhưng bà Tống Khánh Linh vốn khinh tởm Tưởng Giới Thạch, và bà cũng quyết tâm thủ tiết với chồng, mặc dù bà có nhiều chính khách tên tuổi theo đuổi, nên họ Tưởng đành lấy cô em vậy.

Gia đình nhà họ Tống ảnh hưởng tới chánh sách của tổng thống Mỹ Roosevelt về Á Châu trong một thời gian khá lâu dài. Những người nhà họ Tống rất giỏi khoa giao tế, và biết cách mua chuộc các chính khách Hoa Kỳ. Ngoài ra sự thành công của họ còn nhờ một phần lớn vào sự ủng hộ của Henry Luce, một nhà truyền giáo Mỹ rất có thế lực tại Trung Hoa. Các tạp chí Time và Life của Henry Luce đã tạo huyền thoại quanh gia đình nhà họ Tống, mô tả họ là những người yêu chuộng dân chủ, và là những anh hùng dân tộc của Trung Hoa.

Chúng ta hãy theo dõi cuộc đời của ba chị em nhà họ Tống, để xem họ đã đem lại vinh quang cho dòng họ nhà chồng và dòng họ Tống như thế nào, và ảnh hưởng của họ đối với chính trường Trung Hoa đầu thế kỷ 20 ra sao.
Chương 1
 
Vận May Của Một Chú Bé Triều Châu
Tống Charlie vốn họ Hàn và sinh tại đảo Hải Nam thuộc mỏm cực nam của Trung Hoa. Tổ tiên nhà họ Hàn lánh nạn Mãn Thanh và di cư từ vùng Sơn Tây tới đảo Hải Nam từ lâu đời rồi. Lúc đầu họ bị dân bản xứ gọi là Hakka, có nghĩa là "Khách  Trú", nhưng dần dần họ kết hợp với người địa phương tại đảo qua những cuộc hôn nhân giữa hai nhóm dân, và cuối cùng trở thành người Triều Châu. Thân phụ Tống Charlie là Hàn Hùng Kỳ, một thương gia khá giả, sống bằng nghề thương thuyền, buôn lậu và buôn thuốc phiện. Người Triều Châu có khuynh hướng liên kết với nhau chặt chẽ trong lối sống và công việc kinh doanh. Họ tổ chức thành những bang hội. Hàn Hùng Kỳ cũng là một bang trưởng Triều Châu.

Hàng năm cứ về mùa hè, những người Triều Châu tại Hải Nam chất đầy hàng hóa lên những thương thuyền của họ, và chở tới bán tại các vùng duyên hải miền bắc Trung Hoa. Khi mùa đông đến, để tránh cái lạnh của miền bắc, họ chở hàng hóa xuôi về miền nam, đem đến bán tại Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương. Thương thuyền của họ rất lớn, hai đầu cong lên, hai bên mạn thuyền vẽ hai con mắt, giống như mắt gà. Những tay lái buôn này bình thường làm ăn lương thiện, nhưng gặp lúc thuận lợi, bắt gặp một thương thuyền nhỏ bé yếu thế hơn, họ trở thành những tay hải tặc, tấn công thuyền lạ, cướp của, giết người, quăng xác nạn nhân xuống biển, và đánh đắm thuyền của nạn nhân cho mất tang tích. Đôi khi trên đường viễn thương, nếu gặp một làng mạc duyên hải nào trù phú mà không có sự phòng thủ, họ cũng xông vào, tấn công đoạt của và giết người.

Theo tục lệ của người Triều Châu, các con của bang trưởng phải đi tập sự làm việc buôn bán tại các chi nhánh khắp nơi. Khi Tống Charlie lên 9 tuổi thì được ông bố gửi đi theo người anh lớn đang tập sự hành nghề tại đảo Java của Nam Dương. Năm 12 tuổi, Tống Charlie gặp được một người bà con xa vào hàng cha chú. Người chú hờ này đi Nam Dương mua hàng về bán tại Hoa Kỳ. Người chú hờ gặp Tống Charlie liền có ý định dụ hắn đi theo sang lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Thực tâm người chú hờ chỉ có ý lợi dụng, đem Tống Charlie sang làm việc không công cho mình. Nhưng đó cũng là vận may hãn hữu cho Tống Charlie, và hắn lập tức đi theo người chú hờ.

Năm 1862, chính phủ liên bang Hoa Kỳ quyết định phát triển hệ thống xe lửa xuyên lục địa, nối hệ thống xe lửa từ bờ biển phía đông sang bờ biển phía tây Hoa Kỳ, từ Philadelphia trên bờ Đại Tây Dương sang San Francisco trên bờ Thái Bình Dương. Đây là một đại công trình dài tới 4500 cây số đường sắt, chạy xuyên qua những cánh đồng mênh mông của miền đông và những vùng hoang vu sa mạc, những đỉnh cao của rặng núi Sierra Nevada của miền tây. Hai công ty được giao phó xây dựng công trình này là Union Pacific bắt đầu từ miền đông, và Central Pacific bắt đầu từ miền tây. Hai công ty dự định đường xe lửa từ hai đầu sẽ gặp nhau tại trung tâm Hoa Kỳ.

Công ty Union Pacific gặp thuận lợi hơn, vì miền đông là đồng bằng nên không gặp trở ngại, và cũng dễ tuyển nhân công vì dân cư vùng này đông đúc và có nhiều di dân từ Âu Châu sang. Trái lại công ty Central Pacific gặp rất nhiều khó khăn, phải xây đường xe lửa vượt qua các rặng núi tuyết và sa mạc thuộc tiểu bang Nevadạ Hơn nữa công nhân tại miền tây rất khan hiếm; công ty chỉ tìm được một số người da đen mới được giải phóng, và một số người Mê Tây Cơ di cư bất hợp pháp. Những người này lại lười biếng và hay bỏ bê công việc. Công nhân người Mỹ da trắng thì ít ai chịu làm một công việc vừa nguy hiểm gian khổ vừa ít lương như thế. Cuối cùng công ty tuyển thử một số người Trung Hoa, và kết quả là người Trung Hoa làm việc rất chăm chỉ, hiệu quả gấp đôi những toán nhân công khác. Hơn nữa, công nhân Trung Hoa bằng lòng một số lương rẻ bằng phân nửa của công nhân Mỹ.

Thế là hàng chục ngàn người Trung Hoa tham gia xây cất đại công trình này, và người Trung hoa chiếm tới 80% công nhân của công ty Central Pacfific. Đến năm 1865, các công nhân Trung Hoa bắt đầu đụng phải những khối đá hoa cương đầu tiên trong rặng núi Sierra Nevadạ Họ phải chịu đựng những trận bão tuyết, làm việc trong cái lạnh dưới không độ, phải làm việc tại những nơi nguy hiểm, cheo leo trên những vách đá thẳng đứng. Tuy thế, công việc vẫn tiến triển đều đặn. Gần hai năm sau, đường xe lửa vượt qua được sang bên kia rặng núi Sierra Nevadạ Trên một ngàn công nhân Trung Hoa đã thiệt mạng trong các tai nạn, như đá lở, cốt mìn nổ trúng, bị tuyết vùi hoặc chết cóng. Nhưng người này chết thì lại được bổ xung bằng người khác. Số công nhân Trung Hoa du nhập vào Hoa Kỳ lên đến trên một trăm ngàn người.

Ngày 10-5-1869, hai toán công nhân miền đông và miền tây đã gặp nhau tại một địa điểm trong tiểu bang Utah. Thế là đại công trình đã hoàn tất, và công nhân Trung Hoa đã góp một phần lớn vào sự hoàn thành đường xe lửa này. Hai công nhân Trung Hoa đại diện cho miền tây, và hai công nhân Ái Nhĩ Lan đại diện cho miền đông, khiêng khúc đường rầy cuối cùng đặt xuống, trước tiếng reo hò của đông đảo quan khách trong ngày lễ khánh thành. Toàn thể nước Mỹ hân hoan chào mừng ngày vui lớn đó. Trong khi người Mỹ ăn mừng thành quả lớn lao ấy thì các công nhân xây cất đường xe lửa bị sa thải, vì hết công việc.

Với sự cần cù làm việc và tinh thần tiết kiệm, sau một thời gian làm công nhân xây cất đường xe lửa, nhiều người Trung Hoa đã có đủ tiền để mở những tiệm buôn nhỏ. Người chú hờ của Tống Charlie cũng ở trong trường hợp này. Ông ta mở được một tiệm bán trà và đồ khô của người Trung Hoa tại thành phố Boston. Khi Tống Charlie tới Boston, hắn phải làm việc trong cửa tiệm của ông chú suốt ngày, và cả bảy ngày trong tuần. Lúc đó tại thành phố Boston cũng có một số sinh viên người Trung Hoa sang du học do các nhà truyền giáo gửi tới. Các sinh viên Trung hoa du học thường lui tới tiệm của Tống Charlie để mua đồ. Trong số những sinh viên đến tiệm có Văn Bình Chung và Mai Sơn Châu. Hai người trở nên thân thiết với Tống Charlie.

Hai sinh viên này thấy rằng nếu Tống Charlie cứ tiếp tục làm việc tại tiệm trà như thế thì sẽ không có tương lai gì. Họ nghĩ Tống Charlie cần phải đi học thêm để có một tương lai sáng sủa hơn. Cả hai người tới gặp người chú của Tống Charlie, và yêu cầu ông ta cho phép Tống Charlie đi học, ít nhất là bán thời gian. Ông chú hờ tỏ ra rất tức giận trước đề nghị này, vì thực tâm ông ta chỉ muốn lợi dụng sự làm việc của Tống Charlie mà không phải trả lương. Ông ta từ chối đề nghị của Văn Bình Chung và Mai Sơn Châu. Ông quyết liệt nói với Tống Charlie rằng muốn khấm khá thì nên đi theo con đường làm ăn của ông ta, cần gì phải đi học cho tốn kém. Hãy theo gương của ông tạ Ông ta có cần học hành gì đâu mà cũng làm chủ được một cửa tiệm rất phát đạt.

Tống Charlie dĩ nhiên rất bất mãn không được đi học như ý muốn, nên đã rắp tâm muốn thoát ly khỏi cửa tiệm của ông chú hờ. Một hôm hắn ra bến tầu, thơ thẩn đứng chơi. Chợt hắn trông thấy một chiếc tầu buôn sắp sửa nhổ neo rời bến. Không kịp suy nghĩ, Tống Charlie chạy vội xuống chiếc tầu đang sửa soạn ra khơi và tìm một chỗ thật kín đáo để nấp. Mãi khi con tàu ra khơi rồi người trên tầu mới bắt được Tống Charliẹ Viên thuyền trưởng chiếc tàu này vốn là một người rất mộ đạo, thuộc giáo hội Methodist. Tống Charlie kể nông nỗi phải trốn khỏi cửa tiệm của ông chú hờ để tìm cách được đi học. Viên thuyền trưởng thương tình cảnh của một đứa trẻ 15 tuổi, và định tâm giúp đỡ Tống Charlie.

Viên thuyền trưởng tìm cách đưa Tống Charlie vào dòng truyền giáo Methodist tại North Carolinạ Tống Charlie liền được hội truyền giáo chú ý ngay vì Tống Charlie là người Trung Hoa. Các nhà truyền giáo Methodist vẫn thèm khát cái "thị trường tôn giáo" đông đảo của Trung Hoa, nơi họ ước ao sẽ gặt hái được hàng triệu linh hồn đi theo họ. Họ quyết định cho Tống Charlie theo học trường truyền giáo để được huấn luyện thành một nhà truyền giáo, và sau đó sẽ được đưa về hoạt động tại Trung Hoa.

Tống Charlie cũng tỏ ra có nhiều tiến bộ trong việc học, mặc dù hắn không có căn bản giáo dục. Tuy vậy Tống Charlie thường chú ý đến con gái nhiều hơn là việc đọc sách Thánh Kinh. Có lần Tống Charlie đã bị tống cổ ra khỏi nhà một giáo sĩ truyền giáo mà hắn đang ở trọ, vì hắn lân la tán tỉnh cô con gái cưng của chủ nhà. Đến năm 1885, Tống Charlie tốt nghiệp trường truyền giáo, và được hội truyền giáo quyết định gửi về phục vụ giáo hội Methodist tại Thượng Hải. Tháng 12 năm đó, Tống Charlie lên đường hồi hương bằng xe lửa xuyên qua Hoa Kỳ để tới California. Tống Charlie đi trên con đường xe lửa do chính đồng bào của hắn đã đóng góp nhiều công lao để thiết lập nên.

Trên chuyến xe lửa xuyên Hoa Kỳ đi về miền tây, Tống Charlie không hề hay biết rằng với vẻ mặt người Trung Hoa, hắn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, một sự nguy hiểm có thể đưa tới cái chết mất xác. Lúc đó người Trung Hoa sống tại Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ bị khủng bố khủng khiếp. Trên những cánh đồng đầy hoa trái và những rặng núi màu tím hùng vĩ của miền tây Hoa Kỳ, người Trung Hoa đang bị người Mỹ trắng săn đuổi và lột da đầu. Vào những năm của thập niên 1880, miền tây Hoa Kỳ trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, việc làm rất khan hiếm khiến, và con số người thất nghiệp gia tăng rất nhanh chóng. Giới chủ nhân người Mỹ gặp dịp người khôn của khó, người thất nghiệp thì nhiều, và nhu cầu thì lại ít, lợi dụng thời cơ của chủ nhân ông, xa thải người da trắng và mướn người Trung Hoa thay thế. Người Trung Hoa làm việc chăm chỉ hơn người Mỹ trắng, chấp nhận đồng lương bằng nửa người Mỹ trắng, và không dám đưa ra các yêu sách đòi hỏi chủ nhân như những công nhân da trắng có nghiệp đoàn.

Để trả đủa lại, các công nhân da trắng thất nghiệp khuấy động phong trào điệt trừ "mối hiểm họa da vàng" trên báo chí, và được sự ủng hộ của các chính trị gia thời cơ muốn lấy phiếu của cử trị Các khu vực của người Trung Hoa bị tấn công và đốt cháy. Những người da trắng quá khích tổ chức những buổi party "cắt đuôi heo", đè người Trung Hoa xuống rồi cắt mớ tóc đuôi sam của họ. Không những người Mỹ da trắng chỉ cắt cái đuôi sam của các nạn nhân người Trung Hoa mà thôi, họ còn tàn nhẫn lột luôn cả da đầu nạn nhân nữa.

Tại một vài nơi thuộc tiểu bang Montana, một số người Trung Hoa bị chặt đầu. Một đám đông tại Rock Spring, tiểu bang Wyoming, chặt đầu 28 người Trung Hoa trong thành phố và đốt sống những người khác trong lúc các mệnh phụ da trắng đứng vỗ tay và cười một cách hả hệ Một cảnh thù hằn độc nhất vô nhị đã xảy ra khi một đám người da trắng đè một người Trung Hoa xuống, lột quần áo và cắt đứt bộ phận sinh dục của nạn nhân. Những người da trắng say men chiến thắng đem cái bộ phận sinh dục ấy vào một tiệm rượu, nướng lên và chia nhau nhậu với rượu, ngon lành như ăn barbecue vậy.

Hàng ngàn người Trung Hoa tìm cách bỏ chạy về Trung Hoa để tránh cái "hiểm họa đa trắng". Những người Trung Hoa có học hoặc giầu có đã rời Hoa Kỳ trở về nước. Nhưng những người Trung Hoa nghèo thì phải cố mà ở lại, vì họ biết rằng trở về Trung Hoa thì cũng lại lâm vào cảnh đói khổ. Con số người Trung Hoa tại Hoa Kỳ từ 110 ngàn người chỉ còn lại khoảng 60 ngàn. Những người Trung Hoa liều ở lại phải đoàn kết với nhau thành từng cộng đồng sống tách biệt hẳn, tránh không hòa nhập vào xã hội Mỹ để sinh tồn. Đúng lúc cuộc tắm máu của người Trung Hoa lên cao độ nhất thì Tống Charlie đang trên đường trở về Trung Hoa.

Tinh thần chống người Trung Hoa lên cao độ đến nỗi Quốc hội Mỹ phải ra một đạo luật giới hạn số người Trung Hoa được di cư sang Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ ra một đạo luật như vậy. Thực ra trước kia chính quyền nhà Mãn Thanh ngăn cấm không cho người Trung Hoa xuất ngoại. Nhưng các cường quốc Âu Mỹ cần công nhân rẻ tiền, dùng áp lực buộc nhà Mãn Thanh phải cho người Trung Hoa xuất ngoại. Nước cổ võ và đòi hỏi cho người Trung Hoa xuất ngoại ồn ào nhất là Hoa Kỳ, vì nhu cầu công nhân xây cất đường xe lửa. Nhưng khi đường xe lửa hoàn thành rồi thì đám nhân công Trung Hoa kia bỗng trở nên một gánh nặng, chứ không còn cần thiết và ích lợi như trước nũa. Do đó Quốc hội Mỹ sửa lại điều luật cũ, chỉ cho phép các giáo chức, sinh viên, thương gia và du khách Trung Hoa được nhập cảnh Hoa Kỳ. Những người Trung Hoa đã có mặt tại Mỹ bị cấm vào quốc tịch Mỹ. Năm 1881 có 40 ngàn người Trung Hoa đến Hoa Kỳ, nhưng đến năm 1887 chỉ có 10 người.

Phản ứng tại Trung Hoa về việc tàn sát người Trung Hoa tại Hoa Kỳ rất là ác liệt. Từng đám đông xông vào tàn phá các cơ sở truyền giáo của Mỹ và Âu châu. Tại nhiều nơi, việc đi lại của người Âu Mỹ rất nguy hiểm. Các báo chí Âu Mỹ không hề nhắc nhở tới sự khủng bố dã man mà người Trung Hoa phải chịu đựng tại Hoa Kỳ, trong khi đó thổi phồng và tỏ thái độ phẫn nộ trước những trả đủa của người Trung Hoa. Sự bóp méo sự thực của báo chí tây phương là cớ giúp các cường quốc tây phương áp lực một triều đình Mãn Thanh yếu đuối phải nhượng bộ. Triều đình nhà Mãn Thanh phải phái quân đội đi dẹp những vụ chống đối người tây phương tại Trung Hoa. Triều đình ra tuyên cáo, yêu cầu người Trung Hoa phải "sống hòa bình với các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo". Trong khi đó chính phủ Hoa Kỳ không có những nỗ lực tương tự để chấm dứt phong trào triệt hạ người Trung Hoa tại Hoa Kỳ.

Trong cơn nguy hiểm cho người Trung Hoa tại Hoa Kỳ như thế, Tống Charlie may mắn tới được San Francisco một cách an toàn. Tống Charlie dùng đường thủy, đi tầu Pacific Mail Lines về Thượng Hải qua ngả Yokohamạ Sau mười năm xa cách quê hương, Tống Charlie về đến Thượng Hải vào tháng giêng năm 1886. Con tầu chở Tống Charlie đi vào sông Hoàng Phố, và cặp bến tại Hồng Khẩu.
 
Chương 2
 
Nhà Truyền Giáo Họ Tống
Khi Tống Charlie về đến Thượng Hải thì cái thành phố này đang bắt đầu trở thành một thành phố kỹ nghệ và thương mại lớn nhất Trung Hoa. Trên danh nghĩa thì lúc đó nước Trung Hoa đang được vua Quang Tự cai trị, nhưng thực ra thì ông vua trẻ có tinh thần cải cách của nhà Mãn Thanh này đang bị giam giữ trên một hòn đảo nhỏ bên trong Cung Điện Mùa Hạ. Người thực sự nắm giữ vận mạng của mấy trăm triệu người Trung Hoa là Từ Hy, một bà thái hậu đã già và đã nắm quyền từ nhiều năm trước.

Từ Hy là một người đàn bà thông minh, nhưng không hiểu biết gì bên ngoài nước Trung hoa, và do đó đã trở nên lạc hậu trong cái thế kỷ có nhiều tiến bộ tại Tây phương. Từ Hy đã phải nhượng nhiều đất đai cho các cường quốc tây phương, nhưng bà tin rằng một ngày nào đó các nhượng địa sẽ trở về với Trung hoa. Từ Hy được trời cho hưởng tuổi thọ, nhưng bà càng sống lâu càng thấy vương quốc của bà ngày một thu hẹp lại. Nhiều tỉnh trù phú miền duyên hải phải nhượng cho các nước tây phương. Miến Điện bị Anh quốc chiếm; Bồ Đào Nha chiếm Ma Cao; Nga Sô thì chiếm một giải đất mênh mông ở miền bắc, còn Việt Nam rơi vào vòng bảo hộ của Pháp. Từ Hy đã tiếm quyền của vua Quang Tự, nhưng vương quyền ấy đã ung thối vô giá trị từ bên trong, và có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Triều đình nhà Thanh vẫn còn huy hoàng và không thay đổi bên trong Cấm Thành, trong khi thế giới bên ngoài tiến bộ không ngừng. Nhà Thanh còn giữ được sự huy hoàng là nhờ vào tiền thuế hải quan, mô phỏng theo hệ thống thuế hải quan của người Anh.

Thượng Hải thì hoàn toàn nằm trong tay ngoại bang, như những tô giới của người Anh người Pháp. Dần dần cùng với nền khoa học mới, tinh thần văn hóa tây phương xâm nhập vào Thượng Hải và lan ra các vùng kế cận. Các tu sĩ công giáo người Pháp và tu sĩ Thiên chúa giáo của người Anh và Mỹ đã đem theo những tiến bộ y học và tôn giáo của họ đến Thượng Hải. Những phái bộ truyền giáo bành trướng khắp nơi, trên cái đất nước đã cho phép ba tôn giáo khác nhau đồng lưu là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Trong cái không khí phát triển tôn giáo rất nhộn nhịp của cuối thế kỷ 19, giáo hội nào cũng cần có những người như Tống Charlie.

So sánh với khu vực nội địa thì Thượng Hải quả là một thành phố sang trọng. Ngay từ 1843, Thượng Hải đã là một hải cảng dành cho các nước tây phương được quyền khai thác. Sau Hiệp ước Nam Kinh, người Anh phát triển thành phố, biến Thượng Hải thành một thành phố tây phương, và cho phép người Trung Hoa được làm những công việc đầy tớ hoặc mở những cửa tiệm nhỏ. Rồi mỗi khi có nội chiến, Thượng Hải trở thành một trung tâm cho những di dân trốn tránh chiến tranh trong nội địa, và đến sống dưới sự che chở của người ngoại quốc tại đây. Vào lúc Tống Charlie về đến Thượng Hải năm 1886 thì Thượng Hải đã trở thành một thành phố quốc tế, một nơi tiền rừng bạc bể cho những người biết mánh khóe làm giầu, như giới mại bản.

Khi về đến Thượng Hải, Tống Charlie được Dr. Allen, người đứng đầu giáo hội Methodist tại Thượng Hải, phái tới dạy học tại một trường trung học Methodist. Một trong những học sinh đầu tiên của Tống Charlie là Hồ Thích, sau này là đại sứ Trung hoa và là một nhà văn hóa danh tiếng. Hồ Thích không bao giờ quên buổi dạy học đầu tiên của Tống Charliẹ Khi Tống Charlie bước lên bục giảng của giáo sư, tất cả học sinh đều khúc khích cười với nhau, vì thân hình lùn béo và nét mặt xấu trai của Tống Charliẹ Học sinh Trung hoa quen gặp những ông thày trang nghiêm, mảnh khảnh và dáng điệu phong nhã. Hồ Thích tưởng Tống Charlie sẽ bỏ lớp vì xấu hổ khi bị học sinh cười chế nhạo. Nhưng Tống Charlie bình tĩnh lên tiếng, và tất cả học sinh đều im lặng lắng tai nghe cho tới hết giờ. Tống Charlie đã chinh phục lớp học đầu tiên bằng khả năng và lòng tự tin của mình. Các học sinh cũng công nhận Tống Charlie là một nhà giáo xuất sắc, tuy bề ngoài không được hấp dẫn.

Nỗi khổ tâm của Tống Charlie không phải đến từ phía học sinh, vì Tống Charlie rất thành công trong nghề dạy học và được học sinh ưa thích. Sự khổ tâm đến từ Dr. Allen. Mỗi tháng Tống Charlie được trả lương 15 đô la và phải chịu sự khắc nghiệt của Dr. Allen. Dr. Allen không ưa Tống Charlie vì họ Tống được giáo dục tại Hoa Kỳ nên không có sự phục tùng hoàn toàn như những giáo sĩ thuần túy Trung Hoa, chưa từng được xuất ngoại. Dr. Allen cũng không thích sự thành công của Tống Charlie trong việc dạy học.

Đối với cấp lãnh đạo thì đã buồn phiền như thế. Ngay dân chúng ngoài đường phố cũng không ưa Tống Charliẹ Mỗi khi đi ra đường, Tống Charlie trở thành đề tài chế riễu cho người dân ngoài phố, vì cái bề ngoài không giống ai của Tống Charliẹ Hầu hết thanh niên Trung hoa thời đó đều để tóc dài kết thành đuôi sam, và mặc một chiếc áo choàng dài bó lấy người. Riêng Tống Charlie thì cắt tóc ngắn và mặc âu phục. Tống Charlie không đẹp trai theo tiêu chuẩn người Trung hoa: người thì lùn lại khá mập, bộ điệu rất tự nhiên vì do lối sống lâu năm tại Hoa Kỳ, nên không biết che dấu xúc cảm như phần đông người Trung hoa khác. Ngoài ra, người Thượng Hải rất khó hiểu được thổ âm Hải Nam của họ Tống. Bởi vậy mỗi khi Tống Charlie đi dạo phố thì người lớn gọi chàng là "thằng lùn", và con nít thì đuổi theo réo gọi "con quỷ lai căng". Do đó những cảm tưởng đầu tiên của Tống Charlie về cuộc đời tại Thượng Hải không hào hứng lắm.

Mấy tháng sau, Tống Charlie được phép về Hải Nam thăm gia đình sau hơn mười năm xa cách. Cuộc đoàn tụ đem lại cho Tống Charlie nhiều niềm vui. Thân phụ của chàng bây giờ đã là người lãnh đạo của người Triều Châu tại Hải Nam, và người anh cả của chàng đã thay thế thân phụ quán xuyến công việc làm ăn của gia đình. Không những thế, Tống Charlie còn được gia đình giới thiệu gửi gấm với những tổ chức làm ăn bí mật của người Triều Châu tại Thượng Hải.

Sáu tháng sau, Tống Charlie được cử tới một nhiệm sở mới tại một thị trấn cổ hủ có trên ba trăm ngàn dân, nằm bên ngoài Thượng Hải, trên đường đi Tô Châu. Tại đây nhà truyền giáo trẻ tuổi bất đắc dĩ này bị cả người bản xứ và người ngoại quốc xa lánh. Người bản xứ thì không chấp nhận lối ăn mặc và bề ngoài của Tống Charlie, mà họ cho là quá ngoại lai. Còn người tây phương, phần đông là giáo sĩ truyền giáo, thì không ưa Tống Charlie vì vấn đề cạnh tranh nghề nghiệp. Tống Charlie thuê một một căn nhà tranh ở khuất xa mọi người. Đây là giai đoạn Tống Charlie cảm thấy chán nản nghề truyền giáo nhất. Cuối cùng, Tống Charlie phải tự thay đổi cho vừa lòng dân chúng. Chàng bắt đầu mặc áo choàng dài, và chụp lên đầu một cái nón tròn nhỏ để hoà mình với quần chúng.

Cuộc đời vô vị của Tống Charlie cứ thế trôi qua, cho đến một ngày kia vận may của chàng cũng tới. Một hôm Tống Charlie về thăm Thượng Hải. Trong lúc đang lang thang ngoài phố thì tình cờ Tống Charlie gặp Văn Bình Chung, người bạn cũ của những ngày còn ở Boston. Sau khi nghe những lời than thở của Tống Charlie về cảnh sống hiện tại, Văn Bình Chung kết luận Tống Charlie cần phải có vợ, và đó là giải pháp giản dị nhất để giúp Tống Charlie qua được sự buồn phiền. Văn Bình Chung còn tình nguyện làm mai cho Tống Charlie nữa. Thực ra Văn Bình Chung cũng vừa mới lấy vợ, được làm rể Nhiếp gia, một gia đình rất giầu sang, dòng dõi quan tể tướng Văn Định Công đời nhà Minh. Gia đình này đã theo đạo Thiên Chúa từ lâu đời. Chính Văn Bình Chung cũng đã giới thiệu Mai Sơn Châu vào làm rể nhà họ Nhiếp, lấy cô con gái thứ hai của nhà này. Nhà họ Nhiếp còn một cô gái út chưa chồng, và Văn Bình Chung tính làm mai cho Tống Charlie.

Nhiếp phu nhân sinh được ba con gái. Theo tục lệ cổ truyền, bà bó chân cho con gái để giữ được những bàn chân nhỏ xinh đẹp. Việc bó chân cho hai cô con gái đầu lòng thì không có gì trục trặc. Nhưng đến cô gái út thì có phản ứng bất lợi. Mỗi khi bị bó chân thì cô bé đau đớn đến phát sốt lên. Cuối cùng Nhiếp phu nhân phải bỏ ý định ấy. Nhiếp Quế Sương, tên cô gái út, lớn lên với hai bàn chân to bình thường. Nhiếp Quế Sương được gia đình cho đi học theo lối tây phương và biết chơi đàn dương cầm. Chính ba cái khuyết điểm: hai bàn chân to, học cao và chơi đàn là ba yếu tố bất lợi cho đường chồng con của Nhiếp Quế Sương. Thời đó không ai chịu rước về nhà một nàng dâu có tới những ba điều cấm kỵ như thế.

Nếu Nhiếp Quế Sương khó lấy chồng thì Tống Charlie cũng là một thanh niên khó lấy được một người vợ đàng hoàng, vì dáng người thô xấu, mập và lùn, vì thổ ngữ Hải Nam, và vì lợi tức thấp kém trong một xã hội chỉ trọng kim tiền. Bởi vậy hai người gặp nhau thật là tương xứng. Nhiếp phu nhân cũng nhận biết điều này, và bà mau lẹ chấp nhận lời cầu hôn của Tống Charlie do Văn Bình Chung đại diện. Hôn lễ được cử hành vào mùa hè năm 1887. Sau đám cưới, Tống Charlie đưa vợ về nhiệm sở của mình. Với đồng lương 15 đô la một tháng cho hai miệng ăn thì phải giật gấu vá vai mới đủ. Tuy nhiên Nhiếp Quế Sương cũng đem về cho chồng một món hồi môn đáng kể, và gia đình họ Nhiếp có thể đưa Tống Charlie vào các lãnh vực kiếm tiền dễ dàng tại tô giới Anh ở Thượng Hải.

Thực ra Tống Charlie không thiết tha gì với công cuộc truyền giáo. Chàng có một cá tính đặc biệt, một người ưa thích vi phạm luật lệ hơn là tuân giữ luật lệ. Lúc đó xã hội Trung Hoa rất cần những người biết phá bỏ những luật lệ cổ truyền. Những tập tục cổ truyền trở nên một gánh nặng cần phải được cởi bỏ, và đó là thời của giặc cướp trở thành vua chúa. Tống Charlie đang lăm le từ bỏ giáo hội Methodist để tìm một con đường thích hợp với bản chất của mình hơn.

Năm 1888, Tống Charlie được giới thiệu vào các tổ chức bí mật tại Thượng Hải và bắt đầu giai đoạn hoạt động cách mạng. Tống Charlie gia nhập Hồng Hội, một tổ chức chống lại triều đình Mãn Thanh. Chính Văn Bình Chung đã đưa Tống Charlie vào Hồng Hội, và sau này chính Tống Charlie là người đã in những tài liệu bí mật của hội. Hồng Hội giúp đỡ hội viên về tinh thần và vật chất, và nhằm mục đích lật đổ nhà Mãn Thanh. Hồng Hội đã theo đuổi mục tiêu này từ ba thế kỷ trước, kể từ ngày nhà Minh bị nhà Mãn Thanh thay thế.

Tuy nhiên cơ hội giúp Tống Charlie làm giầu chưa đến ngaỵ Chàng rất thành công trong nghề truyền giáo. Năm 1888, Tống Charlie được lên chức mục sư, năm sau được đổi về Thượng Hải, và năm 1890 thì chính thức được bổ nhiệm trông coi một nhà thờ tại Thượng Hải, không còn phải đi thuyết giảng lưu động như trước kia nữa. Chính lúc này Tống Charlie đã thành lập được một nhà in. Bây giờ chàng không còn cần giáo hội Methodist nữa, và từ chức.

Ngay từ cuối năm 1889 Tống Charlie đã bắt đầu in Thánh Kinh, và được giáo hội Methodist trợ cấp. Sau đó Tống Charlie in Thánh Kinh cho nhiều giáo hội khác nhau và nhận trợ cấp của các giáo hội ấy. Đến khi nhà in của Tống Charlie bắt đầu in các loại sách khoa học, lịch sử và kỹ thuật của tây phương thì lợi tức của họ Tống đã khá lắm rồi.

Đầu năm 1890 Quế Sương sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Tống Ái Linh. Đến ngày 27-1-1892, Tống Khánh Linh ra chào đời. Vào lúc sinh Khánh Linh thì Tống Charlie đã giàu có rồi. Dùng của hồi môn của vợ và tiền đầu tư của Văn Bình Chung, và sự trợ giúp của Hồng Hội, Tống Charlie mua thêm máy in, và một căn nhà trong khu tô giới Pháp để thành lập nhà in Hoa-Mỹ Ấn Quán.

Phú quý sinh lễ nghĩa. Tống Charlie biết mình không phải họ Tống và đã lỡ nhận họ Tống rồi thì muốn cho họ Tống có danh tiếng. Tống Charlie bèn cho in bộ sách "Bách Gia" đầu tiên về các dòng họ Trung Hoa mà chàng cho là danh giá cao quý nhất. Dĩ nhiên trong cuốn Bách Gia này có ghi cả họ Tống để được thừa nhận là người quý phái. Trên các tấm danh thiếp, Tống Charlie bỏ hẳn cái tên lai căng Tống Charlie, và thay thế vào đó là cái tên Tống Giáo Nhân thuần túy Trung Hoa. Cùng với cái tên mới Tống Giáo Nhân, tiền vào tay họ Tống mỗi ngày một nhiều hơn, và Tống Giáo Nhân nghiễm nghiên trở thành một phú thương có máu mặt tại Thượng Hải. Các hoạt động bí mật chống triều đình Mãn Thanh của Tống Giáo Nhân không hề bị phát giác, nhờ đức tính rất kín miệng của Tống.

Thời thế tại Trung hoa đã đến lúc phải thay đổi. Giới sĩ phu cho rằng Trung Hoa bị tây phương làm nhục chỉ vì tây phương có vũ khí mạnh hơn. Họ liền tìm cách chế tạo vũ khí mới và đào tạo quân đội Trung Hoa theo kiểu mẫu tây phương. Một số sĩ phu khác có khuynh hướng cải cách, quan niệm rằng sức mạnh của tây phương không phải là ở vũ khí, mà là ở sức mạnh kỹ nghệ. Lập tức kỹ thuật tây phương được khai thác, và các ngành kỹ nghệ mới như tơ sợi, thuốc lá, thực phẩm, ngân hàng, đóng tàu, và các cơ sở buôn bán bành trướng mau lẹ. Chính trong giai đoạn này giai cấp trung lưu của Trung Hoa bắt đầu xuất hiện. Trong hoàn cảnh đó, Tống Giáo Nhân, một người giỏi thổ ngữ Hải Nam, thổ ngữ Thượng Hải, thông thạo Anh ngữ, và trong lúc đàm đạo lại hay trích dẫn những tư tưởng đạo đức trong Thánh Kinh, đã mau lẹ trở thành một người mại bản có thế lực, và rất thành công đại diện cho tây phương. Một chú bé Triều Châu nghèo khó đi hoang, nay nghiễm nhiên trở thành một triệu phú tại Thượng Hải.

Các Bang Hội Và Công Cuộc Phản Thanh Phục Minh Người Trung Hoa bất mãn và thù ghét triều đình Mãn Thanh, và lấy các nhân vật Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử làm kiểu mẫu chống lại nhà Thanh. Rất nhiều tổ chức bí mật, bang hội hoạt động cho mục đích lật đổ nhà Mãn Thanh. Biểu tượng cho các tổ chức Phản Thanh Phục Minh là một hình tam giác, còn gọi là Tam Điểm, tượng trưng cho quan niệm nhân sinh của người Trung hoa, gồm có: Trời, Đất và Người.

Bang hội là một nét đặc biệt trong xã hội Trung hoa, biểu thị phản ứng của nông dân, thợ thuyền, dân nghèo tại các thành thị, chống lại sự đàn áp của giai cấp thống trị. Lịch sử Trung Hoa là hàng loạt những cuộc nổi dậy của nông dân chống lại những triều đình hà khắc hoặc những triều đại ngoại xâm. Trong những cuộc nổi dậy ấy, các bang hội đóng vai trò lãnh đạo quần chúng. Hoạt động của các bang hội không phải chỉ là những cuộc đấu tranh chính trị hay vũ trang, mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác: có thể là một cuộc tấn công vào nha môn để giết tham quan hoặc giải thoát tù nhân - có thể là phục kích cướp đoạt hàng hóa, tiền thuế, lương thực, hoặc bắt cóc người đòi tiền chuộc - có thể là tấn công các nhà giầu, thương gia hoặc địa chủ...

Thành phần chủ yếu của bang hội là các nông dân không có ruộng phải đi lang thang kiếm miếng ăn, hoặc những thợ thuyền đi vào bước đường cùng, và đặc biệt là những binh lính bị giải ngũ. Khi có chiến tranh thì nhà nước bắt nông dân đi lính ồ ạt, nhưng khi hết chiến tranh, nhà nước sa thải lính hàng loạt tại chỗ. Những người này không có phương tiện trở về quê, đành phải sống lang thang, và dễ gia nhập các bang hội để tìm chỗ nương thân. Vả lại sau một thời gian làm lính, những nông dân hiền lành trở thành những tay côn đồ, quen cướp bóc hà hiếp dân chúng, và do đó họ không còn muốn trở lại với nghề nông nữa.

Một bang hội lâu đời nhất tại Trung hoa là Bạch Liên Giáo, bắt đầu ra đời từ thế kỷ 12, và có một vai trò quan trọng trong công cuộc chống lại sự thống trị của người Mông Cổ. Khi nhà Mãn Thanh chiếm được Trung Hoa, Bạch Liên Giáo cũng phát động vài cuộc nổi dậy, nhưng thất bại. Mặc dù không đạt được thắng lợi, nhưng các bang hội cứ tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ. Mỗi lần bị đàn áp, bang hội bị tan rã, nhưng những người còn sống sót lại tiếp tục tập hợp và tổ chức lại. Số hội viên của các tổ chức bí mật này gia tăng rất nhanh, và về sau có đủ thành phần trong xã hội tham gia. Có những tổ chức hoàn toàn vì lòng ái quốc, nhưng cũng có nhóm dùng tinh thần ái quốc che dấu những hoạt động tội ác của họ. Vào cuối thế kỷ 19 có ba tổ chức nổi bật nhất là Thiên Địa Hội, Tam Điểm Hội và Tam Hòa Hội.

Tam Hòa Hội ra đời từ thế kỷ 17, khi người Mãn Châu lật đổ nhà Minh và lập nên nhà Mãn Thanh. Người Trung Hoa không phục người Mãn Châu, và nhiều tổ chức bí mật được thành lập với chủ trương Phản Thanh Phục Minh. Các nhà sư chùa Thiếu Lâm cũng tham gia công cuộc này. Bề ngoài chùa Thiếu Lâm giả vờ thần phục nhà Thanh để chờ thời cợ Năm 1678, nhà Thanh mở một cuộc chinh phạt một bộ tộc tại Tân Cương. Các nhà sư Thiếu Lâm xin đi theo tham chiến với quân nhà Thanh, nhưng thực tâm muốn tìm cơ hội liên kết với bộ tộc Tân Cương chống lại nhà Thanh. Nhưng âm mưu của các nhà sư Thiếu Lâm bị bại lộ, và tất cả các nhà sư Thiếu Lâm đều bị quan quân nhà Thanh hành quyết, và ngôi chùa bị hỏa thiêu.

Nhưng có năm nhà sư Thiếu Lâm may mắn trốn thoát, và thành lập Tam Hòa Hội, với mục đích diệt nhà Thanh để phục thù. Tam Hòa Hội đã gây khốn đốn cho triều đình, vì thế những người thuộc Tam Hòa Hội mà bị triều đình bắt được thì thường bị những hình phạt tàn khốc hơn các người thuộc bang hội khác. Thực ra Tam Hòa Hội, Tam Điểm Hội và Thiên Địa Hội đều giống nhau trong mục đích là khôi phục nhà Minh, nên mọi người trong ba hội này đều tự nhận là con cháu nhà Minh, tức là Hồng Nhị Chữ Hồng thoát thai từ chữ Hồng Võ, niên hiệu của Chu Nguyên Chương, ông vua khai sáng nhà Minh.

Về tổ chức, lúc đầu Tam Hòa Hội không có cơ quan trung ương, và mỗi hội viên chỉ trực thuộc vào phân đàn của mình. Tam Hòa Hội có năm phân đàn ở năm tỉnh lớn, tượng trưng cho năm vị sư sáng lập, thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Vân Nam, Hồ Nam và Chiết Giang. Như vậy sức mạnh của Tam Hòa Hội đều tập trung tại miền nam Trung Hoa, và nhà Mãn Thanh cũng bị chống đối mạnh nhất tại miền nam Trung Hoa. Từ giữa thế kỷ 19, Tam Hòa Hội chuyển hoạt động về các thành phố duyên hải, đặc biệt là Thượng Hải, Quảng Châu...

Một trong những lãnh tụ quan trọng nhất trong phong trào Phản Thanh Phục Minh là Tôn Văn, tự là Dật Tiên. Tôn Dật Tiên sinh ngày 12-11-1866 tại một làng ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông. Thuở nhỏ Tôn Dật Tiên học trường làng cho đến năm 13 tuổi thì theo mẹ đến đảo Hawaii, vì có người anh di cư lập nghiệp tại đó. Tại Hawaii, Tôn Dật Tiên theo học trường trung học Iolani, một trường nội trú dành cho con trai được sự bảo trợ của Hội truyền giáo Anh quốc. Sau ba năm, gia đình nghe biết Tôn Dật Tiên đã theo đạo Thiên Chúa, nên không cho học nữa và bắt Tôn Dật Tiên phải xuống tàu về nước. Khi về đến Trung hoa, Tôn Dật Tiên biểu thị tín ngưỡng mới của mình bằng cách đập phá các pho tượng trong một ngôi đền trong làng, và do đó Tôn Dật Tiên bị người làng tức giận, trục xuất ra khỏi làng.

Tôn Dật Tiên quen biết một bác sĩ người Mỹ, và ông ra Hương Cảng theo học ngành y khoa. Tôn Dật Tiên tốt nghiệp bác sĩ năm 1892. Ông hành nghề y sĩ tại Ma Cao một thời gian rất ngắn, khoảng hai năm. Tôn Dật Tiên không quan tâm nhiều đến nghề thày thuốc, và ông bỏ nghề thuốc khi Trung Hoa bị Nhật bản đánh bại năm 1895. Cuộc đời của ông sau đó là những ngày gian lao của một nhà cách mạng lúc nào cũng ở trong tình trạng trốn tránh lưu đày. Ông có hoài bão nâng Trung Hoa lên ngang hàng với các quốc gia khác. Tôn Dật Tiên quyết liệt chủ trương phải lật đổ nhà Mãn Thanh. Ông có tài diễn thuyết lôi cuốn quần chúng nên được nhiều thanh niên đi theo.

Năm 1894, Tống Giáo Nhân gặp Tôn Dật Tiên lần đầu tiên. Cả hai đều thuộc Tam Hòa Hội. Hai người có nhiều điểm tương đồng: cùng nói thổ ngữ miền nam Trung Hoa, cùng theo đạo Thiên Chúa, cùng được giáo dục tại Hoa Kỳ, và cùng có nhiều tham vọng. Do đó hai người trở thành bằng hữu chí thân một cách mau lẹ. Bất cứ khi nào đến Thượng Hải, Tôn Dật Tiên cũng tới cư ngụ tại nhà Tống Giáo Nhân. Con cái nhà họ Tống coi Tôn Dật Tiên như một người trong gia đình, một thứ cha chú. Đối với Tống Giáo Nhân thì Tôn Dật Tiên tượng trưng cho một ngọn lửa tinh khiết của những lý tưởng đã đem lại cho Tống Giáo Nhân một ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời, ngoài những lúc tính toán làm giàu.

Công cuộc Phản Thanh Phục Minh của Tôn Dật Tiên cần phải được quảng bá cho quần chúng, và phương tiện hữu hiệu nhất lúc đó là truyền đơn. Không một nhà in nào dám in truyền đơn cho Tôn Dật Tiên, vì triều đình nhà Thanh lúc nào cũng rình tìm và sẵn sàng dùng những biện pháp trừng phạt đẫm máu cho cái tội bị gọi là "phản nghịch" này. Chỉ có nhà in của Tống Giáo Nhân phải cáng đáng cái việc làm nguy hiểm ấy. Đó là một sự hy sinh lớn lao của Tống Giáo Nhân cho công cuộc cách mạng, vì bất cứ lúc nào gia đình Tống Giáo Nhân cũng có thể bị chính quyền nhà Thanh bắt và hành quyết.

Theo đúng truyền thống gia đình Trung hoa, bà Tống ít khi quan tâm tới hành động của Tôn Dật Tiên, người bạn thân của chồng bà. Bà cũng không thắc mắc khi thấy chồng và Tôn Dật Tiên thức rất khuya bàn luận trong phòng riêng. Bà không hề ngờ rằng cái đầu của Tôn Dật Tiên, một người có bề ngoài hiền lành phúc hậu như thế, đã bị triều đình Mãn Thanh treo một giá rất cao. Chồng bà may mắn thoát tên trong danh sách những tên "phản nghịch" đầu tiên. Tuy vậy khi được chồng cho biết lúc nào gia đình nhà họ Tống cũng phải sẵn sàng chạy trốn thì bà không hề phản đối hoạt động nguy hiểm của chồng, và hết mình ủng hộ và đi theo chính nghĩa của chồng.

Tôn Dật Tiên đòi hỏi những cải cách xã hội cho Trung hoa. Tam Hòa Hội cử Tôn Dật Tiên đi gặp thừa tướng Lý Hồng Chương để đạo đạt những yêu sách. Lúc đó Lý Hồng Chương đang mải lo đối phó với việc quân Nhật đánh chiếm Cao Ly, một thuộc quốc của Trung hoa, nên không tiếp Tôn Dật Tiên. Sau chuyến đi thất bại, Tôn Dật Tiên trở lại Honolulu đảo Hawaii và thành lập Hưng Trung Hội. Ông bôn ba nhiều nơi để tìm sự trợ giúp cho công cuộc Phản Thanh Phục Minh của ông. Mỗi khi ông trở về Thượng Hải, ông thường cư ngụ ngay tại nhà Tống Giáo Nhân. Tôn Dật Tiên được gia đình nhà họ Tống rất quý trọng, và coi ông như người cha đỡ đầu cho các con của Tống Giáo Nhân.

Các tổ chức Phản Thanh Phục Minh luôn luôn tìm cách gây khó khăn cho triều đình Mãn Thanh. Một lãnh tụ Cao Ly thân Nhật đến thăm Thượng Hải, và bị các tổ chức Phản Thanh ám sát chết. Một nhóm của Hồng Hội đem xác của nạn nhân chặt ra làm nhiều mảnh, và gửi trả về Cao Ly bằng một chiến thuyền của hải quân Trung hoa. Người Nhật vô cùng phẫn nộ, và chiến tranh giữa Nhật và triều đình Mãn Thanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế triều đình Mãn Thanh phải dồn hết nỗ lực về miền bắc, và lơi là miền nam; nhờ thế các tổ chức Phản Thanh Phục Minh được tự do hoạt động hơn tại miền nam.

Ngày 1-8-1894, cuộc xung đột giữa Nhật và quân Mãn Thanh xảy ra, và quân nhà Thanh thảm bại nhục nhã. Sự kiện này càng làm dân chúng Trung Hoa căm phẫn sự bất lực của triều đình Mãn Thanh. Tôn Dật Tiên lập tức khởi sự một cuộc nổi dậy tại miền nam trong vùng Quảng Châu. Tống Giáo Nhân được ủy thác ở lại Thượng Hải lo về vấn đề tài chánh cho Tôn Dật Tiên, và làm tai mắt cho Tôn Dật Tiên tại lưu vực sông Dương Tử.

Tôn Dật Tiên chọn ngày Song Cửu (9-9-1895) làm ngày khởi nghĩa, vì ngày đó dân chúng Trung Hoa đi tảo mộ đông đảo, nên việc tập trung và vận chuyển nhân sự của Hồng Hội sẽ không bị quan quân nhà Thanh nghi ngờ. Tại Quảng Châu, Tôn Dật Tiên tuyển được 153 lính đánh thuệ Những người này được lệnh bố trí tại tư gia của viên tổng đốc và các sĩ quan, và sẽ ra tay bắt giữ những người này khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sức mạnh chính của cuộc khởi nghĩa là ba ngàn tay anh chị của tổ chức Hồng Hội, và lực lượng này được trang bị bằng một ngàn khẩu súng lục.

Theo kế hoạch dự liệu, tất cả vũ khí và người sẽ tập trung tại Hương Cảng và di chuyển tới Quảng Châu bằng đường biển. Khi nào nhóm anh chị Hồng Hội tới Quảng Châu thì cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Một sự trục trặc xảy ra ngay tại bến tầu Hương Cảng. Trong khi vũ khí được chuyển xuống tàu thì các tay anh chị chia làm hai phe, phe nào cũng đòi hỏi phe mình phải được dùng súng, vì số người nhiều hơn súng. Trong khi hai phe còn mải tranh luận trên bờ thì con tàu nhổ neo theo đúng giờ đã ấn định trước. Vũ khí được chở đi Quảng Châu mà không có người đi theo.

Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: có vũ khí mà không có quân xử dụng vũ khí. Nếu cứ tiếp tục cuộc khởi nghĩa thì nhất định sẽ thất bại, vì không đủ quân số cần thiết. Tôn Dật Tiên đành phải hoãn cuộc khởi nghĩa, và đánh điện cho Hương Cảng và Thượng Hải biết quyết định mới nhất của mình. Nhưng trước khi điện tín của Tôn Dật Tiên tới được Hương Cảng thì cuộc tranh luận của hai phe anh chị tại bến tầu chấm dứt, và tất cả kéo nhau xuống tầu đi Quảng Châu, trễ hơn một ngày theo kế hoạch dự liệu từ trước.

Đến lúc đó thì cảnh sát Anh tại Hương Cảng nghe biết được tin tức của cuộc khởi nghĩa, liền báo cho nhà chức trách Mãn Thanh tại Quảng Châu biết. Khi con tàu chở ba ngàn tay anh chị cặp bến Quảng Châu thì đã có quan quân nhà Thanh chờ họ trên bến. Các tay anh chị thấy thế nguy liền nhảy cả xuống biển, và hầu hết trốn thoát. Tuy nhiên nhà chức trách cũng bắt được một số cấp lãnh đạo và 50 đoàn viên khởi nghĩa. Ngay tại thành phố Quảng Châu, quan quân nhà Thanh mở cuộc ruồng bố, bắt thêm được nhiều người trong tổ chức, tịch thu được một số vũ khí, quân phục và lá cờ hiệu của quân khởi nghĩa. Tôn Dật Tiên kịp thời trốn sang Ma Cao, và dùng thuyền chạy sang Hương Cảng.

Số phận những người bị bắt thật là thê thảm. Họ bị trừng phạt theo luật lệ khắt khe của nhà Thanh. Nhiều người bị chém đầu; một số khác phải chịu những cái chết đau đớn hơn: bị đánh 600 roi cho đến chết hoặc bị xẻo từng mảnh thịt cho đến chết.

Tuy thế, cuộc khởi nghĩa thất bại cũng đem lại danh tiếng lớn lao cho Tôn Dật Tiên, một người được coi là tượng trưng cho công cuộc lật đổ nhà Mãn Thanh. Trong suốt 16 năm sau đó, Tôn Dật Tiên phải lẩn trốn từ nước này sang nước khác, tìm mọi cách trốn tránh sự truy nã của các tay ám sát bắt cóc cừ khôi của nhà Thanh. Tống Giáo Nhân đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên bằng cách cung cấp tiền bạc cho Tôn Dật Tiên và các tổ chức bí mật của Tôn Dật Tiên.

Trong thời gian này, Tôn Dật Tiên tổ chức thêm vài cuộc khởi nghĩa nữa, nhưng đều thất bại. Năm 1900 cuộc nổi loạn của Nghĩa Hòa Đoàn chống lại tây phương thất bại. Liên quân tây phương tiến vào Bắc Kinh, và Từ Hy thái hậu và vua Quang Tự phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Sự nhục nhã của Trung hoa trước sức mạnh của tây phương đã đến chỗ cùng cực. Nhiều sinh viên trốn qua Nhật, tìm học thuật quân sự và khoa học của Nhật Bản để rửa nhục. Tất cả đều quy tụ quanh Tôn Dật Tiên, coi ông như một nhà cách mạng duy nhất có thể quang phục được nước Trung Hoa. Tôn Dật Tiên nắm lấy thời cơ, thuyết phục các phe nhóm chống lại nhà Thanh đoàn kết với ông, và lập thành một tổ chức duy nhất, gọi là Đồng Minh Hội do ông lãnh đạo.

Cuộc đại hội của Đồng Minh Hội tổ chức ngày 30-7-1905 tại Đông Kinh. Tống Giáo Nhân cũng từ Thượng Hải tới tham dự, và được đại hội cử giữ nhiệm vụ lo tài chánh cho hội, vì mọi người biết Tống Giáo Nhân có nhiều liên hệ với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Tống Giáo Nhân có bổn phận tìm ra tiền cho hội có phương tiện hoạt động. Đồng Minh Hội đã chọn đúng người. Thành quả của cuộc cách mạng Trung Hoa phần lớn do công lao tài chánh của Tống Giáo Nhân.
 
Chương 3
 
Ngày Song Thập Và Quốc Dân Đảng Trung Hoa
Trong khoảng mười lăm năm, kể từ khi từ chức khỏi giáo hội Methodist, Tống Giáo Nhân có thêm bốn người con nữa. Năm 1894, bà Nhiếp Quế Sương sinh con trai đầu lòng là Tống Tử Văn, và đến năm 1897 thì sinh cô con gái út Tống Mỹ Linh. Sau đó là hai người con trai cuối cùng là Tống Tử Lương và Tống Tử An. Tống Giáo Nhân gửi cả ba cô con gái và Tống Tử Văn sang du học tại Hoa Kỳ.

Tống Giáo Nhân có vẻ yêu thích Tống Ái Linh hơn cả, có lẽ vì Tống Ái Linh và ông bố rất giống nhau ở hai điểm là rất thực tế và yêu tiền. Ái Linh rất thông minh nhanh nhẹn, và đã trở thành người phụ tá đắc lực cho Tống Giáo Nhân. Các hoạt động tài phiệt của Tống Giáo Nhân bành trướng rất nhanh chóng, và cần phải có người thân tín tin cẩn được để giao phó cho một phần công việc. Tống Ái Linh chính là người Tống Giáo Nhân rất cần. Và cũng chính trong thời gian làm việc với bố mà Tống Ái Linh học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để sau này trở thành một người đàn bà có ảnh hưởng rất lớn, lũng đoạn thị trường Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20.

Trong lúc tài sản nhà họ Tống ngày một thịnh vượng thì vương khí nhà Mãn Thanh ngày một tàn lụi. Người Trung Hoa tin rằng một triều đại tồn tại được là nhờ có Thiên Mệnh, hay Lòng Trời còn tựa. Khi Thiên Mệnh không còn nữa, tức là khi Lòng Trời đã bỏ, thì triều đại đó sẽ sụp đổ. Đến đầu thế kỷ 20 thì Thiên Mệnh của nhà Mãn Thanh đã mất, và triều đại này đang đi vào mạt vận. Thực ra thì các triều đại vua chúa của Trung Hoa chỉ kéo dài được vài trăm năm rồi lại có một triều đại mới thay thế. Đến đầu thế kỷ 20 thì nhà Mãn Thanh đã cai trị Trung Hoa được gần ba thế kỷ, một thời gian khá dài cho một triều đại quân chủ.

Tháng 11-1908 Từ Hy Thái Hậu từ trần sau một nửa thế kỷ thao túng chính trường Trung hoa. Từ Hy thay mặt con trai là vua Đồng Trị và cháu là vua Quang Tự cai trị nước Trung Hoa. Vua Quang Tự là một nhà vua sáng suốt, dự định cải tiến đất nước theo đường lối tây phương và loại bỏ Từ Hy Thái Hậu. Nhưng Viên Thế Khải được vua Quang Tự giao cho thi hành kế hoạch thì phản lại nhà vua, tố cáo tất cả âm mưu của vua Quang Tự cho Từ Hy Thái Hậu, do đó Từ Hy Thái Hậu kịp thời bắt vua Quang Tự giam vào một hòn đảo nhỏ bên trong Cung Điện Mùa Hạ, và chiếm quyền của vua Quang Tự. Trước khi chết, Từ Hy Thái Hậu vẫn còn đủ thời giờ sai người đầu độc vua Quang Tự trước. Từ Hy sợ rằng sau khi mình chết rồi, Quang Tự sẽ được trở lại vương quyền và làm những gì Từ Hy không ưa thích.

Quyền lực nhà Mãn Thanh bây giờ rơi vào tay một ấu chúa do Từ Hy Thái Hậu lựa chọn: đó là vua Phổ Nghi, một đứa trẻ mới lên ba tuổi. Phổ Nghi trở thành vị hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh và Trung Hoa. Thân phụ Phổ Nghi là Thuần Thân Vương được bổ làm nhiếp chánh, thay mặt vua Phổ Nghi cai trị việc nước. Nhưng Thuần Thân Vương là một người hiền lành chất phác, không có khả năng lãnh đạo Trung Hoa trong một hoàn cảnh rất bất lợi: bên trong thì bị người dân Trung Hoa phản đối, bên ngoài thì bị liệt cường bắt nạt xâu xé đất nước Trung Hoa thành nhiều mảnh nhượng địa. Thuần Thân Vương cũng không thể là đối thủ của con cáo già Viên Thế Khải được. Trước khi chết, vua Quang Tự muốn em là Thuần Thân Vương phải giết Viên Thế Khải để báo thù cho nhà vua, nhưng Thuần Thân Vương không dám giết Viên Thế Khải, chỉ tước bỏ mọi quyền lực của họ Viên và bắt họ Viên phải về hưu.

Gặp lúc nhà Mãn Thanh đang bối rối và yếu thế, Tôn Dật Tiên tổ chức nhiều cuộc nổi dậy, và đi du thuyết nhiều nước tây phương tìm sự ủng hộ của quốc tế và sự đóng góp tài chánh cho công cuộc quang phục nước Trung Hoa của ông. Các nước tây phương có vẻ lạnh nhạt với Tôn Dật Tiên vì họ chỉ muốn nước Trung Hoa cứ tiếp tục ở vào thế yếu cho họ khai thác và làm chủ. Trong nước thì tuy Tôn Dật Tiên được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, kể cả một số người Trung Hoa đang phục vụ cho nhà Thanh, nhưng ông vẫn thất bại không tạo được một thành công nào trong công cuộc lật đổ nhà Thanh.

Nhưng cuối cùng công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên thành công nhờ một yếu tố bất ngờ, không phải do công lao của ông. Tại thành Vũ Hán, một nhóm sĩ quan trong quân đội Mãn Thanh bất mãn và âm mưu nổi dậy chống lại triều đình. Các sĩ quan dấu bom và vũ khí tại nhiều nơi khác nhau, nhưng ngày 9-10-1911, một trái bom dấu trong khu vực nhượng địa của người Nga bất ngờ nổ tung. Lập tức cảnh sát bao vây cả khu vực, lục soát và tìm được nhiều tài liệu và danh sách những người tham dự cuộc khởi loạn. Viên tổng đốc ra lệnh đóng chặt các cổng thành, và trại quân bị bao vây. Các sĩ quan phản loạn bây giờ chỉ còn hai lựa chọn: hoặc đầu hàng để bị bắt và bị hành hạ dã man, có thể là bị xử tử, hoặc liều lĩnh khởi sự cuộc phản loạn như kế hoạch từ trước, mặc dầu sớm hơn dự liệu. Đấy là con đường sống suy nhất của họ, và thế là bốn tiểu đoàn quân nhà Thanh bắt buộc phải quyết định liều chết thi hành cuộc nổi loạn. Vì ở thế cùng đường nên toán quân phản loạn chiến đấu liều mạng và kiểm soát được thành phố. Viên tổng đốc phải dùng thuyền chạy trốn ra sông Dương Tử. Cuộc nổi dậy hoàn toàn bất ngờ, và đã thành công trong ngày Song Thập, tức là ngày 10-10-1911. Kể từ đó, ngày 10-10 được người Trung Hoa quốc gia coi là ngày Quốc khánh.

Nhóm khởi loạn không có tổ chức. Họ không có liên lạc hoặc hậu thuẫn của các nhóm Hồng Hội hoặc Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên. Tuy nhiên họ đã hoàn thành được một điều mà trong nhiều năm trời các nhóm Phản Thanh Phục Minh, kể cả Tôn Dật Tiên, đã không thực hiện được. Họ đã chiếm được một thành phố lớn của nhà Mãn Thanh. Nhóm phản loạn không có thủ lãnh nên quyết định mời một đại tá trong quân đội Mãn Thanh là Lê Nguyên Hồng lên lãnh đạo họ, vì Lê Nguyên Hồng có cấp bậc cao nhất trong thành. Một phái đoàn phản loạn được cử đi đến nhà họ Lệ Lê Nguyên Hồng thấy quân phản loạn tới, lại tưởng họ tìm giết mình, nên bỏ chạy trốn, hết phòng này sang phòng khác. Quân phản loạn vẫn nhẫn nại đuổi theo. Cuối cùng Lê Nguyên Hồng chui vào trốn dưới gầm giường của vợ, nhưng vì cái giường của vợ nhỏ quá nên chân của Lê Nguyên Hồng thò ra ngoài. Toán quân phản loạn nắm chân Lê Nguyên Hồng kéo ra. Khi Lê Nguyên Hồng định năn nỉ xin tha mạng thì tên thủ lĩnh loạn quân lịch sự hỏi thăm sức khỏe của họ Lệ Hắn tâng bốc gọi Lê Nguyên Hồng là "Tướng quân", và yêu cầu Lê Nguyên Hồng gia nhập quân phản loạn. Lê Nguyên Hồng mừng rỡ và nhận lời. Ngày 12-10, nhóm phản loạn thành lập một chính phủ cộng hòa lâm thời và bầu Lê Nguyên Hồng lên điều khiển chính phủ.

Nhóm phản loạn tại Vũ Hán tạo được một hậu quả dây chuyền. Các tuần lễ kế tiếp đó, hết thành phố này đến thành phố khác đứng lên, noi gương thành phố Vũ Hán, tuyên bố độc lập với nhà Mãn Thanh. Các tỉnh Hồ Nam và Sơn Tây chống lại mệnh lệnh của triều đình. Tại Thiểm Tây, quần chúng vùng lên chiếm và giết viên tổng đốc và đốt dinh tổng đốc tại thủ phủ Thái Nguyên. Những đám đông gây hỗn loạn tại Thiên Tân và Tế Nam. Tại trường trung Học Trường Sa, Mao Trạch Đông quẳng sách vở đi và gia nhập quân cách mạng.

Trong một cố gắng vãn hồi tình thế, nhà Mãn Thanh phải phục hồi chức vị cho Viên Thế Khải lúc đó ở trong tình trạng phải về hưu. Nhà Mãn Thanh thấy không còn ai ngoài Viên Thế Khải có đủ khả năng cứu vãn tình thế. Viên Thế Khải là một viên tướng tài, có công cải tiến quân đội Trung Hoa theo kiểu mẫu tây phương. Viên Thế Khải cũng là người có tham vọng làm hoàng đế nên không bỏ lỡ cơ hội nắm lại quyền bính. Lập tức Viên Thế Khải tung ra những cuộc tấn công, đánh bại các thành phố phản loạn. Viên Thế Khải chiếm lại được thành phố Vũ Hán, nhưng được tin thành phố Nam Kinh đã lọt vào tay quân cách mạng. Tuy nhiên, Viên Thế Khải không quan tâm đến Nam Kinh, và chỉ đánh cầm chừng, không để cho nhà Mãn Thanh mạnh như trước nữa. Mục đích của Viên Thế Khải là chờ đợi cho cả hai phe Mãn Thanh và Phản Thanh mệt mỏi, và cùng phải cầu cứu sự trợ giúp của Viên Thế Khải. Như thế Viên Thế Khải sẽ ở vào địa vị thượng phong và sẽ thực hiện được giấc mộng làm hoàng đế của mình.

Trong lúc Viên Thế Khải nắm vững tình hình trong nước thì Tôn Dật Tiên lại xuất ngoại vận động sự ủng hộ của Âu Mỹ. Nhưng Tôn Dật Tiên vẫn chỉ gặp được thất bại như trước. Tuy Tôn Dật Tiên thất bại đối với quốc tế, nhưng quần chúng vẫn coi ông là người khai sáng ra công cuộc Phản Thanh Phục Minh, tuy chính bản thân ông chưa bao giờ thành công chiếm được một tấc đất của nhà Mãn Thanh, trong tất cả những cuộc nổi dậy khởi nghĩa của ông. Ngày 25-12-1911, Tôn Dật Tiên trở về Thượng Hải, và được dân chúng đón tiếp như một vị anh hùng. Tôn Dật Tiên đến cư ngụ tại nhà Tống Giáo Nhân, và thương nghị cùng các cộng sự.

Phe phản loạn chống nhà Thanh đang ở trong tình trạng chia rẽ, không lãnh tụ nào chịu lãnh tụ nào, mặc dù họ chiếm được miền nam Trung Hoa và đặt thủ đô tại Nam Kinh. Các phe phái muốn bầu một vị minh chủ làm tổng thống để lãnh đạo công cuộc Phản Thanh, nhưng các cuộc họp bầu của họ đều đưa đến thất bại. Cuối cùng họ đồng ý tìm một người có thể dung hòa được mọi phe phái khác nhau. Chính vì thế, mọi phe phái đều quay về Tôn Dật Tiên, và bầu ông vào chức tổng thống lâm thời của nước Cộng hòa Trung hoa.

Ngày 1-1-1912, Tôn Dật Tiên tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời đầu tiên của nước Cộng hòa Trung hoa tại Nam Kinh. Đó là một ngày trọng đại cho phe cách mạng Trung hoa. Tất cả gia đình Tống Giáo Nhân đều có mặt tại Nam Kinh trong ngày lịch sử ấy. Tống Giáo Nhân cực kỳ hoan hỷ; ông và cô con gái lớn Ái Linh có mặt thường xuyên tại Nam Kinh trong thời gian Tôn Dật Tiên giữ chức tổng thống lâm thời.

Tôn Dật Tiên thành lập nội các, nhưng chính phủ của ông không có ngân sách. Ông định vay tiền các nước tây phương, nhưng với cái danh nghĩa chính phủ "lâm thời" nên không nước nào chịu cho ông vay tiền. Cuối cùng ông phải vay một số tiền lớn của Nhật Bản, và dùng các mỏ sắt tại Hán Khẩu làm bảo đảm. Nhưng Tôn Dật Tiên không có kinh nghiệm về hành chánh, vì từ trước ông chưa hề giữ một chức vụ nào trong chánh quyền. Ông chỉ có kinh nghiệm thuyết giảng cho quần chúng về công cuộc cách mạng. Không những thế, ông gặp phải sự chống đối của những người thuộc tỉnh khác. Ông vốn là người Quảng Đông, và nhiều người than phiền ông bổ nhiệm quá nhiều người Quảng Đông vào chính phủ. Trong tình thế đó, nhiều người nghĩ rằng giải pháp hay nhất là ông từ chức, nhường chỗ cho một người có khả năng hơn điều khiển chính phủ.

Tuy Tôn Dật Tiên trở thành tổng thống đầu tiên của Trung hoa, nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay Viên Thế Khải tại Bắc Kinh. Chính tại Bắc Kinh, Viên Thế Khải được các quốc gia tây phương công nhận. Thực ra lúc đó Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên chưa sẵn sàng đối phó với thực tế của cuộc cách mạng. Phe cách mạng chia làm hai phe chống đối nhau: phe thứ nhất tại Vũ Hán ủng hộ Lê Nguyên Hồng và phe thứ hai tại Nam Kinh và Thượng Hải thì ủng hộ Tôn Dật Tiên. Trong một cố gắng đoàn kết, hai phe đồng ý lập một đảng quốc gia mới, được gọi là Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên Quốc dân đảng mới thành hình, chưa thành công nắm được tình thế khi mà các phe nhóm vẫn còn hăng say chống đối nhau.

Viên Thế Khải là một con cáo già, cả về chính trị và quân sự, nên đã lợi dụng được sự chia rẽ của hai phe Vũ Hán và Nam Kinh. Viên Thế Khải tìm cách thương thuyết ngầm với từng lãnh tụ Quốc dân đảng, và cố chứng minh rằng chỉ có mình mới có khả năng chấm dứt sự hỗn loạn tại Trung Hoa, và Tôn Dật Tiên chỉ là một người bất lực. Dần dần các lãnh tụ Quốc dân đảng có vẻ tin tưởng những điều Viên Thế Khải nói. Chính Tôn Dật Tiên cũng đã làm một quyết định bất ngờ: sau một tháng giữ chức tổng thống lâm thời, ông đã sẵn sàng từ chức, nhường chức vụ đó cho Viên Thế Khải, với điều kiện Viên Thế Khải phải áp lực ông vua cuối cùng nhà Mãn Thanh phải thoái vị để tránh đổ máu, và Viên Thế Khải phải thành lập chính thể cộng hòa. Viên Thế Khải đã thành công lật đổ nhà Mãn Thanh bằng cách bắt Phổ Nghi phải thoái vị, mặc dầu Viên Thế Khải nhượng bộ triều đình Mãn Thanh rất nhiều điều khoản ưu đãi.

Những điều khoản Viên Thế Khải phải nhượng bộ nhà Thanh gồm có: hoàng gia Mãn Thanh được làm chủ vĩnh viễn khu vực Cấm Thành và tất cả những đặc quyền đặc lợi đã được hưởng trong quá khứ, kể cả việc giữ lại bốn ngàn cung phi và thái giám, và hàng năm dược hưởng một ngân khoản bốn triệu quan. Sau đó hoàng gia đã công bố bằng lòng cho phép Viên Thế Khải thành lập một chính phủ cộng hòa.

Tuy được lên làm tổng thống thay Tôn Dật Tiên, nhưng Viên Thế Khải không chịu di chuyển xuống thủ đô Nam Kinh, mặc dù Quốc dân đảng quyết tâm duy trì thủ đô tại Nam Kinh. Viên Thế Khải thì không muốn rời bỏ Bắc Kinh vì sức mạnh và phe nhóm của Viên Thế Khải ở miền bắc. Hơn nữa Viên Thế Khải cần phải ở lại Bắc Kinh để thực hiện giấc mộng hoàng đế. Nhiều người biết rõ cái mộng muốn làm hoàng đế của Viên Thế Khải. Tại Bắc Kinh người ta vẫn thường kể cho nhau nghe một giai thoại sau đây để chế riễu cái mộng làm hoàng đế của Viên Thế Khải:

"Viên Thế Khải có một thói quen phải ngủ một lát sau bữa ăn trưa. Và ngay sau giấc ngủ trưa, một tên hầu phải dâng cho Viên một tách trà cho tỉnh ngủ. Một hôm tên người hầu bước vào phòng ngủ của Viên như mọi ngày, hai tay bưng một tách trà rất quý làm bằng ngọc; tên hầu không thấy Viên Thế Khải đâu, mà chỉ trông thấy một con cóc khổng lồ đang ngồi trên giường của Viên. Tên hầu giật mình hoảng sợ, đánh rơi cả chiếc tách quý. May tiếng động không đánh thức giấc ngủ của họ Viên. Tên hầu rón rén chạy đi tìm người quản gia, và mếu máo kể sự tình và xin tên quản gia tìm cách nào cho Viên Thế Khải không trừng phạt hắn vì tội đánh vỡ mất cái tách bằng ngọc quý. Người quản gia suy nghĩ một hồi rồi dặn tên hầu phải nói gì khi Viên Thế Khải hỏi đến cái tách quý."

"Một lát sau, khi Viên Thế Khải thức dậy, thấy trà của mình được đựng trong một chiếc tách tầm thường bằng sứ, liền hỏi cái tách bằng ngọc đâu thì tên hầu trả lời đã làm vỡ chiếc tách đó rồi. Viên Thế Khải bừng bừng nổi giận, nhưng tên hầu bình tĩnh giải thích tại sao chiếc tách bằng ngọc bị vỡ: "Thưa tướng công, khi con bước vào phòng này con trông thấy một vật rất lạ nằm trên giường của tướng công nên con hoảng hốt đánh rơi và làm vỡ chiếc tách bằng ngọc." Họ Viên nổi giận hơn và hỏi tên hầu trông thấy gì. Tên hầu vội thưa: "Con trông thấy một con rồng năm móng màu vàng nằm trên giường của tướng công." Lập tức họ Viên hết giận, và còn có vẻ rất mừng rỡ. Viên Thế Khải dị đoan tưởng đó là điềm lành, tướng tinh của mình là rồng thì mình sẽ trở thành hoàng đế, vì rồng tượng trưng cho vương quyền. Họ Viên liền mở tủ lấy mấy quan tiền thưởng cho tên hầu và căn dặn tên hầu không được kể cho ai nghe những gì hắn đã trông thấy."

Viên Thế Khải phong cho Tôn Dật Tiên chức Giám đốc hệ thống hỏa xa của Trung hoa, hy vọng cái chức vụ có số lương rất cao ấy sẽ làm hài lòng Tôn Dật Tiên. Nhưng Tôn Dật Tiên thực sự vui lòng với chức Giám dốc hỏa xa, và dự định sang Nhật vay thêm tiền để cải tiến hệ thống hỏa xa của Trung Hoa và không hỏi ý kiến Viên Thế Khải. Đó là mối bất hòa đầu tiên giữa Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên. Sau đó Tôn Dật Tiên quyết định làm một chuyến đi kinh lý bằng xe lửa khắp Trung Hoa, từ Mãn châu tới Quảng Đông. Tôn Dật Tiên phong cho Tống Giáo Nhân chức vụ Tổng Thủ Quỹ của ngành Hỏa xạ Lúc đó Tống Ái Linh là thư ký riêng của Tôn Dật Tiên. Trong chuyến đi kinh lý này, Tôn Dật Tiên đem theo cả Tống Ái Linh. Điều này chứng tỏ cho mọi người biết gia đình nhà họ Tống là người của Tôn Dật Tiên. Như vậy gia đình nhà họ Tống lâm vào tình trạng nguy hiểm, vì công khai liên kết với Tôn Dật Tiên, và Tôn Dật Tiên thì đang trở thành kẻ đối đầu của Viên Thế Khải.

Tôn Dật Tiên đã lấy vợ từ năm 19 tuổi và có ba người con, một trai và hai gái. Người con trai của Tôn Dật Tiên là Tôn Khoa, đã trưởng thành và đang du học tại Hoa Kỳ. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Tôn Dật Tiên hoàn toàn do gia đình sắp đặt, như phần đông các cuộc hôn nhân khác tại Trung hoa. Hai người lấy nhau nhưng chưa bao giờ gặp mặt nhau trước khi cưới, và cũng không có quyền có ý kiến. Ba tháng sau khi lấy vợ, Tôn Dật Tiên trở lại Hương Cảng tiếp tục việc học, và rất ít khi về thăm vợ. Khi ông phải sống cuộc đời nguy hiểm của một người bị triều đình tầm nã, thì ông giao vợ con cho người anh ở Hawaii trông nom. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông hoàn toàn không có tình yêu, mà chỉ vì bổn phận. Bà vợ Ông là một người vợ và người mẹ tận tụy, an phận theo một nếp sống cổ truyền đã tồn tại hàng ngàn năm tại Trung hoa.

Bây giờ người vợ của Tôn Dật Tiên già rồi. Trong thời gian làm việc chung với Tống Ái Linh, nhà đại cách mạng của Trung hoa đem lòng yêu cô gái đáng tuổi con ông và là con gái bạn thân của ông. Có thể Tôn Dật Tiên so sánh ÁI Linh, một cô gái trẻ đẹp, tân tiến mạnh khoẻ với người vợ già và quê mùa cổ hủ của ông. Ông rất thích sự thông minh thực tế, tài ăn nói khéo léo và thân thể chắc nịch của Ái Linh. Một hôm đang ngồi nói chuyện với một người bạn, và ÁI Linh có việc bước vào phòng trong, Tôn Dật Tiên ngoái nhìn theo đôi mông nẩy nở của Ái Linh và nói với người bạn:

"Tôi muốn kết hôn với Ái Linh."

Người bạn ngạc nhiên hỏi, "Bác sĩ đã có vợ rồi mà?"

Tôn Dật Tiên thản nhiên trả lời, "Tôi sẽ ly dị vợ tôi trước rồi xin cưới ÁI Linh sau."

Người bạn phản đối, "Nhưng Ái Linh là con của Tống Giáo Nhân, một người bạn thân của Bác sĩ. Bác sĩ nên nhớ Tống Giáo Nhân có ơn lớn với Bác sĩ, và đã giúp đỡ Bác sĩ rất nhiều để Bác sĩ có được như ngày hôm naỵ Đối với Ái Linh và các người con khác của Tống Giáo Nhân, Bác sĩ vẫn được coi như một người chú. Họ có khác gì con của Bác sĩ đâu?"

Nhà đại cách mạng vẫn cương quyết, "Tuy vậy tôi vẫn muốn lấy Ái Linh."

Một buổi tối Tôn Dật Tiên đến thăm Tống Giáo Nhân và đề nghị xin cưới Ái Linh. Tống Giáo Nhân vô cùng kinh ngạc, mặt tái mét nhìn trừng trừng vào mặt Tôn Dật Tiên, một người bạn chí thân của ông trong suốt hai mươi năm vừa quạ Khi lấy lại được bình tĩnh, Tống Giáo Nhân buồn bã nói với Tôn Dật Tiên, "Tôn Dật Tiên, tôi là người Thiên chúa giáo. Từ trước tới nay, tôi vẫn tưởng ông cũng là một người Thiên chúa giáo như tôi. Tôi không bao giờ nuôi dưỡng con cái tôi một cách buông thả để chúng có thể chấp nhận một đề nghị quái gở như của ông. Chúng tôi là một gia đình Thiên chúa giáo, và mãi mãi sẽ như thế."

Tôn Dật Tiên rất ngỡ ngàng trước sự từ chối quyết liệt của Tống Giáo Nhân. Mặt ông bối rối và cực kỳ bẽn lẽn.

Tống Giáo Nhân nói tiếp, "Tôn Dật Tiên. Xin mời ông về đi. Tôi muốn ông đừng bao giờ trở lại nhà tôi nữa."

Tuy nhiên sau đó hai người vẫn tiếp tục cộng tác với nhau một thời gian nữa, tuy tình thân không còn được như trước. Tôn Dật Tiên và Tống ÁI Linh không thể là một cặp vợ chồng tướng xứng hòa hợp với nhau được, không những vì sự cách biệt về tuổi tác, mà còn vì bản chất rất khác nhau nữa. Tôn Dật Tiên là một người lý tưởng, mơ mộng xa thực tế trong khi Tống Ái Linh là một người rất thực tế và rất say mê tiền bạc.

Đầu năm 1913, Viên Thế Khải có vẻ thắng thế trong âm mưu đoạt quyền lãnh đạo Trung Hoa, và muốn tái lập chế độ quân chủ để trở thành một hoàng đế. Trong cuộc bầu cử năm đó, Quốc dân đảng thắng lớn, nhưng Viên Thế Khải đâu có dễ dàng chịu thua như vậy. Từ Cấm Thành tại Bắc Kinh, Viên Thế Khải phái những tay thích khách đi khắp nơi ám sát các lãnh tụ Quốc dân đảng. Nạn nhân đầu tiên là Cung Châu Gia, một chính trị gia trẻ tuổi, có tài tổ chức, và tạo được một hậu thuẫn mạnh mẽ tại nông thôn. Danh tiếng Cung Châu Gia ngày một gia tăng, và có thể là một đe dọa cho Viên Thế Khải. Ngày 20-3-1913, trong lúc Cung Châu Gia đi xe lửa tại Thượng Hải, một thích khách nhắm vào bụng ông bắn hai phát súng. Hai phát đạn này có mục đích tạo sự đau đớn vô cùng trong lúc nạn nhân hấp hối. Cung Châu Gia lăn lộn đau đớn trong hai ngày mới chết được.

Sau đó là hàng loạt các vụ ám sát khác, phần lớn là đầu độc vì người Trung hoa hay ăn tiệc. Ngày 11-7-1913, tổng đốc Quảng Tây được sự khuyến khích của Tôn Dật Tiên nên tuyên bố ly khai với Bắc Kinh, và trở thành một tỉnh độc lập. Tôn Dật Tiên cũng công khai lên án âm mưu muốn làm hoàng đế của Viên Thế Khải. Lập tức Viên Thế Khải cách chức Giám đốc Hỏa xa của Tôn Dật Tiên và ra lệnh tróc nã. Tôn Dật Tiên phải vội vã trốn sang Đông Kinh.

Viên Thế Khải ra tuyên cáo Quốc dân đảng chỉ là một tổ chức nổi loạn và ra lệnh giải tán Quốc dân đảng. Sau đó họ Viên bổ nhiệm một Hội đồng Chính trị để làm cố vấn cho Viên, và thành lập một Hội Đồng Hiến Pháp với thành phần là những đại biểu được dân bầu lên. Họ Viên cố chứng minh những lợi điểm của một nền quân chủ so với chính thể cộng hòa. Một số ít người cũng đồng ý với họ Viên. Tại Nhật Bản, phe cách mạng nhìn thấy Viên Thế Khải đang phá hoại công trình của họ đã tạo được sau bao nhiêu năm cố gắng, và cảm thấy rằng họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.

Khi Tôn Dật Tiên trốn sang Nhật thì Tống Giáo Nhân cũng lâm vào tình cảnh nguy hiểm, vì mọi người biết rõ Tống Giáo Nhân là đồng chí của Tôn Dật Tiên, và đã hoạt động sát cánh với Tôn Dật Tiên. Nếu Tống Giáo Nhân tiếp tục ở lại Thượng Hải thì chắc chắn sẽ không tránh thoát được bàn tay của những thích khách do Viên Thế Khải phái tới. Tống Giáo Nhân đành phải quyết định đem cả gia đình trốn sang Nhật, gồm có Ái Linh, Khánh Linh và hai cậu con trai nhỏ. Lúc đó Tống Tử Văn và Tống Mỹ Linh vẫn còn du học tại Hoa Kỳ.

Khi tới Nhật Bản, gia đình Tống Giáo Nhân được Quốc dân đảng tại Nhật đón tiếp nồng hậu. Tống Ái Linh vẫn trở lại công việc làm thư ký cho Tôn Dật Tiên như trước. Tôn Dật Tiên cũng đem theo cả vợ con sang lánh nạn tại Nhật. Vì bổn phận của một lãnh tụ cách mạng, Tôn Dật Tiên đã phải sống xa gia đình gần như suốt cả cuộc đời, vì thế hai vợ chồng bây giờ có vẻ xa cách nhau. Sự ràng buộc giữa Tôn Dật Tiên và vợ con dường như rất lỏng lẻo. Nhưng tại Nhật Bản, vợ của Tôn Dật Tiên tìm thấy sự an ủi ở một tình bạn thân cận với bà Tống Giáo Nhân. Hai bà trở thành hai người bạn thân thiết với nhau, và cùng nhau đi thăm nhiều thắng cảnh tại Nhật Bản.
 
Chương 4
 
Cuộc Tình Duyên Của Tống Ái Linh Và Khổng Tường Hy Tại Nhật Bản, Tống Giáo Nhân được giới thiệu với Khổng Tường Hy, một nhà tài phiệt Trung Hoa còn rất trẻ, mới 33 tuổi. Khổng Tường Hy người tỉnh Sơn Tây và là dòng dõi đức Khổng Tử. Gia đình Khổng Tường Hy cực kỳ giầu có. Dinh cơ nhà họ Khổng tại Sơn Tây có tới ba trăm phòng ốc, chiếm một diện tích trên tám mươi mẫu đất, và trong nhà có trên năm trăm nô bộc phục dịch. Những đồ đạc trong nhà cực kỳ sang trọng quý giá. Bàn ghế tủ giường được mua và chở từ Quảng Đông lên tận miền bắc. Tài sản nhà họ Khổng là do một hệ thống các tiệm cầm đồ, các dịch vụ buôn bán bất động sản và ngân hàng. Thân phụ Khổng Tường Hy hiện đang điều khiển việc làm ăn của gia đình tại Bắc Kinh. Khổng Tường Hy mồ côi mẹ rất sớm, và được thân phụ gửi theo học tại một trường truyền giáo, tại đây Khổng Tường Hy bí mật theo đạo Thiên Chúa.
Khi loạn Quyền Phỉ của Nghĩa Hòa Đoàn bùng nổ năm 1900, các nhà truyền giáo ngoại quốc tại Trung hoa, và ngay cả những người Trung hoa theo đạo Thiên Chúa, đã bị loạn quân và triều đình tàn sát rất dã man. Việc lợi dụng Nghĩa Hòa Đoàn để chống lại người tây phương là một sai lầm nghiêm trọng của Từ Hy Thái Hậu, khiến cho nhiều thành phố lớn của Trung hoa bị liên quân tây phương tàn phá để trả thù, và số thường dân vô tội bị chết oan cũng rất nhiều.

Trong những năm cuối thế kỷ 19, miền bắc Trung hoa hay bị hạn hán, mất mùa khiến các nông dân nghèo phải phiêu bạt kiếm miếng ăn, và rất công phẫn bất mãn triều đình. Lúc bấy giờ có hai người là Trương Đạt Thanh và Cao Phúc Điền đứng ra chiêu mộ thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên để dạy quyền thuật. Hai người này còn đưa ra những nghi lễ cúng bái cho thêm phần kỳ bí, và ban phát những bùa chú có thể chống được gươm dáo, và khiến đối phương phải hoảng loạn tinh thần khi giao chiến. Hai người tổ chức môn đệ như tuần đinh trong làng, và đo đó được gọi là Nghĩa Hòa Đoàn, và môn võ của họ được gọi là Nghĩa Hòa Quyền. Về mặt tôn giáo, Nghĩa Hòa Đoàn rất giống với Bạch Liên Giáo.

Mục tiêu của Nghĩa Hòa Đoàn là tấn công các cơ sở truyền giáo của người tây phương, vì họ cho đó là nguyên nhân của mọi tai họa mà người dân Trung Hoa đang phải chịu đựng. Trong năm 1899, các nhà thờ Thiên Chúa giáo tại vùng Sơn Đông bị Nghĩa Hòa Đoàn tấn công phá hủy, giáo sĩ bị giết hoặc phải bỏ trốn về những thành phố an toàn. Bị các quốc gia tây phương phản đối và hăm dọa, triều đình nhà Thanh phải sai Viên Thế Khải ra trấn thủ Sơn Đông để diệt Nghĩa Hòa Đoàn. Nhưng một số quan nhà Thanh thấy Nghĩa Hòa Đoàn có thể dùng được để áp lực lại tây phương, nên liên kết với Nghĩa Hòa Đoàn. Do vậy, Nghĩa Hòa Đoàn đưa ra khẩu hiệu "Phù Thanh Diệt Dương". Vì lẽ này, các bang hội "Phản Thanh Phục Minh" chống lại Nghĩa Hòa Đoàn, và đã có những sự xung đột giữa Nghĩa Hòa Đoàn và các bang hội khác.

Năm 1900, Từ Hy Thái Hậu tin tưởng pháp thuật của Nghĩa Hòa Đoàn có thể chống lại được sức mạnh của tây phương, nên cho Nghĩa Hòa Đoàn vào Bắc Kinh. Khu vực của người tây phương tại Bắc Kinh bị quân Nghĩa Hòa Đoàn bao vây, và gây nhiều thiệt hại cho người tây phương. Nhiều giáo sĩ tây phương và người Trung hoa theo đạo Thiên Chúa bị tàn sát. Khi liên quân các nước tây phương tiến vào tấn công, quân của Nghĩa Hòa Đoàn tay không xông vào quân địch, bất kể súng đạn, vì họ tin rằng bùa chú của họ sẽ thắng. Nhưng Nghĩa Hòa Quyền và bùa chú của họ không chống lại được súng đạn của tây phương. Do đó, Nghĩa Hòa Đoàn bị đánh tan tành, thây chất thành đống, và Từ Hy Thái Hậu cùng vua Quang Tự phải bỏ kinh thành chạy trốn về Tây An, để mặc Lý Hồng Chương ở lại thương thuyết cầu hòa.

Khi Nghĩa Hòa Đoàn tàn sát giáo sĩ tây phương và người Trung hoa theo đạo Thiên Chúa thì Khổng Tường Hy may mắn thoát được cuộc tàn sát là nhờ về thăm nhà. Khổng Tường Hy thú thật với thân phụ đã theo đạo Thiên Chúa, và được thân phụ và người chú dấu thật kỹ trong nhà. Mãi tới khi loạn Quyền Phỉ bị dẹp rồi Khổng Tường Hy mới được tự do ra ngoài.

Ngay chính tại Sơn Tây, sinh quán của Khổng Tường Hy, một cuộc hành quyết các giáo sĩ ngoại quốc đã xảy ra. Cuộc hành quyết bắt đầu với các mục sư giòng Baptist. Mục sự Farthing bị lính dẫn lên trước. Bà vợ nắm chặt lấy tay mục sư, nhưng Farthing nhẹ nhàng đẩy tay vợ ra, đi thẳng tới trước người đao phủ và quỳ xuống. Một nhát dao vung lên, và đầu mục sư Farthing rụng xuống. Kế đó là các vị mục sư khác, tất cả đều bị chặt đầu.

Viên tổng đốc thấy cuộc hành quyết quá chậm chạp mà số nạn nhân thì còn nhiều, nên ra lệnh cho các binh sĩ khác dùng kiếm tiếp tay với các đao phủ, để giải quyết cho xong số nạn nhân còn đông đảo. Bà mục sư Farthing hai tay nắm chặt hai đứa con, nhưng binh sĩ giằng hai đứa bé ra, và đao phủ vung.

Nguyễn Vạn Lý

Không có nhận xét nào: