Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Có các bộ sưu tập độc đáo nhất Việt Nam
NTO - Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh là nơi cung cấp những thông tin phong phú về cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh - chủ nhân cảng thị Hội An sơ khai, từng có quan hệ giao lưu Trung Hoa, Ấn Độ và
các quốc gia Đông Nam Á. Tại đây trưng bày 216 hiện vật văn hoá Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm được phát hiện qua các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các địa điểm: Hậu Xá, Thanh Chiêm, An Bàng, Xuân Lâm,... từ năm 1989 đến năm 1994.Các hiện vật tại bảo tàng được đánh giá là bộ sưu tập độc đáo nhất của Việt Nam hiện nay về văn hóa Sa Huỳnh. Những bộ sưu tập hiện vật quý được thu thập từ các di tích khảo cổ là các loại thuộc về công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, trang sức, tín ngưỡng bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh. Đặc biệt còn có cả những tiền đồng Trung Quốc: Ngũ Thù, Vương Mãng cùng với các đồ trang sức mã não, thủy tinh có gốc từ Nam Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Đông, chứng tỏ cách đây 2.000 năm, dân cư ở đây đã có nghề trồng lúa nước, khai thác thủy sản và làm các nghề thủ công. Đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ giao lưu văn hóa trong nước cùng các hoạt động buôn bán với nước ngoài, lập nên một cảng thị sơ khai, là nền móng cho các cảng thị sau này.
Văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ khoảng 3500 năm đến những thế kỷ trước sau Công nguyên, từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa này vào khoảng cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh được coi là những người Tiền Mã Lai - Đa đảo, trong quá trình hình thành văn hóa Sa Huỳnh có những liên hệ với những nhóm cư dân cùng thời là những người "Tiền Môn - Khmer" hay Tiền Nam Á. Ngoài ra suốt quá trình phát triển văn hóa này còn có nhiều mối quan hệ giao lưu rộng rãi với những văn hóa thời kim khí ở Đông Nam Á.
Phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam nhưng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi, còn khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền - sơ sử chỉ được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích ở khu vực này không nhiều và có thể nói, tính chất và diện mạo của "văn hóa Sa Huỳnh" ở đây có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chămpa.
Điều lý thú là các hiện vật đều có địa chỉ khảo cổ học rất tin cậy, vì cùng với hiện vật là hệ thống tài liệu, ảnh chụp, phim minh chứng rõ ràng vị trí của chúng trong lòng đất. Cùng với hiện vật, các tài liệu ghi chép trong quá trình khảo cổ còn phản ảnh nhiều thông tin khác về táng tục, quanniệm sống chết, nhận thức về sự phát triển, mối quan hệ giao lưu của cư dân cổ thuộc hệ Văn hoá Sa Huỳnh trên đất Hội An.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: 149 Trần Phú, Thị xã Hội An, Tỉnh Quảng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét