Huu Thanh

Vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy) con ai ?

Từ trước đến nay có nhiều tác giả trong nước cũng như nước ngoài đặt ra vấn đề này, với nhiều giả thuyết khác nhau khiến cho câu hỏi “Vĩnh Thụy con ai?” càng trở nên rối rắm, phức tạp. Thân thế của vị vua cuối cùng triều Nguyễn này trở thành hư hư thực thực. Dưới đây chúng tôi cũng cố gắng giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của một vài tác giả xoay quanh vấn đề trên để tiện tham khảo…


Giả thuyết thứ nhất

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 (tức 23 tháng 9 năm Quý Sửu) tại Huế, cha là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung sau này. Các vị hoàng thân quốc thích đã kể thêm về điều đó cho nhà nghiên cứu Huế là ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Xuân đã viết lại như sau:

“Vua Đồng Khánh sinh được sáu trai và hai gái, nhưng chỉ nuôi được một trai là Bửu Đảo và hai gái là công chúa Ngọc Lâm và công chúa Ngọc Sơn. Gia đình vua Đồng Khánh với bà Thánh Cung (con đại thần Nguyễn Hữu Độ) và bà Tiên Cung (họ Dương, mẹ đẻ Bửu Đảo sau này là vua Khải Định) hằng hy vọng Bửu Đảo sẽ là người nối dõi tông đường, bảo vệ được những gì vua Đồng Khánh đã vun đắp được trong thời gian ở ngai vàng (1885-1888).

Khi Bửu Đảo đến tuổi lập phủ thiếp, hai bà vui mừng đi cưới con quan đại thần Trương Như Cương cho con trai mình ngay. Cuộc hôn nhân này thật tuyệt vời : làm rể họ Trương vừa có thế lực vừa được của cải, biết đâu “trời đất đoái hoài”, Bửu Đảo được chọn làm vua. Nào ngờ vợ chồng Bửu Đảo ăn ở với nhau không có hạnh phúc. Ngày đêm Bửu Đảo chỉ ham thích đánh bạc không ngó ngàng chi đến bà vợ mới cưới. Khi vợ chồng gặp nhau, Bửu Đảo chỉ bàn có một việc là làm sao xin gia đình họ Trương cho thật nhiều tiền. Vợ Bửu Đảo rất buồn, nhiều lần phải khóc lóc với cha mẹ mới xin được đủ tiền cho chồng tiêu xài.

Lúc đầu, gia đình họ Trương còn giữ ý tứ cho ông hoàng Phụng Hóa Công (tước của Bửu Đảo lúc chưa làm vua) nhưng về sau Bửu Đảo cứ ép vợ về lấy tiền hoài, Trương gia rất bất bình đã nhiếc chàng rể là “đồ bất lực vô hậu”.

Biết chuyện con trai duy nhất của mình “không có hậu”, hai bà Thánh Cung và Tiên Cung buồn bã, thất vọng não nề, suốt ngày than thở cùng nhau về hậu vận. Và cứ thế, nỗi lo lắng chồng chất làm cho ngày đêm mất ngủ, ngày biếng ăn… sức vóc của hai bà ngày càng sa sút, tiều tụy… Tuy ham mê cờ bạc nhưng Bửu Đảo là đứa con có hiếu, thấy hai bà mệ đau buồn như thế ông cũng phải lo.

Ông đem chuyện tâm sự với một người trong hoàng tộc bậc ông nhưng tuổi tác lại đồng trang với cháu. Vị hoàng thân đó là Hường Đ (Hường Để, sinh năm 1885). Trong nhiều năm lui tới trà, rượu, bài bạc với cháu là Bửu Đảo, Hường Đ đã được người cháu giúp đỡ những lúc thiếu thốn. Do đó, lần này thấy Bửu Đảo muốn san sẻ một phần khó khăn của mình, Hường Đ đã ra tay giúp cháu…

Bửu Đảo đã rất vui mừng khi nghe Hường Đ dựng nên câu chuyện sau đây “Phụng Hóa Công vốn là người bất lực. Nhưng một hôm, Công bắn được một con chồn hương, người nhà đã hầm con chồn hương với sâm, nhung và nhiều vị thuốc bổ dưỡng khác. Buổi tối, Công uống rượu và ăn món hầm đại bổ ấy… liền cảm thấy hứng khởi và nổi cơn đòi phụ nữ… Giây phút sinh lực trần thế đột ngột, sợ nó tan biến đi nên sẵn có cô Hoàng Thị Cúc đang ở trong nhà, Công cho gọi đến và may mắn sao cô Cúc đã thọ thai”.

Tin cô Cúc có thai với Bửu Đảo đến tai bà Tiên Cung, bà Thánh Cung và những thân thích trong gia đình Phụng Hóa xem như một phép lạ.

Để xác minh thực hư, các bà đã sai đào một cái hố (sâu khoảng 2 tấc) bảo cô Cúc nằm sấp, để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố, rồi dùng roi đánh tra hỏi cô Cúc đã lấy ai mà dám vu cho Phụng Hóa Công. Cô Cúc cắn răng chịu đựng hình phạt và chỉ đinh ninh một lời khai là đích thị có mang với Bửu Đảo. Thế là các bà mừng rỡ công bố cho hoàng tộc biết Phụng Hóa Công sắp có con. Và lúc ấy trong hoàng tộc dù tin hay ngờ đều phải nhận như thế.

Sự thật, theo ông Phan Văn Dật và ông Ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Đắc Vọng thì không có chuyện Bửu Đảo ân ái với cô Cúc và cô Cúc may mắn mang thai. Cô Cúc đã mang thai với chính Hường Đ từ trước. Được Hường Đ nhường cho đứa con, Bửu Đảo rất hàm ân người ông. Để đền ơn, Bửu Đảo đã giúp đỡ Hường Đ rất nhiều về quan tước cũng như vật chất, tiền bạc. Do sự giúp đỡ của anh Bửu Dương, chúng tôi đọc 17 cuốn vở gồm 1700 trang viết tay của thầy Ưng Đồng (con trai cụ Hường Đ) viết về lịch sử gia đình và họ hàng nhà mình.

Qua tập di cảo đồ sộ ấy, chúng tôi đã lọc ra được một số chi tiết có liên quan đến sự việc Vĩnh Thụy chính là con cụ Hường Đ.

Trong khi đi dự họp Nguyễn Phước tộc ở Phú Tân, thầy Ưng Đồng thường hay được chào là “ông giáo sư em của Cựu Hoàng”, lời chào này hàm ý thầy Ưng Đồng với Bảo Đại là anh em cùng cha.

Thầy Ưng Đồng cho biết : khoảng năm 1912 thân phụ ông và Hoàng tử Bửu Đảo là đôi bạn thân ăn một mâm nằm một chiếu. Ngày 22-10-1913 Vĩnh Thụy ra đời thì một tháng rưỡi sau (7-12-1913) Ưng Linh, con chính thức cụ Hường Đ cũng ra đời. Hai cậu bé này lớn lên đều to béo khỏe mạnh giống nhau, ảnh của hai người đặt cạnh nhau thấy giống như anh em ruột.

Thầy Ưng Đồng còn cho biết thêm : “Bà ngoại ta thường vào cung Diên Thọ chào thỉnh an Đức Từ Cung. Đức Từ Cung gọi bà ngoại ta (tức mẹ vợ cụ Hường Đ) bằng “dì” dù bà ngoại ta không có họ hàng thân thuộc gì với Đức Từ Cung.”

Bà Từ Cung nhiều lần dặn mẹ cụ Hường Đ : “Khi nào Hoàng Đế hồi loan, dì cho thằng Đồng vào đây để nó nhờ” (phải chăng bà Từ Cung hàm ý cho Ưng Đồng vào Nội để hưởng lộc của anh ?).

Đoạn tư liệu trực tiếp nhất là vào khoảng năm 1934, trong một lần vào Đại Nội thăm viếng Hoàng đế Bảo Đại, ông Hường Đ đã bị mật thám Pháp ngăn trở. Về nhà ông ôm đầu bực tức “quở” rằng : “Đồ chó má! Tau là cha vua mà tụi nó chẳng nể nang chi”.

Nếu quả thật như dư luận (được thầy Phan Văn Dật thuật lại) và như đã ghi một cách khá rõ ràng trong tài liệu của gia đình cụ Hường Đ thì vua Khải Định đã nhận chú làm con!

Như tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã viết, mẹ đích (mẹ đẻ) ra Vĩnh Thụy là bà Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung. Điều này không ai chối cãi rồi. Nhưng người tạo nên cái bào thai trong bụng để bà sinh ra Vĩnh Thụy mới là rắc rối. Bởi nhiều giả thuyết đưa ra nhưng vẫn chưa có lập luận nào đứng vững, trong khi đó các đương sự có đủ thẩm quyền trả lời về vấn đề này lại trở thành người thiên cổ : vua Khải Định, bà Hoàng Thị Cúc, cụ Hường Đ. Còn Bảo Đại thì lại không thể trả lời được về chuyện sâu kín này.

Cho nên vị Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại trước 1945 là cụ Phạm Khắc Hòe đã đưa ra một giả thuyết thứ hai. Thuyết này do một người Pháp là Khâm sứ Pasquier nêu lên. Cụ Phạm Khắc Hòe viết về “Vĩnh Thụy con ai?” như sau :

“Khi Khải Định mới được Pháp cho lên làm vua, nhiều người đã bàn tán về sự liệt dương của ông và khẳng định rằng Vĩnh Thụy không phải là con của Khải Định. Về sau, mối quan hệ tớ thầy giữa Khải Định và thực dân Pháp càng khăng khít thì sự bàn tán ấy càng mở rộng làm cho Khải Định lo lắng sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc truyền ngôi cho Vĩnh Thụy.

Khải Định bèn chỉ thị cho Hội đồng Hoàng tộc và Viện Cơ mật làm một tờ biểu xin nhà vua sớm lập Hoàng từ Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng thái tử. Đó là tờ biểu ngày 2-4-1921 mà Khải Định đã tự tay mình đưa cho Khâm sứ Pasquier để nhờ giúp đỡ. Pasquier vốn rất thương Vĩnh Thụy và coi đó là con bài tốt nhất để tránh cho thực dân khỏi phải đương đầu trở lại với dòng Thành Thái – Duy Tân chống Pháp. Cho nên ông ta đã mất gần một năm điều tra nghiên cứu rất tỉ mỉ và ngày 24-2-1922 đã gửi cho ông Toàn quyền một bản báo cáo tối mật dài hơn 20 trang đánh máy."

Sau đây là một đoạn trích dịch bản báo cáo ấy : “Nhằm tranh thủ sự đồng tình của những quan lại muốn phục hồi ngai vàng cho một dòng đã hai lần chỉ gây thất vọng (ý nói Thành Thái – Duy Tân) người ta lại một lần nữa tung ra những tin đồn về sự bất lực của vua Khải Định trong việc tự tạo cho mình một người kế vị trực tiếp và cậu bé nhà vua đang nuôi trong Đại Nội không phải là con ông… Họ tung ra nhiều thuyết mà phổ biến nhất là thuyết cho rằng Vĩnh Thụy là con của hai người đầy tớ phục vụ trong gia đình Hoàng thân Phụng Hóa (Khải Định), nam tên là Thừa Quang, nữ tên là Thị Út, sau đổi là Thị Cúc. Nhưng đó là một chuyện hoang đường, sau về cơ bản vì nó không để ý đến một sự thật là Vĩnh Thụy rất giống Khải Định”.

Về thuyết trên, chúng tôi đã đem so sánh hình hai cha con Khải Định – Vĩnh Thụy lúc nhỏ thì thấy rất giống nhau. Còn người ta nêu ra thuyết Khải Định mặt không to béo, người gầy ốm trong khi Vĩnh Thụy béo tốt, to con nên không thể là con của Khải Định được, thì thuyết này không đứng vững được. Lý do Vĩnh Thụy ngay khi còn nhỏ đã được chăm sóc, ăn uống đầy đủ theo tiêu chuẩn Tây phưong nên sức khỏe tốt, rồi được gửi sang Pháp học, tới năm 13 tuổi thì được phong vua kế ngôi cha (Khải Định tạ thế). Nhưng dù được phong vua, Vĩnh Thụy (lúc nào là Bảo Đại) vẫn ở Pháp tiếp tục theo học, và nhất là Bảo Đại không như các vị vua tiền nhiệm sớm có vợ, nên sức khoẻ không bị suy yếu, đến năm 21 tuổi ông mới chính thức lấy vợ. Vậy thuyết cha yếu, gầy ốm xanh xao như Khải Định không thể sanh con mạnh khỏe như Bảo Đại là không có cơ sở do những thực tế đã trình bày ở trên.

Nhưng cụ Phạm Khắc Hòe lại còn đưa ra một giả thuyết thứ ba như sau:

“Một thuyết nữa khôn khéo hơn, vụ lợi hơn. Đó là thuyết của các ông Tôn Tước cho rằng, việc Vĩnh Thụy được đăng ký vào sổ hoàng tử ở Phủ Tôn Nhơn chỉ là vì Hoàng thân Phụng Hóa (Khải Định) vốn rất có hiếu với mẹ, muốn làm cho mẹ vui sướng được làm bà nội, nhưng sự thật thì Vĩnh Thụy là con một ông quan to ở bộ Lễ là Dương Quảng Lược em ruột của mẹ vua Khải Định. Nhưng xét cho kỹ thì thuyết này cũng không đứng vững. Trước hết, vì nó chỉ xảy ra 4 hoặc 5 năm sau khi Khải Định lên ngôi tức là lúc Vĩnh Thụy đã 7 tuổi. Mặt khác, không lẽ Hội đồng Hoàng tộc lại chấp nhận cho đăng ký vào sổ hoàng tử một cậu bé mà ai cũng biết là không phải là con của Hoàng thân Phụng Hóa. Bà nhạc thứ nhất của Hoàng công Phụng Hóa và là vợ của quan đầu triều Trương Như Cương chắc có đóng góp vào những điều vu khống chĩa mũi nhọn vào chàng rể của mình. Thêm sự keo kiệt của quan đại thần Trương Như Cương đã dẫn đến sự ly dị giữa Hoàng thân Phụng Hóa và con gái họ, vì vậy sự ra đời của Vĩnh Thụy đã khiến người ta gọi đó là con đẻ của lòng tự ái bị xúc phạm.

Nguyên khi gả con cho Hoàng thân Phụng Hóa, Trương Như Cương có hứa với chàng rể mỗi tháng sẽ cho một số tiền nhưng sau lại từ chối không cho. Để trả thù ông nhạc đã không giữ lời hứa, Hoàng thân Phụng Hóa không thèm ngủ với con gái của ông già keo kiệt. Bà Trương Như Cương bèn can thiệp, năn nỉ chồng nên làm trọn lời đã hứa, ông hoàng rể cũng khăng khăng đòi tiền. Nhưng Trương Như Cương vẫn nhất quyết không nhả tiền ra Cuối cùng, một hôm trong cơn đấu khẩu trong gia đình, bà mẹ vợ nổi nóng đã nhiếc mắng chàng rể là “đồ bất lực”.

Lòng tự trọng của đấng mày râu bùng nổ, ông hoàng rể lập tức phủ định lời chế giễu của bà mẹ vợ bằng một cử chỉ hào hùng : ngài đã chọn trong bọn đầy tớ gái của vợ mình một cô đẹp nhất, mạnh khỏe nhất, và ban ngay cho tại chỗ một trận mây mưa dồi dào và kết quả là sự hạ sinh một ông hoàng”.

Trong tất cả các thuyết ra đời của Vĩnh Thụy, tôi dứt khoát chọn thuyết “một cơn sóng tình đột xuất”. Sau khi khẳng định như vậy, Khâm sứ Pasquier nhấn mạnh thêm về lợi ích chính trị của vấn đề và đề nghị Toàn quyền cho phép thông báo cho nhà vua biết rằng chính phủ Cộng hòa Pháp vui mừng được thấy lời thỉnh cầu của Nam triều về việc lập Hoàng tử Vĩnh Thụy làm Đông cung Thái tử sẽ sớm được thực hiện.

Đề nghị của Khâm sứ Pasquier được Toàn quyền chuẩn y một cách khẩn trương và một tháng sau cậu bé Vĩnh Thụy mới 8 tuổi đã chính thức trở thành Đông cung Hoàng Thái tử thứ hai từ đời Gia Long. Nhưng tất cả những màn kịch trên vẫn không thay đổi được sự thật là Vĩnh Thụy không phải là con của Khải Định”.

Theo tác giả Phạm Khắc Hòe thì Vĩnh Thụy chưa hẳn đúng là con của Khải Định “đúc cốt” mà Khải Định chỉ là “tráng men”. Và tác giả Phạm Khắc Hòe còn nêu ra cơ sở sự thật ấy như sau :

“Năm 1907, thực dân Pháp sau khi phế truất Thành Thái, đã định đưa Bửu Đảo (con Đồng Khánh và là Khải Định sau này) lên ngôi để chúng bón phân thêm cho “cây giống” bù nhìn Đồng Khánh, nhưng vì khi đưa vấn đề ra cuộc hội thương giữa Khâm sứ Pháp và triều đình Huế, nhiều đình thần tỏ ý không muốn đặt lên ngai vàng một ông vua “vô hậu” nên thực dân Pháp đành chấp nhận Duy Tân. Việc này đã được ghi vào trong biên bản cuộc hội thương ấy.

Trước ngày Vĩnh Thụy chào đời theo thuyết “một cơn sóng tình đột xuất” của Pasquier, Khải Định đã có hai vợ và sau đó lấy thêm mười vợ nữa mà không bà nào có con cả.

Tôi đã có dịp nói chuyện khá lâu với hai thiếp của vua Khải Định là bà T.D ở phố Bạch Đằng - Huế và bà T.D ở chùa Hồng Ân - Huế. Mỗi bà đều có một cách nói tế nhị khác nhau, nhưng cả hai đều cho biết Khải Định không thể nào có con được. Vậy thì Vĩnh Thụy con ai? Nói cho đúng hơn thì phải hỏi : Bố Vĩnh Thụy là ai? Nhưng vấn đề cực kỳ phức tạp, rất khó tìm ra câu trả lời cho thật chính xác mà vạn nhất có tìm ra được thì cũng không lợi ích thiết thực. Cho nên tôi thấy cần hỏi câu này có thể làm cho một số bạn bật cười và cho là tôi tự mâu thuẫn. Vì xét về mặt tư tưởng tâm hồn, tình cảm thì bố Bảo Đại là một người mà trừ bọn Việt gian phản động, tất cả nhân dân ta đều biết mặt, biết tên và căm thù rất sâu sắc. Nếu có bạn nào quên thì xin mời đọc lại những đoạn trích dịch bản công văn tối mật nói trên, bạn sẽ thấy ngay rằng bố đẻ của Bảo Đại là chủ nghĩa thực dân Pháp.

Nếu không có những thủ đoạn vô cùng xảo quyệt của chủ nghĩa thực dân Pháp thì chắc Bảo Đại đã không ra đời, và người nối ngôi Khải Định đã được lựa chọn trong hàng ngũ anh em, con cháu Thành Thái.

Chính vì run sợ trước khả năng này mà tên thực dân cáo già Pasquier đã vắt óc dựng nên câu chuyện hoang đường “một cơn sóng tình đột xuất” để đưa đứa bé Vĩnh Thụy mới hơn 8 tuổi lên ngôi Đông cung Hoàng Thái tử và đích thân bế về Paris giao cho Charles, một thực dân đầu sỏ về hưu, nuôi nấng, giáo dục, đào tạo thành một ông vua bù nhìn tuyệt đối trung thành với Pháp.

Như vậy, cho tới nay chúng tôi thấy chưa có tác giả nào dám khẳng định và cam kết biết rõ sự thật ai là cha đẻ của Bảo Đại. Còn thuyết nọ thuyết kia đưa ra cũng chỉ là do một phía chống đối, ghen ghét hoặc bảo vệ Khải Định mà thôi. Chỉ có một sự thật lịch sử có thể nắm bắt được, đó là việc Bảo Đại được tấn phong làm Đông cung Hoàng Thái tử trước khi Khải Định băng hà.

THAM KHẢO

 Trích “Nói Chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp” của Thụy Khuê:

Cụ (Trần Trọng Kim) cho biết rằng cụ nhận được cái giấy của ông Bảo Đại, mời cụ về để hỏi ý kiến; cũng nhân tiện để có thể về thăm bà con và ở lại Việt Nam, cho nên cụ cũng nhận về, chứ cụ nói với tôi (tức Hoàng Xuân Hãn) như thế này: “Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì!” Cụ nói với tôi rõ ràng như thế.

Tôi nói: “Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau.” Cụ bảo: “Thế nào tôi cũng phải ở lại đây vài ngày, nhất là vợ tôi đã tới đây. Tôi sẽ gặp.” ……..

Ngay sáng hôm sau thì Phạm Khắc Hòe đưa cụ vào thăm ông Bảo Đại……. Đến lúc ra, cụ gặp tôi, cụ bảo: “Lạ lắm!”

“Chuyện gì lạ?”

“Tôi vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải ngốc như người ta nói” Cụ Kim nói với tôi như thế. Thấy cụ có cái sympathie lạ lắm.

  Trích Hồi ký “Một Cơn Gió Bụi” của Trần Trọng Kim:

Từ trước tôi không biết vua Bảo Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mồng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những lời đúng đắn…..

Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.” ……..

“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”
Huu Thanh

Không có nhận xét nào: