Đinh Tấn Lực

Trình Gảo Kim …Trật Búa

Quanh bàn nhậu lâu nay vẫn thường có người say sưa kể chuyện nhà Đường (618-907), từng được coi là đỉnh cao của nền văn minh Trung Hoa. Với Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân bên Tàu. Chuyện Đường Tăng sang Tây Vực thỉnh kinh (Tây Du Ký). Hoặc chuyện đâm ngang/chận đứng bánh xe lịch sử của thời Võ Chu (690-705) với nữ hoàng đế duy nhất Võ Tắc Thiên lừng danh toàn bộ sử Tàu.


Lúc nâng cốc, những người có điều kiện cũng thường tiện dịp khoe chuyến tham quan Đại Đường Phù Dung Viên ở Tây An (tức cố đô Trường An), rộng 700.000 mét vuông với khoảng một phần ba diện tích đó là nước, phần còn lại là khu Bảo tàng nghệ thuật đời Đường, ở ngay phía Nam một ngôi chùa được xây dựng khoảng 14 thế kỷ trước và từng là nơi Ngài Huyền Trang dịch kinh Phật.

Thỉnh thoảng lại có lắm kẻ tỏ lòng hâm mộ quyển “Toàn Đường Thi” với gần 50 nghìn bài thơ của hơn 2300 nhà thơ đời Đường. Rồi cao hứng ngâm nga dăm bài tứ tuyệt cứng nêm/chắc luật/trắc trắc/bằng bằng giòn giã như tiếng AK trong thời hoàng kim của văn học nghệ thuật TQ, với các ngôi sáng thuộc hàng thi tiên và thi thánh như Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, Trần Tử Ngang, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích, Sầm Sâm, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Lý Hạ, Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục v.v.…

Lâu rồi, hồi VTV3 khởi chiếu phim Trình Giảo Kim (Cheng Yaojin  程咬金) , có người đã điện nhắc mở đài giục coi đi, coi đi, hay lắm, hay lắm!

Mà thiệt, cảm ơn người nhắc, và cảm ơn VTV, là nhờ phim bộ truyền hình n ày mới biết tay danh hài Tiết Cương là con của Tiết Đinh San, tức là cháu nội của Tiết Nhơn Quý. Mới biết Đơn Hùng Tín, Tần Thúc Bảo, Trương Công Cẩn, Uất Trì Cung, La Thành, Vưu Tuấn Đạt và Trình Giảo Kim… là một nhóm quần hùng tụ hội. Mới biết Trình Giảo Kim đã từng ba lần làm sứ giả cầu viện tẩu tẩu Phàn Lê Huê xuống núi giúp nghĩa huynh Tiết Đinh San; và từng nổi tiếng về tài đánh búa, lại còn được thiên hạ nể trọng về biệt danh triệt hạ đối thủ trong vòng ba chiêu búa đầu tiên.

Mà thiệt, không có VTV thì lấy đâu dân ta có tài thuộc lòng sử Tàu tới vậy?

Làm sao dân ta biết rõ Lý Thế Dân là người động viên phụ thân Lý Uyên đứng lên khởi nghĩa dẹp nhà Tùy để lập ra nhà Đường vang danh bốn cõi là “thịnh thế thiên triều”?

Làm sao biết rõ Lý Thế Dân, cho dù đã xuống tay sát hại 2 anh em trai Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát cùng 10 người con trai của họ, để chiếm ngôi thái tử, sau thành Đường Thánh Tông… nhưng vẫn để đời công trạng từng thân hành dẫn quân chinh phạt Cao Ly; từng thả 3000 cung nữ về với mẹ cha ngay khi vua cha Đường Cao Tổ băng hà; từng trân trọng hiền tài Mã Chu ngay khi đọc tờ sớ đầu tiên của đương sự; từng xiển dương và thực hiện lời khuyên của đại thần Ngụy Trưng: “Nghe rộng thì sáng, nghe lệch thì tối”; từng kết nghĩa đệ huynh với Đường Huyền Trang (Đại sư Tam Tạng); từng cắt sưu giảm thuế, mở kho phát chẩn dân nghèo và chuộc những nạn dân phải bán mình làm nô tỳ; và tự để đời nhiều danh ngôn của một minh quân, ví dụ như: “Muốn làm vua được tốt, cần trước tiên để trăm họ sống nổi. Nếu vì mình mà làm tổn hại đến trăm họ, giống như cắt thịt đùi ăn vào bụng, bụng no thì người cũng chết”…

Cái lớn gấp bội mà truyền hình VTV không nhắc, khiến cho dân ta, vốn ít khi đọ sử, để biết rõ hơn, rằng, thời (4T) Thịnh Thế Thiên Triều của Đại Đường chính là thời kỳ Việt Nam lâm vòng Bắc thuộc lần thứ 3:

Năm 602, nhà Tùy sai Lưu Phương đem quân sang đánh nước Vạn Xuân. Vua đời thứ 3 của Vạn Xuân là Lý Phật Tử hàng giặc, bị bắt sang Tàu. Việt Nam trở thành một châu của nhà Tùy, gọi là châu Giao.

Năm 605, nhà Tùy đổi châu Giao thành quận Giao Chỉ, đồng thời, đặt ra Phủ-Đô-Hộ-Giao-Chỉ để cai trị Việt Nam.

Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy, lập ra nước Đại Đường bề thế.

Năm 622, thái thú đương nhiệm của nhà Tùy là Đại tổng quản Khâu Hòa xin thần phục nhà Đường. Việt Nam tất nhiên trở thành thuộc địa của Đại Đường.

Năm 624, Đường Cao Tổ lại đổi Phủ Đô Hộ Giao Chỉ thành Phủ Đô Đốc An Nam. Tên gọi An Nam trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời điểm này. Chức quan đứng đầu Phủ Đô Hộ An Nam lúc đầu gọi là Kinh lược sứ, sau đổi thành Tiết độ sứ. Nhà Đường lại chia Giao Châu làm 12 châu là: Giao/Phong/Chi/Ái/Lục/Thang/Hoan/Trường/Diễn/Võ An/Võ Nga/Phúc Lộc; đứng đầu mỗi châu là một viên quan thứ sử; mười hai châu này lại được chia thành 59 huyện.

Trong suốt 300 năm Bắc thuộc lần thứ 3, dân ta có tổng cộng 5 cuộc nổi dậy giành độc lập:

Năm 687, do Lý Tự Tiên và Đinh Kiến khởi xuất;

Năm 713, do Mai Thúc Loan khởi nghĩa, xưng là Mai Hắc Đế;

Năm 791, do anh em Phùng Hưng và Phùng Hải đề xướng, chiếm thành châu Giao, nhưng sau khi Phùng Hưng mất, con ông là Phùng An đã đầu hàng Triệu Xương nhà Đường;

Năm 819, do người Tày/Nùng ở vùng Tây Bắc nổi dậy chống lại quan lại nhà Đường.

Năm 905, do Hào trưởng Chu Diên (Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ dấy động dân binh nổi lên chiếm lấy thủ phủ Đại La (Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ, và chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc này.

Khán giả của VTV, vì không rõ, nên chẳng thể nào mê các đường đao/kiếm Việt Nam của Phùng Hưng hay Khúc Thừa Dụ, so với tài năng xuất chúng trên màn ảnh của Trình Giảo Kim về đường búa 3 chiêu (tức là khi phải dùng tới chiêu thứ tư thì coi như thua).

Lắm kẻ mê Trình đến mức viết báo tuyên truyền xem ra chẳng khác gì họ Trình múa búa.

Gần đây nhất, trên trang báo ANTĐ (mở rộng), lại xuất hiện một kẻ rìu to búa lớn, hiệu là Nguyễn Việt, mạnh dạn lên tiếng kêu gọi bất kỳ người Việt nào đang mơ hãy mau tỉnh lại.

Trình tự của chiêu thức Giảo Trình Ba Bốn Búa này như sau:

Bái tổ, tác giả đặt ra tiền đề âm mưu kích động “các cuộc tụ tập bất hợp pháp của vài chục người” là bởi có người kích động (nhằm chống nhà nước).

Búa thứ nhất, tác giả đặt câu hỏi là đa phần người biểu tình có cùng quan điểm chống nhà nước đó không.

Búa thứ hai, tác giả nêu vấn đề hợp pháp của các “cuộc tụ tập đông người và sáng chủ nhật những tuần qua”.

Búa thứ ba, tác giả nâng cấp sự hợp pháp của các cuộc biểu tình đó lên hàng “thách thức pháp luật”.

Búa thứ tư, sau cùng, tác giả cố tình tỏ vẻ bỏ ngỏ việc chốt lại cái tiền đề áp án của đòn khai búa.

Không ai chắc tác giả bài viết ngu si tăm tối dường đó. Chỉ có thể quy cho kẻ đặt hàng bài viết đã tự thiết kế hệ lý luận “bước chân lừa quanh cối xay” này xoay xoắn cái tiền đề có 2 ý chính: một là tụ tập bất hợp pháp, và hai là có người kích động.

Từ tiền đề tưởng là chắc nịch đó, câu hỏi thứ nhất là một đường búa tự chặt lấy chân. Bởi vì câu trả lời 50/50 là có hoặc không. Tác giả tự cho cái quyền trả lời “không” thay cho người được hỏi là đám đông tham gia biểu tình, như thói tự đại diện của truyền thông nhà nước vẫn từng làm và vẫn ngỡ nó còn hiệu nghiệm, song sẽ mắc quai ở điểm nó tự phát. Trong thời đại a-còng này, nhiều phần câu trả lời chưa chắc sẽ như nhà nước mong đợi. Muốn biết chắc, phải làm một cuộc thăm dò dư luận khoa học và khách quan. Có đứa nào dám trưng cầu dân ý không? Bởi ở vào trường hợp nhà nước ít hèn đó, nếu đa phần người tham dự trả lời “có” thì kẻ đặt hàng lẫn kẻ viết bài sẽ chui vào đâu cho đỡ nhục? Hoặc sẽ về đâu học lại các nguyên tắc truyền thông, với điều ghi nhớ hàng đầu là đừng bao giờ liệt kê số đông của đối thủ, chưa nói tới chuyện đẩy thêm đối tượng biểu tình (và cả độc giả bài báo) về phía đối thủ cho nó sớm thành đối lập.

Vẫn từ tiền đề chắc nịch nói trước là bất hợp pháp, tác giả lại múa thêm đường búa tự chặt lấy tay, bằng câu hỏi các cuộc tuần hành đó có hợp pháp hay không. Câu hỏi, không khéo, như trong trường hợp này, sẽ dẫn đến một tác dụng lật ngược bất ngờ: Luật biểu tình ở đâu để quy rằng các cuộc biểu tình đó là bất hợp pháp? Hay nhẹ nhàng hơn, Vì đâu mà các cuộc biểu tình đó bất hợp pháp? Vì nhà nước run sợ không dám đề xuất và thông qua luật biểu tình? Vì cả đảng lẫn nhà nước phải câu giờ để cai trị đất nước bằng sắc lệnh thay cho luật? Vì cả đảng lẫn nhà nước chỉ có cái khả năng hết mức là ban hành loại “thông báo” vi hiến/vi luật/khơi khơi/không số/ không nơi gửi/không người nhận/không chữ ký? Hay, vì cả đảng lẫn nhà nước chỉ có cái khả năng hết mức về định nghĩa, rằng “Các cuộc tụ họp đông người không xin phép được coi là bạo loạn và cảnh sát thẳng tay đàn áp ngay”?

Búa thứ ba, phọt ra ngoài cái tiền đề nói trên, và lần theo thói “thuyết phục” của trung tá CA Hoàng Văn Dũng đối với Blogger Điếu Cày, thì hẳn đây là đường búa quay ngược tự “làm mất khả năng đàn ông” của kẻ đang múa. Bởi, chẳng mắc gì mà tác giả (luôn cả tay đặt hàng và nhà nước) phải bực mình về quyết định riêng của nhóm biểu tình là khi nào đi/khi nào nghỉ. Rồi tự nâng cấp/gán ghép/mở đường cho những quyết định tự thân của họ biến thành những “thách thức”, thậm chí, là “khiêu khích”, là “láo xược”. Thách thức thì đã sao? Một chính phủ lành mạnh và có nội lực chẳng đời nào lo sợ những thách thức (challenging) để tranh luận hướng tới một giải pháp tối hảo cho đất nước. Chấp nhận thách đố, (giữa lãnh đạo với cá nhân/giữa lãnh đạo với một tổ chức/giữa chính phủ với tổ chức phi chính phủ/giữa đảng cầm quyền với đảng đối lập…), từ đó, còn là một loại văn hóa chính trị tầm cao. Chỉ có những võ sĩ hạng hèn mới không dám nhận lời thách đấu. Chỉ có những chính phủ bị coi là bất xứng hoặc tự ti về tính bất xứng của nó mới sợ hãi thách đố. Còn, ngoài ra, chỉ hạng tay sai/văn nô/bồi bút… mới rạp mình bày tỏ niềm bực tức cho rằng các thách thức trong sáng của sinh hoạt dân chủ là những khiêu khích hay láo xược. Chính loại văn nô tự khúm núm hạ mình xuống hàng con cái của thứ cha mẹ bạo quyền (hay tương quan chó-chủ) đó mới tự coi hành động thách đố là “láo xược” với bề trên. Đường búa thứ ba này đã lột trần thân thế và tính cách của tác giả cùng kẻ đặt hàng bài báo trên tờ ANTĐ.

Đường búa phụ trội thứ tư (coi như thua), chính là một câu hỏi lơ lửng như một đoản khúc tự vấn có lời đáp sẵn trong tiền đề áp án bên trên: “âm mưu thật sự của những kẻ kích động các cuộc tụ tập bất hợp pháp là gì?”. Coi như thua, chính là ở chỗ huỵch toẹt ra nỗi sợ hãi sinh tử của chế độ, rằng: Trước sau gì Nhân dân cũng sẽ đều bước tuần hành từ điểm chống TQ xâm lược tới điểm vạch trần cái hèn của đảng nhà nước quỵ lụy TQ nên không dám lên tiếng về hiểm họa Bắc thuộc lần cuối này. Điểm vạch trần đó, trong niềm tự ti giao thoa và cộng hưởng của bạo quyền và văn nô, mặc nhiên được gia cố thành tội danh đi từ chỗ chống TQ tới chỗ chống nhà nước.

Cái đọng lại trong đầu độc giả, nếu có, chỉ có thể là nỗi sợ hãi sinh tử đó, đã được tác giả cất công kẻ rõ nét, tô đậm màu, với lời tự kết là hãy tỉnh lại.

Nỗi sợ hãi tập thể và có hệ thống đó không có thắng hãm đà tuột dốc.

Nó ăn lan qua bài 2 của cùng tác giả, với bức ảnh một du khách mặc áo đỏ ngồi xích lô mui đỏ minh họa cho “ấn tượng một Việt Nam ổn định, hoà bình và phát triển”, trong lúc toàn bài phải dựa vào cái Nghị định 38/2005/CP ngày 18/3/2005 để chứng minh kỳ tích dưới sự lãnh đạo của đảng, Việt Nam hiện là một đất nước gia công (đầy rẫy gia nô) dưới một nền công an trị theo nghị quyết và nghị định.

Trình tự lý luận chân lừa/cối xay của cả hai bài báo được trả nhuận bút bằng tiền thuế của dân chứa đầy lổ hổng như nói trên, trên thực tế, cũng chỉ là một hệ quả không thể khác của cái nền báo chí ma đầu và du côn, như WikiLeaks tiết lộ hàng loạt (phụ lục 1 & 2), trong đó, thật khó thấy được chất người của các ngòi bút.

Lắm kẻ kháo nhau rằng đây chính là hậu duệ nhiều đời của Trình Giảo Kim …trật búa, trong sổ hộ chiếu ghi tên là Trình Giảo Xan, chẳng biết đúng sai được mấy phần.

Chỉ biết đám giang hồ Dân Báo thời này lại mắn đẻ, sinh ra chi cho lắm Dương Lâm, khiến Trình Giảo Xan phải rơi vào hồi thứ 10 của truyện “Thuyết Đường”: Dê Tìm Cọp.

28-8-2011. Mừng sinh nhật cố Văn hào Lép Nicôlaiêvich Tônxtôi. Một ngày đọc báo lá cải để nghĩ đến những tay chọc trời khuấy nước.

Blogger Đinh Tấn Lực

Phụ lục 1:


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khiến nhiều người ngạc nhiên vào 28 tháng Năm khi văn phòng thủ tướng ra lệnh cho tất cả các tòa soạn báo in và báo điện tử lớn ở Việt Nam, 2 ngày trước ngày giỗ đầu của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, rằng phải đăng một bài viết của ông Dũng tưởng nhớ sự kiện này. Các nguồn tin từ báo chí ở tp HCM nói với tòa lãnh sự rằng truyền thông nhận chỉ thị trực tiếp từ văn phòng Thủ tướng rằng bài của ông phải đăng trang nhất, và rằng không có bài viết nào về ông Kiệt được phép xuất bản trước bài này.

Bài viết của Thủ tướng Dũng nhiều hơn một bài tán tụng lãnh đạo cộng sản thông thường, ca ngợi ông Kiệt như một người hăng hái tranh đấu cho tự do, một nhà cải tổ vĩ đại, một người tiên phong hòa giải dân tộc và một nhà cải cách kinh tế. Nhưng khi bài viết được đăng, dư luận xả van. Nhiều bài báo, trên cả báo chính thức lẫn cộng đồng blog, miêu tả ông Kiệt như là nhà lãnh đạo cuối cùng thuộc thế hệ Đổi Mới ở Việt Nam: Một nhà đổi mới vĩ đại, một người mong muốn hòa giải, nhưng hơn hết, một người ủng hộ dân chủ có vị trí và uy tín không ai có được để công khai ủng hộ cải cách.

Những quan sát viên chính trị ở tp Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết họ đọc bước đi của ông Dũng như một nỗ lực “xây dựng hình ảnh của ông ta như một người cổ vũ cải cách”, và đặc biệt là để lấy lòng những trí thức có đầu óc đổi mới, những người gần đây đã công khai phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính phủ Việt Nam. Một nguồn tin tin cậy nói với chúng tôi rằng, khi mà ông Dũng và chính phủ VN đã tỏ ra không mấy tôn trọng mong ước và suy nghĩ của ông Kiệt vào năm ngoài, thì mánh khóe của Thủ tướng tỏ ra “phản tác dụng” với trí thức tp Hồ Chí Minh và thất bại trong việc kiếm điểm cho Thủ tướng.
Đinh Tấn Lực

Không có nhận xét nào: